Chào các bạn,
Hôm nay mình đề cập đến một loại vốn gọi là Vốn xã hội rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của một xã hội.
Vốn xã hội (social capital), cũng như tài nguyên thiên nhiên (natural capital – vốn tự nhiên) hay máy móc thiết bị sản xuất (manufactured capital – vốn sản xuất), cũng là một nguồn vốn trong nền kinh tế. Khái niệm này bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỉ 20 bởi Lyda Judson Hanifan, sau đó liên tục được phát triển bởi các nhà xã hội học, kinh tế học như Pierre Bourdieu, James Coleman hay Francis Fukuyama. Tuy vậy Robert D. Putnam, nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, giáo sư đại học Harvard ngành chính sách công, là người đầu tiên đưa khái niệm vốn xã hội trở thành tâm điểm của các nghiên cứu khoa học và tranh luận rộng rãi.
Theo Putnam “vốn xã hội là các mối liên kết giữa các cá nhân – các mạng lưới xã hội và các quy tắc qua lại và từ đó hình thành nên sự tin tưởng”. Ông nhấn mạnh rằng yếu tố căn bản trong vốn xã hội đó là “đạo đức dân sự” (civic virtue), và yếu tố này càng mạnh hơn trong một xã hội có các mối quan hệ xã hội qua lại (reciprocal social interactions). Một xã hội có nhiều cá nhân bị tách biệt thì không giàu vốn xã hội . Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp hội (association) và xã hội dân sự. Vốn xã hội góp phần nâng cao chất lượng c ủa một đời sống dân sự và phát triển một xã hội dân sự.
Ngân hàng thế giới cũng đã công nhận “vốn xã hội chỉ đến các tổ chức, các mối quan hệ, và các khái niệm hình thành nên số lượng và chất lượng của các tương tác xã hội trong một xã hộị. Ngày càng có nhiều minh chứng cho thấy các cố kết xã hội rất quan trọng cho các xã hội tăng trưởng về mặt kinh tế và phát triển một cách bền vững”.
Trong cuốn sách “Bowling Alone: The collapse and revival of American community” ông đưa ra một số lý do giải thích vì sao vốn xã hội quan trọng:
1. Vốn xã hội cho phép công dân giải quyết các vấn đề tập thể dễ dàng hơn, mọi người thường có lợi nếu họ hợp tác với nhau để giải quyết phần việc của mình
2. Khi mọi người tin tưởng và đáng tin tưởng, thì các mối quan hệ xã hội và kinh doanh sẽ tốn ít chi phí hơn
3. Khi con người thiếu các liên hệ với người khác, họ sẽ không thể kiểm tra sự đúng đắn của quan điểm của họ, do đó họ dễ có xu hướng bị lung lay bởi những lúc thiếu bình tĩnh.
Vốn xã hội đối với một cá nhân có thể đơn giản là các mối quan hệ xã hội mà người đó có, được xây dựng trên sự tin tưởng và có tính cố kết chặt chẽ. Một người nói rằng danh sách bạn bè của mình có hơn 100 người, nhưng có khi cả năm không nói chuyện với nhau thì đó không phải là những mối quan hệ bền vững. Mặt khác, một người có ít hơn 100 bạn, nhưng lại thường xuyên nói chuyện, hỏi thăm, trao đổi thư từ, gặp gỡ những người này thì rõ ràng là vốn xã hội mà người này có lớn hơn nhiều. Giàu vốn xã hội hay nói cách khác là giàu các mối quan hệ xã hội dựa trên sự tin tưởng, tích cực và bền chặt là có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cá nhân hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Ví dụ đơn giản, khi bạn cần mua một chiếc máy tính chẳng hạn. Nếu bạn có một người bạn làm trong nghề buôn bán máy tính hay am hiểu máy tính, bạn biết người này rất rõ và tin tưởng họ, thì bạn hoàn toàn có thể nhờ người này tư vấn để mua máy tính mà khỏi cần tìm hiểu các nguồn thông tin trên mạng rất mất thời gian.
