Thuận Thị Trụ và sắc màu thổ cẩm Chăm…

Trong tuần văn hoá VN tại Bỉ 2001, có một người phụ nữ Chăm lên diễn đàn nói về thân phận của người phụ nữ Chăm từ chiến tranh đến thời bình. Câu chuyện của chị đã làm cử toạ bật khóc.

Chị đến từ làng thổ cẩm nổi tiếng Caklaing- Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), giới thiệu văn hoá Chăm và dệt vải cho người nước ngoài xem. Tới nay, chị đã có 20 chuyến đi đến hơn 10 quốc gia. Tên chị là Thuận Thị Trụ, nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng, người đầu tiên xuất khẩu thổ cẩm của mọi miền đất nước ra nước ngoài.

Từ trái, hàng đầu: Chị Trụ và anh Inrasara; hàng sau: con trai và anh Trần Can

Chị cũng chính là Trà Ma Hani – tác giả tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng đoạt giải của NXB Kim Đồng 2001-2002. Tên của chị đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi sĩ Inrasara – chồng chị, người thua chị đến 8 tuổi.

Trong văn phòng đầy vải vóc, túi xách, balô, ví, tranh… thổ cẩm của chị Trụ ở quận Tân Phú, TPHCM, có hơn 500 mặt hàng của các dân tộc thiểu số. Chị Trụ cũng có một xưởng dệt ở Tân Phú, với hơn 50 nhân công. Lương tối thiểu của mỗi người là 1,5 triệu đồng/tháng, cao nhất là 2,5 triệu. ít ai ngờ từ chỗ tay trắng, người phụ nữ Chăm này đã có công vực dậy làng nghề Mỹ Nghiệp, tạo công ăn việc làm cho cả một làng quê nghèo, mở thị trường thổ cẩm tại TPHCM.

Người mua tơ chịu

Có những năm túng bấn, hai vợ chồng chị Trụ xoay đủ nghề mà vẫn không đủ sống. Hết lượm phân bón đất, trồng rau muống, lên Tây Nguyên bán áo quần sida, lại về miền Tây bán thổ cẩm cho người Khmer, thất bại lại trở về quê mở quán càphê…

Năm 1988, tình cờ nghe có người ở TPHCM muốn mua hàng thổ cẩm, chị Trụ bụng chửa vượt mặt 8 tháng lần vào Sài Gòn tìm gặp cho bằng được. Đến nơi, người ta đưa mẫu rồi hẹn ngày giao hàng. Lúc đó trong túi chẳng có xu nào ngoài tiền đi đường, nhưng chị vẫn tìm đến cửa hàng tơ xem sao. Thấy Trụ chất phác, thật thà, mặt mũi lại sáng sủa, nên bà chủ thuận bán chịu tơ cho chị.

Với mớ tơ đầu tiên ấy, chị mang về, phân phối đều trong làng để làm kịp đơn hàng. Nhưng khi giao hàng, có quá nhiều lỗi vì chưa có kinh nghiệm, người ta chỉ lấy 40% sản phẩm. Chị Trụ đủ tiền trang trải tơ và mua chịu tiếp, nghiến răng nhận thêm hàng. Có khi vừa giao tơ, giao tiền trước để người ta mua mắm, mua gạo để sống; ai ngờ vì quá túng bấn mà có người nhận tiền xong… lủi mất.

Khổ nhất là những chuyến xe tải hàng từ Ninh Thuận vào TP. Có khi người ta chất bao mực biển lên bao thổ cẩm, màu mực đổ hết lên vải; có khi mưa làm thổ cẩm phai màu. Chị đành lấy vải đó chọn những chỗ tốt may ví, túi xách nhỏ, bán để lấy lại chút vốn. Cứ thế, ban đầu phải lấy tiền bán càphê ra bù lỗ, sau đó từ từ cũng dần trả được nợ. Đó là đầu năm 1990. Do mặt hàng thổ cẩm thời đó chưa ai bán, công việc kinh doanh cũng tạm ổn, chị Trụ có đủ tiền thuê một góc nhỏ gian hàng ở thương xá Tax, TPHCM.

