Thứ năm, 31 tháng 12 năm 2009

Bài hôm nay

Auld Lang Syne – Bản nhạc giao thừa, Văn Hóa, Nhạc Xanh, Video, anh Trần Đình Hoành.

Phụ nữ , Danh Ngôn, song ngữ, anh Phan Thế Danh .

Thực hiện ý tưởng , Danh Ngôn, song ngữ, anh Nguyễn Văn Du.

Không có bí mật thành công , Danh Ngôn, song ngữ, chị Đông Vy.

Mùa Đông , Thơ, chị Phan Bích Thiện.

Giao thừa , Thơ, chị Hoàng Thiên Nga.

Thở hơi ấm giữa trời đông, Thơ, anh Trần Đình Hoành.

Cuộc điện thoại bất ngờ, Văn, chị Đàm Lan.

Tìm về bến nước, Văn, Văn Hóa, chị Linh Nga Niê Kdăm.

Chuyện đời Shunkai, Văn Hóa, Trà Đàm, Thiền, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Hải tặc Somalia lại cướp 2 tàu, bắt 45 con tin – Hải tặc Somalia lại vừa cướp một tàu chở hóa chất treo cờ Anh và một tàu hàng treo cờ Panama, bắt 45 thủy thủ làm con tin.

Tây Ban Nha cảnh báo nguy cơ khủng bố li khai – Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha vừa lên tiếng cảnh báo nhóm li khai xứ Basque ETA có thể sẽ thực hiện một vụ tấn công quy mô lớn, hoặc một vụ bắt cóc táo bạo khi Tây Ban Nha lên làm chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).

Al Qaeda nhận trách nhiệm vụ đánh bom máy bay Mỹ bất thành – Hôm qua (28-12), một chi nhánh của tổ chức khủng bố al Qaeda tại Trung Đông đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom bất thành máy bay của hãng hàng không Mỹ Northwest Airlines đúng vào ngày Giáng sinh.

Hàn Quốc ân xá cựu chủ tịch Samsung – Chính phủ Hàn Quốc vừa quyết định ân xá cho cựu chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee, bị kết án tù do trốn thuế.

Khám phá lăng mộ Tào Tháo – Các nhà khảo cổ học Trung Quốc khẳng định đã tìm ra lăng mộ của Tào Tháo, chính trị gia huyền thoại thời Tam Quốc, tại một ngôi làng ở huyện An Dương thuộc tỉnh Hà Nam.

10 bức ảnh đẹp nhất năm của Time – Như thông lệ, hằng năm Time đều tổng kết và bình chọn 10 bức ảnh đẹp nhất trong năm của mình. Và năm 2009, đó là những khoảnh khắc của tổng thống Mỹ Obama, thủ tướng Nga Putin, một binh lính Mỹ, một gia đình Palestine ….

Nga, Gruzia nối lại các chuyến bay trực tiếp – Chính quyền Nga vừa bỏ lệnh cấm các chuyến bay trực tiếp từ Gruzia đến Nga, một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đã cải thiện kể từ sau cuộc chiến hồi tháng 8-2008.

Bình Nhưỡng bắt giữ một công dân Mỹ – Hôm nay 29-12, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố đã bắt giữ một công dân Mỹ xâm nhập trái phép lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.

Tàu ngầm hạt nhân mới của Nga – Nerpa, tàu ngầm tấn công thế hệ mới của Nga, đã vượt qua cuộc thử nghiệm cuối cùng để có thể được đưa vào sử dụng chính thức, RIA Novosti đưa tin. Trong ngày hôm qua, tàu Nerpa đã được bàn giao cho hải quân Nga tại thị trấn Bolshoy Kamen ở vùng Primorye.

Nga khai thông đường ống dẫn dầu đến Thái Bình Dương – Ngày 28-12, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã khai trương giai đoạn đầu tuyến đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương (ESPO) trong nỗ lực mở cửa thị trường sang khu vực châu Á.
.

Tin sáng quốc nội , anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Đà Nẵng: Trung tâm hỏa táng đầu tiên đi vào hoạt động – Sáng 29 – 12, tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Công ty môi trường – đô thị TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dựng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên sau gần 16 tháng thi công xây dựng.

Sóc Trăng: khởi công xây dựng kè bờ sông Maspéro – Chiều ngày 28-12, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã phát lệnh khởi công xây dựng dự án kè sông Maspéro đi qua địa bàn TP Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Khai mạc hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới tại VN – Sáng 28-12, hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadita lần thứ XI chính thức khai mạc tại TP.HCM với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc”.

Ngày 3-2-2010, thông xe đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết ngày 3-2-2010 sẽ cho lưu thông tạm trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM – Long An – Tiền Giang) nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, vì quốc lộ 1A hiện nay đã quá tải.

Xử lý nghiêm người đứng đầu – Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có chuyển biến nhưng chưa mạnh. Đó là nhận định của Phó thủ tướng, phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng tại hội nghị phối hợp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng năm 2009 giữa ban chỉ đạo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN chiều 28-12.

2010: TP.HCM tăng trưởng 10% trở lên – Năm 2009 tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở TP.HCM chỉ đạt 8% (khoảng 332.000 tỉ đồng), trong khi mục tiêu 2009 tăng 10% trở lên. Do vậy, năm 2010 TP tiếp tục đặt mục tiêu như 2009.

3,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2009 – Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2009, lượng khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt người (giảm 11,5% so với năm 2008).

VN nhập siêu 12 tỉ USD trong năm 2009 – Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VN nhập siêu 12 tỉ USD trong năm 2009, tổng giá trị nhập khẩu là 68,71 tỉ USD trong khi xuất khẩu là 56,73 tỉ USD.

Nhu cầu đi lại dịp Tết dương lịch tăng 30% – (TNO) Dịp Tết dương lịch 2010, theo dự kiến lượng khách đi lại qua Bến xe Miền Đông sẽ tăng từ 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP.HCM) cho biết vào ngày 29.12.

Học bổng Dr Goh Keng Swee – Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam vừa thông báo sẽ cấp học bổng Dr Goh Keng Swee tại các trường đại học ở Singapore cho các cá nhân xuất sắc trong 15 nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Cổ phần hóa 11 tổng công ty ngành nông nghiệp – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, trường hợp đến ngày 1-7-2010 chưa cổ phần hóa được thì chuyển thành công ty TNHH một thành viên và tiếp tục cổ phần hóa sau năm 2010.

Thêm nhà máy dược phẩm tại Bình Dương – Công ty CP dược phẩm OPC vừa khởi công xây dựng nhà máy dược phẩm OPC tại xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên, Bình Dương).

Đấu thầu 200 triệu USD trái phiếu Chính phủ – Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, ngày 29-12, sẽ tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ đợt 4 năm 2009, do Kho bạc Nhà nước phát hành, với khối lượng gọi thầu 200 triệu USD.

Học bổng Canada năm học 2010 – 2011 – Bộ GD-ĐT cho biết năm học 2010-2011, trong khuôn khổ Chương trình học bổng dành cho khối Pháp ngữ (PCBF), Canada sẽ cấp cho Việt Nam các suất học bổng sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ), hệ kỹ thuật và dạy nghề (2 năm), thực tập ngắn hạn (3-10 tháng) và sau tiến sĩ (không quá 10 tháng).

Học bổng “Nhất nghệ tinh” năm 2009: Hơn cả một sự trợ giúp – Lần đầu tiên một học bổng dành cho học sinh hệ trung cấp được chính thức trao tặng với sự đóng góp từ nhiều nguồn, trong đó có cả sự đóng góp từ chính các trường nơi học sinh theo học (đóng góp 50% học phí) khiến ý nghĩa về học bổng “Nhất nghệ tinh” vượt lên trên một sự trợ giúp đơn thuần.

Đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ bám sát chuẩn kiến thức – Việc dạy học và thi cử, kể cả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh ĐH, CĐ đều bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ông Nguyễn Hải Châu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc dạy học theo chuẩn kiến thức.

Kontum: tổ chức nhân viên hỗ trợ giáo viên – Ngày 29-12, Sở GD-ĐT Kontum cho biết hiện toàn tỉnh Kontum có 368 nhân viên hỗ trợ giáo viên, hầu hết là người dân tộc thiểu số bản địa có trình độ văn hóa nhất định và am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ… học sinh người dân tộc thiểu số.

Xóa phòng học tạm vào năm 2012 – Theo tin từ Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án phân bổ vốn thực hiện “Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008- 2012.

Dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh: Thay đổi nhiều nội dung – Sáng 28-12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp bàn về dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh (LHS). Ông Phạm Vũ Luận khẳng định bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của công luận và dư luận thời gian qua để chỉnh sửa dự thảo quy chế cho phù hợp với thực tế.

Ngày 11-3: tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia – Bộ GD-ĐT vừa công bố ngày 11-3-2010 sẽ diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2010, bao gồm các môn thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc.

Một sinh viên Việt được chọn gặp tổng thống Nga – Cuối tháng 12, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dự kiến có cuộc gặp với những thanh niên-sinh viên xuất sắc đến từ khắp các thành phố trên toàn Liên bang Nga. Một trong số những người có được vinh dự đó là Trần Nguyên Phan, sinh viên năm thứ 3 khoa quản trị tài chính, chuyên ngành tài chính tín dụng, Học viện Tài chính Liên bang Nga (FA).

