Cha mẹ Y Blum vốn là nô lệ của tù trưởng Âe Thuột, bị bệnh khó chữa nên sớm theo nhau đi về bến nước ông bà .Sống nhờ những người nô lệ khác, ai kêu làm việc gì thì làm,đương nhiên Y Blum thuộc quyền sở hữu của Ama Thuột, vì ăn cơm trong nhà người buôn ông , ở trong đất của buôn ông chứ sao nữa.Y Blum Không giống với một số bạn như Y Ngôn, Y Za, Y Wu,Y Tla …bị ngưòi Pháp cưõng bức, bắt đi học tập trung ở trưòng tiểu học Pháp – Đê từ năm mới bảy tuổi.Mấy người đó đã có vài lần trốn về,bị Pháp bắt nhốt cha mẹ , nên phải trở lại học tiếp.Tù trưởng Ama Thuột thấy mặt mũi sáng sủa, lanh lẹn, nên gửi luôn cả Y Blum, cùng với mấy đứa nhỏ khác cháu ông, cùng ở trong buôn, tới trường Pháp – Đê để học chữ.

Lớn hơn một chút so với bạn bè đồng niên,biết thân phận mình chỉ là đứa không cha mẹ, học ké, nên những ngày theo học trong trường, Y Blum tuy vẫn thèm thuồng,lặng lẽ theo dõi những cuộc chơi của các bạn, nhưng ít khi nào dám hoà chung.Ngày nghỉ, mấy trò không có gia đình ở thị xã kéo nhau về chơi với đám con cháu nhà Ama Thuột, trèo hái cam trong rừng , tát cá, bẫy chim,tắm suối Ea Siăr…cũng có kêu cùng đi, nhưng trong đầu YBlum vẫn hiểu rất rõ mình chỉ là đứa trẻ mồ côi mồ cút, như con chồn non lạc mẹ thôi. Thày giáo Y Jút có nhắc lắm, mới dám tham gia một vài cuộc chơi ở trường, nhưng cũng không nói năng gì.Một lần cả lớp đi dã ngoại, thấy có rất nhiều những người đầu cạo trọc, mặc áo quần sọc như nhau,đang quét đường.Về tới trường, Y Blum nghe Y Ngôn và các bạn xúm lại nhao nhao hỏi thày Y Yut :
– Họ là ai vậy thầy giáo ?
Thày Y Jút nói :
– Đó là những người cộng sản, bị Pháp nhốt tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột.
– Vì sao họ lại bị tù hả thày giáo ?
– Vì họ chống lại người Pháp, đòi người Pháp trả lại nước An nam cho người An nam. Người Pháp không muốn vậy, nên đày họ từ miền xuôi lên đây.
– Sao gọi họ là cộng sản ?
– Vì trên thế giới cũng đang có những người cộng sản đấu tranh đòi quyền lọi cho người nghèo giống như họ, nên người Pháp gọi họ như vậy.
– Vậy họ đòi quyền cho người Joăn thôi à? Có đòi cái gì cho người Êđê mình không ?
– Bây giờ thì chưa biết,nhưng nếu chúng ta đi theo họ, chắc chắn họ cũng sẽ đấu tranh với người Pháp đòi quyền lợi cho người Êđê chúng ta chứ .
Y Blum nghe thày giáo nói thì biết vậy, nhưng cũng không dám hùa theo các bạn để hỏi thêm chuyện của thày Y Jút.
Rồi bữa thày Y Jút vận động cả hàng trăm người dân thị xã Buôn Ma Thuột tập trung ở toà nhà công sứ , đưa kiến nghị đòi đổi công sứ Sa-Ba-Chie vì ông này ác quá , Y Blum cũng không chạy theo các bạn đi xem. Anh rất sợ bị người Pháp đuổi ra khỏi trường, sợ ông Ama Thuột bực mình vì chuyện gì đó mà không cho đi học nữa.
Năm tốt nghiệp tiểu học Pháp – Đê , các bạn khác cùng lớp xin đi học trường y sỹ Đông Dương, hoặc sư phạm hết. Riêng Y Blum đăng lính khố xanh. Có chút văn hoá, biết tiếng Pháp nên có vẻ nhanh nhẹn hơn ,Y Blum nổi bật lên trong đám lính người Êđê cùng đi một lần,lại là người do tù trưởng Ama Thuột đỡ đầu, nên được cử ngay giữ chức cai đội.Ama Thuột hài lòng lắm. Một hôm ông gọi Y Blum về buôn, hỏi thăm nhiều chuyện không có đầu có đuôi, rồi nói :
-Tui rất mừng thấy mày được người ta tin cậy. Tui muốn mày lấy vợ cho có người dệt áo, nấu cơm, gùi củi , cho thành cái nhà có nóc, có cây cột cái. Mày có ưng không ?
