Thứ năm, 10 tháng 12 năm 2009

Bài hôm nay

Những khả năng siêu phàm của con người , Văn Hóa, Video, anh Trần Đình Hoành.

Nhận và cho , Danh Ngôn, song ngữ, chị Bằng Lăng Tím.

Thất bại là … , Danh Ngôn, song ngữ, chị Dạ Uyên.

Lãnh đạo, Danh Ngôn, song ngữ, anh Phan Thế Danh.

Rừng – Trường ca Vỡ Ra Mưa Ấm, Thơ, anh Lê Vĩnh Tài.

Thơ tặng Đọt Chuối Non, Thơ, anh Văn Thanh.

Trường thiên A1 Sử Ký – Hồi 10 – Dân xóm liều, Teen Talk series, chị Nguyễn Thu Thảo.

Con trai của rừng Xa Nu , Văn, Văn Hóa, chị Linh Nga Niê Kdăm.

Không có gì là rác cả, Trà Đàm, Thiền, Ẩn Danh.

Nghệ sĩ trên sân khấu đời, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Dân Indonesia biểu tình chống tham nhũng – Ngày 9-12, hàng ngàn người Indonesia, trong đó có nhiều sinh viên, đã xuống đường biểu tình trên cả nước, yêu cầu chính phủ hành động chấm dứt tình trạng tham nhũng phổ biến trong giới chính trị gia, cảnh sát và quan chức nhà nước.

Trung Quốc tử hình cựu lãnh đạo chứng khoán – Yang Yanming, một cựu lãnh đạo công ty chứng khoán Trung Quốc, vừa bị thi hành án tử hình ngày 8-12, trở thành trường hợp đầu tiên bị xử tử trong lĩnh vực chứng khoán do lừa đảo.

Obama không “né” cuộc chiến Afghanistan khi nhận Nobel Hòa bình – Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không né tránh đề cập đến Afghanistan và quyết định gửi thêm binh sỹ tới vùng chiến này khi ông nhận giải Nobel Hòa bình vào thứ năm này.

Australia từ chối cấp thị thực cho 5 họa sỹ Triều Tiên – Bộ Ngoại giao Australia cho hay họ đã cấm 5 họa sỹ Triều Tiên vào nước này để tham gia trưng bày các tác phẩm của họ tại một cuộc triển lãm đặc biệt ở Brisbane. Động thái đã khiến giới nghệ thuật lên tiếng phản đối.

Ấn Độ: một phụ nữ trẻ bắt cóc 6 bé sơ sinh – Một phụ nữ Ấn Độ đã bắt cóc sáu bé trai sơ sinh và giả vờ như đó là con ruột của mình. Sự việc chỉ được phát hiện mới đây sau khi nhiều bé bị bỏ rơi do bị bệnh và một bé đã tử vong.

2000-2009: thập kỷ nóng nhất – Quãng thời gian 10 năm từ năm 2000 đến 2009 là thập kỷ nóng nhất kể từ khi giới khoa học bắt đầu đo nhiệt độ Trái đất vào năm 1850, theo khảo sát của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Philippines thiếu hụt nguồn cung cấp gạo – Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang đối mặt với tình cảnh thiếu hụt nguồn cung và giá nhập khẩu gạo tăng tới 30% so với tháng trước.

Hội nghị Copenhagen trục trặc vì dự thảo cuối cùng – Hội nghị khí hậu ở Copenhagen lại gặp trở ngại mới trong ngày họp hôm qua khi các nước đang phát triển, các nhóm vì môi trường và các nhà hoạt động cứu trợ lên tiếng chỉ trích dự thảo tuyên bố do nước chủ nhà Đan Mạch đề xuất.

Campuchia phạt 7 năm tù kỹ sư Thái vì do thám Thaksin – Một kỹ sư người Thái đã bị Campuchia phạt 7 năm tù vì do thám cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khi ông tới thăm Campuchia hồi tháng trước.

“…là con voi nếu so với mức 2005, nhưng hóa ra là con chuột so với mức 1990” – Báo La Stampa mô tả mức cắt giảm 17% lượng khí C02 mà Mỹ hứa hẹn trước hội nghị Copenhagen qua biểu đồ được trình bày tại trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ).

Tin vắn – Anh. Các cuộc thăm dò cho thấy Công Đảng của Thủ tướng Gordon Brown đã rút ngắn khoảng cách so với Đảng Bảo thủ đối lập xuống còn 8 điểm trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra tháng 6 năm tới.

Mùa đông nóng – Đan Mạch đang trong mùa đông nhưng không khí thủ đô Copenhagen nóng lên mỗi ngày, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với bầu không khí khẩn trương của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP 15.
.

Tin sáng quốc nội , anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm CH Italia – Chiều 9.12, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đoàn đại biểu cấp cao VN đã tới thủ đô Roma, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước CH Italia.

ĐBSCL: sương mù dày đặc – Rạng sáng 9-12, sương mù xuất hiện dày đặc phủ trùm lên các tỉnh ĐBSCL. Đường bộ, dưới sông, trên ruộng lúa… đều trắng xóa sương mù.

1,2 triệu USD hỗ trợ cấp nước, vệ sinh môi trường ba nước Đông Dương – Đó là số tiền do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ kỹ thuật dự án cấp nước và vệ sinh môi trường cho 9 đô thị của ba nước nằm ở tiếu vùng sông Mekong Việt Nam, Lào, Campuchia.

Hơn 13 triệu euro cải thiện môi trường sống ở Ninh Thuận – Tin từ Sở Kế họach – đầu tư Ninh Thuận hôm 8-12 cho biết dự án cải thiện môi trường sống và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được Bộ Kế họach – đầu tư và vương quốc Bỉ ký kết, với tổng vốn lên đến 13,07 triệu euro.

Luật sư VN phải đủ sức tranh tụng với nước ngoài – (Hà Nội) – Xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức tranh tụng với nước ngoài. Đó là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc tọa đàm với đại diện luật sư VN tổ chức ngày 8-12.

Quảng Nam thiếu bác sĩ – (Quảng Nam) – Tiến sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch – giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – cho biết từ năm 2005 đến nay, ngành y tế Quảng Nam đã có 44 cán bộ y tế bỏ nhiệm sở không lý do, phần lớn có trình độ đại học và sau đại học. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam có 19 người bỏ việc…

Tài trợ 750.000 USD cho sáng kiến cải thiện môi trường đô thị – Đây là số tiền được trích từ chương trình “Những sáng kiến vì thành phố xanh – sạch – đẹp” do Chính phủ tài trợ nhờ vào khoản tín dụng từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới) và khoản viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Nhật Bản tặng từ 1.000-10.000 USD cho mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực tại ba thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Đồng Hới (Quảng Bình) và Nha Trang (Khánh Hòa).

Biến xe thồ của lâm tặc thành xe chống cháy rừng – (Bình Phước) – Ông Nguyễn Văn Ách – hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp (Bình Phước) – cho hay đơn vị đã nghiên cứu, cải tiến thành công chiếc xe đạp thồ tịch thu của lâm tặc thành phương tiện chữa cháy di động hữu hiệu.

