Thứ tư, 1 tháng 4 năm 2009

Bài hôm nay:

Rokia Traoke hát “Kounandi”, Video, Văn Hóa, Rokia Traoke thuộc bộ tộc Bamana của Mali (Tây Phi), chị hòa trộn truyền thống bộ tộc với kỹ thuật mới và trở thành sao âm nhạc Âu châu, anh Trần Đình Hoành nối link.

Ngày Cá tháng Tư – nguồn gốc và lịch sử, Văn Hóa, chị Loan Subaru.

Chào mừng Lễ hội Chùa Thầy, Văn Hóa, giỗ thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Tây, anh Nguyễn Minh Hiển .

Ánh sáng bên trong, Danh Ngôn, song ngữ, chị Loan Subaru dịch.

Lãnh đạo là gì?, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin Sáng, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Cuộc trò chuyện của hai nhà văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc và GS Lê Ngọc Trà, về tuổi trẻ và tính năng động.

Ông “Kim Ngọc” ở Long An, Chín Cần, nguyên bí thư tỉnh ủy Long An, từng “xé rào” các chính sánh trung ương để cải tổ nông nghiệp.

“Vượt lên số phận” lên sóng VTV9, chương trình TV về những người vượt khổ.

Âm nhạc và múa gặp gở tại Nhịp điệu Xuân, 2 và 3 tháng 4, Hà Nội.

Cuộc thi tìm hiểu biển đảo Việt Nam, do Báo điện tử Đảng CSVN tổ chức.

Phát động chương trình khởi nghiệp 2009, Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam và Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt nam.

Đoàn Yamaha Taurus đem niềm vui đến trường “Niềm Vui”, “Hành trình xuyên Việt – Chia sẻ công đồng cùng Taurus”, dừng chân tại trường Niềm Vui ở Phú Yên.

Yêu nước hơn với Tự hào sử Việt, cuộc thi Tự hào sử Việt sẽ bắt đầu từ ngày giỗ tổ Hùng Vương và kéo dài 9 tháng.

Rao bán bộ sưu tập cổ vật làm từ thiện, Lê Đình Duyên, Việt kiều Mỹ hiện đang sống ở xã Kỳ Nam (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) có ý định trưng bày, bán bộ sưu tập cổ vật quý giá đã sưu tầm suốt 50 năm làm quỹ từ thiện.

”Đài phát thanh” sinh viên, của Hội SV Đại Học Quy Nhơn nhằm giải trí cho SV.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày vui !!

🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Ngày Cá tháng 4: Nguồn gốc và Lịch sử

jester_reading

April Fools’ Day – ngày nói dối – ngày 1 tháng 4 – là một trong những ngày vui nhộn nhất trong năm trên thế giới. Ở Việt nam ta hay gọi là ngày Cá Tháng 4. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn gốc của ngày này không rõ ràng. Một số người cho rằng ngày 1/4 là ngày đánh dấu sự chuyển mùa từ Đông sang Xuân tại các quốc gia Âu Mỹ. Còn một số khác lại tin rằng ngày này xuất phát từ việc chấp nhận Công lịch mới.

Thay đổi ngày tân niên

Vào thời xưa, người ta đón mừng tân niên vào ngày 1/4, sau ngày Xuân Phân (20/3 hoặc 21/3). Đến thời trung cổ, nhiều quốc gia Châu Âu tổ chức Lễ Truyền Tin vào ngày 25/3 và xem nó như ngày tân niên. Lễ Truyền Tin là lễ trong Công giáo La Mã (Roman Catholic) và Chính thống giáo (Eastern Orthodox), nhắc lại truyền kỳ Thiên thần Gabriel báo tin cho Maria là bà sẽ thụ thai và sinh con.

pig

Vào năm 1582, Giáo hoàng Gregory 13 ban hành công lịch mới (gọi là lịch Gregory) thay thế lịch cũ Julius. Theo công lịch này, ngày tân niên được chọn là ngày 1/1. Nước Pháp đã đón nhận lịch này và thay đổi ngày đầu năm thành ngày 1/1. Vào thời điểm này, có nhiều người không chấp nhận ngày tân niên 1/1, hoặc cũng có thể họ không biết sự thay đổi đó, nên vẫn tiếp tục chào đón tân niên vào ngày 1/4. Kết quả là họ bị những người khác cười chế nhạo, và phong tục này đã lan rộng khắp Châu Âu.

