Trước khi …

suy-tc6b0
Trước khi bạn nói, lắng nghe.
Trước khi bạn viết, suy nghĩ.
Trước khi tiêu pha, kiếm tiền.
Trước khi đầu tư, điều tra.
Trước khi chỉ trích, đợi.
Trước khi cầu nguyện, tha thứ.
Trước khi bỏ cuộc, cố gắng.
Trước khi về hưu, tiết kiệm.
Trước khi chết, cống hiến.

Nguyến Minh Hiển dịch

.

Before you speak, listen.
Before you write, think.
Before you spend, earn.
Before you invest, investigate.
Before you criticize, wait.
Before you pray, forgive.
Before you quit, try.
Before you retire, save.
Before you die, give.

William Arthur Ward

Lý luận phân tích: Tại sao?

Why?
Why?

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta nói đến 6 câu hỏi căn bản của tiến trình phân tích lý luận: 5W1H—what, where, when, who, why và how. Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến câu hỏi quan trọng nhất trong 6 câu này—Why? Tại sao?

Nhiều năm về trước, ngày nào cũng có một cô bé láng giềng bốn tuổi, tên là Jenny, vào nhà mình chơi. Cô bé này chỉ nói có một chữ “why”, cho nên mỗi lần nói chuyện với cô bé là một thử thách trí tuệ cực kỳ lớn. Chào Jenny. Why? À tôi muốn hỏi em hôm nay thế nào. Why? Vì tôi quan tâm đến em. Why? Vì em dễ thương. Why? Vì trời làm em dễ thương. Why? Vì trời thích làm như thế. Why? Hmm… hmm… cũng chẳng biết tại sao trời thích thế. Why? Hmm… vì chẳng nghe ông ấy nói gì. Why? Hmm… vì có gặp ông ấy đâu. Why? Chẳng biết cách gặp. Why? Chưa tìm ra cách gặp. Why? ….

Đại khái là các cuộc đàm thoại thường xảy ra như thế. Mình hay nói đùa lúc đó: “Cô bé này là Socrates tái sinh, hằng ngày vào nhà thử thách mình đây.” Ai đó đã định nghĩa triết gia là người nhìn cuộc đời với đôi mắt bỡ ngỡ của một bé thơ. Thật là chính xác! Bao nhiêu nghìn năm tư tưởng triết lý và khoa học của con người chung quy cũng bắt đầu bằng một câu hỏi—Tại sao? Tại sao tôi ở đây? Tại sao có trời? Tại sao có đất? Tại sao bệnh? Tại sao gầy? Tại sao béo? Tại sao em học giỏi? Tại sao em học dốt? Tại sao nước ấy giàu? Tại sao nước ta nghèo? Tại sao thế giới nhiều chinh chiến?

“Tại sao” là câu hỏi cốt lõi nhất của tư duy con người, vì nó là mặt trái của một đồng tiền cắc, mà mặt kia là định luật căn bản chi phối tất cả các hiện tượng khoa học, kinh tế, xã hôi, triết lý, tâm lý… của con người—liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả (the causal relationship, the relationship between cause and effect): Bất kỳ điều gì trên đời cũng có nguyên nhân của nó. Muốn sửa chữa hay thay đổỉ một tình trạng hay một vấn đề nào đó, ta phải biết rõ nguyên nhân đã sinh ra nó. Nếu không thì cũng như người bị mặt mụn vì gan yếu nhưng cứ mua calcium uống hằng ngày (cho khỏe xương).

Why!
Why?!!

Biết được cái gì là nguyên nhân của cái gì, không phải là một việc dễ. Hỏi các thầy thuốc thì biết ngay. Vì thế mà có thầy thuốc hay và thầy thuốc dở. Có 2 loại khó khăn trong việc tìm liên hệ nhân quả. (1) Thứ nhất là không thấy được nhuyên nhân. Rất nhiều khi ta nghe các bác sĩ nói, “Bệnh này thì chúng tôi đành bó tay vì không biết cái gì sinh ra nó.” (2) Thứ hai là lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả. Con gà có trước cái trứng, hay cái trứng có trước con gà? Giáo chức làm hỏng chính sách giáo dục, hay chính sách giáo dục làm hỏng giáo chức? Vấn đề lại càng phức tạp hơn khi nguyên nhân và hậu quả có thể ảnh hưởng hỗ tương trong một vòng tròn, như thường xảy ra trong các hiện tượng xã hội: Chính sánh có chỗ hơi yếu vì thế làm yếu giáo chức, giáo chức yếu làm chính sách càng tồi thêm, chính sách tồi tệ lại làm cho giáo chức càng thêm xuống dốc, giáo chức càng xuống dốc lại càng phá hoại chính sách. Cái vòng lẩn quẫn cay nghiệt này cứ xoay quanh người ta như một vòng tù và người ta không thể nào thoát ra được.