Nãy giờ từ lúc vô nhà vẫn ngồi khoanh chân, hai tay đặt trên đùi yên lặng lắng nghe Ama Thuột nói, bây giờ Y Blum mới mở lời :
– Tui từ nhỏ sống trong buôn của khua (*), ăn cơm nhà khua, uống nước bến khua làm chủ . Được khua thương cho đi học biết cái chữ, nay lại muốn cho có mái nhà trên đầu, có người đàn bà của mình mỗi đêm trên chiếu. Ý tốt của khua sao tui không nghe được kia chớ.

Vậy là lễ cưới của Y Blum và H’Nuai ,con gái một người nô lệ khác của Ama Thuột đã được chuẩn bị nhanh chóng.Người mối mang vòng đến gặp gia đình H’Nuai hỏi :
– Nếu theo tục lệ , H’Nuai cưới chồng kpi ung mố đều do nhà gái đứng ra chi phí,phải lần lượt qua bốn lễ . Đầu tiên là lễ hỏi, tiếp theo sẽ là lễ thoả thuận đồ dẫn cưới, nhà trai có quyền được đòi hỏi. Sau đó là lễ gọi chồng iêo ung và rước rể về nhà gái. Cuối cùng là lễ trở lại nhà trai để mẹ chồng trao một số vật dụng cần thiết như dao, cuốc và chén bát cho chú rể mang về nhà vợ. Thế nhưng Y Blum mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng không có cậu em mẹ dăm dei làm trụ ,mà do Ama Thuột đứng ra lo , nên sẽ bỏ hết các lễ đó, chỉ còn rước rể và gọi chồng thôi. Vậy nhà H’Nuai có ưng chịu không ?
– Chúng tôi ưng , vì đã có ông chủ bến nước khua pin ea chịu lo cho Y Blum.
– Nếu ưng thì cầm vô vòng đồng này để tui về nói lại với khua buôn.
Thấy Ama, Ami H’Nuai đã cầm vòng ưng chịu, ông mối bàn tiếp việc để cho Y Blum sẽ ở tạm nhà người bà con xa, đợi nhà H’Nuai tới rước theo đúng tục lệ. Việc này cũng được nhà gái bằng lòng và hẹn ngày đem đồ lễ đến .Dù là mồ côi, không có đánh chiêng, cột nhiều rượu ghè,nhưng được sự chăm sóc của chủ bến nước, nên phần lễ vẫn diễn ra chu đáo, theo đúng lệ của buôn sang.Sáng sớm, đoàn rước rể đã rời nhà,mang theo một ghè rượu , một con gà và hai chiếc vòng đồng.Ông mối trịnh trọng trong bộ áo khố mới, bước vô nhà người bà con của Y BlumTừ lâu, H’Nuai đã dệt xong tấm váy, áo đẹp cho mình, bộ áo knuky và khố kpin cho người sẽ làm chồng,nghĩa là chỉ còn chờ đợi đến đám cưới này. Bây giờ Ama,Amí cô chỉ cần lo heo gà, gạo …đãi khách, chứ nhà Y Blum không còn ai, nên đâu phải đền trâu, bò cho cha mẹ, không cần nhiều vòng đồng mua đường đi của bọn trẻ con.Còn những người họ xa của anh, làm gì dám đòi hỏi nhà chủ bến nước mà họ vốn là nô lệ chứ ?
Con trai Êđê ở nhà mình chỉ là ở tạm, khi có người con gái nào chịu bắt về, nhà vợ mới là nơi là nơi ở vĩnh viễn. Ngày đầu tiên , Y Blum thấy lạ lẫm làm sao với cảm giác đây chính thức là nhà của mình.Từ ngày ama,ami đi về “ đất nước ông bà ”, anh chưa bao giờ dám ước mong mình có lúc được có một gia đình như thế này.Bởi chẳng ai dại gì mang của cải đi cưới một người mồ côi. Không có gốc cội, cái rễ cây biết bám vô đâu mà lớn lên, đẻ nhánh,mọc cành?
