Ngày Quốc Tế Phụ Nữ

Women's Liberation
Ngày Quốc tế Phụ Nữ (mồng 8 tháng 3) là một dịp được ghi dấu bởi những hiệp hội phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày này cũng được Liên Hiệp Quốc kỷ niệm và được xem như ngày lễ quốc gia ở nhiều nước. Khi phụ nữ trên tất cả các châu lục, bị chia cắt bởi những khác biệt về biên giới quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế và chính trị, cùng nhau kỷ niệm Ngày của mình, họ có thể nhìn lại truyền thống tiêu biểu cho ít nhất chin thập kỷ đấu tranh vì sự bình đẳng, công bằng, hòa bình và phát triển.

Ngày Quốc tế Phụ nữ là câu chuyện về những người phụ nữ bình thường đã tạo nên những dấu ấn lịch sử; nó bắt nguồn từ cuộc đấu tranh hàng thế kỷ của phụ nữ để tham gia vào xã hội một cách bình đẳng như nam giới. Vào thời Hy Lạp cổ đại, Lysistrata đã khởi đầu một cuộc biểu tình của nữ giới yêu cầu chấm dứt chiến tranh; suốt Cách Mạng Pháp, những người phụ nữ Paris đã diễu hành ở Versailles, kêu gọi cho “Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái”, và đòi quyền được bỏ phiếu của phụ nữ.

Ý tưởng về Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên nảy sinh vào thời điểm chuyển đổi thế kỷ, khi thế giới công nghiệp đang trong giai đoạn bành trướng và hỗn loạn của bùng nổ dân số và các ý thức hệ cấp tiến. Sau đây là tóm tắt theo cột mốc thời gian những sự kiện quan trọng nhất:

Đòi Quyền Phụ Nữ Trước Nhà Trắng
Đòi Quyền Phụ Nữ trước Nhà Trắng

1909

Cùng với tuyên bố của Đảng Xã Hội Mỹ, ngày Phụ nữ Quốc gia đầu tiên được kỷ niệm trên toàn Liên Bang Hoa Kỳ là ngày 28 tháng hai. Phụ nữ tiếp tục kỷ niệm nó đến ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai năm 1913.

1910

Quốc tế Xã hội họp tại Copenhagen, thiết lập một Ngày Phụ Nữ mang tính quốc tế để vinh danh phong trào đòi những quyền phụ nữ và hỗ trợ quyền bầu cử phổ thông cho phụ nữ. Đề nghị được chào đón với sự nhất trí tán thành tại hội nghị của hơn 100 phụ nữ đến từ 17 nước, gồm cả ba người phụ nữ đầu tiên được bầu vào quốc hội Phần Lan. Chưa có ngày cố định được chọn để kỷ niệm.

1911

Như kết quả của quyết định tại Copenhagen năm trước, Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được ghi nhận (19 tháng ba) tại Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, nơi hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham dự đại hội. Bên cạnh quyền bầu cử và đảm nhiệm những công việc văn phòng chính phủ, họ đã yêu cầu quyền làm việc, học nghề và chấm dứt phân biệt trong công việc.

Chưa đầy một tuần sau đó, vào ngày 25 tháng ba, thảm họa tại Triangle Fire, New York đã lấy đi sinh mạng của hơn 140 nữ công nhân, phần lớn là những người nhập cư gốc Ý và Do Thái. Sự kiện này có một ảnh hưởng quan trọng đến luật lao động của Hoa Kỳ, và những điều kiện làm việc dẫn đến thảm họa đã được viện dẫn trong suốt những lễ kỷ niệm sau đó của Ngày Quốc tế Phụ Nữ.

1913-1914

Như một phần của phong trào hòa bình đã tích tụ từ buổi đêm của cuộc Chiến tranh Thế giới I, những người phụ nữ Nga kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai năm 1913. Ở những nơi khác trên châu Âu, vào đúng ngày 8 tháng ba hoặc những ngày gần đó của năm sau đó, phụ nữ đã tập hợp để chống chiến tranh và để bày tỏ tinh thần đoàn kết giữa các chị em.