Tuy nhiên, giả thuyết này cũng chưa xác đáng vì hai lý do:

1) Chưa giải thích được sự lan rộng của ngày nói dối đến các nước Châu Âu khác: Trước năm 1752, lịch Gregory vẫn chưa được chấp nhận ở Anh quốc. Trong khi đó, ngày nói dối hầu như đã hiện diện ở Anh vào thời điểm này.

2) Chưa có bằng chứng lịch sử cụ thể chứng minh cho giả thuyết này. Đó chỉ là phỏng đoán, và sự phỏng đoán này chỉ mới xuất hiện gần đây.

aprilsfoolsday
Câu chuyện giữa Hoàng Đế Constantine và anh hề Kugel

Joseph Boskin, giáo sư Sử học trường Đại học Boston (Mỹ) cũng cung cấp một giả thuyết khác về nguồn gốc của ngày nói dối. Theo ông, ngày này xuất hiện vào thời Constantine Đại Đế, khi một nhóm các chú hề của triều đình nói với hoàng đế La Mã rằng: họ có thể điều hành đất nước tốt hơn ông ấy. Hoàng Đế Constantine lấy làm thích thú về việc này và cho phép một chú hề tên là Kugel làm vua một ngày. Vào ngày đó, anh hề Kugel thông qua sắc lệnh cho sự hài hước này, và từ đó, tục lệ này đã trở thành sự kiện hàng năm.

Giả thuyết này được đăng trên nhiều bài báo của Associated Press (AP – thông tấn xã Hoa kỳ, lớn nhất thế giới) vào năm 1983 và gây được nhiều chú ý trong công chúng. Thật ra, đó chỉ là trò đùa bịa đặt của giáo sư Boskin. Hai tuần sau, thông tấn xã AP mới nhận ra họ chính là nạn nhân của trò đùa của vị giáo sư kia.

Sốt đầu xuân

Đáng chú ý là có nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều có những ngày vui nhộn vào đầu tháng 4, và kéo dài vài tuần. Những người theo giáo hội La Mã có lễ hội Hilaria vào ngày 25/3 – ngày lễ phục sinh của thần Attis (một vị thần trong thần thoại Hy Lạp). Lịch Ấn giáo thì có ngày Holi và lịch Do Thái có ngày Purim. Nhìn chung, vào thời điểm giao mùa từ Đông sang Xuân, người ta tổ chức những lễ hội vui nhộn để chào đón mùa xuân.

april01
Lễ hội khắp nơi trên thế giới

Ngày nói dối được tổ chức ở khắp các nước phương Tây. Vào dịp này, người ta có thể gửi cho nhau những món quà nghịch ngợm, chơi khăm nhau và cố làm cho mọi người tin vào những điều ngớ ngẩn.

Người Pháp gọi ngày nói dối là ngày Cá tháng 4. Vào ngày này, thỉnh thoảng trẻ em Pháp lại dán hình con cá lên lưng bạn học, và la lên “Cá tháng 4” khi trò chơi khăm bị phát hiện.

Chiến dịch thống kê dân số bắt đầu từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009

Có tin là Tổng Cục Thống Kê Việt Nam sẽ khai hỏa mở đầu chiến dịch tổng điều tra dân số và nhà ở bắt đầu từ ngày 1.4.2009. Lần này, ngoài nội dung điều tra về dân số như lần trước (năm 1999), chiến dịch còn mở rộng thêm 3 nội dung mới: điều tra về số lượng người khuyết tật, điều tra về thị trường lao động và về chất lượng nhà ở.

