Thứ sáu, 20 tháng 3 năm 2009

Bài hôm nay:

Chào mừng Ngày Xuân phân và Ngày Trái Đất, 20 tháng 3 năm 2009, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành.

Họa sĩ mù, Video, John Bramlitt, sinh viên mù phi thường, vẽ bằng cách dùng cảm giác ở đầu ngón tay, anh Trần Đình Hoành nối link.

Vẻ đẹp tâm hồn, Danh Ngôn, song ngữ, chị Loan Subnaru dịch.

Tam đoạn luận và giới hạn của luận lý, Trà Đàm, luận lý học, anh Trần Đình Hoành.

.
Tin Sáng, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Người phụ nữ đầy nghị lực, chị Đặng thị Hiếu, Yên Mỹ, Hưng Yên, 30 năm nuôi chồng mù và 4 con đỗ đạt.

Trở lại Việt Nam tìm kiếm Hòa Bình
, Ted Englemann, người giúp mang nhật ký Đặng Thùy Trâm về Việt Nam, trở lại Việt Nam để tìm môt bé sơ sinh ông chụp ảnh 20 năm trước.

Bạn trẻ hưởng ứng Giờ Trái Đất, 20g30-21g30 ngày 28-3, các bạn trẻ chuẩn bị trên mạng Internet.

Người hùng 4 tuổi cứu bạn, bé Nguyễn Trung Hiếu, Huế, cứu bạn thoát tay tử thần.

8x đi làm xa xứ, tuổi hai mươi đi làm tại các quốc gia khác.

Vua Dứa, Thào Dìn là người Mông ở xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), từng làm thuê trồng dứa, nay thành ông chủ, giúp đồng hương làm ăn.

Ông Tám “Lúa lai”, lão nông Tám Lạc (Phạm An Lạc) ở Bạc Liêu đã cho ra đời được 53 dòng lúa lai.

Giải pháp giảm túi nylon, túi sinh thái, đang được các thành viên CLB GoGreen (“Hành trình xanh”) chào hàng.

Nghệ nhân ẩm thực Việt, Hoàng Thị Như Huy, tốt nghiệp Sư phạm và Văn khoa Huế, rồi học nấu ăn và sưu tấm món ăn khắp nơi, để dạy lại.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng!

🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Chào mừng Ngày Xuân phân và Ngày Trái Đất

earth-lighting-equinox

Chào các bạn,

Hôm nay, 20 tháng 3 năm 2009, là Ngày Xuân phân và Ngày Trái Đất.

Ngày Xuân phân là ngày đầu tiên chính thức của mùa xuân tại Mỹ và nhiều quốc gia Âu Mỹ. Tại các quốc gia theo âm lịch ở Á châu, Ngày Xuân phân lại được xem là ngày chính giữa mùa xuân.

Vào ngày 20 tháng 3 năm 2009, đúng 7 giờ 44 sáng (giờ Washington DC) (20 tháng 3, 11 giờ 44 sáng, giờ Greenwich), mặt trời sẽ đi ngang xích đạo của trái đất, chiếu ánh sáng thẳng góc vào xích đạo. Thời điểm này được gọi là Xuân phân nếu ta ở bắc bán cầu (vernal equinox) và Thu phân ở nam bán cầu (autumnal equinox).

spring

Equinox có nghĩa là “equal night” (đêm bằng, hay là, đêm bằng ngày), bởi vì mặt trời nằm ở vị trí thẳng đứng trên xích đạo. Thời điểm này đặc biệt bởi vì trục xoay của quả đất đứng nghiêng 23°4. Vì độ nghiêng này, chúng ta nhận ánh sáng nhiều nhất từ mặt trời trong mùa hè (ngày dài đêm ngắn) và ít nhất trong mùa đông (ngày ngắn đêm dài). Vào thời điểm Xuân phân (Thu phân), mặt trời đứng thẳng góc ngay trên xích đạo nên ngày và đêm bằng nhau.

Bởi vì được xem là ngày đầu của mùa xuân, mùa vạn vật bừng sống trở lại sau mùa đông lạnh lẽo tăm tối, Ngày Xuân phân có ý nghĩa lớn và là ngày lễ hội lớn trong nhiều nền văn hóa.