Đòi Quyền Phụ Nữ ở Pakistan
Đòi Quyền Phụ Nữ ở Pakistan

1917

Với hai triệu người lính Nga tử trận, những người phụ nữ Nga một lần nữa đã chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai để biểu tình vì “bánh mì và hòa bình”. Những nhà lãnh đạo chính trị phản đối thời điểm của cuộc biểu tình, nhưng những người phụ nữ vẫn tiến hành dù thế nào. Phần còn lại là lịch sử: Bốn ngày sau đó, Sa hoàng bị buộc thoái ngôi và chính phủ lâm thời đã trao cho phụ nữ quyền bầu cử. Ngày chủ nhật lịch sử đó là ngày 23 tháng hai theo lịch Julian được sử dụng ở Nga thời đó, nhưng là ngày 8 tháng ba theo lịch Gregorian ở những nơi khác.

Ngay từ những năm đầu, ngày Quốc tế Phụ nữ đã được xem như một chiều hướng mới trên toàn cầu cho phụ nữ ở các nước phát triển và đang phát triển. Sự lớn mạnh của phong trào phụ nữ quốc tế, được hỗ trợ bởi bốn hội nghị phụ nữ toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, đã làm cho việc kỷ niệm trở thành một điểm tập hợp của những nỗ lực liên kết đòi quyền phụ nữ và sự tham gia vào quá trình chính trị và kinh tế. Càng ngày, ngày Quốc tế Phụ nữ là một thời điểm để nhìn lại những bước tiến đã qua, kêu gọi những thay đổi và kỷ niệm những hành động dũng cảm và quyết đoán của những người phụ nữ bình thường, những người đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử của quyền phụ nữ.

Vai trò của Liên Hiệp Quốc

Những mục tiêu được Liên Hiệp Quốc thúc đẩy đã tạo ra những ủng hộ mạnh mẽ và lan rộng hơn cho chiến dịch xúc tiến và bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, được ký tại San Francisco năm 1945, là hiệp định đầu tiên công bố bình đẳng giới như một nhân quyền cơ bản. Từ đó, tổ chức đã giúp tạo nên một di sản lịch sử về những chiến lược ưng thuận quốc tế, những tiêu chuẩn, chương trình và mục tiêu để nâng cao vai trò người phụ nữ trên toàn thế giới.

Trong nhiều năm, hoạt đông của Liên Hiệp Quốc vì sự tiến bộ của phụ nữ đã có bốn định hướng rõ ràng: thúc đẩy về những phương sách luật pháp, huy động ý kiến công chúng và hoạt động quốc tế; đào tạo và nghiên cứu, bao gồm biên soạn những thống kê về xóa bỏ phân biệt chủng tộc về giới và hướng đến hỗ trợ những nhóm bất lợi (khó khăn). Ngày nay, một nguyên tắc tổ chức trọng tâm của công việc ở Liên Hiệp Quốc là không có giải pháp dài hạn nào cho những vấn nạn gay cấn nhất của xã hội về mặt xã hội, kinh tế, chính trị có thể tìm thấy được nếu không có sự tham gia đầy đủ, và sự trao quyền đầy đủ của thế giới phụ nữ.