Rất thường khi ta lại bị choáng ngợp vì thấy có quá nhiều nguyên nhân cho một vấn đề, cho đến nỗi không biết giải quyết cách nào. Ví dụ, tệ nạn mãi dâm sinh ra vì các cô ít học vô nghề, các cô bị dẫn dụ, các cô bị bắt cóc bán, dễ làm ra tiền, khách mua dâm nhiều, khách mua dâm không bị trừng phạt, văn hóa kết án người bán nhưng không kết án người mua, đạo đức sinh lý của các ông thấp, công an bị các mạng mãi dâm mua, không có nơi thuê các cô làm việc lương thiện với mức lương sống được, v.v… Tìm ra được tất cả nguyên nhân, biết được nguyên nhân nào mạnh nhất, nguyên nhân nào yếu nhất, nguyên nhân nào xa, nguyên nhân nào gần, nguyên nhân nào cần gì để giải quyết… không phải là một việc dễ.

Tất cả mọi hiện tượng của con người—chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, tâm lý, triết lý, văn hóa, nghệ thuật—đều có thể sửa đổi được theo hướng ta muốn nếu ta tìm ra đúng nguyên nhân, hay nói đúng hơn là tìm ra đúng liên hệ nhân quả. Và thực ra, mọi bất đồng của con người, thường thì cũng chỉ là những bất đồng về giải pháp—người này đảng này thì cho là giải pháp này đúng, người kia đảng kia thì cho là giải pháp kia đúng. Và các bất đồng về giải pháp thực ra cũng chỉ là bất đồng về phân tích liên hệ nhân quả–cái gì mới thực là nguyên nhân, và cái gì mới là nguyên nhân mạnh nhất.

Why huh?
Why huh?

Tất cả mọi điều này đến chỉ từ một chữ “tại sao?” Và tất cả các câu hỏi khác (chuyện gi? ở đâu? lúc nào? ai? thế nào?) thực ra là cũng chỉ hỗ trợ cho “tại sao?”. Ví dụ: Anh nói với tôi lúc 5 giờ chiều (when) anh đang chơi bi da ở Bình Minh (where) với một ngưởi bạn tên Bằng (who), TẠI SAO bà Bình Minh (who) không có trong sổ sách là anh chơi ở đó, anh cũng không biết tên Bằng giờ ở đâu, và cô chủ tạp hóa Hồng (who) cách nơi bị trộm 5 căn nhà (where) [cách bida Bình Minh 5 km] nói là anh có vào mua gói 555 lúc 5 giờ 5 phút (when)? Ta thấy, trong câu hỏi này “tại sao” là móc nối giữ hai hiện tượng khác nhau để cho ta thấy chúng có thể ăn khớp nhau (nhân quả) một cách hợp lý, hay là phản nhau một cách phi lý. Và nhờ đó ta biết được thật giả, đúng sai.

Vì vậy tât cả lý luận phân tích có thể dồn vào một câu hỏi “tại sao ?” “Tại sao” là con đường khám phá sự thật, là giềng mối của sáng tạo. Chỉ một chữ “tại sao” có thể cho ta khám phá biết bao vấn đề và biết bao giải pháp. Tại sao sinh viên học sinh thiếu sáng tạo? Tại sao giáo chức thiếu năng động? Tại sao quan chức hay lạm quyền? Tại sao báo chí thiếu sức mạnh? Tại sao trong chiến tranh ta đánh đâu cũng thắng? Tại sao ta không sợ chết? Nhưng ta hay sợ bị cười?

“Tại sao” là cánh cửa mở vào chân lý và sáng tạo. Cho nên ta cần khuyến khích sinh viên, học sinh, nhân viên, thuộc cấp, con cái dùng nó hằng ngày. Không hỏi tại sao, không thấy được chân lý, không thấy được vấn đề, không thấy được giải pháp, không có cả được ánh lửa sáng tạo của chỉ một que diêm.

