Ánh sáng và bóng tối – Bạn chọn cái nào?


Chào các bạn,

Hôm nay mình xin giới thiệu với các bạn một tác phẩm cây nhà lá vườn của mình – bức vẽ mình đặt tên là “Ánh sáng và bóng tối”. Mình mất khoảng nửa tiếng để hoàn thành. Mình xin dành tặng bức vẽ này cho blog Đọt chuối non – cũng chính là khởi nguồn cảm hứng cho ý tưởng của mình.

Là một thanh niên thế hệ 8x, mình tin rằng cũng có nhiều bạn giống như mình, đang thiếu một lý tưởng, thiếu một con đường và vẫn loay hoay đi tìm nó. Có người mong muốn làm doanh nhân, có người ước mơ được du học, có người chỉ đơn giản là cần một công việc thật ổn định và lương cao. Nhưng trong những hoài bão đó mình biết là ai cũng trăn trở – muốn cống hiến cho xã hội một cách lương thiện mà sao khó quá.

Người Việt Nam ta nghĩ gì bây giờ? Làm quan chức thì chắc chắn phải tham nhũng. Làm giáo viên thì phải đi dạy ngoài kiếm thêm tiền vì lương công chức không đủ sống. Làm bác sĩ thì phải móc nối với nhà thuốc để có hoa hồng tăng thu nhập còn nuôi vợ con. Đi qua những cánh cổng trường lúc tan học, bạn có dừng một chút và lắng nghe các em nhỏ đang nói với nhau thứ tiếng gì không? Mình đã thực sự ngạc nhiên vì bây giờ chúng nói bậy nhiều quá, và biết quá nhiều thứ từ Internet mà trong khi gặp người lớn không biết khoanh tay chào, ra đường không hiểu luật giao thông…Mỗi ngày đọc báo mạng, bạn xem có bao nhiều phần trăm dành cho các cuộc thi hoa hậu, các vụ án giết người cướp của, thầy hành hung trò, trò trả thù thầy…

Nước chúng ta vẫn nghèo, dù GDP bình quân đầu người đã đạt 1,000$ trong năm qua đi nữa, thì bao nhiêu năm mới gấp lên 10 lần? Và 30 lần để bằng nước Mỹ bây giờ? Liệu chúng ta có nên đánh đổi mọi thứ để chạy theo những con số đó, vì luôn cho rằng “Nghèo sinh ra hèn”, phải giàu, phải có tiền rồi mới nghĩ đến chuyện khác.

Chúng ta cứ so sánh với nước Nhật, họ quá nghèo tài nguyên, sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì kiệt quệ, vậy mà chỉ trong có một thời gian ngắn đã phát triển thành cường quốc thứ 2 thế giới. Vậy họ hơn ta ở đâu? Mình chỉ nghĩ một cách đơn giản thế này: dân Nhật yêu nước, sống và làm việc có kỉ luật. Người Việt Nam mình có yêu nước không: Có. Người Việt Nam mình có kỉ luật không: Không!. Còn nước Mỹ thì sao? Nước Mỹ được trời phú cho nhiều ưu đãi và họ biết tận dụng ưu đãi đó để phát triển. Nhưng tài nguyên không thể giúp ta giàu có và mạnh mãi được. Nước Mỹ mạnh vì họ đã xây dựng được xã hội thượng tôn pháp luật. Sự Trung thực, Tôn trọng tính cá nhân, khuyến khích tính đa dạng và cái mới luôn được đặt lên đầu tiên trong các mối quan hệ xã hội. Tôi không cần biết anh là ai, đi ra đường anh phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Anh mở nhạc to lúc nửa đêm tùy anh, miễn sao đừng lọt tai hàng xóm. Anh say xỉn tùy anh, miễn sao đừng ra đường đá vào người này người kia hay lái xe gây tai nạn. Anh có thể thoải mái phản đối ý kiến của người khác, nhưng không được xúc phạm họ. Chê ít mà khen nhiều. Vì lời chê đâu có mang lại điều gì tốt đẹp cho cả người chê lẫn người bị chê? Làm việc nhóm thì nhất định chấp hành quyết định của trưởng nhóm, sau khi đã bàn thảo công khai chứ không nói xong rồi để đó, mỗi người một phách.

Tất cả những điều này quy tụ lại một điểm mà chúng ta vẫn gọi là Văn hóa.

Phải nói rằng Việt Nam chúng ta cũng có một nền văn hóa lúa nước đáng ghi nhận, nhưng trong thế giới hội nhập ngày nay, chúng ta còn thiếu quá nhiều giá trị nữa.

Đã từ lâu, những khái niệm như Trung thực, Khiêm tốn, Tự tin, Cởi mở cho đến những tư tưởng quen thuộc trong đạo Phật như Tham, Sân, Si, Cảm thông, Nhân ái, Từ, Bi, Hỉ, Xả…đã bị chúng ta coi thường và xem như một thứ pha lê đắt tiền trưng bày trong tủ kính. Xã hội ngoài kia đã dạy cho ta rằng những giá trị này là không tưởng, sẽ là điên khùng khi mà muốn kiếm tiền lương thiện hay làm bất cứ việc gì mà không phải luồn cúi kẻ trên hay dẫm đạp lên kẻ dưới.

Những gì mình nhìn thấy xung quanh là một mảng tối đen sì. Đâu đâu cũng thấy chuyện một nhóm người cãi cọ lặt vặt, kêu ca, xả rác bừa bãi. Liệu chúng ta chấp nhận sống mãi như thế hay là tự đứng lên đi nhặt rác làm sạch môi trường?

Từ những kinh nghiệm của bản thân kể từ khi viết bài và trao đổi với mọi người ở khắp nơi trên Đọt chuối non, mình đã có những cảm nhận sâu sắc và thực sự đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy. Mình hiểu rằng những bước đi đầu tiên luôn là bước đi khó nhất. Có nhiều bạn vẫn nghĩ cả đời mình chắc chẳng thể nào viết nổi một bài văn xuôi cho tử tế hay làm một bài thơ tặng người yêu. Vậy mà chỉ bắt đầu bằng dịch một câu danh ngôn, nhận được những lời khích lệ của người đọc, mình và các bạn như dần được cởi bỏ lớp áo tự ti, và khơi dậy những tiềm năng lâu nay chưa được khai thác. Một anh kĩ sư điện tử vẫn viết bài chia sẻ về kinh nghiệm du học và sống ở nước ngoài liên tục mỗi ngày. Các bạn ơi, mỗi ngày nhé. Nếu mình nói là anh đã viết được 100 bài, nhưng trong 10 tháng, và có 1 tháng thì vì anh rỗi quá nên viết liền tù tì 99 bài thì không nói làm gì. Bạn đã bao giờ luyện tập cái gì mà làm MỖI NGÀY liên tục trong 10 tháng chưa? Có một cô giáo ở Đak Lak là nạn nhân chiến tranh, mất một cánh tay, nhưng chị không chỉ là tác giả của các bài viết về cuộc sống, âm nhạc, tình yêu cũng thường xuyên mỗi ngày mà còn lôi cuốn được sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh tham gia dịch danh ngôn, dịch Anh văn, và các trí thức khác từ nhà văn, nhà báo, nhà giáo trong tỉnh. Còn rất nhiều những con người khác nữa, trong những lúc đau khổ và mất niềm tin nhất, họ đã may mắn tìm thấy ánh sáng từ những bài viết đầy nhân ái này, và tiếp tục sống. Những ai đã đến với Đọt chuối non đều như là tìm thấy nguồn sáng mà mình vẫn hằng đi tìm. Họ lại sáng bừng lên như ngọn lửa, và tiếp tục hành trình truyền lửa cho biết bao những người trái tim đang bị bóng tối che mờ.

Mình nghĩ, nếu như các bạn trẻ chúng ta, ngoài sự trau dồi về kiến thức mà cũng tu dưỡng về đạo đức, từ trong cách sống đến cách làm việc, cùng nhau xây dựng một văn hóa tư duy tích cực trong xã hội, thì Việt Nam chúng ta sẽ thật may mắn có được những nhà lãnh đạo vừa có tài vừa có tâm trong tương lai. Và khi đó, các chính sách có lợi cho sự phát triển đất nước chỉ còn là hệ quả tất yếu mà thôi.

Nếu bạn muốn làm, hãy tin và bắt tay vào làm một cái gì đó ngay nhé. Đừng ngồi và than thở nữa, vì không có bất kì môi trường sống nào là hoàn hảo cho ta. Chỉ có chính ta tìm thấy hạnh phúc khi hành động với tình yêu xuất phát từ một trái tim nhân ái mà thôi.

Cảm ơn các bạn.

Chúc các bạn một ngày tươi hồng,

Hoàng Khánh Hòa

Một suy nghĩ 73 thoughts on “Ánh sáng và bóng tối – Bạn chọn cái nào?”

  1. Wow, thật là một ngạc nhiên thích thú cho tất cả mọi người trong Vườn Chuối!

    Cám ơn Hòa nói về chị Huệ rất hay.

    Và vòng vàng sắc màu, anh thích nghĩ đến nó như là bánh Pizza với đủ mọi loại rau quả tươi mát 🙂 Ngon lành như người Vườn Chuối 🙂

    Căm ơn em nhé 🙂

    Thích

  2. Anh Hoành là cái chấm tròn to nhất trong cái bánh pizza đó anh Hoành ơi, chắc là lát pepperoni hii

    Em ngưỡng mộ chị Huệ và anh Hiển lắm (tất nhiên chữ H – Hoành thì khỏi phải nói rồi, nên không có tên anh anh đừng buồn nhá :P) . Chúc các admin và thành viên của vườn chuối lúc nào cũng tỏa sáng như sao và ngon như pizza !!!

    🙂 🙂 🙂

    E Hòa

    Thích

  3. Ý tưởng và thông điệp của bài viết thật hay nhưng cái nhìn của tác giả về những giá trị trong văn hóa Việt Nam đương đại có bi quan quá không hay tác giả đang cố tình bi quan hóa để truyền đạt lời kêu gọi của mình?

    Là một người Việt Nam sống ở Việt Nam, tôi không nghĩ rằng “sẽ là điên khùng khi muốn kiếm tiền lương thiện” mà chỉ là một người muốn kiếm tiền lương thiện thì phải thông minh hơn, cố gắng hơn, kiên nhẫn hơn những cách kiếm tiền không lương thiện mà thôi. Mà điều đó thì ở xã hội nào đi nữa ăn gian nói dối, sống cơ hội, nếu không/chưa bị lật tẩy, thì đều giàu (về vật chất) nhanh hơn làm ăn lương thiện cả. Nhưng có người lương thiện thật sự lương thiện từ tâm nào lại so sánh là mình nghèo hơn tên hàng xóm ăn trộm đâu. Chỉ có những người lương thiện vì không có gan đi ăn trộm hay sợ “quả báo” thì đôi khi mới liếc mắt sang bên cạnh và ít nhiều tức tối mà thôi.

    Chỉ xin một dẫn chứng nhỏ rằng nếu tác giả đi chợ hàng ngày ở Việt Nam sẽ thấy, hầu hết mọi người bán hàng đều gọi người mua hàng lại lấy tiền thối nếu người sau có vội vàng quay đi và quên mất, hầu hết các bãi xe đông đúc ở chợ đều yêu cầu đưa vé xe (thậm chí cả chìa khóa xe) để họ tìm và dắt xe ra … Đó không phải là hình ảnh về một cuộc sống có sự trung thực và niềm tin ở người khác sao?

    Cũng như bức tranh thật hay của tác giả, nếu không định hướng người xem bằng tiêu đề của bài viết mà để người xem tự đặt tựa, có lẽ phần lớn mọi người sẽ đặt những cái tên tựa như “bánh pizza”, vì người ta nhìn vào vẻ đẹp của bức tranh để chiêm ngưỡng nó. Cuộc sống cũng vậy, luôn có những cái chưa hoàn thiện để được hoàn thiện, và cũng để mỗi con người vươn lên và mơ ước, và luôn có những cái đẹp để những người đang sống muốn tiếp tục sống và hưởng thụ cuộc sống.

    Đã thích bởi 1 người

  4. Hi Tam Nhan,

    Bạn ở trong nước mà xem ra không rành văn hóa trong nước lắm. Mình đã về VN cố gắng làm ăn. Và vài chục tổ chức công tư tự động đến gặp mình và đê nghị những dự án hàng chục triệu đô la mỗi dự án. Và KHÔNG có một dự án nào mà không đề nghị là mình đưa ngược một mớ tiền dưới gầm bàn. Mình từ chối tất cả với lý do, “Luật Mỹ chống tham nhũng. Tôi là luật sư Mỹ, tôi chỉ có thể cố vấn cho thân chủ của tôi trả tiền đúng luật.” Dĩ nhiên là mình chẳng được các dự án này, và các thân chủ của mình cũng vui vẻ (vì minh giao hẹn trước: “Tôi không muốn chi tiền dưới gầm bàn. Anh muốn chơi kiểu đó thì dùng luật sư khác.”) Và đã có đối tác VN bực mình quá mắng ngay vào mặt mình, “Anh không muốn làm ăn kiểu VN thì về VN làm gì?”

    Bạn Tam Nhan, mình thật là buồn vì bạn không hiểu VN thế nào và thế giới thế nào.

    Tham nhũng thì ở đâu cũng có. Nhưng ở VN nó là thông lệ hàng ngày. Ở các nước nó là ngoại lệ cực hiếm.

    Nếu ta không biết mở mắt ra và làm việc tốt như các nước thì e rằng ta còn nằm đáy thêm 1 ngàn năm nữa.

    Thức dậy đi!

    Đã thích bởi 1 người

  5. Bài viết của HKHoà rất hay. Đáng quý hơn nữa là từ cái nhìn của một người tuổi trẻ.
    Cảm ơn Khánh Hoà nhé. Rất cần có nhiều bài viết hay thế này.
    Chúc vui!

    Thích

  6. Cháu chào chú Hoành!
    Nghe chú nhận xét lời của bạn Tam Nhan cháu thấy đanh thép quá! Thực ra theo cháu hiểu là bạn ấy chỉ có ý là vẫn có những điều tốt đẹp trong xã hội Việt Nam thôi, nhưng có lẽ bạn ấy đã nghĩ 1 vài điều tốt đẹp lại chiếm đa số, với quan điểm này thì bạn ấy đã sai lầm. Có lẽ bạn ấy tư duy tích cực hơi thái quá và thiếu chính xác. Người Việt Nam bây giờ sống trong 1 dòng chảy chung, tất cả những điều xấu đã trở thành những thói quen, những “điều luật” chẳng có trong 1 văn bản nào cụ thể nhưng tất cả đều tuân theo, chẳng ai có dũng cảm để thoát khỏi nó. Cũng đã có những tấm gương tiên phong thoát ra như người thầy giáo đã tố cáo về tiêu cực trong thi cử, những người đã đưa đơn kiện đi khắp các cấp trong vòng gần 20 năm… Nhưng để có thể sống với 2 chữ TRUNG THỰC họ đã phải trả cái giá quá đắt, không chỉ cho bản thân họ mà cả những người thân của họ, những người họ yêu mến. Họ đã được những danh hiệu, nhưng đó chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế thì tất cả đều quay lưng với họ mặc dù biết điều họ làm là ĐÚNG. Cháu đã từng biết 1 câu truyện nghe mà mọi người nghe chỉ thấy có ở Việt Nam. Một cháu bé học lớp 5 vô tình nhặt được 1 bọc chứa 50 triệu tiền mặt, sau đó cháu bé đó làm như đúng lời cô giáo dặn và những điều viết trong sách giáo khoa: “nhặt đựa của rơi phải trả lại cho người đánh rơi”. Vậy là cháu bé đã đưa số tiền nhặt được cho công an. Nhưng kết quả là gì? Cháu bé đó ở nhà bị cha mẹ cho rằng con mình thật ngờ nghệch, ngốc nghếch, đến lớp thì bạn bè cười chê chế diễu cho rằng cháu không bình thường để rút cuộc cháu phải chuyển trường vì quá nhiều lời chê trách. Một xã hội khi chân lý, hay bài giảng cho những con người không được coi trọng thì liệu còn điều gì có thể thay đổi hả chú? mặc dù không ít người muốn thay đổi nhưng cả một lối mòn suy nghĩ trong xã hội không muốn thay đổi chú ạ!
    Chúc chú luôn khỏe mạnh và có nhiều điều tích cực để truyền đạt đến những người đang phải sống trong 1 xã hội đầy rẫy sự tiêu cực

    Thích

  7. Hi Châu Nguyên,

    Chú đã phải đấu tranh với các vấn đề này từ lúc chú còn học đại học ở VN. Nói chung là đa số bạn bè đại học của chú đều nói là mình ra đời phải biết đòn phép tham nhũng để vươn lên, chú luôn luôn nói là mình phải tranh đấu cho xã hội trong sạch. Lý luận đám đông (sinh viên quanh chú) đều là “ngây thơ và lý tưởng thì chỉ có chết.” Tuổi trẻ bị băng hoại quá sớm.

    Khi chú vào Quốc Gia Hành Chánh, đám bạn học cùng lớp ngồi bàn với nhau khi nào ra trường thì ăn tiền bằng cách nảo. (Chắc mấy tên này bỏ tiền ra mua chỗ trong trường).

    Tất cả mọi người đều nói xã hội quanh ta đều thế, ta không thể trong sạch và tốt được.

    Có lẽ là mỗi người chúng ta cần phải xét lại mình. Có thể vì đại đa số người đều chấp nhận nó thế, không muốn tranh đấu chống nó, nên nó mới thể. Im lặng là đồng lõa với tội ác.

    Con người mà không tranh đấu để vươn lên thì chỉ có lụn bại. Quốc gia mà không tranh đấu vươn lên thì chỉ có lụn bại. Và quốc gia chỉ có thể tranh đấu vươn lên qua các nỗ lực của cá nhân mỗi người, vì “quốc gia” không làm gì được, mà phải là con người làm.

    Nếu đa số người nhất định đứng lên nói tôi đòi hỏi trong sạch, công minh, liêm khiết, muốn trù ếm tôi thì cứ làm, muốn cho tôi nghĩ việc thì cho, nhốt tôi thì nhốt, nhưng tôi không lặng yên trước bất công, thì làm sao tình trạnh tồi tệ kéo dài mãi được.

    Có lẽ chúng ta nên xét lại là chúng ta có nên xóa đi các lý do để lặng yên và chấp nhận tình trạng gian dối, hay hy sinh, chấp nhận trù dập, để tranh đấu cho một đất nước trong sạch công minh.

    No pain no gain.

    Thât là phi lý. Một đất nước 4 ngàn năm VĂN HIẾN mà tham nhũng gian dối ngập đầu.

    Làm sao ta có thể để tình trạnh này kéo dài vậy?

    Và vấn đề vượt ranh giới chính trị, vì tham nhũng đã rất mạnh từ thời trước 1975 ở miền Nam. Nó là vấn đề văn hóa dân ta.

    Châu khỏe nha 🙂

    Thích

  8. Cảm ơn anh Hoành và anh Trần Can đã chia sẻ 🙂

    @Tam Nhan: mình không có ý nói quá lên cái gì để tuyên truyền ở đây cả, mà đó là suy nghĩ từ đáy lòng mình. Mình đã sống ở VN 25 năm và mới rời khỏi đất nước có 1 năm rưỡi thôi bạn ạ. Những điều Tam Nhan nói chẳng xa lạ gì với mình, nhưng đáng tiếc đó là những cái thiểu số mà mình đang mong chúng được nhân rộng ra hơn nữa.

    Về bức tranh thì đây là kiểu vẽ trừu tượng nên ai nghĩ ra thế nào cũng được. Bóng tối thì ai nhìn cũng thấy nó đen sì, còn cái vòng tròn ở giữa thì ai nhìn ra thế nào là tùy thôi, có thể là một quầng sáng, có thể là bánh pizza, có thể là vườn hoa…có điều chung: nó không phải là Bóng Tối. Trong bóng tối đang luẩn khuất những chấm xanh đỏ tím vàng và hi vọng của mình là những chấm này sẽ nhanh chóng tìm thấy ánh sáng và nhập vào vòng tròn sáng đó.

    Cảm ơn Tam Nhan 🙂

    @Chau Nguyen: Chau Nguyen gọi anh Hoành bằng chú thì không rõ có ít tuổi hơn mình không hì hì nhưng mà mình thích cách đặt vấn đề của bạn lắm. Chau Nguyen viết rất hay và thuyết phục. Mình rất tiếc về câu chuyện của cậu bé, nhưng bản thân mình nếu trong tình huống đó cũng sẽ làm vậy thôi.

    Mình cũng có những kinh nghiệm cá nhân về việc thay đổi suy nghĩ của những người bảo thủ mà mọi người vẫn nghĩ là mình đang làm điều “không tưởng”, có 10 người xung quanh thì khoảng 7 người chống lại mình và 3 người không ý kiến gì :). Nhưng mình đã làm được. Vì thế mà mình luôn tin là nếu chúng ta TIN thì chúng ta nhất định sẽ làm được . Mà không cần thay đổi cái gì to tát đâu, bắt đầu từ môi trường xung quanh mình ý.

    Chau Nguyen tin cái gì thì hãy làm cho bằng được, để bạn bè, bố mẹ, anh chị nhìn vào và phải gật đầu “That’s possible”.

