Phim “GATTACA”:  Tính phi nhân bản của sự sùng bái “lý lịch gen”

Điểm phim

*Phim khoa học viễn tưởng của Hãng Columbia Pictures sản xuất –  Đạo diễn&viết kịch bản: Andrew Niccol – Diễn viên: Ethan Hawke, Uma Thurman, Jude Law… –  Phát lại trên kênh Hollywood Classics ngày 18/2/2023.

TÓM TẮT NỘI DUNG PHIM

Sinh ra đời cậu bé Vincent rất ốm yếu và phát triển kém. Máy kiểm tra gen dự báo cậu sẽ mắc cùng lúc bệnh thần kinh cùng bệnh tim mạch và chết năm 30 tuổi, Anton, em trai Vincent – được cha mẹ dồn hết yêu thương và “đầu tư” mọi mặt –  cao và khỏe hơn anh mình nhiều, thường qua mặt Vincent trong mọi trò tranh đua thể lực, nhất là khi thách nhau bơi trên biển… Đang là thời đại sùng bái “lý lịch gen”, xã hội thẳng tay phân biệt đối xử người có gen khiếm khuyết, nhưng Vincent vẫn nuôi hoài bão thiết tha là được bay lên không gian. Vincent bỏ nhà ra đi, sau khi nhờ liều mạng mà run rủi thắng được Anton trong trò bơi ra khơi.

Tìm đến trung tâm vũ trụ không gian GATTACA, Vincent ẩn nhẫn làm công việc quét dọn, nhưng khi về nhà trọ, anh lao vào tập luyện rất gian khổ. Kết quả là: bất chấp gen xấu bên trong, anh trở nên một thanh niên có sức khỏe hoàn hảo. Trong một lúc vừa chà cầu tiêu vừa ngước nhìn chiếc tàu vũ trụ được phóng lên trời, Vincent được một chuyên gia gàn dở chú ý hỏi chuyện. Ông này giới thiệu anh với Jerome, một vận động viên bơi lội kiệt xuất nhưng đang ngồi xe lăn vì liệt nửa người sau một tai nạn. Đồng ý cho anh chàng bị có “gen xấu” mượn tên tuổi cùng lý lịch “gen trội” của mình, Jerome cho Vincent về ở chung trong nhà mình.

Hội đủ tất cả các điều kiện về gen cùng về thể chất và thần kinh, Jerome Morrow (tên căn cước của Vincent) trúng tuyển đợt đào tạo phi hành gia của trung tâm GATTACA. Đồng thời cái anh nhân viên quét dọn tên Vincent kia cũng tự ý nghỉ việc… Chương trình huấn luyện ở trung tâm rất khắc khe, đặc biệt là việc kiểm tra tình trạng sức khỏe, thông qua các xét nghiệm về máu và nước tiểu thì lập đi lập lại liên tục. Do đó, tại căn nhà mà nay đã biến thành một phòng thí nghiệm sinh học tối tân, hằng ngày Vincent phải dậy thật sớm để “trang bị” lên mình DNA của Jerome, bằng cách gắn vào háng mình túi nước tiểu “Jerome” và bọc ngón tay bằng da ngón tay “Jerome” có cài sẵn một giọt máu “Jerome”. Nhờ vậy, trước máy kiểm tra căn cước điện tử đặt tại cổng vào GATTACA hay trước các thiết bị kiểm tra máu/nước tiểu đặt trong phòng xét nghiệm tại đây, Vincent đều qua lọt. 

