Vui Vui Câu Đối

Tự bao giờ câu đối cứ ngự một cách trang trọng nơi cung thất, miếu đền hay những ngôi nhà cổ. Câu đối cũng đi liền với danh thần, lương tướng, thi sĩ văn nhân tạo nên những giai thoại. Bởi thế cái nhìn của người đời nay về những hàng chữ dọc có phần ngài ngại. hoanh phi cau doi

Ấy thế mà cũng có khi cái sang trọng ấy cũng xủ áo vi hành đi lạc vào cõi nhân gian, cho hay khi áy những vế đối mới nôm na gần gũi mà không kém phần thú vị.

Xin giới thiệu một đôi câu đối dân gian, như kể chuyện đùa cùng bạn bè những lúc cao hứng mà không cần câu chấp.
Người đầu tiên bày ra chuyện đùa cùng những vế đối là ai thì tôi không tường, nhưng biết được cụ Tam nguyên Yên Đổ là vị khoa bảng lừng danh vậy mà cũng hay đùa với thứ chữ mực tàu này lắm.
Này là bà vợ ông thợ rèn khóc chồng, xin cụ một đôi câu, cụ huơ tay thảo liền tắp lự:

Nhà cửa lầm than con thơ dại lấy ai rèn cặp
Cơ đồ bỏ bể vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.

Thật đúng tình, đúng cảnh, đúng nghiệp, đúng người.
Còn đây là chữ giành cho người thợ nhuộm:

Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhớ bố đỏ
Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

Cùng một chút nghịch nghịch vui vui. Mà cũng thâm trầm đáo để. Dường như cụ Nguyễn tin vào phẩm chất bà nhuộm hơn bà rèn.

Dân gian còn truyền lại một đôi vế đối cũng rất nhà nghề:

Đến phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.
Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, giò (dò) đến hàng nem chả muốn ăn.

Đem thịt mỡ chả nem mà trả lại mía mật kẹo đường thì cũng xứng đồng tiền bát gạo.
Vế trên thì ngọt. Vế dưới thì béo. Cả hai vế đều ngon cả!

Nghe_Thuat_Cau_Doi_

Chuyện lang thang dọc đường dân gian thì còn dài dòng lắm, xin kết lại chuyện xưa bằng một vế hãy còn bỏ ngỏ:

Gái tơ chỉ kén ngài quân tử

Tơ chỉ kén ngài làm nên cái nghiệp tằm tang, cũng làm nên cái giá của cô hàng dệt, chết ngặt là thế.
Ngày nay, đi dọc đường cười, cái đối đôi khi cũng trêu ghẹo con người ta chút đỉnh, ghẹo cho vui thôi mà.

Đây là bản lĩnh của người đất thép:

Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi!

Lật ngược lật xuôi hai chữ thành ba nghĩa, vừa nghịch chữ vừa bạo miệng, gặp câu này thì các thầy đối cũng bó tay chấm com.
Này là các thầy các cô đùa nhau:

Cô dạy lí bồ thầy dạy hóa hóa ra vô lí
Thầy sinh vật cưới cô sinh vật vật vật sinh sinh.

Đây là tình cảnh của những anh nghèo rách mồng tơi mà lại thêm bỉ vận:

Con heo nái của anh Hai nếu ngủm cù đeo nghẻo cù đum.
Chú cu mồi của bác Côi mù ngấc cẳng quay ngay cẳng quấc.

Tôi thường được học rằng văn hóa văn học dân gian là nơi cư trú sức sống bình dân. Mạo muội nói thật rằng trong thời đại nào cũng thế, người bình dân thường có mức sống thấp nhất, vậy mà họ là lớp người có sức sống mạnh mẽ nhất. Cứ coi cách họ đùa với cái ngặt của mình thì có lẽ ít có triết gia nào đạt đến.
Ta đang trò chuyện đối xưa, đối nay. Dĩ nhiên là đã lược bỏ đi cái phần trang nghiêm đĩnh đạt, cái trí vốn chuộng sự hài của tôi cũng chỉ kịp lưu giữ một vài câu vui vui và cũng thuộc hàng “vô danh thị”.

cau doi 2

Và kết lại chuyện xưa- nay bằng một gặp gỡ khá thú vị cũng thuộc hàng xưa nay hiếm.
Xưa còn lưu truyền một vế đối:

Đồng tử đả đồng tử, đồng tử lạc, đồng tử lạc.
( Đứa trẻ ném trái ngô đồng, trái ngô đồng rụng, đứa trẻ hân hoan)

Tôi chưa gặp lời đối nào cho ưng ý. Mãi gần đây, ở Ngũ Hành Sơn miền trung thịnh nghề tạc tượng đá, và tôi nhặt thêm một vế ưng ý:

Tượng nhân tạc tượng nhân, tượng nhân hoàn, tượng nhân hoàn.
( Người thợ tạc tượng người đi tạc tượng người, tượng tạc xong, người tạc tượng trở về)

Các bạn xem thấy có chỉnh không?
Một ngày bận bịu, tối về gom lại những câu vui, tự khuyến mình, cũng đem chia sẻ cùng các bạn của Đọt Chuối Non. Chúc các bạn một ngày vui.