Đám cưới xong đã lâu. Ai ở nhà nào đã về nhà đó hết.Nãy giờ ngồi miết nơi bếp lửa ngòai gian khách đing gar cho đến khi mọi người trong nhà đã chìm trong giấc ngủ, Y Blum mới dám khe khẽ nhẹ chân bước vô phía đinh ok bên trong ngăn nhà dài, mới được nối thêm cho cô con gái vừa bắt chồng. H’Nuai trùm lên người anh tấm apăn còn thơm mùi nước vỏ cây nhuộm chỉ, sợi vải ram ráp cọ trên những tấm thân trần. Cả người cô quấn tròn trong tấm váy m’yêng không dắt chặt một đầu.Y Blum nắm góc váy,từ từ gỡ ra, cho đến lúc siết chặt trong vòng tay tấm thân trần nóng hôi hổi của người vợ trẻ, hít hửi mùi da thịt con gái trinh nguyên vừa lạ lẫm vừa gần gũi, thèm khát vục đầu trên gò ngực vun đầy nâu bóng của H’Nuai,chòng chành như đang cưỡi trên ngọn sóng con sông Sê Rê pôk.Thân hình H’Nuai cong như con sâu đo, rướn sát vào Y Blum.Nhấn sâu sự run rẩy ham mê của mình vô niềm sung sướng nóng bỏng của vợ, anh thấy sao mình được các yang yêu chiều quá nhiều.Một lần, hai lần, ba lần…Mồ hôi hết ướt lại khô.Sàn nhà thì thầm kẽo kẹt. Đêm sao ngắn quá.
Chứ sao nữa, nhà Ama Thuột bỗng dưng chẳng mất gì mà có người thân làm tới cai đội trong chính quyền, gia đình ama H’Nuai bỗng chốc trở thành thân cận với chủ bến nước – khua pin ea. Còn Y Blum, đi làm về không còn phải thui thủi một mình giữa căn chòi vắng ngoaì bìa rẫy. Ngày đầu tiên trong bữa ăn, chỉ nghe tiếng mắng bọn trẻ con của Aduôn, nhìn ami H’Nuai đi qua đi lại coi sóc, chia bôi từng bầu nước, tô cơm canh, anh đã sững sờ vì một cảm giác ấm áp rất lạ dâng lên đến cay xè trong mắt.

H’Nuai tuy không phải là cô gái xinh đẹp, nhưng khoẻ mạnh, có duyên ngầm,lại biết đảm đang việc nhà và tính tình dịu dàng, đêm đến rất nồng nàn say đắm trong việc làm chồng vợ, sẵn sàng đáp trả cũng mạnh mẽ không kém .Y Blum còn muốn gì hơn?
Anh biết ơn Ama Thuột lắm lắm và nguyện không bao giờ có ý định phản lại ông.Anh biết ,ông không xấu bụng như người ta nghĩ. Hồi còn nhỏ,trong những lúc lặng lẽ phục vụ trầu thuốc, đổ nước rượu cần cho các tù trưởng quanh vùng sình sịch ghé voi lên sàn,vô nhà, anh đã nghe ông tranh cãi với họ rất nhiều. Hồi Pháp mới đóng đồn ở Buôn Đon, các tù trưởng như ông Ama Jao tóc bạc, bà Yă Wam vừa cao lớn vừa xinh đẹp… đã nhiều lần ghé voi lên hiên nhà dài của Ama Thuột, bàn cách ngăn không cho họ lấn ra ngoài này, ngăn mấy lão già mặc tấm choàng apăn đen len lỏi đi các buôn sang tuyên truyền đạo gì gì đó, còn cố tình lần lữa không chịu giúp lão cha cố xây nhà sàn giống nhà dài Êđê. Có người cho rằng Ama Thuột đem con rắn về cắn con gà trong chuồng mình, khi đồng ý cho người Pháp chuyển trung tâm đại lý hành chính Đăk lăk từ Buôn Đon về đây. Nhưng khi ông hỏi, ai biết cách gì ngăn không cho Pháp thực hiện ý muốn chuyển tỉnh lỵ ra ngoài này thì cho biết,thậm chí nghe hay, ổng còn đãi heo cho ăn nữa, vậy mà có ai nói được phải làm thế nào đâu ? Người Pháp có xe bay, súng nhỏ, súng to…không làm theo ý họ, liệu cả Ama Thuột lẫn buôn sang có được yên ?Huống chi Pháp còn bằng lòng vẫn để cho thị xã mang tên Ama Thuột,lại còn miễn cho người buôn ông khỏi phải đi xâu làm đường hai mùa rẫy . * *
Tháng 5-1954. Không hiểu vì sao hồi này không khí trong thị xã Ban Mê và cả cao nguyên Trung phần sôi lên sùng sục, cứ như có một cơn sóng ngầm nào đó đang trỗi dậy trong mỗi góc phố. Ngay cả ở mấy buôn người Êđê như Păn Lâm, Lê A, Kó Siêr quanh đây lẫn ngoài vườn rẫy, trên phố, thường có nhiều người tụ tập , thì thào bàn tán.