Theo Wikipedia tiếng Việt, Ngày Xuân phân được xem là ngày lễ hội tại nhiều nơi trên thế giới như sau:

Lễ hội Norouz (lễ hội năm mới hay lễ hội đầu xuân) của Iran được tổ chức vào ngày này. Đạo Bahai gọi lễ này là Naw-Rúz. Ngoài ra còn có lễ hội Ostara của đạo Wicca, và là một trong tám lễ hội Sabbat của những người theo đạo đa thần giáo kiểu mới (neopagan).

Tại Nhật Bản ngày Xuân phân (春分の日) là ngày lễ chính thức của quốc gia để mọi người đi tảo mộ và đoàn tụ gia đình.

Lễ Phục sinh ở các nước theo Cơ đốc giáo được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên ngay sau khi trăng tròn kể từ ngày Xuân phân.

Ngày Trái Đất được kỷ niệm vào ngày Xuân phân hàng năm kể từ ngày đầu tiên là 21 tháng 3 năm 1970.

Năm mới Tamil được tổ chức sau ngày Xuân phân. Nó được tổ chức tại bang miền nam Ấn Độ (Tamil Nadu).

earthbluemarblewestterra

Ngày Trái Đất (Earth Day)

Theo John McConnell, người sáng lập Ngày Trái Đất, khi ông đang suy tư tìm một ngày nào đó để mọi người trên thế giới cùng nhau ca tụng huyền diệu của đời sống trên quả đất, “Ngày Xuân phân hiện ra trong óc, và tôi biết ngay là chính nó. Một cơn động đất ở California làm rung rinh căn nhà của tôi lúc đó như là dấu hiệu đồng ý. Còn thời điểm nào hay hơn là lúc bắt đầu mùa xuân, khi ngày và đêm bằng nhau khắp mọi nơi trên thế giới, và mọi trí óc và con tim có thể hợp nhau trong suy tư về hòa hợp và sự tươi mới trở lại của Trái Đất. Chỉ một lời cầu nguyện đã rất ý nghĩa, còn ý nghĩa hơn biết bao nhiêu khi hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người vòng quanh thế giới hợp nhau trong suy tư và cầu nguyện để nuôi dưỡng tình láng giềng và thiên nhiên.”

Ngày Trái Đất đầu tiên xảy ra tại San Francisco vào ngày 21 tháng 3 năm 1970, với một công bố chính thức của thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. San Francisco có nghĩa là “Thánh Phan-xi-cô”, thánh quan thầy của sinh thái học (ecology). Sau này, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant ký một Công bố xác nhận Ngày Trái Đất cho Liên Hiệp Quốc.

Vào Ngày Trái Đất, ngay khi mùa xuân bắt đầu Chuông Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc sẽ đổ, để hàng triệu người trên thế giới đồng tâm suy niệm.

Chúc các anh chị em một mùa xuân đầy tình yêu và ánh sáng.

Trần Đình Hoành

Họa sĩ mù

Mù thì mò mẫm tìm đường đi đã khó rồi, đừng nói là sáng tạo những họa phẩm nghệ thuật như người họa sĩ mù này, John Bramblitt, sinh viên Đại Học North Texas (UNT). John chỉ cảm được (bằng mắt) sự khác biệt giữa màu đỏ và màu xanh, và sự hiện diện của màu sáng như màu trắng. Anh sáng tạo một cách vẽ bằng cảm giác ở đầu ngón tay.

Hãy tự hỏi, ta còn rất lành lặn, bao nhiêu tiềm năng ta đang có mà không sử dụng và phát triển, vì ta không tin vào chính ta?

Vẻ đẹp tâm hồn

dream-heart

“Vẻ đẹp tâm hồn tỏa sáng khi con người vẫn điềm tĩnh hứng chịu những bất hạnh, không phải vì họ không cảm nhận được những bất hạnh đó, mà vì họ là người có khí phách cao cả và anh hùng.”

Loan Subaru dịch

.

“The beauty of the soul shines out when a man bears with composure one heavy mischance after another, not because he does not feel them, but because he is a man of high and heroic temper.”

Aristotle

Tam đoạn luận và giới hạn của luận lý

meeting

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát hai lý luận căn bản nhất trong luận lý học, mà ta dùng hằng ngày, để hiểu rõ và nắm vững chúng trong đời sống và công việc hằng ngày. Đó là tam đoạn luận suy diễn và tam đoạn luận quy nạp. Đồng thời ta sẽ cảnh báo về các giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ và lý luận.

