Giữ đẹp khu vườn tổ quốc

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta đã bàn về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước qua những phản hồi rời rạc của hai bài Phát triển con người, phát triển đất nướcÁnh sáng và bóng tối – Bạn chọn cái nào? Hôm nay chúng ta tóm tắt ý chính của các phản hồi đó trong bài này.

“Điều kiện cần và đủ để tội ác chiến thắng là người tốt chẳng làm gì cả.”

Câu nói này của Edmund Burke nói lên căn bản của một xã hội lành mạnh. Một xã hội lành mạnh không chỉ là một xã hội có người tốt, mà là một xã hội có người tốt tích cực ngăn chặn điều xấu.

Khu vườn có thể có đủ thứ kỳ hoa dị thảo, nhưng chỉ cần người làm vườn không nhổ cỏ, thì chỉ trong một thời gian ngắn, khu vườn thành khu rừng, và kỳ hoa dị thảo cũng ngợp thở mà chết.

Nghĩa là, gánh nặng giữ cho xã hội của chúng ta trong sạch rơi vào vai của mỗi người chúng ta trong xã hội. Không “nhưng nhị” gì hết.

Chúng ta đã thừa biết người tiêu cực thường viện hàng trăm cớ để sống tiêu cực, trong khi người tích cực chỉ có một qui luật duy nhất—đời sống của tôi lệ thuộc vào tôi.

Đời sống quốc gia lệ thuộc vào công dân.

Nhưng nói đến đời sống quốc gia thì chúng ta nghe đủ mọi loại bán cái của người tiêu cực. Và rất tiếc là trong vòng bao nhiêu thập niên nay, các lý luận bán cái này là dòng chính của nền văn hóa chúng ta, như là—một con én không làm được mùa xuân, tất cả chúng nó tham nhũng hết không làm gì được, toàn mà một đám gian tham nắm quyền, nhà nước nuôi tham nhũng… Đây toàn là các l‎ý luận tiêu cực kinh điển, các bạn có thấy được điều này không? Chúng luôn luôn được đưa ra như là cái cớ để “tôi không làm gì cả”, hay xa hơn là “tôi cũng phải đi theo họ để sống.”

Đây là qui luật chúng ta phải nắm vững, không thể mập mờ: Cuộc đời của mình do chính mình chịu trách nhiệm. Cuộc đời của quốc gia do quốc dân chịu trách nhiệm.

Và quốc dân là ai? Là mỗi người dân chúng ta góp lại.

Cho nên mỗi người chúng ta phải chấp nhận sự thật căn bản là: Tôi chịu một phần trách nhiệm về những vấn đề của đất nước.

Cũng như sân trường chỉ có thể sạch khi mỗi học sinh chịu trách nhiệm và hành động để giữ sạch nó, mỗi người dân phải chịu trách nhiệm và hành động để giữ sạch quốc gia.

Bằng cách nào?

Cho đến giờ này mà bạn còn hỏi bằng cách nào, thì bạn đã làm gì trong những năm qua?

1. Nhận biết điều sai là sai. Điều này thì ai cũng biết, tối thiểu là 90% của những gì xảy ra. Chỉ 10% vấn đề là mù mờ khó hiểu. Chẳng có gì khó khăn để biết gian lận, dối trá là sai cả.

2. Gọi điều sai là sai. Tiền hối lộ thì gọi là tiền hối lộ, đừng gọi là tiền bồi dưỡng. Và nếu gọi là tiền bồi dưỡng thì cũng đừng cho là bồi dưỡng là đúng, còn hối lộ mới sai.

3. Đừng lải nhải các l‎ý luận chứng minh điều sai là đúng, hay là nó cũng chấp nhận được.

4. Đừng làm điều sai.

5. Đừng ủng hộ người khác làm sai.

6. Đừng tiếp tay với cái xấu, với tham nhũng, dưới bất kỳ hình thức nào, như là chi hối lộ cho tham nhũng.

7. Kêu gọi người khác sống thanh liêm ngay thẳng.

8. Yêu cầu người khác, nhất là nhà nước thanh liêm ngay thẳng.

Một số quan chức nhà nước tham nhũng không thể tiếp tục được nếu toàn dân không tiếp tay.

Tùy theo hoàn cảnh, mỗi người sẽ phải quyết định mình nên làm gì trong hoàn cảnh đó. Điểm chính là chúng ta phải quyết tâm nhận cái sai là sai, và không đồng lõa thỏa hiệp với nó. Nếu không thì ta không thể giải quyết vấn đề phát triển của đất nước.

Chúng ta không thể tiếp tục sống như một quốc gia hạng đáy với tư cách công dân của một quốc gia hạng đáy. Chúng ta có 4 ngàn năm văn hiến, chúng ta đã từng thắng những cường quốc hàng đầu thế giới. Hãy sống như con dân của một quốc gia anh hùng vô địch và góp phần mình trong việc biến quốc gia mình thành một cường quốc vô địch.

Làm người tốt ngồi yên chưa đủ. Quốc gia cần người tốt tích cực ngăn chận cái xấu.

Tích cực như thế nào thì tùy bạn tự chọn lựa trong khả năng và điều kiện riêng của mình. Nhưng “tích cực ngăn chận cái xấu” là điều tổ quốc đòi hỏi trong mỗi công dân. Ta sẽ không làm tròn nghĩa vụ với tổ quốc nếu ta không làm gì để chận tối thiểu là một điều xấu đang xảy ra trước mắt.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s