Có một ngày chị không thể quên được. Đó là khi cặp vợ chồng người Pháp reo lên: “Ô, hàng thổ cẩm mình tìm kiếm khắp nơi đây rồi!”. Sẵn có vốn ít tiếng Pháp, chị Trụ mừng rỡ chào mời. Niềm vui nữa là khi có hai người Nhật đồng ý khuân hết hàng tồn về Nhật bán, hào phóng rút 100 triệu đồng ra trả. Từ đây, chị đã có đủ khoản vốn dằn lưng để sản xuất và kinh doanh.

Khi thấy hàng Chăm bán được, trong khi các hàng khác của người Thái, Mông… thì ế ẩm ở khu hội chợ triển lãm tại Hà Nội, chị Trụ bắt đầu nghĩ cách mua đủ mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc, ban đầu là của Thái, về bỏ mối cho các shop lưu niệm ở TPHCM. Kết quả là hàng Thái bán chạy không thua hàng Chăm. Hiện nay, làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xem là làng nghề truyền thống với con số người dân làm nghề chiếm tỉ lệ lý tưởng: 95%.

Năm 2000, Công ty thổ cẩm Inrahani ra đời, do chị Trụ làm giám đốc, giải quyết việc làm cho 200 phụ nữ nghèo ở Mỹ Nghiệp. Sau đó, nhiều đại lý được mở ở Đà Lạt, Đà Nẵng, TPHCM… Sản phẩm của công ty có mặt không chỉ ở trong nước, mà còn ở các hội chợ triển lãm ở Thuỵ Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan…

Niềm vui sống dậy trên thớ vải

Trước đây, người Chăm dệt thổ cẩm chỉ có 4 màu, trên nền đỏ, cùng 3 màu phối là xanh, trắng, vàng. Nhưng đến lượt Trụ, chị đưa 30 mẫu hoa văn cổ để cách điệu về màu sắc, mẫu mã. Ngày bé, nghèo khó, vất vả, trên đầu có khi đội 20kg rau heo, chân trần đi trên cát bỏng, mà hễ rảnh ra là chị lại mơ. Mơ được học đến nơi đến chốn, mơ được một người chồng yêu thương, mơ sao con mình nên người… Những gì hy vọng nhất đều được gửi gắm vào từng cách phối màu, hay từng hoạ tiết trên mặt thổ cẩm.

Tiếng lành đồn xa. Sản phẩm của công ty đoạt 4 huy chương vàng ở hội chợ triển lãm trong nước và chị Trụ nhận được danh hiệu “Bàn tay vàng”, là nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất vùng Ninh Thuận.

Không những thế, chị có mặt ở những đêm lễ hội, biểu diễn dệt thổ cẩm cho nhiều người xem. Nhiều nước mời chị sang từ 2-6 tháng, trả lương hơn 1.000USD/tháng chỉ để… trình diễn dệt vải và giải thích về nét đẹp của văn hoá Chăm. 80% số mặt hàng của chị Trụ cung cấp cho các shop trong nước, còn lại xuất đi nước ngoài.

Chị Trụ khoe: “Tôi đang nghiên cứu các bức phù điêu Chăm để đưa vào thời trang thổ cẩm. Vương quốc Chămpa ngày trước nổi tiếng về điêu khắc, nghệ thuật múa, hát… Chính vì thế, tôi muốn thể hiện bản sắc Chăm trên mỗi sản phẩm của Inrahani”.

Có một điều lạ là người giải quyết công ăn việc làm cho bao nhiêu phụ nữ Chăm như chị lại không biết tiêu tiền, đếm tiền. Mọi khoản tính toán chị giao cho nhân viên. Muốn giải quyết một công việc, chị lại kêu gọi mọi người cùng ngồi lại nghĩ cách.

Chị nói: “Ở công ty, tôi không phải là giám đốc, mà là một bà mẹ. Có gì cứ chỉ tận tay. Khích lệ mọi người coi công ty như nhà của mình. Trong gia đình cũng thế. Người phụ nữ cũng phải biết bao dung như người mẹ. Có như thế thì mình mới là điểm sáng trong nhà, chồng và con đều có thể cậy nhờ”.