Ấn tượng sắc màu Chămpa – SEA Games 25 đã chính thức khai mạc tối 9/12, tại SVĐ Quốc gia Lào. Buổi lễ đặc biệt gây ấn tượng với hình ảnh vị thần cưỡi voi châm đuốc và màn múa truyền thống rộn ràng trên nền nhạc mô phỏng thanh âm hoang dã của núi rừng đất nước Triệu Voi.

Ga Đà Nẵng: còn hơn 70% vé tàu Tết – Sau 9 ngày bán vé tàu tết từ Đà Nẵng đi suốt Hà Nội, TP.HCM trước và sau tết, đến ngày 9-12 ga Đà Nẵng vẫn còn lượng vé tàu dồi dào, hơn 70%.

Hiệp sĩ bắt liên tục ba vụ cướp – Sáng 9-12, các “hiệp sĩ đất gốm” Bình Dương đã theo dõi và bắt nóng Nguyễn Xuân Thìn (30 tuổi, Nghệ An), đối tượng ăn cắp xe máy tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, giao Công an phường Phú Hòa xử lý. Đây là vụ cướp thứ ba được bắt nóng trong vòng 17 giờ.

Việt Nam tổ chức hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới – (TP.HCM) – Ngày 8-12 tại TP.HCM, Phân ban đặc trách ni giới trung ương cùng các đơn vị của Giáo hội Phật giáo VN tổ chức họp báo về việc tổ chức hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 tại VN.

Gia đình sáng lập Wal-Mart giàu nhất Mỹ – Những gia đình giàu nhất Mỹ bao gồm những “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng, truyền thông và bán lẻ.

Hỗ trợ ngành da giày xây dựng thương hiệu – Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 (EU-VN MUTRAP 3) vừa đưa vào hoạt động dự án “Đổi mới và thương hiệu: công cụ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu” cho ngành da giày với ngân sách gần 250.000 euro.

Đặc sản VN làm tại… Trung Quốc – Giá các loại mứt trái cây, trái cây sấy khô, xí muội… trong nước sản xuất luôn cao hơn hàng Trung Quốc nhưng vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Từ đó đã hình thành công nghệ “thay tên đổi họ” cho hàng ngoại để móc túi người tiêu dùng.

Bớt tiền vay, xài tiền túi – Không còn chào mời, quảng bá, các ngân hàng (NH) đang dần thu hẹp đối tượng, nâng cao điều kiện, rút ngắn thời gian cho vay đối với các trường hợp mua bất động sản, chứng khoán.

Giá vàng, chứng khoán cùng rơi thẳng đứng – Đêm 8-12 giá vàng thế giới đã bất ngờ đứt phanh ở ngưỡng 1.163 USD/ ounce và trượt dài, lúc thấp nhất sáng nay chỉ còn 1.126 USD/ ounce. Giá vàng trong nước sáng 9-12 mở cửa ở 27,8 triệu đồng/ lượng nhưng đến 10g tăng lên 27,82 triệu đồng/ lượng.

Xây nhà máy xử lý chất thải nix – (Khánh Hòa) – Sáng 8-12, ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và Công ty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội (chủ đầu tư) đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy tại thôn Mỹ Á (xã Ninh Thủy, Ninh Hòa).

Phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 3 tỉ USD – (Hà Nội) – Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020.

Trúng thầu tiếp 300.000 tấn gạo xuất sang Philippines – (TP.HCM) – Theo Hiệp hội Lương thực VN, ba gói thầu của VN đã nằm trong danh sách năm gói thầu bỏ giá thấp nhất cung cấp 600.000 tấn gạo cho Chính phủ Philippines trong đợt mở thầu sáng 8-12.

Cần phát triển du lịch kết hợp trồng rừng, nuôi tôm – (Cà Mau) – Ngày 8-12, trong ngày làm việc đầu tiên tại Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) – nơi vừa được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Quá nhiều sức ép từ bệnh thành tích – Dù với lý do gì, việc áp dụng những hình phạt phản sư phạm đều không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà quản lý và hàng trăm bạn đọc đã email về Tuổi Trẻ thống nhất rằng giáo viên cũng đang chịu nhiều áp lực nặng nề, trong đó có áp lực không nhỏ từ bệnh thành tích.

Cần Thơ sẽ có thêm nhiều trường quốc tế – Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố đang tiến hành lập các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển Trung tâm Đại học (ĐH) tại chức Cần Thơ thành trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ và xây dựng – trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại Cần Thơ.

Giáo viên phải tự làm đồ dùng dạy học – Thiết bị dạy học được cấp theo danh mục hiện nay chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu dạy học. Để mỗi giờ lên lớp hiệu quả hơn, giáo viên phải xoay xở tự làm đồ dùng dạy học (ĐDDH) trong quỹ thời gian và kinh phí eo hẹp của mình.

Năm 2010: ban hành “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” – Ngày 7 và 8-12 tại TP.HCM, Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo góp ý về “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” với sự tham dự của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Bão qua, hàng cứu trợ khẩn cấp vẫn… nằm kho – Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thường niên 2009 của nhóm Điều phối chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT và Liên Hợp Quốc (Unicef) tại Việt Nam sáng nay 09/12 tại Hà Nội.

10 bí quyết thành công cho sinh viên kỹ thuật – Làm thế nào để các sinh viên ngành kỹ thuật có thể thúc đẩy mình trên con đường đạt được thành công trong sự nghiệp? Dưới đây là 10 lời khuyên quý báu dành cho những sinh viên kỹ thuật muốn thăng tiến trong nghề nghiệp và vươn tới vị trí lãnh đạo.

Kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn ASEAN – Từ ngày 6 đến 9-12, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (viết tắt là AUN) đã tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cử nhân ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tổ chức Ngày hội học sinh THPT – Chiều 8-12, Thành đoàn TP.HCM tổ chức họp báo giới thiệu Ngày hội học sinh trung học phổ thông lần 2-2009.

Lê Quang Liêm bảo vệ thành công chức vô địch – Sau một tuần thi đấu, giải cờ vua Dragon Capital Việt Nam mở rộng lần 2-2009 đã kết thúc vào ngày 8-12 tại TPHCM với chức vô địch thuộc về kỳ thủ chủ nhà Lê Quang Liêm.

Taekwondo đem về 2 HCV đầu tiên cho Việt Nam – Chiều nay (9.12), VN đã đoạt thêm một HCV ở nội dung quyền đôi nam nữ môn taekwondo. Trước đó, các VĐV taekwondo cũng đã đem về 1 chiếc HCV cho VN ở nội dung quyền đồng đội 3 người (nam).

2.500 “Nhà nhân ái” tặng hộ nghèo – Chiều qua tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN VN, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – SCB, Ban Từ thiện xã hội T.Ư Giáo hội Phật giáo VN tổ chức ký cam kết đồng hành, triển khai đề án: Chương trình xây dựng 2.500 “Nhà nhân ái” cho các hộ nghèo trên cả nước giai đoạn 2009 – 2010.

Đi lên từ con số 0 – Tự học, làm nhiều nghề như thiết kế website, phụ trách truyền thông và online marketing, rồi thành Giám đốc điều hành mảng digital cho Tập đoàn Ringier của Thụy Sĩ, có thể nói Nguyễn Ngọc Hiếu đã thành công dù chưa từng tốt nghiệp đại học.

