“Người ta không yêu kẻ chẳng thể hiện tình yêu” (William Shakespeare)
Bạn đang yêu? Có lẽ bạn có một người yêu dấu, đã đính hôn hay đã cưới. Thế thì bạn thể hiện tình yêu của mình như thế nào? Ở nước Mỹ, những đôi lứa chẳng ngại ngần nói: ‘ Anh yêu em” hay “Em yêu anh”. Trao đổi những lời yêu này hàng ngày chẳng những bình thường mà lắm khi còn được thốt ra nhiều lần trong ngày. Ấy thế mà tỉ lệ ly hôn vẫn cao? Tại sao? Có lẽ chỉ vì những lời yêu thốt ra ấy sáo rỗng và cạn cợt.

Thực sự thì tình yêu cần được bày tỏ, nhưng ngôn từ là hình thức thể hiện dở nhất. Nói cho cùng, những lời YÊU ấy chỉ là biểu hiện thiếu đi cái chất, cái hồn. Chính HÀNH ĐỘNG mới quan trọng. Kịch tác gia vĩ đại W. Shakespeare (1564-1616) đâu có nói ”Người ta không yêu kẻ chẳng NÓI lời yêu”. Chính xác Shakespeare nói: “Người ta không yêu kẻ chẳng thể hiện tình yêu”
Quả vậy, chúng ta bày tỏ tình yêu bằng cách thể hiện hay chứng tỏ tình yêu ấy. Có nghĩa là ta để cho hành động của ta nói lên lời yêu. Có chút giá trị bé mọn nào ở câu nói “Anh yêu em” của một anh chồng khi mà phần lớn thời gian anh ta cau có và cư xử thiếu tôn trọng vợ? Nhưng một người chồng tế nhị, tốt bụng, khoan dung và đồng cảm khiến vợ mình tràn ngập trong biển tình mà không cần nói lời nào.
Nếu bạn phải bày tỏ tình yêu bằng lời, đừng chỉ nói” Anh yêu em/ Em yêu anh” mà hãy giải thích ý nghĩa “Tình Yêu” đối với bạn. Chẳng hạn, hãy thử so sánh hai câu sau:
1. “Anh yêu em/ Em yêu anh”
2. “Anh/Em tôn trọng, ngưỡng mộ, và tin tưởng ở em/anh. Anh/Em vui thích có em/ anh bên mình, tự hào và hạnh phúc được kết hôn với em/ anh.

Bạn thích nghe câu nào hơn? Bạn đang sử dụng câu yêu nào?
Nhưng dẫu cho từ ngữ trong 2 câu nói trên tha thiết, mãnh liệt đến dường nào, chúng rồi cũng sẽ phai nhạt, rơi vào lãng quên và tan biến nếu không được hổ trợ bằng hành động để chứng minh lời bạn nói.
Ngoài ra, nếu bạn đang bày tỏ những lời yêu thương rất hay với người mình yêu, nhưng nếu những lời ấy nói ra không đúng cách cũng thành vô nghĩa. Vì khi thông đạt lời bạn nói, người yêu của bạn sẽ tính chỉ 7% mức độ quan trọng của từ ngữ bạn dùng. Quan trọng hơn là giọng nói của bạn (38%) và ngôn ngữ cử chỉ của bạn (55%). Tỉ lệ này lấy từ nghiên cứu nổi tiếng của tiến sĩ Albert Mehrabian, Giáo sư Emeritus ngành Tâm Lý, ULCA.
Như thế, điều mà GS Mehrabian muốn nói là khi có sự chênh lệch giữa lời nói ra, giọng nói và ngôn ngữ cử chỉ của chúng ta, thì lời nói là kém quan trọng nhất, ít được chú ý, hay không đáng tin tưởng. Làm thế nào ta có thể đảm bảo ngôn từ, giọng nói, ngôn ngữ cử chỉ của ta cân xứng với nhau? Dễ thôi! Câu trả lời là hãy chân thực! Nếu bạn chân thành, thông điệp yêu thương của bạn sẽ vang to và rõ ràng.
Có khi nào trong đời và trong ngày, bạn dừng lại để nghĩ xem tại sao bạn yêu người ấy không? Một lý do phải chăng là cách mà người ấy khiến bạn cảm nhận về chính bản thân mình khi hai người bên nhau? Với sự hiểu biết này làm hành trang, bạn hãy bắt đầu cuộc hành trình và ứng dụng vào mối quan hệ của bạn nhé. Có nghĩa là bằng sự khuyến khích động viên, thừa nhận, tôn trọng và ngợi khen người yêu, bạn sẽ làm cho người ấy thoải mái với sự hiện diện của bạn, và thêm năng lượng cho ngọn lửa yêu thương, duy trì và phát triển mối quan hệ. Có người đã diễn giải nguyên lý này chỉ giản đơn như thế này: “Anh yêu em không phải vì em là ai mà chỉ vì anh là ai khi có em bên anh.”
Còn một nguyên do nữa là ta yêu người ấy vì cái mà ta thiếu, cái ta chưa có.
Mặc dù tôi đã thay đổi nhiều qua năm tháng, nhưng khi tôi gặp người vợ yêu dấu của tôi thì tôi là một người hướng nội, nhút nhát trong khi cô ấy rất quảng giao và tự tin. Vì cô ấy có những tính cách lý tưởng mà tôi ao ước, tôi dã bị cuốn hút. Và tôi đã có được rất nhiều từ mối quan hệ của chúng tôi, với sức mạnh cô ấy trao cho tôi.
Bạn đã có được những gì từ mối quan hệ của bạn? Và lần trước bạn nói lời cám ơn người yêu là khi nào thế?