Trà Ma Hani ngày trẻ từng là cô giáo mầm non xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Chị còn tích cực tham gia công tác xã hội trong làng. Khi phát hiện ra nguồn nước ô nhiễm, chị tiếp xúc với đại diện của Sứ quán Canada, thuyết phục họ trích quỹ đầu tư cho dân làng hệ thống nước sạch và nhà mẫu giáo, lại vận động Hội Phụ nữ huyện thực hiện sau 3 năm bỏ quên hồ sơ dưới… gầm giường. Hai vợ chồng chị tặng sách cho thư viện làng, chị cùng con gái giúp 50 người mổ đục thuỷ tinh thể…

“Điều chị nghĩ mình làm được nhất trong đời là gì?”. “Tôi tự hào vì mình đã đi đúng hướng. Nhất là khi Nhà nước khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống, tôi dành tất cả tâm huyết làm cho làng Chăm sống động lên, các làng nghề của các dân tộc anh em cũng khởi sắc theo. Điều này cũng giống một mũi tên bắn được ba con chim: Giải quyết vấn đề kinh tế, văn hoá và xã hội.

Thời còn trẻ, tôi từng theo chồng trước (đã mất) sang Pháp ở 3 năm, cũng thường theo các xơ làm từ thiện. Từ đó, tôi nghĩ về cuộc đời của mình, của những người phụ nữ Chăm, mà ước muốn viết hồi ký hoặc viết một cuốn tự truyện. Tôi kiếm ra tiền nhưng chỉ coi đó là phương tiện, lo cho con ăn học.

Năm đứa con giờ đã lớn. Tôi cũng vô cùng tự hào vì anh Inrasara học nhiều, biết nhiều, từng đoạt giải thưởng của TT Lịch sử và Văn hoá Đông Dương (thuộc ĐH Sorbonne, Pháp), Giải thưởng văn học ASEAN 2005…

Điều tôi muốn nói với tất cả những phụ nữ trên đời này là hãy thương lấy mình. Quan trọng là mình có thể làm chỗ dựa cho chồng những lúc gian khó. Mình lo cho con không chỉ cái ăn, cái mặc, mà là để chúng tự hào về cha mẹ chúng. Đó mới là tình thương trọn vẹn nhất.

Nếu cả cuộc đời mình lo cho người khác và lo chăm sóc bản thân mình, từ sức khoẻ, tinh thần, đến khát vọng trong tâm hồn, thì từ chính người phụ nữ sẽ toả ra vẻ đẹp nhân hậu và có sức thu hút nội tâm – đó mới là giá trị vĩnh cửu”.

Trong Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” 2005 hàng vạn du khách nhận ra ngay trong suốt buỗi lễ này đó là một “hồn” Việt được thêu dệt ngay trong lòng di sản Mỹ Sơn thông qua những tà áo dài thướt tha của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh

. Cái độc đáo của nhà tạo mẫu này là đã biết kết hợp hài hoà hai báu vật mà trời đất ban tặng, đó là tà áo dài của người Việt và chất liệu vải thổ cẩm Chăm do chính tay nghệ nhân Thuận Thị Trụ dệt nên.

Trần Can ( lược từ Internet )

Nghệ thuật giao tiếp

Mến chào các bạn,

Cho phép Thinh_hoa được gởi vào vườn chuối bài viết sau đây ,để  mọi người tham khảo. Hy vọng sẽ là” liều thuốc”  hữu hiệu cho mọi người vào tham quan ĐCN, xin cảm ơn các bạn.

NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP

1. Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ:

Trong giao tiếp, ngôn ngữ là công cụ quan trọng số một. Hiểu biết và khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp là một trong yếu tố góp phần gây thiện  cảm đối với người đối diện, tạo sự thành công trong giao tiếp. Chúng ta có thể tham khảo những ý kiến dưới đây của Giáo sư Nguyễn Văn Lê về sự giao tiếp bằng ngôn ngữ:

1.1 Lời nói phải đúng vai xã hội, đúng cương vị xã hội của con người.Khi giao tiếp với ai, chúng ta hãy định hướng cho cách giao tiếp ứng xử của mình sao cho phù hợp, không tự phụ kiêu căng mà cũng không tự ti, khúm núm.

1.2 Lời nói phải phù hợp với trình độ người nghe. Trình độ quá chênh lệch về ngôn ngữ giữa người nói và người nghe có thể gây khó hiểu hoặc hiểu lầm.