Tuy nhiên, như câu chuyện về bé Jenny từ đầu, “tại sao” có sức mạnh đẩy người ta đến tận cùng của lý luận, phải đối diện với giới hạn của chính mình. Cho nên những người có quyền nhưng thiếu tự tin thường không muốn nghe câu này. Trong truyền thống “không khuyến khích hỏi” của nước ta, “tại sao” hầu như là từ cấm kỵ. Bố mẹ, thầy cô, quan chức, quản lý, không muốn nghe chữ “tại sao” từ miệng người cấp dưới. Ta thường nói đến “tự do ngôn luận”. Nếu cần giản dị hóa, ta chỉ cần tự do hỏi “tại sao?” Đó là ngưỡng của của trí tuệ, của tiến hóa, của thịnh vượng, của phát triển. Công ty nào mà nhân viên hay hỏi tại sao, công ty đó sẽ chiến thắng. Quốc gia nào mà người dân hay hỏi tại sao, quốc gia đó sẽ cường thịnh.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Hành trình đi tìm chính mình

Cuộc hành trình kỳ diệu ra đến rìa vũ trụ đại vi (mà khoa học biết hiện nay) và ngược vào bên trong, tận giới hạn của vũ trụ tiểu vi, để tìm một vị trí và ý nghĩa cho con người.

Việt dịch: Trần Đình Hoành & Trần Lê Túy-Phượng.

Click vào đây để xem slideshow và tải về

Búp bê may mắn Daruma

Daruma
Daruma

“Thất bại không phải là vấp ngã mà là cứ nằm lì sau khi ngã”(trích dẫn của M.A.Carrera)

Daruma là Engimono (biểu tượng may mắn) phổ biến thứ 2 ở Nhật, sau Maneki Neko. Daruma là tên được phiên âm từ chữ Dharma, là một con búp bê làm từ giấy bồi không có tay chân, có râu và ria, trọng tâm nằm ở dưới đế nên không bao giờ bị ngã, người Việt mình hay gọi loại búp bê này là lật đật. Nó được làm mô phỏng theo hình dáng ngồi thiền của Bodhidharma – Bồ Đề Đạt Ma, người đã sáng lập ra Thiền phái trong Phật giáo chính tông và mở rộng từ Trung Quốc rồi phát triển đến Nhật Bản hiện đại.

Năm 1697, chùa Daruma được dựng lên ở Takasaki, vị trụ trì có tên Shinetsu đã vẽ hình Bodhidarma ngồi thiền vào mỗi năm mới, đó được cho là khởi đầu của búp bê Daruma. Cuối thế kỷ 18, một người tên là Yamagata Goro đã tạo ra hình dáng ban đầu của búp bê Daruma theo ngoại hình của nhà sư Togaku, sau này ông đã dán giấy lên nó và thành Daruma như hiện nay. Vào thời Minh Trị, khi nghề nuôi tằm phát triển, Daruma được dùng để cầu chúc cho một vụ mùa thu được nhiều sợi tơ tằm. Và đến bây giờ, nó đã trở thành vật bất ly thân của những doanh nhân mong muốn sự thành công và giàu có.

Thiền Tổ Bodhidarma
Thiền Tổ Bồ Đề Đạt Ma

Vậy thì Daruma tượng trưng cho điều gì mà người ta lại coi trọng nó đến thế?

Vì nó không bao giờ biết ngã là gì, cứ nằm xuống lại bật dậy, nên thông điệp của nó là sự cống hiến hết mình và kiên trì theo đuổi mục tiêu.

Nếu bạn đặt ra một mục tiêu nào đó và quyết tâm thực hiện bằng được, hãy làm theo cách của người Nhật: vào chùa mua một con Daruma, vừa đọc lời cầu ước vừa tô lên con mắt bên phải của nó, rồi đặt ở một nơi thật trang trọng và dễ nhìn thấy nhất, để chứng tỏ bạn sẽ không từ bỏ. Khi đã hoàn thành mục tiêu, bạn tô nốt lên con mắt bên trái, và mang nó đến ngôi chùa trước đó bạn đến vào ngày cuối năm, “hoá vàng” con Daruma để thần linh chứng giám cho sự quyết tâm của mình.