    Chau Nguyen khỏe nhé 🙂

    Khánh Hòa

    Thích

  9. @chú Hoành:
    Cháu rất cám ơn chú Hoành vì những chia sẻ tâm sự chân thành và đáng quý!
    Thực sự thì chính bản thân cháu cũng đang từng ngày cố gắng để hoàn thiện bản thân mình hơn và sau đó có thể phần nào thay đổi những người khác nhờ vào chính sự thay đổi của bản thân mình. Cháu chỉ có 1 suy nghĩ nếu cả xã hội chẳng có ai thay đổi thì cũng bớt đi 1 người, người đó chính là mình vì mình muốn thay đổi. Và cháu luôn mong muốn rằng cái vòng tròn mà chị Khánh Hòa vẽ ngày càng rộng ra và những mảng tối ngày càng thu hẹp.Mọi điều tiêu cực vẫn tồn tại nhưng chẳng ai có thể ngăn được những điều tích cực xuất hiện cũng giống như sự xuất hiện của ĐCN.
    Chúc chú luôn mạnh khỏe và tràn đầy tích cực để cháu luôn được học hỏi. Cháu sẽ luôn cố gắng theo dõi thường xuyên ^^
    @chị Khánh Hòa:
    Rất cảm ơn chị Khánh Hòa đã đồng cảm được với em!
    Thực ra đôi khi cũng không quá lệ thuộc vào những ngôn từ như chú Hoành nói ^^. Còn em thuộc thế hệ cuối 8x nên tuổi như vậy là nhỏ nhất rồi, chắc chỉ hơn được mấy em học sinh của cô Huỳnh Huệ thôi. Những lời chia sẻ của chị thực sự là những lời động viên rất to lớn để em ngày càng vững tin vào những điều mà mình tin tưởng để cuộc sống tốt đẹp hơn.
    Chúc chị hạnh phúc và ngày càng gieo được nhiều tư duy tích cực đến với những người xung quanh

    Thích

  10. Chào buổi chiều!!! Chúc mọi người buổi chiều thật mát!!!! (thời tiết thay đổi thất thường quá, không biết có phải là “hệ quả nhân tạo” không … :))
    Em không biết Châu Nguyên là anh hay chị nữa, nhưng em là thế hệ học sinh 9x của cô Huệ nè!!!! Nói thật là em chưa đủ khả năng cũng như học vấn để có thể thay cho các bạn 9x cuối cấp II nói vài lời về bài viết của chị Hoà, nhưng em cũng muốn góp một phần ý kiến vào bài viết này! (hehe!! :D)
    __
    Mình chỉ nghĩ một cách đơn giản thế này: dân Nhật yêu nước, sống và làm việc có kỉ luật. Người Việt Nam mình có yêu nước không: Có. Người Việt Nam mình có kỉ luật không: Không!. Còn nước Mỹ thì sao? Nước Mỹ được trời phú cho nhiều ưu đãi và họ biết tận dụng ưu đãi đó để phát triển. Nhưng tài nguyên không thể giúp ta giàu có và mạnh mãi được. Nước Mỹ mạnh vì họ đã xây dựng được xã hội thượng tôn pháp luật. Sự Trung thực, Tôn trọng tính cá nhân, khuyến khích tính đa dạng và cái mới luôn được đặt lên đầu tiên trong các mối quan hệ xã hội.
    –> Em ko ý kiến gì nhiều, vì đây là vấn đề của người lớn; nhưng bản thân em cũng hay “vô tình nghe lỏm” được những lời phàn nàn từ phía người lớn đối với nhau và biết được nhiều cái rất thú vị (em nghĩ là rất có ích cho môn GDCD của mình)…
    Em cũng nghĩ như chị Hoà, nước Mỹ phát triển mạnh như vậy một phần cũng vì luật pháp của họ rắn chắc và người dân chấp hành luật nghiêm chỉnh. Không phải em phản đối gì nước nhà mình…nhưng có vẻ như luật pháp nước mình lơi lỏng quá, em nghĩ là … cấp trên ko chấp hành nghiêm chỉnh thì cấp dưới cũng chẳng noi gương theo….tất cả mọi thứ đều chịu ảnh hưởng với nhau…!
    Mà tại sao Việt Nam mình không chọn lọc những tinh hoa phong phú và những điểm ưu của các nước cường quốc về để cải thiện đất nước nhỉ!?
    Đơn giản là em nghĩ nếu như một người nào đó có thể thay đổi được luật pháp và khiến cho người dân phải “sợ” thì chắc chắn đất nước mình sẽ tốt đẹp ngay thôi.
    Không lấy ví dụ chi cho cao xa, ngay tại lớp học Anh của cô Huệ nè, cô ko cho sử dụng (cấm) Từ Điển khi đang làm test mà lén xài là lòng cứ áy náy, bồn chồn lắm kìa!!! (cái này em cũng bị một lần, nhưng hồi lớp 7 cơ!) Người lãnh đạo phải tạo được tiếng nói thì mới mong các con mình nghe và làm theo..bây giờ (nghĩ thầm) nhà nước mình làm gì có được như dzị đâu mờ!!
    (lại nhiều chuyện rồi!)
    __
    Thêm một điều nữa là dân trí Việt Nam mình chưa cao, tỉ lệ người mù chữ còn … chênh vênh lắm, chưa biết sẽ lên xuống như thế nào (!?), cứ như thuỷ triều ý! Người ta làm mấy cái bảng treo đầy hai bên đường đi (đầu đường Lê Duẩn, ngã sáu nè, và còn nhiều chỗ lắm) , với nhiều những lời kêu gọi khác nhau…
    (tình cờ thấy) Nào là giữ vệ sinh môi trường, vì một thành phố xanh-sạch-đẹp , không hút thuốc, rồi .v…v…v…
    Nhưng có mấy ai làm theo đâu, rác ngày một cứ “bành chướng” ra, mà những nơi thu phế liệu thì còn lâu mới xử lí nổi những thứ rác ấy. Mà người dân mình cũng có tính “lì lì”, “lười lười” nữa nên cứ đổ ra đường, có ai ác là đổ trước cổng nhà người khác ý!
    Ở Sài Gòn_thành phố Công Nghiệp bậc nhất đất nước, (còn HN là trung tâm chính trị ko nói rồi) còn có con sông “thơm thật thơm”, mỗi lần đi qua con sông đó về là chỉ muốm viêm xoang thôi!
    ___
    Nói dzậy hơi nhiều, mong rằng trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi!!! (biết đâu đấy là mình!!! 😀 😀 😀 :D)
    ___
    Đúng dzậy!!!! Em rất tự hào khi được là học trò của Miss Huệ No.1!!!!!! 😀 😀 😀 Cô không chỉ dạy chúng em học nhiều thứ hay,mà còn giới thiệu cho em web Đọt Chuối Non cực kỳ bổ ích nữa, nói thiệt Đọt Chuối Non là trang web em tham gia lâu dài nhất và thích vào nhứt đấy…!!!!!!!!
    Hì hì hì hì 😀 😀 😀 😀 😀 🙂 🙂
    ___
    Nói vậy thôi, em phải đi làm bài!! 😀
    Chúc mọi người chiều mát ạ!!!!!!!!! (again)
    ___
    Mr.Clown
    p/s: em là Girl chứ không phải là Boy!!! 😀
    _______________

    Thích

  11. Anh Hoành mến,

    Có vẻ như anh là một người Việt sống và hành nghề luật sư ở nước ngoài. Vậy trước tiên tôi xin bày tỏ sự kính nể và trân trọng đối với anh vì tôi tin rằng anh hẳn phải có những phẩm chất nhất định để làm được điều này. Tuy nhiên anh có nóng vội quá không khi chỉ qua vài lời đã có thể kết luận một người Việt Nam sống ở Việt Nam “không rành” văn hóa Việt Nam trong nước? 🙂

    Chuyện tiêu cực trong xã hội Việt Nam phơi bày nhan nhản hàng ngày, chẳng cần phải phủ nhận hay thừa nhận vì chẳng ai không biết. Nhưng có nên đi đến những kết luận như “xã hội ngoài kia đã dạy cho ta rằng những giá trị này là không tưởng, sẽ là điên khùng khi mà muốn kiếm tiền lương thiện hay làm bất cứ việc gì mà không phải luồn cúi kẻ trên hay dẫm đạp lên kẻ dưới” hay “xung quanh là một mảng tối đen sì” … hay không? Vì những kết luận như vậy ắt hẳn sẽ đi đến câu hỏi của bạn chaunguyen “Một xã hội khi chân lý, hay bài giảng cho những con người không được coi trọng thì liệu còn điều gì có thể thay đổi …”. Vậy thì kêu gọi “thay đổi” hay “tu dưỡng về đạo đức” liệu có khả thi không? Nếu luôn ghi nhớ rằng “xung quanh mình ai cũng nói dối, lăm le mình sơ hở để lừa hay giật túi”, thì liệu mình có thể tin được ai đó xung quanh một cách trong sáng không? Nếu mình luôn không thể tin những người xung quanh thì mình có thể sống chân thật và chân thành không? Nêu không thể sống chân thật và chân thành thì tu dưỡng đạo đức là làm gì?

    Tôi hoàn toàn đồng ý với thông điệp của Khánh Hòa “Nếu bạn muốn làm, hãy tin và bắt tay vào làm một cái gì đó ngay nhé. Đừng ngồi và than thở nữa, vì không có bất kì môi trường sống nào là hoàn hảo cho ta.” Đúng vậy. Muốn làm cái gì đó thì cứ làm bất cứ cái gì có thể làm được hơn là ngồi than thở. Và để bắt tay làm thì cần có một niềm tin. Nhưng để có được niềm tin phải nhìn được những mảng sáng, vì đó là điểm xuất phát, là hậu phương cho việc đẩy lùi từng mảng tối.

    Thế nên nếu các anh chị, các bạn đang ở nước ngoài, định cư hay học tập ở nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ, thì nên nhìn Việt Nam như một quê hương xinh đẹp hay một nơi còn bề bộn và nhiều việc phải làm, kể cả xây dựng và tu dưỡng những giá trị đạo đức, nhưng không phải là một mảng tối đen xì hay không thể kiếm tiền một cách lương thiện. Tôi đang sống ở Việt Nam, kiếm tiền một cách lương thiện và phần lớn những người xung quanh tôi cũng vậy. Và tôi tin rằng những giá trị được đề cập trong bài viết thật sự rất quan trọng với một con người, kể cả để thành công và thành đạt trong công việc, chứ không phải là những thứ pha lê xa xỉ cất trong tủ kính. Và tất nhiên, tôi không nghĩ rằng mình là một “đột biến” của xã hội Việt Nam đương thời. 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  12. @Tam nhan
    Cũng không biết xưng hô thế nào cho phải xin phép gọi Tam Nhân là bạn. Thực ra theo mình bạn nên hiểu một cách đơn giản, nếu như chúng ta chưa đủ sức mạnh để thay đổi 1 vài người, rộng ra là tập thể và rộng hơn nữa là của 1 xã hội, một đất nước thì chúng ta hãy thay đổi bản thân chúng ta. Điểm sáng đã xuất hiện trên vùng tối thì cần được làm nó sáng hơn và rồi tập hợp những điểm sáng lại thành 1 chùm sáng có sức lan tỏa mạnh hơn! Bạn đã tìm đến được với trang web này là bạn đã có trong mình 1 hoặc rất nhiều điểm sáng và cũng gặp ở đây những con người như vậy và điều đó bạn có nhận thấy là xã hội cũng tốt hơn 1 chút rồi không mặc dù có thể nó rất nho nhoi. Có thể chị Khánh Hòa viết có phần ngôn từ mạnh mẽ 1 chút nhưng điều đó để nói lên sự báo động rất lớn từ phía xã hội. Hãy cùng nhau tới đây như 1 nơi để nuôi dưỡng những điểm sáng và phát triển nó bạn ạ! Không hoàn toàn đồng tình với bạn nhưng không có nghĩa là không ủng hỗ những điều tốt đẹp mà bạn đang hướng tới, cố gắng lên bạn!
    Chúc bạn luôn khỏe và thành công trong cuộc sống
    @Mr Clown
    Chào em! Anh là con trai em ạ
    Rất mừng vì nhờ có cô Huỳnh Huệ đã giúp được các bạn trẻ 9x tiếp cận với những bài học bổ ích. Hiểu ý như em cũng đúng em ạ, nếu hiểu đơn giản, mình thay đổi đơn giản, miễn là điều đó giúp bản thân mình và xã hội tốt hơn là được
    Chúc em học tập tốt và trau dồi kiến thức hơn nữa nhé ^^

    Thích

  13. Chào bạn, bức tranh của bạn trông hấp dẫn quá, nó giống như chiếc bánh cookie có đính M&M trên đó. Bì viết của bạn rất hay, mình nghĩ bạn nên gửi nó cho một tờ báo mạng phổ biến nào đó cho nhiều người đọc. Giữa ánh sáng và bóng tối, mình sẽ chon ánh sáng, vì mình sợ ma lắm.

    Thích

  14. mình chẳng biết tại sao mọi người bây giờ hay chê bai thế hệ trẻ ở VN. Mình là người thuộc da.ng đầu 8x mà mình nhìn vào cuối 8x với 9x mình lại thấy hay. Họ (9x,cuối 8x) thay đổi nhiều , và dĩ nhiên thay đổi sẽ có cái mặt xấu và đừng quên có cả mặt tốt nữa. Chửi bậy ? Mình công nhận là họ chửi bậy nhiều thật. Nhưng cái đấy chắc chỉ là kiểu chơi bời trẻ con thôi, khi họ trưởng thành đi vào môi trường làm việc chuyên nghiệp (mình nghĩ môi trường làm việc ở VN sẽ dần tiến bộ hơn khi các công ty nước ngoài vào ngày càng nhiều) lúc đó họ sẽ không ăn nói lung tung vậy nữa. Cái mình thích ở thế hệ mới là họ rất đa tài. Âm nhạc biết này, ngoại ngữ biết này, và rất nhanh nhẹn, sông xáo (có thể đánh vần sai “sông sáo” :-P) Đôi lúc đi chơi với mấy bạn trẻ đó mình ại ước ngày xưa mình cũng biết sông xáo, mạnh dạn và hiểu biết nhiều như vậy.

    Thích

  15. Chào Tâm Nham và Nat,

    Tuổi trẻ thì ở đâu và thời nào cũng hay và năng động.

    Tuy nhiên có vấn đề lớn mà tuổi trẻ thế hệ mình đã gặp và thế hệ này đang gặp, và nếu ta không giải quyết dứt điểm thì nó cứ di truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia. Đó là không nói thẳng ra các cái sai của người lớn là sai. Người lớn tham nhũng, gian dối… ngươi trẻ biết hết. Nhưng vì lý do này hay lý do khác, không phê phán. Chấp nhận nó, quen thuộc với nó, rồi trở thành nó vài năm sau đó…

    Tất cả những người lớn nhũng lạm hiện nay đã có một thời lý tưởng và trong sáng. Và mình đã tân mắt thấy thay đổi đi xuống trong những người bạn thuộc thế hệ mình.

    Dĩ nhiên là ta không theo chủ trương phàn nàn tiêu cực. Đọt Chuối Non là tư duy tích cực. Tư duy tích cực đòi hỏi việc đầu tiên là nhận ra mình đang tiêu cực ở đâu. Không làm thế thì không tích cực được.

    Các hiện tượng tiêu cực ỏ VN phải được nhận thức trực diện–“Đây là tiêu cực. Tiêu cực này có thể chấm dứt ngay lập tức. Đừng viện cớ nhì nhằng.’

    Chúng ta có nhiều điểm không thể so sánh với các nước văn mình và cần thời gian để đuổi. Nhưng vấn đề đạo đức cá nhân, ta đã có 4 ngàn năm, và không có lý do gì để không đạo đức hơn các nước trẻ hơn (và đa số các nước trên thế giới trẻ tuổi hơn ta).

    Thành thật, không dối trá, không tham nhũng. Đây là điều cần và là vấn đề cực LỚN của đất nước (so sánh với cách sống tại nhiều nước khác).

    Các bạn tuổi trẻ có thấy được điều này không? Và có làm vài điều tích cực tối thiểu không? Như là: (1) xác nhận đó là vấn đề lớn của đất nước, (2) tự nói là mình sẽ không bao giờ đồng lõa với nó, (3) nói với bạn bè mình ý tưởng đó của mình (và biết trước là mình sẽ bị chê là ngu và ngây thơ), (4) chia sẻ ý tưởng đó khi có dịp (như là trên các diễn đàn Internet).

    Đây là các việc mình đã làm từ hổi 17 tuổi liên tục cho đến nay. Cho nên mình không hỏi các bạn làm điều gì khó khăn hơn cả.

    Và đây là các hành động tích cực tối thiểu cho đất nước. Mình tin rằng bạn nào không làm một tí ti gì đó để có thể gọi được là “chống gian dối, chống tham nhũng” thì đó là đồng lõa với gian dối và tham nhũng. Vì im lăng là đồng lõa. Và cái tuổi trẻ trong sáng của các bạn rồi cũng trở thành tuổi già tham nhũng. Vì mình đã tận mắt thấy chuyển hóa đó trong nhiều người trong đời mình.

    Các bạn tuổi trẻ có trách nhiệm với chính mình và với đất nước. Mình tin rằng người tuổi trẻ phải chứng tỏ được năng lực trưởng thành của mình bằng một vài hành động chứng tỏ mình chia sẻ trách nhiệm với đất nước.

    18 tuổi đã vào quân đội hy sinh mạng sống cho quốc gia. Những người hơn 18 tuổi đang sống trong thành phố, đang làm gì cho đất nước?

    Chí có học và làm ăn thôi, mà không tìm cách rớ một tí vào các vân đề lớn của đất nước thì không đủ.

    Chúc Tam Nhan và Nat khỏe nhé. 🙂

    Thích

  16. Cảm ơn Tam Nhan, Chau Nguyen, Mr Clown (rất dễ thương 🙂 ), anh Ngọc ….

    Trả lời trên đây của anh Hoành đã giải thích rất rõ vấn đề CỐT LÕI nhất của Vn hiện nay, cho nên em cũng không bàn thêm nữa tránh lan man 🙂

    Em xin phân tích một chút thôi. Ở Vn người sống lương thiện không thiếu, nhiều người vì ngay thẳng mà chấp nhận những thiệt thòi trong các quan hệ xã hội, nhưng vấn đề là phần lớn chúng ta chọn cách im lặng hơn là nói chống tham ô tham nhũng, chống cái xấu. Chúng ta đều biết đó là xấu, nhưng lờ đi và coi như chuyện quốc gia đại sự là chuyện của nhà nước chứ không phải của mình.

    Ví dụ: anh/chị ra rút tiền ngân hàng, thấy cô nhân viên quát khách hàng, anh/chị rút tiền của anh chị xong thì đi về hay đứng lại nhắc cô ý một câu “Khách hàng là thượng đế, cớ gì mà cô quát tháo người ta, cô là bộ mặt của ngân hàng cơ mà?” Anh/chị nói thế thì kiểu gì tối cô ý cũng phải vắt tay lên trán mà suy nghĩ chứ :D. Người bạn cùng công ty cũ của em đã làm như vậy. Và em nghĩ là Vn chúng ta cần nhiều người như thế để cái xấu không hoành hành nữa. Mình mình sống lương thiện thôi chưa đủ.

    Nhìn vào giới trẻ thì công nhận là họ giỏi so với thời trước, cái đó cũng là đương nhiên thôi, không giỏi mới là lạ chứ :). Nhưng về tư tưởng thì em nghĩ nếu chúng ta không thức tỉnh họ, thì rồi như anh Hoành nói, VN tiếp tục sản sinh ra những nhà lãnh đạo “bị ru ngủ” mà không biết.

    Khánh Hòa

    Thích

  17. Chaunguyen mến,

    Quả là nếu không gọi là bạn thì cứ phải đoán già đoán non về từng người mãi.Thế nên với các anh chị lớn tuổi như anh Hoành, chị Huệ, .. đã là một thế hệ khác, không dám bá vai gọi bạn được, còn lại xin phép gọi thành bạn cả, cho dễ nói chuyện 🙂

    Tôi hoàn toàn đồng ý và rất trân trọng tinh thần bắt đầu từ mình của ChauNguyen. Thật ra tôi nghĩ đó là tất cả những gì mình có thể làm và thay đổi: chính mình (trong đó có cả cách mình thể hiện mình và đóng góp cho phần phía ngoài mình). Còn nếu đặt kỳ vọng vào việc thay đổi người xung quanh thì dễ bị thất vọng và bất mãn lắm. Tất nhiên đó là quan điểm riêng thôi, không dám nói đó là chân lý, có thể chỉ đơn giản là vì tôi hơi … hèn nhát và sợ thất bại! :)))

    Nhân tiện nói luôn, tôi đã đọc khá nhiều bài trên Đọt Chuối Non, mặc dù chưa tham gia bàn luận nhiều, rất quý trọng và đồng tình với tinh thần tích cực xây dựng của các anh chị và các bạn trên đây, nhưng Đọt Chuối Non không phải vầng sáng duy nhất hay hiếm hoi ở Việt Nam. Nếu ChauNguyen đi lang thang bạn sẽ gặp được nhiều vầng sáng khác, tất nhiên là màu sắc cũng sẽ khác … Thế nên nếu muốn làm …”người tốt ở Việt Nam”, gọi nôm na thế cho nhanh nha, thì bạn cứ yên tâm sống tốt nhất có thể mà không sợ bị cô lập, tuy nhiên đi kèm theo đó sự khôn ngoan chứ không phải một sự tốt giản đơn, ngờ nghệch. Mỗi môi trường có luật chơi riêng của nó.