Chuyến bay lên hành tinh Titan mà Vincent có tên trong phi hành đoàn sắp thực hiện thì đột nhiên, vị tổng chỉ huy dự án chuyến bay bị giết. Ban điều tra vụ án cho rằng thủ phạm phải là người làm việc trong GATTACA nên ráo riết truy tìm, kiểm tra DNA mọi người trong trung tâm. Nhiều biến cố xảy ra cùng lúc… Khi còn làm công việc quét dọn, trong một lúc sơ ý Vincent đã để rơi một mẩu da của mình tại phòng họp, rồi mẩu da lọt vào máy hút bụi của bên điều tra. Lập tức họ truy tìm người chủ của mẩu DNA này. Các đặc vụ bung ra chận xét, kiểm tra DNA tất cả nhân sự trong nội bộ trung tâm GATTACA cho đến mọi người dân trong khắp thành phố… 

Trong đội phi hành lại có nàng Irene xinh đẹp, quyến luyến Jerome/Vincent nhưng đồng thời nàng mơ hồ cảm thấy hành tung của anh này có gì là lạ, khả nghi. 

Chợt thủ phạm bị vạch mặt qua một mẩu lông mi bám trên mặt xác nạn nhân. Đó là ông phó chỉ huy dự án đã giết cấp trên vì tranh quyền. Tuy nhiên, một viên thanh tra – chính là Anton, em trai Vincent – vẫn bám theo mẩu DNA của người tên Vincent. Dấu vết này đưa Anton đến nhà Jerome/Vincent, tình cờ nàng Irene cũng tìm đến nhà người yêu, khiến Jerome-thật phải gắng gượng bỏ xe lăn, ngồi ngay ngắn trên ghế để tiếp chuyện. Với Irene, Vincent đã lộ bộ mặt thật nhưng nàng vẫn tiếp tục yêu anh, còn thanh tra Anton thì truy tìm mãi cũng gặp lại anh mình trong cơ quan. Anton buộc Vincent phải kết thúc ngay trò giả danh. Để không bị truy tố trọng tội “giả danh công dân ưu tú”, Vincent phải nhận điều kiện thách thức của em mình và anh lại thắng trong cuộc bơi đua trên biển, đồng thời cứu Anton khỏi chết đuối.

Đã đến ngày phóng tàu vũ trụ. Trong lúc Vincent mãn nguyện ngồi trong khoang tàu nhìn ra bầu trời mơ ước thì Jerome Morrow, người cho Vincent mượn lý lịch, cũng nở nụ cười sau cuối khi tự kết liễu đời mình….

NỀN VĂN MINH DUY LÝ VÀ DUY “LÝ LỊCH GEN”

Qua cuốn phim khoa học viễn tưởng này, các tác giả phim lại lôi ra một vấn đề khá cũ nhưng vẫn nằm trong tầm cảnh giác của toàn nhân loại, đó là vấn đề phân biệt đối xử. Nếu trong tương lai sẽ đúng như tình hình bộ phim dự báo là số phận từng cá nhân được định đoạt chỉ qua những chiếc máy “đọc” ra “gen trội” hay “gen khiếm khuyết”, thì chủ nghĩa phân biệt đối xử đã có hay ít nhiều vẫn tồn tại trong xã hội loài người đương đại (như trò phân biệt chủng tộc/màu da, phân biệt tôn giáo, phân biệt “lý lịch ba đời”.v.v…) sẽ chỉ còn là những kiểu phân biệt đối xử lạc hậu, non nớt đến buồn cười. Nhưng dù có ngỡ ngàng trước những hình ảnh choáng ngợp của nền khoa học – kỹ thuật viễn tưởng được khéo léo phô diễn trong bộ phim, khán giả cũng khó cười nổi khi bị thấy trong gia đình Vincent – nhân vật chính, cha mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi con ruột mình chỉ vì các nhiễm sắc thể của họ trao truyền đến đứa con thì bị trục trặc. Cứ như gen của quí ông bà này đương nhiên là “hàng xịn”, rồi do tội lỗi (?) của đứa con mà hóa thành “hàng dỏm”.  Xã hội duy lý thời ấy trong phim còn khắc nghiệt hơn nữa. Loài người đang chung sống trên trái đất này bị qui về chỉ hai thành phần, một là những người có “gen tốt”, “gen trội” thì được xem là ưu tú, được hưởng mọi thứ tốt đẹp trên đời, hai là những người có “gen xấu”, gen “khiếm khuyết” thì bị hất ra ngoài bảng giá trị nhân văn, bị cấm cửa trước các thiết chế, tiện nghi cao cấp trong đời sống, sống lang thang lề đường, xó phố, y như loài cỏ dại mọc hoang. 