Đội lính khố xanh của Y Blum không còn giây phút nghỉ ngơi nào, lần lượt thay nhau lùng sục khắp nơi. Y Blum cắt cử và kiểm tra một vòng các điểm gác xong, đã quá chín giờ tối.Anh vừa tắm rửa ngoài bến nước dành cho đàn ông về, còn đang vừa bước lên sàn vừa lau tóc, thì nghe có tiếng ai đó gọi :
– Ơ Y Blum ! Wit ka ? ( Về chưa ?)
– Ơh ! Kâo wit leh. Hlei iêo ? ( Tui về rồi, ai đó?)
– Kâo ! Y Ngun !
Rồi thấy Y Ngun bước theo lên sàn vô nhà.Anh bạn hồi trước học cùng lớp dáng người thấp đậm, nhanh nhẹn, nước da sáng hơn thanh niên cùng buôn sang . Lâu nay đi học trường y sỹ Đông Dương ở Sài Gòn, nên trông ăn mặc, đi đứng không khác gì mấy người ngoài phố.
Vợ Y Blum miệng cười nở như hoa tăng pi,vội vã trải chiếc chiếu trắng mời bạn ngồi, mang chiếc bình nước với mấy cái ly cho chồng tiếp khách theo kiểu người Kinh,rồi nhẹ nhàng lui vô trong gian chủ đinh ok.Trao đổi mấy câu thăm hỏi xã giao xong, Y Blum nhìn thẳng mặt Y Ngun hỏi
– Anh tìm tui có việc gì không ?
– Ơ ơh ! Đi học xa lâu ngày , về thăm bạn bè chơi thôi. Cũng muốn biết các chuyện ở Ban Mê của mình có gì khác không ? Chắc anh làm cai đội sẽ có nhiều tin mới.
Y Blum kể cho Y Ngun nghe việc các tù nhân đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà đày Buôn ama Thuột, chuyện y tá Y Som Ê Ban bị quản ngục khiển trách vì cấp thêm thuốc cho tù chính trị. Sau chuyện ông Mết và đội du kích cứu thoát ông Tố gì đó thoát khỏi nhà ngục Đăk glây, quản ngục bắt tăng cường kiểm tra ghê lắm. Mấy đêm nay ở thị xã không khí rất căng thẳng, không biết có chuyện gì sắp xảy ra ?
Y Ngun lại hỏi Y Blum về nhận xét của anh đối với người Pháp, người Kinh cai trị ở Buôn Ama Thuột. Thấy bạn hỏi, như được dịp trút bớt nỗi bực dọc lâu nay đè nén trong người, Y Blum xổ ra hàng tràng.Nào là chuyện lính khố xanh người Êđê bị chỉ huy bớt xén tiền lương, nào hạ lệnh cho lính Êđê đánh thanh niên Êđê trong buôn không chịu đi lính.Ngay cả bản thân Y Blum cũng đã từng bị xỉ nhục , bị chửi bới, văng tục ngay trước mặt cấp dưới của mình.
– Thế anh đành chịu nhục như vậy mãi hay sao ?
– Không chịu thì làm thế nào được Y Ngun ?
– Ơ, thì mình phải tìm cách nào mà chống lại những kẻ xấu xa,độc ác đó chớ?
– Cách gì ? Nếu ai có cách gì bày, tui theo liền.

Y Ngun cũng kể với Y Blum chuyện ama anh bị Pháp bắt đi phu ở đồn điền Cư H’Lâm. Khi còn lao động được thì phải làm những công việc nặng như gánh đất đá, đắp đường. Vì ở nhà không có lương thực cho mang theo, nên ăn đói, bệnh sốt rét nhập vô người chẳng có thuốc chữa.Đến lúc thấy ổng yếu quá, chúng lại đuổi về. Rồi ama anh chết vì sốt rét ở buôn. Nhiều người khác không chỉ ở buôn Ea Siêr của Y Blum, buôn Sut của Y Ngun, đều bị khốn khổ như thế.Hai người nói chuyện lâu lắm.Hàng đêm nọ qua hàng đêm kế tiếp, Y Ngun lại đến nhà Y Blum . Rủ rỉ với nhau những gì không ai biết, nhưng thấy Y Blum vui lắm. Anh ta lại còn hăng hái hơn trong công việc hàng ngày ở đội khố xanh. Lúc nào cũng nghe thấy tiếng sang sảng nhắc nhở quân lính đi tuor đều đặn, chặt chẽ.