    Anh Hoành và Khánh Hòa mến,

    Tập trung vào vấn đề tham nhũng, vậy là đề tài đã được thu hẹp khá nhiều so với xã hội Việt Nam trong nước đương thời. 🙂 Dù đây là một phần rất quan trọng và ảnh hưởng rất mạnh lên những phần khác, thì cũng không phải là tất cả. Tham nhũng là quốc nạn. Vậy làm sao? Tôi xin phép bàn về việc này trong bài về phát triển đất nước nhé!

    Đã thích bởi 1 người

  18. Chào tác giả Khánh Hòa và tất cả các bạn,

    Trước hết cho mình gửi một lời cám ơn đến Khánh Hòa và rất bất ngờ khi em nêu tên chị như một ví dụ. Thực ra em không nên lấy tên chị, một người đã U 60. Có lẽ em sẽ hỏi chị Thiên Nga nhà báo ở Daklak có biết bao người trẻ hơn: tốt và giỏi lắm trong những cảnh ngộ éo le so với họ, chị còn may mắn hơn không đáng nêu như evidence.

    @ Khánh Hòa :

    Chị hiểu tâm ý của em khi viết bài này; và ủng hộ em nhưng có đoạn này chị muốn đề nghị em cho thêm vào mấy chữ sẽ phù hợp với thực tiễn hơn : …. đã bị MỘT SỐ TRONG CHÚNG TA

    MỘT BỘ PHẬN NÀO ĐÓ TRONG XÃ HỘI NGOÀI KIA

    Và thay vì TA là : NHỮNG NGƯỜI ĐÓ :

    Đã từ lâu, những khái niệm như Trung thực, Khiêm tốn, Tự tin, Cởi mở cho đến những tư tưởng quen thuộc trong đạo Phật như Tham, Sân, Si, Cảm thông, Nhân ái, Từ, Bi, Hỉ, Xả…đã bị MỘT SỐ TRONG chúng ta coi thường và xem như một thứ pha lê đắt tiền trưng bày trong tủ kính. MỘT BỘ PHẬN NÀO ĐÓ TRONG Xã hội ngoài kia đã dạy cho NHỮNG NGƯỜI ĐÓ ( ta )rằng những giá trị này là không tưởng, sẽ là điên khùng khi mà muốn kiếm tiền lương thiện hay làm bất cứ việc gì mà không phải luồn cúi kẻ trên hay dẫm đạp lên kẻ dưới.

    Chỉ một số thôi em ạ. Học trò chị có nhiều em làm việc trung thực, kiếm tiền lương thiện lắm .

    Về cuộc tranh luận trên bài của em, chị thấy mọi ý kiến đều có cái lý của người viết trong một hoàn cảnh, theo một góc độ kể cả suy nghĩ của em Mr Clown tuổi 16, hay ChauNguyen.

    Tam Nhan có suy nghĩ rất hay, đúng thực tiễn và chị đồng tình với bạn ấy:

    Đọt Chuối Non không phải vầng sáng duy nhất hay hiếm hoi ở Việt Nam. Thay đổi đến từ mình và đừng trông chờ người khác hay thời điểm khác. Đó là một câu dịch trên danh ngôn của ĐCN, mà trong một ý Tam Nhan nêu giống như vậy.

    Ở Việt Nam chúng ta, quốc nạn tham nhũng giải quyết được đến đâu, ta không bàn vì ai cũng biết. Nhưng chống tham nhũng không phải ai nói cũng làm được và làm hiệu quả. ( nhà nước kìa)

    Theo mình thì không cần hô lên tôi chống tham nhũng, và tiêu cực,
    nhưng mình không đồng tình bằng hành động: ví như suốt đời dạy học nhất định không nhận những thứ quà biếu có ý nhờ cậy thi cử, cứ ngay thẳng mà làm … và mình cũng không đi hối lộ ai, không bao giờ nhận và đưa phong bì dưới gầm bàn chẳng hạn cũng là một cách thể hiện rồi.

    Các bạn ai cũng xem chuyện thầy Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực ?
    Đã có bao nhiêu bài viết về các vu tham nhũng và tiêu cực, bao nhiêu vụ oan sai trên báo chí, nhưng cái vòi bạch tuộc tham nhũng làm cho dân nghèo nước yếu có mọc ra nữa?

    Còn việc nhìn nhận cái gì cũng có hai mặt của một vấn đề: đâu có phải tất cả những người trẻ không lên tiếng nói ra đấu tranh với tiêu cực là chấp nhận nó hay rồi sẽ bị nhiễm theo nó đâu.

    Câu này của bạn Tam Nhan hay lắm , mình rất hiểu ý bạn :

    người tốt ở Việt Nam”, gọi nôm na thế cho nhanh nha, thì bạn cứ yên tâm sống tốt nhất có thể mà không sợ bị cô lập, tuy nhiên đi kèm theo đó sự khôn ngoan chứ không phải một sự tốt giản đơn, ngờ nghệch. Mỗi môi trường có luật chơi riêng của nó.

    Và ở Việt Nam ta có nhiều người tốt như vậy, e rằng anh Hoành, do tầm cỡ và công việc quốc gia đại sự của anh ít gặp mà gặp toàn các đại gia trong đó không may cho anh những nhân vật thích hối lộ anh, chứ nhà giáo như mình thì may mắn hơn hay ngờ nghệch hơn nên ít bị đụng.

    Tam Nhan, bạn cứ tin rằng ý kiến trao đổi trên ĐCN luôn được hoan nghênh ví như trước đây trên bài của mình. Ta tranh luận chỉ để đi để làm sáng tỏ vấn đề và có nhiều vấn đề mỗi người nhìn ở một góc độ, có thể đều đúng trong chừng mực nào đó.
    Ta không theo trường phái chiết trung nhưng cũng xem xét mọi góc độ.

    Bạn luôn được hoan nghênh ở đây. Bạn không hèn nhát và sợ thất bại đâu.

    Mình tin thế.

    ĐCN mà người lập ra nó vì tư duy tích cực, nhất định không thể tiêu cực hay trần áp các phản biện.

    ĐCN với mình ( 1 admin ) là một trang sạch, xanh và đẹp, một nơi của niềm vui, tư duy tích cực lạc quan, yêu đời trong rất nhiều trang web hay, sáng và đẹp tại nước ta.

    Cầu cho ngày càng nhiều vầng sáng lan mạnh ở VN

    Chúc tác giả và các bạn vui trong tinh thần thân ái và xây dựng

    😛 😛

    Thích

  19. Cảm ơn chị Khánh Hòa, chị Huỳnh Huệ, anh Hoành đã chia sẽ.

    Tam Nhan thân, mình cũng thuộc vào thế hệ cuối 8x, cũng muốn tự mình làm giàu trên quê hương Việt Nam bằng chính sức lao động của mình.
    Về việc nhìn nhận xã hội Việt Nam hiện nay, có thể mình còn trẻ nên chưa nhìn rõ được hết các vấn đề.
    Nhưng những chuyện tham nhũng, nhương nhiễu thì xảy ra hàng ngày (chỉ cần đi xin giấy tờ gì đó liên quan đến xã phường thì bạn thấy ngay).
    Các vấn đề bức thiết trong xã hội, đặc biệt về giáo dục, y tế thì cũng đã được nói nhiều, bàn nhiều, báo động nhiều ở Việt Nam, ngay cả ở những báo lề trái, lề phải hay lề giữa đều nói.
    Các chính sách lớn về kinh tế (ex : đầu tư các cảng biển, hệ thống tàu điện ngầm…), về qui hoạch(ex : các đập thủy điện miền Trung…), về tài nguyên (ex : bauxit, biển đảo, rừng, biên giới…), về Tôn Giáo, cũng đang là những vấn đề hệ trọng ở nước ta.
    Vậy không thể nói là nước mình không tiêu cực được.
    Và đây là những cái mình nhìn thực tế, không phải bằng còn mắt tiêu cực.

    Bên cạnh những điều trên, cũng như Tam nhan, mình cũng nhìn thấy rất nhiều điều tốt : các nhóm làm từ thiện, các trí thức yêu nước, các think-tank…….

    Câu hỏi mình đặt ra ở đây : xã hội Việt Nam bây giờ tồn tại nhiều cái xấu và cái tốt. Vấn đề là trong cuộc chiến này thì ai là người chiến thắng.
    Cái đó tất nhiên phù thuộc vào cậu, vào tớ, vào từng con người Việt Nam chúng ta. Phục thuộc vào Nhân Dân, vào Đảng, vào Chính Phủ.
    Cá nhân tớ vẫn tin rằng cái tốt vẫn nhiều hơn, và sẽ chiến thắng.
    Và khi đọc chia sẽ của Chaunguyen, Mr Clown và cậu. Tớ càng tin chắc như thế 😛

    “Thế hệ nào cũng yêu nước cả”. 😛

    Tam Thân muốn bàn về vấn đề Tham Nhũng, mình cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ở nước ta cái gì xấu thì người ta 1 đỗi lỗi do thị trường, 2 đỗi lỗi do cơ chế. Nhưng cơ chế ra sao thì thấy ít người dám nói…

    Tớ chỉ thiết nghĩ dotchuoinon chỉ tập trung vào mạng tư duy tích cực, chúng ta không nên đi quá sâu vào những vẫn đề xã hội, chính trị.
    Những vấn đề này ta có thể bàn ở các diễn đàn, các group khác.

    Thích

  20. Đọc bài viết trên và các ý kiến của các anh chị em.Đàm Lan cũng xin góp vào một chút góc nhìn. Trước hết, mình xin bám vào cái tiêu đề “Ánh sáng và Bóng tối”, và một câu trong bài “Anh có thể thoải mái phản đối ý kiến của người khác, nhưng không được xúc phạm họ” Có thể nói, đây là mấu chốt của các trao đổi. Chị Huệ đã thâu tóm tương đối sát các góc độ. Mình chỉ xin bổ sung thế này. Một bức tranh có bật lên được ý, là nhờ vào sự tương phản các màu sắc. Và bất kỳ bức tranh ẩn dụ nào cũng có những tương phản, thậm chí là kịch liệt, thì mới biểu hiện được rõ nét chính. Vấn đề là ở các góc nhìn, nhìn sau lưng, nhìn đối diện, nhìn hai bên, nhìn trên xuống, nhìn dưới lên, đều cho ra những khối hình khác nhau. Nhưng tụu trung lại, vẫn là có nhìn ra được ý chính hay không. Theo mình, ý chính của bài viết không nhằm trọng tâm là “tham nhũng” mà bao hàm khá rộng các vấn đề cuộc sống chung quanh hai mảng sáng tối. Nên, nếu cho rằng “tham nhũng” là “văn hoá của dân Việt” e có thái quá và đánh đồng tất cả các giá trị không ? Những tiêu cực xã hội, thực tế ở đâu cũng có, khác nhau chăng là pham vi và mức độ. Nhận định thế nào tuỳ thuộc vào quan diểm mỗi người. Đây là một diễn đàn mở, để chúng ta cùng tham gia trao dổi các vấn đề trong cuộc sống, đề cùng tìm ra một hướng tốt cho bản thân và cộng đồng. Vì vậy, trong khi trao đổi, có lẽ không nên dùng những ngôn từ “nặng ký”, sẽ dễ làm mất hoà khí, và hiểu sai ý nhau. Vì khi đưa ra chủ kiến, mỗi người đều có cái lý của mình. Chưa hẳn mình đúng, chưa hẳn người sai. Chỉ là mở ra các góc độ để chia sẻ và rút tỉa mà thôi. Màn đàm đôi ba ý. Chúc tất cá các anh chị em, hãy luôn tìm đến hương vị thiên nhiên, dân dã mà thơm thảo của Vườn Chuối nhé.

    Thích

  21. Chào Khánh Hòa, Chúc em luôn mạnh giỏi nhá.
    Sao lần này em hay ghê ! Với bài viết có (lửa )-thắp sáng từ lửa nguyên khối . hì ,hì.! mọi người đều cần lửa ,em nhớ đến điều đó.và góp sáng một phần luân lý đức dục của dân tộc.
    Phản ảnh đúng cái chung của xã hội chúng ta.( Chúng ta không bàn đến những hổn loạn,sự thất bại của mổi khoa học tự nhiên,xã hội,nhân văn,kiến trúc cộng đồng .sự thảm bại của giáo duc,y tế cho tham nhũng và cửa quyền.)
    Chúng ta muốn nói đến cách sống có ý nghỉa của mỗi thành viên xã hội,vực dậy tâm hồn theo hướng sáng tích cực ,lành mạnh .
    Dĩ nhiên ,chúng ta không nhấn mạnh những khía cạnh tốt của đất nước,bởi lẽ ,không muốn an trú trong niềm kiêu hảnh tai chổ,trước những biến đổi của dòng sống theo trào lưu văn minh thế giới.
    Châu Nguyên.và Mr Clowr với danhpt. Đồng ý với các em rất đứng đắn trong nhận thức ,Chia sẻ thật trong sáng.
    Khánh Hòa à. Chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối . Chắc không ai muốn tối thui đâu nhá .Nhưng xã hội có những phần tử, từ ánh sáng đi vào bóng tối vì vô đạo đức ,đa phần mọi người dân lương thiện đều hướng về ánh sáng để định hướng cho chính giá trị cuộc đời mình trong ý nghĩa làm người.
    Phan Quang.

    Thích

  22. @ chị Huệ: cảm ơn chị rất nhiều đã dành thời gian reply dài ơi là dài :), em sẽ xem lại cách dùng chủ ngữ như ý kiến của chị nếu bài này có đăng lại ở một trang nào khác, còn trên ĐCN thì em xin phép giữ nguyên bản gốc ạ 🙂

    Chị Huệ khỏe nha chị ^^

    @Danh: rất đồng cảm với các ý kiến của Danh. Chúng ta trẻ nhưng không hời hợt chỉ biết đến cuộc sống xung quanh mình, không vì ít tuổi đời mà không hiểu rõ được các vấn đề của đất nước, và cũng không vì thế mà mất đi sự lạc quan và niềm tin. Chị nghĩ điều đó là quan trọng nhất :).

    @chị Đàm Lan: hii chị là người hiểu rõ ý trong tranh của em nhất đó chị Lan ơi 🙂 Em cũng chỉ đơn giản muốn đưa ra 2 sự tương phản rõ rệt “Ánh sáng” vs. “Bóng tối” và chúng ta chỉ có 2 lựa chọn, hoặc cái này hoặc cái kia.

    Và hình tượng này dù rất trừu tượng và khái quát nhưng em nghĩ trong cuộc sống nếu mình biết rõ mình đang đi về “nhóm” nào thì sẽ biết là nên hành xử như thế nào. Với em thì mỗi lần nhìn vào bức tranh này em lại tự nhắc mình về vườn chuối xanh tươi hoặc là cái bánh pizza thơm ngon đang mời gọi kia hii

    Chị khỏe nhé 🙂

    @anh Phan Quang: welcome you back!!! lâu rồi không thấy anh lang thang vườn chuối, em rất mừng khi đọc được phản hồi của anh đó.

    Cảm ơn anh đã động viên em, em viết theo cảm xúc thôi nên có nhiều chỗ cũng chưa được chỉn chu lắm, nhưng cũng rất vui là gợi được một hot topic cho mọi người thảo luận và qua đó em cũng học được rất nhiều từ mọi người.

    Anh cũng khỏe và nhớ ghé ĐCN thường xuyên nha 🙂

    Chúc các anh chị tuần mới hiệu quả!!

    E Hòa

    Thích

  23. Chào chị Khánh Hoà,
    TH đã đọc rất kĩ bài của chị và ccá phản hồi .Theo nhận xét của TH thì banbj nên có cái nhìn khách quan hơn một tí.Quả thật là mình hơi sững sò khi đọc những câu này
    “Xã hội ngoài kia đã dạy cho ta rằng những giá trị này là không tưởng, sẽ là điên khùng khi mà muốn kiếm tiền lương thiện hay làm bất cứ việc gì mà không phải luồn cúi kẻ trên hay dẫm đạp lên kẻ dưới.”
    Xin chớ hiểu lầm mình “ăn theo” mấy người đi trước rồi a dua nhé! hì hì!!! Vì mình cũng thuộc típ người “giữa đường hễ thấy bất bình chẳng tha” tuy mình là phận ” chân mềm tay yếu ”
    KH , mình đồng tình với phản hồi của Tam Nhan vì rất chí tình, chí lí !Thực ra “mỗi con người là tổng hoà của các mối quan hệ…” và vốn dĩ phàm là người thì không mấy ai hoàn hảo ,và tất nhiên bất kì một quốc gia nào dù Tân tiến đến mấy cũng làm sao tránh khỏi mặt hay và mặt dở, phải không?Bơỉ thế, nên tránh “vơ đũa cả nắm “, càng không nên phủ nhận mọi cái ” ưu “và chỉ nhìn thấy mặt “khuyết ” của người khác hay của một quốc gia nào ( giới giang hồ vẫn có cái đáng yêu của họ là một khẳng định trong một bộ phi TH Đài Loan có tựa đề “Bao Thanh thiên “.
    Theo mình nghĩ KH nên tiếp thu góp ý của chị Huệ (vì rất sát ) ,của Đàm Lan thì rất có chiều sâu (nhà văn mà) của anh Phan Quang thì rất dậm màu sắc triết lí nhưng không kém phần thâm thuý…
    Tóm lai, “trong ba người đi đường thì thế nào cũng có ai đó là thầy của ta” (ngạn ngữ) vậy thiết nghĩ KH nên tiép thu và điều chỉnh những ý như chị Huệ đã đề xuất, vừa đảm bảo tính chân thực lạ vừ thể hiện bạn là người khiêm tốn,cầu thị.Điều đó có gì khó đâu ( Xin lỗi nhé !Trình độ uyên thâm như anh Hoành mà anh vẫn vui vẻ tiếp thu góp ý của người khác và điều chỉnh một khi là hợp lí.
    KH nghĩ mà xem, hãy đặt mình vào vị trí của những người như TAm Nhan ,chị Huệ,.. và cả mình nữa khi đọc những nhận xét quá ‘Xa xỉ ” như vậy thì sẽ thế nào ?
    @ Anh Hoành ơi! Hình như anh dùng câu “thức dậy đi!” để phản hồi lại Tam Nhan là cũng có phần “vượt ngưỡng” mà theo cách nói của Đàm Lan thì là “nặng kí ” rồi đó (nếu em không nhầm thì có chút “Trương Phi”trong đó ? hì hì!!!)
    Hy vọng những ý kiến phản hồi của TH sẽ không làm mếch lòng tác giả và mọi độc giả của ĐCN
    Chúc vui!

    Thích

  24. Hi cả nhà,

    Anh tính đã không comment thêm về bài này nữa, nhưng xem ra nhiều người hiểu sai ý bài này quá cho nên anh phải giải thích thêm môt tí. Chỉ có một người hiểu đúng ý Khánh Hòa nhất là anh Phan Quang.

    — Đàm Lan nói rất đúng là ẩn dụ nào muốn đưa được ý rõ ra, thì hình ảnh phải mạnh một tí. Đó là chuyện đương nhiên. Cho nên Khánh Hòa viết như vậy là phải rồi, chẳng có gì là vấn đề cả, dù viết thì có thể viết nhiều cách khác nhau. Nhưng điều quan trọng là bài viết diễn tả được cảm xúc cuả Khánh Hòa về vấn đề–một trí thức trẻ lớn lên trong nước và mới ra ngoài và so sánh được xã hội người và xã hội ta và thực sự sốc đên mức phải dùng từ như thế mới nói đúng cảm xúc. Đây là điều quan trọng, vì đại đa số cả một thế hệ du học cảm thấy như vậy. (Xem các phản hồi trong bài Đam Mê Tuyệt Vời. Có phản hồi mạnh quá anh đã phải delete, của các sinh viên du học).

    Nhưng điểm chính của Khánh Hòa thì rất rõ: “Đạo đức Việt Nam suy đồi đến mức kinh khủng, phài dùng từ ‘ngoài sức tưởng tượng’ (theo cách đùng từ của anh)”.

    Đây là điểm chính. Thay vì chúng ta nhìn nhận nó để tập trung năng lực giải quyết, thì lại đánh lạc hướng bài viết.

    Dĩ nhiên ai cũng biết Việt Nam có người lương thiện (dù là người viết dùng từ thế nào). Đây là việc đương nhiên không cần phải nói tới. Ngay cả một đám sát nhân, cũng đương nhiên có một hai người lương thiện, huống chi là một quốc gia.

    Khi chúng ta nói: Cái khăn này quá bẩn vì nó dính quá nhiều mực, đừng gân cổ đính chính là nó vẫn còn nhiều chỗ trắng. Khi nói đến chuyện khăn bẩn điều quan tâm không phải là chỗ khăn sạch, mà là chỗ bẩn, và khăn cần mang đi giặt.

