Những điều trông thấy mà…

Tôi vưà có hai chuyến điền dã tìm hiểu văn hoá cổ truyền của người Mnông ở tỉnh Đak Nông và người K’Ho ở tỉnh Lâm Đồng. Đây vốn là hai tộc người cùng chung ngữ hệ Môn – Khơmer, có rất nhiều điểm tương đồng về nghệ thuật diễn xướng goong – ching (bài bản ching, làn điệu dân ca, dân nhạc) và phong tục tập quán ( kiến trúc nhà, sản xuất nương rẫy, tang ma, cưới hỏi…). Điểm khác nhau cơ bản là: nếu trong chương trình sưu tầm sử thi đã thực hiện ở Tây Nguyên, các nhà khoa học “nhặt” được từ người Mnông hàng trăm tác phẩm trường ca – sử thi (ot, n’trong) đồ sộ, thì hình thức văn học truyền miệng độc đáo này (Yang yao) ở vùng người K’Ho chỉ còn là những trường đoạn đứt gãy. Thậm chí văn hoá truyền thống K’Ho hầu như chỉ lờ mờ trong ký ức người già (từ 70 mùa rẫy trở lên), lớp trung niên (từ 60 tuổi trở xuống) gần như chẳng còn nhớ gì nhiều .Tuối càng thấp thì sự hiểu biết về văn hoá tộc người của chính mình càng ít.

Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh , Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN đã từng có lần xót xa nhận xét “cái nghèo khiến các dân tộc còn giữ được văn hoá truyền thống”. (Điều này dưòng như mẫu thuẫn với một câu ngạn ngữ của người Việt, rằng “phú quý sinh lễ nghĩa” chăng? Bởi các tỉnh, huyện, xã miền xuôi khắp cả nước, chẳng đang đua nhau khôi phục các lễ hội truyền thống đó sao?).

Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập trước hết trong câu chuyện này, chưa phải về văn hoá cổ truyền, mà là về đời sống của hai tộc người tương đối gần gũi về phong tục tập quán, ở hai địa bàn khác nhau vừa nói đến ở trên.

Nói theo kiểu người Tây Nguyên chúng tôi phải tận mắt nhìn, phải tự tai nghe mới tin, thì :

– Đa số gia đình người Mnông ở các huyện Đăk Rlâp, Quảng Khê, Krông Nô, Đăk Song, thị xã Gia Nghĩa…thuộc tỉnh Đăk Nông mà chúng tôi đến, đều chưa thoát khỏi đói nghèo, do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đất. Tuy hầu hết đã chuyển từ nhà tranh sang nhà ván, nhà gạch,mái tôn, nhưng chỉ là những căn nhà cấp 4, diện tích hẹp. Có rất ít thanh niên người Mnông học tới trình độ cao đẳng và đại học.

Trò chuyện cùng chúng tôi, người dân đều có nguyện vọng được có đất để làm rẫy, may ra mới khỏi đói. Thậm chí có vùng còn đề nghị được chuyển cư đi tìm đất. Bà con cũng lý giải việc khó khôi phục lại văn hoá truyền thống, vì mọi lễ nghi, lễ hội đều liên quan tới lương thực, thực phẩm, mà điều đó hiện nay không thể giải quyết được.

– Người K’Ho ở tất cả những nơi chúng tôi đến (Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh,Dam Rông) đều có cuộc sống khá hơn hẳn, đặc biệt những nhà làm cà phê, hoặc chuyên canh rau & hoa (những vùng làm lúa tuy không giàu có bằng, nhưng cũng không bị đói). Rất nhiều gia đình xây nhà dạng biệt thự khang trang, đầy đủ tiện nghi (ti vi, bếp ga, máy giặt, tủ lạnh…). Người K’Ho là một trong những dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên có đông trí thức nhất.

Trao đổi điều này với những người nông dân K’Ho mà chúng tôi gặp, bà con đều cho rằng: mặc dù kỹ thuật chưa cao, nhưng do có đất sản xuất, nên thu nhập đủ sống, đủ nuôi con ăn học. Nhưng khi chúng tôi hỏi “con cháu mình biết gì về văn hoá tộc người mình?”, hầu hết đều trả lời “ không biết gì ngoài tiếng nói”. Họ cũng bày tỏ nguyện vọng muốn khôi phục lại văn hoá truyền thống, nhưng hầu hết không hiểu nên giữ lại cái gì, bỏ đi cái gì (bởi đa số là tín đồ đạo Thiên Chúa & Tin lành), nhất là khi không mấy ai còn biết truyền thống văn hoá của mình có những gì, ngoài gong ching vừa được quốc tế công nhận là di sản văn hoá nhân loại, thì ở nhiều vùng đã im tiếng từ vài chục năm nay.