Giám đốc tuổi 20 – Hai mươi tuổi làm Giám đốc hệ thống kinh doanh Cty mỹ phẩm Oriflame (Thụy Điển), ít ai biết Đoàn Thu Hương – sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học (ĐH) Mở Hà Nội – từng trượt ĐH.

TƯ Đoàn và Ủy ban dân tộc ký kết chương trình phối hợp – Hôm qua 29-12, Trung ương Đoàn và Ủy ban Dân tộc ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2009-2012.

Công ty giúp công nhân đi học – Đêm 28-12, Công ty Pou Yuen (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã trao 40 triệu đồng cho 10 công nhân đang làm việc tại công ty có nhu cầu đi học nâng cao tay nghề.

Vé cho người đi, quà cho người ở lại – Từ ngày 1-2-2010, Thành đoàn Đà Nẵng triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí 500 vé xe tết cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Quà tết sớm cho trẻ đặc biệt – Tối 26-12-2009 tại khách sạn Quê Hương (TP.HCM), các bạn nhỏ làng thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) và mái ấm Hoa Phượng (Hải Phòng) đã có buổi vui chơi thỏa thích và được phát quà tết sớm. Chương trình do Kids Without Borders – một tổ chức về trẻ em ở Mỹ – tổ chức.

CLB Doanh nghiệp trong trường học – Trường CĐ Nguyễn Tất Thành vừa cho ra mắt CLB Doanh nghiệp, gồm 46 thành viên là các chủ doanh nghiệp có nhiều hoạt động gắn kết, hợp tác với trường.

Ngày 2 và 3-1-2010: Festival tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM – Chiều 28-12, Thành đoàn TP.HCM tổ chức họp báo giới thiệu Festival tuổi trẻ sáng tạo lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-1-2010.

Người thắp sáng những phận đời khiếm thị – Sáng 26-12, hội trường báo Mực Tím rộn ràng với sự xuất hiện của một “gia đình” thật đặc biệt: gia đình của các sinh viên khiếm thị. Thật nhiều tiếng cười, thật nhiều lời thăm hỏi, thật nhiều cái nắm tay.

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam – Ông Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, hôm qua 29.12, đoàn nhà văn Ấn Độ gồm 7 thành viên là đoàn nhà văn nước ngoài đầu tiên đến dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam tại Hà Nội.

Trang Phương – giải nhất cuộc thi Duyên dáng truyền hình – Vượt qua bốn thí sinh ở vòng thi giao lưu cuối cùng (diễn ra tối 28-12 tại Đài truyền hình TP.HCM), Nguyễn Thị Trang Phương – phát thanh viên của Đài PT-TH Hậu Giang – đã đoạt giải nhất cuộc thi Duyên dáng truyền hình lần 4, đồng thời đoạt thêm giải thí sinh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn.

Đi tìm điệu nhảy Việt Nam – Ngày 26-12, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy Việt Nam. Mục tiêu chính của cuộc vận động sáng tác các điệu nhảy này là làm sao sáng tạo một điệu múa vừa mang tính dân tộc vừa phổ cập cho tất cả các tầng lớp nhân dân…

Thanh Hóa: phát hiện nhiều hiện vật cổ bằng đá – Chiều 28-12, nguồn tin từ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa cho biết trong lúc thi công trùng tu khu nhà tiền đường của chùa Nam, nằm trên địa bàn thôn Tân Cộng, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều hiện vật và di vật cổ được làm bằng đá rất tinh xảo.

Cấp phép phổ biến thêm 11 ca khúc Phạm Thế Mỹ – Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-&DL vừa ra quyết định cho phép phổ biến thêm 11 ca khúc trong số các tác phẩm viết trước năm 1975 của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ theo đề nghị của Công ty cổ phần xây dựng & thương mại Ánh Tuyết.

.

Lịch sự kiện văn hóa

Clara Cernat & Thierry Huillet – 13 Jan 2010 – Concert by Piano & Violin duo —– 13/01/2010 – Hoà nhạc của bộ đôi Clara Cernat & Thierry Huillet

Truly Memorable – KVT reliving ‘Sigh Memory’ —– KVT hồi tưởng về “Ký ức thở dài”

HCMC – Light Shreds | 2000 Car Paintings – 31 Dec – HCMC – Solo exhibition by Hap Tivey —– 31/12 – TP. HCM – Triểm lãm cá nhân của Hap Tivey

Film Community Program – 26 Dec – TPD’s new Workshop to help Filmmakers find funding —– 26/12 – Chương trình ‘Tìm nguồn vốn làm phim’ của TPD

KVT – Utopia and Hope… at L’Espace – KVT catches the latest Painting & Sculpture Exhibition —– KVT trong triển lãm tranh và điêu khắc gần đây

Update from Contact Improvisation workshop – Workshop cancelled —– Dự án Contact Improvisation hoãn đến tháng 01/2010

.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

Scholarships for Study of the United States Insttutes (SUSI) Programs
2010 SUSI for Scholars and Secondary School Educators (PDF-82KB)
2010 SUSI for Student Leaders on Global Environment Issues (PDF-76KB)

.

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Auld lang syne – Những ngày đã xa – Bản nhạc giao thừa


Chào các bạn,

Auld lang syne là một bản nhạc ai trên thế giới cũng biết, và đương nhiên là người Việt Nam nào cũng biết. Tuy nhiên lời chính thức thì có lẽ là đại đa số người đều chỉ biết có một lời chính thức: Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng, chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi. 🙂 Và tên Việt Nam chính thức của bản nhạc là “Ò E” 🙂

Auld lang sine là môt bài thơ phổ thành nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Tô Cách Lan (Scotland), do Robert Burns viết năm 1788. Burns gởi bản nhạc vào Viện Bảo Tàng Âm Nhạc Tô-Cách-Lan với dòng chữ: “Bản nhạc sau đây là một bản nhạc cổ xưa, chưa bao giờ được in ra, chưa bao giờ được viết xuống, cho đến khi tôi ghi lại từ một ông cụ.”

Auld lang sine là tiếng Tô Cách Lan cũ, có nghĩa là “old long since”, hay “long long ago” and “in the days gone by”–lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa…

Auld Lang Syne

Should old acquaintance be forgot,
and never brought to mind ?
Should old acquaintance be forgot,
and old lang syne ?

CHORUS:
For auld lang syne, my dear,
for auld lang syne,
we’ll take a cup of kindness yet,
for auld lang syne.

And surely you’ll buy your pint cup !
and surely I’ll buy mine !
And we’ll take a cup o’ kindness yet,
for auld lang syne.

CHORUS

We two have run about the slopes,
and picked the daisies fine ;
But we’ve wandered many a weary foot,
since auld lang syne.

CHORUS

We two have paddled in the stream,
from morning sun till dine† ;
But seas between us broad have roared
since auld lang syne.

CHORUS

And there’s a hand my trusty friend !
And give us a hand o’ thine !
And we’ll take a right good-will draught,
for auld lang syne.

CHORUS

Những ngày đã xa

Nên quên đi thân thuộc cũ
Và không bao giờ nhớ lại?
Nên quên đi thân thuộc cũ
Và những ngày đã xa?

ĐIỆP KHÚC:
Cho những ngày đã xa, bạn quý
Cho những ngày đã xa
Chúng ta sẽ nâng chén ân cần
Cho những ngày đã xa.

Và chắc chắn là bạn sẽ mua cho bạn một ly
Và chắc chắn là tôi sẽ mua cho tôi!
Và chúng ta sẽ nâng ly ân cần,
Cho những ngày đã xa.

ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chạy trên những triền đồi
Hái hoa cúc dại
Nhưng chúng tôi đã lang thang những đôi chân mệt mõi
Từ những ngày đã xa

ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chèo trong suối
Từ sáng đến giờ cơm tối
Nhưng những con biển rộng giữa chúng tôi đã gào thét
Từ những ngày đã xa

ĐIỆP KHÚC

Và có một bàn tay, người bạn tin cẩn ơi!
Và giúp chúng tôi một tay!
Và chúng ta sẽ uống một ly tốt bụng
(Hay: Và chúng ta sẽ chèo đúng và tốt bụng)
Cho những ngày đã xa.

ĐIỆP KHÚC

(TĐH dịch)

Khỏi cần phải nói ta cũng biết là bản này được chơi khắp thế giới khi chuông giao thừa điểm 12 giờ đêm.

Sau đây mời các bạn đón giao thừa với vài video clips về Auld Lang Syne.

1. Auld Lang Syne, nhạc nền chính trong phim “Waterloo Bridge”.

2. Auld Lang Syne, do Dougie McLean hát bằng tiếng Tô-cách-lan.

3. Andre Rieu, trình tấu violin với các nhạc sĩ bag pipes của Tô-Cách-Lan.

Happy New Year! Chúc Mừng Năm Mới!
.

Auld Lang Syne – Theme of the film “Waterloo Bridge”


.

Robert Burns – Auld Lang Syne As sung by Dougie MacLean in Scottish, on the album Tribute

.