• Tam đoạn luận hầu như là nền tảng của phần lớn, nếu không nói là tất cả, suy tư của con người. Tam đoạn luận là lý luận ba câu. Ví dụ: (1) Mọi người đều chết. (2) Ông Xuân là người. (3) Vì vậy, ông Xuân sẽ chết. Hai câu đầu (1) và (2) của tam đoạn luận nầy là 2 tiền đề–tiền đề 1 và tiền đề 2. “Tiền” là trước (không phải là “money”, nhưng nếu bạn hiểu là money cho dễ nhớ thì cũng tốt, vì money thường đi trước mọi sự :-)), tiền đề là mệnh đề đi trước; câu (3) là kết đề, tức là kết luận rút ra từ hai tiền đề.
Tam đoạn luận trên đây là tam đoạn luận suy diễn, nó vì nó “suy” từ cái chung (mọi người) đến cái riêng (ông Xuân).

• Lý luận theo chiều ngược lại, từ VÀI cái riêng đến cái chung, goi là quy nạp. Và quy nạp thì dựa vào quan sát các trường hợp cá nhân, mà “quy” về một định luật chung cho tất cả. Ví dụ: (1) Hùng Vương chết, Hai Bà Trưng chết, Trần Hưng Đạo chết, Quang Trung chết, ông tôi chết, bà tôi chết, v.v.. (2) Các vị đó là người. (3) Vì vậy, mọi người đều phải chết.

• Hai tam đoạn luận này ta dùng rất thường xuyên trong ngày, nhưng gọn gàng hơn. Ví dụ, suy diễn kiểu các bà :-): “Ông này làm gì mà ôm điện thoại đi ra xa, nói nhỏ xíu. Chắc là liên hệ bất chính với cô nào rồi.” Đây là rút ngắn của môt tam đoạn luận: (1) Đàn ông nói điện thoại cách bí mật là có liên hệ bất chính với đàn bà. (2) Ông này đang bí mật. (3) Vì vậy, ông này có liên hệ bất chính.

argument1

• Lỗi lầm thường thấy nhất trong tam đoạn luận suy diễn là tiền đề đầu tiên thường quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Trong ví dụ trên, ở tiền đề 1, ta thấy ngay là nói chuyện bí mật đâu nhất thiết có nghĩa là có liên hệ bất chính, giả sử đó là bí mật quốc phòng hay bí mật nghề nghiệp thì sao?

Muốn cho chính xác hơn thì ta phải “thu nhỏ” lại một tí,và nói theo kiểu xác suất. Ví dụ: (1) Đàn ông, không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp, mà nói chuyện bí mật thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính. (2) Ông này không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp mà cứ nói chuyện kiểu bí mật trước mặt mình, (3) thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính.

“Khả năng cao” thì khá chính xác trên phương diện lý luận, nhưng không mạnh như trăm-phần-trăm. Vì vậy, các quí vị thiếu kinh nghiệm thuyết phục thường cứ cố ăn nói viết lách kiểu trăm-phần-trăm cho mạnh mẽ, nhưng làm người nghe và người đọc nhận ra ngay là mình lớ ngớ và không thành thật.

• Điểm yếu của tiền đề 1 của tam đoạn luận suy diễn cũng chính là điểm yếu của kết đề của tam đoạn luận quy nạp. (1) Tôi thấy ông A nói điện thoại bí mật và có liên hệ bất chính. (2) Tôi cũng thấy ông B cũng vây; ông C cũng vậy.… (3) Vì vậy, hễ đàn ông nói chuyện điện thoại bí mật là có liên hệ bất chính.

Kết luận này quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm, cho nên không tin được. Nếu giảm lại một tí theo cách nói xác suất thì dễ tin hơn: “Vì vậy, hễ đàn ông nói điện thoại bí mật là có khả năng có liên hệ bất chính.”

• Cả suy diễn và quy nạp (cũng như mọi luận lý khác của con người) đều có môt điểm rất yếu nữa, đó là các từ ngữ của con người luôn luôn có tính cách mù mờ, dùng tạm qua ngày thôi, chứ không giải quyết điều gì rốt ráo được. Ví du: (1) Hồng nhan thì đa truân. (2) Cô ấy đẹp quá. (3) Thành ra đời cô ấy khổ.