Một hôm cũng sau giờ làm việc, Y Bin ,một người bạn ở đội lính khố đỏ rủ Y Blum đi thăm Y Som Ê Ban ở trong nhà đày, trước khi anh ấy bị trục xuất sang Thái lan, vì đã bị Pháp bắt quả tang giúp đỡ thuốc bệnh và chuyển giấy tờ cho tù chính trị. Nhưng đến nơi thì không phải là đi chơi thăm hỏi, mà là một cuộc gặp mặt.Người đó tự xưng tên là Hoà, nhưng Y Blum biết đó cũng chỉ là tên giả của anh ta thôi.Anh Hoà cho Y Blum coi tấm hình của một người đàn ông có chòm râu dài, trán cao và đôi mắt sáng đến lạ lùng cứ như luôn nhìn vô mắt mình rất thương mến và bảo :
– Đây là ông Hồ Chí Minh, người kêu gọi các dân tộc Việt nam đoàn kết để giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho chính mình.
Y Blum có nghe Y Ngun và Y Bin kể mấy lần về ông Nguyễn Ái Quốc, cũng là người đứng đầu của cách mạng Việt nam, nay lại nghe về ông Hồ Chí Minh. Vậy nước mình có nhiều người tài giỏi quá hè !
– Không phải đâu. Cụ Hồ với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ là một người thôi.Đi làm cách mạng phải có nhiều tên giả vờ, để Pháp không biết rõ ai là ai.
Y Ngun giải thích thế. Không hiểu sao mới nghe đó mà tự nhiên trong đầu Y Blum thấy thích, thấy tin ngay chuyện anh Hoà kể về Cụ Hồ. Có lẽ vì Cụ cũng đấu tranh cho người Êđê mình bớt khổ chăng ?Anh Hoà còn nói với Y Blum:
– Mấy ngày nữa Tôn Thất Hối sẽ tổ chức mit tinh ở sân vận động. Anh hãy chọn lấy những người thân nhất, đáng tin cậy nhất trong đội lính khố xanh của anh . Tiếng là bảo vệ cho bọn chúng hành lễ, nhưng khi cần sẽ có hiệu lệnh cho anh bắt trói chúng . Có làm được không ?
– Được chớ. Anh cứ tin tui! Nhiều anh em lính trong đội cũng thấy nhục, thấy khổ vì tụi nó lắm rồi.
* *
Cả đêm trước ngày mit tin, Y Ngôn, Y Tlan, Y Wan lo dịch chương trình Việt Minh sang tiếng Êđê, in thành hàng trăm bản chữ to để 6 giờ sáng dán ở các ngả đường, bản nhỏ phát cho dân. Còn Y Blum điều đội lính khố xanh của mình dàn hàng ngang bảo vệ cổng sân vận động và trước lễ đài.Hàng đoàn người váy khố đẹp từ các buôn quanh thị xã rồng rắn kéo nhau vô sân vận động.Chị em tiểu thương mấy phường nội thị trong trang phục áo dài cũng đã xếp hàng từ lúc nào giữa sân.Người mỗi lúc một đông.Như có ngọn lửa nào chạy qua những hàng người đứng ngồi trên sân, khiến không khí nóng dần lên. Loa trên khán đài thỉnh thoảng lại rột rẹt. Tôn Thất Hối và mấy người đại diện của chính quyền thị xã đã có mặt đầy đủ trên khán đài, ông ta vừa bước tới trước micro định cất lời khai mạc, thì một người đàn ông cao lớn, mặc bộ đồ vải xita bỗng từ đâu xuất hiện, đẩy Tôn Thất Hối ra và chiếm lấy micro dõng dạc tuyên bố Việt Minh đã giành được chính quyền và đang kiểm soát tình hình trong toàn tỉnh.Cờ đỏ sao vàng, hoa và biểu ngữ ở đâu bỗng xuất hiện đỏ rực trong những đoàn người tụ họp trên sân .Ô ! anh em mình chuẩn bị sao hay vậy hè ? Y Blum thấy vui trong đầu, sướng trong bụng quá, như có con chim nhông nào hót líu lo trong đó. Nhất là khi thấy lũ người chính quyền cũ mới đó còn nghênh nghênh, bây giờ cụp mặt xuống run rẩy sợ cách mạng giết, lại còn được trực tiếp áp giải Tôn Thất Hối về trụ sở của chính quyền cách mạng nữa.Y Ngun, Y Wan, Y Buông …được bầu vô chính quyền mới, còn Y Blum chỉ huy đội quân được gọi là lính vũ trang của Việt Minh.Quyền vẫn thế, người vẫn thế mà sao con mắt nhìn nhau thân thiện hơn, đi ào ào, nói cười ào ào…đất của mình rồi, người của mình rồi, ơn Việt Minh cho người Radeh làm chủ buôn sang mình.
Cứ thế, Y Blum đi theo Việt Minh đánh Pháp rồi đánh Mỹ một lèo 30 năm sau mới quay lại Buôn Ma Thuột.