    Điều chính mà hình như Khánh Hòa vẫn thất bại trong việc chuyển tải là hầu như rât khó để mọi người chấp nhận là vấn đề đạo đức của Việt Nam suy đồi đến mức phải dùng chữ “bóng tối” mới diễn tả được. (Và anh cũng đồng ý là nếu dùng một từ thì phải là “bóng tối” hay “kinh hoàng” hay “ngòai sức tưởng tượng” mới diễn tả đúng mức độ mình cảm nhận, khi so sánh nó với xã hội thực bên ngoài mà ta sống hàng ngày, không phải trên phim ảnh) .

    Anh nhắc đến tham nhũng vì nó là ví dụ dễ thấy nhất cho mọi người thôi–tham nhũng là cách sống thường nhật. Anh sống ỏ Mỹ hơn 30 năm, chưa tận mắt thấy tham nhũng 1 lần nào cả, kể cả tham nhũng 5 đồng, 10 đồng. Chi lâu lâu đọc báo thấy đâu đó mà thôi. Luật Mỹ, cấm công chức nhận quà trên 25 đô la, cho nên anh mời các công chức đi ăn trưa, họ cũng không cho anh trả tiền phần ăn của họ. Mạnh ai nấy trả. Và thời anh làm công chức, anh cũng trả tiền kiểu đó.

    Thực phẩm gian dối đến nỗi đi chợ là sợ. Anh ở Mỹ hơn 30 năm cũng chưa bị thực phẩm gian dối lần nào. Chỉ có đọc báo thấy thỉnh thoàng có đâu đó.

    Còn bao nhiêu vấn đề mỗi ngày trong giáo dục,hành chánh công quyền, và các lãnh vực khác… mà ở nước ngoài hầu như không bao giờ có, và chỉ là vấn đề thỉnh thoảng đọc báo xảy ra cho một người nào đó mà thôi.

    Nếu ta không thấy được một quốc gia khá sống hàng ngày thế nào, ta không thấy được Việt Nam ta có vần đề tối tăm đến mức nào. Vì vậy các sinh viên đi du học là đều bị sốc khi qua đây một thời gian.

    Thế thì làm sao để một người hiểu mức độ kinh khủng của vấn đề ngoài cách diễn tả cực mạnh…

    Vầ thói quen anh thấy rất thường là mỗi khi ai nói thẳng ra là vấn đế rất tồi tệ, thi có người làm lạc hướng đi bàng cách nói thế là sai vì còn nhiều người tốt, hay “có ý gì” hay “người ngoài nước”… cứ như là người ở Hà Nội thì biết chuyện Hà Nội hơn người ở Luân Đôn. Thời đai này ở đâu thi ta cũng chỉ trong một ngôi làng thế giới nhỏ xíu, và rất nhiều người ở Việt Nam mà không hiểu Việt Nam. Thực ra đi xa thì hiểu được việc nhà hơn, vì có cái của người để mà so sánh.

    Cách nói của Tam Nhan vừa đánh lạc hướng vấn đề vùa rất xúc phạm, không bỏ qua được. Và cái hại chính là ta không bàn được gì hết.

    Dù sao đi nữa là Tam Nhan đã thành công trong việc đánh lạc hướng vấn đề–vì thay vì tập trung bàn theo điểm chính vấn đề Khánh Hoa nêu ra là chúng ra đã đánh mất những giá trị đạo đức đến mức kinh khủng, thì chúng ta xoay ra nói về cách dùng từ, cách bàn thảo…

    Đây là thủ thuật rẻ tiền dùng hàng ngày trong các diễn đàn. Nó làm cho không ai bàn thảo vấn đề gì được ngoài việc thỏ thẻ ậm ừ vài câu. Hơi một tí thì bắt bẻ chữ nghĩa. Ta thà rằng có một bài ngôn ngữ mạnh để mang vân đề ra, thay vì “bào thảo” ầm ừ cho có vẻ trí thức quan tâm.

    Chúng ta cần thực sự quan tâm đên các vấn đề lớn của đất nước, vì chúng quá trời lớn. Không thể dùng các chuyện ngôn ngữ lắt nhắt để làm lạc hướng tập trung tư tưởng.

    Đây là thái độ dứt khoát đối với vấn đề hệ trọng của đất nước. Nếu cứ sợ ngôn ngữ chạm nhau như bước trên vỏ trứng thì chẳng bàn được gì hết.

    Bao nhiêu năm rồi các vấn đề này chi tệ đi và không giảm, đừng nói là ngưng. Tại vì vấn đề, hay tại cách “bàn luận” của chúng ta, chỉ bước trên vỏ trứng khi nói chuyện, cắt đầu này, chặt đầu kia, ve vuốt chữ nọ, cho nên không nói thật thẳng về vấn đề được?

    Trên các diễn đàn, việc này xảy ra mỗi ngày. Người nào đưa ra môt vấn đề người khác không muốn tập trung vào thì lại lấy các chuyện lắt nhắt không đáng quan tâm để làm vấn đề, còn trái bom đen xì cần giải quyết trước mắt thì quên đi.

    Chúng ta phải tập thói quen tập trung tư tưởng vào vấn đề, không phải vào các ngôn từ khi thảo luận.

    Ngôn từ chỉ là cái bè, lấy ý qua sông, vất bè. Không thể để ngôn từ chỉ huy suy tưởng của mình được.

    Ta có nhiều việc lớn phải giải quyết.

    Chúc cả nhà vui 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  25. Chào chị Thịnh Hoa (em ít tuổi hơn là chắc rồi ạ 🙂 )

    Em hoàn toàn đồng ý với chị là các ý kiến của mọi người đều rất xác đáng, chúng ta tranh luận để làm rõ vấn đề nên em luôn luôn lắng nghe các phản hồi. Tuy vậy bản thân một bài viết cũng truyền tải một nội dung giới hạn nào đó mà thôi – bài viết của em viết về cảm nhận chung của em về Vn hiện nay, còn mọi người có thể có những ý kiến phản biện lại vì lắp vào hoàn cảnh của cá nhân người đó thì nó sẽ khác đi một chút.

    E đồng ý là trong bài viết của em có những điểm viết hơi quá lên như chị trích câu trên, ví dụ em nói “bất cứ việc gì” thì về mặt ngữ nghĩa là không đúng, vì chẳng có cái gì tuyệt đối ở đây cả. Em muốn giải thích một chút thiển ý của em khi viết câu này là đối với những con người có hoài bão muốn làm một nhà lãnh đạo, thì việc để vươn lên những nấc thang của xã hội (không phải là vì quyền lực mà là để cống hiến được nhiều hơn cho xã hội) đặt ra cho họ rất nhiều rào cản, nhất là những người làm trong các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nói chung.

    Chúng ta thử nhìn xem các lãnh đạo từ cấp nhỏ nhất như chủ tịch xã, cho đến thứ trưởng bộ trưởng, hiệu trưởng đại học, chủ doanh nghiệp …có bao nhiêu phần trăm dám nói là họ đã không đồng lõa với bóng tối để có được vị trí đó? Và khi ở vị trí đó rồi thì bao nhiêu người còn giữ được cái Tâm của họ để phục vụ đất nước.

    Người sống lương thiện ở Vn không thiếu, nhưng em nghĩ sống lương thiện ở Vn tức là chấp nhận nhiều thiệt thòi. Em ví dụ như thế này: làm một giáo viên tốt không khó, nhưng nhiều giáo viên giỏi dù có được nhiều người yêu mến cũng không thể được bầu làm hiệu trưởng nếu người đó không có tiền “đi đêm”. Một người ngay thẳng họ sẽ không bao giờ chấp nhận như vậy, và trong hoàn cảnh Vn bây giờ, họ sẽ chọn là một cô giáo tốt chứ không phải một hiệu trưởng tồi. Cái mà chúng ta đang mong muốn là xây dựng một xã hội khuyến khích sự phát triển của những nhà lãnh đạo có đức có tài, chứ không chỉ là những nhà lãnh đạo có tài mà hại nước hại dân .

    Em nghĩ việc sửa đổi bài viết thì có gì mà khó đâu ạ 🙂 Em chỉ muốn giữ nguyên bài viết như nó đăng để các ý kiến phản hồi thống nhất cùng một bản thôi. Nếu ý em sai thì coi như là lúc đó em nghĩ sai, sau các ý kiến phản hồi em sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh bài viết thành một bản mới, xin phép được đăng lại ở một link khác hoặc reply bằng một comment. Em nghĩ như thế sẽ khách quan hơn thôi ạ 🙂

    Cảm ơn chị rất nhiều.

    Chúc chị tuần mới vui nhé!

    E Hòa

    Thích

  26. Mình Léo thân chào tất cả mọi người !

    Em đồng ý với anh Hoành là xã hội tham nhũng, ít có vị trí nào trong Chính quyền dành cho người tài chân chính.

    Lại có người cho rằng 2 định nghĩa sau đây đúng về xã hội :
    1. Công chức : nô bộc của dân – người giữ vị trí quan trọng không nhất thiết phải tài giỏi hay có đạo đức – hình như các vị trí được sắp đặt hết rồi !
    2. Viên chức : người phục vụ dân – người tài có thể giữ vị trí quan trọng, (nhưng- tối thiểu phải vào Đảng nhá)

    Còn 1 quy luât sinh tồn là “Nếu bạn có càng nhiều mối quan hệ tốt với cả 2 giới trên (càng VIP) thì bạn càng có nhiều THÀNH CÔNG !!!” .

    Thôi đến giờ em đi quét lá đa đây !

    Thích

  27. Úi, quên mất 1 điều nữa dành cho các bạn trẻ !

    Mình nói lên 1 thực tế nhưng đó không phải là mãi mãi viễn cảnh bi thương như vậy, chúng ta vẫn cứ mơ ước ngày mai sẽ công bằng và .. khá hơn bây giờ !

    Có 1 người đã nói với mình rằng “Cả một nền giáo dục Việt Nam không cho phép con trẻ được mơ ước, đi học toàn là học vẹt, ..v..v..”

    Nhưng mình tin rằng sẽ luôn có những thầy cô giáo trong trường (dù ít) hay ngoài xã hội (như ĐCN chẳng hạn), mãi bên cạnh ta – nhắc nhở chúng ta phải ước mơ một điều gì đó – luôn luôn giúp chúng ta thắp sáng nó !!

    Ngày mai nhất định sẽ tốt đẹp hơn hiện tại và quá khứ !

    Thích

  28. Em Thinh Hoa à !

    Điều gì làm buồn lòng em ? Nếu như có thể .thì anh xin lỗi em để làm em vui . Thì anh hứa làm luôn làm điều này .Bất kể sai đúng. Để có thể cởi mở,thông đạt hơn và vấn đề sâu sắc sẽ xuất hiện từ mỗi phía nhìn .
    Đoạn phản hồi của em rất đúng từ một phía .trong muôn phía của màu sắc triết lý, của quá khứ và thực tại .
    Em à, Đọc lại bài của Khánh Hòa .Anh thực sự ngưỡng mộ (tâm tình ) này (Ưu ái tâm gương của tuổi trẻ mới).Xin em nhớ rằng : Một đóm lửa ,không hề có kỳ vọng làm sáng hết một góc trời .Khánh Hòa không hề( kể cả )với tư cách đó.
    Em ơi, mọi người sao không thấy hết được điều này .Để phải lý luận trong cái ao tù vẩn đục lăng nhăng những gợn sóng tư kỷ , tai sao ta không đem lòng khai mương để thay vào đó những giòng nước tươi mát , và biên giới tình người người thân thiết nhau hơn.!!
    Là môt thạc sĩ ,người đó vẫn luôn cái (ngu dốt )của mình .bài viết của anh luôn phạm lỗi chính tả ,sai cách diễn đạt. Anh có cần thiết điều chỉnh lai cái nhìn đánh giá của mọi người trong ĐCN ? Anh sẽ cần thiết hơn cho những bận bịu lợi ích khác . Ví dụ hôm nay ,Anh phải đi thăm những người bệnh ở bệnh viện không thân nhân,đem đến ho những khoảng khắc mừng vui,để chia nhau giá trị của kiếp sống khao khát tình người .(sau khi viết những dòng (vội vã) này)
    Thiên chức của em thì lại khác và quan trọng hơn nhiều . Là một giáo chức ,em đã chú ý đến môn đức dục có tên là Behavior ,(tư cách) thờ kính Ông bà ,thương yêu cha me, kính trọng tất cả mọi người. là một cái nền .Nếu như tư cách ,nhân phẩm của những người trẻ có gẩy đổ do nghèo đói kinh tế mà ra, cũng có thể xây dựng lại thái độ sống trên nền móng đạo nghỉa đó.
    Vây thì anh và em cũng có sự lựa chọn giứa bóng tối và ánh sáng để hướng thiên đời mình trong mọi tiếp cận.Vậy,Khánh Hòa đúng trong ý tưởng phản ảnh.Chỉ vì không từng trải trong trong cách nói mà thôi.
    Nếu Khánh Hòa biết dùng chữ NẾU NHƯ .để nói đến xã hội ngoài kia dậy cho ta những bai học không tưởng ,sẽ điên khùng …..v..v.. Thì em sẽ không khó dễ với anh .Tai sao lai giận lay mình nhỉ ?hì hị..
    Ngay cả Nha văn vẫn nghĩ bậy mà viết đúng .Ta vẫn phải trân trọng những ai nghĩ đúng nên viết sai đôi chút em ạ.Bởi vì cái đúng của quá khứ có thể là sai của thực tại .
    Vấn đề ở nhiệt tâm chúng ta hôm nay,chứ không phải là bóng bẩy của mỹ từ dĩ vãng.
    Với tinh cảm người ta yêu ấp nhau bằng vòng tay nhung lụa ,chắc gì có hơi ấm hạnh phúc bằng cái xiết tay thật chặt nhưng chất phát ân tình. (Anh nói như thế ,có ngoài đề không ? Thinh Hoa nhỉ ? hư và thực nằm trong ý từ lãng man này đó em.!! hì hì.
    Sau cùng ,anh muốn nói (chí tình) khác xa với (trí tuệ) trong mọi phản hồi. Chí tình là điều đáng quí trong tư duy tích cực,
    (trí tuệ ) là điều cho ta suy ngẫm ,như rất nhiều lần anh suy ngẫm đến những phản hồi của em. và em cũng cho anh những ấn tượng về nét đẹp của người phụ nữ trẻ có tư tưởng trưởng thành và, tâm hồn đôn hậu.
    Sau nữa, Anh thấy em cứ khen tdhoanh hoài ,mà phát ghét,
    cải lộn với Hoành suốt ngày thì anh không thua đâu.Ráng nhịn đấy thôi. Một câu nhịn bằng chín câu cự mà em.Nhưng lần này anh thấy Hoành thâm thúy ở câu nói (thức dậy đi) Nếu cần anh sẽ viết bài( thức dậy đi ) để khỏi ngủ quên trong mộng mị .Cùng nghỉa với mở mắt ra để thấy hết nổi khổ của thế gian.Đồng nghĩa với cái xấu của xã hội đổ nát ,cần dọn dẹp để thấy cái đẹp của nền tảng nằm chình ình ở đó ,bóng tối và ánh sảng cũng nằm trong nghĩa này.
    Không giận anh nữa nha. Send cho anh dung nhan của em đi ,lựa hình nào ăn ảnh nhất ,cái đẹp đè bẹp cái nết đó mà…
    Quang.

    Thích

  29. Chào các bạn.

    Mình nghĩ phản hồi của mình ,xếp hàng sau lưng cua Thinh Hoa . Nên chỉ muốn nói chuyên với Thinh Hoa thôi, Send đi rồi mới biết mọi người dành chỗ của mình.
    Xin lỗi những bạn đến trước ,mình không chào hỏi.
    Hoành nói đúng , Anh hiểu Khánh Hòa hơn ai hết qua bài viết ,( mặc dù thân tình anh em không sobằng anh với Thinh Hoa trong ĐCN.)
    Thinh Hoa sẽ hiểu rằng anh yêu chuộng sự thật và lẽ phải.
    Khánh Hòa cũng sẽ hiểu rằng em thể hiện cái đúng ,và cái đúng phải luôn được bảo vệ một cách công bằng vàkhách quan
    Nếu như anh đọc được những lời của Leonasaya . Thì chắc anh không viết cho Thinh Hoa . Vì Leonasaya đã mồi lữa từ bài viết bóng tối và ánh sáng rồi .Cám ơn Leo ,hì .
    Chúc vui cả nhà.

    Thích

  30. Dear anh Quang,

    Cảm ơn anh rất nhiều đã chia sẻ những tâm tư thật chân thành. Em thực sự xúc động trước những dòng chữ này.

    Anh đã inspire em rất nhiều để tiếp tục viết ra những gì mình nghĩ và không bị những từ ngữ câu chữ trói mình lại.

    Em muốn nói với mọi người, nhất là các bạn trẻ vẫn đang còn ngại ngần trước các ý kiến phản biện rằng ĐCN là môi trường lý tưởng để tất cả mọi người dũng cảm viết ra những gì các bạn cảm nhận thấy, từ đáy lòng mình. Hãy cứ tự do chia sẻ vì văn hóa tích cực của ĐCN chắc chắn sẽ hiểu là chúng ta muốn nói gì 🙂

    Anh Quang khỏe nhé 🙂

    E Hòa

    Thích

  31. Mỗi chúng ta phải là một chút sáng, nhiều chút sáng
    gọp lại sẽ làm trời sáng.
    Hãy vào đời với hy vọng và lạc quan để đẩy lui khuyết
    điểm, xoá tan tăm tối.
    Mỗi nguời một chút đem cái thiện đánh đổi lòng tham.
    Hãy vì tương lai tươi sáng của một dân tộc mà hành động.
    Xin gởi anh chị em ĐCN khẩu hiệu mới của danhpt
    Bạn ơi! Hãy hành động.

    Đau lắm khi ….
    Quê hương còn khổ cực
    Trí dân chưa mở mang
    Anh – Tôi còn phân biệt
    Và tôi làm được gì?

    Phạm Lưu Đạt

    Thích

  32. Thân chào các anh chị và các bạn

    Mình ít khi muốn tham dự vào những vòng tròn tranh luận về quan điểm, đơn giản vì lúc nào cũng thiếu thời gian cho những việc mình thấy rất cần ưu tiên làm trước, và bởi mình muốn góp chút gì đó vào cuộc sống mỗi ngày bằng công việc cụ thể chứ không bằng lý thuyết suông, không chỉ bằng ngôn từ chẳng bao giờ xanh tươi bằng thực tế .

    Tuy nhiên, mình nhận được tin nhắn chị Huệ đề nghị mình tham gia cuộc này. Vì rất quý trọng chị Huệ, sáng nay thứ hai đầu tuần, mình vẫn gạt mọi việc sang bên để vào đây xem anh chị em đang bàn gì trong Vườn Chuối.

    Thú thật, đọc bài viết của Khánh Hòa và một số ý kiến đồng tình nối tiếp, mình đau nhói trong tim.

    Ở vị trí và mạng lưới quan hệ của mình nhiều năm qua, mình hiểu nhiều bức xúc của các bạn về những vấn đề tiêu cực xã hội. Mình vẫn thấy rõ, vẫn đối đầu với nó mỗi ngày, vẫn không thôi phiền muộn trước vô số chuyện đáng cho mỗi con người tự trọng phải thấy xấu hổ vì những biểu hiện suy đồi đạo đức đó.

    Tuy nhiên, đâu phải vì vậy mà ta vơ đũa cả nắm, để phủ nhận một thực tế có thật : rằng bất chấp mọi thứ rác rưởi chìm nổi, rõ ràng dòng chảy của cuộc sống vẫn đang từng ngày tuôn chảy về biển lớn, theo đúng quy luật tồn sinh, và cái đích vươn tới bao giờ cũng sáng hơn, đẹp hơn, trên bình diện mới tiến bộ hơn trước.

    Một ví dụ rất nhỏ thôi : Các bạn hãy xem lại chùm ảnh Tây Nguyên anh chị Hoành- Phượng chịu khó sưu tầm và post lên cùng bài thơ Buôn Ma Thuột, để biết rằng mấy chục năm trước sau lớp bụi thời gian đầy thơ mộng, BMT xơ xác nghèo nàn như thế nào, và ngày nay BMT hiện đại văn minh phát triển như thế nào.

    Nguồn lực nào đủ xây đắp cho bộ mặt đô thị mới này ? Nếu không có sự đánh đổi ? Đánh đổi xương máu, tài nguyên, nhân tài vật lực ! Rât nhiều sai lầm vô tình, cố ý diễn ra trong dòng chảy đánh đổi ấy. Đã quá nhiều cái giá phải trả đắt hơn cần thiết. Rất cần đấu tranh với sai lầm để khơi thông dòng chảy, chứ không nên đắp đập chặn dòng, để cuộc sống mãi trì trệ tù đọng quẩn quanh.

    Có lần, mình hỏi một bạn gái thân thiết, khi thấy bạn này có cái nhìn đầy bi quan về xã hội : Bạn có tin mình chưa từng làm bất cứ điều gì xấu trong vị trí công tác của mình để mưu cầu vụ lợi điều gì không? Bạn ấy do dự trả lời: không biết nữa ! Mình im lặng vì đau đớn, nhưng nước mắt mình chảy ngược tận đáy lòng.

    Vì sao ? Vì đến một người gần ta như thế, từng sẻ chia bao buồn vui như thế mà còn không biết tin, không dám tin vào một điều nên tin ở bạn mình, mới hay mình cô độc đến chừng nào! Và bạn ấy đáng thương biết chừng nào, yếu đuối biết chừng nào, khi cái nhìn về cuộc đời, về con người luôn bế tắc trong những phủ nhận và nghi ngờ tăm tối đến vậy ?