Khi xin việc cũng vậy. Có một con số không chính thức là 70% việc ở Mỹ không được đăng tải chính thức trên các phương tiện truyền thông, mà qua truyền miệng. Do đó rất nhiều người tìm được việc qua bạn bè giới thiệu, và thực tế cũng cho thấy tỉ lệ hài lòng với công việc cao hơn, tỉ lệ bỏ việc thấp hơn trong nhóm những người xin việc qua các mối quan hệ cá nhân như thế này.
Đối với các tổ chức hay doanh nghiệp, vốn xã hội cũng đem đến một số lợi ích như:
1. Chia sẻ kiến thức tốt hơn có được từ các mối quan hệ tin tưởng đã được thiết lập, các khung tham khảo chung, các mục tiêu chung
2. Chi phí giao dịch giảm, do mức độ tin tưởng tăng cao hơn
3. Tỉ lệ nghỉ việc và thay thế nhân viên thấp, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo
4. Tính cấu kết cao giúp cho tổ chức ổn định và chia sẻ những hiểu biết chung
Putnam cũng đưa ra một số yếu tố để xác định vốn xã hội thông qua một số ví dụ về sự suy giảm nguồn vốn này trong xã hội Mỹ ở thế kỉ 20:
1. Tham gia về chính trị và dân sự: ví dụ như tỉ lệ bỏ phiếu, mức độ hiểu biết chính trị hay tin tưởng chính trị (politial trust). So với một thập kỉ trước đây, hiện nay số lượng người Mỹ kí vào các thư kêu gọi giảm 30%, và tham gia vào các cuộc tẩy chay hàng tiêu dùng giảm 40%. Điều đó cho thấy sự suy giảm trong đời sống cộng đồng, các hoạt động của các câu lạc bộ và các tổ chức tôn giáo cũng giảm đáng kể.
2. Các ràng buộc xã hội không chính thức: ví dụ vào năm 1975 trung bình một người Mỹ mời bạn của mình về nhà chơi 15 lần một năm, con số đó năm 1998 giảm xuống còn một nửa. Các hoạt động thể thao tập thể cũng đang suy giảm.
3. Sự khoan dung và tin tưởng: mặc dù người Mỹ ngày càng khoan dung hơn với người khác nhưng lại kém tin tưởng người khác hơn. Cơ hội nghề nghiệp cho các ngành như cảnh sát, luật sư, và bảo vệ cá nhân đã giảm đi trong thế kỉ 20. Ví dụ số lượng luật sư trên đầu người năm 1970 giảm so với năm 1900.
Do vậy xây dựng vốn xã hội rất quan trọng trong thành công của mỗi cá nhân cũng như một xã hội nói chung. Có nhiều hoạt động để chúng ta tham gia thường xuyên và liên tục phát triển vốn xã hội của mình, ví dụ như:
1. Thường xuyên gọi điện hỏi thăm bạn bè và người thân ở xa
2. Giúp đỡ mọi người mọi lúc mọi nơi nếu có thể, và giúp đỡ một cách chân thành
3. Nói “Không có gì” khi có ai đó xin lỗi
4. Nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn” mỗi ngày
5. Tổ chức một buổi họp mặt với bạn bè hay người thân
6. Tham gia cuộc họp của khu phố
7. Đăng kí bầu cử và bầu cử
8. Ủng hộ các doanh nghiệp địa phương
9. Hiến máu
10. Tránh “buôn dưa lê”
11. Tham gia một buổi tiệc ở nhà bạn bè khi được mời
12. Biết được các giáo viên của con bạn
13. Hát trong một nhóm nhạc
14. Đi bộ hoặc đi xe đạp để ủng hộ một hoạt động nào đó và rủ mọi người cùng tham gia
15. Trả lời một bản điều tra nếu bạn được hỏi
16. Đọc sách cho con bạn
17. Tham gia một nhóm tình nguyện
18. Đọc tin tức địa phương thường xuyên
19. Tình nguyện đưa đón giúp một người nào đó
20. Chào khi gặp một người quen
21. Chào những người lạ khi đi trên phố
22. Đi bộ ra công viên
23. Rủ bạn bè tham gia một buổi tiệc hay dã ngoại
24. Mở cửa cho ai đó khi họ cần giúp đỡ
25. Tổ chức một buổi họp mặt gia đình
Chúc các bạn một ngày thân ái,
Hoàng Khánh Hòa
Bài này khá lắm, Khánh Hòa. Không hổ danh là thạc sĩ Mỹ. Trường em nên hãnh diện về em.