Nhà vật lý người Việt thành đạt ở Nhật Bản – Có một vị tiến sĩ người Việt Nam làm việc hơn 10 năm nay tại Viện nghiên cứu Riken (Nhật Bản). Công việc của anh là nghiên cứu cấu trúc hạt nhân nguyên tử. Ngoài đam mê khoa học, anh còn là một họa sĩ nổi tiếng và gặt hái nhiều giải thưởng hội họa.

“Tôi chưa thấy lý do nào để ngừng việc táy máy của mình” – Đó là sự “táy máy” về khoa học của Tiến sĩ sinh học Đậu Hùng Anh. Anh chia sẻ rằng, chưa có lý do nào để anh ngừng “táy máy về khoa học, và đến lúc không nghĩ được cái gì nữa, anh sẽ tìm việc khác và viết sách.

Kỹ năng thực hành xã hội cho SV: Cứ tìm, cứ học, cứ thử, sẽ có – Buổi tọa đàm bắt đầu từ 8g30 sáng 9-12 và kéo dài hơn 30 phút so với kịch bản vì các diễn giả còn muốn tiếp tục chia sẻ và bạn trẻ còn rất nhiều điều muốn hỏi về kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV

Nhà thiếu nhi thu hút thiếu nhi – Các em thiếu nhi quận 1, TP.HCM từ nay sẽ đến nhà thiếu nhi nhiều hơn vì có quá nhiều hoạt động hấp dẫn đang diễn ra tại đây.

“Nhật ký yêu thương” tặng cô giáo Hân – Đoàn khoa ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM cùng các sinh viên trong khoa vừa vào Bệnh viện Truyền máu – huyết học thăm cô giáo Nguyễn Thanh Kim Ngọc Hân (“Ngày cô không đến lớp”, Tuổi Trẻ 28-11).

Đoàn đại biểu Úc làm việc với Trung ưng Đoàn – Đoàn đại biểu Hội đồng giao lưu chính trị Úc (viết tắt APEC) vừa có buổi gặp gỡ với Trung ương Đoàn. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp thay mặt ban bí thư tiếp đoàn.

Xứng danh bộ đội Cụ Hồ – Buổi tuyên dương gương điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” mới đây của Trường Sĩ quan lục quân 2 xuất hiện nhiều tấm gương đẹp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trong số đó là người dân tộc thiểu số.

Hà Tĩnh: cung cấp tài liệu về đạo sắc thời Lê – Ngày 9-12, ông Lê Xanh – công tác tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh Hà Tĩnh – đã chuyển phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa – thể thao & du lịch Hà Tĩnh bộ lý lịch trích ngang di tích nhà thờ Lê Đức Toàn (xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh), trong đó có 15 tấm hình chụp lại 15 đạo sắc quý thời nhà Lê.

Bí ẩn nhục thân các thiền sư – Kỳ 2: Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường – Trong chùa còn có pho tượng cổ thứ hai: Thiền sư Vũ Khắc Trường – người trụ trì chùa Đậu kế tục ngay sau Vũ Khắc Minh, không có tài liệu nào nói đây là “chú, cháu” như một số báo đã đưa tin.

Dòng nhớ… đổi dòng – Vở kịch Dòng nhớ của nhóm Hạnh Thúy – Trung Dân không biết ra đời “nhằm ngày gì” mà cực khổ hết biết. Từ Công ty Sài Gòn Phẳng chuyển sang số 7 Trần Cao Vân, mới một suất bán vé đầy rạp tưởng đã yên thân, bây giờ lại phải chuyển về 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM).

Thích vẽ bằng… đuôi cọ – Họa sĩ thường vẽ bằng cọ hay dao, bay để quệt màu, nhưng với riêng họa sĩ trẻ Lã Huy thì có “thú độc” là thích trở ngược cọ để… vẽ. Thế nên, tranh của Lã Huy không lẫn vào đâu được với những xoắn, xoáy rất ngẫu hứng và cảm xúc của những vệt màu.

Xem phim miễn phí tại Liên hoan phim VN 16 – Trong các ngày diễn ra liên hoan phim VN 16 (từ 8 đến 12-12), khán giả TP.HCM sẽ có cơ hội được xem miễn phí các bộ phim VN đặc sắc tham dự liên hoan.

Khai hội Liên hoan phim 16 – Tối qua 8-12, tại Trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM), với khẩu hiệu “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 đã khai mạc, tái ngộ với công chúng TP.HCM kể từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 tổ chức năm 1983 tại thành phố mang tên Bác.

Đề nghị thành lập Hội Nghệ sĩ xiếc – Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, chiều 8-12 các đại biểu đã có buổi tham luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến tình hình sân khấu VN hiện nay:

Thế giới hát vì nạn nhân HIV/AIDS – Ðúng 13g30 (giờ London) ngày 7-12-2009, hàng ngàn người tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng cất cao tiếng hát vì các nạn nhân HIV/AIDS ở châu Phi.
.

Lịch sự kiện văn hóa

Specula Spectacular – Phi Phi Oanh’s new Installation blew KVT away —– KVT bình luận về triển lãm sắp đặt của Phi Phi Oanh

The Fox and the Child – 11 Dec – Film night for the Kids —– 11/12 – L’Espace chiếu phim cho thiếu nhi ‘Con Cáo và cô Bé’

Green Generation Network – 07 Dec – Be aware and take green actions! —– 07/12 – Ra mắt website Thế hệ xanh Việt Nam- Hiểu và Hành động!

A Felix Mendelssohn Night – 11 Dec – Classical night at Trung Nguyen Creative House —– 11/12 – Đêm nhạc cổ điển tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên
.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

Yale World Fellows Program, Deadline is January 15, 2010 – It’s once again the time of year when we look for candidates for the Yale World Fellows Program. Can you help us identify some outstanding Vietnamese applicants?

Học bổng smbc global foundation năm học 2009/10 – Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) Việt Nam xin thông báo về việc tuyển chọn h ọc b ổng SMBC Global Foundation năm h ọc 2009/10.

Coffee chat session with Stanford Graduate School of Business (GSB)
As part of winter break traveling, our two GSB students (2nd year Alicia Jiao and 1st year T.J Berrings) will be hosting a coffee chat session with some prospective students in Hanoi, Vietnam.

Fujitsu Scholarship – The Fujitsu Asia Pacific Scholarship (Fujitsu Scholarship) Program, sponsored by Fujitsu Limited, provides financial assistance for postgraduate education and cross-cultural management training to participants from the Asia-Pacific region

.

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Nhận và Cho


Cho và Nhận

Bạn có hai tay. Một tay nhận và một tay cho.
Đó là luật đời và cũng là cách sống
Những gì bạn nhận và những gì bạn cho một ngày nào đó phải cân bằng

Bằng Lăng Tím dịch

Give And Take

You have two hands. Take with one and with other you give.
That’s the way life works out and that’s the way to live.
What you get and what you give must balance up someday.

~Pravsworld

Thất Bại Là …

Thất bại không có nghĩa bạn là người thất bại; mà chỉ có nghĩa là bạn chưa thành công.

Nhớ rằng thất bại là một sự việc, không phải là con người.