Nhưng … chẳng biết đây là chiến dịch thật hay chỉ là … cá tháng tư của Tổng Cục Thống Kê ??? 😦

Sau đây là video về bản tin đặc biệt của BBC phát ngày 31 tháng 3 năm 2008 về một loài chim cánh cụt, mới được khám phá, bay hàng nghìn dặm, từ Nam cực đến rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ.

Chúc các bạn nhiều dịp cười hôm nay 🙂 🙂

Loan Subaru
.

Chào mừng Lễ hội Chùa Thầy

chuathay

Ngày hôm nay, mồng 7 tháng 3 âm lịch là ngày chính hội của lễ chùa Thầy, diễn ra hàng năm từ ngày 5 tới ngày 7 tháng 3 âm lịch tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Lịch sử lễ hội

Chùa Thầy, còn gọi là Chùa Láng, là nơi thờ và lưu dấu ấn tu hành của nhà sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh (1072-1127) vào thời Lý. Theo tích kể, thiền sư có oan gia, ông sang Ấn độ đi tu rồi trở về giảng đạo, chữa bệnh cứu người, sáng tạo và tổ chức trò chơi dân gian múa rối nước cho dân chúng. Nhà sư hóa Phật tại nơi đây. Trong Lĩnh Nam Chích Quái có một truyện thần thoại về Từ Đạo Hạnh.
chuathay1
Nhân dân lấy ngày Từ Đạo Hạnh hóa Phật (7 tháng 3 âm lịch) để mở hội chùa Thầy. Cứ đến ngày mồng 5 tới ngày mồng 7 âm lịch hàng năm, nhân dân thập phương tứ xứ lại về trảy hội ở núi Thầy, xã Thầy.

Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba
Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy.

Từ Đạo Hạnh
Từ Đạo Hạnh

Văn hóa lễ hội

Lễ hội chùa Thầy có nét văn hóa rất đặc sắc. Trong ngày hội, các tăng ni phật tử từ các nơi cùng về dự lễ trong những bộ cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ gồm hai lễ chính. Lễ tắm tượng và lễ cúng Phật và chạy đàn rất trang nghiêm với phối hợp của nhiều nhạc cụ dân tộc.

Ở hội có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước.
Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong cảnh non nước Sài Sơn hữu tình.

Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải)

Tại các links này các bạn có thể đọc thêm về Chùa Thầy và lễ hội chùa Thầyxem chùm ảnh Chùa Thầy.

Nguyễn Minh Hiển

Ánh sáng bên trong

chagall-stained-glass-window-un
Con người giống như những cửa kiếng màu. Nó lấp lánh và tỏa sáng khi mặt trời chiếu rọi, nhưng khi đêm đến, vẻ đẹp thật sự của nó chỉ lộ ra khi có ánh sáng chiếu rọi từ bên trong.

Loan Subaru

.

People are like stained-glass windows. They sparkle and shine when the sun is out, but when the darkness sets in, their true beauty is revealed only if there is light from within

Elisabeth Kübler-Ross

Lãnh đạo là gì?

leaders-youth

Chào các bạn,

Trước đây chúng ta đã có bài Điều gì làm nên lãnh đạoThành tố của tuyệt vời , tóm tắt các điểm chính về lãnh đạo. Hôm nay chúng ta bắt đầu đi sâu hơn vào chi tiết, từ những điểm chính trong hai bài đó.

Lãnh đạo có lẽ là nghệ thuật sống hấp dẫn nhất cũng như mù mờ nhất của con người. Hấp dẫn vì lãnh đạo giỏi luôn luôn làm cho mọi thành viên đi theo bùng lửa trong lòng. Mù mờ vì (1) lãnh đạo tùy thuộc rất mạnh vào cá tính người lãnh đạo, và (2) vì đa số mọi người hay nhầm lẫn chức vị với lãnh đạo.