Andre Rieu – Auld lang syne 2006 (with Scottish bagpipes)

Mùa Đông

Em gửi cho anh mùa đông

Băng giá thỏa lòng anh thèm tuyết

Cành cây trắng lung linh ánh biếc

Vương quốc cổ tích nào mẹ kể ngày xưa

Em gửi cho anh ánh nắng trưa

Bừng sáng trong trời đông lạnh giá

Giữa tuyết trắng trái tim mùa hạ

Giữa giá băng em vẫn có anh.

Phan Bích Thiện
Hungary

Giao Thừa

Bút rón rén lướt trên thềm giấy mới
Tĩnh lặng đêm tràn ngập đến vô cùng
Tim xao động như không, không thể đợi
Ôi xuân về, tươi thắm, bao dung

Đã chất ngất những mùa đông buốt giá
Đã vùi say quên ly biệt, rụng rơi
Đã tự nhủ chỉ trụi trần sỏi đá
Chợt cháy tan trong hơi thở lạ người

Bút hãy rắc một hạt yêu lên giấy
Sớm xuân kia hạt qúy giá nảy mầm
Ta ủ kín chờ nắng lên, khẽ cấy
Vào tim anh đôi lá biếc, âm thầm

Chúa xuân hỡi! Xin nguyện cầu hạnh phúc
Cõi nhân gian ai cũng ấm ân tình
Dường như tiếng thì thầm bên cửa
Gió đầu mùa, hay tia nắng bình minh…

Hoàng Thiên Nga

Thở hơi ấm giữa trời đông

Thở hơi ấm
Giữa trời đông
Cuối năm
Bên cạnh dòng sông
Băng giá
Và những rừng cây trụi lá
Những dãy đèn Giáng Sinh
Còn sáng trên những nóc nhà
Những bầy em nhỏ
Còn trượt băng trên mặt dòng sông

Một năm lại sắp qua
Chuông giao thừa sẽ điểm
Và ta sẽ rủ bỏ những muộn phiền
Những dại khờ
Lầm lỡ
Viết lại trang sách mới
Trinh nguyên

Tạ ơn mùa đông
Đã làm sạch đất trời
Đã tuốt hết lá vàng lá chết
Để cuộc đời có thể vào xuân

Tạ ơn Trời đã cho ta những ngày lạnh giá
Để tuốt sạch những gai góc hồn ta
Để ta có thể tái sinh
Trong ánh bình minh mới

Tạ ơn mọi người
Đã cho mùa đông muộn phiền rơi rụng
Để cùng nhau
Ta có thể vào xuân
Với nụ non và những sắc màu

Vạn mùa đông đã qua
Vạn lần ta đã chết
Và vạn lần ta đã tái sinh
Trong những tháng năm lang thang trần thế

Tạ ơn Trời
Đã giữ ta trong vô lượng luân hồi
Để ta mãi sinh ra
Vào tâm thức mới
Vào những cõi trời
Gần hơi thở
Của Tình-yêu

Thở hơi ấm
Giữa trời đông
Bên cạnh dòng sông vô lượng

TĐH
4:32 pm, Wednesday, Dec. 30, 2009
Lake of the Woods, Virginia,  USA

Cuộc điện thoại bất ngờ

Trời ẩm rình. Những quầng mây màu xám bạc vẫn chen nhau rủ lưng chừng trong không gian, rõ ràng là chúng chưa hề có ý định tản đi nơi khác, ít nhất là trong khoảng 24 giờ tới, mặc dù chúng đã làm những vị khách không mời từ sẫm chiều hôm trước. Thời tiết thường có một tác động nhất định đến tâm trạng, trong hoàn cảnh này thì sự hăng hái, hưng phấn, sôi nổi và đầy hứng thú là điều rất khó.Và cho dù không có điều gì đáng để buồn bã, sầu muộn, thì ít nhất tâm trạng người ta có có một chút gì chùng xuống, bâng khuâng và man mác, có thể hoài niệm một cái gì đó cụ thể, nhưng cũng có thể vì một mơ hồ, thoang thoảng không dễ gọi tên. Lại là khi người ta chỉ ngồi một mình, không gian tịch lặng, trong cái lạnh buôn buốt, trong âm thanh rào rạo, rào rạo của những vạt mưa đáo qua. Nếu là một cơn giông hay một cơn mưa rào to thì lại là khác, trạng thái tiếp nhận, đối phó rất rõ ràng và hạn định trong một quãng thời gian ngắn. Nhưng đàng này, cái ảm đạm kéo dài của tiết trời, kéo theo trạng thái cũng ủ ê kéo dài của hồn người. Chợi nghĩ đến muốn tỉ tê với một ai đó. Tình cảnh không mấy màu sắc này lại vô cùng thích hợp cho sự lan man chuyện trò, cho những nguồn cơn nỗi lòng được gợi mở và tuôn trào.

Nhưng vấn đề là ở chỗ đối tượng cho cuộc trò chuyện ấy là ai ? Bởi thông thường không phải người ta luôn dễ dàng thổ lộ những tâm tư mình với một người bất kỳ. Mà phải là một người có cùng một nhịp độ giao cảm, có cùng một trạng thái tâm lý, và phải là người đã biết về nhau, hiểu về nhau khá nhiều rồi cơ. Cho dù khi tâm sự thường là chỉ đem chuyện mình ra kể, nhưng ít nhất phải nhận được một tinh thần quan tâm và chia sẻ từ người được nghe, nếu không, rõ ràng chỉ rơi vào một tình thế không hay ho gì.

Trong thời tiết này, nếu phải bước chân ra đường thì chỉ có thể với một lý do bất khả kháng nào đó, còn lại thì là một sự vô lý, thậm chí còn gọi là điên điên, man man gì đó cũng không sai. Cho nên cách tốt nhất là vận dụng (hay tận dụng, lạm dụng đều đúng cả) một thứ phương tiện mà từ nền khoa học phát triển của thế giới đã xúất hiện trong đời sống con người từ rất lâu rồi. Cái thứ phương tiện đã đem lại rất nhiều tiện ích, Mà có nó người ta đã giảm được rất nhiều thời gian và những chi phí khác. Thứ phương tiện này được cài đặt một loại thanh âm rộn rã, mỗi khi nó cất lên cứ như là một tiếng gọi reo vui nào đó, luôn thúc giục người ta phải mau bước tới. Khoa học càng phát triển thì thanh âm của nó càng đa dạng, càng đem đến cho con người rất nhiều sự lựa chọn, qua đó người ta có được cảm giác thích thú hoặc dễ chịu biết bao. Nó nối liền và thu ngắn mọi khoảng cách, những con số đo độ dài địa lý không còn là một sự bận tâm. Quả là trí thông minh của loài người là điều tuyết bích nhất của thế gian. Có thế con người mới có thể chinh phục và thống trị muôn loài được chứ.

Trở lại với vấn đề chính, có nghĩa là tôi đang có một nhu cầu, một nhu cầu rất lớn, rất cụ thể, rất hiện hữu, là được trò chuyện cùng ai đó, một cuộc trò chuyện có thể là rất nhiều đề tài, tuỳ vào sự ngẫu hứng của cả hai. Và trước mặt tôi là chiếc điện thoại, thứ vật dụng có tính năng tuyệt vời mà tôi đã đề cập đến kia. Và cái thú chuyện vãn qua điện thoại không chỉ là sở thích của một con số khiêm tốn, mà có lẽ nó luôn tiềm ẩn trong mỗi người. Đôi khi người ta phải hết sức và có nhiều biện pháp để hạn chế nó, nều không thì tình trạng ùn tắc sẽ không chỉ xảy ra ở những giao lộ vào giờ tan tầm, kèm theo là những tổn thất khó lường.

Và đây ,cái ống nghe đang chờ tay tôi nhắc, những con số nhẫn nại đang chờ ngón tay tôi lướt qua. Bộ nhớ của tôi đang hoạt động tích cực, nó điểm qua một loạt những guơng mặt, không chỉ là gương mặt, mà bao gồm cả những tính cách và mức độ của những mối quan hệ nữa, thân có, sơ có, gần có, xa có. Để chọn được một trong hàng dãy thật chẵng dễ chút nào. Trong khi tôi còn chưa giải quyết được sự gút mắc trong mình, thì bất thần, một tràng thanh âm rộn rã dội vào tai tôi, khiến tôi giật thót người, vì sự đột ngột và cũng vì một niềm vui chợt vỡ, cái giải pháp tôi không hề tính tới đã hiện ra đúng lúc. Tiếng chuông thứ hai vừa dứt, cái ống nghe được áp vào tai, một tiếng Alo kèm theo chút mong chờ rằng từ đầu dây bên kia sẽ là một âm sắc quen thuộc nào đó, hay nhất là một trong số vài gương mặt mà tôi vừa điểm qua, như thế cũng có nghĩa là một tần sóng được thu và phát đúng lúc.

_ Xin chào.