Suốt bộ phim, người ta đã cho món đạo cụ hảo hạng là những cái máy “đọc” gen hay máy kiểm tra căn cước sinh học bận rộn suốt. Ngược lại thì hầu hết những diễn viên quần chúng cứ im lìm, lặng thinh như người gỗ, người máy. Chính các vai phi hành gia cũng dửng dưng, làm vẻ mặt trơ lì, khi đặt ngón tay vào máy kiểm tra rồi thấy nhấp nháy chữ “valid” (hiệu lực, hữu hiệu). Vậy mà, trong hoàn cảnh cuộc sống xã hội cứ một mực loại bỏ những “người không được chấp nhận” – một kiểu cảnh giác cao độ về sự có mặt lén lút của loại “người không được chấp nhận là người” – thì Vincent đúng là kẻ nổi loạn, chống lại một nền văn minh nhục mạ thân phận con người.

ƯỚC MƠ VÀ PHẢN KHÁNG

Bằng ý chí ngoan cường, nỗ lực tột độ, Vincent quyết tâm thực hiện ước mơ bất-khả-thi của mình là được bay vào không gian. Để triệt bỏ những khiếm khuyết thuộc về tố chất, anh đã dùng mọi cách bắt ngoại hình mình phải giống vận động viên Jerome, như phải tập dùng tay trái (bỏ cố tật thuận tay phải), dùng kính sát tròng (vất khung kính cận thị), thậm chí chịu đau đớn cưa đứt, kéo dài đôi chân cho cao bằng Jerome. Chưa hết, khổ hình thường xuyên là cứ mỗi sáng thức dậy, anh phải tắm rửa, kỳ cọ rất lâu, đổng thời cạo sạch râu, lông vừa nhú để tẩy bật mọi tế bào chết. Đến màn “trang bị” túi nước tiểu, giọt máu (cài trên da ngón tay trỏ) mà Jerome ra công “sản xuất” hằng loạt từ thân thể mình rồi đánh số, cất vào tủ lạnh, có lần Vincent suýt bị lật tẩy nếu quên kiểm tra trước khi đến GATTACA. Bữa đó, anh chàng bại liệt uống say từ đêm trước, sáng ra lại trích lấy thứ máu và nước tiểu của mình còn dính chất rượu, vốn là những thứ không cho phép đối với những con người lành mạnh “ưu tú” –  các phi hành gia. 

Jerome bảo rằng lý do khiến anh chấp nhận cho Vincent mượn tên mình, mượn chính một phần thân thể của mình, là nằm ở cuộc “trao đổi hai ước mơ cháy bỏng của hai con người”, mà về phần Jerome là được thấy tên mình bay lên không gian, thay cho cái thân tàn phế “in-valid”. “Mỗi chúng ta đều có khiếm khuyết khác nhau, nhưng hợp sức lại thì sẽ cùng đạt được ước mơ riêng mà chung, như thể được sống đến hai kiếp người”, đó là lời Jerome động viên bạn mình khi Vincent muốn bỏ cuộc sau khi bị nàng Irene và Anton phát hiện ra anh “đội lốt” người khác. 

Rõ ràng có lúc Vincent cũng đã chán nản, sụp đổ ý chí. Đúng hơn, theo tâm lý học hiện đại, đó là tình trạng sụp đổ nhân cách tâm lý (biểu hiện bằng những nỗi chán nản, mất tự tin, chủ bại, không còn thiết tha với việc thực hiện ước mơ hay lý tưởng…) nơi con người bị vong thân dài hạn. Quả là có lúc Vincent chợt hụt hẫng, không còn chịu đựng nỗi tình cảnh phải thường xuyên gạt bỏ, lãng quên chính con người mình để sống bằng tên tuổi, nhân cách người khác. Cái “người khác” ấy dù cho có ưu tú, “ngon lành” hơn bản thân mình đi nữa thì như triết gia Jean Paul Sartre nói “Mon enfer, c’est les autres” (Tha nhân chính là địa ngục của ta), từ lâu Vincent đã âm thầm khổ đau khi phải giả danh Jerome, như một nỗi dày vò tự than vô cùng khủng khiếp của con-người-vong-thân.

