Con gái, làm sao để trở nên có giá? – Phần 1

Con gái thân mến,

Làm sao để trở nên có giá?

Đừng để người yêu gọi mình là: “Đồ ngốc!

Dù chàng nói theo kiểu ngọt ngào: “Đồ ngốc đáng yêu của anh, anh yêu em.“; hay nói theo kiểu giỡn giỡn vui vui: “Ngốc à, anh yêu em nhiều lắm!“; hay nói theo kiểu ngôn tình, khi hai bên vừa cãi nhau xong và bạn “buộc” phải thua, chàng trầm tĩnh ra dáng đàn anh chín chắn và thầm thì rất nhẹ vào tai bạn chỉ mỗi một từ: “Ngốc!“…, dù ở trường hợp nào, bạn cũng nên say: “No, em không phải là đồ ngốc.

Có thể chàng sẽ vẫn xử sự với bạn như không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu ba tháng sau chàng âm thầm lặng lẽ rời khỏi bạn mà không có một câu goodbye thì bạn cũng không nên quá ngạc nhiên.

Không biết đàn ông VN thời Lạc Long Quân và Âu Cơ thế nào, chứ đàn ông VN trong khoảng 2.000 năm gần đây (gồm 1.000 năm Bắc thuộc và 1.000 năm hệ lụy tiếp theo), đa số có tính cách “ông chủ” với người yêu rất rõ. Đặc biệt trong vấn đề trí tuệ, đa số đàn ông VN luôn muốn hơn phụ nữ một cái đầu. Gọi người yêu là “Đồ ngốc” là một ví dụ chứng minh khá cụ thể.

Tại sao Trung Quốc, hay Pháp, khi làm ông chủ ở VN thì luôn gọi dân VN là dân ngu, dân dốt, dân chẳng biết gì, dân mọi rợ, dân kém văn minh?

Là để các ông chủ dễ cai trị.

Nếu làm cho một người tin là họ ngu (dù họ có ngu hay không), kèm theo việc đốt hết sách vở và phá hủy các hình thức văn hóa nghệ thuật của dân tộc họ, sau một ngàn năm, thể nào họ cũng tin là họ ngu.

  • Khi họ tin họ ngu, họ sẽ rất ngoan, rất nghe lời ông chủ. Ông chủ rất dễ sai bảo họ.
  • Khi họ tin họ ngu, họ sẽ chỉ nhìn thấy cái ngu của nhau. Ai cũng nghĩ: “Mình ngu, nó còn ngu hơn mình. Mình không lãnh đạo nó thì thôi, sao nó lãnh đạo mình được?” Vì thế, họ không thể tạo thành một team đoàn kết để đánh đổ ông chủ. Nhờ đó, ông chủ có thể làm chủ một ngàn năm, hoặc ít nhất một trăm năm.

Nếu dân VN tin mình là dân giỏi nhất thế giới, dân thông minh nhất thế giới, dân văn minh nhất thế giới…, dễ gì các ông này làm chủ được dân VN?

  • Khi họ tin họ giỏi, họ sẽ không chịu làm nô lệ cho bất kỳ nước nào.
  • Khi họ tin họ giỏi, họ sẽ chỉ nhìn thấy cái giỏi của nhau – của những người cùng dân tộc. Ai cũng nghĩ: “Mình giỏi, nó cũng giỏi. Nó là lãnh đạo, mình sẽ hỗ trợ hết mình.” Vì thế, họ có thể tạo thành một team đoàn kết đến nỗi chẳng có nước nào dám có tư tưởng làm chủ dân VN.

Thế nên, muốn cai trị được dân VN, phải làm cho dân VN tin chắc như đinh đóng cột rằng: VN ngu, VN dốt, VN kém văn minh… thì mới dễ cai trị được. Nghĩa là phải làm cho dân VN có tâm lý nô lệ.

Tâm lý nô lệ này ở trong máu VN nhiều đến nỗi, dù phần xác có tự do khỏi ông chủ phương Bắc, phần hồn dường như vẫn chưa tự do được, vẫn còn bị nô lệ.

Đây là ví dụ nhỏ về tâm lý nô lệ vẫn còn trong máu VN, giữa hai giới: Đa số đàn ông VN thích gọi người yêu là “Đồ ngốc” và đa số phụ nữ VN thích được đàn ông gọi là “Đồ ngốc”.

Đây là tâm lý nô lệ giữa các nô lệ với nhau: Đàn ông là “ông chủ” và phụ nữ là “nô lệ”. Khi phụ nữ tin họ ngốc, họ sẽ rất ngoan, rất nghe lời ông chủ. Ông chủ rất dễ sai bảo họ. Thế nên, muốn “cai trị” được phụ nữ, phải làm cho phụ nữ tin chắc như đinh đóng cột rằng: phụ nữ ngốc, phụ nữ khờ, phụ nữ cần đàn ông… thì đàn ông mới dễ “cai trị” phụ nữ được.