Dạ Uyên dịch

* Failure doesn’t mean you are a failure; it just means you haven’t succeeded yet.

~Robert Schuller

* Remember that failure is an event, not a person.

~Zig Ziglar

Rừng – trường ca Vỡ Ra Mưa Ấm

rừng ơi
rừng ơi
những ô cửa nhà dài mở ra cõi màu xanh
bên kia sông Sêrêpốc màu xanh
hai bên con đường đất đỏ màu xanh
bữa cơm chiều mẹ dịu dàng lên khói
tiếng tù và mờ xanh

em mới về với mẹ với anh
tóc em xanh màu xanh mí mắt
một mí xanh ôi muôn nẻo đường rừng
bàn chân em dẫm ngang ngọn cỏ
tà áo xanh hun hút giấc mơ

xanh câu hát lá bay
ngày và đêm cứ chảy
một thế kỷ bụi mù nắng cháy
quê hương ôi ta còn tiếng hát
những nốt nhạc rơi trên nhà dài
thổi trên môi chiếc lá
cho cha hoang dã như rừng

rừng trên chiếc gùi
rừng trong quả bầu khô
mái tóc nàng rừng xõa ngang trước mặt
nàng rơi nước mắt
trước rìu và lửa
ngày cha xin hạ cây về làm K’pan
ngày cha đốt rẫy dắt lúa về nhà cho mẹ
ngày bếp lửa nhà em ấm thế
ngày ché rượu nhà em như thể
chảy vào máu vào mắt em rạo rực
tiếng T’langput luồn vào trong ngực
em có còn nhớ đến anh không

Trích Trường ca Vỡ Ra Mưa Ấm
Lê Vĩnh Tài

Thơ tặng Đọt Chuối Non

Chào các bạn,

Chị Hoàng Thiên Nga vừa chuyển ba bài thơ của anh Văn Thanh gởi ĐCN. Đây là bải đầu tiên, Thơ tặng Đọt Chuối Non. Ví anh Văn Thanh chưa có thư mục tại ĐCN, nên mình post bài này dưới account của chi Hoàng Thiên Nga để chị tiện chuyển tiếp các phản hồi đến anh Văn Thanh.

Cám ơn anh Văn Thanh nhiều. Rất vui có anh vào Vườn Chuối cùng các bạn. Đến giờ này thì chắc là anh Văn Thanh là người lớn tuổi nhất ĐCN rồi đó. Người nhỏ nhất thì còn học đâu lớp 8. Khúc giữa thì đầy đặc đủ chuối lớn chuối bé chuối sồn sồn.

Cám ơn Hoàng Thiên Nga đã rinh anh Văn Thanh vào đây 🙂

Chúc các bạn một ngày vui.

Hoành


Thơ tặng Đọt Chuối Non

Đọt Chuối Non
Xanh mầm hy vọng
Bài thơ tình anh viết tặng em
Nắn nót mở ra mời bạn cùng xem
Tình chung thủy
Lá xanh đùm lá rách

Đọt Chuối Non mới là trang sách
Mở vào đời
Xin gió chớ mạnh tay

Văn Thanh

Con trai của rừng Xa Nu

Con đường năm cây số từ trung tâm xã về làng Kon Riêng lúc chạy vòng theo ven hồ Đac Noa, khi lại men theo những thuở ruộng lúa nước, có chỗ lại luồn dưới bóng xanh mát của rừng xà nu. Nắng trải chiếc chiếu vàng lên mặt hồ, mặt ruộng lung linh, nhưng chỉ lọt thành những tia sáng xanh trong đám lá xà nu dày đặc. Dưới tán rừng tiếng ong bay vi vu hoà trong lời xạc xào của gió, lẫn với tiếng suối róc rách chảy. Thứ hương lá, hương nhựa, hương hoa đặc biệt của xanu nhè nhẹ lan trong không gian. Cũng lạ cho cây xanu, chỉ mọc ở những triền núi dốc đứng cằn cỗi, có khí hậu khắc nghiệt, nhưng rễ cắm sâu vào lòng đất, san sát bên nhau thân nào cũng vươn thắng, lá biếc đến tưởng như không còn cách gì xanh hơn được nữa.

Y Sao từ uỷ ban xã về, nét mặt tươi rói, bước chân đi như chạy. Mọi ngày đi dạy về cô còn lang thang chán, hết ngắt những ôm cúc dại mọc đầy ven đường, lại ngồi hàng giờ trên hòn đá hình đầu cá giữa suối, dầm chân trong nước mát mà lẩm nhẩm hát “Chim Jil tắm bên sông DakBla…” Nhưng hôm nay Y Sao muốn đi cho nhanh về đưa thư cho A Siêng. Thư của A Manh bạn anh ấy gửi từ Buôn Ma Thuột. Trong những đêm ngồi trong bếp lửa, A Siêng thường kể cho anh chị, các cháu và bạn bè nghe những chuyện hồi học trường nội trú dân tộc, trường đại học Tây Nguyên, về những người bạn cùng học ở Dak Lak. Trong đó có A Manh. Với những người chưa bao giờ đi xa như ở làng Kon Riêng này, những chuyện A Siêng kể thật hấp dẫn. Còn Y Sao biết những đêm kể chuyện như thế, A Siêng thường mất ngủ. Ký ức với anh bây giờ sao mà xa vời vợi…Không biết A Manh nói gì, nhưng có thư chắc là A Siêng vui lắm. Anh ít khi nhận được thư từ của ai, kể từ vài năm về đây ở với anh chị. Từ lúc nào không biết, Y Sao đã vui với cái vui của A Siêng, hiểu nỗi buồn của A Siêng thế nhỉ? Cô gọi to ngay từ chỗ cây xoài quẹo vô sân:

– A Siêng! A Siêng à! Có thư của anh A Manh này.

A Siêng quýnh cả hai chân, nhảy bổ từ trong nhà ra , giật lấy lá thư trong tay Y Sao:

– Đâu! Đâu! Đưa coi đi.

Nhưng đọc xong rồi A Siêng thẫn thờ ngồi thụp ngay xuống sân, nét mặt bỗng trở nên đờ đẫn xa vắng dần. Y Sao cuống lên:

– Chị Y Mải ơi, A Siêng làm sao đây?

Chị gái A Siêng chạy vội ra hối hả giục Y Sao cùng đưa A Siêng vô nhà. Cứ như người bị ma lai bắt lạc mất hồn, anh để mặc hai người dìu như kéo đi, đặt lên chiếc giường nhỏ ở góc nhà. Chị Y Mải bảo Y Sao đọc xem lá thư viết gì. Thì ra A Manh dặn A Siêng làm gấp hồ sơ gửi sang trước, rồi người từ từ qua sau để cơ quan phỏng vấn và thử việc.

– Ôi, việc mừng thế này còn gì? Không đi làm bác sĩ cũng được chứ sao. Miễn được vô nhà nước là tốt rồi. Sao A Siêng biết tin này lại buồn thế hả chị Y Mải?

