Kể chuyện tôi

Ai cũng bảo xòe bàn tay ra, trong ấy có cả quá khứ vị lai.

Tôi thì không tin rằng chỉ cần ngồi lẩm nhẩm với mình mà đọc được cái gì chưa đến.

Còn quá khứ thì đâu chỉ nằm trong lòng bàn tay.

Tôi vay ngân hàng ba mươi triệu, quá khứ của tôi nằm ở ngân hàng.

Tôi vay của người hàng xóm đôi lời chì chiết. Quá khứ giờ đang nằm ở nhà hàng xóm.

Tôi vay em một thời yêu thương. Chuyện này thì cầu mong quá khứ còn náu mình đâu đó nơi em.

Cánh tay trái của tôi có một vết sẹo dài 2cm, cũng là dấu tích của quá khứ. Mà dễ thương lắm, vết sẹo của tuổi thơ, chứ không phải vết tích buổi lang bạt giang hồ.

giadinh-chuctetThuở nhỏ, đâu trước năm 1975, kí ức thanh bình là vườn nhà với bụi mía mưng. Tôi với cái câu liêm, loay hoay thế nào không biết, chẳng chặt được cái ngọn mía, lại băm vào cánh tay mình. Khóc tóe lên. Mẹ hết hồn. Mẹ nhai nắm ngọn lá sắn với ít muối đắp vào. Vậy mà khỏi. Rồi thành sẹo.

Giờ thì cái sẹo đã qua hai chế độ, nó vẫn cứ là cái sẹo, chẳng nên tích sự gì, mà với tôi đó là tuổi thơ, tinh nghịch và dại ngộ, có buổi trưa nắng, có bụi mía mưng, có mẹ tôi. Một trang kí ức.

Rồi liên tiếp những vết sẹo trong đời.

Ngày chị tôi đi có chồng. Không hiểu sao tiễn chị đi, cả nhà khóc, chị tấm tức, tôi cũng rống lên. Tình cảm hay tục lệ gì đó mà ngày xưa con gái đi có chồng là khóc, (ba tôi giải thích rằng phải khóc vì thương ba mẹ rồi đây không người phụng dưỡng). Thật khác với bây giờ, các cô đi có chồng mặt cứ tươi như hoa, sướng như cầm vi sa đi xuất khẩu lao động.

Vậy là mất chị.

Ngày ba tôi đi. Năm tôi mười hai tuổi. Ông đi vội trong một ngày cận tết, chưa kịp đón xuân. Khi chị tôi nấu xong một nồi cháo gà, đùm túm băng bộ đúng năm cây số đường đồi về vừa đến nhà thì ông vừa đi khuất. Nồi cháo gà tung tóe giữa sân. Một cái tết buồn hiu. Rồi mãi mãi không còn dáng ông khề khà li tiếp bạn, khề khà một câu thơ nghịch nghịch:

Cả năm nuốt sắn có lườn
Để ba ngày tết lo đường lo heo.

Rồi ngày mẹ tôi đi. Bà đi vào trước lễ giáng sinh. Tôi tuổi đã bốn mươi. Nhìn mấy đứa con bịt khăn tang mà lòng tôi dài dại. Ngồi bên mẹ mà nhẩm hoài câu thơ của Đồng Đức Bốn:

Đưa mẹ lần cuối ra đồng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như thuở còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.

Những vết sẹo buồn, mà mỗi lần soi vào tôi lại thấy tôi với ngày, với tháng, với năm…

Gia đình hạnh phúcCũng có những vết sẹo vui vui.

Như cái ngày đểnh đoảng thế nào đi nhậu tôi lại để điện thoại di động ở nhà. Vừa về đến nhà, vợ yêu đã giọt ngắn giọt dài cầm cái điện thoại tế thành văn: Anh ơi là anh…

Mắt vợ nhìn chăm chăm vào danh bạ có dòng mật mã “ người tình trăm năm”.

Tôi hồn vía thăng thiên. Vợ đã bắt tận tay day tận cánh. Có chạy đằng trời. Nàng thì hiền, nhưng những khi đang cảnh vệ tuần tra thì cũng rất ư là cảnh sát.

Tôi định thần nhìn kĩ, hú ba hồn bảy vía, mật mã giành cho vợ! Số ĐT: 0982…

Vỡ chuyện, xác minh đúng số của mình. Nàng cười, rồi không hiểu sao lại khóc, rồi lại cười, lại tíu tít: Anh hà, anh hí…

Tôi thật không phải khi cứ lôi cái tôi của mình mà kể, cà kê dê ngỗng, còn nhiều chuyện lắm, nhưng lịch sự nên dừng lại.

Mà nói thực, không có những chuyện dấm dớ ấy thì chẳng có đời tôi, thì chẳng biết kể gì.

Nói cho nghiêm túc thì mấy ai có cái phúc lớn là vĩ nhân để mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm đều là những cột mốc đánh dấu lịch sử nhân loại, dân tộc.

Chờ cho đến cái sự trọng đại e hết một đời, khi lại hờ hững với mình của những ngày qua, khéo lại thành tập hợp rỗng mất.

