Chào mừng ngày Phật Đản PL 2553

Buddha
Chào các bạn,

Hôm nay, Thứ bảy 9.5.2005, rằm tháng tư âm lịch, là Lễ Phật Đản PL. 2553, tức là Đức phật sinh ra 2553 năm về trước. Đọt Chuôi Non cầu chúc tất cả các bạn một Lễ Phật Đản nhiều tình yêu và an lạc.

Trong post này chúng ta có các thông tin sau đây:

1. Toàn văn thông điệp Phật Đản PL 2553, của Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

2. Link đến Giác Ngộ online:

    . Tòa Tổng Giám Mục TP HCM chúc mừng Phật đản PL. 2553

    . Chủ tịch UBTƯMTTQVN gửi thư chúc mừng Phật tử nhân Đại lễ Phật đản PL. 2553

    . Thông tin và hình ảnh Phật Đản 2009 khắp nơi

3. Hình ảnh về Ngày Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam, một ngày quan trọng cho Phật giáo Việt Nam.

4. Lời chào mừng của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn gửi đến các Phật tử toàn thế giới, do mình dịch sang Việt ngữ.

Chúc các bạn cuối tuần nhiều Phật lộc.

Mến,

Hoành
.

Thông điệp Phật Đản PL.2553-2009 của Đức Pháp chủ GHPGVN
.

Hoà thượng Thích Phổ Tuệ
Hoà thượng Thích Phổ Tuệ

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hòa chung không khí đại hoan hỷ và hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử trên khắp hành tinh, hôm nay các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như mỗi cơ sở tự viện trong toàn quốc, Tăng Ni, Phật tử cả nước long trọng tổ chức Đại lễ Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ giáo chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Phật lịch 2553, dương lịch 2009. Thay mặt Ban Thường trực HĐCM và nhân danh cá nhân, tôi có lời cầu chúc đến chư tôn đức giáo phẩm, cùng toàn thể quý vị Đại đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài thân tâm thường an lạc, Phật sự thành tựu.

Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Bản Sư là sự kiện quan trọng của mỗi người Phật tử, đó cũng là cơ duyên để mỗi chúng ta khẳng định sự trong sáng của giáo lý Đức Phật và sự đóng góp của Phật giáo trong suốt chiều dài hơn 2.500 năm qua đối với nhân loại. Tư tưởng giáo lý về hòa bình, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha và tự giác ngộ đối với chính bản thân mỗi người vẫn luôn là kim chỉ nam đối với người con Phật trên con đường tu tập và phụng sự đạo pháp, dân tộc, đó cũng là tư tưởng phù hợp với sự tiến bộ xã hội. Đây chính là cốt lõi mà chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn và trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp thích hợp trong việc giải quyết những vấn đề của thời đại như nghèo đói, chiến tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc và công bằng xã hội.

vesak1
Hai nghìn năm hiện diện, đồng hành với dân tộc và trở thành tôn giáo của dân tộc, Phật giáo Việt Nam phát huy những giá trị tích cực của giáo lý Đức Phật, góp phần tích cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời được các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cá nhân mỗi Tăng Ni, Phật tử quan tâm chú trọng, triển khai toàn diện không chỉ ở trong nước mà còn đối với cộng đồng quốc tế và cộng đồng Phật tử Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, tôi có lời tán thán công đức đến các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cá nhân mỗi chư tôn giáo phẩm và Tăng Ni, Phật tử đã không ngừng tinh tấn, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc để Phật pháp được xương minh, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Nhân dịp ngày Đản sinh của Đức Bản Sư, tôi kêu gọi các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mỗi Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, với vai trò trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt mọi Phật sự để thiết thực chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI được tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11 năm 2010.

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

TM. Ban Thường trực
Hội đồng Chứng minh GHPGVN
Pháp chủ

Hòa thượng THÍCH PHỔ TUỆ
.

vesak

Tòa tổng Giám mục chúc mừng Phật đản PL. 2553 – DL. 2009

Chủ tịch UBTƯMTTQVN gửi thư chúc mừng Phật tử nhân Đại lễ Phật đản PL. 2553

Thông tin và hình ảnh Phật Đản 2009 khắp nơi
.

Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc (United Nations Vesak) 2008
: Ngày Phật Đản 2008 là một dấu mốc lớn cho Phật giáo Việt Nam. Đó là Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc đầu tiên tại Việt Nam. Hơn 10 nghìn ngọn nến đã được thắp sáng trong Sân Vận Động Quốc Gia Mỹ Đình cho hoà bình, thịnh vượng và hạnh phúc của thế giới.

Năm 1999 Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đồng ý mừng Lễ Phật Đản hằng năm tại Liên Hiệp Quốc, và từ năm 2000 đến nay, các quốc gia (mà đa số là) Phật giáo đã thay phiên tổ chức Ngày Phật Đản Liên Hợp Quốc tại nước mình. Năm 2008 là năm cho Việt Nam.

Các bạn có thể click vào ảnh dưới đây để xem một số hình ảnh về Ngày Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008.

Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008, Hà Nội
Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008, Hà Nội

.