Nhưng đừng chỉ nghĩ đến những điều khác biệt nhé. Hãy nghĩ xem bạn và người ấy giống nhau thế nào. Ví dụ như bạn cảm nhận ra sao khi bạn bị quên lãng, bị coi nhẹ, bị làm tổn thương, hay không được yêu quý. Đó đích thực là cách mà người yêu của bạn cảm nhận. Hãy nhớ đến nỗi đớn đau và nhất quyết không gây ra nỗi đau ấy cho người mình yêu (đúng hơn là cho bất kỳ ai trên đường đời ta gặp).
Cũng cần nhớ rằng người mình yêu là tấm gương phản chiếu chính mình. Nói cách khác, chàng hay nàng chỉ phản chiếu cách người ấy được đối đãi. Nếu người ta buồn rầu, đau khổ há chẳng phải là đang phản ứng lại cách ta cư xử hay sao? Do đó, nếu bạn không thích những biểu hiện ấy, chỉ cần thay đổi cách cư xử CỦA CHÍNH BẠN.
Ken Keyes, Jr giải thích hiệu ứng phản chiếu như sau: “Một người đang yêu sống trong một thế giới tràn đầy tình yêu. Một kẻ thù hận sống trong thế giới đâu đâu cũng là thù địch”
Vì người mình yêu phàn ánh những gì ta trao tặng, vậy tại sao không trao tặng yêu thương? Đây là một quyết định sáng suốt, vì theo Elbert Hubbard (1856 -1915) “Tình yêu cho đi là tình yêu duy nhất chúng ta gìn giữ.” Vì chúng ta cho đi tình yêu bằng hành động, ta hãy thử xem cách những người yêu nhau thể hiện tình yêu.
Người chồng của một người phụ nữ tôi quen, đã chết cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ trong nước mắt, bà ấy còn nhớ lại lời của chồng mình nói từng ngày: “Anh yêu em nhiều hơn hôm qua, nhưng vẫn ít hơn ngày mai”. Câu nói giản đơn này chỉ mất vài giây để thốt ra, nhưng mỗi ngày nó thổi vào ngọn lửa tình yêu và để lại một vết tích không bao giờ xóa được.

Một trường hợp khác, vợ của một người sống ở Toronto qua đời trong một tai nạn đã kể lại rằng sau khi cưới nhau, người chồng đều tặng vợ một chục đóa hồng mỗi thứ sáu. Trong 20 năm của cuộc hôn nhân, ông ta không hề quên chỉ một lần. Bạn có thể tưởng tưỡng được niềm hạnh phúc của người vợ ấy? Bạn đã và sẽ làm điều gì để khiến người mình yêu cảm thấy vị trí đặc biệt và tình yêu bạn dành cho người ấy?
Một cách dễ dàng để người yêu cảm thấy được yêu quý là hãy chấp nhận người ấy vô điều kiện. Sam Keen giải thích như sau: Chúng ta yêu không phải khi tìm được một người hoàn hảo, mà bằng việc học cách nhìn thấy trọn vẹn một người yêu chưa hoàn hảo.
Còn đây là ý tưởng của Michal Webb: Hãy mua cho người yêu 11 đóa hồng thực và 1 đóa hổng nhân tạo. Đặt đóa hổng nhân tạo kia vào giữa bó hoa và viết trên tấm thiệp kèm theo: “Anh sẽ yêu em đến khi đóa hoa cuối cùng phai tàn.”

Rabindranath Tagore (1861-1941 nói gì ? “Kẻ đến gõ cửa tình yêu với trái tim yêu thấy cửa mở”. Vâng, hãy mở cửa và mở lòng ra cho cuộc phiêu lưu duy nhất đích thực của cuộc đời.
Hai tác giả Arthur Gordon và Leon de Seblo cũng cho ta lý do để vun xới cho tình yêu.
Tình yêu khiến gánh nặng nhẹ đi vì bạn chia bớt. Nó khiến niềm vui lớn thêm vì bạn chia sẻ. Nó khiến bạn mạnh mẽ hơn để bạn có thể bước vào đời và đối mặt với những tình huống mà nếu một mình bạn chẳng dám phiêu lưu (Arthur Gordon)
Không tình yêu, người ta thiếu đi sự ấm áp và xúc cảm tạo ra cuộc sống, trẻ trung và cái đẹp. Người không yêu giống một ao tù đem so với một con suối không ngừng chảy, róc rách, reo vui. Người ấy làm hỏng lòng yêu đời của những người xung quanh thay vì rọi ánh dương lên những ai lân cận. (Leon de Seblo)
From Personal Development Articles by Chuck Gallozzi
Huỳnh Huệ dịch
Thân tặng bài này cho tất cả những người yêu nhau: những đôi lứa và cả những tình yêu khác không nhất thiết phải có những bông hồng thứ sáu
😛 😀 😛