Hãy tưởng tượng đến một câu thanh niên lập quán phở. Từ “cái không”, cậu thuê nhà, sửa cửa, tìm đầu bếp hoặc tự nấu, quảng cáo tiếp thị, đón khách , nếu cần thì làm tiếp viên và chùi nhà luôn, tạo thành tiệm phở. Khi tiệm phở thành công, cậu thuê một quản lý trông coi tiệm, để cậu đến nơi khác mở thêm tiệm mới. Cậu này là lãnh đạo, và người quản lý của tiệm phở là quản lý.

1. Điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tạo từ “cái không” ra “cái có” và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không. Lãnh đạo cần tầm nhìn, cần lòng tin, cần sáng tạo, cần can đảm, cần khả năng khởi lửa trong lòng những người theo mình. Quản lý cần quy tắc, phương thức vạch sẵn, duy trì và sử dụng những phương thức này để duy trì và phát triển tổ chức.

Dĩ nhiên là ta muốn các quản lý đều có tính lãnh đạo, như vậy thì tổ chức mới có đủ năng lực sáng tạo và động lực để tiến. Tuy nhiên, các khóa học dạy kỹ năng quản lý (management) nhưng lại gọi là khóa học về lãnh đạo (leadership), làm hại nghệ thuật lãnh đạo rất nhiều, vì làm cho người ta hiểu lầm là lãnh đạo chỉ là những kỹ năng quản lý.

Khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo cũng thường là khác biệt giữa lãnh đạo và chức vị. Các chức vị trong các tổ chức là các chức vị quản lý. Lãnh đạo có thể có chức vị, như là giám đốc hội đồng quản trị, nhưng thông thường là không có chức vị, như người chủ quán phở mới mở, tự mình phải làm đủ mọi chuyện từ chỉ huy và giao tiếp đến quét nhà. Chức vị thông thường nhất cho lãnh đạo là “người sáng lập.”

Bất cứ người nào thành lập môt dự án nào đó, một nhóm nào đó, như là “Thanh niên ái quốc tranh đấu cho cà phê vỉa hè” :-), thì đương nhiên là lãnh đạo của dự án đó, của nhóm đó, mà chẳng cần ai cho mình một chức vị lãnh đạo nào cả. Lãnh đạo là một vai trò tự nhiên nằm trên vai của người lãnh đạo, hoàn toàn không lệ thuộc vào chức vị của tổ chức. Người có “chức vị lãnh đạo” có thể là lãnh đạo thực của tổ chức đó, hoặc cũng có thể chỉ là bù nhìn nếu các thành viên chỉ nghe theo lời của một người khác, tức là người “lãnh đạo thực sự”, dù rằng người này chỉ có chức vị “phó thường dân” trong tổ chức.

leadershipyouth

2. Điều quan trọng nhất cho lãnh đạo là phải biết mình và quản lý được chính mình. Nếu không biết ngay cả mình thì không biết được ai cả, nếu không quản lý được cả mình thì không quản lý được ai cả, làm sao làm lãnh đạo được? Biết mình và quản lý mình thực ra chỉ là một việc, vì nếu ta thực sự biết ta đương nhiên là ta tự quản lý ta được.

Đó chính là làm chủ được tất cả mọi sinh hoạt tri thức và cảm tính của mình. Biết khi nào cơn giận muốn đến, tại sao nó muốn đến, và có khả năng chận nó lại, không cho nó phủ chụp lên mình, vì “giận mất khôn”, làm sao dẫn đường cho ai được?