    Các bạn có biết, vô số lỗi trong hệ thống điều hành đang dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo đầy bất công với những mức thu nhập khác nhau hàng trăm lần trong xã hội. Điều cần làm là đấu tranh để hệ thống ấy sửa lỗi dần. Nhưng hiện tại, bên cạnh số đông thu nhập thấp đến khó tin vì không đủ sức nuôi sống chính họ, vẫn có không ít người ( đa số trẻ tuổi, thế hệ 7X, 8X, không có tôi hay bạn trong số đó) hưởng mức thu nhập vài nghìn đến hàng chục nghìn USD/ tháng đầy xứng đáng, với đầy trí tuệ và tài năng, người khác không thay thế được. Lớp người đó cũng sản sinh ngay từ dòng chảy này đây, và họ xứng đáng là tương lai của đất nước.

    Slogan của Đọtchuốinon là ” Tư duy tích cực mỗi ngày” . Đừng ngộ nhận, nhầm lẫn rằng bất cứ ai tham gia mạng này cũng đã đạt được điều đó, để còn tỉnh táo mà trau chuối cái nhìn, cái tâm của mình trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói, ngòi bút và suy tư mỗi ngày. Chúng ta đều là những người thiết tha với cái đẹp, với điều tốt nên đều nhạy cảm và cũng thường hay đau. Vậy nên, trước khi viết ra những dòng chữ phê phán nặng nề, hãy tự hỏi xem suy nghĩ đó đã thật chín chưa? Có làm tổn thương đến những gì mà ta chưa có điều kiện thấu hiểu sâu sắc , chưa đủ tầm nhìn xa rộng, chân thành và bao dung ?

    Tôi không hiểu lắm vì sao có quá nhiều mâu thuẫn trong việc admin post bài viết ” Đảng bộ Đắk Lắk, 70 năm hình thành phát triển”, rồi lại cùng nhau cho rằng ” Những gì mình nhìn thấy xung quanh là một mảng tối đen sì” ?

    Tôi rất mong những tranh luận dài từ bức tranh của Khánh Hòa sẽ đem đến cho chúng ta một cái nhìn khách quan, điềm tĩnh hơn, để Vườn Chuối mãi xứng đáng là mảnh đất lành cho những Đọt Chuối vươnlên, góp phần dù thật nhỏ bé vào việc điểm chút sắc xanh non mềm mại cho cuộc sống.

    Thích

  33. A, xin lỗi Khánh Hòa nhé

    “Nếu bạn muốn làm, hãy tin và bắt tay vào làm một cái gì đó ngay nhé. Đừng ngồi và than thở nữa, vì không có bất kì môi trường sống nào là hoàn hảo cho ta. Chỉ có chính ta tìm thấy hạnh phúc khi hành động với tình yêu xuất phát từ một trái tim nhân ái mà thôi.”

    Đoạn này cũng chính Khánh Hòa viết mà, rất hay, rất tích cực. Và Khánh Hòa cũng lại là 8X mới oai chớ !

    Vậy tôi tin bạn đã thành công về kỹ thuật chọn cách viết đầy tính “sinh sự” về ” mảng tối đen sì” nhé.

    Thân mến
    HTN

    Thích

  34. @ Hi Khánh Hoà,

    Em đã đi một bước rất xa, kể từ ngày tham gia ĐCN. Cảm ơn Khánh Hoà về bài viết này. Một bài viết chứa nhiều suy nghĩ và thể hiện trách nhiệm của một thanh niên trước sự hưng thịnh và phát triển của tổ quốc. Một bài viết đầy lửa. Em đã dám nghĩ và dám nêu vấn đề, không sợ câu chữ trói buộc. Điều này chứng tỏ em rất can đảm và rất mạnh mẽ. Chị thật lòng khâm phục em, cũng như khâm phục tất cả các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Suy cho cùng, Đất nước có đi lên hay không, phần lớn trách nhiệm đặt vào tay lớp thanh niên mà.

    Chị đồng ý với em về nhiều điểm. Nhưng không có nghĩa là chị hoàn toàn đồng tình với mọi luận điểm. Vấn đề ở đây không phải là chuyện chấp nhặt câu chữ. Toàn thể chúng ta ở đây, cùng nhau tham gia phân tích bài viết của Hoà, theo ý kiến riêng của chị, không ai bị câu chữ trói buộc cả. Nhưng câu chữ chuyển tải nội dung. Và một số nhận định chủ quan của Hoà, là nội dung chứ không phải câu chữ, chưa được sự đồng thuận của nhiều người. Mọi người đang cố gắng vẽ một bức tranh toàn cảnh về xã hội VN một cách chính xác nhất, trung thực nhất, chứ không phải bằng một hai góc nhìn. Em có điều kiện thực tế để so sánh giữa hai nước, Việt Nam và Mỹ, tạm cho là như vậy. Nhưng thế giới ngày nay thu hẹp lại rất nhiều nhờ truyền thông phát triển. Nếu điều đó cho phép một bạn ở Mỹ nắm rõ từng ngóc ngách tiêu cực của Việt Nam, thì cũng đồng thời cho một bạn ở Việt Nam tường tận đời sống của Mỹ, có phải thế không?

    Những gì mình nhìn thấy xung quanh là một mảng tối đen sì. Chị bất ngờ với nhận định này của em! Chị không biết một năm rưỡi trước, Hoà có những suy nghĩ quá khích như thế này không? Cái mà em gọi là văn hoá đó, những Trung thực, Khiêm tốn, Tự tin, Cởi mở.. mà em từng sống, trân trọng và lớn lên cùng với nó hàng ngày, chẳng lẽ đột nhiên biến mất khi em sang Mỹ? Theo ý kiến riêng của chị, mọi giá trị đó vẫn nguyên vẹn với mọi người ở đây, ở Việt Nam này. Chẳng phải chúng ta luôn kính trọng, đề cao và cố gắng sửa mình hàng ngày để giữ gìn và sống theo những giá trị cao quý đó sao? Dĩ nhiên có một số ít người đã mang nó cất vào tủ kính. Mà không, có lẽ họ không cất vào tủ kính đâu. Những con người mất lương tri đó có lẽ đã giẫm đạp lên nó thì đúng hơn. Nhưng những người như vậy, thời nào cũng có, xã hội nào cũng có, tầng lớp nào cũng có, đâu phải chỉ Việt nam! Chị cũng có con gái đang du học nước ngoài. Cháu vẫn thường trao đổi thẳng thắn với chị về nhiều thứ. Chị vui vì cháu vẫn rất trân quý những giá trị riêng của dân Việt. Và dù đang thụ hưởng mọi hiện đại văn minh của nước ngoài, cháu cũng đủ tỉnh táo để không quáng mắt bởi mọi thứ lấp lánh. Không phải thứ gì lấp lánh cũng là kim cương đâu Hoà ạ. Khi nhìn rõ ra rồi, có khi mình lại thấy nó chỉ là ánh sáng của một thứ miểng chai rẻ tiền thôi em à (chị không muốn dùng từ thuỷ tinh, vì e rằng không xứng!). Tóm lại, theo ý riêng của chị, chị sẽ không đồng ý với nhận định này của em. Đối với chị, quầng sáng của cuộc đời này lớn quá, đẹp quá! Dù chị không ít lần chịu thăng trầm trong cuộc sống, chị vẫn thấy ánh sáng là phần chủ đạo. Xung quanh chị có biết bao tấm gương đẹp để chị học hỏi, biết bao người hết sức bình thường mà hành xử cao thượng đáng ngưỡng mộ. Và càng già dặn, chị lại càng nghiệm ra rằng, giá trị thật sự của dân tộc, của Tổ quốc nằm ở những con người bình thường này, những con người lương thiện, kiếm tiền lương thiện, sống với những giá trị đạo đức truyền thống của ông cha. Chính những người không cao giọng rao giảng đạo đức lại là người thực hành đạo đức tốt nhất đấy, Hòa ạ.

    Mạn đàm ở đây, chị cũng xin nói rõ một điều: không hề có việc khen/chê cá nhân nào ở đây cả. Cũng như các bạn, chị nêu ý kiến vì chị luôn tin tưởng tôn chỉ của ĐCN là một trang web mở, một vườn tích cực, nơi mọi người thẳng thắn trao đổi quan điểm để làm rõ một vấn đề, nơi một suy nghĩ không bị bất kỳ ai chụp mũ, bị áp đặt, bị gán ghép những nhận định riêng. Nếu chị là Hoà, chị sẽ rất vui vì vấn đề mình đặt ra đúng là vấn đề thời sự, rất nhiều người trăn trở nên ai cũng muốn góp một tiếng nói 😆

    Xin mượn câu kết tuyệt vời của Khánh Hoà thay cho kết luận: Nếu bạn muốn làm, hãy tin và bắt tay vào làm một cái gì đó ngay nhé. Đừng ngồi và than thở nữa, vì không có bất kì môi trường sống nào là hoàn hảo cho ta. Chỉ có chính ta tìm thấy hạnh phúc khi hành động với tình yêu xuất phát từ một trái tim nhân ái mà thôi.

    Đây chính thật là tinh thần của ĐCN, phải không Hoà?

    Chúc em ngày vui nhiều. 😛 😆

    Thích

  35. Hi cả nhà,

    Cám ơn Thiên Nga đã chịu khó viết dài thế nhé. HTN mà phải viết dài thế thì không phải là chuyện nhỏ rồi 🙂

    Mình nghĩ là việc này có lẽ là đã được nhìn từ mọi góc cạnh hết rồi. Có thể tạm ngưng.

    Để tiếp tục suy nghĩ về vấn đề sâu là: Làm thế nào để tiếp cận tư tưởng của trí thức trẻ.

    Thực ra thì bài của Khánh Hòa rất là nhẹ so với những bài mình đã không cho post trước đây của các bạn sinh viên du học, vì rất dữ dội, nóng và “nghe” có vẻ “một chiều” hơn bài này của Khánh Hòa rất nhiều. Trước khi cho post bài của KH mình cũng muốn xem phản ứng thế nào.

    Mình muốn nghe tiếng nói của thế hệ trẻ, ngay từ trong lòng bốc ra, mà không cần phải quan tâm về việc người lớn chỉnh cách ăn nói. Vì trẻ mà nói như người lớn thì đôi khi chính mình cũng nghi ngờ, không hiểu đó là tư tưởng của người đó hay mới học vẹt đâu đó. Kinh ngiệm làm việc của mình là cái nhìn dữ dội đôi khi không bao trùm hết của người trẻ lại thường cho mình năng lực tập trung rất mạnh vào vấn đề, và nẩy sinh được những tư tưởng mói lạ hơn là từ cách suy nghĩ hàng ngày hơi cổ của mình.

    Và mình nghĩ đây không phải là vấn đề của riêng mình, mà là vấn đề quốc gia. Làm sao quốc gia này có thể tiếp cận được năng lượng “sống sượng” (raw), chưa bị gọt dũa (unrefined) của thế hệ trẻ, thì chúng ta mới có thể có một quốc gia vượt nhanh được. Vì thực sự mà nói, cho đến lúc này mình thấy tuổi trẻ Việt Nam bị ngườii lớn uốn nắn vô con đường của họ quá nhiều cho đến nỗi khi người trẻ thành người lớn một tí họ thành người lớn rất bảo thủ. Ngoại lệ cũng có nhưng là số nhỏ. Đó là lý do tại sao xã hội VN rất bảo thủ (so với nhiều quốc gia khác, theo nhận xét của mình).

    Đây là vấn đề, tạm gọi là vấn đề của đất nước mà mình đã và đang suy nghĩ. Chia sẻ với các bạn. Và bài của KH là một bài mình xem như là bài test khi mình cho post mà không edit một chữ nào.

    Sẽ tiếp tục suy nghĩ 🙂

    Thích

  36. Dear cả nhà,

    Tôi chỉ định trả lời anh Hoành thôi, nhưng đọc phần comment của Thiên Nga thấy nhói lòng quá và nghĩ để những tâm tư này đè lên tâm tư của một bạn trẻ nhiều nhiệt huyết như Khánh Hòa cũng hơi nặng.

    Thật ra cái comment đầu tiêu của tôi chỉ định góp ý nhẹ tác giả Khánh Hòa một chút về “mức độ” khi viết thôi. Sẵn thì post thành comment, không thì gửi email góp ý riêng cũng được. Quả thật là không định đánh lạc hướng thảo luận của diễn đàn như anh Hoành nói. Thế nên có vô tình mà gây nên hiệu ứng ấy thì, xin lỗi anh Hoành và mọi người nhé. Quả là không hữu ý. Mà đáng lẽ anh Hoành không cần thiết phải phản ứng với comment của tôi mạnh như thế thì mọi người cũng đã không chú ý đến tôi nhiều như vậy. Việc này cũng một phần là lỗi của anh Hoành nhé! 😀

    Tôi đã nói ngay từ câu đầu tiên là hoàn toàn đồng ý với ý tưởng và thông điệp của bài viết, nhất là thông điệp cuối cùng của tác giả như tôi đã trích trong comment thứ hai của tôi và Thiên Nga cũng trích lần nữa ở comment trên. Viết lách kém nên tôi đồng ý thì chỉ biết nói là “tôi đồng ý”, cũng chẳng biết … phát triển thêm cho nhiều chữ hơn. Nhưng không hiểu sao chẳng ai đọc những câu này của tôi cả mà cứ cho rằng tôi phủ nhận hiện thực Việt Nam còn nhiều tiêu cực, rằng tôi “mê ngủ” với thực trạng Việt Nam hay đại loại thể, …. Một lần nữa, quả là không có ý đó, ai hiểu lầm thì cho tôi xin lỗi, tôi không có ý đó!!!

    Tuy nhiên, nhân đây tôi muốn giải thích một chút về comment đầu tiên của mình. Vì quả thật một phần nào đó tôi sợ người đọc hoặc tác giả nhìn Việt Nam đen sì sì như thế. Vì tôi đã gặp nhiều người Việt Nam ở nước ngoài với cái nhìn về Việt Nam thật sự đen như vậy. Một phần vì họ đã đi khỏi Việt Nam lâu ngày, biết về Việt Nam qua những phản hồi tiêu cực nhiều hơn là tích cực, vì những lời tích cực các cơ quan chính quyền luôn nói nhiều hơn mức khách quan nên người dân thường không buồn nói đến nữa, mà chính quyền nói thì … chẳng ai muốn tin nữa, hic hic…Thế nên họ không thể về Việt Nam một cách tích cực, du học sinh mà nhìn như thế cũng không thể quay về Việt Nam đóng góp cho quê hương. Đơn giản là một người không muốn kiếm tiền một cách không lương thiện thì không thể quay về cái nơi mà không thể kiếm tiền một cách lương thiện. Trong khi đó, xin lỗi anh Hoành và các anh chị em ở nước ngoài, tôi luôn nghĩ rằng chỉ có người Việt Nam trong nước, hay về nước mới thực sự đóng góp tích cực cho sự thay đổi và phát triển của Việt Nam thôi, còn từ phía ngoài, dù có nói to hay nói nhỏ gì đó có thể ảnh hưởng mức nào đó thì cũng chỉ là ở bên ngoài mà thôi. Thế nên tôi mong muốn những lời post lên có chừng mực nhất định để không tắt ánh sáng dẫn đường về của các bạn trẻ ở nước ngoài, vì tôi cũng đã từng là một du học sinh và đã lựa chọn trở về …

    Tuy nhiên tôi biết Khánh Hòa còn khá trẻ và nhiệt huyết nhiều nên tâm tình có phần sôi nổi. Vì vậy, cũng không để câu chữ làm mình nhói lòng như Thiên Nga. Thiên Nga à, mình nghĩ Khánh Hòa có lẽ cũng không có quơ đũa cả nắm và đánh đồng sáng tối ở Việt Nam, và chỉ là sự nhiệt tình để hành động của tuổi trẻ thôi, như anh Hoành nói và Khánh Hòa cũng đã giải thích.

    Cám ơn chị Huệ đã chia xẻ và động viên em. Tuy nhiên những tranh luận không làm em …. run sợ không dám thò mặt lên Đọt Chuối Non đâu, chỉ khi nào anh chị admin nào đó nói thẳng vào mặt là “cấm cửa” thì mới đành chịu thôi. 😀

    Vài dòng tâm tình chia sẻ với mọi người.

    Đã thích bởi 1 người

  37. Chào em Khánh Hoà,

    Chị vừa đi dạy 5 tiết trên trường về. Sáng nay đọc comment của em Đàm Lan, của thinhhoa, của anh Phan Quang, anh Hoành và của em, nhưng vội đi dạy khong kịp trao đổi chi, chỉ gửi nhà báo Thiên Nga một tin nhắn vô đọc một bài có nhiều ý kiến, vì nhà báo này theo chị biết có nhiều kinh nghiệm viết lách và các vấn đề của tuổi trẻ cũng như những vấn đề của đất nước

    Chị hoàn toàn ủng hộ em trong việc nói thẳng và nói thực, và đôi chỗ nói mạnh, nhưng theo chị một chút thận trọng về ngôn từ sẽ làm cho bài em không thiếu lửa mà thành khách quan và chính xác (không nhất thiết phải nói chúng ta như tất cả, những người trẻ) thay vì chỉ có một bộ phận. Nhưng chuyện này không phải chuyện chính, nhiệt tâm của em là đáng trân trọng.Bài viết hay và dám nói. Bài viết hay và dám tiếp cận vấn đề ở một người tuổi trẻ như em/

    Chị không là chuyên gia viết lách hay ngôn ngữ, nhưng nghề sư phạm của chị dạy chị rằng không nên để người ta chạnh lòng vì vô tình hay vô ý vơ đũa cả nắm.

    Tất cả những vấn đề tiêu cực em nói không phải chị ngây thơ, cả tin và không thấy. Chị cũng biết em vì nhiệt huyết của tuổi trẻ nên dám nói ra một vấn đề của đất nước khi em đi ra nước ngoài học tập, nhìn về đất nước và so sánh. Em có nhiều phần đúng khi nói về một bộ phận người Việt chúng ta và các vấn đề tiêu cưc. Song bên cạnh đó, chị vẫn thấy nhiều bạn trẻ làm việc trong các trường học là quản lý đâu có tệ thế, và các em học sinh nhiều em vẫn lễ độ ngoan hiền nên chị chỉ đề nghị em đổi chút xíu thôi.

    Chị đã từng có một học bổng đi học nước ngoài, đã được học và tiếp cận với hệ thống giáo dục hiện đại hơn. Chị cũng không tránh khỏi thất vọng và shocked. Nhưng khi trở về, chị không ngồi đó buồn bã trong bóng tối, mà vẫn làm những gì có thể hết khả năng mình cho nghề nghiệp và học trò.

    Chị tin rằng mình không làm việc đó một mình. Cũng giống như có bao nhiêu em cựu SV học trò của chị đang dạy học trong điều kiện hết sức khó khăn ở những vùng sâu xa, nơi mà thậm chí hiện giờ nhiều người dân nghèo khó ở đó có người còn nhận thức sai: ngoại ngữ đâu có cần thiết cho con tôi và xin thầy miễn cho cháu không đi phụ đạo HS kém (miễn phí) để cháu đi làm nông giúp gia đình.

    Còn biết bao người kiếm tiền lương thiện hay làm việc mà không phải luồn cúi kẻ trên hay dẫm đạp lên kẻ dưới.

    Về chuyện dùng đại từ có quan trọng và nên thận trọng không? Cách phản hồi có nên thẳng thắn mà ôn tồn tránh thái độ chụp mũ có thể gây thất vọng và tổn thương ở những người khác. Chắc là có nếu chúng ta muốn sự đồng thuận và nhất trí vì nó đúng, và khách quan hơn là vô tình gây ngộ nhận hay xúc phạm người khác

    Chúng ta như tất cả hay một bộ phận, trong ngôn ngữ sư phạm và cách dạy viết cho từ học trò cho đến SV của chị, em nào cũng biết không nên nói tất cả chúng ta hay chúng ta nếu như sự thực chỉ có một số (dù lớn hay nhỏ trong chúng ta)

    Chị cũng hiểu có tác giả dùng các biện pháp tu từ như NÓI QUÁ, PHÓNG ĐẠI, (HYPERBOLE) hay NHÂN HÓA vv để tăng hiệu quả của ngôn từ và cảm xúc. Với em thì không, chỉ là do em viết theo dòng cảm xúc tuôn trào.

    Chị hoàn toàn không đặt vấn đề đúng, sai trong cách viết với một bài viết có thép và lửa, rất được quan tâm thế này.

    Chị đề nghị như vậy vì chị rất ủng hộ em trong ý định thắp lửa, và khách quan mà nói chị đề nghị thôi mà, em vẫn có tự do của em, cũng như chị phải tin DCN với tôn chỉ của nó mới thành thực nêu ý kiến của mình, và thinhhoa đồng tình.

    Nhưng cách nói của bất kì ai trong chúng ta khi phản hồi đừng để không khéo tránh khỏi suy nghĩ rằng mở miệng nói ra gì khác với những câu khen hay và cám ơn, chấm hết sẽ bị bóp méo và chụp mũ hay bịt miệng.