Thùy Dương (theo Website Liên Hiệp Quốc)

http://www.un.org/ecosocdev/geninfo/women/womday97.htm

Bản chất của thành công

Hà Minh Ngọc
Hà Minh Ngọc
Chào các bạn,

Đây là câu chuyện về một bài văn đã làm xôn xao dân mạng và báo chí Việt Nam 3 năm về trước. Bài văn do Hà Minh Ngọc, một cô bé 15 tuổi, viết. Mình được hân hạnh là người đầu tiên giới thiệu bài văn đó cho thế giới trên mạng Internet, và từ đó bài văn trở thành một huyền thoại tự chính nó. Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, mình muốn kể lại câu chuyện này, để làm quà đến các chị, và đến cả các anh, vì trong bài văn Ngọc có nói đến các anh và ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

2 tháng mười 2006

Anh Hà văn Thúy, thành viên diễn đàn VNBIZ (do mình sáng lập và điều khiển) gửi mình một lá thư:

Dear Anh Hoành,

Anh Hoành ơi, tôi rất thích bài viết của Anh. Tôi cũng hay đọc và giữ một số bài viết tôi thấy thích, nhân dịp này tôi xin gửi Anh một bài của một bạn còn rất trẻ. Anh thấy thế nào?

Rất mong được gặp Anh trong những ngày tới, khi Anh ở Việt Nam.

Kinh chúc Anh nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

• Nhận được thư mình đọc ngay, và vài phút sau, mình trả lời anh Thúy:

Chào anh Thúy,

Cám ơn anh đã gửi cho mình bài viết rất hay. Cô bé (hay cậu bé) này có trình độ ngôn ngữ rất cao, và sự suy nghĩ thật là sâu sắc. Minh Ngọc có sự hiểu biết rất sâu về tinh cảm và liên hệ con người. Amazing!

Sao anh không gửi lên VNBIZ để chia sẻ với các bạn? Hay là mình forward lên đó vậy. Được không, anh Thúy?



• Khoảng 7 tiếng đồng hồ sau anh Thúy trả lời (nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt—các từ tiếng Anh đã được chuyển sang tiếng Việt dưới đây):


Cám ơn anh đã trả lời rất nhanh. Tôi mới nói chuyện với Minh Ngọc, học sinh 15 tuổi. Tôi đã thuyết phục và cháu đồng ý nếu tôi gửi lên VNBIZ, nhưng bẽn lẽn nói rằng không phải ý kiến của cháu đề nghị gửi lên web.

Tôi thấy rằng gửi để chia sẻ với các bạn sẽ tốt … Vì vậy tôi nhờ anh Hoành nhé.


• Mình liền gửi ngay bài văn của Minh Ngọc lên VNBIZ, với lời giới thiệu (bằng tiếng Anh):

Chào các anh chị,

Mình rất vui thích được giới thiệu đến các anh chị bài văn tuyệt vời có tên “Bản chất của thành công.”

Thành công là gì? Làm thế nào để ta định nghĩa thành công cho chính ta? Qua một số tình cảnh khác nhau, tác giả của bài văn này định nghĩa thành công một cách rất tự chủ và tích cực. Cô ấy biểu hiện một hiểu biết sâu sắc về cảm tính của con người, các giá trị nhân bản, và các liên hệ giữa con người. Thật là một quả tim rộng và một trí óc lớn kết hợp nhau.

Các anh chị sẽ ngạc nhiên thích thú khi biết rằng tác giả là một học sinh lớp 10 mới 15 tuổi. Tên của cô bé là Hà Minh Ngọc, con của anh Hà văn Thúy, một thành viên thâm niên của VNBIZ. Anh Thúy làm việc cho Bộ Y Tế, phụ trách các vấn đề y tế tại Tây Nguyên. Bài văn của Minh Ngọc là để trả lời đề thi ở trường: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em.”

Người phụ nữ trẻ trung này chắc chắn có mầm mống của một nhà tư tưởng lớn và một nhà văn lớn. Tôi rât trông mong thấy ngày cô bé bùng phát cao thâm.

Cám ơn anh Thúy đã cho phép mình chia sẻ với các bạn. Mình biết Minh Ngọc e thẹn về việc này, nhưng đây là một bài văn rất hay, nên được chia sẻ với mọi người.

Vì Minh Ngọc không có địa chỉ email, anh chị nào muốn viết cho cô bé, xin gửi đến anh Thúy tại …
Bài văn viết bằng tiếng Việt và đính kèm đây trong 4 jip files.