Tất cả mọi loại cảm xúc—thành kiến, nóng giận, sợ hãi, bảo thủ, yêu, ghét, v.v..— đều có có thể làm cho ta mất thông minh, đều phải được nhận diện, chận đứng và quản lý. Nêu không thì không thể thành lãnh đạo khá được. Một cái tâm luôn luôn tĩnh lặng và bình tĩnh là điều tiên quyết của lãnh đạo. Ngay cả trong các võ đường khi xưa, ngoài giờ chạy nhảy đấm đá, ngồi thiền tập hít thở, tập đầu óc tĩnh lặng, được con nhà võ gọi là tập khí công, là điều quan trọng nhất trong võ học chính tông (Ngày nay, phần nhiều các võ đường không hiểu mức quan trọng của việc này). Tiếng đồn là tập khí công cách đó thì công lực sẽ tăng tuyệt đỉnh. Thật ra, cái chính của ngồi thiền như vậy là để tâm tĩnh lặng, không thể nhảy choi choi vì giận, vì sợ, hay vì gì cả. Thông thường khi gặp nguy hiểm, adrenaline tăng đột ngột và làm cho não bộ ta không còn sáng suốt như lúc thường. Tập tâm tĩnh lặng để adrenaline không thể làm cho ta thành u tối là điều tiên quyết của võ học, và tiên quyết cho tướng trên chiến trường. Tướng mà giữa chiến trận mịt trời tâm vẫn lặng như mặt hồ thu, thì rất khó thua.

3. Lãnh đạo phải tự có lửa trong lòng, vì lãnh đạo phải tự động viên mình và động viên người khác. Thông thường chẳng mấy ai động viên lãnh đạo vì (1) người lãnh đạo có tầm nhìn thường làm các việc chẳng có nghĩa lý gì (nếu không nói là điên) đối với đa số người, và (2) lãnh đạo cứ phải động viên mọi người thường xuyên, nên chẳng ai nghĩ là chính lãnh đạo cũng cần được động viên. Vì vậy, lãnh đạo phải có lửa rất mạnh trong lòng. Cho nên, yêu một cái gì đó, đam mê một cái gì đó, mơ ước đắm đuối một điều gì đó, là một thành tố không thể thiếu trong lãnh đạo. Và nếu ta gạt bỏ đam mê của mình và sống cái đam mê của người khác, dù người khác đó là cha mẹ, thì rất khó để có đủ lửa làm lãnh đạo.

Ở đây ta dùng các từ rất nóng, như đam mê, say đắm, để nhấn mạnh đến sức mạnh của điều tạo ra lửa trong lòng. Nhưng đam mê này không nhất thiết phải hừng hực như lửa, mà nó có thể là một ước muốn rất mạnh mẽ nhưng tĩnh lặng và dịu dàng, như đam mê đi tu hay đam mê hy sinh cuộc đời lo cho các người nghèo nơi thôn ấp. Thực ra, như đã nói trên, quản lý tâm được tĩnh lặng là điều kiện tiên quyết cho lãnh đạo, cho nên nếu ta đam mê mạnh nhưng tâm ta cứ nhảy chồm chồm vì đam mê đó, thì ta chưa đủ khả năng lãnh đạo. Phải có ước muốn và quyết tâm rất mạnh, nhưng vẫn quản lý được tâm tĩnh lặng, như vậy mới là lãnh đạo.

4. Lãnh đạo phải có mục đích. Đây còn gọi là tầm nhìn, nếu ta muốn ám chỉ mục đích xa hơn là một hai năm. Lãnh đạo là dẫn đường, mà dẫn đường thì đương nhiên là phải biết đi đâu. Mà đi đâu, thì đó là quyền và nghĩa vụ của người lãnh đạo. Mình cứ muốn đi đâu trước, rồi gọi mọi người đi theo, ai muốn đến cùng nơi thì sẽ theo mình, ai không muốn thì không theo. Đây là điều rất quan trọng trong lãnh đạo. Ví dụ, Gandhi muốn dành độc lập bằng đấu tranh bất bạo động. Có rất nhiều người Ấn lúc đó chủ trương bạo động. Nếu Gandhi nghe theo họ, và thay đổi đường lối thì đó không còn là Gandhi nữa. Lãnh đạo phải đặt mục tiêu, và mọi người đi theo lãnh đạo.