    Sự thực chị có hơi băn khoăn khi nhìn thấy cái quầng sáng của em và các chấm sáng ấy bé quá so với tổng thể bức tranh với phần bóng tối đen sì quá lớn.

    Chị vốn lạc quan không sao, chị không ngồi đó buồn rầu cho cái bóng tối đó mà chị vẫn hăng hái đi dạy 5 tiết cho SV, sáng hôm qua chủ nhật, nhưng có vài em học trò của chị chiều qua có về thăm BMT ghé chơi và có nhờ chị nói giùm họ ở trường xa không Internet, muốn đọc ĐCN lâu lâu phải ra phố huyện đọc ở tiệm và không có điều kiện dọc hết mọi bài. Các em ấy nói rằng tụi em sẽ rất buồn khi thấy bóng tối quá nhiều và cái quầng sáng quá bé. Liệu tụi em có phải là một đốm sáng lẻ loi trong bức tranh hơi tối ấy không? (Những cựu SV đó thuộc thế hệ của em đấy Hòa ạ)

    Trang web này là tư duy tích cực nên liệu có nên chăng một ai trong chúng ta trấn áp khi người khác có một ý kiến hơi khác một chút xíu thôi, đưa ra để rộng đường dư luận, và ý kiến đó đều được nhiều người khác nhìn nhận có lí và đúng ở một góc độ nào đó?
    Như vậy thử hỏi các tiêu chí về tư duy tích cực có đuợc trân trọng và thể hiện tích cực thực sự, đúng nghĩa không?

    Tóm lại, vấn đề em đưa ra là vấn đề nhạy cảm.Chị vẫn hiểu và ủng hộ tâm ý, thành ý của em và cũng đã phát biểu từ đầu. Chị cũng không biết Tam Nhan thuoc the hệ nào nhưng thấy những điều ban ấy nói có lí và đúng trong góc cạnh nào đó. Thiết nghĩ ta nên nhẹ nhàng hơn với những người phát biểu dù cho có nhìn thấy ở họ cái gì chưa đúng.
    Ta có nhiều cách nói và lý giải cho người ta hiểu mà . Không nhất thiết phải “đao to búa lớn” để rồi ai đó “đau nặng từng lời nói” ( Hà hà, không có chị đâu nghe Hoà, nói riêng em đó.)
    Nếu không em có sợ rằng sẽ có nhiều bạn chưa “gan cóc tía” không dám nói năng chi dù với thiện ý xây dựng,

    Xin lỗi các bạn, nếu mình nói năng có gì thất thố, chỉ là vài ý chân thành như trên. Nói ra để tất cả chúng ta hiểu chúng ta yêu mến Đọt Chuối Non vì nhiều lẽ, trong đó có cái vui, cùng với tư duy tích cực mà nếu tranh luận với nhau cũng đừng để mất vui, và đừng phản lai tư duy tích cực

    Xin đừng hiểu là cãi nhau đâu nhé!

    😛 😀 😛

    Thích

  38. Hi Tam Nhan,

    Minh chỉ muốn làm sáng tỏ một điểm TN nói, mà mình nghĩ nó là vấn đề ngay từ comment đầu tiên của TN đến bây giờ:

    “Trong khi đó, xin lỗi anh Hoành và các anh chị em ở nước ngoài, tôi luôn nghĩ rằng chỉ có người Việt Nam trong nước, hay về nước mới thực sự đóng góp tích cực cho sự thay đổi và phát triển của Việt Nam thôi, còn từ phía ngoài, dù có nói to hay nói nhỏ gì đó có thể ảnh hưởng mức nào đó thì cũng chỉ là ở bên ngoài mà thôi. Thế nên tôi mong muốn những lời post lên có chừng mực nhất định để không tắt ánh sáng dẫn đường về của các bạn trẻ ở nước ngoài, vì tôi cũng đã từng là một du học sinh và đã lựa chọn trở về …”

    TN có vẻ rât thích chia cách trong ngoài. Và điều này thi có thể đúng trong vài trường hợp, trong một số khác thì sai.

    Mình biết có rất nhiều người đã về VN muốn phục vụ đất nước, đã hao tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và năng lượng, nhưng bị tích cực đẩy ra. Lúc mình ở Hà Nội có anh bạn ờ Pháp về làm việc không công cho nhà nước cả năm, đến lúc có hợp đồng cũng không tìm cách đưa cho anh ta làm tiếp nhưng chuyển cho một công ty ngoại quốc hoàn toàn chưa rớ gì vào công việc trước kia. ANh ta không thể làm không công cả đời, đanh phải về Pháp.

    Mình đã về cả một năm, tính ở luôn, bị vấn đề visa phiền phức đủ để không tiếp tục được…

    Rất nhiều trường hợp như vậy. Kể ra rất tốn thời giờ. TN xem ra không rành lắm.

    Và trongl 20 năm nay, dù trong hay ngoài VN, số lượng năng lượng mình bỏ ra luôn luon là 3/4 cho VN và 1/4 cho mọi sự khác, kể cả kiếm cơm.

    Cho nên khi bạn TN ngay từ message đầu tiên, cho đến bây giờ vấn tiếp tục chia ngoài trong và tin rằng chỉ bên trong mới đóng góp và mới biết chuyện, thì đó là chia cách không đúng, và còn tự đóng khung tư tưởng của mình nữa. Minh có thể cam đoan là dù TN đã hy sinh cho VN thế nào, thì cũng rất khó có thể so sánh với hy sinh của mình trong 20 năm nay.

    Và mình không phải là người duy nhất.

    Nếu TN còn chia rẽ ngay từ trong tâm như vậy, minh e rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều vấn đề với các posting trong tương lai. Vì cái tâm ta điều khiển bàn phím.

    Còn về việc các du học sinh nhìn vấn đề đen tối thì đó thực là vấn để rất lớn. Rất khó giải quyết. Vì tất cả họ nhìn vấn đề rất đen tối. (Mình thì thấy vấn đề, nhưng chẳng bao giờ thấy tối). Nhưng đó không phải là DHS dốt, nghe ai cả. Đừng xem thường họ đến thế. Nhờ ra ngoài, họ thấy rõ được và tự nhiên đau nhức cho đất nước. Chính mình nói chuyện với các du học sinh LUÔN LUÔN phải làm cho họ nguội đi, vì ai cũng như lò lửa đang cháy phừng phừng.

    Nhưng nếu quốc gia không biết nghe những nhức nhối đó để thay đổi, thì chẳng mấy du học sinh sẽ về. Đó là chuyện mình thấy rất rõ ràng.

    Thay vì tưởng tượng ma quỹ, thì chúng ta phải đối diện các vấn đề của đất nước để giải quyết, không thể trốn chạy vấn đề hoài được.

    TN khỏe 🙂

    Thích

  39. Chào cả nhà,

    Mình tính đã xong rồi, nhung mới nhớ đến chuyện này mình nghĩ là một điểm có thể là tốt để chia sẻ.

    Mình hay ngồi nói chuyện mới mấy anh cở tuổi mình và lớn hơn ở DC. Thỉnh thoảng có một anh mang theo một cô hay cậu cháu đi theo chơi, và cho cô/cậu (cở 18 đến 25) ngồi nói chuyện với người lớn. Và dĩ nhiên là sẽ có một lúc các cô cậu được hỏi ý kiến về việc gì đó.. Và dĩ nhiên thì tuổi trẻ ở đâu thì cũng nóng bỏng về một điểm nào đó và nói thì thường nghe rất một chiều với cái tai người lớn. Và đây là phản ứng của các ông bạn già người Mỹ của mình (làm rất lớn trong chính phủ), 100 lần như một, chưa bao giờ khác. Mấy lần đầu mình ngờ ngợ, sau này mình học luôn thói đó vì thấy hay và thích:

    1. Chưa bao giờ mấy ông ấy đính chính một điều gì khi nghe các cậu các cô nói (như là: “Như vậy thì có vẽ hơi một chiều vì có cái này cái này…” hay “Em nói vậy cũng không đúng lắm…”). Nói vớii đám người lớn thì mấy ông nói rất ngang hàng. Nói với các cô cậu nhỏ, mấy ông lại có vẻ tôn trọng như là với người lớn tuổi hơn mình! Về sau mình mới biết là các lãnh đạo lớn biết là muốn nghe tuổi trẻ nói thật lòng phải cực kỳ tôn trọng họ, đừng phê phán, vì nếu không thì bận sau chẳng bao giờ nghe lần thứ hai thật lòng.

    2. Họ luôn luôn hỏi sâu vào cảm xúc, chỉ để lắng nghe chứ không bao giờ phê phán. Như là: “Tại sao em nghĩ là chính sách đó bất công?” Rồi họ lắng nghe cực kỳ khẩn trương, và chưa bao giờ mình thấy một ông nào làm gì khác hơn là hỏi và lắng nghe rất kỹ.

    Chỉ có vậy thôi, và mình chưa thấy có gì khác hơn vậy. Và đây là các lãnh đạo tầm hàng đầu ở DC.

    Các bạn thích kiểu này không thì tùy, nhưng mình nghĩ đó là một kinh nghiệm đáng được chia sẻ nhân dịp này.

    Chúc cả nhà một ngày vui 🙂

    Thích

  40. Dear anh Hoành,

    Thật tình là kêu trời với comment mới này của anh!

    Quả thật tôi hoàn toàn không có ý chia rẽ giữa trong và ngoài nước. Nếu những điều tôi viết khiến anh, hay ai đó nữa, có cảm nhận như thế thì cho tôi xin lỗi. Quả là hoàn toàn không có ý đó. (Thật không hiểu trình độ viết tiếng Việt của mình tệ đến mức nào mà cứ phải đi xin lỗi hoài như vậy! hic hic.. 😦 ) Và nếu tôi rất mong những người tài và có tâm quay về Việt Nam thì có thể hiểu rằng tôi hoàn toàn không chia rẽ họ khỏi lực lượng trong nước chứ nhỉ ???

    Như đã nói, tôi cũng đã từng đi để mà về, xung quanh bạn bè và cả họ hàng của tôi còn ở lại bên ngoài cũng không ít, ở Mỹ cũng có và ở châu Âu cũng có. Những tâm tình không muốn hay đến mức “không dám” về Việt Nam tôi thật sự đã gặp. Thật ra tôi thấy khi du học sinh khi ra ngoài họ chưa đau nhiều cho đất nước đâu, chỉ mới thấy cái “sĩ diện quốc gia” của mình lớn lên một bậc thôi. Mà là khi họ quay trở về, sau khi biết về người rồi trông lại ta, và vật lộn trở lại với cuộc sống ở Việt Nam, lúc đó mới là lúc thấm thía nỗi đau của Việt Nam. Khi đó họ mới lại, có thể là lần thứ hai, đối mặt với câu hỏi, ở lại Việt Nam hay ra đi. Có lẽ anh Hoành có kinh nghiệm này vì anh đã phải, một lần nữa, lựa chọn ra đi.

    Tôi xin lỗi vì có lẽ đã làm anh đau với quan điểm của tôi về cách đóng góp cho Việt Nam trong khi anh dành 3/4 năng lượng của đời mình cho việc đó (thành thật là nhiều hơn tôi rất rất nhiều). Tuy nhiên đó cũng chỉ là một quan điểm cá nhân thôi mà. Tôi rất trân trọng thời gian và tâm huyết anh bỏ ra cho Đọt Chuối Non và tôi hiểu đó cũng là một cách đóng góp rất tích cực của anh cho con người Việt Nam, dù trong hay ngoài nước.

    Và cuối cùng, nếu anh còn muốn về Việt Nam hãy để chúng tôi, chính xác là những người bạn luật sư ở Việt Nam của tôi, giúp anh. Không dám bảo đảm anh sẽ hài lòng với những gì chúng tôi có thể làm, nhưng hi vọng sẽ làm bớt đi cảm giác “không thể ở lại” của anh.

    Thích

  41. Hi TN,

    “Khi đó họ mới lại, có thể là lần thứ hai, đối mặt với câu hỏi, ở lại Việt Nam hay ra đi. Có lẽ anh Hoành có kinh nghiệm này vì anh đã phải, một lần nữa, lựa chọn ra đi.”

    Mình không được cấp visa mới để ở lại, chứ không chọn ra đi. 😦 Lúc đó nhiều người bạn mình cũng bị thế.

    Thực sự thì với tính không bỏ qua chuyện trái tai gai mắt, chưa chắc là mình đã sống lâu được. Nhưng mình chưa có cơ hội thử nghiệm điều đó.

    Thích

  42. Chào cả nhà,

    Trời đất, bài viết của Khánh Hòa đầy tâm huyết, can đảm và đâm đúng nhọt, tạo ra nhiều lửa quá, làm ấm cả ngày mùa đông lạnh giá này rồi 🙂

    Cảm ơn Khánh Hòa vì đoạn viết lấy ví dụ về chị Huệ và anh nhé. Chúng ta luôn cần gieo những hạt giống tích cực để mọc lên những cây xanh mới phủ lên mảnh đất cằn khô.

    Trồng cây xanh mới liên tục và đưa ra giải pháp chữa dịch bệnh từ những chỗ bị sâu ăn mòn cũ là chuyện mình cần làm mỗi ngày. Cảm ơn Mr Clown, Khánh Hòa, Danh và các bạn xung phong trồng chuối 🙂

    ĐCN vẫn trồng mỗi ngày những cây xanh, nhưng để chữa bệnh được cho mảnh vườn đất nước, mình phải hiểu đúng bệnh. Và vấn đề Khánh Hòa đưa ra gây ra nhiều ý kiến trái ngược là:

    “những gì Khánh Hòa thấy xung quanh là một mảng tối đen xì”.

    Bệnh ở đây là vấn đề đạo đức suy đồi của Việt Nam. Và những gì Khánh Hòa thấy là cảm nhận của một bạn du học sinh vừa bước từ dưới nước lên trên cạn 🙂

    Phản ứng của chúng ta là gì? Nên chối ý kiến của Khánh Hòa dạy lại cho Khánh Hòa hay khiêm tốn nghe xem sao?

    Nên nói Khánh Hòa, tức đại diện cho các bạn du học sinh khác kể cả mình là sai; hay xem Khánh Hòa nói có gì có lý và cùng tư duy ra cách để làm sao tạo ra mảnh vườn bén hạt chuối, để Hòa và các DHS muốn trồng chuối chung và chơi nhạc vui tươi cho vui?

    Mình là một người sống và làm việc ở Hà Nội hơn 25 năm và đi du học và làm việc ở Mỹ hơn 5 năm. Và rõ như dưới ánh sáng mặt trời, sự suy đồi đạo đức và trốn ánh sáng ở Việt nam là vấn đề cực lớn.

    Mình sẽ viết tiếp ở những post sau về những vấn đề liên quan đến giải pháp mà anh Hoành đề cập. Ở post này, mình muốn chia sẻ một chút quan sát về nỗi lo ngại của người Việt ở ngoài nước.

    1. Một chị Việt kiều làm thương mãi có tiền mấy chục triệu đô không muốn cho Việt Nam. Không muốn cho không tiền vì lý do:

    “tiền có đến được tay người dân lương thiện cần tiền đâu, có các quan trên ăn hết rồi”

    “có cho thì cho công việc thôi”, tức là cho Việt nam việc làm để người dân có thu nhập.

    “mà đặt cơ sở sản xuất ở Việt nam cũng ngại lắm, mấy đứa Do thái làm thuê cho chị bảo dân Việt sneaky nhất thế giới”.

    Ở đây ta thấy là chúng ta có những người lương thiện, nhưng những người lương thiện không có quyền có tiền và mơ giấc mơ đẹp của người anh hùng thì cũng là cho vào tủ kính để ngắm mà thôi.

    2. Mấy du học sinh ở nước ngoài muốn về Việt Nam làm việc thì gặp rất nhiều trở ngại về cửa quyền để tiến thân.

    Đây là chuyện phổ biến rồi. Nhưng có trường hợp tế nhị thế này:

    “Mình kiểu gì cũng cố ở lại nước ngoài, có bằng Tiến sĩ mà đi làm bồi bàn để ở lại Mỹ cũng chẳng sao. Đời mình chịu khổ quen rồi, giờ quay lại Việt Nam làm ăn lương thiện và có thể nghèo như người ăn mày cũng chẳng sao, nhưng không muốn con cái mình lớn lên ở đất nước Việt Nam.”

    Tại sao?

    “Không dạy được chúng làm người tử tế. Khó lắm. ”

    Họ rất thương con trẻ. Đời họ khổ được nhưng không muốn con cái họ lớn lên mất đi cái đạo làm người.

    3. Còn lại đa số DHS là những người nói thẳng bộc trực quay ra nổi nóng chửi bới Việt Nam phừng phừng kiểu “đem ra nói chuyện với con bò thì má nó cũng đỏ sừng lên vì nhục”.

    Nhiều chuyện lắm.

    Đây thực sự là vấn đề lớn. Và như Thịnh Hoa nhắc khéo Khánh Hòa về đức tính khiêm tốn và cầu thị. Chúng ta làm sao để khiêm tốn và cầu thị với đội ngũ những người có trí tuệ quốc tế, tầm nhìn thế giới, hiểu Việt Nam và yêu Việt Nam?

    Đó thực sự là vấn đề lớn.

    Sẽ nghĩ tiếp sau. 🙂

    Thích

  43. Cách lựa chọn và hành xử của các ông lớn ở DC quả thật rất hay và người lớn.

    Nhưng Khánh Hòa ơi, bạn muốn các posting của bạn được đánh giá và comment một cách ngang hàng (vì quả thật trên mạng, mới đọc lên có ai biết ai như thế nào đâu, biết lớn bé, vai vế gì đâu, mình cũng chỉ khoảng 30 tuổi thôi à, thế hệ đầu tiên của 8x và ban đầu cũng không ngờ bạn còn trẻ đến thế :D) hay được lắng nghe và động viên như của người lớn với người trẻ tuổi? Mình nghĩ anh Hoành phản ứng với comment của mình ban đầu là vì muốn đỡ cho bạn, nhưng anh Hoành thì đã đành chứ mình thì không dám nhận mình là người lớn đâu. Và tất nhiên khi comment mình không nghĩ sẽ hay có thể làm bạn “tắt lửa lòng”. 😀

    Thích

  44. Quả tiếc cho Việt Nam đã không giữ chân được một người như anh Hoành!

    @Hiển,
    Hiển biết không, vấn đề đạo đức ở Hà Nội thì không cần đến phải đi ra ngoài đâu mà dân Sài Gòn còn … sợ nữa đó 🙂

    Cho cái ví dụ thứ nhất, mình không biết tại sao người Việt lại phải nghe người Do Thái nói về người Việt nhỉ? Nếu đã có tiền tức là có được một loại sức mạnh rồi đó, hãy can đảm lên và dám chấp nhận hay vượt qua một vài điều nhỏ (như kiểu ăn cắp vặt, tất nhiên là phải có biện pháp) thì mới thành công điều lớn được (đóng góp cho quê hương).

    Cho vấn đề thứ hai, đó là cái mình đang phải đối mặt hàng ngày đây. Nhưng mình tin rằng đó là điều có thể: dạy một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thành người tốt. Thế nên mình cần niềm tin ở ánh sáng ở Việt Nam để tiếp tục cho điều này (chứ không phải bỏ cuộc).

    Về vấn đề thứ ba, nếu cứ thẳng thắn và bộc trực như thế thì hơi khó thành công để trở thành một lãnh đạo trong nhà nước Việt Nam thời điểm này. Nếu muốn đi con đường đó các bạn tìm thêm cho mình một chút “NHẪN” nha! 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  45. Chao ơi! xin thận trọng một chút, các bạn ơi

    Xin mọi người cẩn trọng một chút trong lời ăn tiếng nói: không khéo có người tưởng nhầm con trẻ sinh ra ở Việt Nam lớn lên sẽ không thể lương thiện. Vậy những nhà giáo như mình lấy niềm tin đâu để sống và làm việc, để dạy học trò không chỉ chữ nghĩa, tri thức mà hãy lấy đạo đức và trung thực làm đầu.

    Ngày lại ngày, bao nhiêu người lương thiện khác đang làm việc lặng lẽ bình thường cho cuộc sống vì gia đình, vì xã hội và đất nước (công nhân hay chiến sĩ hải đảo…) mà họ không một lời tuyên bố dù hùng hồn hay khiêm tốn rằng tôi yêu nuớc tôi. Họ có muốn và tin rằng con họ đều tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ các trẻ hư và người lớn hỏng khác không ?
    Trời ạ, mình là một người lạc quan, trong những ngày khốn khó thời bao cấp vẫn không nản lòng buông tay: chở cám bằng xe đạp nuôi gà sau giờ dạy, ở trường, ngoài TA phải nhận dạy một môn khác chính khoá không đúng chuyên môn, và tin rằng cuộc sống rồi sẽ khá hơn.

    Còn học trò, mình phải thấy bên cạnh một số em hư, còn rất nhiều em ngoan chứ.

    Bây giờ dù thực tại như thế nào, ta không tô hồng hay chuốt lục, thì cũng không nên nhìn đâu cũng thấy tối tăm. Chúng ta đều hiểu hãy là một ngọn nến dù bé nhỏ hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối mà.

    Bài viết của Khánh Hoà cũng nằm trong ý hướng đó của ngọn nến đó trên DCN.
    Và chúng ta muốn cho vấn đề trọn vẹn, toàn cục hơn khách quan hơn phải không?