Khái niệm “social capital” chưa được hiểu rõ và nắm vững trong các quốc gia chậm tiến, vì ý niệm phong kiến cổ điển–nhà nước là boss của nhân dân và phải quyết định mọi thứ.
Trong các quốc gia với quản lý văn minh hơn, nhà nước tìm đủ mọi cách để phát triển social capital của quốc gia.
Social capital phát triển mạnh nhất tại những nơi người dân tụ tập thường xuyên với tâm tình tốt về nhau (tức là không tụ tập để đánh nhau hay hút sách, chẳng hạn). Theo thứ tự quan trọng, các nơi này là:
1. Gia đình
2. Trường học
3. Chùa, nhà thờ, các nơi thờ tự
4. Các hội đoàn từ thiện
5. Các hội đoàn nghề nghiệp
Tạo điều kiên cho các tổ chức này phát triển, có nghĩa là để cho họ phát triển tự do 100%, và có một khuôn luật pháp chống lạm dụng.
Số 2, 3, 4,và 5 bên trên là xã hội dân sự (civil society).
Phần này là phần lớn nhất của xã hội, đồng thời là phần tồi tệ nhất trong chính sách tại Việt Nam.
Chính sách tại Việt Nam ngày nay vẫn là chính sách cổ điển, ép buộc tất cả hội đoàn xã hội nằm trong cai trị của Đảng ta.
Nếu so chính sách này với chính sách về tổ chức kinh tế và thương mại ở VN, người ta có thể hiểu được chính sách về xã hội dân sự VN châm tiến và bán khai đến mức nào. Hãy tưởng tượng, nếu ta muốn mở một nhà hàng, nhà hàng đó phải trực thuộc một cơ quan nhà nước nào đó và phải nằm trong MTTQ. Trong trường hợp đó, đếm cả Sài Gòn có hơn 100 nhà hàng không? Và phẩm chất mỗi nhà hàng sẽ thế nào? Đây là tình trạng hiện tại của xã hội dân sự Việt Nam. Anh đã nói về vấn đề này gần 20 năm, xem ra chẳng có ma nào biết nghe cả.
Sự thật là các quí vị làm chính sách ở VN, chẳng hiểu social capital là cái gì.
Cám ơn, Khánh Hòa. Nếu em có thể research về sự phát triển của các non-profit organizations ở Mỹ (503(c)(3) organizations) và viết một bài thì rất hay. 🙂
ThíchThích
Chào Khánh Hoà!
– Chị hiểu bài viết này cũng sơ sơ thôi. Nhưng chị đã tìm ra một đoạn bổ ích cho mình. Cảm ơn em rất nhiều!
(1. Thường xuyên gọi điện hỏi thăm bạn bè và người thân ở xa.
2. Giúp đỡ mọi người mọi lúc mọi nơi nếu có thể, và giúp đỡ một cách chân thành
3. Nói “Không có gì” khi có ai đó xin lỗi
4. Nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn” mỗi ngày)
– Cảm ơn em! Chúc em một ngày ấm áp và tăng nhanh vốn xã hội! 😀 😛
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành, anh lại quá khen em rồi hì hì.