Vậy là hai tộc người thiểu số Tây Nguyên, hai hiện trạng cuộc sống giàu nghèo khác nhau, nhưng đều đứng trước nguy cơ mất hẳn kho tàng văn hoá đã từng rất đồ sộ và có giá trị vô cùng quý báu của mình, mất “di sản văn hoá phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”

Trước hết là việc đời sống kinh tế chênh lệch rõ rệt ở hai vùng. Người Mnông nghèo và vẫn bị đói là do thiếu đất sản xuất. Thật khó tin, nhưng đó là sự thật. Chuyện xa hơn một chút, tù trưởng N’Trang Gưh đã từng dẫn 600 người Bih, người Mnông bỏ bon lan lùi sâu vào rừng chống Pháp. Những năm 60 của thế kỷ XX, khi lập vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Đăk Lak phải động viên một số hộ người Êđê từ Krông Ana bỏ buôn làng quê hương chuyển cư sang, để có thêm dân, vì cơ số người Mnông ở Krông nô quá ít. Cách mạng mà không có dân, không có chỗ dựa , làm sao thành công? Ấy vậy mà ngày nay “số ít” những chủ nhân đích thực ấy, lại không có đủ đất canh tác để đảm bảo đời sống, chỉ no đủ thôi, chưa dám mơ tới giàu có, là sao?

Sau nữa là biện pháp bảo tồn một trong những “vùng văn hoá cồng chiêng” Tây Nguyên thì thế nào nhỉ? Thể theo ý nguyện của bà con, ấy là cần lắm những cán bộ văn hoá là người chính dân tộc mình, để cùng nhau bàn bạc, lựa chọn cái gì phù hợp mà bảo vệ lấy “ nó” cho khỏi mất đi. Đấy, cứ ngoái lại mà xem, nếu là người bản địa tham gia vào chương trình, thì đâu đến nỗi đêm khai mạc cồng chiêng quốc tế ở Gia lai bị đông đảo khán giả chê bai vì sự thiếu tôn trọng chính chủ thể cồng chiêng đến thế? Mà có phải thiếu người đâu? Có tới hai Nghệ sỹ nhân dân chuyên ngành đạo diễn múa là người Bâhnar và Hrê ở đó đấy chứ. Nhưng họ có được nhúng tay vào đâu? Phải mời hẳn một công ty ở Hà Nội vào thực hiện, mới thành công chứ.

Thêm một câu chuyện nho nhỏ : có người tự cho là tâm huyết, có ý thức trách nhiệm, đã đến tận xã Nhân Cơ, nơi đang triển khai dự án Bôxit ở tỉnh Đăk Nông xem tận mắt, rồi về lớn tiếng “mọi người nói sao chứ dự án chỉ lấy có rẫy của 3 hộ Mnông, đã đền bù thoả đáng rồi”. Vâng, nhưng có ai quan tâm đến một cái hồ có tên gọi “cá trê”, nơi mà mỗi năm một lần, các bon Mnông quanh vùng mang theo rượu cần, goong –ching, tụ tập cùng tát cá và ăn uống, múa hát chung ở đó, nay đã bị biến mất không? Xì ! Cái hồ là việc nhỏ.Số tiền đền bù ấy có thể mua được xe máy, xây nhà …tốt quá rồi còn gì? Cái đói nếu có đến là tại bà con không biết mua đất ở đâu mà sản xuất đấy, chứ có phải tại “ ông Boxit ” đâu ???

Buổi sáng đầu tiên chúng tôi ở trang trại Trung Nguyên tại M’Drăk,để bàn về việc chuẩn bị cho Festival cà phê quốc tế tại Đăk lăk năm 2010, một nhóm các nhà kinh tế trẻ, gồm toàn các Tiến sỹ vừa từ Hà Lan, Mỹ, Đài Loan về, đã thẳng thừng nhận xét “Soi lại lịch sử thì người Kinh chỉ giỏi đánh nhau, xâm chiếm đất đai, áp đặt lối sống của mình, chứ không hiểu và không biết cách bảo hộ văn hoá, không tôn trọng văn hoá ngay cả của chính mình lẫn của các dân tộc thiểu số khác ”.

Xin dành sự bình luận cho các bạn ghé qua “nhà” tôi nhé.

Linh Nga Niê Kdăm

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Những điều trông thấy mà…”

  1. Chào chị Linh Nga :), thật vui gặp lại chị trong một bài viết nữa về Tây Nguyên.

    Em cũng cảm thấy rất đáng tiếc là văn hóa Tây Nguyên đang bị xâm phạm và mất dần đi, cứ như một cơn lốc ào ào kéo đến cuốn trôi tất cả.

