Thiền trong đời của gã ăn mày

Tosui là một Thiền sư nổi tiếng vào thời của ngài. Tosui đã trụ trì vài chùa và dạy ở nhiều tỉnh.

Chùa cuối cùng Tosui viếng thăm thu hút nhiều môn sinh đến nỗi Tosui nói với họ là ngài sẽ bỏ việc giảng dạy vĩnh viễn. Tosui khuyên họ ra về và đi đâu tùy ý. Sau đó chẳng còn ai biết tông tích ngài ở đâu.

Ba năm sau một đệ tử của Tosui khám phá ra ngài đang sống với vài người hành khất dưới một gầm cầu ở Tokyo. Người đệ tử lập tức nài nĩ Tosui dạy mình.

“Nếu cậu có thể làm như tôi làm, dù chỉ đôi ba ngày, thì tôi có thể dạy,” Tosui trả lời.

Vậy người đệ tử mặc áo quần như hành khất và theo Tosui cả ngày. Đến đêm một người trong đám ăn mày chết. Tosui và người đệ tử khiêng xác nửa đêm và chôn xác trên sườn núi. Rồi họ trở về lại chỗ ở dưới gầm cầu.

Tosui ngủ ngon lành, nhưng người đệ tử không ngủ được. Đến sáng Tosui nói: “Chúng ta không phải đi xin đồ ăn hôm nay. Ông bạn vừa chết của mình đã để lại ít thức ăn đằng kia.” Nhưng người đệ tử chẳng ăn nổi miếng nào.

“Tôi đã nói là cậu không làm như tôi được,” Tosui kết luận. “Đi đi và đừng làm phiền tôi nữa.”
.

Bình:

• Tosui Unkei, thiền sư dòng Tào Động (Soto), là thiền sư lập dị nhất trong lịch sử Thiền Nhật Bản. Ngày nay nhiều người so sánh Tosui với thánh Francis of Assisi (Thiên chúa giáo), hay gọi Tosui “Chàng hippy đầu tiên”, và sách về cuộc đời của Tosui được gọi là “Hippy nhập môn.”

100 năm sau khi Tosui qua đời, thiền sư học giả Menzan Zuiho (1683-1769), thu nhặt tài liệu và các truyện truyền khẩu, viết lại quyển sách về cuộc đời của Tosui. Quyển này ngày nay đã được dịch sang tiếng Anh dưới tên “Letting go: The Story of Zen Master Tosui.” Có thể đọc quyển này trên Google Books.

• Tosui xem ra không thích học trò nghe mà không thực hành. Thường thì nghìn người nghe may ra được một người thực hành nghiêm chỉnh. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nghe, đọc, và xem phim ảnh sách vở về tập thể dục. Bao nhiêu người đang tập hàng ngày? Hay là kinh sách Phật? Hay là Thánh Kinh?

Đa số người có ảo tưởng là cứ xem hay đọc điều gì thì mình sẽ có điều đó trong mình. Cứ xem phim Superman và Batman cả đời xem ta có thể thành Superman hay Batman không?

• Có lẽ, đối với Tosui, mang an lạc của Thiền đến cho vài người ăn mày, dưới đáy xã hội, có ý nghĩa hơn là giảng cho cả nghìn người mà chẳng mấy ai thực hành.

• Thực ra Tosui đã dạy cho người đệ tử kèo nài xin theo học rồi. Anh này chỉ học không nổi mà khôi. Thiền là sống thoải mái trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ nơi đâu. Kể cả sống đời ăn mày. Sống “ở đây lúc này.”

Anh đệ tử này chỉ thích “nghe” giảng, nhưng thầy chỉ muốn học trò “sống”.

• Thiền là sống không vướng mắc. Vậy thôi.

Mê nghe lời thầy giảng là một vướng mắc lớn. Cả “lời giảng” lẫn “nghe giảng” đều không phải là “sống.”

Thầy muốn thử xem nếu mình phải sống như ăn mày, mình có thể sống với tâm không vướng mắc không?

Sống không QUEN, thì đương nhiên rồi. Ví dụ là khó ngủ vì lạ nơi.

Nhưng không MUỐN ăn đồ ăn của bạn mình vừa chết lại là chuyện khác. Đây là vướng mắc lớn về ý chí.

Hai vướng mắc này rất lớn: Việc nên làm (i.e., ăn) thì không làm. Việc không cần (lời gỉảng) thì lại cầu.

Rất khó để “thấy đường”.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

.

Zen in a Beggar’s Life

Tosui was a well-known Zen teacher of his time. He had lived in several temples and taught in various provinces.

The last temple he visited accumulated so many adherents that Tosui told them he was going to quit the lecture business entirely. He advised them to disperse and go wherever they desired. After that no one could find any trace of him.

Three years later one of his disciples discovered him living with some beggars under a bridge in Kyoto. He at once implored Tosui to teach him.