1.3 Bảo đảm nguyên tắc truyền đạt một thông điệp : rõ ràng, rành mạch, không có những từ, những câu thừa, nhưng mặt khác lại cho phép ở một số chỗ nào đó cần có sự lặp lại ít nhiều với mục đích nhấn mạnh, nêu bật những ý cần thiết.

1.4 Cách nói cơ giới và cách nói tình thái:

+ Nói cơ giới là nói thẳng, nói vỗ mặt. Ví dụ: tôi không có, tôi không cho,tôi bỏ, tôi cắt, anh nói sai.

+ Nói tình thái là nói tế nhị, có tình cảm, làm cho người nghe có thể tiếp thu thỏai mái nội dung câu nói. Ví dụ:Tôi e rằng đánh giá như thế là chưa thỏa đáng.Hai vấn đề đó tưởng không nên nhập làm một.Nội dung tốt, chỉ tiếc là thái độ hơi gay gắt…

Khoanh tay lại, hứa với cô đi nào!Có muốn được cô khen không?Có muốn được lên lớp không?…

Trái với nói tình thái là nói nặng, nói hù dọa:

Chú ý vào sách! Cô gọi, không đọc tiếp được là cô cho điểm 1 đấy nhé!

1.5 Cách nói chỉ rõ và nói gợi, nói ví :

Nói chỉ rõ sự việc là nói trực diện, như 2 với 2 là 4.Nói gợi là nói đến một dấu hiệu gì đó có liên quan để người nghe tự hiểu. Nói ví là một cách nói gợi,dùng sự so sánh

Ví dụ để phê bình một bài diễn văn nhậm chức sáo rỗng: “ Bài này cho đăng vào một tạp chí văn hóa nghệ thuật thì tuyệt!

1.6 Cách nói triết lý: Cách nói này được dùng để giảm thiểu nỗi bất hạnh của người đối diện. Ví dụ:Của đi thay người!

1.7 Nói hiển ngôn và nói hàm ngôn:

Hiển ngôn là lời nói có nghĩa biểu hiện trực tiếp ra ngòai, còn hàm ngôn là lời nói có nghĩa ẩn bên trong, đòi hỏi người nghe phải cố gắng để hiểu, để giải mã câu nói.

Ví dụ:

+ Ở trong phòng họp, A nói:Nóng quá!, B nói:Ừ, nóng như lửa! Câu nói của A trong trường hợp này này là hiển ngôn, không có hàm ngôn.

+ Ở nhà riêng của B, A nói:Nóng quá! B bảo:Có chai bia đây! Câu nói của A vừa là hiển ngôn ( trời nóng ) vừa là hàm ngôn ( cho uống gì đi )

Theo Ducrot, hiển ngôn là cái người ta nói ra, còn hàm ngôn  là cái người ta muốn mà không nói ra.

1.8 Nói mỉa mai, châm chọc: Theo Paul Guth và Michelle Maurois, tự ái rất nên giữ vì đó là tình cảm của con người có phẩm cách. Vì vậy chúng ta nên tôn trọng cái tự ái của mỗi người và tránh không làm tổn thương đến nó bằng những cách nói gợi ý, tế nhị hơn. Đừng nói đùa châm chọc, nhất là đối với những người quá nhạy cảm.

1.9 Nói gây bệnh cho người khác: Làm gì mà bà xanh xao, tiều tụy đến thế?

Một câu nói đó có thể làm tiêu tan công hiệu của mười hộp thuốc bổ, người nghe có thể chưa bị bệnh nhưng nghe câu nói đó có thể bị ám thị mà bệnh thật.

2. Những điều tối kỵ trong ngôn ngữ giao tiếp :

+ Nói năng nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.

+ Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột,khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn, không nêu ra những trọng tâm, những khái quát, làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.

+ Nói sai đề tài,không quan tâm tới điều mình nói.

+ Nói thao thao bất tuyệt,không ngừng nêu ra những câu hỏi làm người tiếp chuyện có cảm giác bạn yêu cầu hơi nhiều.

+ Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co dài dòng gây nên cảm giáccho người nghe là  bạn là người không trung thực.

+ Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả.

+ Làm ra vẻ hiểu sâu biết rộng

+ Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.

+ Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.