Một giọng nam trầm nhè nhẹ, tôi chưa kịp nhận ra là lạ hay quen, đáp lại câu chào với thái độ thăm dò :

_ Vâng, chào anh.
_ Vâng, chào cô, may quá …

Tôi ngạc nhiên, giọng nói lạ, tôi khẳng định là thế, vì thính giác tôi có độ thẩm âm khá nhạy, nhất là những giọng nói, đúng là chất giọng này tôi chưa nghe bao giờ, sao anh ta lại bảo là may ? Sự nghi vấn tuột khỏi môi tôi:

_ May ? Vì sao ạ ?

Phía bên kia như có một tiếng cười nhẹ.

_ Tôi nói may là vì tôi đã được gặp một giọng nữ.

Cái gì ? Tôi càng ngẩn ngơ hơn với câu nói khó hiểu phía bên kia. Chắc là một sự nhầm lẫn nào đây.

_ Có lẽ anh nhầm số một cơ quan nào đấy phải không ạ ?

Lại một tiếng cười nhẹ.

_ Vậy đó là nhà riêng ạ ?
_ Vâng, nhà riêng. Anh muốn tìm ai ạ ?
_ Tôi …tôi không tìm ai cả.
_ Ư…
_ Xin lỗi, tôi không làm phiền cô chứ ?

Tôi đã hơi bực mình, nhưng vẫn nhẹ giọng vì chưa biết mục đích của người đang đối thoại là gì.

_ Làm phiền thì không, nhưng hình như tôi chưa có hân hạnh được quen biết anh thì phải.
_ Chưa quen thì bây giờ quen cũng được mà, tôi cũng vậy thôi.

Thế này là thế nào nhỉ, chả lẽ bỏ máy ngang thì bất lịch sự quá. Mất cả hứng thú, tưởng đâu…Dường như đoán biết tôi đang nghĩ gì, đầu dây lại cất tiếng :

_ Xin cô đừng vội bỏ máy. Thế này cô ạ. Chắc cô cũng thấy thời tiết đang rất xấu phải không ?

Một chút gì đó động đậy, để xem.

_ Vâng , điều hiển nhiên đó đang có mặt khắp nơi.
_ Tôi đang ngồi một mình trong một căn phòng rộng, rất buồn khi nhìn trời mưa gió và ảm đạm thế này. Tôi bỗng muốn trò chuyện cùng ai đó (à , giống mình) và tôi chợt nảy ra một ý nghĩ, biết đâu tôi sẽ tìm được một người bạn mới trong một ngày mặt trời không ngự trị trên thế gian này (ái chà, nghe có vẻ văn chương gớm nhỉ). Và thế là tôi bấm một hàng số ngẫu nhiên.
_ Tôi hiểu rồi. Nhưng sao anh lại cho là may khi gặp một giọng nữ?
_ Vâng, rất may nữa là khác. Đã là giọng nữ, lại còn có vẻ chấp nhận một cuộc điện thoại đường đột thế này, nếu như tôi gặp một giọng của anh bạn nào đó chắc cũng chẳng sao, câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác, còn nếu là giọng một người già hay một chú nhóc, thì chắc tôi sẽ lại thử vận may của mình vào một lúc khác rồi.

Tôi đã cảm thấy có gì lôi cuốn trong trò chơi này rồi đây. Ý tưởng của anh ta không tệ đấy chứ. Ít ra cũng có một cái gì đó khá mới mẻ. Thì cứ tiếp tục xem sao.

_ Cứ cho đúng là anh gặp may đi, nhưng không biết tôi đang gặp vận gì đây?
_ Hy vọng là không tệ lắm và nếu không muốn tiếp tục, cô có quyền từ chối, tôi sẽ xin lỗi và rút lui có trật tự.

Trong đừơng dây rộ lên tiếng cười từ cả hai đầu. Không khí đã khác đi nhiều.

_ Bây giờ có lẽ chúng ta đã có thể trò chuyện một cách tự nhiên thoải mái rồi chứ nhỉ.
_ Còn phải xem các tình tíết diễn biến thế nào đã chứ ạ.
_ Ồ , tất nhiên, này cô bạn thân mến, nếu không có gì là quá đáng , cho tôi xin môt cái tên cho dễ trao đổi đuợc không ạ ?
_ Tôi nghĩ nãy giờ chưa cần đến một cái tên, chúng ta vẫn trao đổi thuận tiện đó thôi. Vả lại, có lẽ còn quá sớm cho một trích lục đấy ạ.
Một tràng cười như một sự chấp nhận bất đắc dĩ.
_ Hình như tôi đang gặp một đối thủ nặng ký thì phải.
_ Đó là ý nghĩ của riêng anh thôi, và anh đã cảm thấy ân hận vì sự ngẫu hứng của mình chưa ?
_ Chưa. Mà đúng hơn là không bao giờ.
_ Anh có từng nghĩ tự tin rất gần với chủ quan không ?
_ Có thể, nhưng trong trường hợp này thì không ? Nghe cô nói chuyện, tôi có cảm giác cô là một típ phụ nữ thuộc về xã hội. Chắc cô cũng đang công tác trong một công sở nào đấy phải không ạ ?
_ Kế hoạch thăm dò đối thủ của anh thất bại rồi, anh cho rằng phụ nữ có chút cá tính và hiểu biết nhất thiết phải là người trong công sở sao ?
_ Không, không hẳn thế, nhưng ít ra đó cũng là một môi trường thích hợp.Tuy cũng có rất nhiều loại công việc độc lập, nhưng môi trường hoạt động và tiếp xúc rộng thì vẫn có thể cho đó là mảng xã hội được chứ.
_ Đồng ý. (Anh chàng này cũng có vẻ trình độ đây)
Một khoảng lặng cần thiết, tôi mỉm cười, cũng hay, có vẻ một người bạn mới là điều hẳn nhiên rồi vậy. Đúng là cầu được ước thấy, không biết lúc nãy tôi suy tư vào giờ gì mà linh thế nhỉ ?
_ Cô có tin vào chữ “duyên” không ?….ý tôi nói chữ “duyên” trong đạo Phật ấy, chữ “ duyên “ theo nghĩa rộng đó mà.
_ Tôi hiểu, tôi hiểu, tôi tin chứ. Tất cả mọi thứ trên đời này, kể cả người lẫn vật, có gặp được nhau hay không cũng là nhờ vào chữ “duyên” ấy đấy.
_ Đúng vậy, tôi cũng rất tin vào điều đó, và cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay là một minh chứng rõ rệt phải không ?
_ Có lẽ thế.
_ Không phải là “có lẽ », mà chắc chắn là thế.
Tôi cười, thừa nhận.
_ À mà tôi có làm gián đoạn công việc gì của cô không đấy ?
_ Ồ không, trước lúc chuông reo tôi cũng đang nhìn trời thôi mà.
_ May quá, như vậy rõ ràng hôm nay là một ngày tốt với tôi.
_ Người ta thường mong những điều suôn sẻ, tốt đẹp vào một ngày đẹp trời nhưng với một ngày hôm nay cũng không thể gọi là xấu, anh nhỉ ?
_ Vâng, thực ra tốt hay xấu là tuỳ thuộc vào suy nghĩ, quan niệm và hành động của mình cả thôi cô ạ. Nếu với một ý nghĩ u ám, một hành động đen tối, một quan niệm bạc nhược, thì dù cho trời có nắng ráo, sáng sủa, đẹp đẽ đến đâu cũng không có tác dụng gì hết.
_ Nghe anh nói, tôi cảm giác anh là một nhà văn.
_ Không không, tôi không có cái duyên may ấy đâu, nhưng tôi cũng rất thích đọc sách. Có lẽ nhờ thế mà không đến nỗi để cô chán chuyện của tôi chăng .?
_ Này, anh tự tin hay tự phụ đấy ?
Một tiếng cười nho nhỏ, tôi tiếp :
_ Tôi cũng rất thích đọc sách, đó là một thế giới muôn màu, một đại dương bao la mà có bơi hết một đời cũng không đến được bờ bên kia.
_ Rất đúng, có điều sách ban giá cao quá, nên không thể thường xuyên ghé hiệu sách được.
_ Anh thử đến Thư viện tỉnh xem.
_ A, một ý kiến hay đấy, cảm ơn cô rất nhiều.
_ Không có gì.
Lại vài giây cho sự im lặng, nếu tiếp tục không biết câu chuyện còn dẫn đến bao nhiêu đề tài khác nữa nhỉ ? Một chút nữ tính nhắc nhở, lần đầu tiên nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ với một thái độ thiếu cẩn trọng chắc chắn không phải là sự khôn ngoan rồi, nếu để câu chuyện dẫn dắt đi xa đến mức khó kiểm soát thì kể ra cũng hơi mạo hiểm, mặc dù tôi không phải là người quá kỹ tính, nhưng sự chùng mực chắc không thừa. Và nếu muốn thì đây đâu phải là lần chuyện trò duy nhất. Suy nghĩ phát ra hành dộng.
_ Chắc là chúng ta nên tạm dừng câu chuyện ở đây chứ nhỉ ?
Có vẻ đề nghị đột ngột của tôi làm cho anh bạn bên kia bị hẫng.
_ Dừng á? Cô có việc bận sao ?
_ Không hẳn thế, nhưng hình như đã quá nhiều cho một buổi sơ giao rồi đấy.
_ Tôi thấy như là còn quá ít.
_ Không nên ăn quá nhiều một lúc, ta sẽ thấy mất thú vị đi, biết để dành và biết chờ đợi cũng là một cái thú đấy anh ạ.
_ Thế thì xin vâng lời cô vậy. Tôi có thể gọi lại vào một lúc khác chứ ?
_ Vâng.
_ Hy vọng lần sau sẽ có được một chút thông tin về cô nhé.
_ Tôi cũng đã biết gì về anh lắm đâu.
_ A, thế là huề nhé. Vậy hẹn gặp lại lần sau.
_ Vâng, hẹn gặp lại. Chúc anh mọi điều vui vẻ.
_ Tôi cũng chúc cô mọi sự tốt lành. Xin chào cô.
_ Vâng, chào anh.
Vài giây luyến tiếc mới có tiếng đặt máy xuống. Tôi cũng mỉm cười gác máy. Nhìn ra ngoài trời, không gian vẫn không có gì thay đổi, nhung trong mắt tôi bây giờ, cảnh vật cũng khác trước rất nhiều, thậm chí còn có vẻ hay hay, đáng yêu nữa kia. Câu nói của người bạn mới văng vẳng : Tốt hay xấu, tuỳ thuộc vào suy nghĩ, quan niệm và hành động của mình mà thôi. Quá đúng. Ơ thôi rồi, tôi quên không hỏi số điện thoại của anh ta rồi. Nhưng không sao, chắc chắn anh ta sẽ còn gọi lại mà, và cái gọi là “may” chắc không chỉ có nghĩa đối với anh ta đấy chứ. Hẳn là thế rồi. Tôi cảm giác một sự phấn chấn trỗi lên trong lòng, với tay nhấn vào một cái nút của chiếc máy đĩa, một giai điệu mượt mà vang lên. Ngoài trời mưa vẫn khúc nhặt khúc thưa, rỉ rả, rỉ rả…