* *

Đại tá Y Blum nôn nóng đi ra đi vô, nét mặt hầm hầm tức giận. Hai bàn tay ông, hết chắp sau lưng ,lại đến nắm chặt thành nắm đấm vỗ vỗ vào nhau.Ngoài khung cửa nhà dài, gió quất tả tơi những hàng cây, bốc bụi đỏ vung vãi khắp nơi. Cao nguyên đang giữa mùa gió. Gió như lũ ngựa hoang không biết tự kiềm chế, tung vó phi nước đại trên vòm trời cao nguyên, giận dữ giống cái bụng ông đang như nồi nước sôi trên bếp lửa.
Chung sống với nhau có hai đứa con,vợ ông rất rành tính chồng, nên lảng xuống bếp tránh cơn thịnh nộ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.Bà Ami Sang là vợ thứ hai của đại tá Y Blum.Hồi đó, tổ chức đứng ra thay mặt gia đình làm lễ cưới cho hai người ở căn cứ Nâm Nung, sau một năm vợ ông, bà H’Nuai và đứa con trai lớn, bị giặc bỏ đói đến chết trong tù, trả thù những trận đánh do ông chỉ huy, làm chúng thua chạy liểng xiểng, thiệt hại không ít cả người, lẫn xe cộ, súng ống.Ông có với bà H’Nuai hai đứa con. Đứa lớn chết trong tù, còn cô con gái thứ hai, đang là nguyên nhân nỗi bực tức của ông kia.
– Tức muốn nổ con mắt ra được.Nó lại đi với thằng đó rồi nên mới về muộn thế này chớ! Bộ hết người rồi sao, Thiếu gì con cán bộ cách mạng mà đòi lấy cái thằng con nhà địa chủ đó .
H’Thai vừa về đến cửa, đã gặp ngay bộ mặt sẵn sàng gây chiến của ama. Trong bụng thầm hiểu vì nguyên nhân gì, nhưng cô vờ làm như không biết, tươi cười lên tiếng chào ông :
– Ama ! Con mới về !
– Mới về, mới về cái gì ! Mày đi đâu mà Ama, Amí không nhìn thấy cái mặt suốt từ lúc mặt trời thức dậy tới mặt trời đi ngủ vậy ?
– Ủa, con tưởng Ama biết, đang chiến dịch vận động kế hoạch hoá gia đình. Là cộng tác viên dân số, con phải đi tới mấy nhà đông con tuyên truyền cho họ chớ ! Bữa nay giao chỉ tiêu hết rồi đó Ama. Ai không hoàn thành là cắt thi đua luôn.
– Được rồi chuyện đó ama biết !Chứ không phải con gái mày đi sang buôn Hruê sao ?
– Ama ! Nếu con đi sang buôn Hruê thật thì cũng đâu có sao ? Con nói rồi.Đi sang đó thì cũng làm việc vận động kế hoạch hoá gia đình của con.Còn việc tụi con thương nhau đã từ hồi còn học chung trong trường Cao đẳng sư phạm, tới giờ cũng bốn năm hơn chứ có ít đâu.Ama không đi hỏi cưới,định để con chết già làm bà cô không chồng sao ?
– Tầm bậy nào ! Nhà mình là cộng sản nòi, Ama chỉ không muốn con lấy người gia đình không theo cách mạng thôi. Ông già đó cha biết chớ ! Hồi chín năm ổng không có tham gia gì cho Việt Minh đâu.
– Nhưng hồi Mỹ-Diệm, gia đình ảnh cũng đâu có tham gia hay ủng hộ gì chính quyền ngụy?Thậm chí cả không dính dáng gì tới Phullro nữa. Ama cũng biết điều đó mà .
– Nhưng ổng ham làm giàu quá .
– Làm giàu là xấu sao ? Ama vẫn thường nói mục đích của cách mạng là đấu tranh giành chính quyền, làm sao cho người Tây Nguyên mình không bị làm nô lệ,cũng ăn no mặc ấm, giàu có bằng nhau với người miền xuôi đó sao ?Bây giờ thống nhất đất nước rồi,dân không giàu thì làm gì cho nước mạnh hả ba ?
– Bữa nay con gái dạy khôn cha đó hả ? Mày phải nhớ là tao đi làm cách mạng từ khi mày chưa là cái trứng trong bụng ami đó nghe.
-Nhưng anh Y Lăn có gì ba không ưng nào ? Mấy năm liền ảnh là giáo viên dạy giỏi. Bây giờ được tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn ở nông trường cà phê nữa.Vậy có phải người xấu không ?