    Quan điểm của em thì hầu như quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế đều gặp phải những sai lầm về chính sách gìn giữ văn hóa dân tộc và người thiểu số (bài của anh Hoành ngày hôm nay là một ví dụ, nước Mỹ, Canada đến bây giờ cũng mới nhận “tội” cơ mà). Cho nên đây cũng không hẳn là lỗi của người Kinh :P, em nghĩ thế.

    Vấn đề bây giờ là khi đã nhận ra văn hóa cũng là một thứ vốn trong rất nhiều các vốn khác mà đất nước ta có như rừng vàng biển bạc, con người, thì làm thế nào để khắc phục và phát triển thôi.

    Một phần nếu chính phủ không chủ động nhìn nhận thì rất khó, phần nữa thì chính các dân tộc thiểu số phải nhận thức được mối nguy đó mà cất tiếng nói thôi – em đã chia sẻ với chị về vấn đề này lần trước rồi thì phải :).

    Như trong ví dụ ở Mỹ, các bộ tộc da đỏ cũng phải lobby chính sách. Việt Nam mình không được đến thế, thì ít nhất cũng phải lên tiếng nhiều hơn nữa. Em nghĩ các bài viết của các anh chị trong ĐCN giới thiệu về Tây Nguyên cũng đã góp ích rất nhiều để mọi người biết nhiều hơn, khiến chúng ta thấy Tây Nguyên gần gũi hơn.

    Chị khỏe nhé 🙂

    E. Hòa

    Thích

  2. Còn câu này nữa ạ:

    Cái hồ là việc nhỏ.Số tiền đền bù ấy có thể mua được xe máy, xây nhà …tốt quá rồi còn gì? Cái đói nếu có đến là tại bà con không biết mua đất ở đâu mà sản xuất đấy, chứ có phải tại “ ông Boxit ” đâu ?

    nói thế này thì đúng là “bó tay” thật. Chắc bác lãnh đạo này nghĩ là sắm cho người dân tộc Ede một cái xe máy để trèo đèo lội suối là họ có thể sống tốt, sống khỏe (không rõ là lấy cái gì ăn?).

    Còn vì làm bauxite nên mời dân ra chỗ khác ở, còn ở đâu họ không cần biết?

    Hai chữ “tâm huyết” sao nghe kì quá chị ơi 😦 😦

    E. Hòa

    Thích

  3. Hi Chị Linh Nga, câu này của chị mình muốn tô đậm nó lên trước khi post, nhưng vì chị viết bình thường cho nên mình không muốn làm lệch ý chị.

    Nhưng vì vậy mà mình post lại đây:

    Một nhóm các nhà kinh tế trẻ, gồm toàn các Tiến sỹ vừa từ Hà Lan, Mỹ, Đài Loan về, đã thẳng thừng nhận xét “Soi lại lịch sử thì người Kinh chỉ giỏi đánh nhau, xâm chiếm đất đai, áp đặt lối sống của mình, chứ không hiểu và không biết cách bảo hộ văn hoá, không tôn trọng văn hoá ngay cả của chính mình lẫn của các dân tộc thiểu số khác ”.

    Chị có thể đặt thêm trên mình vào. Nhìn lại lịch sử cũ với các dân tộc thiểu số và chính sách hiện nay, mình thấy từ “áp đặt lối sống” rất đúng. Người Kinh một lúc nào đó phải biết khiêm tốn và thành thật đủ để xin lỗi. Chúng ta phàn nàn Tàu và Pháp đì chúng ta, trong khi đó chúng ta không hề nói một chữ trong các sách giáo khoa về việc ta đì các dân tộc anh em.

    Tuy nhiên, Khánh Hòa nói rất có lý. Con không khóc mẹ không cho bú. Các trí thức Tây Nguyên phải tự bảo vệ quyên lợi của dân tộc mình trước, bằng cách lên tiếng đòi hỏi, thuyết phục, lobby… Rồi các anh em khác sẽ hỗ trợ.

    Chị Linh Nga, thế giới ngày nay rất nhỏ, đừng lo là tiếng nói của anh chị ở Pleiku hay Balme không ai ở Hà Nội, London hay Washington nghe thấy.

    Thích

  4. Cảm ơn anh Hoành 🙂

    Anh Hoành phân tích em thấy rõ hơn. Các sai lầm đó là khó tránh khỏi nhưng nếu mình sai thì phải nhận lỗi.

    Nhiều người Việt mình không có khái niệm gì về Tây Nguyên, lại càng không rõ đời sống văn hóa của người dân tộc. Các bài viết như thế này giúp chúng ta hiểu hơn về Tây Nguyên nhiều lắm.

    E. Hòa

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s