Đàm Lan

Tìm về bến nước

Bình minh âu yếm nâng nhẹ tấm khăn sương che chiếc gương bạc của nàng tiên H’Lung dắt ngang đỉnh trời tròn, từ từ hiện ra hàng ngàn đóa sen trắng, sen hồng đung đưa trên mặt nước biêng biếc. Đang giữa mùa sen, gió đẫm hương mát ngọt. Thuyền độc mộc đi đánh cá, rời bến từ lúc bóng đêm còn loãng, đang đua nhau tung lưới. Trong ánh hồng e thẹn của bình minh, nhìn từ xa, các vàng lưới tung lên như những tấm mạng nhện khổng lồ. Bóng người chống thuyền, thả lưới rung rinh uốn lượn trong sương như điệu múa mời rượu pah kngan rông yang của các nàng sơn nữ. Phía tây hồ, đỉnh Cư Yang Sin hiện dần như vóc dáng chàng Lăk cường tráng đang trìu mến ấp ủ, chở che gương mặt xinh đẹp của người tình.

Đứng trên hiên nhà sàn, Y Tlang hít một hơi thật dài khoan khoái. Bao nhiêu mệt nhọc của một ngày đi bộ hôm qua, gió thơm dừơng như mang đi hết. Chào amí chủ nhà, vịn lên đôi bầu vú căng mẩy chạm đầu thang xuống sàn, Pie Y Tlang và H’Zen quả quyết rảo bước về phía buôn Phơi. Lại đi. Lại hỏi. Nữ thần lúa Yang Hri có bảy người con gái, mỗi nàng là một loại giống. Trong một cơn giận dữ của cha rừng, bảy người con lạc mẹ. Việc H’Zen phải tìm cho ra bảy giống lúa, bảy người con gái thất lạc đã khó, nhưng tìm cho ra gốc rễ của Pie Y Tlang còn khó hơn. Đức Cha Phrancis đã đưa anh về Pháp từ bốn mươi bảy năm trước đây, lúc còn đỏ hỏn như con chuột nhắt mới sanh. Trước lúc đi về cõi vĩnh hằng, Đức Cha mới tiết lộ và khuyên Y Tlang nên đi tìm lại nguồn cội của mình. Sáu tháng trời về tới thành phố Hồ Chí Minh, nhờ mục nhắn tin của báo Tuổi Xanh, cả sự nhiệt tình của Ban bạn đọc, Y Tlang mới gặp được kỹ sư nông nghiệp H’Zen, tìm được người bảo lãnh để về đến cái hồ trên đỉnh cao nguyên, cao hơn mặt biển tới hơn bảy trăm mét này.

Cũng may, H’Zen lại đang được giao đề tài “ Giống lúa rẫy truyền thống của đồng bào Tây Nguyên”, chị mới có dịp đưa Y Tlang đi tìm bến nước gốc cội của anh, kết hợp với việc truy tìm các giống lúa cũ. Hai người đã đến nhiều bến nước Êđê, gặp hàng chục người già không còn đếm được số mùa rẫy đã qua, mà vẫn chưa tìm ra manh mối gì. Tất cả vẫn còn phủ một tấm màn bí ẩn. Hôm nay, H’Zen khuyên Y Tlang chuyển hướng sang tìm ở các bon Mnông.

H’Zen đã lần lượt mở toang ra từng cánh cửa mà đôi chân Pie Y Tlang run rẩy mỗi lần bước qua. Đây là cội nguồn của anh ư? Quê hương của anh đó ư? Mông muội? Hoang dã? Hay chính là những gì trong suốt nhất, hơn cả giọt sương, hơn cả nắng trời, vượt lên trên tất cả? Anh sẽ phải tiếp nhận hay chối bỏ “ nó” đây? Những câu hỏi cứ nhay đi nhay lại trong tâm trí Y Tlang như một lưỡi cưa cùn. Có lúc anh đã muốn bỏ chạy, vứt lại sau lưng tất cả. Thế là đủ rồi, không cần biết điều gì hơn nữa.Nhưng rồi anh cũng lại thấy cần phải đi cho đến tận cùng của sự tìm kiếm. Bởi thật là ngỡ ngàng trước những gì nhìn thấy, nghe thấy và gặp gỡ. Nó chẳng có chút nào chung với cuộc đời bốn mươi bảy năm ở nơi “ kinh đô ánh sáng” mà Y Tlang đã sống. Nhưng lại như giúp anh lần giở từng trang một cuốn sách đầy những điều hấp dẫn. Này nhé, người Êđê ở những nhà sàn mang hình dáng con thuyền, dài đến “ một hơi ngựa chạy ”. Cả buôn dựng nhà theo hướng Bắc –Nam, san sát nhau như các con thuyền độc mộc chiều về neo lại nơi bến nước. Bon làng Mnông lại là những căn nhà trệt nằm kề nhau, mái tranh lợp rủ dài sát đất, tròn như những chiếc nấm mối. Khách muốn vào nhà Êđê phải leo cầu thang đằng trước, vịn tay lên bầu vú gỗ để đến được với không gian mẫu hệ. Nhà Mnông lại có hai cửa hình vòng cung cùng mở về hướng đông, thấp lè tè. Bước qua cửa nào cũng gặp bếp lửa cháy quanh năm. Giữ gìn lửa là việc sống còn của con người giữa rừng đại ngàn. Lửa soi sáng mọi việc làm trong nhà. Lửa nấu chín thức ăn. Lửa xua cái lạnh giá những tháng mưa rừng. Lửa phừng phừng da thịt gái trai thương nhau…Nhà dài Êđê mỗi bếp lửa, mỗi ngăn là một cặp vợ chồng con cái. Người Mnông chỉ có hai bếp lửa chung. Một sạp nứa dài suốt chiều ngang nhà, kêu răng rắc mỗi khi có người bước lên bước xuống. Đây là chỗ ngủ chung của cả đại gia đình lẫn khách. Mọi đôi chân đều hướng ra bếp lửa. Ấm chân sẽ ngủ yên cả đêm, dù chỉ đắp một tấm chăn thổ cẩm mỏng.