Ở Mỹ thì em thấy hệ thống administrative của chính phủ làm rất tốt, vì họ đề cao mục tiêu là giúp nhau để giải quyết vấn đề, hơn là đặt ra một lô lốc các regulation rồi ai theo được thì theo. Vì cuộc sống muôn mặt, nếu không có con người giúp đỡ nhau thì có lẽ chúng ta chỉ cần biển hiệu và một danh sách các hướng dẫn là đủ, đâu cần nhân viên lễ tân hay giải quyết khiếu nại nữa 🙂
Chính vì suy nghĩ như thế mà mọi người rất sẵn lòng giúp nhau, người Mỹ nổi tiếng thẳng thắn , nói không giúp được là không giúp, nhưng đã giúp thì rất rất nhiệt tình. Họ thích giúp đỡ người khác, có lẽ vì họ được nhiều người giúp đỡ, vì thế họ hiểu là khi một người cần giúp đỡ mà giúp được thì cực kì có ích cho người đó.
Em luôn thấy rất thankful mỗi khi được giúp như vậy, nếu không có điều đó thì một sinh viên quốc tế đi du học như em gặp vô vàn những khó khăn trong cuộc sống sẽ rất dễ nản và nhiều việc sẽ không chóng xong được.
Ở Việt Nam mình nếu như mọi người ai cũng có suy nghĩ tích cực như vậy thì cuộc sống tốt lên rất nhiều.
@chị Minh Tâm: phần cuối “thực hành” là quan trọng nhất đó chị ơi hii…Chúc chị ngày mới vui nhé 🙂
ThíchThích
Hi Khánh Hòa,
Anh quên mất virtual space của Internet. Các nơi tụ tập để phát triển xã hội còn phải kể thêm các diễn đàn, mạng xã hội, blogs…
Vầy thì các điểm tập trung để phát triển social capital phải được updated thành:
1. Gia đình
2. Trường học
3. Chùa, nhà thờ, các nơi thờ tự
4. Các hội đoàn từ thiện
5. Các hội đoàn nghề nghiệp
6. Các diễn đàn, mạng xã hội, blogs… trên Internet
Và từ số 2 đến số 6 là xã hội dân sự (civil society).
Xem ra Việt Nam đang đối diện với khó khăn của thời đại là làm thế nào để tạo một môi trường tốt cho Internet.
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành, đúng là Internet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta quá mạnh mẽ. Thế giới trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết.
Nói về vốn xã hội với cá nhân, em quan tâm nhất là xây dựng các mối quan hệ bền vững, tích cực. Em nghĩ đó là điều quan trọng để mỗi người đạt được mục tiêu, được cổ vũ và giúp đỡ bởi người khác để làm được tốt nhất có thể.
Càng có nhiều mối quan hệ tốt, mà cái này cũng là cái “có đi có lại”, thông qua hoạt động xã hội đoàn thể, giúp đỡ người khác, mình quen biết và tạo quan hệ bạn bè với nhiều người, thì mình có thể học hỏi và có được sự giúp đỡ của bạn bè khi cần thiết.
Chứ học vấn hay bằng cấp đôi khi không phải là yếu tố quyết định.
E. Hòa
ThíchThích
Hi Khánh Hòa,
Tất cả các hoạt động của các đoàn thể mà anh đã kể ra cũng chỉ là để mang đến kết quả tối hậu là các cá nhân có những quan hệ tin được và bền vứng. Và chính các quan hệ cá nhân này của mỗi người là social capital của người đó. Tổng số social capital của các cá nhân trong quốc gia là social capital của quốc gia.
Cách duy nhất để tăng social capital là giúp xã hội dân sự phát triển. Chẳng có cách nào khác.
Social capital không những quan trọng trong nội bộ một quốc gia, mà nó còn cực kỳ quan trọng trong liên hệ kinh tế và chính trị giữa quốc gia này với các quốc gia khác trên thế giới.
Nếu người biết suy nghĩ một tí, sẽ thấy ngay là social capital là loại vốn liếng quan trọng hơn tất cả các vốn liếng khác như tiền bạc, máy móc, hay tài nguyên thiên nhiên.
Nhưng tại Việt Nam nó là vốn liếng hoàn toàn bị lãng quên, hoặc là hoàn toàn không được hiểu đến.
ThíchThích