Hãy tận hưởng nó!

Hoành

Sau đó:

Những ngày sau đó bài văn được chuyền tay ồ ạt trên mạng Internet, cho đến 22 ngày sau đó…

24 tháng 10, 2006

Báo Tuổi Trẻ: Bài văn làm xôn xao dân mạng

Báo Tuổi Trẻ: Những lời cám ơn cho một bài văn

25 tháng 10, 2006

Báo Tuổi Trẻ: Gặp tác giả bài văn làm xôn xao dân mạng

Sau đây là nguyên bản của bài văn, viết tay trong lớp học.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,
Hoành
.

Mẹ … và … con gái

me-con
“Bi kịch là, bất bình thường chính là bình thường.” Đọt Chuối Non

Có lẽ các gia đình đều gặp vấn đề liên quan đến “Khoảng – cách – giữa – hai – thế – hệ”. “Khoảng – cách” đó có thể là sự khác biệt về tư duy, quan niệm, nhận thức, lối sống giữa ba mẹ và con cái…Kết quả của sự “khác biệt” này thường dẫn đến những xung đột, bất hòa giữa hai thế hệ. Vậy bạn có bao giờ gặp vấn đề tương tự không? Cách giải quyết của bạn sẽ như thế nào?

Bản thân tôi cũng từng trải nghiệm vấn đề này trong chính gia đình của mình…

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm quan, nên bị ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng phong kiến. Vỉ thế, mẹ cũng đã áp đặt cách suy nghĩ truyền thống, cứng nhắc đó; uốn nắn và giáo dục con cái theo lối sống quy tắc của chính mình.

Gia đình tôi có năm người: mẹ tôi, hai anh trai, một chị gái và tôi là con út. Dĩ nhiên mọi người đều nhận được sự thương yêu của mẹ. Tuy nhiên, có vẻ như tình cảm mẹ dành cho hai anh trai (anh cả và anh kế tôi) vẫn nhiều hơn, đặc biệt hơn, nếu so sánh với chị tôi và tôi. Các vấn đề quan trọng trong gia đình, mẹ chỉ bàn bạc với các anh, mà không nghĩ rằng: nếu tôi và chị gái cùng tham gia, bàn luận, hai chị em tôi có thể đưa ra những ý kiến hay, hoặc cách giải quyết tốt hơn và thông minh hơn giúp giải quyết vấn đề. Thế nên, nhiều lúc, tôi cảm thấy rất buồn, nhưng chẳng làm gì được hơn. Vì tôi biết rằng: thay đổi cách suy nghĩ của mẹ không phải là điều dễ dàng.
me-cho-con
Nhớ lại thời thi đại học, bốn anh chị em tôi chẳng được quyền lựa chọn thi vào trường mình thích. Mẹ tôi rất thích trong gia đình có con là bác sĩ, nên cả bốn anh chị em tôi đều bị ép học để thi vào trường ĐH Y (mặc dù chúng tôi chẳng mặn mà, ham thích ngành này do cảm thấy không phù hợp). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố học, đăng ký thi vào trường ấy vì chỉ muốn làm mẹ vui. “Lưc bất tòng tâm” và kết quả như dự đoán: cả bốn anh chị em đều thi trượt! Chị cả và hai anh lớn thi trượt ĐH Y ba lần, và cuối cùng đành phải lựa chọn, thi vào trường phù hợp hơn với khả năng của mình. Riêng tôi, so với các anh chị, thì tư tưởng nổi loạn hơn và phản kháng mạnh hơn, nên sau một lần thi trượt ĐH Y, tôi đã không đủ kiên nhẫn thi lại nhiều lần như các anh chị và kết quả thì lại đậu vào trường ĐH không mấy tên tuổi…