H’Zen đang lúi húi bên bếp với mẹ chủ nhà. Y Tlang nằm tựa đầu lên chiếc gối gỗ, đối diện với cửa bên trái, chỗ nằm của khách. Từ đây có thể nhìn xa sang tận bên kia hồ, tới chỗ cánh đồng lớn mênh mang viền quanh bờ Nam. Cánh đồng như một tấm lụa xanh, Mẹ Đất âu yếm choàng cho cô con gái yêu. Hoang sơ, tĩnh lặng, tưởng như đang ở vào thời khắc của chàng dũng sỹ Dam San và nàng H’Nhi thuở trước. Đầu Y Tlang đau như có ai đem búa nên vào…

– Tha lỗi cho Cha, từng ấy năm đã giấu con sự thật. Cha đã từng nghĩ phải để cho con xa hẳn, quên hẳn nguồn gốc man rợ của mình. Nhưng về trước Chúa, Cha không có quyền đem đi bí mật của đời một con người. ..Có Chúa chứng giám…Chắc cha mẹ con trên thiên đàng cũng sẽ hài lòng….Cha…đã…làm hết sức mình để con nên người….Ai cũng có nguồn cội con ạ. Phải trở về thôi….rất tiếc, đã từ rất lâu…Cha không có liên hệ gì với bên ấy….Nhưng con cứ…đến giáo xứ Lạc Thiện…cái hồ…..núi Yang Sin…hỏi…ông…

Tiếng cười đắc thắng của Thần Chết cắt ngang câu nói hổn hển khó nhọc của vị linh mục già. Đồng loạt các quả chuông lớn nhỏ trong mái của nhà thờ xứ rung lên não nề. Bóng áo choàng đen cao lênh khênh, tay lưỡi hái, tay dắt linh hồn vượt qua vòm trần cao thăm thẳm, bay về vô định. Bàn tay Đức Cha Phrancis tuột khỏi đầu Pie Y Tlang, biến thành chiếc cánh vẫy vẫy. Y Tlang cuống cuồng ngẩng lên, đuổi theo

– Đừng bỏ con Cha ơi! Cha! Tìm ông gì Cha ơi…

Đuôi chiếc áo choàng đen quật vào ngực anh đau điếng. Y Tlang mở mắt nấc nghẹn. Chao ôi! Cái hồ hơn năm trăm héc ta mặt nước. Họ đã đi nửa số buôn bản địa quanh nó. Mấy lần trăng? Mấy mùa rẫy Y Tlang mới đi giáp vòng? Mới tìm được cái nơi mẹ đã cắt nhúm nhau, cha đã chôn cuống rốn cho anh? Mà người ta có ở mãi một chỗ đâu. Tìm đến chỗ này là buôn mới, buôn cũ đã dời đi từ hồi bệnh dịch thổ tả hoành hành. Đến chỗ nọ, rẫy cũ đã hết màu, bon làng phải dắt díu nhau đi tìm vùng rẫy khác. Thời chiến tranh còn chạy giặc, dồn dân gom về các ấp chiến lược. Từ ngày thống nhất hai miền, cũng đã vài đợt quy hoạch định canh định cư rồi. Mà Y Tlang đâu có biết mình vốn gốc Êđê hay Mnông đâu để tìm chứ?

– Cha đặt tên con là Y Tlang. Con chim Tlang pút vẫn hót bên cửa số nhà thờ của Cha ở bên cạnh hồ, mỗi sáng sớm…

Cứ đi, cứ hỏi. Mà hỏi ở đâu? Tìm ở đâu? Hỏi ai? Mẹ ơi, cha ơi! Con lại phải tiếp tục sống trong mù mờ thế này bao lâu nữa?

Chiều đang mờ dần trên mặt hồ. Bóng tối trong nhà đã đặc như cắt được. Chợt có tiếng thoang thoảng :

– Về đi con! Những người Mẹ mang con đằng trước, mang gùi đằng sau, không khi nào chối bỏ con cái của mình đâu…

Y Tlang bật dây, thoáng như thấy một phụ nữ tóc dài chấm gót, váy quấn ngang cặp vú, đôi vai trần loang loáng nước, uyển chuyển lướt qua cửa. Bà tan biến trong sương đêm đang mỗi lúc một dày lên.

*

Mệt mỏi. H’Zen và Y Tlang leo lên chiếc xe đò đầy bụi về thành phố Buôn Ma Thuột. Nóc xe chất cao nghệu những sọt hàng chở đầy ốc, cá , lươn…Họ phải về vì đã đi gần trọn tháng. H’Zen thiu thiu ngủ. Y Tlang không dứt khỏi được những ý nghĩ triền miên, lặng lẽ ngó mông ra ngoài cửa xe. Vùng đất này đến lạ, vượt qua những qủa đồi cao với những dãy núi đá thấp chen đất đỏ bạc phếch, những rừng cây lưa thưa, là gặp những cánh đồng rộng đến khó tin.Lúa xanh mơn mởn trải dài đến tít tận chân núi xa. Chơ vơ giữa đồng, một thân cây với đầy những cụm hoa lớn trắng xóa. Đứa trẻ chăn trâu chạy vụt qua, những cụm hoa lay động, biến thành cả trăm con cò trắng táo tác bay lên trong nắng. Bầy cò hợp thành đàn lớn, giang cánh bay về phía núi xa, như một dải lụa trắng phơi ngang nền trời xanh trong vắt. Cái màu xanh ngăn ngắt của bầu trời cao nguyên sao diệu kỳ đến vậy. Dường như không giống với màu xanh của bất cứ một vùng trời nào Y Tlang đã từng thấy, ngay cả bầu trời ở vùng ngoại ô Paris đầy cây xanh mà anh đã lớn lên. Màu xanh ở đây cứ trong vắt, thăm thẳm, nó hợp với chàng gió phóng khoáng tạo nên sự bao la đến vô tận. Giá không có những người phụ nữ váy kéo ngang đầu gối, đang lom khom cấy lúa, làm cỏ, chắc người ta ngỡ đang ở một vùng đồng bằng hay trung du nào đó. Chợt Y Tlang há hốc miệng, chồm lên thành xe, thò hẳn đầu ra ngoài : một người đàn ông mặc độc chiếc quần cộc, phơi tấm lưng trần loáng mồ hôi nâu bóng, vạm vỡ, đang đuổi…voi cày ruộng. Con voi thủng thẳng nhấc từng chiếc chân to như cột nhà, lội bì bõm trong đám bùn. Đuôi ngoe nguẩy như làm nũng với ông bố đang cầm cày phía sau, nhưng vòi lại hít đầy nước ruộng phun lên thằng bé đang nhảy chồm chộp bắt dế trên bờ ruộng. Người đàn ông nhẫn nại đẩy chiếc cày, lật lên những tảng đất bùn đen bóng.

Ôi ! Có biết bao nhiêu điều bí ẩn kỳ lạ mà ta chưa từng được thấy. Có phải quê hương ta thực đó không? Giá mà được sục chân trong đám bùn mát rượi kia. Giá mà được nằm lăn trên đám cỏ mịn dưới gốc cây knia đơn độc giữa đồng ấy. Giá mà được lắc lư trên bành voi đi trong bóng râm mát của rừng đại ngàn? Mẹ ơi! Mẹ chối bỏ con ư ?

Con đường làm từ thời Pháp đến nay, chưa được tu sửa lớn lần nào, xóc dữ dội.Chả trách người ta gọi là Lắc. Đường hẹp chỉ đủ hai xe tránh nhau. Một cái xóc nảy người, quăng cả H’Zen lẫn Y Tlang chúi về phía trước. Từ lúc lên xe, quá mệt mỏi và mải suy nghĩ, bây giờ họ mới chợt nhận thấy : ngồi thu lu trên chiếc ghế đẩu đặt thêm cạnh thùng máy, ngay trước mặt hai người là một ông già dáng nhỏ thó.Tóc ông loăn xoăn trắng như bông blang, xòa xuống tận cổ, viền quanh khuôn mặt đen cháy, đầy nếp nhăn xếp nếp như thân cây bằng lăng cỗi. Hai bàn chân khô đét đầy bụi đường, ngón cái xòe ra tách hẳn với những ngón chân kia, kẹp chặt chiếc dép bằng da bò, co hết lên trên chiếc ghế nhỏ. Tẩu thuốc đen bóng dính chặt trên môi. Đôi mắt ông đã sùm sụp nhưng vẫn ánh lên vẻ tinh anh của người già được coi là thông thái trong buôn. Một chiếc áo không tay dày cộm, cứng queo, luốc luốc màu đà khoác trên vai. H’Zen nhận ra chiếc áo bằng vỏ cây đập dập rất kỹ. Ông lão lạc lõng với xung quanh như vừa bước ra từ câu chuyện cổ về con lươn thần của hai chàng Lăk, Liêng. Một tia sáng lóe lên trong đầu, H’Zen tỉnh ngủ hẳn :

– Ti ih nao ? ( Ông đi đâu vậy?)

Mắt nheo nheo, hai lỗ mũi nở bung, phì ra một đám khói đặc, khét lẹt mùi lá thuốc gốc, thủng thẳng ông nói từng tiếng :

– Đi Buôn Thuật! Cho đứa cháu chứng dùm lại cái giấy cách mạng ghi cho mình đóng góp voi từ hồi chống Pháp.

– Ông mấy lần rẫy rồi?

– Cái bầu khô từ hồi Âe Tăng mình bỏ vô, mấy con cháu đếm được tám mươi sáu hòn đá suối đấy.

– Ti anôk buôn ih? ( Ông ở buôn nào?)

– Buôn Du đó chớ đâu.

Y Tlang chồm tới vồ lấy hai bàn tay như hai chiếc lá đa úa khô, lắc lắc:

– Ông ơi, buôn Du hồi xưa có ai đưa con nít mới sinh cho Đức Cha người Pháp nuôi không ông?

– Để coi coi…Ôi Yang ạ. Cái đầu mình khô như hạt giống trong bầu rồi đấy…

Cặp mắt lại nheo nheo, lại một đám khói đặc khét lẹt che mờ cả khuôn mặt ông lão. Ánh mắt ông bỗng lờ đờ, lờ đờ như đang lạc vào cõi hư vô nào xa lắc…

*

Tiếng ching báo có người chết rầm rập nổi lên từ cuối buổi chiều, các bà í ới xôn xao gọi nhau suốt các nhà dài, từ cây blang đầu buôn, tới bến nước cuối buôn :

– Con H’Liang nó tắt hơi rồi đấy. Nghe tiếng ching báo không?