NGUYỄN TẤN ÁI.

Một suy nghĩ 8 thoughts on “Vui Vui Câu Đối”

  1. Chào anh Ái!
    Bài viết của anh thú vị lắm, em cũng thích câu đối lắm.Còn nhớ thời xưa, nhất là những dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng tìm cho mình dăm ba câu đối treo trước cửa hoặc trong nhà, những câu đối này có thể là những lời chúc tụng, may mắn, lấy lộc đầu xuân hay đơn thuần những câu đối chỉ mua vui.
    Cách đây khoảng 15 năm gì đấy, ở Balmê có 1 cụ hay viết câu đối lắm (nhà cụ ấy ở đường Độc Lập, tức là Lê Duẩn bây giờ, gần nhà thờ Kim Mai), nhưng bây giờ thì không thấy nữa.Tết thì Balmê em cũng thấy 1 vài người viết chữ nho, câu đối trên khu Quảng Trường, hikhik, khó khăn lắm em mới tìm được 1 câu đối ưng ý 🙂
    Ở Hà thành thì ta có thể cảm nhận rõ rệt hơn vì bây giờ có cả Phố Ông Đồ (Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám), tuy nhiên nhiều thầy vần không thích ngồi trong chõng cho chữ trong khi mấy cô gái đứng cạnh thu tiền 🙂 Điều đấy làm mất đi vẻ đẹp vốn có của từng câu đối, và người viết câu đối.
    Đúng đấy anh Ái ơi, dân gian và thi sỹ xưa có rất nhiều câu đối hay, em biết có một câu đối của nữ thi sỹ Đoàn Thị Điểm mà đến bây giờ vẫn chưa có vế đối nào thật là khớp và chỉn chu:
    “Da trắng vỗ bì bạch”
    Em thấy có câu đối lại là:
    “Trời xanh màu thiên thanh”
    Hình như có vẻ không hợp anh nhỉ!_!
    À, còn một câu nữa là:
    “Chị chờ em ở chợ Chì”
    Câu này vẫn chưa ai đối hay sao ý, anh đọc sách văn thơ nhiều, chắc anh biết nhiều câu đối hay lắm, nếu được anh up thêm mấy câu đối hay nữa nhé, à anh tìm giúp em mấy vế đối nữa cho 2 câu của em nữa nhé.
    ———————
    Hihi, em thấy trên mạng có câu này đối cho :”Chị chờ em ở chợ Chì” vui lắm:
    “Bai Yến mình về Yên Bái”
    Chị Yến ơi, có người đối về chị này. :), :), 🙂

    Thích

  2. Hikhik, lần này em tham comment quá! Anh đừng beat em nhé!Hihihi. @_@
    Chắc anh Ái cũng hay đọc báo Mực Tím, cách đây vài năm trên báo đấy cũng có chuyên mục liên quan đến các vế đối, em thấy các bạn tím nhà mình đối cũng hay lắm, pữa sau tìm thấy mấy câu em post lên cho, hiện tại em còn nhớ có một câu trên báo đấy à:
    “Qua Đèo Ngang, ngang qua đèo, thấy quê mình đang nghèo”
    Hikhik, em thì ýt khi đối mấy cái vụ này lắm, chơi chữ quá, có những câu đối em phải đọc cong cả lưỡi 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

    Thích

  3. Chơỳ ơi,nếu vậy thì trong các tác phẩm thơ ca xưa có rất nhiều vế đối anh Ái ơi, em vừa chợt nhớ đến 2 vế đối trong bài thơ của Tú Xương và Hồ Xuân Hương liền up luôn:
    “Trai du gối hạc khom khom cật
    Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”
    Đấy là câu thơ trong bài Đánh Đu thì phải
    Còn một câu khác của Tú Xương trong bà thơ Giễu Người Thi Đỗ:
    “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
    Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”
    À, Tú Xương cung còn nhiều vế đối hay lắm, trong bài Cái Học Nhà Nho cũng có một vế thì phải?_?
    “Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
    Thầy khoa tư lương nhấp nhổm ngồi”
    Em thấy mấy câu này hay quá.
    Em đang tìm thêm mấy bài có vế đối của Hỗ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… nữa đây!!!!!!!!!!!
    Sao hôm nay mền tìm được nhiều quá 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

    Thích

  4. À câu đối: “Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.” của Đoàn Thị Điểm, em thấy câu này cũng khó đối bởi vì kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo lại.
    Em xin gửi thêm mấy câu của Đoàn Thị Điểm nhé:
    “Hai người ngồi song song hai cửa sổ.”
    Câu này vẫn chưa có vế đối 😦
    Còn thêm một vế nữa có người đã đối được:
    “Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long” (Long là lỏng lẻo, chữ Hán Long nghĩa là rồng, mà chữ rồng đã dùng ở trên).
    “Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử’ (Thử chữ hán nghĩa là chuột, mà chữ chuột cũng đã dùng trên).