Y Sao ngơ ngác, hết nhìn chị lại nhìn sang A Siêng đang nằm thiêm thiếp nhắm mắt như ngủ. Mãi mà chẳng hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Chị Y Mải buồn buồn nói nhỏ:

– Y Siêng tủi cái đầu đó mà. Năm ngoái A Manh cũng đã một lần gửi thư. Nó nói hỏi thăm hoài mới biết A Siêng về đây. Lại hỏi A Siêng đi làm chưa? Có muốn làm việc ở chỗ nó không, để nó nói thử với thủ trưởng, vì bên đó đang cần người. Trúng lúc cuối mùa không còn hột gạo mà ăn. Cả ngày cả nhà đi đào củ trong rừng, nên A Siêng đâu có gửi trả lời cho A Manh. Bây giờ cũng lại giống như hồi đó thôi.

Bỗng hai chị em giật mình thấy A Siêng nhỏm dậy, đập mạnh trán vô tường mấy cái. Chạy vội đến bên, cả hai thấy A Siêng miệng cắn chặt cái chăn, hai bàn tay quắp lại, nước mắt chảy tràn xuống gối.

– A Siêng à, đừng buồn thế em! Mình không đi sang đó được thì thôi. Chắc A Manh nó cũng hiểu mà.

Chị Y Mải vỗ về em. Y Sao nhẹ nhàng vuốt lên tay A Siêng, lần lần gỡ dần những ngón tay đang co quắp cứng ngắc ra. Dưới tác động tình cảm của hai người phụ nữ, thân hình A Siêng lỏng dần, giãn dần ra rồi chợt ngủ thiếp đi. Anh rể cũng vừa về tới, chị Y Mãi vội vàng kể lại cho chồng nghe. Cả ba ngồi quanh bếp lửa, buồn cho A Siêng mà không biết nói gì. Hồi lâu Y Sao đứng dậy:

– Thôi em về đây, chào anh chị.

Nhìn theo bước chân cô gái, chị Y Mãi khẽ thở dài. Chuyện Y Sao thương thầm A Siêng mấy năm nay,ở Kon Riêng ai cũng biết.Hai bên nhà cũng ưng bụng cho hai người thành đôi. Nhưng không biết vì sao A Siêng cứ như tránh né. Mỗi lần có ai nói đến chuyện này, lại im lặng bỏ đi chỗ khác. Xem ý thì không phải thờ ơ với Y Sao đâu, nhưng im im thế miết, ai mà biết ra thế nào chớ. Anh rể mở nắp chiếc nồi trên bếp, ấn thử coi củ đã chín chưa, rồi đậy lại, bỏ thêm mấy cành củi vô bếp, thủng thỉnh nói một mình nghe:

– Tội nghiệp cho cậu quá! Từ đây đi xe ôm ra huyện, từ huyện xuống thị xã Kon Tum rồi qua Buôn Ma Thuột. Cả đi về cũng gần hai trăm nghìn đồng tiền xe. Chưa nói tiền ăn uống nữa chớ. Biết lấy đâu ra bằng đó tiền cho cậu đi.

Cả Kon Plei này đói. Cả xã đói. Trận lũ quét vừa qua đã cuốn đi tất cả lúa lẫn đậu bắp đang còn trên rẫy gần như của cả làng. Số lúa ruộng ít ỏi ngập trong nước hàng tuần cũng thối rụng hết. Y Mải nói với chồng:

– Mình thấy dạo này cậu hay đau đầu lắm. Anh có nhớ bữa hôm đào củ trong rừng, A Siêng cắm đầu xỉu dưới hốc củ không? Không có mấy người cùng đi chắc chết không ai biết rồi. ở nhà cậu cũng lúc đi ra đi vô lờ đờ, có khi lại ngồi im cả ngày không nói câu nào.

– Thì cái tánh cậu ít nói từ xưa. Không nói ra được để ở trong người nó man man là phải thôi. Học đại học ra mà không được đi làm, đi rẫy miết thế này sao chịu nổi.

Có điều, là bác sĩ nên A Siêng biết cách giữ cho thần kinh mình không vượt quá sức chịu đựng có thể. Thấy bệnh tình em như vậy anh chị cũng không dục đi rẫy, đi ruộng, cứ để A Siêng tự làm những gì mà sức khoẻ cho phép. Khi nào cảm thấy sắp lên cơn thì phải về nhà ngay.

Suốt thời gian đó, Y Sao luôn luôn ở bên cạnh A Siêng. Những buổi phải lên lớp thì thôi, rảnh việc là cô lại chạy qua nhà trò chuyện cùng cho A Siêng đỡ buồn. Có một lúc tỉnh táo, A Siêng nói với Y Sao:

– Y Sao cưới chồng đi. Tui biết tình cảm của Y Sao, nhưng đừng có chờ tui làm gì. Y Sao với tui không thành đâu.

– A Siêng nói gì như vậy? Y Sao chưa bao giờ trách anh một tiếng nào mà. Nhưng tại sao A Siêng lại nghĩ hai đứa mình không thành đôi?

– Đừng hỏi tui. Tui không muốn Y Sao bỏ phí những năm chờ đợi. Các bạn gái của Sao không chỉ lấy chồng mà còn có con hai ba đứa rồi đó.

– Nếu A Siêng nói một lời thương Y Sao sẽ chờ tới khi nào cũng được mà.

– Không! Tui không thể!

– Nhưng tại sao? Tại sao chớ?

A Siêng bỏ đi như chạy ra khỏi nhà, để lại Y Sao nước mắt đầm đìa và nỗi buồn không thể nói thành lời. Nóng như lửa. Ngột ngạt không thở được. Một bầy kiến càng cắn trong lồng ngực đau nhói.

* *

*

Nửa khuya, bà Y Vui chuyển bụng sanh, rên la ầm ĩ. Cả nhà cuống quýt. Mưa to.Trạm xá thì xa, lỡ nửa đường sanh biết làm sao? Ông A Sam quýnh lên bảo con:

– Chạy qua nhà cô Y Mải, nói chú A Siêng tới coi dùm mẹ con đi. Nó bác sĩ mà.

Thằng cậu đang lui cui cột võng vào cái đòn khiêng, quát lên:

– Cứ đưa đi trạm xá thôi, thằng A Siêng tâm thần mà, bác sĩ gì.

Bà ngoại đang ngồi cạnh giường giữ tay con gái, nhổ toẹt miếng nước trầu vô vách, ngoái cổ ra bảo:

– A Siêng bác sĩ có bằng chớ. Nó tâm thần có lúc thôi. Cứ chạy qua coi, đang lúc nó tỉnh may ra giúp được mẹ mày.

Thằng nhỏ chạy ào ào. Đêm đen như hũ mực.Gió cứ rit lên trong những tàn cây như tức giận điều gì. Mưa tạt vào mắt xót tới không mở ra được. Con đường bò đi đầy bùn trơn trượt, chốc chốc thằng bé lại ngã cái uỵch, nó tấm tức khóc, dơ cánh tay đầy bùn lên quệt nước mắt chạy tiếp. May quá trong nhà còn ánh lửa. Nó nhào tới đập cửa thình thình:

– Chú A Siêng! Chú A Siêng cứu mẹ cháu với.

A Siêng bật dậy hỏi to.

– Ai kêu gì đêm khuya vậy?

– Mẹ cháu đau đẻ, nhờ chú tới giúp.