– Amí Tin ơi, bà sang đó giúp thay váy áo cho nó với.

– Ơ amí Son. Mày ghé bà Chàm lấy mấy cuộc chỉ màu tết sợi dây cúng hồn nhé.

– H’ Yên ! Ở đâu rồi? Con xúc cho amí một nồi ba gạo mang sang nhà cô H’Liang nhé…

Nhà H’Liang không lúc nào ngớt người lên xuống. Sàn nứa rung rinh kêu ràm rạp. Vịn đôi bầu vú gỗ đến nơi cầu thang đằng trước là đàn ông, người mang cột gơng cúng thần, kẻ vác ché rượu, anh khiêng nồi nước, thoăn thoắt nối bước chân nhau. Thang đằng cuối nhà, cô cõng gùi gạo, chị xách con gà, bà nọ hấp tấp chạy sai bọn trai trẻ bổ thêm củi, mấy cô gái gùi thêm bầu nước. Khói đặc sệt từ các bếp lửa dưới sân nhà rung rinh theo nhịp ching, nhịp chân. Các ông oang oang cắt cử người đào huyệt, kẻ tạc tượng, bác làm hòm, cháu bẻ lá nhét vô ghè rượu. Xì xào là tiếng các bà bàn tán sự đẻ khó của H’Liang, tính toán số gạo phải giã, đồ ăn phải đủ cho ba ngày cúng đám. Vượt lên trên những tiếng nhộn nhạo ấy, như một cánh chim chấp chới hốt hoảng, là tiếng khóc của thằng bé mới sinh. Nhăn nhúm như một trái cà dái dê để héo, nó ngoác cái miệng đói sữa mà gào lên từng chặp. Bà đỡ bồng nó đung đưa, vỗ về, kể lể. Mặc ! Nó cứ gào bằng cái giọng đến là chói tai. Đôi lúc bà lão đút ngón tay út vô miệng cho nó mút. Không nhận được chút gì, nó lại nhả ra la chói lói. Dường như thằng bé linh cảm thấy số phận của nó chẳng khác gì rừng đêm không trăng. Pap mnai – tội nghiệp cái thằng ! Cha nó cách nay ba lần con trăng treo vì bắn hụt con hổ thọt, bị nó xé xác trong một đêm săn. Một mình mẹ nó, cái bụng khệ nệ như chiếc trống h’gơr, hết lên rẫy cuốc cỏ, lại xuống suối xúc cá, mò ốc. Chắc không muốn mẹ mang nặng, nên chưa tới ngày tháng đủ, thằng nhỏ đã quẫy đạp đòi ra, khiến amí nó ngã dụi, bao nhiêu máu trong người ào ra cả bờ suối như nước trong bầu dội xuống. Lúc bà đỡ phát vô cái mông bé teo cho nó khóc, cũng là lúc mẹ nó tắt làn hơi cuối cùng, không kịp mở mắt nhìn thấy mặt con. Nó khóc ngằn ngặt từ lúc đó. Ác cái là mẹ nó mồ côi, là người cuối cùng của dòng họ H’Druê ở buôn này. Còn cha nó, lưu lạc từ đâu tới, cả buôn không ai biết rõ, ở làm nô lệ nhà người ta, tới lúc thương nhau, mẹ nó mang tất cả những vật dụng quý còn lại của gia đình, sang nộp cho Âe Tăng làm lễ hỏi và cưới cha nó. Cả dàn ching Lao quý giá pha đồng đen, lẫn bộ ché Tuk, ché Tang ba đời, lớn nhỏ mười cái, mới chuộc được cha. Lúc cha mẹ nó về ở chung, chỉ còn cái nhà trống lổng. Gió đuổi nhau chạy từ cửa phía Bắc sang cửa đằng Nam, không gặp cái gì ngăn lại. Còn bây giờ á, không có người đặt tên cho nó. Càng không có ai để mang tên nó, mẹ nó cứ mãi là H’ Liang với hai mươi mùa rẫy. Cha nó cũng vẫn cứ là Y Rit. Chẳng ai được buôn làng gọi ama thằng nọ, amí thằng kia theo tập tục nữa. Thằng bé vẫn cứ khóc không lặng.

– Tội nghiệp thằng nhỏ quá đi. Buôn mình sao lúc này không có ai đang nuôi con bú hè?

– Con H’Liang có còn bà con nào ở buôn gần, buôn xa không? Đem thằng nhỏ tới đó gửi.

– Đâu có còn ai ! Chắc phải chôn nó theo mẹ thôi. Lời luật tục ông bà ta là thế đó.

– Bếp mình nhận nuôi nó được không amí?

– Đâu có được. Mình không phải bà con, cũng không có người đang còn sữa, làm sao làng cho nhận. Nuôi không nổi nó còn khổ hơn. Phải làm cái hòm rộng cho mẹ nó mang đi theo thôi. Sau này về nhà ai cũng có mẹ có con. Luật tục khít như vậy rồi.

– Ama ! Cái ông áo đen, tóc vàng như râu bắp đó, là ai vậy ?

– A! Đó là người Cha ở nhà thờ buôn Tâng Jú. Con trai buôn mình có người học cái chữ với ông đó mà…

Từng hồi chiêng tang lễ vẫn dồn dập, dai dẳng.

*

Pie Y Tlang ngồi lặng nơi đầu sàn, ngó ra mặt hồ. Chiều, như cô gái tắm, hờ hững buông rơi tấm choàng hoàng hôn. Hàng đàn chim kiú quáo gọi nhau về tổ, cánh chấp chới chao nghiêng in trên nền trời đỏ. Xa xa, những cành thủy tùng khô khỏng, tạc vào chiều như bao nhiêu cánh tay níu kéo, kêu gọi.

Tiếng ching đón khách rộn rã trong nhà ông Ama Nhen, cháu ba đời của Âe Tâng. Không biết có yang nào phù trợ vượt được mọi đổi thay, mà ngôi nhà sàn dài này đã chứng kiến gần cả trăm lần sen tàn, sen nở trên hồ Lăk rồi. Những cây cột một vòng tay ôm, chiếc ghế kpan độc mộc dàn chiêng đang ngồi, dài hàng sải tay; cả chiếc jhưng nơi ông chủ nhà nằm ngủ mỗi đêm bên bếp lửa, đều đã đen bóng như thoa nhọ nồi.

Y Tlang gục đầu. Tay phải vô tình cứ xoay xoay chiếc vòng đồng mà thày cúng sau khi khấn khứa các vị thần linh thiêng, đã lồng vào cổ tay trái cho anh. Tiếng chiêng dội trong ngực anh đau nhói.

– Thế rồi cuối cùng con cũng tìm được bến nước của mình, mẹ ơi.

– Con ơi! Mấy chục mùa gió nổi nay, cha mẹ cứ bay vật vờ như con mối, vì không có người bỏ mả, không thoát được bến nước này, làm sao theo phù trợ cho con được. Nhưng con đã về đây rồi, núi này, rừng nọ, bến nước đây sẽ không bỏ rơi con đâu. Ơ con của mẹ….

Lời khấn của Pô riu yang âm âm trên mặt hồ lãng đãng phủ kín hơi sương :

– Tôi gọi ông Du, ông Diê. Tôi gọi ông Gỗn trên làng trời. Tôi gọi bà Dung bà Dai dưới đất. Tôi gọi hồn mẹ hồn cha phơ phất. Hãy nhận lấy con mình lạc nơi bến nước lạ, nay đã về được với bến nước mẹ cha. Xin các yang cho cái tay nó khỏe như hùm beo, cái chân nó mạnh như heo rừng. Cho của cải của nó tầng tầng như lá cây, tình anh em tràn đầy như nước suối.Ơ Yang !

– Nhưng mẹ ơi, nơi này con đâu còn có ai?

– Còn chớ con ! Bến nước đầu buôn nơi mẹ đổ máu sanh con. Rừng xanh ở đây máu cha con đã đỏ gốc. Cái rốn con chôn chỗ này. Nước sương nơi đây con đã uống. Đó chính là sức mạnh của rừng, đất đã cho con. Bà con đó sẽ là anh em. Buôn làng đó sẽ là nhà con.

– Mẹ! Mẹ ơi!

– Cha mẹ luôn ở mãi với con đây con à.

Y Tlang se sẽ rùng mình. Bàn tay nào vừa vuốt nhẹ từ trên đầu xuống mặt anh.

Vẫn là tiếng chiêng ấy, bây giờ ngân nga ca hát. Tiếng ching dội vang trên mặt hồ, chạy theo những con sóng lăn tăn, gọi vầng trăng mười sáu to như chiếc nong phơi lúa, nhô lên khỏi mặt nước. Những con ruà, con chim, kỳ đà trên xà nhà như được ánh trăng đánh thức, động đậy, động đậy. Y Tlang vươn người đứng dậy hít căng lồng ngực hơi nước mát lành. Anh như mỗi lúc một lớn bổng lên, tràn đầy sinh lực.. Quay lại, H’Zen đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Tiếng ching rộ lên đón chào, vây bọc lấy hai người, ấm áp. Lung linh, lung linh, mặt nước bạc xôn xao, chở tiếng ching vui về bao bến nước….