Dù sao, khi giả danh Jerome để qua mặt thời đại “lý lịch nằm ở tế bào”, Vincent đã đứng lên phản kháng một nền văn minh (giả tưởng trong phim) què quặt khi chỉ biết sùng bái mấy vệt DNA tốt xấu gì đó. 

Sự thật là ngoài tố chất sinh học ra, nơi mỗi con người chúng ta còn biết bao phẩm giá khác tiềm tàng trong sử tính cá nhân, như: cách sống hợp luân lý, đạo đức; hành vi vị tha, hướng thiện; nỗ lực vượt qua tai ương, nghịch cảnh…, và nhứt là tình yêu – sinh hoạt đặc biệt ưu thắng, giúp con người vượt lên trên các giống loài sinh vật khác. 

Một số nhân vật chính/phụ khác trong phim cũng thuộc tuyến phản kháng, nổi bật là nàng Irene quá xinh đẹp. Với những đoạn lãng mạn, thơ mộng hiếm thấy trong phim, như cảnh ái ân trên bãi biển đêm, cảnh ngắm mặt trời mọc, cảnh chơi dương cầm của ông nhạc sư (có tới 12 ngón tay) bên cạnh ánh nến lung linh…, tình yêu của cặp Vincent-Irene đã cứu chuộc cho những đoạn quá khô khan, nặng hình ảnh cơ khí, thiết bị trong bộ phim khoa học viễn tưởng này. Thấm thía là đoạn ông Lamar, vị chuyên gia xét nghiệm, đã lén chỉnh lại máy kiểm tra cho “valid”, giúp Vincent vượt qua chặng kiểm tra khắt khe nhứt trước khi lên tàu vũ trụ, chỉ vì con trai ông – y như Vincent, tức cũng thiếu tiêu chuẩn nhưng cũng có ước mơ bay lên không gian – rất ái mộ nhà phi hành mà từ lâu ông đã biết là kẻ giả danh.

Cũng khó nói “Gattaca” là một bộ phim không có hậu, dù ở đoạn kết phim, khán giả tự hiểu là Vincent sẽ bị cắt nguồn “trang bị” DNA của Jerome (đã tự kết liễu đời mình), tức sớm muộn gì kẻ “ khiếm khuyết” cũng bị xử cái trọng tội xâm nhập vào thành phần “ưu tú” của xã hội thời ấy. Khi chia tay, Jerome đã nhắc: “Về chuyến bay của cậu, phải tính đến lúc quay về”, tức Vincent cần dự trữ để mang theo thật nhiều mẩu nước tiểu và máu đông lạnh của Jerome, nhưng Vincent đã đáp: “Chuyến bay là của cả hai chúng ta, không có chuyện quay về”. Vâng, kiểu kết phim “không có hậu” ở đây lại đầy bi tráng, gây bùng vỡ cảm xúc nơi khán giả, Chỉ cần một lần duy nhất thôi, được bay lên bầu trời xanh ngắt vô tận kia là hai người bạn thân trong phim đã đạt được niềm ước mơ chung, cao vời mà nghiệt ngã…  

PhạmNga

(Tháng 2/2023)

One thought on “Phim “GATTACA”:  Tính phi nhân bản của sự sùng bái “lý lịch gen””

  1. “Tôi chưa bao giờ sợ nguy hiểm, vì tôi không tính đường trở về”. Có chăng đó là cách mà không những họ mà chính chúng ta sẽ làm để chạm tới một khát vọng cao vời vợi nào đó?

    Like

Leave a comment