Chị Y Mải ngồi dậy từ trong buồng nói vọng ra:

– Khiêng đi trạm xá thôi. Chú Siêng đau mà, làm sao giúp được.

A Siêng quyết định rất nhanh.

– Chị để em đi coi thử. Nếu gay go quá thì em đi cùng ra trạm xá cũng được mà. Chờ chú ra ngay!

Nói rồi A Siêng lục tìm chiếc ống nghe lâu nay vẫn cất kỹ, với lấy chiếc túi nhỏ có vài loại thuốc ít ỏi,hối hả đi theo thằng bé. Từ khi về ở với anh chị, A Siêng chỉ chữa bệnh cho người trong nhà. Đây là lần đầu tiên có người gọi anh đi giúp. Vừa đi A Siêng vừa cố nhớ nhanh những kiến thức về sinh đẻ đã học.

Hơn một tiếng đồng hồ căng thẳng, bà mẹ cũng may mắn sanh dễ, đứa bé gái đã cất tiếng khóc đầu tiên. A Siêng toát mồ hôi ngồi phịch xuống chiếc ghế nhỏ bên bếp lửa, rửa đôi tay trong chậu nước ấm, rồi anh giơ ống tay áo quệt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán. Đến bây giờ anh mới thấy mệt rã rời, đã ngồi xuống rồi mà hai chân vẫn run lẩy bẩy . May quá không có sự cố gì. Ông A Sam ngồi xuống bên A Siêng:

– Cám ơn bác sỹ nhiều lắm. Không có anh, phải đưa đi trạm xá chắc bả sanh rớt giữa đường rồi.

– Không có gì đâu anh, người trong làng giúp nhau thôi mà…

Bà ngoại bọc đứa nhỏ trong tấm chăn thổ cẩm đưa cho A Siêng:

– Cho chú làm cha kết nghĩa này.

Đôi tay run run ôm chiếc bọc ấm áp vô người,đột nhiên một sức mạnh ấm nóng nào từ từ dâng lên trong người A Siêng. Anh như người say ruợu ghè, lâng lâng, choáng váng, siết chặt thân hình bé nhỏ của đứa trẻ vô ngực, nước mắt chảy ròng ròng…

Kể từ buổi tối hôm đó, người trong làng ai có bệnh gì đều chạy tới tìm A Siêng. Lúc đầu anh còn từ chối, viện cớ bệnh đau đầu thường hay tái phát, hoặc không có đồ nghề lẫn thuốc chữa bệnh. Thế là tại nhà Rông có một cuộc họp của làng:

– Bây giờ A Siêng nó chịu chữa bệnh cho người Kon Plei ta, nhưng nhà bác sĩ nghèo quá, không có đồ khám chữa bệnh,không có tiền mua thuốc, ta phải làm sao?

– Già làng cứ nói một tiếng, mọi bếp đều góp tiền lại cho A Siêng làm vốn chữa bệnh có được không?

– Ai có ít nộp ít, ai có bi nhiêu nộp bi nhiêu. Lâu nay có bác sĩ trong làng mà không để chữa bệnh cho mình.

– Hay ta đề nghị xã cho bác sĩ vay vốn xóa đói giảm nghèo?

Cả nhà Rông ồn ào lên:

– Được đấy! Bác sỹ mà nghèo đói thì cũng cần phải giúp đỡ chớ.Trưởng kon plei ngày mai làm giấy đề nghị xã giúp A Siêng thôi.

– Cho vay nhiều nhiều đi, để bác sĩ mua thuốc chữa bệnh luôn…

Vậy là với số tiền hai trăm ngàn bà con cả làng đóng góp và 2 triệu đồng quỹ xoá đói giảm nghèo cho vay, A Siêng đã có thể hàng ngày làm công việc trị bệnh cứu người mà anh mong ước. Khắp mấy Kon Plei quanh vùng, trong xã, rồi người cả xã bên đến tìm anh ngày một đông. A Siêng chẳng nề hà đêm hay ngày, mưa hay bão, xa hay gần, hễ có người gọi là xách túi thuốc đi liền. Bà con tin cậy và yêu mến anh lắm. Cũng may mà hồi đi học, A Siêng ý thức được trách nhiệm của mình nên đã theo đa khoa. Cũng lạ, căn bệnh đau đầu trầm cảm của anh ngày một thưa dần rồi chấm dứt hẳn từ lúc nào không biết. Chỉ có điều, bà con nghèo nên có lúc người khỏi bệnh trả bằng gà, trứng gà, gạo, thậm chí cả bằng bắp, củ mì ,A Siêng cũng nhận. Nhưng anh chẳng có nhiều tiền phụ cho anh chị, cũng không dùng gạo, hay gà đó trả vốn ,lãi cho xã được. Tuy nhiên, được làm nghề của mình đã học là tốt rồi.

* *

*

Vừa sang chích thuốc cho bà Chen, đang chuẩn bị đi rẫy thì chị Y Mải ở ngoài chạy về, hổn hển, vội vã:

– A Siêng đừng đi nữa! ủy ban tới nhà mình bây giờ đấy. Nghe nói có người nhà nước tới tìm em đi làm. Cả A Manh nữa đó!

A Siêng đứng lặng một lúc rồi vô nhà cất cuốc và nón, cẩn thận rửa chân tay, rồi lôi đôi dép da phủ đầy bụi ra lau . Săm soi đám quần áo ít ỏi của mình, anh cố chọn bộ nào có vẻ mới nhất. Tất cả đều may từ thời còn là sinh viên, nhưng bao năm nay ít có dịp mặc đến nên có thể lỗi mốt, nhưng vẫn là những thứ tốt nhất mà anh có. A Siêng muốn xuất hiện trước những người bạn cũ bằng một hình ảnh dễ gây được cảm tình nhất.

Thế mà năm năm đã qua kể từ khi A Siêng nhận được tấm bằng tốt nghiệp Đại học Y khoa Tây Nguyên. Những tưởng mọi lo lắng vất vả của các anh chị và của A Siêng đến đây là chấm dứt. Anh, người đầu tiên của làng Kon Riêng và Kon Đào tốt nghiệp đại học, người dân tộc Sê đăng đầu tiên của cả xã học làm bác sỹ, sẽ là người đẩy lùi mọi bệnh tật trong cộng đồng của mình…

Năm ấy chiến sự diễn ra ác liệt giữa quân giải phóng và chính quyền ông Thiệu. Sau trận bom Mỹ dội xuống thị trấn Tân Cảnh và làng Kon Đào, Già A Nhiên mời hội đồng già làng về nhà rông để bàn một việc lớn. Đêm. Đống lửa giữa nhà rông đã nhóm lên. ánh bập bùng soi lúc mờ lúc rõ những con rùa, con chim khắc nổi và các hình vẽ đủ màu trên những cột kèo. Ghè rượu đã đổ đầy nước. Già A Nhiên uống hết kiang đầu tiên, chuyển tay cho già A Min. Đưa mắt nhìn quanh những khuôn mặt gầy già nua khắc khổ, nhưng vẫn ánh lên những nét tinh nhanh của trí tuệ cộng đồng cả làng,khoát tay một vòng về phía những ngôi nhà đang ngún lửa ở bên ngoài nhà rông, già A Nhiên nói:

– Kon plei mình phải đi khỏi đây thôi. Pháo giải phóng dội uỳnh uỳnh xuống ban đêm. Bom ông Thiệu đổ ầm ầm suốt ban ngày. Không sống nổi nữa đâu.