Từ “đồ ngốc” đến “đồ ngu” cũng chỉ cách nhau vài mm, từ “đồ ngốc đáng yêu” đến lạm dụng/ bị lạm dụng tinh thần và thể chất cũng chỉ cách nhau vài mm. Thế nên các bạn gái, đây là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ. Tốt hơn bạn đừng để người yêu lạm dụng mình, từ điều nhỏ nhất. Và tốt hơn nữa bạn nên chuẩn bị tinh thần – Đa số các chàng VN sẽ không đồng ý chuyện “đồ ngốc” mà bạn yêu cầu và sẽ lẳng lặng ra đi, từng chàng một.

(Đây là lời khuyên dành cho các bạn đang hẹn hò và sẽ hẹn hò. Nếu bạn đã lập gia đình, mình không có ý kiến.)

Đầu bài là: “Con gái, làm sao để trở nên có giá?” Và kết bài là: “Con gái, hãy yêu chính mình. Nếu mình không yêu mình, ai có thể yêu mình?”

Phạm Thu Hương

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Con gái, làm sao để trở nên có giá? – Phần 1”

  1. Cám ơn Thu Hương đã chia sẻ. Chủ đề thật thú vị. 🙂

    Về vấn đề này, chị có một số suy nghĩ, định viết xuống nhiều lần nhưng đến nay mới đủ cảm hứng để viết:

    1. Mình biết giá trị của mình, chẳng cần sự đánh giá của người khác để biết mình giá trị mức nào, càng chẳng phụ thuộc vào một câu nói của ai đó về mình để nghi ngờ hay ảo tưởng về giá trị của mình.

    2. Khi mình biết giá trị của mình, đứng trước một người biết giá trị của mình mình sẽ thấy cảm kích, đứng trước một người không biết giá trị của mình thì chỉ thấy đơn giản là “họ không biết”, hoặc “họ không cùng hệ giá trị với mình” – chẳng có gì to tát, cũng chẳng có gì phiền lòng, cùng lắm là 1 sự tặc lưỡi “chúng ta không có duyên với nhau”.

    3.Tuy nhiên, nếu mình không mang trong mình tâm đánh giá người khác, thì một cách tự nhiên, mình cũng chẳng đánh giá chính mình, chẳng suốt ngày cầm cây thước lăm lăm đo đạc và so sánh – rất mệt mỏi và chia rẽ.

    4. Trong liên hệ tình cảm, nên lắng nghe trái tim mình để hiểu lời nói người đối diện. Nhiều khi “đồ ngốc” chỉ là 1 tiếng gọi yêu, hay thậm chí trách yêu, thì chẳng việc gì phải chấp ngôn để phải đính chính “em không ngốc”. Bạn trai mình hồi đó có lẽ chỉ 1-2 lần gì đó “đủ can đảm” gọi mình là “đồ con bò” – và tất nhiên khi đó mình cũng sướng rơn, và mình cảm nhận được rõ nó chẳng liên quan gì đến việc chàng đánh giá sự thông minh, tri thức hay con người mình ở mức độ nào. Và mình nghĩ khi đã yêu, người ta không cảm về quan hệ “ông chủ”, “nô lệ” hay “cai trị”. Còn khi cảm nhận như vậy thì có lẽ tình yêu đã mải chơi lạc bước nơi nào rồi. Take it easy and follow your heart thôi. 🙂

    Thích

  2. Interesting discussion.

    QL có lý trong liên hệ gần gũi giữa 2 người. Đôi khi 2 người yêu có thể nói với nhau rất thân tình: “Sao anh/em ngu quá vậy?”

    Nhưng quan sát phong trào giải phóng phụ nữ ở Mỹ và các nước, anh thấy trên bình diện xã hội, từ ngữ các ông dùng thường là điều đầu tiên các bà các cô vận động để clean up (bằng cách outlaw một số các từ đã dùng trong truyền thống). Vị dụ: cách đây 30, 40 năm, trong văn phòng các ông thường gọi các cô là “dear”,”love”, “baby”, “honey”… Đây là các terms of endearment mà những người yêu nhau hay vợ chồng thường dùng, và các ông trong văn phòng dùng với các cô các bà chắc cả trăm năm rồi. Nhưng trong thập niên 1980s trở đi, các từ này bị các bà các cô áp lực bãi bỏ, và chúng được xem là coi thường phụ nữ (“Chúng tôi là nhân viên văn phòng, như các nhân viên nam. Chẳng phải người để dating với các ông”).

    Đương nhiên là gọi phụ nữ bằng các từ “thân ái” kiểu “dummy”, “stupid”, “air-head” dùng cho phụ nữ thì đã bị outlaw từ xửa từ xưa rồi có lẽ cả trăm năm rồi. Chẳng chàng nào được dùng ở bất kì nơi nào với bất kì cô nào. (Đương nhiên là ngoại trừ hai người bạn thân hay hai người yêu nói đùa với nhau).