– Nhưng ama nó ! ổng là người đầu tiên từ bỏ tín ngưỡng ông bà xưa ở vùng đất này đó.Nhũng người như thế đều chối bỏ cả phong tục văn hoá của ông bà, không uống rượu cần, không đánh chiêng. Con cũng biết chớ !
– Con biết ! Điều đó là sai rồi.Từ từ mình thuyết phục ! Đảng Nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng, nhưng cái gì hay cái gì đẹp của ông bà,vận động người Êđê mình giữ lấy.Cồng chiêng là tiếng nói tâm hồn của người Tây nguyên, sao bỏ được. Nhưng đâu phải một lúc mà ai cũng làm ngay theo ý mình muốn chớ ? Ba rành điều đó hơn con mà. Ba cũng biết là ngành văn hoá có bao nhiêu hoạt động chỉ để cùng bà con khôi phục lại văn hoá truyền thống đó chớ ?
– Ông ta có vườn cà phê riêng, như thế là tư hữu, không theo chủ trương làm ăn tập thể của Đảng Nhà nước, con hiểu không ?
– Ama nói công nhân lãnh đạo cách mạng, bây giờ anh Y Lăn đang là công nhân nông trường cà phê, có nghĩa là anh ấy thuộc giai cấp lãnh đạo rồi Ama nhé.Con cưới công nhân mà Ama.
– Mày……
Amí Sang nãy giờ ở dưới bếp vừa nấu cơm vừa nghe ngóng, thấy hai cha con to tiếng kéo dài ,vội chạy lên can ngăn
– Thôi thôi nào ! Con gái nó nói đúng đó ông à !Mấy chuyện đó có liên can gì tới việc cưới chồng của nó đâu.Miễn chúng nó thương yêu nhau là được chớ ! Nhưng hai cha con đi ăn cơm không có nguội hết rồi.

– Bà này sao vậy ? Tui với bà nằm rừng ngủ suối là để đấu tranh cho dân tộc mình hết làm nô lệ. Vậy sao tui lại đi làm sui gia với người ưng làm nô lệ cho ngoại bang ,quay lưng lại cội nguồn dân tộc chứ ?
– Tui không nói cái lý được với ông, nhưng con cái chúng nó lớn rồi, huống gì cả luật hôn nhân gia đình lẫn luật tục klei bhian kđi Êđê có điều nào chúng nó vi phạm đâu ? Ông làm sao cản ?
– Nhưng tui không ưng làm sui gia với nhà đó.Nhất là gia đình còn có mấy chị em theo chồng đi Mỹ nữa. Sao thông gia được chớ.
– Vậy ông cản được con gái không yêu thằng đó thì ông làm đi. Tui thua rồi.
Đại tá Y Blum im lặng không trả lời được vợ, nhưng cục tức vẫn găm đầy trong lồng ngực, bất giác cái tay ông nhấc quơ được đám giấy tờ trên mặt bàn ném tung xuống đất, cổ họng è è mà không thoát ra được câu mắng.
* *
Cuối cùng thì chức vị làm cha lẫn chiếc lon đại tá cũng không “ trừng phạt ” được cô con gái quen sống tự lập trong những năm cha đi chiến đấu xa, sau này lại được cha và mẹ kế hết sức chiều chuộng. Đám cưới của H’Thai và Y Lăn vẫn diễn ra,do Công đoàn nông trường của Y Lăn và trường cấp II nơi H’Thai giảng dạy đứng ra phối hợp cùng tổ chức, trước sự chứng kiến – cho dù chẳng vui vẻ gì- của hai gia đình ( bởi thực ra, ngay cả chính Ama Mlan cũng không muốn kết sui gia với một ông đại tá quân đội, lúc nào cũng chỉ quen với việc ra lệnh, lúc nào cũng ra miệng chê bai ông chối bỏ phong tục tổ tiên, ít biết cảm thông như thế ) .Nhưng đám cưới công nhân đầu tiên ở nông trường thiệt là vui. Ban Giám đốc, công đoàn, thanh niên lo cho hết mọi thứ.Cô dâu đầu cài hoa rừng, váy áo Êđê xúng xính trông rất xinh. Chú rể cũng mặc áo knuky, ngực có vầng nút đỏ rực, trông như một tù trưởng oai vệ.Không có chén đũa ăn uống gì, chỉ nhiều bánh kẹo, nhiều rượu cần, nhiều người và rất nhiều tiếng hát. Ai cũng muốn lên giúp vui một bài, chúc mừng đôi uyên ương đầu tiên cưới nhau của nông trường, chúc mừng niềm vui của ông bà đại tá.