– Đã có năm bếp bị lửa ăn hết cả nhà lẫn người rồi.

– Nhưng rồi chạy đi đâu bây giờ? Không thể vô rừng được đâu. Quân Việt Cộng ở chỗ nào bom Mĩ ném xuống chỗ đó. Chạy đi chỗ khác cũng là đất của ông Thiệu. Chúa bắt chết mình chết. Chúa cho sống thì được sống. Cứ ở lại đây không được sao?

Già A Min nhả cái cần ra khỏi hàm răng cà sát xuống tận lợi:

– Không được! Phải đi thôi! Người Sê đăng Kon Đào không thể chết, cũng không thể sống mà chống chọi lại bom đạn của cả hai phía. Ta sẽ đi Buôn Ma Thuột, tìm một nơi nào đó để dựng nhà rông, lập làng mới.

Vậy là cả làng gùi cõng nhau chạy sang Đak Lak. Chuyển vài nơi rồi mới ở lại mảnh đất giữa hai con sông nước trong nước đục. Cha mẹ A Siêng đã chết cả trong trận bom Mỹ dội xuống Đak Tô để trả thù Việt Cộng ấy. Bốn anh chị em phải cõng nhau chạy theo họ hàng. Cả làng đi hết ở lại biết sống với ai.

Hơn mười tuổi, A Siêng đã thay anh dắt trâu dẫm ruộng, gánh cả sào mạ cho các chị gái cấy. Thương đứa em út vóc dáng gầy guộc, các anh chị cố gắng động viên A Siêng đi học. Thương anh chị vất vả, A Siêng biết mình phải gắng học sao cho giỏi. Suốt mười hai năm hết học trường huyện, đến trường nội trú dân tộc của tỉnh, A Siêng luôn ở trong nhóm vài người đứng đầu lớp. Việc thi vào đại học Y Khoa những năm đó, không phải là khó đối với A Siêng.

Những năm học đại học, A Siêng đã phải làm đủ mọi việc, vừa học vừa phụ giúp các anh chị nuôi các cháu. Cũng may mấy năm đó, sinh viên người dân tộc thiểu số có học bổng, có bếp ăn ở ký túc xá, nên A Siêng đủ ngày hai bữa ăn. Còn tiền làm cỏ, hái cà phê, kể cả đi quét vôi công trình xây dựng,dạy kèm…anh đều giành mua tài liệu và gửi cho các cháu. Ai chơi gì thì chơi, suốt ngày A Siêng chỉ miệt mài với sách vở và các tua trực.

Tốt nghiệp đại học, trong đầu nóng bỏng bao nhiêu ước mộng. A Siêng đã gõ cửa từ bệnh viện tỉnh cho đến trạm xá xã. ở đâu cũng nhận được câu trả lời “Đang giảm biên chế, làm gì còn định biên để nhận người mới”. Mọi cánh cửa đều đóng. Có nơi nhận hồ sơ, nhưng lần sau đến người ta bắn tin phải nộp 15 triệu mới xong việc. Chúa ôi ! Cả một năm cắm mặt xuống ruộng mới thu được vài chục bao lúa, chưa đủ ăn hết năm cho cả bảy tám người gia đình chị gái. Nhà chỉ có chiếc xe đạp là đáng tiền nhất, anh chị giao cho A Siêng đi học, để có phương tiện lúc rảnh chạy làm thuê, hay ngày nghỉ về làm rẫy giúp anh chị. Cả làng không nhà nào có nổi vài trăm ngàn đồng cất giữ trong nhà, nói gì tới 15 triệu. Hai con sông nước trong, nước đục thay nhau hàng năm dâng nước ngập cánh đồng Ea Yang, năm nào cả xã cũng gặt lúa non chạy lụt. Đến mùa khô cái nắng nơi này cũng dữ dội lắm. Mặt ruộng nứt nẻ , các con suối cạn khô chỉ còn là những dòng bùn loãng. Cá tôm cạn kiệt, hoạ may chỉ còn vài con lươn, trạch rúc sâu dưới bùn đất còn sống được. Người Ea Yang năm nào cũng phải nhận cứu trợ của huyện là thế.

Hai năm lận đận tìm việc và làm ruộng dẫu có dài rồi cũng trôi qua. A Siêng xin anh chị về Kon Tum làm rẫy với vợ chồng chị Y Mải, may ra còn có thể xin được việc chăng. Nhưng anh cũng không có cơ hội nào suốt ba năm cho đến tận bây giờ.

Cài nút chiếc áo màu xanh da trời mà anh vẫn thích, thở sâu một hơi, A Siêng bước ra nhà ngoài. Đông nghẹt. Tíu tít. Ông bí thư xã tươi cười nắm tay A Siêng nói:

A Siêng à! Đài TNVN cho người về xác minh lý lịch và muốn đón cháu về làm phát thanh viên chương trình tiếng dân tộc Sẽ đăng ở Buôn Ma Thuột. Đồng thời huyện cũng có quyết định tiếp nhận cháu làm trưởng trạm y tế của xã. Công việc nào cũng cần thiết cho dân tộc mình. Vậy cháu trao đổi với các anh chị rồi mai cho xã biết ý kiến quyết định có được không?

A Manh nhìn bạn tha thiết :

– Về bên đó lương và nhuận bút dịch ,đọc mỗi tháng cũng được hơn 1 triệu đồng đó A Siêng ạ. Có nhà tập thể ở, không phải đi thuê đâu.

Bác chủ tịch xã góp lời :

– Lương trạm trưởng được vài trăm ngàn. Nhưng cháu vẫn có thể khám bệnh thêm ở nhà mà.

Gần như cả làng tụ tập trong nhà Y Mải, khi nghe nói có cán bộ xã và đài TNVN đến tìm A Siêng. Anh chị Y Mải lúc quay bên này, lúc quay bên kia nghe ý kiến của mọi người. Góc nhà, cặp mắt khắc khoải âm thầm của Y Sao nhìn chằm chặp vô A Siêng như chờ đợi. Rộ lên những lời bàn tán, ồn ào tranh cãi. Chỉ mình A Siêng im lặng.

Cả đêm không ngủ. Anh ra khỏi nhà khi trời chưa sáng, thơ thẩn bên hồ Đak Noa. Mặt trời chưa mọc nhưng tít trên cao, một vòm xanh ngọc đang lan rộng dần, đẩy lùi những đám mây xám, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Đỉnh Ngok Linh thường vẫn khuất trong mây trắng, bỗng hiện rõ, dáng núi mềm mại tạc vào chân trời đang hé lên màu hồng. Quả đồi thấp như gò ngực người đàn bà nằm duỗi dài dưới chân núi ven hồ phập phồng thở trong sương sớm. Sóng vỗ óc ách, những con cá mương nép vô bờ ngủ qua đêm,quật đuôi lách tách vượt vội ra ngoài xa. Một cánh chim lẻ loi liệng mãi trên bầu trời, như muốn dấn sâu vào nỗi cô đơn nên đôi cánh nhỏ không buồn vẫy, cứ giang rộng từ trên cao sà xuống tận sát mặt nước, rồi lại lao vút lên bầu trời thăm thẳm. Như có cánh ná nào bắn vụt mặt trời lên đỉnh núi, ánh sáng chói loà thành một dải lụa vàng trải giữa mặt nước xám bạc lung linh. A Siêng quay người đi trở lại làng. Dưới tán lá xà nu xanh nơi bìa rừng, Y Sao đã đứng đấy từ lúc nào.A Siêng bước nhanh hơn, vươn thẳng người khẽ nói lên thành tiếng “Mình sẽ ở lại!” .