    Chúng ta hãy nói sao cho khi nhìn thẳng vào hiện trạng dưới con mắt sáng của tư duy tích cực, ta vẫn tác động cho niềm tin và những vầng sáng ngày một lan rộng ra như tôn chỉ của trang này và tâm nguyện của các tác giả và mọi chúng ta.

    Mọi lí thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi (Goeth)

    😆 🙂 😛

    Thích

  46. Tam Nhân thân mến:

    Cho cái ví dụ thứ nhất, mình không biết tại sao người Việt lại phải nghe người Do Thái nói về người Việt nhỉ? Nếu đã có tiền tức là có được một loại sức mạnh rồi đó, hãy can đảm lên và dám chấp nhận hay vượt qua một vài điều nhỏ (như kiểu ăn cắp vặt, tất nhiên là phải có biện pháp) thì mới thành công điều lớn được (đóng góp cho quê hương).

    Ở nước ngoài làm ăn tầm quốc tế, một người Việt có tài làm chủ doanh nghiệp và dân Mỹ hay Do Thái làm thuê cho mình cũng là bình thường thôi. Người chủ Việt cũng hỏi ý kiến nhân viên để biết họ nhận thức về Việt Nam của dân làm ăn nước ngoài về Việt Nam ra sao. Người ta coi Việt Nam là loại làm ăn tồi và dối trá là không được rồi. Một anh nhà giầu nhìn thấy người kia không đủ tư cách chơi game thì đám đó chỉ suốt đời làm cu li rẻ tiền và bóc lột lẫn nhau để sống.

    Còn chuyện bạn nói dám chấp nhận vượt quá một vài cửa ải thì không được rồi. Những người sở dĩ thành công và giàu có được ở trời Tây là vì họ có cái nguyên lý sống, cái đức, do đó chơi được cùng câu lạc bộ với những đại gia khác và làm ăn giàu có được. Giờ bảo họ bỏ cái nguyên lý sống đi để chơi trò rẻ tiền chỉ vì họ muốn cho tiền đi thì e là hơi khó. Nhất là họ thông minh, không muốn tạo ra thêm cái khoảng cách giàu nghèo ở nước thứ 3.

    Cho vấn đề thứ hai, đó là cái mình đang phải đối mặt hàng ngày đây. Nhưng mình tin rằng đó là điều có thể: dạy một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thành người tốt. Thế nên mình cần niềm tin ở ánh sáng ở Việt Nam để tiếp tục cho điều này (chứ không phải bỏ cuộc).

    Tam Nhân à, mình cũng hiểu lo lắng này của bạn lắm. Điều mình thấy là bà con nhà mình khá là phòng bị, chỉ cố làm sao không bị thói xấu và cám dỗ nó làm cho xói mòn, chứ không tấn công: trồng thật nhiều hạt chuối tích cực.

    Bạn nếu có lo lắng như vậy thì hãy cùng cuốc xẻng trồng chuối với các anh chị em ở đây và giúp giới thiệu ĐCN tới nhiều vườn trẻ vườn già nhé 😀

    Về vấn đề thứ ba, nếu cứ thẳng thắn và bộc trực như thế thì hơi khó thành công để trở thành một lãnh đạo trong nhà nước Việt Nam thời điểm này. Nếu muốn đi con đường đó các bạn tìm thêm cho mình một chút “NHẪN” nha! 🙂

    Theo kinh nghiệm của mình, những người có đức là những người có tư tưởng tự do để suy nghĩ và thành lãnh đạo ở chuyên môn của họ. Câu trên mình nghe được từ một anh bạn rất giỏi và nổi tiếng trong giới làm tin học. Anh ý là một lãnh đạo về chuyên môn và nhà nước mình thực sự cần những người như anh. Về lãnh đạo xã hội thì là câu chuyện khác rồi 🙂

    Chúc mừng Tam Nhân đến với Vườn Chuối và trò chuyện để mọi người biết lẫn nhau. Các anh chị em khác ơi, cũng nói lên nhé, bọn mình sẽ rất vui nếu biết các anh chị ở đó ở đây 🙂

    Thích

  47. Chào Khánh Hòa và mọi người,

    Mình đã cân nhắc khá nhiều về chuyện có nên hay không nên tiếp tục tham gia trong tranh luận này. Đã có đến 46 ý kiến phản hồi với những nhận định từ cả 2 phía, phía nào cũng có lý của mình. Lý do mình gửi ý kiến là bởi câu này: “Nếu bạn muốn làm, hãy tin và bắt tay vào làm một cái gì đó ngay nhé.”

    Khi vẫn còn là sinh viên, một người bạn đã hỏi mình: “Theo mày, ở VN bây giờ, đức tính gì là cần thiết nhất?” Mình đã trả lời, dù có một phần sự đùa cợt trong đó, là: “Nhẫn nhục.”

    Mình học và làm việc đủ lâu để hiểu được sự mục ruỗng và suy đồi của đạo đức là gì và hậu quả của nó là như thế nào. Trong khóa học ĐH của mình, phong trào đi thăm thầy cô mỗi dịp thi đến nở rộ. Khi đi làm, hầu như những vấn đề quan trọng nhất được diễn ra trên bàn tiệc, trong phòng karaoke, trong bầu không khí của tiền bạc, rượu bia, và rất nhiều thứ khác mình không muốn kể ra đây.

    Tuy thế, không phải mọi sự đều đã hết hy vọng.

    Quan sát của cá nhân mình cho thấy có sự chuyển biến về nhận thức của giới trẻ. Các bạn biết sống cho mình và sẵn sàng thực hiện điều mình yêu thích. Các bạn hướng về việc khám phá cuộc sống nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, tham gia tích cực các hoạt động xã hội hơn… Giới trẻ bây giờ cũng biết chăm lo cho hình ảnh của mình, biết tự khẳng định mình, biết yêu ghét và bộc lộ điều đó rõ ràng. Giới trẻ cũng nhận ra sự quan trọng của đồng tiền, biết kiếm tiền và tiêu tiền, lao động hăng say và hưởng thụ cũng nồng nhiệt.
    Như thế là có sự tiến bộ trông thấy.

    Trong một xã hội với nhiều thành phần người, xuất thân từ nhiều thành phần, làm những công việc khác nhau, trình độ học vấn và trí tuệ khác nhau, kiểu gì cũng có mảng tối và mảng sáng trong đó. Nhưng khi phân tích và đánh giá, tất cả các mặt tốt xấu phải được cân nhắc. Nhan nhản trên báo chí, diễn đàn, là các vấn đề về giáo dục, về quốc phòng, về an toàn thực phẩm, về mọi sự và có vẻ như mọi việc xấu đến đáng báo động. Điều này đúng! Tuy vậy, điều này cũng cho thấy rằng chúng ta đang nhân thức được tình trạng này, và có nhiều nơi đã cố gắng khắc phục. Trong giáo dục chẳng hạn, có rất nhiều các diễn đàn được mở ra để chia sẻ kiến thức, để hướng dẫn du học, để tạo điều kiện cho mọi ngưới cùng tham gia xây dựng và phát biểu ý kiến. Trong an toàn thực phẩm, người dân chú ý hơn đến xuất xứ, các doanh nghiệp cũng phải để ý hơn đến chất lượng sản phẩm. Việc đáng tiếc ở đây là chúng ta chưa có đủ những chính sách, hành lang pháp lý, những chế tài tốt, và quan trọng nhất là những con người có hiểu biết (và có đạo đức) để thực hiện.

    Những điều trên đây để thấy rằng VN hiện nay không phải là địa ngục, không phải là xấu xa quá đáng. Mình hiểu khi bạn viết bài, bạn muốn dùng những từ ngữ mạnh để khẳng định ý (như anh Hoành nói), nhưng như vậy không có nghĩa là những mặt tốt bị bỏ sạch. Để thay đổi một xã hội, một thể chế, cần rất nhiều thứ. Thứ cần nhất là con người – những người được trang bị kiến thức, có hiểu biết, có lương tri, có nghị lực để phát triển đất nước.

    Khi đọc bài này, có thể bạn sẽ tự nhủ rằng ý mình như thế có nghĩa là cứ ngồi khoanh tay để mọi việc tự phát triển, để tham nhũng tiếp tục tràn lan, để an toàn thực phẩm tiếp tục đe dọa sức khỏe, để những thứ “đầu tiên” đầu độc bọn trẻ con ngay từ những lớp mẫu giáo.

    Xin thưa rằng không!

    Mình không nói ta hãy khoanh tay bàng quan trước mọi sự. Ý mình ở đây là để xây dựng đất nước, cần hiểu biết về nhiều vấn đề từ những vấn đề nhỏ nhặt đến những việc lớn và đánh giá chúng một cách khách quan, đặt chúng vào đúng vị trí, gọi tên chúng chính xác như chúng đáng được gọi. Phải hiểu đúng đắn các mặt mạnh yếu, tốt xấu mới giúp chúng ta thấy được vị trí của mình để khắc phục, cải thiện. Để làm được việc đấy, chúng ta cần phát triển con người một cách toàn diện cả về kiến thức xã hội và tự nhiên, cả về kiến thức và nhân cách. ĐCN cũng là một nơi như thế. Và mình vui vì có thể đóng góp ý kiến một cách thoải mái trên ĐCN.

    Thân,
    Cương.

    Thích

  48. Hi chị Huệ,

    Giá như em kịp đọc bài chị viết trên đây chắc em đã thôi không post bài kia nữa, :).

    Một điều em nhận thấy là khi nhận định về VN, nhiều người (có cả em trong đó trước đây) rất bi quan. Việc này tốt vì như thế có nghĩa là chúng ta ý thức được ta đang đi xuống. Nhưng việc này cũng xấu ở khía cạnh là bây giờ, nói VN là hình dung ngay ra một nơi xấu xa. Em thấy hơi buồn.

    VN mình đẹp lắm. Con người VN hiền hòa, thân thiện. Thây em có lần bảo em rằng: Muốn yêu đất nước quê hương, trước hết hãy biết yêu ba mẹ, ông bà, biết yêu những mảnh vườn, yêu những câu hát mẹ ru, những thứ quanh mình đã.

    Em Cương.

    Thích

  49. Hi anh Hoành,

    Em xin lỗi vì phải trao đổi thẳng thắn với anh một chút, trên diễn đàn này, dù thật lòng em đã muốn nghe lời anh, dừng mọi tranh luận tại đây…

    Em biết việc này thật sự chẳng khôn ngoan tí nào, vì mọi người đều biết, anh là một luật sư, một tiến sĩ luật, người sử dụng ngôn ngữ thuần thục như một vũ khí. Nhất là qua vài comment trong bài này, anh đã cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ của anh đến như thế nào. Tâm Nhân đã phải mấy lần xin lỗi và cải chính. Em quá ngạc nhiên vì điều này, vì chẳng phải anh luôn nhắc tụi em nhìn sự vật như nó vốn có, chứ đừng diễn giải sự vật theo chủ kiến của mình sao? Em biết, ĐCN luôn là trang Tư duy tích cực, nên việc một người làm vườn tầm tầm như em không đồng quan điểm với chủ vườn, cũng không phải là điều khó hiểu. Mọi người đều có quan điểm riêng. Và khi quan điểm bị hiểu sai, tốt nhất là nên thẳng thắn nói rõ. Có phải như vậy không anh?

    Em thấy vấn đề Khánh Hòa đặt ra trong bài này rất hay. Ở đây, mọi người không bắt bẻ nhau câu chữ, cũng không có ý chỉnh sửa gì Khánh Hòa cả. Tụi em đâu có áp đặt, đại loại như “bạn không hiểu VN thế nào”, dù tụi em không đồng quan điểm, như anh đã thấy đó. Tụi em cũng không phủ nhận những điều Khánh Hòa đã nêu. Làm sao chính tụi em, những người đang sống và đang làm việc lương thiện tại Việt Nam, lại không thấy các vấn đề bức bối đang như ung nhọt của xã hội cơ chứ? Vấn đề mình đang trao đổi ở đây, là tỷ lệ bức tranh Sáng – Tối như Khánh Hoà vẽ, đã phản ảnh đúng thực trạng xã hội không? Và vì sao không nên phóng đại sự việc lên quá đáng như vậy?

    Trong một comment của anh, anh đã nói rõ:
    Nhưng điểm chính của Khánh Hòa thì rất rõ: “Đạo đức Việt Nam suy đồi đến mức kinh khủng, phài dùng từ ‘ngoài sức tưởng tượng’ (theo cách đùng từ của anh)”.
    Chính xác đây là vấn đề mà em không đồng tình.

    Bất cứ một hiện tượng xã hội nào, mình cũng nên nhìn ở nhiều góc độ. Quay trở lại với các ví dụ của Khánh Hoà. Em rất đồng ý với Khánh Hoà về việc ra đường thấy học trò xả rác tỉnh queo ngoài đường, nói năng nhí nhố, vào web chỉ để chơi game hay tán gẫu đủ thứ trên trời dưới đất. Dĩ nhiên là em có con nhỏ, và em luôn tạo mọi cơ hội cho bạn bè của con đến nhà chơi thoải mái, mục đích là để “nghe” chúng nói chuyện với nhau, chứ không phải chúng nói chuyện với mình. Và em thấy yên tâm. Đại đa số học trò Việt Nam ngoan, hiền, lễ phép… Nói như vậy không có nghĩa là em không thấy được vấn nạn của việc suy đồi đạo đức trong nhà trường. Báo chí đăng nhan nhãn chuyện thầy hiếp dâm trò, trò đâm thầy, chuyện mua điểm, chạy trường… Nhưng, em có quá đáng và cực đoan hay không, nếu em qui kết chuyện suy đồi đạo đức này do ảnh hưởng của toàn cầu hoá, của việc du nhập bừa bãi phim ảnh nước ngoài, của việc tiêm nhiễm lối sống buông thả phóng túng của phương Tây? Nền giáo dục của Mỹ rất tốt, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng không phải là Mỹ không có những nhức nhối của riêng mình. Chuyện học trò xả súng hàng loạt trong sân trường không còn là vấn đề mới, chuyện bạo hành trong nhà trường cũng chẳng hiếm hoi… Vậy thì không thể nhìn một số hiện tượng mà qui thành bản chất được.

    Anh là một luật sư, đã từng về VN làm ăn với những dự án lên đến vài chục triệu đô la như anh đã nói, mà anh không chấp nhận chuyện under table là anh hơi hoang tưởng rồi đó. Kết quả là anh quay về Mỹ? Chuyện tham nhũng, hối lộ, cửa quyền… tụi em ở đây, không ai là không biết, thậm chí có thể nói tụi em là nạn nhân hàng ngày của lề thói đó. Báo chí cũng đăng hàng ngày kia kìa, đến mức tụi em xem như “chuyện thường ngày ở huyện”. Chuyện đó nhan nhãn từ cấp thấp đến cấp cao, như Khánh Hoà đã nói. Anh đề nghị tụi em nên làm gì đây? Kiếm đường ra nước ngoài như anh và Hiển? Rất tiếc là tụi em không đủ giỏi như vậy. Lên ĐCN chỉ trích? Có hiệu quả không, thậm chí ngay cả trong blog phản biện của anh? Mà ngay cả với chuyện tham nhũng, hối lộ, cửa quyền … như vậy, cũng không phải là Đạo đức Việt Nam suy đồi. Nói chính xác thì chỉ có một số, hoặc thẳng thắn mà nói, chỉ có số đông các quan chức có quyền mới tham nhũng, hối lộ, thoái hoá, biến chất, suy đồi.. thôi (anh muốn gọi là gì cũng được). Nhưng không thể là đạo đức Việt Nam. Anh không thể qui đồng đạo đức Việt Nam dễ dàng như thế được. Chúng ta lên án đế quốc Mỹ, nhưng chúng ta yêu nhân dân Mỹ, nơi người dân trung thực đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh VN. Chúng ta không qui đồng. Nhìn cây thấy rừng là tốt, nhưng trường hợp này thì chỉ nên nhìn cây thấy cây thôi, phải không anh?

    Anh cũng nói rõ:
    Cái khăn này quá bẩn vì nó dính quá nhiều mực, đừng gân cổ đính chính là nó vẫn còn nhiều chỗ trắng. Khi nói đến chuyện khăn bẩn điều quan tâm không phải là chỗ khăn sạch, mà là chỗ bẩn, và khăn cần mang đi giặt.
    Lại một lần nữa em không thể đồng tình với anh. Bởi vì so sánh anh đưa ra quá khập khiễng.

    Chúng ta đang đánh giá toàn cảnh bức tranh Việt Nam. Muốn làm gì cho Việt Nam cũng phải biết rõ hiện trạng của VN trước đã. Anh là một luật sư từng làm việc ở Mỹ. Chắc anh hiểu, dù Mỹ biết xây dựng một xã hội tôn trọng pháp luật, ,dù có thể Mỹ không có tham nhũng, hối lộ nhiều như Việt Nam, nhưng không phải là Mỹ không có bạo hành trong gia đình, bạo lực trong học đường, xâm hại tình dục trẻ em, loạn luân… Như vậy có đủ để chúng ta đánh giá là xã hội Mỹ suy đồi không? Em vẫn muốn quay lại với kết luận, dù thực trạng nước mình còn nhiều vấn đề, nhưng không thể qui kết một câu như đinh đóng cột là Đạo đức Việt Nam suy đồi, và tiếp sau đó là chụp mũ, gán ghép, trấn áp những người không cùng quan điểm. Em không cục bộ đến mức thấy VN hoàn toàn tốt, nhưng em thấy được nền tảng đạo đức của VN, dù có bị làm hỏng đi vì một số lý do, vẫn không phải là suy đồi. Em nhìn nhận cái tốt, cái ưu việt của nước ngoài, cũng không đến mức chỉ thấy toàn điều tốt. Xã hội nào cũng có hai mặt, và không phải bằng việc phóng đại vấn đề, chúng ta mới đánh động được công luận. Theo em nghĩ, mọi người có chút tự ái dân tộc đều đau lòng trước những thua kém của chúng ta so với nước ngoài. Nhưng nhìn lại mình không có nghĩa là tự ti đến mức nhìn thấy mình bị nhuộm đen thành một mảng đen sì. Em giữ quan điểm là quầng sáng của xã hội đủ lớn, đủ để những hành động xấu xa kia, những vệt tối kia, phải thậm thụt trong bóng tối một cách lén lút. Và khi bị phơi bày, chúng luôn bị đạo đức VN lên án!

    Nên em, một lần nữa, hoàn toàn ủng hộ Khánh Hoà: Đừng ngồi và than thở nữa, vì không có bất kì môi trường sống nào là hoàn hảo cho ta. Chỉ có chính ta tìm thấy hạnh phúc khi hành động với tình yêu xuất phát từ một trái tim nhân ái mà thôi. Vấn đề là làm, làm và làm, dù chỉ là những điều nhỏ nhất. Phải vậy không anh?

    Em vụng về trong ngôn từ, nghĩ gì nói đó. Vườn yêu là nơi các anh chị em mình đồng quan điểm đạo đức, có khác chăng chỉ là vài góc nhìn thôi. Trên tinh thần đó, em sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ dạy của anh.

    Chúc anh ngày mới tràn đầy năng lượng 😆

    Thích

  50. Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh nhiều nhiều vì 2 kinh nghiệm anh chia sẻ: Tôn trọng và lắng nghe người nói chuyện. Em bị tật vừa đặt câu hỏi, nghe được nửa câu trả lời đã phản bác ngay hoặc hơi cười cười trong bụng, như thế gây ra ức chế với người nói chuyện, làm giảm đi tác dụng của thảo luận rất nhiều, mà mình lại không thu lợi gì được trong cuộc nói chuyện cả. Một lần nữa, em cảm ơn anh.

    Trên diễn đàn thì em nghĩ ngoài hai điều trên, chắc mình cũng cần một thứ nữa là tôn trọng người nghe/đọc. Như bài này của bạn Hòa, em đọc là ngứa ngáy muốn trả lời thật nặng.

    Em có lý do của em: khi em đọc bài, em không thể biết được người viết là ai, càng không thể hiểu được dụng ý hay thái độ của họ khi họ viết bài. Vì thế, em chỉ có thể dựa trên những câu chữ mà người viết viết ra để bắt bẻ (đúng với nghĩa bới lông tìm vết). Vì thế, khi đọc thấy bạn Hòa có những nhận xét hơi nặng nề về VN, em rất bất bình. May là cũng do không cần phải trả lời ngay, em đã cố viết bình luận của mình một cách khách quan nhất có thể.

    Bạn Hòa và mọi người bỏ quá cho những chỗ vì kém nên mình không thể diễn đạt tốt hơn, trong sáng hơn được.

    Em Cương.