Mẹ tôi rất buồn vì chúng tôi đã không hiện thực hóa được mong muốn của mẹ, và cũng hay nhắc đi, nhắc lại nhiều lần việc này. Tuy nhiên, mẹ không hiểu rằng nếu chúng tôi chọn và thi vào chuyên ngành mình thích, bốn anh chị em tôi đã có thể hạnh phúc hơn và thành đạt hơn trong cuộc sống. Chính vì thế, tôi luôn ấp ủ trong lòng một điều: sau này lập gia đình, chắc chắn tôi sẽ để cho con mình phát triển tự nhiên, không gò ép thế này.
me-va-con
Bây giờ cũng thế, dù tôi đã trưởng thành, đã đi làm nhưng những xung đột do khác biệt trong tư tưởng của hai hế hệ – tôi và mẹ – thỉnh thoảng vẫn tồn tại. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bức rứt, khó chịu, mất tự do khi sống chung với gia đình. Nhưng, vài lần trao đổi với mẹ, xin ra ở riêng thì lại có xung đột vì mẹ không thể chấp nhận việc con cái sống riêng…

Tuy nhiên, nói thế cũng không hẳn là tôi trách móc gì mẹ. Tôi nghĩ mẹ tôi có lý do riêng khi suy nghĩ và hành động như vậy. Những gì mẹ làm cũng chỉ vì gia đình và tình thương yêu dành cho bốn anh chị em tôi. Nghĩ đến những điều này, tôi đã cố gắng tự điều chỉnh bản thân, biết chấp nhận và cảm thông, cũng như mở rộng lòng mình hơn để có thề hòa nhập hơn với suy nghĩ của mẹ tôi. Có lẽ đây cũng là một cách giải quyết vấn đề chăng?

Loan Subaru

So mỗi cô… với mỗi anh

200531651-001So mỗi cô… với mỗi anh….

So với mỗi cô gái chán đóng vai yếu đuối khi cô mạnh mẽ, có một anh chàng chán phải ra vẻ mạnh mẽ khi anh cảm thấy yếu đuối.

So với mỗi anh chàng nặng trĩu dưới áp lực phải hiểu biết mọi sự, có một cô gái chán ngán việc chẳng ai tin sự hiểu biết của cô.

So với mỗi cô gái chán nghe mọi người nói cô quá nhậy cảm, có một anh chàng run sợ không dám dịu dàng hay khóc.

So với mỗi anh chàng chỉ biết cạnh tranh để thể hiện nam tính, có một cô gái bị gọi là thiếu nữ tính khi cô cạnh tranh.

So với mỗi cô gái vứt đi lò nướng, có một anh chàng ước gì tìm được một cái lò.

So với mỗi anh chàng phải đấu tranh tư tưởng để không bị quảng cáo sai khiến ham muốn, có một cô gái phải đối diện cuộc tấn công vào nhân phẩm bởi kỹ nghệ quảng cáo.

So với mỗi cô gái tiến thêm một bước về hướng tự giải phóng, có một anh chàng khám phá ra rằng đường đến tự do dễ hơn một tí.

Nguyễn Minh Hiển và Trần Đình Hoành dịch

.
lachituong_42
For Every Girl … For Every Boy …

For every girl who is tired of acting weak when she is strong, there is a boy tired of appearing strong when he feels vulnerable.

For every boy who is burdened with the constant expectation of knowing everything, there is a girl tired of people not trusting her intelligence.

For every girl who is tired of being called over-sensitive, there is a boy who fears to be gentle, to weep.

For every boy whom competition is the only way to prove his masculinity, there is a girl called unfeminine when she competes.

For every girl who throws out her E-Z-Bake oven, there is a boy who wishes to find one.

For every boy struggling not to let advertising dictate his desires, there is a girl facing the ad industry’s attacks on her self-esteem.

For every girl who takes a step toward her liberation, there is a boy who finds the way to freedom a little easier.