+ Thì thầm với một vài người trong đám đông.

+ Dùng ngôn ngữ quá bóng bẩy

+ Chêm những câu tiếng nước ngòai trong câu nói của mình một cách tùy tiện

+ Đột ngột cao giọng

+ Dùng những lời quá thân mật so với mức độ quan hệ

+ Dùng những từ đệm không cần thiết

+ Nói giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.

3. Hãy biết khéo léo sử dụng ánh mắt:

+ Nếu bạn có việc cần nhờ người khác, trong khi chờ đợi người ấy trả lời thì mắt bạn cần nhìn xuống dưới một cách tự nhiên.

+ Tuyệt đối không bao giờ nhìn chằm chằm vào chỗ khiếm khuyết trên thân thể của người đối diện. Mặc dù chỉ là vô tâm nhưng người bị nhìn sẽ cảm thấy rất khó chịu

+ Bạn có việc, cần tới bàn giấy của lãnh đạo thỉnh thị,tuyệt đối không nên nhòm ngó vào vào các giấy tờ, văn kiện trên bàn.Đó không chỉ là hiếu kỳ, tò mò mà còn là một hành vi thất lễ, khiếm nhã.

+ Khi đứng trên bục nói chuyện trước chỗ đông người, ánh mắt bạn cần bao quát chung quanh, vừa lấy được bình tĩnh, vừa tạo được quan hệ tốt, thông cảm giữa người nói và người nghe.

+ Khi nói chuyện với người già, không nên đứng quá xa. Tốt nhất bạn nên tới gần bên cạnh, ánh mắt nhìn thẳng. Như vậy vừ thể hiện sự tôn trọng, lại vừa thân mật.

+ Trước khi kết thúc lời nói, có thể đưa ánh mắt một cách tự nhiên ra nơi khác để tạo một tín hiệu kết thúc cho những người đối diện biết.

+ Nói chuyện trong lúc vội, bạn có thể đi ngay vào vấn đề một cách thẳng thắn, tuyệt đối không được xem đồng hồ, nếu không người tiếp chuỵện sẽ cho là bạn miễn cưỡng, thiếu tôn trọng họ.

4. Hai mươi bốn bí quyết gây tình cảm:

+ Hãy làm cho mọi người hiểu bạn có cảm tình với họ.

+ Đừng độc quyền trong cuộc nói chuyện.

+ Đừng có cách cư xử khác nhau đối với mọi người và đối với riêng một người mà bạn ưa thích.

+ Hãy làm cho người khác nghĩ rằng họ là người quan trọng.

+ Đừng thù dai.

+ Phải biết nhận lỗi lầm của mình.

+ Đừng nên kể những câu chuyện gượng gạo, dài dòng hoặc 1 câu chuyện đã kể đi, kể lại nhiều lần.

+ Đừng tỏ ra lập dị và kiểu cách.

+ Không nên lấy chuyện dèm pha ra làm trò vui.

+ Hãy lắng nghe ý kiến của người khác một cách lịch sự dù bạn thấy rằng ý kiến đó có những điểm kỳ cục.

+ Nên tham gia những họat động cụ thể: họat động xã hội hoặc tôn giáo.

+ Hãy biết tránh những cuộc ẩu đả mà không làm mất danh dự.

+ Nên biết thua cuộc với nụ cười.

+ Nên biết thắng mà không ngạo nghễ.

+ Nên tập chơi thành thạo một lọai nhạc cụ.

+ Hãy biểu lộ sự sung sướng khi nhận được quà tặng cho dù bạn có ý mong muốn một món khác hơn.

+ Đừng e ngại khi mặc mốt mới, phải có can đảm bắt đầu chứ.

+ Hãy tỏ ra đang vui đùa cho dù trong lòng bạn thật sự không phải như vậy.

+ Hãy thảo luận về một tôn giáo và không nên có thành kiến.

+ Không nên trục xuất người khác khỏi nhóm vì một thành kiến xã hội hay gì khác.

+ Hãy ghi lại những thói xấu của bạn và cố gắng khắc phục chúng.

+ Đừng tìm cách chêm vào câu chuyện tên những nhân vật nổi tiếng để tạo cảm tưởng bạn quen thân với họ.

