Chào các bạn,
Dưới đây là comment của mình về bài báo Phá thai – bi kịch không của riêng người trẻ, mình đăng lại thành bài để đề nghị báo chí và các bên liên quan nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề để có hướng đi hiệu quả hơn.
Bài báo dưới đây có chủ đề là “Phá thai – bi kịch không của riêng người trẻ”. Nội dung gồm có 3 phần. Phần Một – mở bài nói rằng người phá thai gồm người chưa cưới và người đã cưới (ok). Phần Hai – thân bài nói về hai đối tượng này (ok). Phần Ba – kết bài nói về cách giáo dục người chưa cưới mà có thai, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Vậy còn người đã cưới mà phá thai thì sao? Sao lại không nói đến?
Thêm nữa, “Ở Bệnh viện Hùng Vương, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, năm 2016 bệnh viện này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 có 3.922 ca. 6 tháng đầu năm 2017, 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60-70 ca.”
Dựa vào số liệu trên ta có thể thấy, độ tuổi từ 18-25 chiếm khoảng 1/4 số ca phá thai. Số liệu không nêu độ tuổi thấp hơn, từ 18 trở xuống và độ tuổi cao hơn, từ 25 trở lên. Tuy vậy, ta có thể mường tượng được đối tượng đã cưới mà phá thai cũng chiếm số đông, nếu không chiếm 3/4 tổng số ca thì cũng có thể xấp xỉ 1/2 tổng số. Vậy ai là đối tượng ta cần chú ý hơn?
Mặt khác, VN là nước mất cân bằng giới tính đến mức báo động. Đây không phải là câu chuyện con số. Đây là câu chuyện con người.
Đằng sau câu chuyện mất cân bằng giới tính là một chuỗi các vấn đề về nhân quyền, trong đó có vấn đề phá thai.
Dưới góc nhìn này, phá thai không hẳn là chuyện của người vợ, mà là chuyện của toàn xã hội. Có nhiều câu hỏi đặt ra dưới góc nhìn này: Phá thai là do ý của người vợ? Hay ý của người chồng? Hay ý của mẹ chồng? Hay ý của xã hội?
Câu chuyện ở Hải Dương là một ví dụ cụ thể cho vấn đề này. Một ví dụ để ta có thể hình dung tại sao người mẹ có thể nói, “Bỏ một đứa con gái tốn có 700.000đ thôi”.
(Phải ‘lấy chung vợ’, viễn cảnh dễ xảy ra mai sau ở Hải Dương?)
Bấy lâu nay khi nói về phá thai, truyền thông chỉ tập trung vào trẻ vị thành niên và người chưa cưới, nhưng gần một nửa và có thể lên đến 3/4 tổng số ca phá thai là người đã cưới. Truyền thông vẫn cứ ra rả về những đứa trẻ “hư” và “dốt” nhưng số phá thai vẫn tiếp tục tăng, vậy cách ta đang làm đã hiệu quả hay chưa?
Truyền thông đã bao giờ nhấn mạnh đến phá thai và mất cân bằng giới chưa? Đến phá thai và người đã cưới? Đến phá thai và bất bình đẳng giới?…
Nếu chưa, thì hãy bắt đầu.
Phạm Thu Hương
Bài cùng chuỗi:
- Phá thai và người đã cưới
- Giữ thai và xây dựng xã hội đầy tình yêu
- Phạt tù đàn ông làm bạn gái có thai nhưng không chịu trách nhiệm
- Phạt tù đàn ông là cách tốt để xây dựng xã hội
- Phá thai – Thảm họa quốc gia
- Khi học sinh có thai
- Phân biệt nam nữ đến mức chết người
***
Phá thai – bi kịch không của riêng người trẻ
LĐO |