Nhưng nếu bạn vẫn chưa xong? Không sao cả, bạn cứ việc đốt Daruma, việc này sẽ giúp bạn thực hiện nguyện vọng hay mục tiêu của mình nhanh hơn!

Vẽ mắt
Vẽ mắt sau khi mua về

Hầu như người Nhật nào cũng mua một con Daruma cho mình, bởi ngoài việc mang lại sự giàu có cho người sở hữu nó, một vụ mùa bội thu cho người nông dân, giúp những người mẹ sinh nở dễ dàng, nó còn bảo vệ những đứa trẻ tránh khỏi bệnh tật nữa. Giống như ông Bụt ấy, giúp mọi người thực hiện tất cả các nguyện vọng. Bạn nào học Aikido có biết câu nói “Nanakorobi yaoki, jinsei wa kore kara da” (ngã xuống 7 lần, đứng dậy 8 lần, cuộc sống bắt đầu từ bây giờ) không? Câu nói này được ẩn dụ từ hình tượng không-bao-giờ-ngã của Daruma đấy.

Ở Nhật, búp bê Daruma được dùng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng hầu hết là để cầu may mắn trước khi ai làm một việc gì đó. Thậm chí, các chính trị gia Nhật Bản cũng có búp bê Daruma ở bên mình. Hình ảnh các chính trị gia đang vẽ nốt con mắt còn lại của Daruma sau khi họ trúng cử đã từng có lần được đưa lên truyền hình tại Nhật Bản. Còn ở các nhà hàng và các cửa hàng buôn bán ở Nhật, các ông chủ vẫn thường đặt búp bê Daruma ở ngay trước cửa ra vào.

Loan Subaru — Japan

Tâm niệm Reiki

cau nguyen

Bí quyết đón chào hạnh phúc
Thuốc tinh thần cho bao bệnh tật
Chỉ cần ngày hôm nay:
Không cáu giận
Không lo lắng
Làm việc với lòng tri ân
Tử tế với tất cả mọi người

Sáng và tối, chấp tay, suy niệm và tụng những lời này.

Phương pháp của y phái Reiki, do Mikao Usui sáng lập, để hoàn thiện thể chất và tinh thần.

Nguyễn Minh Hiển dịch

.
.

The Secret Method of Inviting Blessings
The Spiritual Medicine of Many Illnesses
For today only, do not anger.
Do not worry.
Do your work with appreciation.
Be kind to all people.
In the morning and at night hold your palms together, meditate on and chant these words.

The Usui Reiki method to change your mind and body for the better.

Lý luận phân tích

Phân tích
Phân tích

Chào các bạn,

Trong các kỹ năng suy nghĩ và lý luận thì có lẽ kỹ năng phân tích (analytical skill) được xem là quan trọng hơn cả. Hầu như bất cứ quảng cáo tìm chuyên gia hay quản lý nào ở Mỹ cũng ghi điều kiện “good analytical skill.” Vậy , kỹ năng phân tích là gì? Và tại sao nó quan trong đến thế?

Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, cũng như người thợ máy rã cái máy khổng lồ thành trăm mảnh vụn để tìm và chữa bệnh bên trong lòng máy. Người ta thường dùng chỉ một từ phân tích, nhưng trong thực tế, phân tích còn bao hàm ý tổng hợp. Tổng hợp là ngược lại của phân tích, là ráp trăm mảnh phụ tùng lặt vặt lại thành chiếc máy. Nếu rã máy mà không lắp lại được, thì đó là phá máy chứ không phải là phân tích, phải không? Tuy nhiên, người ta ít chú tâm và ít nói đến tổng hợp, vì người giỏi phân tích tự nhiên là giỏi tổng hợp, cũng như người rã máy thường xuyên thì đương nhiên là sẽ biết ráp trở lại.