Nhưng tại sao ta hay nghe nói lãnh đạo phải đi theo dân? Đi theo ở đây là đi theo ước muốn và rung động của dân—dân muốn công ăn việc làm, không bị áp bức, con cái có trường học, khi bệnh có bệnh viện, có quyền giữ tài sản, v.v… Phục vụ những ước muốn này là “đi theo dân”. Còn xuất cảng/nhập cảng thế nào, tổ chức giáo dục thế nào, tổ chức phát triển thế nào, đó là mục tiêu của lãnh đạo. Thủ tướng không thể nói với các bộ trưởng, “Muốn làm gì đó thì làm.” Thủ tướng phải có đường đi rõ ràng để các bộ trưởng cùng đi trong đường đó. Tương tự như thế, người sáng lập một nhóm bạn trẻ phải biết là mình muốn lập nhóm để làm gì thì mới có thể kêu gọi bạn bè gia nhập được.

leadership-flyingbirds
5. Lãnh đạo phải có hấp lực tự nhiên. Tự nhiên tức là tự mình mà có, không cần các trò quỷ quái hay tiếp thị rẻ tiền. Lãnh đạo là dẫn đường cho một nhóm người, đương nhiên là phải có hấp lực để người theo mình. Nhưng hấp lực đó từ đâu mà có?

Đương nhiên hấp lực đến do mục đíchhăng say (lửa) của mình, nhưng nó còn lệ thuộc vào một số yếu tố khác.

• Những giá trị mà mọi người ưa thích: Nói chung, ta có thể nói ai cũng quý trọng nhân lễ nghĩa trí tín, tạm dịch (không hoàn toàn chính xác) là lòng thương người, lễ độ, lòng trung thành, trí tuệ, và thành thật. Người có những cá tính này đương nhiên là có nhiều người yêu.

Tuy nhiên, người ta lại rất ghét đạo đức giả, hoặc “tự xem là đạo đức” (self-righteous), hoặc máy móc. Cho nên nếu miệng nói nhân lễ nghĩa trí tín để chỉ đạo đức giả thì thiên hạ ghét. Hoặc cứ xem ta là người đạo đức hơn thiên hạ, cũng không ai ưa. Hoặc cứ dùng đạo đức công thức máy móc như rôbô, cũng rất đáng chán.

Nói chung là nếu ta nhân lễ nghĩa trí tín thật trong lòng, và đừng mang nhân lễ nghĩa trí tín của ta ra mà đo người khác và phê bình người khác, nếu ta khiêm tốn và thành thật với những khuyết điểm của mình một tí, thì ta sẽ có hấp lực tự nhiên. Và vì là hấp lực tự nhiên, nên nó tự nhiên mà có. Nếu ta cố cho có, thì không có được, mà nếu có thì cũng không “tự nhiên.”

• Càng mở rộng cửa lòng ta thì nhiều người càng dễ vào. Con người của ta phong phú hơn chỉ là cái tên và chức vụ– ta có gia đình, con cái, sở thích cá nhân (ẩm thực, âm nhạc, phim ảnh, thơ phú, v.v..), lo lắng, quan tâm,… Người khác càng hiểu con người cá nhân của ta, càng dễ cho họ yêu ta. Ngược lại, ta càng quan tâm vào đời tư của người khác, càng dễ cho ta yêu họ. Dĩ nhiên quan tâm vào đời tư không có nghĩa là xâm phạm vào đời tư của người khác. Khi mình cảm thấy người ta có vẻ ngại là mình chúi mũi hơi sâu thì dừng lại ở đó.