    Lúc con gái anh mới 11, 12 tuổi gì đó, có lần nó cười to quá, anh nói: “Girls don’t laugh loud like that.” Nó nhìn anh, rồi hỏi: “Dad, what did you say?” Anh hiểu ngay tức thì là tại sao anh nói “Con gái không cười to, còn con trai thì sao?” Nghĩa là, anh muôn nói con đừng cười to thì nói “Đừng cười to”, đừng có “Con gái” vô đó, vì đó là bắt bình đẳng nam nữ. Đó là bài học có lẽ là đầu tiên về bình đẳng nam nữ và lịch sự trong ngôn từ với phái nữ mà anh có ở Mỹ. Nhờ đó mà anh cực kì nhạy cảm với cách dùng ngôn ngữ với các cô (nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đụng vấn đề).

    Vì anh là đàn ông nên không nhạy cảm về ngôn ngữ với các cô như chính các cô, nhưng anh biết trong phong trào đòi bình đẳng và chống lạm dụng tình dục của phụ nữ, điều đầu tiên bị tấn công và outlaw là ngôn ngữ, cách gọi, và cả ngôn ngữ của cơ thể. Những điều này vẫn đang nóng bỏng ở Mỹ và ở các nước.

    Và anh cũng nhận thấy là trên bình diện xã hội, outlaw một số cách xưng hô và nói chuyện truyền thống, giúp đàn ông rất nhiều trong tư duy bình đẳng về phụ nữ, như ứng xử với nữ luật sư hệt như nam luật sư vì cả hai đều là luật sư và thông minh như nhau, chẳng lý do gì dùng các từ khác nhau để nói chuyện (ngoại trừ she/he).

    Đàn ông không biết họ bất bình đẳng với phụ nữ, vì tác phong họ quen vậy cả trăm năm rồi. Các ông cần được giáo dục về bình đẳng.

    Hình như TH đang nói về một vấn đề xã hội, QL nói về tình cảm giữa hai người.

    A. Hoành

    Đã thích bởi 1 người

  3. Em cám ơn anh đã chỉ ra sự “lỗi nhịp” của em. Đúng là em dễ bị chấp câu chữ – chắc ít nhiều bệnh nghề nghiệp. 😀 Tuy nhiên em cũng hơi chút lo ngại nếu bạn trẻ nào đọc bài này bị bám câu chữ như em hiểu và áp dụng máy móc. Dù sao đây cũng là một chủ đề rất thú vị và tiêu đề rất khơi gợi sự quan tâm của các cô gái. 🙂

    Thích

  4. Ah, sau khi gửi comment đầu tiên xong, em nghĩ và muốn bổ sung thêm 1 ý, nhưng buồn ngủ quá nên đành bỏ lại, là dù sao trong liên hệ tình cảm, cũng nên hạn chế nói những câu kiểu như “đồ ngốc” – dù ở vai anh hay vai em – không phải vì vấn đề bình đẳng mà vì nó vi phạm nguyên tắc “tương kính như tân”. Đôi khi những ngôn ngữ “bất thường” như vậy truyền tải những cảm xúc rất cao trào, nhưng nếu thường xuyên và trở thành “bình thường” thì nó lại thiết lập 1 thói quen dễ dãi trong ngôn từ và có thể dễ dãi cả trong cảm nhận của mình về người kia, tình cảm mình dành cho người kia.

    Có lẽ hôm nào anh viết về ranh giới hay lựa chọn giữa giữ “tương kính như tân” và một chút “bỗ bã” do sự thân mật, gần gũi, cởi mở giữa 2 người – trong mọi quan hệ chứ không chỉ giữa 2 người yêu nhau. Em cám ơn anh. 🙂

    Thích

  5. Hi chị Linh và anh Hoành,

    Khi anh Hoành động viên phụ nữ cần can đảm đòi hỏi đàn ông tôn trọng mình (trong bài Người duyên và comments trong bài), em đã can đảm hơn để nói lên những điều em thấy và cảm nhận, từ chính em và từ những người em chứng kiến.

    Hành trình lên tiếng để giải phóng phụ nữ này thật chẳng dễ chút nào. Nhưng mỗi khi chùng xuống, những tiếng khóc và đau khổ của các chị trong đêm khuya lại giúp em điềm tĩnh hơn, để suy nghĩ cách giải quyết cho hiệu quả.

    Đây là vấn đề xã hội. Và là một vấn đề xã hội nhức nhối, vì cả bên lạm dụng và bên bị lạm dụng đều không công nhận mình lạm dụng hay bị lạm dụng; ngoại trừ những trường hợp quá sức rõ ràng (như lạm dụng đến mức gây ra thương tật).

    Vì cả hai bên đều không thấy mình lạm dụng hay bị lạm dụng, nên vấn đề này khá phức tạp. Nếu bên bị lạm dụng thấy mình bị lạm dụng và họ lên tiếng yêu cầu được tôn trọng thì câu chuyện có lẽ sẽ dễ dàng hơn.

    Phụ nữ cần can đảm đòi hỏi đàn ông tôn trọng mình.

    Em cảm ơn chị Linh và anh Hoành chia sẻ.

    Em Hương

    Đã thích bởi 2 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s