Cặp vợ chồng mới cưới dọn ngay đến khu tập thể của nông trường để đi làm cho gần.H’Thai thôi làm giáo viên, nhận công tác là cán bộ phụ nữ xã Ea Sin. Y Lăn còn kiêm thêm chức đội trưởng một đội sản xuất.Một thời gian sau, họ nhận khoán hơn 2 ha cà phê theo chủ trương liên kết với đồng bào dân tộc của tỉnh uỷ, Y Lăn học cách nghĩ của cha, làm việc gì cũng tính toán kỹ càng, nên việc nông trường, việc gia đình đều xuôi chèo, mát mái. Vườn cà và ruộng lúa nước của nhà vợ chồng anh cho năng suất cao nhất buôn, đời sống gia đình dần dần ổn định,mua được mảnh đất làm nhà riêng, không còn phải ở tập thể nữa. Anh cũng bàn với vợ, không làm nhà xây, mà dựng căn nhà dài to, cho các con có chỗ nhớ về cội nguồn dân tộc.
Không ưa con rể, nhưng đại tá Y Blum không có điều gì trách móc được anh ta. Hơn nữa, H’Thai con gái ông,cứ thăng tiến liên tiếp, từ hoạt động có hiệu quả của công tác vận động kế hoạch hóa gia đình, mà được bầu làm cán bộ mặt trận xã, rồi tiếp tới Hội đồng nhân dân. Bây giờ là Chủ tịch xã.Nó giống tính ông, làm việc gì cũng làm trước, nói sau. Có hồi trong các buôn rộ lên rất nhanh phong trào bán đất mua xe cày, xe gắn máy.Chính quyền xã không chỉ đề ra ngay những chủ trương thiết thực ngăn chặn mấy người lén lút đến mua đất, mà còn lập một đoàn do H’Thai dẫn đầu, đi khắp các thôn buôn, hết phân tích lại trình bày cái hại của việc thiếu đất sản xuất, động viên bà con yên tâm gắn bó với đồng ruộng.H’Thai vẫn còn nhớ như in, có lần mấy người già trong buôn Sin tụ tập nhau đến nhà chị chất vấn :
– Hồi nào giờ người mình chỉ quen làm lúa trên đồi, cái lưng ngửa. Nay ih – cô vận động dân làm ruộng nước,suốt ngày úp mặt xuống đất, lưng mỏi lắm mà hạt lúa có to bằng hồi xưa – klei đưm không ?
– Người mình ít chữ, ít kỹ thuật, liên kết nhận đất của nông trường trồng cà phê, người ta đòi bao nhiêu ký,mình không làm được tới đó, lấy gì trả ? Bị
“ nó” đòi đất lại à?
– Ih luôn nói phải theo truyền thống ông bà, có ai biết Yang cà phê, Yang lúa nước mặt mũi dài ngắn ra sao mà cúng? Ổng không cho ăn cái hạt đó đâu.

Cứ như thế mà nói qua nói lại, hai vợ chồng thay nhau giải thích . Hết ba ghè rượu, gần sáng đêm mới thông. Vậy đó, nếu không làm cho mấy già làng hiểu ra và ủng hộ, thì khó mà thuyết phục được dân. Ngay như hồi H’Thai mới nhận chức Chủ tịch xã cũng vậy, người ta toàn dè bửu “ cáo mượn oai hùm” nhờ tên ông già, chứ có ai nghĩ là phụ nữ dân tộc như H’Thai làm lãnh đạo được đâu? Nhưng rồi sự chân thành học hỏi của chị, cái tính tay làm miệng nói, biết rõ chất lượng từng vườn cà, năng suất của từng thửa ruộng của mỗi gia đình…khiến mọi người ai cũng thương, cũng quý, cũng nể, rồi nhất nhất ủng hộ chị.
Kinh nghiệm làm cà phê học từ người Pháp của cha chồng, kỹ thuật sản xuất theo khoa học của nông trường mà chồng chị làm đội trưởng, đã giúp cho H’Thai cùng các thành viên trong Uỷ ban điều hành tốt hoạt động sản xuất của địa phương.Kinh tế xã mỗi ngày một phát triển, những con đường nhựa thẳng tắp thay cho đường cấp phối chạy ngang dọc khắp xã, tôn thay thế mái tranh, số hộ nghèo trong xã giảm dần.Được sự quan tâm của Uỷ ban xã, các già làng còn tổ chức truyền dạy đánh ching cho đám trẻ con trong buôn. Thành phố Buôn Ma Thuột, luôn lấy thành tích của xã Ea Sin làm gương điển hình cho các buôn khác học tập.
Ama Mlan hết bụng thương quý cô con dâu giỏi giang.Đại tá Y Blum cũng bằng lòng con gái lắm.Ông tự hào vì đó cũng chính là con đường mà hơn 30 năm trước chàng trai Y Blum đã lựa chọn .
Linh Nga