Nancy R. Smith

Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Đài tưởng niệm Đồng Lộc
Đài tưởng niệm Đồng Lộc

Chào các bạn,

Ai trong chúng ta lại không cảm thấy bi tráng với câu chuyện 10 Cô Gái Đồng Lộc. Mình có cơ duyên “gặp” các cô năm 1995 tại nghĩa trang Đồng Lộc. Cuộc viếng thăm làm mình buồn rất nhiều năm, và có lẽ là sẽ tiếp tục buồn suốt đời, mỗi lần nhớ đến.

Năm 2005, mình có cơ duyên được chị Diệu Ánh (Sài gòn) gửi bài thơ “Lời Thỉnh Cầu Ở Nghĩa Trang Đồng Lộc,” của anh Vương Trọng, lúc đó đã được khắc vào bia đá ở Nghĩa Trang, đã đổi tên thành Đài Tưởng Niệm Đồng Lộc. Mình dịch ra tiếng Anh.

Đây là bài thơ với một cách nói chuyện rất chân chất, từ tốn, bình thường—chết tan xác vì bom cũng chỉ bình thường—vì vậy nó vượt được lên trên tất cả màu sắc chính trị và nghệ thuật, và nói lên được tiếng khóc vượt biên giới, vượt thời gian, tiếng nói bi thảm của chiến tranh, không phải như một hành động chính trị, mà như một ung nhọt trong tâm thức con người. Continue reading Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Sống… động

Khiêu vũ một mình
Nhảy múa
Như chẳng ai đang nhìn bạn

Yêu
Như bạn chưa bao giờ bị tổn thương

Hát
Như chẳng ai có thể nghe thấy bạn

Sống
Như thiên đường đang ở ngay đây

Nguyễn Minh Hiển dịch

.

Dance
As though no one is watching you.

Love
as though you have never been hurt before.

Sing
as though no one can hear you.

Live
as though heaven is here on earth.

Anonymous

Lý luận phân tích: Tổng hợp

Nhà lego
Nhà lego
Chào các bạn,

Ta đã lược qua phân tích, hôm nay ta nói đến gian đoạn cuối của tiến tình phân tích, tức là tổng hợp. Tổng hợp có thể tạm gọi là “kết luận.” Đó là câu nói mà người ta hay nói trong cuối mỗi buổi hội thảo: “Tóm lại…”

Nhiều người thường tưởng lầm rằng tổng hợp là một loại suy luận khác với phân tích, nhưng thực ra nó là một phần của tiến trình phân tích vì, cũng như sau khi rã máy thì người kỹ sư phải ráp máy lại, người làm công việc suy tưởng phải tổng hợp tư tưởng sau khi đã phân tích. Nếu phân tích mà không tổng hợp, thì nó thường là nói nhăng nói cuội, mà ta hay thấy trong nhiều cuộc tranh luận.

• Tư tưởng hoạt động giống như các khối Lego mà trẻ em hay dùng để chơi trò chơi xây dựng—ráp các khối lego lớn nhỏ đủ màu thành nhà, xe, máy bay, tàu ngầm, và tất cả hình thù gì các em có thể tưởng tượng ra. Tổng hợp chính là mang những tư tưởng rời rạc mà ta có trong giai đoạn phân tích và ráp nó thành một sản phẩm. Sản phẩm đó có thể là một một kết luận về một sự thực, như ai có lỗi trong vụ này và lỗi nhiều hay ít ra sao, hay các nguyên do gây ra một cơn bệnh. Sản phẩm đó có thể có thêm đề nghị về các phương thức giải quyết vấn đề. Sản phẩm đó cũng cũng có thể là một mô hình hoàn toàn mới cho một dự án hoàn toàn mới.