Linh Nga Niê Kdăm

Chuyện đời Shunkai

Gian nhân tuyệt sắc Shunkai, còn có tên là Suzu, bị bắt phải lấy chồng khi còn rất trẻ. Sau đó, khi cuộc hôn nhân chấm dứt, nàng đi học đại học, và học triết.

Thấy Shunkai là phải yêu nàng. Hơn nữa, đi đâu nàng cũng yêu. Tình yêu đến với nàng ở đại học, sau đó, khi triết lý không thỏa mãn nàng, nàng vào thăm một ngôi chùa để học Thiền, và thiền sinh si mê nàng. Cả đời nàng thấm ướt tình yêu.

Cuối cùng, ở Kyoto nàng trở thành một thiền sinh thật sự. Các bạn thiền sinh nam ở chùa Kennin đều ca ngợi sự thành tâm của nàng. Một người trong số thiền sinh nam có tâm ‎ý tốt và giúp nàng trong việc thực tập thiền.

Vị thầy trụ trì chùa Kennin là Mokurai, có nghĩa là Sấm Lặng, rất khó khăn. Thầy giữ gìn lề luật nghiêm nghặt và muốn các học trò cũng như thế. Trong nước Nhật của thời đại mới, nhiệt tâm nào các vị sư đã mất về Phật học các vị hình như tìm lại được về các bà vợ. Thầy Mokurai phải lấy chổi đuổi các bà đi khi thấy bà nào trong chùa. Nhưng thầy đuổi nhiều chừng nào, các bà ùa vào lại nhiều chừng nấy.

Trong chùa này, bà vợ của sư trưởng tràng ghen với cố gắng và sắc đẹp của Shunkai. Nghe các học trò ca ngợi sự tập Thiền nghiêm chỉnh của Shunkai, bà khó chịu không yên. Cuối cùng bà phao tin đồn về Shunkai và người thiền sinh đang giúp đở cô. Hậu quả là anh ta và Shunkai bị đuổi ra khỏi chùa.

“Tôi có thể là đã lầm lỗi trong tình yêu,” Shunkai nghĩ, “nhưng bà này cũng không thể ở trong chùa nếu bạn của tôi bị đối xử bất công.”

Đêm đó, Shunkai mang một thùng dầu lửa, đốt rụi ngôi chùa 500 tuổi. Sáng ra cảnh sát bắt nàng.

Một luật sư trẻ thích nàng và cố để giảm án cho nàng. “Đừng giúp tôi,” nàng bảo anh ta. “Có thể là tôi sẽ quyết định làm cái gì đó, lại mang tôi vào tù nữa.”

Cuối cùng, sau khi ở đầy đủ bản án 7 năm , Shunkai được thả khỏi nhà tù, nơi một vị quản giáo 60 tuổi đã yêu cô.

Nhưng bây giờ mọi người nhìn nàng là “tội phạm”. Chẳng ai muốn liên hệ với nàng. Ngay cả các thiền nhân, những người đáng lý ra là tin vào sự giác ngộ ở đời này với thân thể này, cũng tránh xa nàng. Thiền, Shunkai khám phá ra, là một chuyện nhưng các thiền nhân lại là một chuyện khác. Thân nhân nàng cũng không dính dấp với nàng. Nàng lâm bệnh, nghèo, và yếu.

Nàng gặp một vị sư vị sư Tịnh độ tông dạy nàng hồng danh Đức Quán Thế Âm, và nhờ đó nàng tìm được an ủi và bình an trong tâm. Nàng qua đời khi còn rất đẹp và chưa đến 30 tuổi.

Nàng viết câu chuyện về đời nàng trong một nỗ lực hoài công để kiếm sống, và kể lại một phần cho một nhà văn nữ. Vì vậy câu chuyện đời nàng đến với độc giả Nhật. Những người đã xua đuổi nàng, mạ lị nàng, ghét bỏ nàng, giờ đây đọc về cuộc đời nàng với những dòng nước mắt ăn năn.
.

Bình:

• Hồng nhan đa truân.

Nghiệp duyên…
Hay luật công bằng? “Càng nhiều sắc đẹp càng nhiều gian truân. Chữ tài liền với chữ tai một vần”?

• Nhưng…

Chuyện này nói về Shunkai, hay thực ra là nói về chúng ta, những người đang sống?

Chúng ta hay ghen ghét với người có sắc, có tài, có cái gì đó hơn ta. Cho nên người đẹp, người tài, người hấp dẫn, thì đi đâu cũng thường có kẻ thù… Và những người này khi gặp hoạn nạn, dù là oan ức, thì cũng không ai muốn đở cho họ, vì tính ghen ghét nói “Cho đáng đời!”

kỳ thị, cư xử với nhau bằng nhãn hiệu. Thấy người đã có tiền án thì lánh xa, ruồng bỏ (dù họ đã trả hết tội trong tù rồi).

đạo đức giả. Người sống thì ruồng bỏ, người đã chết thì mới nhỏ nước mắt. Tại sao? Vì người đã chết thì không còn gì đề ghen, cho nên bây giờ mới khóc được.

Vậy thì…

Yêu người thì hãy yêu người sống. Yêu bằng hành động thật sự, nhất là khi người ta gặp hoạn nạn. Và yêu không lệ thuộc vào nhãn hiệu.

• “Buddha of love” ở đây là Quán Thế Âm Bồ tát. Nhưng nhiều người ở Nhật còn dùng “Buddha of Love” như là một trong những tên và diện mạo của Phật Di Lặc (Maitreya hay Metteyya). Tên này có từ maitrī (Sanskrit) hay mettā (Pāli), có nghĩa là “loving-kindness” (từ bi), là các chữ đến từ chữ mitra (Sanskrit) hay mitta (Pāli) và có nghĩa là “bạn”.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

.

The Story of Shunkai

The exquisite Shunkai whose other name was Suzu was compelled to marry against her wishes when she was quite young. Later, after this marriage had ended, she attended the university, where she studied philosophy.

To see Shunkai was to fall in love with her. Moreover, wherever she went, she herself fell in love with others. Love was with her at the university, and afterwards, when philosophy did not satisfy her and she visited a temple to learn about Zen, the Zen students fell in love with her. Shunkai’s whole life was saturated with love.

At last in Kyoto she became a real student of Zen. Her brothers in the sub-temple of Kennin praised her sincerity. One of them proved to be a congenial spirit and assisted her in the mastery of Zen.

The abbot of Kennin, Mokurai, Silent Thunder, was severe. He kept the precepts himself and expected his priests to do so. In modern Japan whatever zeal these priests have lost of Buddhism they seem to have gained for their wives. Mokurai used to take a broom and chase the women away when he found them in any of his temples, but the more wives he swept out, the more seemed to come back.

In this particular temple the wife of the head priest became jealous of Shunkai’s earnestness and beauty. Hearing the students praise her serious Zen made this wife squirm and itch. Finally she spread a rumor about Shunkai and the young man who was her friend. As a consequence he was expelled and Shunkai was removed from the temple.

“I may have made the mistake of love,” thought Shunkai, “but the priest’s wife shall not remain in the temple either if my friend is to be treated so unjustly.”

Shunkai the same night with a can of kerosene set fire to the five-hundred-year-old temple and burned it to the ground. In the morning she found herself in the hands of the police.

A young lawyer became interested in her and endeavored to make her sentence lighter. “Do not help me,” she told him. “I might decide to do something else which would only imprison me again.”

At last a sentence of seven years was completed, and Shunkai was released from the prison, where the sixty-year-old warden had become enamored of her.

But now everyone looked upon her as a “jailbird.” No one would associate with her. Even the Zen people, who are supposed to believe in enlightenment in this life and with this body, shunned her. Zen, Shunkai found, was one thing and the followers of Zen quite another. Her relatives would have nothing to do with her. She grew sick, poor, and weak.

She met a Shinshu priest who taught her the name of the Buddha of Love, and in this Shunkai found some solace and peace of mind. She passed away when she was still exquisitely beautiful and hardly thirty years old.

She wrote her own story in a futile endeavor to support herself and some of it she told to a woman writer. So it reached the Japanese people. Those who rejected Shunkai, those who slandered and hated her, now read of her live with tears of remorse.

Annotation:

  • Beauty and suffering.

Karma…

Or the rule of compensation? “More beauty, more suffering. Gain rhymes well with pain”?

  • But…

This story is about Shunkai, or is it indeed about us, the living?

We are jealous of people with talents, beauty, or something better than ours. Hence, beautiful people, talented people and attractive people have enemies every where they go. When these people are met with misfortune, even unfairly, no one wants to help them. Jealousy likes to say: “They deserve it!”

And we discriminate, treating each other with labelism. Seeing an ex-convict, we stay away from her, even denying her (though she already paid her dues in jail).

And our hypocracy! We have shooed away the living and now she is dead, we shed tears for her. Why? Because, the dead has nothing to be jealous of?

So…

If we love people, then let’s love the living. Let’s love by action, especially when they are in distress. And let’s love without depending on the labelism.

(Trần Đình Hoành annotated)