    Thích

  51. @Xin chào chị Thiên Nga,
    Lâu rồi mới thấy chị xuất hiện ,chắc chị bận rộn với bao điều trăn trở (nghề báo mà, đâu có thì giờ rảnh rỗi – nhất là với những người tận trung với công việc ).
    Chị Thiên Nga à ,phải nói là phản hồi của chị thật sâu sắc và hầu như thâu tóm được tất cả mọi khía cạnh,góc độ. Những điều chị viết TH thấy khó để mà chê vào đâu được ( đó là nhận xét riêng của TH). Cảm ơn chị đã cho TH được bổ sung thêm nhiều điều bổ ích ,một bài học vô giá : ” để còn tỉnh táo mà trau chuốt cái nhìn, cái tâm của mình trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói, ngòi bút và suy tư ” .
    Cầu chúc chị cùng gia đình mọi sự anh lành .
    @ Chào anh Phan Quang,
    Anh lại hiểu nhầm em rồi ,thực ra đây là một diễn đàn mở( như Đàm Lan đã nói )vì vậy em chỉ nêu ra vài vấn đề để phản hồi lại bài viết của HKH mà không có hàm ý chê bai ,em vẫn hỉêu ý tưởng của tác giả cũng không ngoài mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng em nghĩ nếu trong khi sử dụng câu ,từ mà càng cân nhắc ,càng cẩn trọng thì tính thuyết phục càng có hiệu quả và đó chính là sự thành công của một bức thông điệp muốn hướng đến đối tượng tiếp nhận(còn như lỗi chính tả thì là do đánh máy nhầm, âu cũng không phải chuyện lạ và chắc là ai đã vào ĐCN cũng có thể luận được hành văn để hiểu ý đồ người viết ).
    Nếu nói rằng em GIẬN thì thật là không phải vì em đâu phải là người không biết trọng lẽ phải và né tránh mọi sự thật CÀNG KHÔNG DỄ GIẬN NGƯỜI KHÁC ĐÂU NHA ,hì hì lại còn PHÁT GHÉT người ta nữa chứ !
    Anh vui khoẻ nha,em sẽ gửi hình ảnh qua email nhưng không có cái nào ” ăn ảnh” thì ….anh chịu khó chấp nhận vậy hen! ( Trời ạ, lại sáng tác tục ngữ mới rất chi là Phan Quang “cái đẹp đè bẹp cái nết “, vậy là cả hai thứ đó…em không ghi được điểm nào hết rồi anh ơi…hu hu hu…)

    Thích

  52. Khánh Hòa!
    Hòa dám nhìn và có tâm suy nghĩ, cảm ơn lắm !
    Các phản hồi cũng thật tầm cỡ, như một bài viết vậy, và kết luận của anh là…từ từ đọc lại!

    Thích

  53. “Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”.

    Ở một góc độ nào đó, “cướp” là việc phân chia lại nguồn lực. Chỉ có điều hành vi này hoàn toàn dựa trên sức mạnh và bạo lực.

    Trong khi kẻ mạnh hoàn toàn có thể tự bảo vệ thì người yếu cần được pháp luật che chở. Nhưng khi pháp luật đứng về phía kẻ mạnh thì người yếu không còn chỗ bấu víu.

    Chính vì thế các câu truyện diệt tà trừ gian kiểu Bao công, hiệp khách của Kim Dung, hay Bụt trong Tấm Cám có sức thu hút quần chúng rất lớn. Khi người ta không có thứ gì thì người ta lại càng khao khát nó, dù chỉ là niềm hy vọng hay ảo vọng công lý được thực thi. Ở chừng mực nhất định, ảo vọng có thể giúp con người vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc đời.

    Thích

  54. Hi Yến,

    Cám ơn Yến nha.

    Thực sự là mình đang bị câu nệ vào ngôn ngữ rất lớn. Mỗi câu chuyện có nội dung của nó. Minh đang nói đến vấn đề làm ăn lương thiện, thành thật trong mua bán, công quyền , v.v.. Thì từ “đạo đức” hiểu theo nội dung đó.

    Khi nào ta nói đến chuyên khác như là gia dình đoàn kết, sex, chiến tranh, v.v… thì “đạo đức” nghĩ theo hướng khác.

    Trong một cuộc đàm thoại đương nhiên mọi người phải hiểu ngầm nội dung nói chuyện đề hiểu nhau, và chỉ “nói tắt” thể thôi. Con người luôn luôn nói chuiyện kiểu đó.

    Vi dụ lấy một câu: “Chị đến bưu điện thi rẽ phải”. Hai người ngồi ở Saigon cách bưu điện 1km thì khác, còn hai người ở New York thì bưu điện nghĩa khác. Mọi người tự động hiểu nhau.

    Khi mà chúng ta bắt đầu có vấn đề ngôn ngữ vì không cùng hiểu ngầm nhau như vậy, ta có vấn đề lớn hơn. Tại sao một người nói mà người kia không hiểu được ý trong câu chuyện. Vì nếu không hiểu ý được nhau thì trong một câu có 5 chữ là 5 vấn đề lớn. Không bao giở đàm thoại được.

    Đây là vấn đề mình nên suy nghĩ.

    Em khỏe nha 🙂

    Thích

  55. Rõ là cuộc thảo luận ở đây đã đi theo 2 hướng khác nhau:

    1. Bài viết truyền đạt một thông điệp về Việt Nam còn nhiều điều đáng buồn và thế hệ trẻ cần tu dưỡng mình và tìm cách cải thiện nỗi buồn ấy.

    2. Các mô tả về Việt Nam liệu có chính xác hay không?

    Mọi người tham gia thảo luận đều thừa nhận và hoan nghênh điều số 1, cũng là thông điệp của tác giả và điều anh Hoành sợ bị tổn thương hay bị quên mất trong thảo luận.

    Và ai cũng thừa nhận là bám trên câu chữ của bài viết thì nói về Việt Nam như vậy có phần hơi quá (điều số 2). Cả anh Hoành và Khánh Hòa cũng đều thừa nhận là tác giả cũng không có ý kết luận về Việt Nam như cái kiểu bám trên câu chữ này đã dẫn đến.

    Thế nên quả như anh Hoành nói, việc thảo luận này nên chấm dứt ở đây kẻo sắp thành ông nói gà, bà nói vịt mất. Một điều tối kỵ của vườn chuối phải không. 🙂

    Có lẽ cũng chẳng cần tranh luận tiếp là liệu khi truyền đạt một thông điệp thì có nên để câu chữ làm tổn thương một vài “người vô tội” một cách không dụng ý vậy không. Khánh Hòa đã nói sẽ rút kinh nghiệm lần sau rồi mà. Tôi nghĩ ai có lỡ bị tổn thương thì có lẽ nên hiểu cho Khánh Hòa không cố ý và lấy điều số 1 để bù đắp nhé. 😀

    Thích

  56. Chào cả nhà,

    Mình khuyên là mọi người tạm ngưng cuộc thảo luận này ở đây, vì thực sự là mọi người hiểu ý nhau hết rồi, và chẳng còn góc cạnh nào để thêm.

    Có lẽ chúng ta nên dành thời giờ suy nghĩ sâu hơn về điều mọi người nói để dùng nó bồi dưỡng thêm vốn liếng của riêng mình.

    Thực sự là tốt khi moi người nói thẳng thắn các suy nghĩ của mình. Đất nước như vậy mới tiến bộ được. Dân chủ bắt nguồn từ đó: Nói thẳng không cắt xén, phản biện thẳng không cắt xén, đến lúc thấy không còn gì mới để thêm thì ngưng, rủ nhau đi uống cà phê, và các tư tưởng thì ta sẽ tiêu hóa từ từ sau.

    Thực ra thì trên phương diện tri thức, mình chắc 100% là mọi người chúng ta hiểu vấn đề như nhau. Vì chẳng có gì là bí ẩn và khó hiểu cả.

    Nhưng trên phương diện cảm xúc thì có khác nhau. Người thì cảm xúc chỗ này mạnh, chỗ kia coi như ne pas. Nhưng người kia lại cảm xúc mạnh chỗ mình ne pas, nhưng lại ne pas chỗ mình cho là chính.

    Đây là các vấn đề mỗi chúng ta cần suy nghĩ:

    — Về cái nhìn (và cảm xúc) trong, ngoài, hay nửa trong nửa ngoài.
    — đối thoại giữa các thế hệ.
    — mức độ thẳng thắn đủ để “căng” vói nhau một tí, nhưng biết khi nào ngưng, và đứng dậy phủi bụi để cùng nhau đi uống cà phê nói chuyện thời tiết.

    Dù sao đi nữa thì mình cũng mong là chúng ta sẽ không bỏ tính nói thẳng nói thật, mà lại cứ tìm cách nói vuốt ve nhau. Đất nước như thế thì chẳng bao giờ ngóc đầu lên được.

    Mình cần (1) tập nói thẳng, (2) khuyến khích mọi người nói thẳng và có ý kiến khác mình, (3) tập “chịu đựng” nghe mấy chuyện khó nghe, (4) biết khi nào đã đủ để ngưng, và (5) biết cùng vui vẻ làm chuyện khác sau khi ngưng. Đây là căn bản cho một xã hội dân chủ và tiến bộ. Nếu không làm được những điều này, ta chẳng bao giờ có dân chủ và tiến bộ.

    Cám ơn mọi người đã có một cuộc thảo luận có tầm cở.

    Sau cùng, mình vẫn thương yêu các bạn bất đồng ý với mình, dù là các bạn vẫn sai 100% 🙂

    Thích

  57. Anh Hoành ơi, lại “sợ” anh ngay cả cách nói “dù là các bạn vẫn sai” rồi đó.

    May mà sẽ nhiều người hiểu ý của vế 1 và không chú ý đến vế 2
    Người có công phu thượng thừa như anh không sao khi lỡ bị em hay ai đùa như thế, chứ nhiều người nhạy cảm chắc mới vô ĐCN sẽ sợ xanh mặt và kiểu mới tu luyện theo bí kíp của anh sẽ tẩu hỏa nhập ma mất thôi.

    Đùa một chút, anh nhé, vì dẫu sao anh cũng biết dừng lại đúng lúc trước khi quá muộn !

    😛 😆 😛

    Thích

  58. Hi, KH và CACC
    KH mến thực ra thì bài viết của bạn mình đã đọc ngay từ khi nó được đăng và cảm giác của mình lúc đó không thoải mái cho lắm khi thấy bạn sử dụng một số ngôn từ trong bài. Mình đã không hiểu đó là do cách diễn đạt của Hoà không được tốt hay đó là quan điểm thật của Hoà. Nhưng đến hôm nay khi đọc lại các comment của Hoà mình đã khá buồn. “Những gì mình nhìn thấy xung quanh là một mảng tối đen sì. Đâu đâu cũng thấy chuyện một nhóm người cãi cọ lặt vặt, kêu ca, xả rác bừa bãi”.Vì vậy bây giờ mình muốn hỏi KH một câu là bạn đã tiếp xúc với những người dân sống tại các làng xóm bao giờ chưa, đã bao giờ được sông cùng họ để hiểu được tình làng nghĩa xóm nơi thôn quê chưa? Nếu tiếp xúc rồi mà vẫn thấy đó toàn là một mảng tối đen xì thì mình cũng mong KH nên nhìn nhận lại cách nhìn của bản thân thêm một lần nữa….
    Và thật sự là còn quá nhiều vấn đề muốn được bàn luận một cách thẳng thắn trong bài viết của bạn nhưng anh Hoành đã lên tiếng muốn dừng lại vấn đề tại đây nên mình sẽ không đề cập đến.

    Thích

  59. Hi anh Hoành và cả nhà,

    Em phải tự khen mình rất hiểu anh cả của vườn chuối 😆

    Nếu anh không phải là người nói lời sau cùng, cũng như nếu anh không tiếp tục đưa ra một kết luận, kiểu như các bạn vẫn sai 100%, thì đúng không phải là anh Hoành nhà mình nữa rồi 😀 😛

    Em thấy vui vì rất nhiều bạn tham gia trao đổi. Chứng tỏ vấn đề Khánh Hoà đưa ra rất hot, thật sự là vấn đề trăn trở của nhiều bạn trong vườn chuối (em tin là có rất- rất nhiều bạn không post comment vì có cùng ý kiến với một trong những quan điểm đã được nêu lên). Và cuối cùng, điều vui hơn là cả nhà chúng ta đã tìm ra tiếng nói chung. Thỉnh thoảng phải có dịp trao đổi như thế này, mọi người mới có dịp hiểu nhau hơn anh ạ 😛 😆

    Thật tiếc là mấy anh em mình ở xa nhau quá! Thôi thì mỗi người hãy tự cầm ly café của mình lên nhâm nhi và thưởng thức file PPS Xuân Phú Quý rộn ràng như tiếng pháo Tết chị Phượng dành tặng cả nhà hôm nay nhé 😀 😛

    Chúc cả nhà một ngày mới ấm áp và thật vui 😆 😆

    Thích

  60. Xin chào Khánh Hòa ! và các anh chị em trong ĐCN .đêm nay Hp được đọc bài viết của Khánh Hòa nêu lên ngững thực trạng trong đất nước và nổi trội nhất là chuyện “Tham nhũng ” như báo chí trong nước cũng đã đưa tin “Tham nhũng là một quốc nạn .Đây là những điều mà xã hội rất quan tâm nhưng thực tế công cuộc đấu tranh tham nhũng khó thành công .
    Là người Việt Nam ai ai cũng có tấm lòng yêu nước ,ai cũng muốn cho đất nước ngày càng tốt đẹp chúng ta cần phải có sự nỗ lực toàn xã hội mới hy vọng ..Cảm ơn Khánh Hòa đã đưa ra đề tài thật hấp dẫn .Dẫu sao cũng rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh mọi tấm lòng .HP cũng đồng quan điểm của các anh chị . Cho HP xin chia sẻ qua hai bài thơ Gai nhé .
    VỊNH ỐC BƯU VÀNG
    Thụt thò trong lỗ thật tài ghê
    Lay động nhanh nhanh khép một bề
    Tươi tắn nõn nà ông đục khoét
    Úa vàng khô đét bọ đâu chê
    Võ trơ như đá sờn sương gió
    Thân dạ yếu mềm nước phủ phê
    Lỡ vận tơ đào thu võ kín
    Thuận thời ngang dọc vượt sơn khê .
    HP

    VỊNH CON MUỖI

    Vo ve báo động giọng còi vang
    Người mãi mê say giấc mộng vàng
    Lặng lẻ vươn vòi xin tý huyết
    Im im truyền bệnh vạ người mang

    Mặc ai sống chết ta no bụng
    Kệ họ đau buồn ông hỉ hoan
    Loài muỗi xưa nay đều cậy thế
    Vô tư bòn rút mạc nhân gian .
    HP

    Thích

  61. Hii mọi người ơi em viết thế cũng không phải là bi quan đâu, vì vẫn có một vòng tròn đang tỏa sáng cơ mà chứ có phải tất cả tối hù đâu ạ???

    Hồi ở Vn thì em vẫn thấy nhiều ánh sáng lắm, và bây giờ ánh sáng đó thì vẫn còn (chứ không phải là quên đi các giá trị mà ông bà cha mẹ đã dạy, lờ đi những gương người tốt việc tốt – em đứng trong vòng sáng cùng mọi người và “nhìn xung quanh” mà) nhưng bây giờ nhìn thấy thêm nhiều bóng tối mà trước khi chưa ra khỏi Vn mình chưa có sự so sánh và cái nhìn khách quan hơn để thấy được nó thôi.

    Điều này thì đúng là chúng ta đang đứng ở các góc độ khác nhau cùng nhìn một sự vật.

    Mọi người ở đây chỉ cần thống nhất với nhau là cái tốt vẫn có, vẫn đang phát triển, nhưng cái xấu cũng đang lan tràn và chúng ta phải cùng hành động để ngăn chặn nó.

    Em hi vọng là mọi người hiểu được thông điệp của em ^^

    Em thấy rất vui vì bài viết của mình đã tạo ra được nhiều tranh luận, từ đó mọi người hiểu nhau hơn và phân tích vấn đề sâu rộng hơn. Em học hỏi được rất nhiều từ ý kiến phản hồi của các anh chị. Nếu bài em viết mà ai cũng chỉ vào bảo “Hay lắm”, “Được đấy” thì em còn buồn hơn ý 😀

    Chúc mọi người một tuần mới đầy năng lượng nhé!!!

    E Hòa

    Đã thích bởi 1 người

  62. Chào anh chị em ĐCN,

    Bức tranh của Khánh Hòa, mình thấy các điểm sáng nhiều màu là nổi bật nhất và Khánh Hòa đã chăm chút vẽ nó đẹp nhất – còn các mảng bút chì màu xám được vẽ hời hợt và không có sức thuyết phục.

    Mình cũng thấy một điều thực tế là khi một công ty ký hợp đồng tuy có phần các quan chức rất lớn nhưng cũng có phần của công ty phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng thuế cho nhà nước..

    Tham Nhũng ở Việt Nam tuy được gọi là văn hóa, phát triển nở rộ nhưng kín đáo và dịu dàng như .. đang được yêu vậy. Ai thanh liên chánh trực, đời nào cũng thế – cũng nghèo hết. Kẻ nào xa rời hay chỉ trích văn hóa này, bạn đang lánh xa xã hội phồn hoa và ồn ã…

    Trung Quốc cũng là XHCN có những chiến dịch bàn tay sạch nhưng nước ta thì không dám làm vì đụng chạm quyền lợi quá nhiều người.

    Mình nhắc lại một lần nữa, mình đang hướng tới những điểm sáng cũng như Khánh Hòa chăm chút vẽ nó vậy – “Tư duy tích cực”

    Ở đây mình nhìn thấy điểm tích cực đó là gì ?

    1. Ước mơ không ngừng và quyết tâm – mình ước mơ làm IT không phải để kiếm nhiều tiền, mà mình ước mơ làm IT tốt, giúp xã hội phát triển và liên kết nhiều người đến với nhau hơn (tất nhiên mình tin rằng sau khi thành công thì tiền tự khắc đến mới mình như suối)

    2. Giúp người khác và tạo điều kiện để họ có ước mơ thành công bằng nhiệt huyết – để họ không bị sai đường (cứ nhắm vào tiền mà phi đầu vào)

    Bạn đang có ước mơ là gì ? chúng ta có nên giúp đỡ nhau thực hiện ước mơ mỗi người cùng thành công trong sạch không ?

    Thích

  63. Em thì nhìn thấy bức tranh như là mặt Trăng trong vũ trụ. Mặt Trăng và đốm sáng của mặt Trăng đang đang sáng trong vũ trụ. Em hiện tại luôn cố gắng suy nghĩ tích cực và đọc thật nhiều Sách hay để nuôi dưỡng những gì tốt đẹp và học thật giỏi có nhiều Kiến thức để có thể chế tạo, góp phần giúp đỡ đất Nước trong lĩnh vực em học là khoa học.

    Thích

  64. Hôm nay đọc lại bài này và loạt comments cho mình một số bài học trong việc giao tiếp. Có lẽ có cuộc tranh luận và loạt comments dài sọc này là vì anh Hoành không feel được Tâm Nhân là ai, bạn đến đây và comments với ý đồ gì không. Bài học rút ra là trong giao tiếp rất cần sự cảm nhận về nhau, và tin vào thiện ý đóng góp của nhau. Cách tiếp cận “nặc danh” & xưng “tôi” có lẽ chỉ phù hợp trong trao đổi về những vấn đề khoa học, lý luận thuần túy. Để truyền đạt những điều “từ trái tim đến trái tim” thì những trái tim phải nhận ra nhau. 🙂

    Thích

  65. Đọc lại bài này, mình hiểu hơn về cảm nhận của một thế hệ 8x miền Bắc Việt Nam cách đây 5-10 năm về xã hội mình đang sống (Miền Nam – nơi mình sống – thấy có vẻ đỡ hơn nhiều, thế hệ 9x em gái mình cũng thấy đỡ hơn). Không phải tự nhiên mà Chùa Ba Vàng đạt được “doanh thu” hàng trăm tỷ. Không tự nhiên mà làn sóng đi tìm “thẻ xanh”, “quốc tịch khác” nở rộ như nấm sau mưa. Bao xương máu trên mảnh đất này, nay nhiều người bán nhà, gom tiền để trả hàng trăm ngàn đô, hàng triệu đô để rời khỏi mảnh đất này. Thật xót lòng!

    Tuy nhiên, gần đây mình thấy mọi việc trong nước chuyển biến tốt hơn. Công luận cũng nhiều tiếng nói chân chính, sâu sắc hơn, được Nhà nước lắng nghe hơn. Những điều xấu dần được nhận diện và công luận có chính kiến rõ ràng hơn là chỉ chửi đổng, chép miệng, quay lưng. Bạn bè mình nhiều người sau khi đi học Anh, Âu, Mỹ rồi quay về Việt Nam với khát vọng sống tốt hơn cho quê nhà. Mình tin rằng trên đường dài và cho toàn cục, mọi cái sẽ chuyển biến theo hướng tiến hóa hơn, tốt đẹp hơn.

    Đã thích bởi 1 người

  66. Cutely! (QL gọi theo kiểu Mỹ, thường thêm “y” vào cuối tên – Nikky, Tommy, Rosey…)

    Anh chẳng proud gì về việc cãi nhau với em khi mới gặp nhau lần đầu. Em còn nhắc tới cho cả thế giới để ý làm gì? Sao không để yên đó? Dù sao thì, nếu anh nhớ không lầm, em là người duy nhất anh cãi nhau từ lúc mới mở ĐCN đến nay. Thành quả lớn của em là làm cho anh đang tu mà phải cãi nhau với em, làm anh mất đi một mớ công đức lớn. 🙂

    Đã thích bởi 2 người

  67. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
    Trí thức xhcnvn lại bỏ câu Tiên học lễ Hậu học văn thì nền kinh tế- chính trị- văn hoá lại càng bi đát hơn trong mùa dịch vũ hán, thất nghiệp và đói kém này !Có muốn thực tế hay thực dụng thì cũng đành bó tay.com.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s