“If you can do as I do for even a couple days, I might,” Tosui replied.

So the former disciple dressed as a beggar and spent the day with Tosui. The following day one of the beggars died. Tosui and his pupil carried the body off at midnight and buried it on a mountainside. After that they returned to their shelter under the bridge.

Tosui slept soundly the remainder of the night, but the disciple could not sleep. When morning came Tosui said: “We do not have to beg food today. Our dead friend has left some over there.” But the disciple was unable to eat a single bite of it.

“I have said you could not do as I,” concluded Tosui. “Get out of here and do not bother me again.”

# 43

Một suy nghĩ 12 thoughts on “Thiền trong đời của gã ăn mày”

  1. các bài viết của anh Hoành liên quan tới thiền, có lời bình sâu và ở nhiều góc độ khác nhau, như trong một người có sự hiện diện của nhiều người vậy. em đoán là do anh tìm hiểu nhiều về thiền nên mới có thể đưa ra những kết luận như vậy. nếu ngày nào cũng đọc bài của anh thì khi bằng tuổi anh có thể viết được như anh không há ! !!
    cám ơn bài viết của anh,
    chúc anh nhiều sức khỏe

    Thích

  2. Hi Chau Bac,

    Cám ơn em. Em có quan sát rất tinh tế. 🙂

    Về việc em thế nào sau này, thì khó nói quá. Đây là các vấn đề lệ thuộc tí xíu vào tuổi tác và “căn tánh”, nhưng nhiều vào quyết tâm của mình trong việc cởi bỏ các vướng mắc tư tưởng.

    Em khỏe nha 🙂

    Thích

  3. Cám ơn anh Hoành dịch bài Thiền…này . Mình thấm ý cười hoài .Bài dịch hay , hình minh họa trông thần sầu quỷ khóc giữa thế gian.

    Đất nước ta cũng có vài vị thiền sư . Riêng có một vi thiền sư nổi tiếng gây ra nhiều rủi ro,nhiều rắc rối ,nhiều tai nạn chỉ bởi một chứng đắc ngu xuẩn và háo danh.

    Phan Quang.

    Thích

  4. Welcome back. anh Quang. Anh chi ăn tết vui vẻ? Dù là tuyết hơi nhiều 🙂

    Mình nghĩ là giào hội phật giáo VN cần làm việc rất nhiều để nâng cao đạo lực của hàng tăng sĩ. Phật giáo cả hàng trăm năm nay xuống cấp ở VN, chỉ vài năm nay nhờ Internet mà giáo dục Phật giáo có cơ hội phát triển một tí.

    Một phần nữa là Phật học Đại Thừa sâu xa một tí lại quá cao về lý luận, chẳng mấy người có thể hiểu. Kinh Phật giáo nguyên thủy (tiểu thừa) thì dễ hiểu và giản dị. Nhưng rất nhiều Kinh Đại Thừa thật ra là chỉ luận sư lý luận cùng mình mới hiểu được.

    Thích

  5. Anh Hoành nói chí lý, kinh Phật Mahayana khó hiểu và quá nhiều, thế nên học Phật tôi thấy hơi…khó. Nội coi tên các bộ Kinh không cũng kinh…hoàng luôn. Bên Catholic thì chỉ có 1 quyển Thánh kinh là đủ, theo chúa coi mòi dễ hơn 🙂
    Mà kinh dịch ra tiếng Việt mình lại không nhiều, mà có chăng nữa cũng khó hiểu bởi vì ngôn ngữ và người dịch.
    Đọc mấy bài anh Hoành viết về Kinh Kim Cương, Tâm kinh, Tứ vô lượng tâm… khoái mê tơi luôn! Merci anh Hoành

    Thích

  6. Hi Anh Vinh,

    Kinh sách Phật giáo thì quá nhiều, nhưng thật ra không cần phải biết hết, để nắm vững tinh yếu của Phật học, bởi vì các kinh chỉ lập đi lập lại một hai điều tinh yếu với ngôn ngữ khác nhau và có thế là một góc nhìn hơi khác một tí. Vì vậy, đa số các chùa và các tông phái Phật giáo chỉ chú trọng vào một vài kinh để tu tập.

    Nhà Phật nói đến 84 ngàn pháp môn, tức là 84 ngàn cách tu tập khác nhau, cách nào cũng tốt.

    Thiền tông còn chủ trương “bât lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không lập kinh văn, truyền trí tuệ ngoài kinh sách), tức là phải tự mình sống và quán chiếu tâm mình cho đến lúc tâm tĩnh lặng và tự do, không vướng mắc–tức là, ngộ. Đây là tinh thần ta thấy bàng bạc trong 101 Truyện Thiền mà mình đang dịch và chú giải.