Một lần nhớ lại mẩu chuyện xưa, tôi lại giật mình, chuyện chàng rể làm văn tế bố vợ.

Nhiệm vụ thì trọng đại, mà nhớ hoài chẳng biết viết gì, cậu rể đâm liều viết sảng:

Ông này bác mẹ sinh ra
Lọt lòng ông khóc oa oa
Sau này ông trở về già
Bây giờ ông hóa ra ma.

Cười mà đau, mà thương một đời người không ngày, không tháng, không năm.

Nhân vật của câu chuyện ấy hẳn không là vĩ nhân, vì sách giáo khoa lịch sử không nhắc đến.

Và nhân vật ấy chắc chắn là tội nhân, chí ít là tội đồ với chính mình bởi quá hờ hững với mình đến độ ngay cả những người thân cũng không biết tí gì về mình cả.

Tôi cũng vừa học được cái lẽ sống chí tình từ một người chưa quen, rằng: Muốn yêu người thì phải biết yêu mình.

Nhatky Tôi nghĩ mọi người cũng thế, cũng có quyền yêu mình bằng một vài dòng nhật kí, là kiểu bắt buộc mình phải có ý nghĩa với mình. Mà đó cũng là quyền dân chủ, cũng nên tận dụng.

Biết chừng đâu rồi một ngày lại nhận ra khi không hờ hững với mình thì cũng đã tích cực lắm với cuộc sống rồi.

Là thực hành cái nguyên lí biết yêu mình.

Thì yêu mình, bạn cứ kể chuyện mình, còn tôi kể chuyện tôi.

Nguyễn Tấn Ái

12 thoughts on “Kể chuyện tôi”

  1. Lâu ngày rồi mình cũng học được cái lạc quan của mọi người anh à, vậy là sống tích cực phải không anh?

    Like

  2. Hi! Bây giờ mới có cơ hội biết mặt anh và gia đình anh qua ảnh. 2 Anh Chị đẹp đôi ghê, con trai con gái đủ cả và dễ thương nữa. Vậy là cũng quá Hạnh Phúc rồi còn gì! hihi…

    Cách viết trong bài này có thay đổi đôi chút so với những bài trước: mộc mạc hơn, thẳng thắng hơn và bình dân hơn! (ko phải quá suy nghĩ để lựa câu chọn từ trước khi đặt bút viết 1 dòng). Cho nên nói chung tuy kém hay 1 xíu nhưng mà…dễ đọc hơn! hihi…

    Dù sao cách viết của anh chứng tỏ cũng đã được tôi luyện khá nhiều, để hình thành nên 1 tính cách của riêng anh.

    Chào thân ái!
    Smile4U ^!^

    Like

  3. Chào Q.Dung nhé!
    Mình cũng ở vào cái kẹt chưa biết bạn là ai, thì “xin chào nhau giữa con đường”.
    Thật ra hạnh phúc trong ảnh là quà tặng của chị H.Huệ cho mình đó, mà mình cũng thích nhận là mình lắm, tội gì mà không nhận!
    Khi mới xem, mình cứ ngỡ là gia đình anh Luận và chị Đông Vi trong” hãy tìm tôi giữa cánh đồng”, Q.Dung thử kiểm tra xem.
    Cảm ơn Q.Dung đã đọc những tâm tình của mình, cảm ơn cả những nhắc nhở rất kín của bạn nữa!
    Hi vọng sẽ còn gặp và trao đổi trên ĐCN.
    Chào thân ái!

    Like

  4. Tình cờ đọc bài này của anh. Quả thật là một … lãng tử!
    Vui vui, buồn buồn, ngộ ngộ…
    Một đời người.
    Không không, có có, không không…

    Và mình thích nhất dấu chấm bài “Thì yêu mình, bạn cứ kể chuyện mình, còn tôi kể chuyện tôi.”

    Like

  5. Cảm ơn bạn nhiều lắm! Hi vọng còn trao đổi cùng nhau. Ái.

    ________________________________

    Like

  6. Cám ơn Thủy viếng thăm Vườn Chuối. Nếu Thủy thích các bài như thế thì níu áo thầy Tấn Ái bảo thầy biết bài cho chú Hoành, vì thi sĩ nhà mình lặn hơi lâu rồi. Nói chú gửi bài vào Vườn Chuối cho Thủy và các bạn đọc 🙂

    Like

  7. Anh Nguyễn Thuỷ ơi!
    Xin lỗi, rất xin lỗi vì phải sau một thời gian mới biết anh là bậc đàn anh!
    Hi vọng gặp anh!
    Nguyễn Tấn Ái.

    Like

  8. Tấn Ái lặn đâu lâu vậy. Hôm nào có bài văn nào gởi cho ĐCN nha. ĐCN lúc này không đăng thơ, mà chỉ đăng các bài bình thơ, giải thơ, nói về thơ…

    Cho anh gởi lời thăm bà xã nha.

    Like

  9. Mình cũng thấy vui vui khi thỉnh thoảng có lời hỏi thăm của anh em!
    Chúc sức khỏe nha!
    Nguyễn Tấn Ái

    Like

Leave a comment