+ Hãy cho bạn bè hiểu là khi cần là họ có thể nhờ cậy bạn.

+ Đừng tâm sự với tất cả mọi người.

5. Mười lời khuyên giúp bạn sống đẹp:

+ Hãy đối xử với người khác những gì mà bạm muốn người ta đối xử với mình.

+ Nên chú ý chăm sóc đến bản thân. Khi bạn ăn mặc gọn gàng, bạn sẽ thấy thỏai mái tự tin trước người khác  và khi bạn giữ thái độ vui vẻ,bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này thật đáng sống biết bao.

+ Hãy cố khoan dung với người khác. Tuy nhiên đó không có nghĩa là  bạn chấp nhận bất cứ một điều gì mà là tôn trọng bản ngã riêng của mỗi người.

+ Hãy luôn nghĩ rằng mình là người may mắn khi được sống trong xã hội này.Người ta nói rằng cuộc sống đôi khi có những điều khắc nghiệt nhưng hãy nhìn xem cuộc sống của bạn còn hơn rất nhiều người khác trên hành tinh.

+ Tạo cho mình một thói quen thích hòa đồng, chia sẻ và ban tặng cho người khác, có thể là một nụ cười,một chút tiền bạc và thời gian của mình khi cần thiết.

+ Hãy sống chân thật. Tự dối mình và dối người khác chỉ có thể  che đậy được mọi việc trong một thời gian ngắn.

+ Khi làm một việc gì bạn hãy nghĩ đến hậu quả, đừng hành động một cách nóng vội và thiếu suy nghĩ.

+ Biết thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm.Không nên vì tính hiếu thắng hay bảo thủ mà khư khư một quan niệm sai trái.

+ Hãy biết tha thứ. Đừng quá khắc nghiệt hay cay độc với một ai nhất là khi người đó đã biết nhận ra lỗi lầm.

+ Hãy hài lòng với những gì mình vốn có.Đừng than thân trách phận với những điều không thể thay đổi: Ví như bạn hơi thấp,ví như bạn có khuôn mặt hơi bầu bĩnh. Hãy mỉm cười, nụ cười sẽ làm cho bạn trở nên dễ mến. Hãy nghĩ rằng đó chính là nét độc đáo mà tạo hóa đã ban tặng cho bạn.

6. Chín điều “ kỵ “ trong giao tiếp nam nữ:

+ Bất kể là nam hay nữ đều rất ghét hỏi tuổi và lương tháng của mình

+ Phụ nữ rất ghét ai hỏi chuyện chồng con

+ Phụ nữ rất ghét đến chơi nhà mà không hẹn trước.

+ Phụ nữ rất ghét đến chơi nhà, chưa được sự đồng ý  đã xông vào buồng ngủ  hoặc ngồi ở giường ngủ của mình.

+ Phụ nữ rất không ưa lỡ hẹn

+ Phụ nữ rất ghét người không quen biết bình phẩm về cách ăn mặc ( của mình )

+ Phụ nữ rất ghét bị ép uống rượu

+ Phụ nữ rất ghét hành động ảnh hưởng tới người khác mà không xin lỗi.

+ Thanh thiếu niên rất ghét người lắm lời.

7. Sáu lời khuyên đối với người hay nóng nảy:

+ Đừng giữ riêng những điều khó chịu trong lòng mình. Thổ lộ với những người có thiện chí và biết suy xét về điều đang làm cho mình buồn phiền, như vậy sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

+ Hãy biết cách tạm thời quên lãng những nỗi lo âu của mình. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để cho tâm trạng buồn phiền của mình lan ra những người chung quanh.

+ Không nên tức giận. Hãy luyện cho mình khả năng tự kiềm chế, bằng một công việc tay chân nặng nhọc hoặc một bài tập nào đó. Sự mệt mỏi lành mạnh về thể chất sẽ làm tiêu tan cơn tức giận của bạn.

+ Đôi lúc cũng cần nhượng bộ. Sự nhượng bộ hợp lý không những có lợi cho công việc, mà còn làm cho mọi người tôn trọng mình.

+ Không nên là người hòan thiện tuyệt đối trong mọi việc. Chớ quên rằng tài ba và khả năng  của mỗi người chúng ta đều có hạn.

