Trẻ em phải có giấy khai sinh

Chào các bạn,

Việt Nam có nhiều trẻ em không có giấy khai sinh vì thủ tục hành chính của nhà nước, khiến cho các em không thể đi học, hoặc đi học nhưng không được công nhận là đã đi học và không được thi tốt nghiệp cấp 3. Rồi khi các em lớn lên, các em không thể có căn cước công dân, không thể học đại học, không thể có hợp đồng lao động, không thể có bảo hiểm y tế, không thể đi tàu hỏa và máy bay. Rồi khi cưới vợ cưới chồng, các em không thể đăng ký kết hôn, không thể làm giấy khai sinh cho con, không thể cho con đi học… Một vòng lặp nữa bắt đầu.

Những người đi tù chung thân cũng chỉ đến mức đó thôi. Nhưng tù chung thân còn có cơ hội giảm án, từ tù cả đời xuống còn tù 30 năm, rồi 20 năm, 10 năm… rồi có thể ra tù và sống đời bình thường. Còn những người không có giấy khai sinh thì tù cả đời, chẳng có ân xá nào. Thêm nữa, người tù chung thân chỉ phải chấp nhận bản án cho chính người đó, còn người không có giấy khai sinh thì cả vợ chồng con cái đều bị liên lụy, đặc biệt các con vô tội sinh ra đã bị tròng vào cổ bản án “không giấy khai sinh” từ đời ông bà bố mẹ để lại và mãi mãi không thoát ra được.

Đây là vấn đề xã hội lớn. Một đứa trẻ không có giấy khai sinh, thì không chỉ có mỗi mình cha mẹ em phải nặng gánh, mà cả xã hội cũng bị nặng gánh theo. Nếu em không có cơ hội được nuôi dưỡng và học hành tử tế, em lớn lên có thể đi cướp của giết người và làm xã hội bị nặng gánh. Em có thể đi ăn xin đầu đường xó chợ và làm xã hội bị nặng gánh. Em có thể mắc bệnh hiểm nghèo và làm xã hội bị nặng gánh. Em có thể chẳng có cơ hội được mở mang trí tuệ và làm xã hội bị mất mát nguồn tài sản quý hiếm là đầu óc con người.

Trí óc con người là cực kỳ quý hiếm. Chúng ta không thể hoang phí dù chỉ một trí óc, dù chỉ một em.

Và tương lai của đất nước nằm trong tay các em bé, không phải trong tay các cụ.

Nhà nước không thể để xã hội bị nặng gánh và quản lý kiểu không có tình người như thế chỉ vì thủ tục hành chính vô lý của nhà nước.

Trẻ con phải có giấy khai sinh, dù mẹ em có giấy khai sinh hay không, dù mẹ có hộ khẩu hay không (1), dù mẹ có đóng đủ tiền viện phí hay không (2)(3), dù mẹ có chứng minh quan hệ mẹ con hay không (3), dù mẹ có từng kết hôn với người nước ngoài hay không (4), hay dù mẹ bỏ đi…

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) do Tổng cục Thống kê VN thực hiện năm 2020-2021, Việt Nam có 1,9% trẻ em dưới 5 tuổi không được đăng ký khai sinh. Những trẻ em không được đăng ký khai sinh tại Việt Nam hầu hết thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số hoặc di cư.(5) Đó là không tính những trẻ đã đăng ký khai sinh nhưng rốt cuộc vì lý do gì đó lại không có giấy khai sinh.

Dân số VN năm 2021 là 98,51 triệu (6). Không có con số thống kê trẻ em dưới 5 tuổi là bao nhiêu. Chỉ có con số tỷ trọng nhóm dân số từ 0-14 tuổi là 24,1% (7). Nếu giả sử 1,9% trẻ em dưới 5 tuổi không được đăng ký khai sinh sẽ không có giấy tờ này đến năm 14 tuổi, thì số trẻ em không được khai sinh là 98,51  triệu x 24,1% x 1,9% = 451.077 trẻ.

Trong khi đó, có dự án chính phủ làm giấy khai sinh cho trẻ em ở Tp.HCM và khu vực phía Nam, làm miệt mài 10 năm nhưng chỉ được 250 em (8). Con số quá ít ỏi.

100% Trẻ phải có giấy khai sinh – phải là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, chẳng chỉ là nhà nước.

Trích lời luật sư tiến sĩ Trần Đình Hoành:

Vấn đề rất dễ giải quyết. Nếu bố mẹ vì lý do gì đó mà không có giấy khai sanh hay căn cước công dân, thì chỉ cần họ tự khai danh tánh và ngày sinh tháng đẻ của họ, và lời khai của hai nhân chứng biết họ đã vài năm (như là hàng xóm quen biết đã 5 năm) chứng nhận họ là công dân tốt và hàng xóm láng giềng đều biết, để cho họ có giấy khai sinh hay căn cước công dân (hoặc “Chứng nhận thay khai sinh” và “Chứng nhận thay căn cước” có giá trị như khai sinh và căn cước).