    Tinh yếu của Phật gia là “tâm không vướng mắc”. Làm thế nào để đạt được đến tâm không vướng mắc là do mình tự do lựa chọn cách tu tập cho mình.

    Thích

  7. Quả thật là thiền!

    Nhưng có vẻ như thiền sư Tosui không muốn thu nhận thêm người đệ tử này chăng, vì nếu anh ấy có thể ngủ trở lại ngon lành và ăn ngon lành thì đâu cần tìm thiền sư để học thiền nữa! 😀 Còn nếu anh ấy đã cố gắng nằm xuống dù không ngủ được, cổ gắng ăn một chút hay cam tâm nhịn cả ngày để ở lại thì có thể xem là có tâm nguyện để bắt đầu học thiền không?

    Thích

  8. Hi Quỳnh Linh,

    Chắc chắn là Tosui không muốn thu đệ tử rồi, bởi vậy mới bỏ giảng dạy đi làm ăn mày. Trong sách về đời Tosui có nói là thường thường Tosui giới thiệu học trò đến một thiền sư nỗi tiếng trong vùng.

    Nhưng thường là nếu thiền sư đã muốn ai đó làm gì, thì đó là một bài học cho người đó. Thế thì bài học đó là gì?

    Thiền là sống không vướng mắc. Vậy thôi.
    Phải sống—thực tập sống. Không vướng mắc.

    Mê nghe lời thầy giảng là một vướng mắc lớn. Cả lời giảng lẫn nghe giảng đều không phải là “sống.”

    Thầy muốn thử xem nếu mình phải sống như ăn mày, mình có thể sống với tâm không vướng mắc không?

    Sống không QUEN, thì đương nhiên rồi. Ví dụ là khó ngủ vì lạ nơi.

    Nhưng không MUỐN ăn đồ ăn của bạn mình vừa chết lại là chuyện khác. Đây là vướng mắc lớn về y’ chí.

    Hai vướng mắc này rất lớn: Việc nên làm (i.e., ăn) thì không làm. Việc không cần (lời gỉảng) thì lại cầu.

    Rất khó để “thấy đường”. 🙂

    Thích

  9. Vâng, đoạn trả lời của anh đưa vào phần bình thấy rõ hơn ạ! 🙂 Thiền không phải là lý luận/ lý thuyết, mà là cuộc sống. Em cám ơn anh.

    Em nghĩ, ý chí ở đây cũng là hệ quả của tâm ý. Không thể “vô tâm” trước cái chết của người bạn trong nhóm nên không thể ngủ lại được và không muốn ăn đồ ăn của người ấy để lại. Tâm của người học trò chưa được khai phá mà!

    Còn hai vướng mắc như anh nói chẳng phải là những trở ngại cần phải dẹp đi để “thấy đường” sao? Tuy nhiên tự anh ấy đâu thể tự thấy trở ngại của mình được? Vì thế mà anh ấy tìm đến thiền sư?

    Tiếc cho anh là thiền sư không muốn thu nhận đệ tử để truyền dạy nữa. Đuổi đi cũng là một cách truyền đạt thông điệp, nhưng không biết anh có lĩnh hội được thông điệp của thầy không?

    Thích

  10. Hi Quỳnh Linh,

    Người kinh nghiệm về dạy một-dạy-một, thì biết là chẳng có công thức nào hết: Có khi thì nói nhiều, có khi nói ít, có khi nói nặng, có khi nói nhẹ, có khi chẳng nói gì cả… Tùy trường hợp và tùy người học trò, chỉ có người thầy mới biết phải làm gì.

    Nếu thiền sư quyết định không nói gì cả, thì anh sẵn sàng tin rằng thiền sư đã quyết định là cách đó là cách tốt nhất để anh học trò này có thể hiểu vấn đề sau này.

    Ví dụ dễ hiểu nhất là dạy võ. Một vài đòn đai đen không thể dạy cho đai trắng vì như vậy có thể hại học trò và chẳng có lợi gì hết, cho nên cứ tảng lờ là hơn. 🙂

    Thích

  11. Chào anh em ĐCN !

    Xem ra Tosui kể một câu chuyện giúp chúng ta hiểu rõ Thiền trong khi ăn mày thôi ! – khi không hiểu thì không nên cố nữa..

    Vì trong bài nói rất rõ, vì quá nhiều người theo đạo của Tosui mà không quan tâm tới chất lượng giống như các trường ĐH ở Việt Nam mọc lên như nấm mà không quan tâm tới nâng cao chất lượng đào tạo.

    a. nếu là người thày có tâm huyết sẽ chóng chán nản vì đường lối tràn lan – quá nhiều kẻ côn đồ đi cầm bằng bác sĩ chẳng hạn

    b. nếu là người thày không có tâm huyết – tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng “kinh doanh” đào tạo , còn chữ “chất lượng cao” dán thật to lên bảng quảng cáo hay marketing suông…

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s