+ Không yêu cầu quá cao. Những ai trông đợi quá nhiều ở mọi người xung quanh thì sẽ luôn luôn tức tối.Bạn sẽ phạm sai lầm lớn, nếu luôn luôn muốn phê phán,” chấn chỉnh “ lại vợ, mẹ vợ,hay bạn bè, đồng nghiệp của mình. Hãy biết tiếp nhận mọi người như họ vốn có để tìm cách khéo léo cải biến họ dần dần.

8. Vài điều tế nhị cần lưu ý:

+ Khi bạn nhận được điện thọai gọi cho đồng sự của mình, nếu đồng sự của bạn có mặt ở cơ quan, bạn chớ nên hỏi người gọi điện thọai đó là ai, ở đâu mà nên gọi ngay đồng sự đó đến nghe điện thọai. Khi người ta đang nói với nhau qua điện thọai, bạn không nên đứng cạnh nghe lỏm. Sau đó cũng không nên nên truy hỏi người gọi đó là ai và đã nói những gì.

+ Có người đến tìm đồng sự của bạn, khi người đồng sự có mặt, dù người đó là nam hay nữ, nếu bạn đồng sự không chủ động giới thiệu, thì bạn cũng đừng hỏi khách là ai, cũng không nên bàn luận với với đồng sự về diện mạo, cách ăn mặc,những điều hay dở của khách.

+ Khi mọi người viết thư riêng ( hoặc đang sọan thảo một văn bản nào khác ), không nên đứng cạnh xem gây rối cho người viết ( trừ trường hợp họ đồng ý ),thậm chí còn dò hỏi xem viết thư cho ai.Đó là những điều cần kiêng kỵ.

+ Trên đường gặp người quen, nếu họ đang đi dạo hoặc chuyện trò với người yêu, sau khi bạn hỏi thăm người ấy mấy câu, nên chủ động chia tay, không nên nói chuyện dài dòng.Bởi vì, như vậy sẽ gây cho họ lâm vào tình thế khó xử hoặc mất tự nhiên.

9. Để tạo mối quan hệ tốt với thủ trưởng:

+ Hãy tôn trọng quyền của họ. Đừng tranh cãi với họ về quyền được giao công việc cho bạn hoặc quyền phê phán về những việc bạn đã làm. Vai trò của họ là như vậy.

+ Hãy tìm hiểu xem họ thích được tiếp cận theo cách nào: có người ưa nghe báo cáo qua điện thọai, có người yêu cầu báo cáo bằng văn bản đàng hòang,có ngưới có thể nghe ý kiến của nhân viên bất cứ lúc nào nhưng có người phải theo những quy tắc nhất định…

+ Biết giữ khỏang cách trong giao tiếp.

+ Đừng quá hăng say lấy lòng thủ trưởng. Cách tốt nhất để chinh phục tình cảm của họ là hãy làm tốt công tác của mình.

+ Bản thân giàu năng lực nghiệp vụ, tinh thông trong công việc của mình nhưng đừng tỏ ra kiêu ngạo.

+ Giữ đúng thái độ trong công việc. Trong công việc phải chăm chỉ, thực thà; có tinh thần trách nhiệm, biết tổ chức công việc khoa học, hợp lý,

+ Có năng lực phối hợp công việc tốt, luôn tạo cho thủ trưởng cảm thấy mình là người thiện chí, là người trợ thủ đắc lực.

+ Đề cao năng lực dự đóan của mình; mạnh dạn, tích cực tham gia đóng góp xây dựng cho cơ quan, xí nghiệp, công ty.

+ Sẵn sàng gánh vác đảm đương công việc

Chúc dotchuoinon ngày càng hưng thịnh!

( Thịnh-hoa sưu tầm)

Càng tu càng tội

Chào các bạn,

Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng “càng học càng thấy mình dốt”—bể học thì mênh mông và càng học mình càng khám phá ra là cái mình biết cũng chỉ như vài hạt cát trên bãi biển. Tu luyện nội tâm cũng thế, nhưng chẳng mấy khi ta nghe nói “Càng tu càng tội.” Thực ra, tu cũng chỉ là học. Học càng nhiều càng thấy dốt, thì tu càng lâu càng thấy mình nhiều yếu đuối lầm lỗi.

Tại sao vậy?