6. Lãnh đạo phải tự tin. Vì lãnh đạo có tầm nhìn thì thường thấy cái mà người khác không thấy, cho nên thường là lãnh đạo không có thầy dìu dắt trong công việc của mình. Vì vậy, tự mình phải mần mò, thử từng bước một trên cuộc hành trình. Tính toán sai và sửa sai là chuyện thường. Nhiều người khác sẽ cho rằng mình sẽ thất bại, vì sai hơi nhiều. Nhưng mình phải tự tin vào quyết tâm của mình. Quyết tâm phải thành công là sẽ thành công. Không có quyết tâm này, không lãnh đạo được. Tự tin tạo nên quyết tâm và can đảm, không sợ thất bại.

leadership-lion-posters
7. Lãnh đạo là phục vụ: Leader is servant. Đây là một mô hình mà mọi “lãnh đạo” đều nói và chẳng mấy người làm. Theo mình nghĩ, nếu một cậu bé đánh giầy đang đáng giầy cho ta và ta lỡ tay làm đổ cà phê trên chiếc dép của cậu bé, nếu ta không xung phong mang chiếc dép đi rửa, thì ta không có khả năng phục vụ. Phục vụ có nghĩa là làm việc kiểu tiếp viên nhà hàng, hay bé đánh giày phục vụ khách. Dĩ nhiên là lãnh đạo quốc gia thì không có thời giờ phục vụ trong nhà hàng, nhưng nếu ông ta không sẵn sàng làm tiếp viên hay đánh giày khi có dịp, thì ông ta chưa đủ chín mùi tâm linh (spiritual maturity) và mọi “phục vụ” của ông ta chỉ là “dịch vụ đầu môi” (lip service).

8. Mọi chúng ta đều là lãnh đạo và đều là người đi theo. Trong cách sống bình đẳng và nâng đỡ nhau ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều là lãnh đạo (leader). Cứ khởi động một dự án, thành lập một nhóm, dạy vài học trò, đương nhiên là lãnh đạo. Và ai trong chúng ta cũng là người đi theo (follower). Nếu ta ở trong một nhóm do người khác lãnh đạo, thì ta là người đi theo. Trong mô hình mạng lưới ngày nay, được Internet hỗ trợ mạnh mẽ, tất cả chúng ta lãnh đạo nhau và theo nhau, trong nhiều dự án khác nhau. Mô hình kim tự tháp, với một lãnh đạo cao nhất ở trên, rồi nhiều cấp thấp hơn đi xuống từ từ, còn lại rất ít trong xã hội. Ngay cả trong các đại công ty, mô hình kim tự tháp gần như biến mất. Người ta hay nói đùa (nhưng có thật) là sơ đồ tổ chức các công ty ngày nay chỉ có hai hàng—hàng đầu tổng giám đốc, hàng nhì tất cả mọi nhân viên của công ty.

Vì vậy mỗi người chúng ta, già trẻ nam nữ, đều cần có tự tin, đứng lên tổ chức các hoạt động lợi ích cho xã hội và làm lãnh đạo trong hoạt động đó, đồng thời hăng hái đi theo ủng hộ các lãnh đạo khác trong các hoạt động khác. Tất cả đều hỗ trợ nhau tiến bước đưa nước nhà tiến về phía trước.

Lãnh đạo là sức mạnh và ước muốn nội tâm thể hiện ra hành động bên ngoài. Gốc rễ là sức mạnh bên trong, nhưng phải có biểu hiện bên ngoài mới là lãnh đạo, vì dẫn đường là phải dẫn ai đó. Vì vậy, lãnh đạo là kết hợp cao nhất của nội tâm và hành động. Nó là biểu hiện cao nhất của sức sống con người. Và bởi vì lãnh đạo là tùy ta, chứ không tùy ai thăng chức cho ta cả, cho nên ai trong chúng ta cũng nên làm lãnh đạo cho một dự án nhỏ nào đó, để vừa giúp ích cho xã hội vừa phát triển nhân cách của mình bằng phương thức tối cao.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Ông “Kim Ngọc” ở Long An

ongkimngoc

Có một người sinh ra sau ông Kim Ngọc 7 năm, ở cách xa hàng ngàn cây số, nhưng lại có tính cách và số phận khá giống với ông Kim Ngọc. Ông cũng từng là bí thư tỉnh uỷ, từng “xé rào” các chính sách của Trung ương, từng đối diện với “phê bình, kiểm điểm”… Nhưng ông may mắn hơn ông Kim Ngọc, khi không phải đợi đến sau khi qua đời mới được vinh danh.