    Thích

  5. Chào Quân nhé!
    Biết Quân say những miền đất lạ, vậy mà với đất xưa này cũng rất chung tình. Quân thú vị thật!
    Ngày đi học, anh cũng thích được như Quân lắm, từng thề thốt ( mượn lời bạn ):
    Mai sau giang hồ lênh đênh
    Chẳng thành trộm cướp cũng thành nhà thơ.
    Vậy mà lại cứ trở thành nhà giáo. chẳng được đó đây.
    Quân thì tha hồ nhé.
    Về gợi ý của Quân, anh có nhớ vài câu:
    Rừng sâu mưa lâm thâm
    Trắng da dụng bạch bì
    Riêng cái ” chị chờ em…” thì bí quá.
    Mấy câu này cũng vui:
    Uống cà phê Đập Đá
    Đi xe đạp Đèo Le ( toàn động từ)
    Hay:
    Rắn hổ mang bò
    Chim gà rô gáy. ( toàn danh từ)
    Quân vui nhé.

    Anh Hoành à, em cũng thấy các cô Củ Chi cừ khôi thật. Có một câu trả laiij nhưng kém thế quá:
    Thầy Phong Thử thư phỏng chữa phong thử.
    Phong thử là địa danh ở Điện Bàn, chị Yến biết anh à.

    Chào hiệp khách Hồng Vũ!
    Lâu lại thấy ghé chơi, vui lắm.
    Dạo này tại hạ toàn cột mình vào những chuyện không đâu, viết được ít lắm, đang tự thu xếp đây.
    Hẹn tái ngộ!

    Thích

  6. Vâng, thực sự là em thích những bài viết này lắm, đấy cũng là một cơ hội tốt cho em khám phá được nhiêù điều hay, bổ ích.
    Hihi, em thích câu của anh
    “Uống cà phê Đập Đá
    Đi xe đạp Đèo Le”
    (Hình như những câu nào liên quan đén cà fê là em thích thì phải?_?)
    Hai địa danh này em có biết, Đập Đá thì quá nổi tiếng ở Huế rồi, còn Đèo Le vô tình em biết được, bạn em có lần bảo Đèo Le nằm ở Quảng Nam, cảnh trên đèo đẹp lắm!!!
    Lần này em tìm thêm mấy câu đối hay trong thơ của bà Huyện Thanh Quan. Bà Huyện Thanh Quan được vua Tự Đức mời vào cung và phong chức Cung Trung Giáo Tập để dạy cho các cung nhân học. Trọng tài học của bà, vua Tự Đức có ban cho bà được đề thơ vào một cái chén cổ, có bức hoạ sơn thuỷ. Bà đã ứng khẩu đọc hai câu:
    “In như thảo mộc trời Nam lại
    Đem cả sơn hà đất Bắc sang”

    Trong bài Thăng Long Hoài cổ, bà đã nói lên lòng thương tiếc không nguôi những dĩ vãng oai hùng, những thời vàng son thuở trước. Giờ đây, khi chiến tranh loạn lạc, bao cảnh đổi dời, đổ nát điêu tàn, bà chỉ muốn nói lên lòng tha thiết tiếc thương cho một thời rực rỡ xa xưa, bị vùi dập vì loạn ly khói lửa:
    “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương”

    Còn bài thơ Qua Đèo Ngang thì nổi tiếng rồi anh nhỉ, bài này được bà Huyện Thanh Quan sáng tác khi vào Huế nhận chức Cung Trung Giaó Tập, bài thơ có những vế đối rất hoàn chỉnh:
    ‘Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
    Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.
    Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

    4 câu này là trong bài Chiều Hôm Nhớ Nhà
    “Gác mái ngư ông về viễn phố
    Gõ sừng mục tử lại cô thôn
    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
    Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
    Chiều Hôm Nhớ Nhà có lẽ là tác phẩm hay nhất của bà Huyện Thanh Quan, mỗi chữ trong thơ của bà đều trau chuốt tinh xảo, mỗi áng thơ như từng viên ngọc quý đã gọt giũa đến hoàn mỹ, hiếm có một vết tỳ.

    Ôi lâu lắm em lại mới có dịp vận dụng những bài thơ mình đã học thế này, cảm ơn anh nhiều lắm!!!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s