Vấn đề rất nhiều người gặp phải là trong tiến trình phân tích họ đã đi qua hằng chục cây số đường quanh co, thu nhặt hằng ngàn mảnh vụn tư tưởng lớn nhỏ, và giờ đây trong đầu họ chỉ là một đống tư tưởng hỗn độn vĩ đại, không biết phải làm gì với những mảnh vụn đó. Và đây cũng là vấn đề ta thường gặp trên Internet, khi vài vị tranh luận từ Bangkok qua Paris, Moscow, Dubai, vô đến các rừng rậm Amazon, rồi ngưng ngang, sau khu đã đủ mệt và đã làm cho rất nhiều người khó chịu, và chẳng ai, kể cả người viết, có được kết luận gì hết, hay hiểu được gì hết.

• Nói thế để chúng ta thấy, tổng hợp, giai đoạn cuối cùng của phân tích, mới thực sự là sáng tạo. Các phân tích trước đó chỉ là khám phá và lượm nhặt. Tổng hợp là dùng những gì mình nhặt được để làm ra một sản phẩm mới. Vậy thì, điều quan trọng nhất của tổng hợp là ta muốn có sản phẩm gì. Ta muốn dùng các khối lego để xây cái gì—nhà, xe, hay máy bay? Ý muốn về một sản phẩm là chính là yếu tố quyết định tổng hợp. Nếu ta không biết ta muốn cái gì—theo kiểu lâu lâu thẩy một câu hỏi ra để có chuyện cãi nhau với thiên hạ–thì mọi phân tích đều chỉ tốn thời giờ vô ích.

Lâu đài Excalibur bằng lego
Lâu đài Excalibur bằng lego
Ví dụ về tệ nan mãi dâm, ta muốn gì trong tiến tình phân tích? Ta muốn viết một tờ trình lên thủ tướng về các nguyên nhân mãi dâm? Môt tờ tình vừa kể nguyên nhân vừa đề nghị giải pháp? Hay ta muốn viết một bài tấn công các quí vị đàn ông mua hoa? Hay một bài phê bình thái độ không công bình của xã hội về việc khắt khe với nữ giới và rộng rãi với nam giới về các vấn đề tình dục? Hay một bài kể tội công an? Hay kể tội chính quyền địa phương? Hay viết bài ủng hộ việc hợp pháp hóa kỹ nghệ mãi dâm? Hay đề nghị dự án hướng nghiệp cho chị em ta? Hay sửa đổi hình luật để chú trọng vào khách mua hoa hơn? Nói chung, ta có thể có cả hằng trăm mục đích khác nhau. Và dù là mục đích nào đi nữa, thì ta cũng chỉ dùng một nguồn nguyên liệu, đó là đống tư tưởng ta đã thu lượm được trong tiến trình phân tích.

• Vậy thì, các mảnh vụn tư tưởng mà ta tìm được trong tiến trình phân tích tự chúng không có ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ có ý nghĩa khi được sắp xếp để phục vụ mục đích của tổng hợp. Ví dụ: Cùng một dữ kiện “mãi dâm càng ngày càng gia tăng”, người thì dùng nó để cổ vũ việc gia tăng ngăn chận mãi dâm, người lại dùng nó để cổ vũ việc hợp pháp hóa mãi dâm. Cả hai người này có mục đích gần chỏi nhau 100%, nhưng lại dùng cùng một dữ kiện để lý luận. Một khối lego tự nó chẳng có ý nghĩa gì cả–nếu dùng xây nhà thì nó là lego xây nhà, nếu dùng để xây cầu thì nó thành lego xây cầu.

• Bởi vì vậy, ta phải có mục đích trước, sau đó ta mới thực sự hiểu được nghĩa lý của tư tưởng. Ví dụ: Kho lưu trữ thống kê của nhà nước chẳng có nghĩa lý gì hết. Nếu ta dự định đọc tài liệu thống kê để tìm ra biện pháp gia tăng phát triển kinh tế, thì các thống kê sẽ sống dậy như một đoàn quân giúp ta phát triển. Ngược lại, nếu ta có chủ đích tìm thống khê để phê phán nhà nước bất tài, thì thống kê cũng sẽ đứng dậy giúp ta làm việc này.