Làm chứng cho một Tinh Thần Nghèo Khó: Tín hữu Thiên Chúa Giáo và Phật tử đối thoại

peace
Các bạn Phật tử thân mến,

1. Lễ Phật Đản là một cơ hội tốt để chúng tôi gửi đến các bạn, với tư cách đại diện Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, lời chúc mừng thành thật và cầu mong thân thiết: Cầu chúc lễ Phật Đản một lần nữa mang hân hoan và tĩnh lặng đến quả tim của mọi Phật tử trên thế giới. Ngày lễ thường niên này cho tín hữu Công giáo một cơ hội để chào mừng bạn bè và láng giềng Phật tử, và nhờ đó làm các thân tình bằng hữu thêm khắng khít cũng như tạo thêm thân tình mới. Các ràng buộc thân thiết này cho phép chúng ta chia sẻ với nhau những niềm vui, những hy vọng và những kho tàng tâm linh.

2. Trong khi làm mới lại cảm giác gần gũi với các bạn Phật tử trong thời đại này, càng ngày ta càng thấy rõ là cùng nhau chúng ta có thể đóng góp, trong cung cách trung thành với truyền thống tâm linh riêng của mình, vào phúc lợi của cộng đồng của chúng ta, cũng như cộng đồng nhân loại trên thế giới. Chúng tôi cảm nhận sâu xa thử thách trước mắt chúng ta đến từ, môt bên là hiện tượng nghèo đói càng ngày càng lan rộng trong nhiều hình thức, một bên là sự theo đuổi sở hữu vật chất không ngừng và bóng tối tràn ngập của chủ nghĩa tiêu thụ.

3. Như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI mới nói đây, có hai loại nghèo rất khác nhau, đó là nghèo “tự nguyện” và nghèo “phải chống” (bài giảng ngày 1 tháng 1 năm 2009). Cho tín hữu Thiên chúa giáo, nghèo tự nguyện là cái nghèo cho phép chúng ta theo chân chúa Giêsu Kitô. Khi tự nguyện như thế, nguời Thiên chúa giáo sắn sàng để đón nhận ân huệ của chúa Giêsu, người đã vì chúng ta mà thành nghèo khổ dù người rất giàu có, để nhờ sự nghèo khổ của ngài mà chúng ra trở thành giàu có (2 Corinthians 8, 9). Chúng tôi hiểu rằng nỗi nghèo khổ này có ý nghĩa cao nhất là làm cái tôi trở thành trống rỗng, nhưng chúng tôi cũng hiểu một ý nghĩa nữa là chúng ta chấp nhận chính mình, với mọi tài năng và giới hạn của mình. Nghèo khó như vậy làm cho chúng ta sẵn lòng để nghe Thượng đế và nghe các anh chị em của chúng ta, cởi mở với các anh chị em, và kính trọng các anh chị em như là những cá nhân đáng kính. Chúng ta trân trọng mọi sáng tạo, kể cả các thành quả của con người, nhưng chúng ta được dạy là phải làm như vậy với tự do và tri ân, ân cần và kính trọng, với một tinh thần vô chấp cho phép chúng ta sử dụng mọi sản phẩm của thế giới như là chúng ta không sở hữu đìều gì nhưng lại nắm giữ mọi điều. (2 Corinthians 6, 10).

Nhà Thờ Phát Diệm VN
Nhà Thờ Phát Diệm VN

4. Đồng thời, như Giáo Hoàng Benedict nói, “có một loại nghèo khổ, một loại tước đoạt, mà Thượng đế không muốn và cần phải chống; loại nghèo khổ ngăn cản các cá nhân và gia đình sống với đầy đủ nhân phẩm; loại nghèo khổ xúc phạm công lý và bình đẳng và, do đó, đe doạ sự sống chung hoà bình.” Hơn nữa, “trong các xã hội giàu có tiền tiến, có bằng chứng về sự đi ra ngoài lề, cũng như nghèo khổ về tình cảm, đạo đức và tâm linh, trong những nguời có nội tâm lạc hướng với đủ mọi chứng bệnh dù là họ rất sung túc về kinh tế.” (Thông điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2009, chú thích 2).

5. Khi người Công giáo suy gẫm như thế này về ý nghĩa của nghèo khổ, chúng tôi cũng chú tâm đến kinh nghiệm tâm linh của các bạn, các bạn Phật tử thân ái. Chúng tôi xin cám ơn các bạn về việc làm chứng đầy hứng khởi của các bạn về vô chấp và tri túc thường lạc. Các sư thầy, sư cô, và nhiều Phật tử trong các bạn sống cuộc sống nghèo khổ “tự nguyện”, sự nghèo khổ nuôi dưỡng quả tim con người, làm giàu rất nhiều cho đời sống với trí tuệ sâu xa soi chiếu ý nghĩa của hiện hữu, và quyết tâm bền vững trong việc thăng tiến thiện tâm của toàn thể cộng đồng nhân loại. Một lần nữa, xin cho phép chúng tôi được nói lời chào mừng tận đáy lòng và chúc tất cả các bạn một Lễ Phật Đản nhiều hạnh phúc.

Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn
Hồng Y Jean-Louis Tauran
Giám Đốc

Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata
Tổng Thư Ký

Trần Đình Hoành dịch

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s