Thưa, tại vì càng tu luyện cao thâm ta càng phát hiện ra những điểm yếu của mình mà trước đó ta không thấy.

Để thấy rõ vấn đề, chúng ta hãy quan sát một người cướp của giết người, bỗng nhiên một ngày chợt đổi dạ, bắt đầu con đường tu luyện chính mình:

• Đầu tên, hắn thấy cướp của giết người là xấu, cho nên cải tà qui chánh.

• Được một thời gian dài, hắn khám phá ra là nói dối là xấu, bèn cố bỏ nói dối.

• Thêm một thời gian, công lực cao hơn, hắn khám phá ra là hắn hay kiêu căng về mình, về dĩ vãng “anh hùng” và sự nhất tâm cải tà qui chính của mình, hắn bèn tập cho khiêm tốn.

• Thêm một thời gian, công lực cao hơn, hắn thấy rượu thường làm cho hắn suy nghĩ thiếu chính xác, bèn bỏ rượu.

• Thêm một thời gian, thấy thuốc lá làm phiền mình và người khác quá, bèn bỏ thuốc.

• Thời gian sau, công lực cao hơn, thấy mình hay hứa mà không thực hiện hết được, bèn bắt đầu hứa cẩn thận hơn và cố thực hiện mỗi lời hứa.

• Thời gian sau nữa, hắn cảm thấy nên vào tu viện đi tu thì mình mới thanh tịnh ra, bèn bỏ đời đi tu.

• Trong tu viện, một thời gian rất lâu, hắn mới nhận ra rằng hắn vẫn hàng ngày cạnh tranh với các tu sĩ khác về đạo học, bèn cố bỏ hơn thua.

• Vài năm sau hắn mong đợi được phong chức tu viện trưởng, và khám phá ra rằng mình thầm hằng mong người bạn của mình đừng được chức đó.

• Sau khi thành tu viện trưởng, hắn khuyến khích mọi tu sĩ của hắn giảng đạo hăng hái cho mọi người. Rồi một ngày hắn khám phá ra là hắn vẫn thường nghĩ rằng chỉ con đường đạo học của hắn là đúng và những người theo những đạo khác là lạc đường…

Cứ như thế, tu luyện càng cao thâm ta càng khám phá ra ta có rất nhiều khiếm khuyết và yếu kém, mà trước đó ta không thấy được.

Điều này rất phù hợp với các khái niệm vô minh và giác ngộ của Phật gia—khi vô minh ta không thấy được cái si mê của mình; thấy được một điều si mê là giác ngộ được một tí.

Người học võ cũng thế. Học trò mới học võ thì chỉ thấy mình mạnh. Nhưng đại sư phụ thì biết nơi nào là tử huyệt của mình, địch dùng loại đòn nào thì có thể hạ mình.

Và trong Thiên chúa giáo, ý niệm “tội tổ tông”—cái yếu kém bẩm sinh của con người—cũng là cái nhận biết sâu sắc của những người đã tu luyện đến mức thượng thừa.

Vậy thì chúng ta đã biết một công thức tu luyện nội tâm rồi đó. Ngày nào ta còn tiếp tục khám phá ra những điểm yếu của mình để khắc phục, ngày đó ta đang tu tập đúng hướng.

Ngày nào ta nói “Tôi tốt rồi, đạo đức rồi, manh mẽ rồi, ngộ rồi…”, ngày đó ta còn đang chết.

Chỉ có người học nghiêm chỉnh mới nắm được sự thực là càng học mình càng dốt. Chỉ có người tu tập nghiêm chỉnh mới thấy càng tu càng tội.

Và “tu” có nghĩa là làm cho tốt thêm. Làm cho con tim của mình sáng thêm, sạch thêm, yêu ái thêm, mạnh mẽ thêm, là tu. Ai trong chúng ta cũng tu cả.

Và “tu” cũng có nghĩa là thực hành.

Đọc sách đạo học hay tư duy tích cực mà không thực hành, thì kiến thức đọc đó không thể là kiến thức thật được, và ta cũng không thể làm cho con tim đang chết của ta sống lại được.

Chỉ kiến thức thật, đến từ thực hành và trực nghiệm, mới đủ sức hồi sinh một quả tim đang chết.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com