Phản biện: “Trời, con nhỏ đó, cái mặt mẹt như vậy mà chị nói là đẹp. Nó cực vì chuyên môn nói xạo, chớ hồng nhan cái gì!”

Ở đây ta thấy, từ “đẹp” rất mù mờ. Đẹp xấu tùy người đối diện, tùy say hay tĩnh. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ con người cũng đều mù mờ như thế. Cho nên, những người tin rằng có thể dùng ngôn ngữ và lý luận để giải quyết mọi thắc mắc ở đời, tìm ra mọi chân lý ở đời, là những người rất thiếu kinh nghiệm về lý luận.

argument

• Một điểm yếu rất lớn khác nữa là tất cả mọi phương thức lý luận (kể cả tam đoạn luận) chỉ do con người tìm ra được trong cuộc sống mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Tiền đề “Mọi người đều chết”. Ta biết được điều này là do thấy trong lịch sử (qua sách vở) và chung quanh ta ai cũng có lúc chết, cho nên ta “qui nạp” thành kết luận “Mọi người đều chết.” Rồi ta lại mang kết luận quy nạp này làm tiền đề cho một suy diễn mới, “Mọi người đều chết, hắn là người, cho hắn tha hồ ba hoa chích chòe đi rồi cũng có lúc phải chầu chúa thôi!”

Tức là quy nạp, suy diễn, hay bất kỳ lý luận nào ta sẽ học sau này, cũng chỉ là do kinh nghiệm quan sát của con người mà ra. Cho nên, các lý luận này khi gặp điều gì vượt quá vòng kinh nghiệm thường ngày của con người thì hoàn toàn không sử dụng được. Ví dụ: Tự nhiên có một cô gái rất trẻ, nhìn mới hai mươi mấy, đến gặp bạn và nói: “Tôi nói cho cậu bé hay nhé, cậu năm nay cở bốn mấy, thế thì cậu phải gọi tôi là ‘bà tiên tổ’ mới đúng, vì tôi năm nay 3.125 tuổi rồi.” Nếu cô bé này cứ nhất định như thế, và nếu chúng ta không thể chứng minh được tông tích cô này, toàn hệ thống công an cảnh sát của thế giới không có cách nào chứng minh được cô này từ đâu mà có, thì lúc đó ta có thể thấy lời cô ta nói có một cái gì đó có thể có giá trị, chứ chưa chắc là cô ta điên, và qui luật “Mọi người đều phải chết” có thể không dùng được, tối thiểu là trong trường hợp cô bé này.

• Nhận xét trên đây có hậu quả rất lớn cho đời sống con người trên thế giới ngày nay: Trong những lãnh vực xa hơn kinh nghiệm mắt thấy tai nghe (cộng thêm các máy móc phụ mắt và phụ tai), thì toàn hệ thống suy luận của con người không sử dụng được, và đó là lý do tại sao mà tôn giáo và các truyền thông tâm linh luôn luôn sống mạnh cho đến ngày nay, dù là tôn giáo và các truyền thống tâm kinh nói nhiều điều rất khác với kinh nghiệm hằng ngày và lý luận hằng ngày của ta. Các tôn giáo và truyền thống tâm tinh thường nhấn mạnh đến những kinh nghiệm vượt xa kinh nghiệm hằng ngày—Ví dụ: Nói chuyện với Chúa hiện ra trước mặt, nói chuyện với Quan âm Bồ tát hiện ra trước mặt… Ở đây ta không bàn đúng sai, ta chỉ cần hiểu rằng các kinh nghiệm cá nhân siêu hình, dù thật hay không thật, là các kinh nghiệm không thuộc trong lĩnh vực hoạt dộng của ngôn ngữ và lý luận thông thường. Cho nên nếu ta cố gắng tranh biện về các vấn đề này tức là ta rất thiếu kinh nghiệm về ngôn ngữ và lý luận.

• Một điểm quan trọng khác trong việc sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ là: Ngôn ngữ, vì giới hạn rất lớn của nó, thường được sử dụng như là “hé cánh cửa” để mời ta vào bên trong và thấy rõ hơn. Nếu ta không chịu mở cửa bước vào, thì không thể thấy bên trong. Ví dụ: Bạn thường ngày về nhà 6 giờ chiều. Hôm nay không hẹn nhưng lại về 11 giờ đêm, vào nhà thấy nàng còn ngồi đó bên mâm cơm và nói “Em đợi anh từ chiều đến giờ.” Bạn thực sự thấy được gì, thấy được bao nhiêu, trong câu nói đơn sơ nhẹ nhàng đó, hay là chỉ lý luận: “Đến giờ thì đi ngủ đi chứ, tại sao đợi làm gì?”