Linh Nga Niê Kdăm

Không có gì là rác cả

Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đó đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn gõ cửa. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

– Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

Soko trả lời:

– Con xin hết lòng tin tưởng

Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

– Theo ta.

Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

– Quét dọn vườn.

Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.

Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét… quét… và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

– Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

Bất ngờ, đại sư quát lên:

– Rác ! người nói gì? Không có gì là rác cả !

Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu, đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:

– Vào nhà kho kia lấy cái bao lớn ra đây.

Khi Soko tìm được cái bao mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

– Mở rộng miệng bao ra.

Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy đại sư quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

– Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

– Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

– Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này trám vào những chỗ đó.

Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào.

Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

(There is no trash by Soko Morinaga)

Ẩn Danh

Nghệ sĩ trên sân khấu đời

Chào các bạn,

“Nghệ thuật biểu diễn” là cụm từ mình dịch từ “performing arts”, tức là các loại nghệ thuật biểu diễn một điều gì đó trước công chúng—hát, chơi đàn, khiêu vũ, thẩy bóng (juggling), kịch nghệ, v.v…

Nếu ta dùng nghệ thuật biểu diễn để minh họa cho đời sống thì ở đời có hai loại người—khán giả và nghệ sĩ.

Khán giả thì thường không biểu diễn, thích phê phán, nếu phải biểu diễn thì có thể bị đông lạnh vì sợ sân khấu (stage fright), nếu phải nghĩ đến sân khấu là sợ mình làm sai trước nghìn người.

Và khán giả chỉ biết ngồi thán phục những nghệ sĩ tài ba biểu diễn cho cả một buổi trình diễn xuất thần, không một tì vết nghệ thuật.

Tuy nhiên, nếu bạn là nghệ sĩ trình diễn, bạn sẽ biết một sự thật căn bản là không có một buổi trình diễn nào mà bạn không sai cái gì đó. Ca sĩ chẳng hạn, đáng lý mình nên hát nốt đó mạnh hơn một tí, đáng lý mình nên kéo dài ra và không nên lấy hơi chỗ đó, chỗ này vào trật nhịp, đã hẹn trước với ban nhạc là chỗ đó phải chậm lại một tí nhưng rốt cuộc mình cũng đi ào ào… Nếu bạn đã trình diễn thường xuyên trước đám đông—cho dù đó là chơi nhạc hay đánh quyền Anh hay đọc diễn văn—bạn sẽ nhận ra một điều là dù cho bạn có chuẩn bị kỹ đến thế nào, cơ hội để bạn làm một cái gì đó không chính xác ‎có thể lên đến 80% của các cuộc trình diễn. (Chỉ có trình diễn nhạc trong CD là không có tì vết, vì bản nhạc có thể được thâu đi thâu lại vài chục lần).

Nhưng điều may mắn là, hầu như chẳng ai ngoài bạn hay một hai người trình diễn chung biết điều đó. Mọi khán giả chỉ thấy một màn trình diễn xuất thần, không lầm lỗi.

Mà ngay cả khi khán giả có thể nhận ra lầm lỗi như khi nghệ sĩ vũ trên mặt băng trợt té, hay võ sĩ bị một cú knock-down, thì cũng chỉ là chuyện thường tình đối với nghệ sĩ thôi, chẳng có gì đáng thắc mắc cả.

Sở dĩ thế vì người nghệ sĩ rất quen với lầm lỗi. Làm sai là một phần của nghệ thuật trình diễn. Họ sống với “làm sai” hàng ngày, và biết cách sống với nó như là một phần của trình diễn, của cuộc đời nghệ thuật. Sai thì cứ lướt tới làm tiếp như chẳng có gì xảy ra.

Điều này đúng với tất cả mọi nghệ thuật sống. Chính trị gia đi sai bước, làm quyết định sai, là chuyện rất thường; khám phá ra lỗi lầm là điều chỉnh lại ngay. Người làm việc từ thiện cũng thế, tính toán sai là chuyện thường. Thuê một căn phòng chứa 1000 người để làm một cuộc hòa nhạc kiếm tiền gây quỹ, đến lúc mở màn chỉ có được 200 mạng loe hoe. Viết một bài báo mong là mọi người đồng ý ‎ với mình, ai dè đăng xong cả ngàn khán giả gởi thơ đến dũa te tua.

Đó là điều làm nên sự khác biệt giữa nghệ sĩ và khán giả. Khán giả thì sợ sai. Nghệ sĩ thì sống với sai hàng ngày. Và cũng vì vậy mà nghệ sĩ chân thật rất khiêm tốn trong lòng vì thấy mình sai hàng ngày. Họ cũng không tự ái vặt khi bị phê phán vì họ biết là người khác chỉ thấy được rất ít cái sai của họ.

Nhưng nói cho chính xác hơn nữa, nghệ sĩ thường không gọi cái sai là sai, mà gọi đó là “chưa được vừa ý 100%”. Cũng như người lái xe trên đường phố, thực là chẳng mấy khi “lái sai”, đi đến đâu lái đến đó, nhưng thỉnh thoảng cũng có những quyết định không được hay có thể làm cho mình có tí vấn đề trên đường phố, chỉ điều chỉnh một tí và tiếp tục đi thôi.

Vì vậy các nghệ sĩ thường rất ít khi phê bình các lỗi lầm trình diễn của nghệ sĩ bạn trên sân khấu. Có nhận ra họ cũng không bao giờ nói đến, vì đó là chuyện thường, chẳng có gì đáng nói.

Nhưng nếu một khán giả, hoặc một nhà phê bình chưa từng trình diễn bao giờ, có cơ may nhận ra một lỗi lầm của nghệ sĩ, rất có thể vị đó sẽ phê bình to tiếng, cho rằng đó là chuyện khác thường và mình thông thái đủ để thấy nó. Đó là chưa kể nhiều khi sự phê phán đến ngay cả lúc chẳng có gì đáng gọi là lỗi lầm.

Cho nên nếu chúng ta muốn đi qua cuộc đời như những nghệ sĩ, thay vì ngồi một chỗ phê phán, chúng ta cần nhớ các điểm căn bản này:

• Không có bước nào, chiêu thức nào, là sai; chỉ có bước hay chiêu thức không được như ý.
• Các bước hay các chiêu thức không được như ý là một phần của đời sống hàng ngày.
• Nếu gặp không được như ý thì chỉ cần điều chỉnh một tí và tiếp tục biểu diễn.

Vậy thôi. Không có gì là lớn chuyện, không có gì phải làm cho ta “sợ sân khấu” đến đông lạnh.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com