Trên phương diện lý luận, kỹ năng phân tích có thể gom vào một chữ–“hỏi.” Người phân tích là người biết đặt câu hỏi, như chuyên viên điều tra. Nghe bất cứ điều gì cũng có thể đặt câu hỏi. Nói tóm tắt là “Hỏi cho ra lẽ.” Trong các chương trình giảng dạy về điều tra cho nhân viên an ninh, ký giả, luật sư, v.v… người ta dạy một công thức hỏi giản dị–5W1H–what, where, when, who, why và how. Chuyện gì xảy ra, ở đâu, lúc nào, xảy ra với ai, tại sao xảy ra, xảy ra cách nào. Ví dụ:

“Trời ơi, ngoài đường Lê Văn Sỹ cháy dữ lắm!”
1. “Vậy hả? Cái gì cháy.” (what)
“Xe hơi.”
2. “Chỗ nào” (where)
“Cổng số sáu?”
3. “Đang cháy hả?” (when)
“Ừ, đang cháy. Tui mới ở đó về.”
4. “Cháy sao?” (how)
“Thấy cháy đầu máy, lan ra giữa xe rồi. Chắc nổ thùng xăng quá.”
5. “Tại sao cháy vậy?” (Why)
“Không biết. Chắc hết dầu máy, xe nóng quá. Hay là gì đó.”
6. “Có ai bị thương không?” (who)
“Thấy có ông tài xế với một bà đứng đó. Không thấy ai trong xe. Không thấy ai bị thương.”

Trong nghề ký giả, một bản tin vắn tắt cũng phải có tối thiểu là 6 yếu tố này mới được xem như hội đủ tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, mỗi câu trả lời trong này lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi khác, và mỗi câu trả lời mới lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi mới. Chỉ trong một lúc thôi, là 6 câu hỏi đầu tiên có thể đẻ ra hằng trăm câu hỏi mới, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi người điều tra thấy không cần phải hỏi thêm nữa. (Vì vậy các luật sư luôn luôn khuyên các thân chủ trong các vụ kiện là “không nói gì với ai hết.” Nói môt câu là trả lời một năm chưa xong).

Động não
Động não

Trong nghệ thuật lý luận và hùng biện, phương pháp này còn gọi là phương pháp Socrates, vì triết gia Socrates của Hy Lạp thường biện luận bằng cách dựa vào câu nói của đối thủ rồi bắt đầu hỏi ông ta, cho đến khi ông ta phải công nhận là điều ông ta nói không đúng. Ví dụ:

“Đàn ông xấu.”
“Chị nói sao?”
“Tui nói đàn ông xấu.”
“Vậy tui xấu sao?”
“Anh ngoại lệ. Anh là bạn tốt của tui.”
“Vậy ba của chị thì sao?”
“Ba tui ngoại lệ.”
“Ông nội cũng ngoại lệ?”
“Ừ.”
“Vậy chị còn nói đàn ông xấu nữa không?”
“Thôi. Tui nói, đàn ông xấu, ngoại trừ một thiểu số.”
“Thiểu số đó là những ai vậy?”

Và cứ thế mà tiếp tục.

Trong đời sống tri thức, cái nhìn phân tích là cái nhìn đánh dấu hỏi trên mọi giả thuyết, mọi định đề, mọi câu nói, mọi từ ngữ, cho đến khi người hỏi thỏa mãn với mọi câu trả lời. Vì vậy, khả năng phân tích (analytical skill) chính là cốt lõi của tư duy phê phán (cirital thinking) mà ta đã nhắc qua trước đây trong bài “Tư duy tích cực.” Tư duy phê phán có nghĩa là không chấp nhận điều gì là đúng cho đến khi ta đã nghiên cứu mọi khía cạnh lớn nhỏ của vấn đề, để kết luận và phê phán cái gì đúng cái gì sai. Và trong tiến tình nghiên cứu đó, kỹ năng phân tích là kỹ năng số một, nếu không phải là kỹ năng duy nhất.

Ta có thể thấy ngay là trong một cuộc biện luận dùng phân tích, người ta có thể đi hoài đến vô tận, không bao giờ ngừng, Một cuộc nói chuyện có thể bắt đầu từ trung tâm thành phố Nha Trang và chỉ một lúc sau đã có thể lang thang trên những đỉnh tuyết trắng trên dãy Alps của Âu châu hay những thảo nguyên hừng hực nóng ở Châu Phi. Vì vậy, kỹ năng phân tích rất hữu ích trong những buổi động não (brainstorm) tìm ánh sáng sáng tạo.

Lý sự cùn
Này, này, ông lý sự cái này này!