Xem tiếp tại đây

Vượt lên số phận lên sóng VTV9

vlsp
Những câu chuyện cảm động về những nhân vật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn cố gắng giữ một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao quý sẽ được lột tả chân thực, sống động trong chương trình mới có tên Vượt lên số phận do báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng VTV9 thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng ACB.

Xem tiếp tại đây

Âm nhạc và múa gặp gỡ tại Nhịp điệu xuân

Múa Sạp ở Lào Cai
Múa Sạp ở Lào Cai

Một chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tên Nhịp điệu xuân sẽ ra mắt công chúng Hà Nội trong hai đêm diễn 2 và 3-4. Nhịp điệu xuân giới thiệu những tác phẩm giành được giải thưởng trong các cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc và đã được công chúng đón nhận.

Xem tiếp tại đây

Cuộc thi tìm hiểu biển đảo Việt Nam

bie1bb83nnhatrang

Từ 1.4 đến tháng 8.2009, Ban Tuyên giáo T.Ư, Báo điện tử Đảng Cộng sản VN phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biển đảo VN với hai hình thức thi viết và thi trắc nghiệm trên mạng internet. Cuộc thi viết với các chủ đề về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về chủ quyền biển đảo VN.

Xem tiếp tại đây

Phát động chương trình khởi nghiệp 2009

the1baa3o-lue1baadn
Tối 30.3, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp VN, Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) phát động chương trình “Khởi nghiệp 2009”. Từ năm 2009, chương trình “Khởi nghiệp” được triển khai với nhiều hoạt động: tư vấn, đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp, giao lưu thanh niên sinh viên với các doanh nhân thành đạt, tổ chức ngày hội khởi nghiệp, sàn giao dịch ý tưởng và hội chợ ý tưởng kinh doanh sáng tạo.


Xem tiếp tại đây

Đoàn Yamaha Taurus đem niềm vui đến trường “Niềm vui”

yamaha
Trong hành trình dọc Nam Trung bộ, đoàn Yamaha Taurus đã vượt qua chặng thứ 4 trong 6 chặng của “Hành trình xuyên Việt – Chia sẻ công đồng cùng Taurus”, đoàn có dịp dừng chân tại trường Niềm vui của tỉnh Phú Yên, nơi gần 100 em nhỏ khiếm thính bẩm sinh đang học tập, sinh hoạt. Những niềm vui nho nhỏ đã được các bạn trẻ trong Yamaha Fan Club thắp lên trong lòng các em nhỏ nơi đây.

Xem tiếp tại đây

Yêu nước hơn với Tự hào sử Việt

thsv
Khuyến khích giới trẻ tìm hiểu lịch sử, yêu thích việc học môn sử – yêu lịch sử, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc… là mục đích của cuộc thi Tự hào sử Việt. Cuộc thi kéo dài trong 9 tháng, chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 tuần và vòng chung kết, khởi động nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Kỷ Sửu (4-4) và kết thúc vào Ngày truyền thống sinh viên học sinh 9-1-2010.

Xem tiếp tại đây

Rao bán bộ sưu tập cổ vật làm từ thiện

trongdong
Ngày 30-3, ông Hồ Bách Khoa phó trưởng Phòng Quản lý Di sản Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết ông Lê Đình Duyên, Việt kiều Mỹ hiện đang sống ở xã Kỳ Nam (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) có ý định trưng bày, bán bộ sưu tập cổ vật quý giá đã sưu tầm suốt 50 năm làm quỹ từ thiện.

Xem tiếp tại đây