• Luận lý học là khoa học về sử dụng ngôn ngữ và lý luận chính xác. Nó rất cần cho chúng ta trong công việc và đời sống hằng ngày. Cho nên ta phải nắm vững. Và khi đã nắm vững, ta cũng phải biết ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Khi đọc hay nghe một câu nói, có nghĩa là chúng ta nhận được cái bánh ít bọc lá chuối. Ngôn ngữ lý luận là lớp lá bọc, tư tưởng tâm tình là bánh bên trong. Ta ăn bánh bỏ vỏ, hay ăn vỏ bỏ bánh?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Trở lại Việt Nam tìm kiếm Hoà Bình

meconhb

Ông là người góp phần vào việc thổi bùng lên một ngọn lửa trong trái tim bao người Việt Nam năm đó: Ted đã nhận lời với Fred Whitehurst – người cựu chiến binh Mỹ giữ gìn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm suốt 35 năm, để đem chiếc đĩa CD có chứa cuốn nhật ký sang Việt Nam. Ted Engelmann đến Việt Nam lần này để tìm lại và nói lời cảm ơn với một cô bé mà ông chỉ gặp khi cô bé vừa ra đời cách đây 20 năm. Điều duy nhất ông còn biết về cô là một tấm ảnh ông chụp.

Xem tiếp tại đây.

Bạn trẻ hưởng ứng “Giờ trái đất”

giotraidat

Còn vài ngày nữa, sự kiện Giờ trái đất (bắt đầu từ 20g30-21g30 ngày 28-3), tắt điện một giờ kêu gọi mọi người cùng hành động để đối phó biến đổi khí hậu sẽ diễn ra. Lần đầu VN tham gia nhưng không khí đang hừng hực khắp nơi. Từ vài tuần qua không chỉ trên mạng mà các nhóm bạn trẻ còn thực hiện nhiều hành động thiết thực để hưởng ứng sự kiện này.

Xem tiếp tại đây.

8X đi làm xa xứ

8x

Các bạn trẻ trong loạt bài này đều ở tuổi đôi mươi. Tốt nghiệp đại học trong nước, người ra nước ngoài học tiếp rồi đi làm cho các tập đoàn lớn, người thi tuyển vào làm việc ở tập đoàn đa quốc gia tại VN rồi sau đó ra nước ngoài làm việc. Bây giờ người làm việc ở Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản…; người ở Singapore, Malaysia… Tất cả đều đang theo đuổi cơ hội làm việc, học tập, trải nghiệm để biến những ước mơ của mình thành hiện thực trên con đường còn rất dài.

Kỳ 1: Phấn đấu theo những ước mơ

Kỳ 2: Cứ đi rồi sẽ đến

(Còn tiếp trên Tuổi Trẻ)

Giải pháp giảm túi nylon

tuisinhthai

Vấn đề hạn chế sử dụng túi nilông đã được giới chuyên gia môi trường và một số tổ chức ở VN đặt ra từ vài năm gần đây. Đến nay đã có một số giải pháp thiết thực ở TP.HCM và Hà Nội, được sự hưởng ứng của một số siêu thị. Tại Hà Nội, một sản phẩm mang tên túi sinh thái đã được các thành viên trong ban thông tin của câu lạc bộ Go Green – Hành Trình Xanh “chào hàng” với mục đích thay đổi dần thói quen sử dụng túi nilông trong cuộc sống hằng ngày.

Xem tiếp tại đây.

Nghệ nhân ẩm thực Việt

nghe

Tốt nghiệp hai trường Sư phạm và Văn khoa Huế rồi trở thành một cô giáo dạy văn, thế nhưng cô giáo Hoàng Thị Như Huy lại gắn bó cuộc đời mình với những mùi vị món ăn. Không dừng lại ở việc giảng dạy và giới thiệu về văn hóa ẩm thực trong và ngoài nước, cô còn dành thời gian để đi khắp nơi tìm hiểu, sưu tập và ghi chép lại các món ăn của các vùng miền, dân tộc để viết thành sách cho các thế hệ học trò.

Xem tiếp tại đây.