Và dĩ nhiên là trong nhiều cuộc tranh luận ta hay thấy trên Internet, nó có thể làm cho tất cả mọi người, từ người tranh luận cho đến người đọc, lạc sâu trong những cánh rừng rậm hoang vu. Cho nên, trong thực tế ta phải biết khi nào thì ngưng, hay tạm ngưng, phân tích vì những lý do thực tiễn—không thể cứ ngồi đó phân tích hoài, hoặc phân tích quá xa so với chủ đề ban đầu.

Hơn nữa, chúng ta phải biết giới hạn của ngôn ngữ và lý luận. Ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Ta không thể cứ tin vào ngôn ngữ 100% để giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ: Cái bàn là gì? Một mặt phẳng và bốn cái chân. Thế cái gường cũng là cái bàn sao? Không, cái bàn để ngồi và ăn uống. Vậy cái sập gụ các ông đồ ngồi dạy học có phải là cái bàn không? Không, người ta không ngồi trên bàn. Vậy nhà tôi có ông Phật ngồi trên bàn, nó là cái gì? Cứ như thế, nếu ta lấy ra bất kỳ một từ nào trong tự điển và bắt đầu phân tích, thì từ đó cũng đều không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều hạn chế. Ta phải biết các hạn chế đó.

Ngoài ra, đa số vấn đề trong đời sống, không thể cứ mang lời nói và lý luận ra mà giải quyết. Ví dụ: Một nhóm dân quê có thể nói với nhà nước như thế này: “Đây toàn là đất hương hỏa ông cha chúng tôi đã cả trăm năm để lại. Mấy ông đừng mang luật lệ, lý sự cùn, hay súng ống ra dọa. Chúng tôi không dời đi đâu hết. Chúng tôi sẵn sàng chết trên mảnh đất của chúng tôi.” Những trường hợp đó phải được giải quyết từ từ bằng đối thoại, cảm thông, và thuyết phục bằng tình cảm.

Kỹ năng phân tích, cũng như, mọi kỹ năng khác, được phát triển nhờ thực tập hằng ngày. Hiện nay, không có cách nào thực tập hay hơn là tranh luận trên các diễn đàn Internet. Cho nên nếu các bạn siêng tranh luận trên Net, trong những diễn đàn có quản lý tốt để các tranh luận được diễn ra lễ độ, thì đó là cách rất hay để phát triển.

Tuy nhiên có hai điều quan trong nhất trong việc phát triển kiến thức, các bạn cần ghi nhớ–đó là sự can đảm và tính thành thật trí thức (intellectual honesty).

1. Can đảm: Nếu ta sợ người ta cười tư tưởng của ta, ta sẽ không dám nói gì, và ta sẽ không bao giờ biết được chỗ yếu và chỗ mạnh của tư tưởng mình. Đó là chưa kể còn khối chuyện khác có thể làm ta sợ — sợ nói thì mất việc, mất tiền, mất sở.

2. Tính thành thật trí thức. Nếu chúng ta sợ chuyện gì đó—như sợ ông giám đốc—hay tham chuyện gì đó—như tham được lên chức—tiềm thức của ta sẽ điều khiển ta lúc nào cũng nghĩ hay và nói tốt về ông giám đốc, và không thấy được cả những quyết dịnh rất tồi của ông ta. Điều này ta gọi là “thiếu thành thật trí thức,” vì có thể là trong lòng chúng ta rất thành thật, nhưng tri thức của chúng ta đã thiếu thành thật vì bị quyền lợi cá nhân che mờ.

Dĩ nhiên, người tư duy tích cực luôn luôn chú trọng vào cái hay, cái tốt của người, và luôn luôn sống hòa ái. Điều cần nói ở đây là, trong khi chú trọng vào điều tốt, ta vẫn phải đủ sáng suốt để thấy mọi vấn đề, và khi thấy vấn đề nào cần giải quyết thì tìm cách giải quyết một cách tích cực và hòa ái. Người thiếu thành thật trí thức, không thấy được cả vấn đề.

Vấn đề lớn trong giáo dục đại học trên thế giới ngày nay là người ta dạy kỹ năng, nhưng không dạy đức hạnh. Cũng như thầy dạy kiếm thuật nhưng không cần biết học trò sẽ dùng kiếm để cứu người hay giết người. Kỹ năng, như là kỹ năng phân tích, chỉ là khí cụ như kiếm. Dùng kiếm thế nào trong cuộc đời mình là do mình có đủ can dảm và thành thật không.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use