• Hơn thế nữa, không phải là đợi đến khi phân tích xong, mà trong nhiều trường hợp, ta phải có mục đích của tổng hợp ngay cả trước khi phân tích. Ví dụ: Ta mở một cuộc họp cho một số viên chức các bộ để tìm phương thức ngăn chặn mãi dâm. Trong cuộc họp này, mọi người phân tích vấn đề với chủ đích ngăn chận mãi dâm, cho nên các phân tích về hướng khuyến khích mãi dâm, hay xa đề quá như vai trò mãi dâm trong các tôn giáo thời cổ sử, sẽ xem như nằm ngoài chương trình thảo luận (để khỏi tốn thời gian). Một cuộc họp như vậy sẽ không bị tốn thời gian nói lòng vòng quá nhiều, ngược lại nó cũng có thể giới hạn óc sáng tạo phần nào, vì nó giới hạn tự do “lang thang” của phân tích. Đây là quyết định quản lý, muốn dành thời giờ bao lâu cho phân tích “lang thang.”

Cá mập lego
Cá mập lego

• Dĩ nhiên ngưởi ta có thể để tư tưởng đi lang thang trong một tiến trình phân tích vô chủ đề và vô giới hạn về thời gian, và chẳng quan tâm đến tổng hợp hay không—khi nào nó đến thì đến. Cách suy tư này thường gặp trong các triết gia và thi sĩ (là các quí vị không biết quí thời gian :-)). Nhưng trong các vấn đề xã hội hằng ngày, ta cần một muc đích để tập trung tư tưởng và để quản lý thời gian. Vì vậy, mục đích của toàn tiến trình tư tưởng phân tích và tổng hợp thường được đặt ra ngay từ đầu.

• Thông thường trong thế giới thương mại, phân tích và tổng hợp thường được sử dụng như sau: (1) Trưởng nhóm gọi một cuộc họp để mọi người động não (brainstorm) về, chẳng hạn, sáng tạo một đồ chơi mới cho trẻ em 6 tuổi cho mùa giáng sinh tới. Trong cuộc động não này, chỉ có phân tích và không có tổng hợp. Thành viên tha hồ nói ra bất kỳ ý tưởng nào đến trong đầu, không cần biết đúng sai, tốt xấu. Hoàn toàn không có vấn đề định giá. Cứ nghĩ đến điều gì là nói ra, và ai nói ra điều gì mọi người khác ghi lại điều đó. Động não như thế có thể kéo dài nhiều buổi họp. (2) Bắt đầu làm tổng hợp đầu tiên, lấy ra giữa hàng chục đề nghị vài ba đề nghị có vẻ hay nhất, rồi tiếp tục động não (phân tích), tập trung vào các đề nghị đó. (3) Tổng hợp một lần nữa bằng cách định giá vài đề nghị còn lại để lựa ra đề nghị xem là tốt nhất. Rồi tiếp tục động não (phân tích) về đề nghị cuối cùng này. (4) Tổng hợp để viết lên một chương trình làm việc cụ thể để tạo ra sản phẩm mẫu đầu tiên.

• Nói chung là phân tích và tổng hợp nối tiếp nhau trong một tiến trình suy tư sáng tạo. Và tiến trình này thường được hướng dẫn bằng một mục tiêu đầu tiên. Tiến trình phân tích tổng hợp càng tiến xa thì mục tiêu đầu tiên càng được cụ thể hóa. Cho đến cuối tiến trình thì mục tiêu—là ngôi sao hướng dẫn tiến trình—lại được tiến trình làm cho cụ thể hơn và sáng sủa hơn. Có nghĩa là mục tiêu hướng dẫn tiến trình, nhưng tiến trình cũng hướng dẫn mục tiêu. Cả hai đều rất uyển chuyển trong suốt tiến trình sáng tạo.

Chúc anh chị một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use