Hoặc chính quyền địa phương (phường, xã) cũng có thể chứng nhận thay vì hai nhân chứng.

Trong trường hợp các cô nhi viện, các cô nhi viện có quyền khai chứng nhận cho các em để các em có được khai sinh hay “Biên bản thay khai sinh.”

Trường hợp cô nhi viện hay tổ chức thiện nguyện không có tư cách pháp nhân chính thức, thì cần hai nhân chứng quen biết các em như trên. Và đương nhiên hai nhân chứng đó có thể là hai nhân viên hay hai lãnh đạo cô nhi viện.

Điểm chính cần tập trung là nhà nước phải lo cho dân NGAY TẠI ĐÂY LÚC NÀY, người dân, đặc biệt là các em bé, phải được lo NGAY TẠI ĐÂY LÚC NÀY.

Nhà nước không thể dùng cách làm việc phi lý học được của người Pháp đô hộ, để làm khổ chính công dân của mình từ đời ông bà đến đời cha me, rồi đời con cháu.

Nhà nước cần có một quyết tâm: Phục vụ người dân, đặc biệt là các em bé, tương lai của đất nước, NGAY TẠI ĐÂY LÚC NÀY. Thủ tục hành chánh phải được cải tiến và chỉnh sửa để phục vụ mục đích phục vụ dân NGAY TẠI ĐÂY LÚC NÀY, và không phục vụ mục đích theo dõi chặt chẽ lý lịch của một người từ thời cha ông đến con cháu mấy đời để siết cổ cả dòng tộc như thời Pháp thuộc.

Ngày nay với computer và AI, an ninh không cần phải theo dõi mấy đời như thế để bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Chúc các bạn một ngày nhân văn.

Phạm Thu Hương

Tham khảo:

(1) “Với những quy định trong luật cư trú về điều kiện để có hộ khẩu, nhập khẩu với người trên 16 tuổi là phải có chứng minh nhân dân và điều kiện làm chứng minh nhân dân là phải có hộ khẩu.

Điều này khiến cho những thanh thiếu niên lang thang, cơ nhỡ trên 16 tuổi, khó có cơ hội được công nhận là công dân, nếu không có người bảo lãnh cho nhập khẩu. Quy định này khiến cho nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đường phố tốn rất nhiều công sức và thời gian để được làm giấy chứng minh nhân dân.” – Khó đảm bảo “quyền có giấy tờ tuỳ thân” cho trẻ đường phố.

(2) “Hiện nay tại các bệnh viện, để tránh trường hợp bệnh nhân sau khi sinh, trốn viện, không đóng viện phí, các nơi thường giữ lại giấy chứng sinh của đứa trẻ. Điều này khiến cho việc đăng ký khai sinh gặp nhiều khó khăn và kéo đến hệ lụy khác đó là cũng có bố mẹ vì “nản” nên cũng “chẳng thèm” làm khai sinh cho con (!?).

Thêm vào đó, theo quy định, các cơ sở y tế được phép hủy hồ sơ bệnh án trong 10 năm để giải quyết vấn đề quá tải về lưu trữ, làm cho các trường hợp trẻ em xin nhận lại giấy chứng sinh sau 10 năm khó thực hiện được.” – Khó đảm bảo “quyền có giấy tờ tuỳ thân” cho trẻ đường phố.

(3) T.H.B.C (quận 7, TP HCM) gần 18 tuổi vẫn chưa được đăng ký khai sinh và cấp giấy tờ tùy thân. Mẹ của C. liên hệ UBND phường thì được hướng dẫn đi xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ me – con. Không có tiền nên gia đình không thể làm xét nghiệm. “Ngày xưa, không có tiền trả viện phí, sinh xong, tôi ôm con trốn khỏi bệnh viện. Sau này, mẹ con tôi quay lại bệnh viện xin trả khoản viện phí năm xưa và làm lại giấy chứng sinh nhưng không được” – mẹ của C. rưng rưng kể. – Gian nan “định danh” cho trẻ không giấy chứng sinh.

(4) Trẻ con lai ở miền Tây – 4 bài.

(5) Đăng ký khai sinh – Điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021

(6) Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,51 triệu người.

(7) Ấn phẩm: Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021

(8) Dự án Trang mới cuộc đời.

One thought on “Trẻ em phải có giấy khai sinh”

Leave a comment