Thứ sáu, 13 tháng 3 năm 2009

Bài hôm nay:

Chiến dịch “Ôm không tính tiền”, Video, Free Hugs Campaign, phát xuất từ Úc năm 2004 và lan ra nhiều quốc gia, mang những cái ôm thân ái đến mọi người trên đường phố, anh Trần Đình Hoành nối link.

Để ý ai ?, Danh Ngôn, “Mỗi ngày trên đường đi, trong trường học, bạn để ý đến ai?”, anh Nguyễn Minh Hiển dịch.

Trà Đạo Nhật Bản, Văn Hóa, “Hòa Kính Thanh Tịch”, chị Loan Subaru.

Giữ mình làm lãnh đạo, Trà Đàm, “Ta không ‘trưởng thành’ thành lãnh đạo. Ta giữ gìn bản tánh hiện tại của ta, như lúc này, để làm lãnh đạo”, anh Trần Đình Hoành.

** Tin Sáng: Chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Ông mù đi biển, Chẩm mù chỉ muốn giúp được cha mẹ một tay lo gánh nặng gia đình, từ học bơi, đến bắt cá bằng vợt, đến chủ tàu ngày nay !!

Yêu nghề giáo chuyên biệt, cô giáo Nguyễn Thảo Hương, tuổi trẻ nhiều tình yêu và năng lực, 2 cử nhân sư phạm, gắn bó sự nghiệp với các học sinh khuyết tật.

Giáo sư 82 tuổi truyền ngoại ngữ bằng thiền, GS Lê Khánh Bằng.

Về bản Nhạp xem già làng đi học, già làng 80 tuổi “đi học thì bọn trẻ mới đi học theo.”

Bài hôm qua >>>

🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Chiến dịch “Ôm không tính tiền”

Free Hugs Campaign (Chiến dịch “Ôm không tính tiền”) là một phong trào xã hội của những người tình nguyện tặng những cái ôm thân mật cho mọi người nơi công cộng. Phong trào này bắt đầu năm 2004 ở Úc, từ một người đàn ông có bí danh là Juan Mann (đọc nghe như là one man, một người). Chiến dịch nổi tiếng trên thế giới năm 2006 nhờ video nhạc của ban Sick Puppies đặt trên YouTube (dưới đây). Những cái ôm được hiểu như là những hành động nhân ái, vị tha, làm chỉ để đem vui cho người khác. Ngày Free Hugs (quốc tế) năm 2009 là thứ sáu 13 tháng hai và thứ bảy 14 tháng hai.

Nguồn wikipedia

Để ý ai ?

quetduong

Trong năm học thứ hai ở trường y tá, giáo sư giao cho chúng tôi một bài kiểm. Tôi trả lời các câu hỏi vù vù, cho tới khi tôi đọc câu cuối cùng: “Tên họ của cô lao công ở trường chúng ta là gì?” Chắc đây là trò đùa rồi. Tôi đã thấy người phụ nữ đó nhiều lần, nhưng làm sao tôi biết tên cô ta được? Tôi nộp bài kiểm, nhưng không trả lời câu hỏi cuối đó. Trước khi lớp học kết thúc, một sinh viên hỏi liệu câu hỏi cuối tính vào điểm của chúng tôi. “Chắc chắn rồi,” giáo sư nói, “Trong sự nghiệp của các bạn, các bạn sẽ gặp rất nhiều người. Tất cả đều quan trọng. Họ xứng đáng được bạn quan tâm và để ý, cho dù tất cả điều bạn làm chỉ là mỉm cười và chào.” Tôi chưa bao giờ quên bài học đó. Và tôi cũng nhớ tên cô ta là Dorothy.

Nguyến Minh Hiển dịch

.

During my second year of nursing school our professor gave us a quiz. I breezed through the questions until I read the last one: “What is the first name of the woman who cleans the school?” Surely this was a joke. I had seen the cleaning woman several times, but how would I know her name? I handed in my paper, leaving the last question blank. Before the class ended, one student asked if the last question would count toward our grade. “Absolutely,” the professor said. “In your careers, you will meet many people. All are significant. They deserve your attention and care, even if all you do is smile and say hello.” I’ve never forgotten that lesson. I also learned her name was Dorothy.

Joann C. Jones

Trà Đạo Nhật Bản

Nghi Lễ Trà Đạo
Nghi Lễ Trà Đạo

Có lẽ, một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của Nhật Bản là Trà Đạo – một loại nghệ thuật thưởng thức trà. Gọi là “nghệ thuật”, bởi lẽ việc uống trà của người Nhật thực sự mang tính nghệ thuật rất cao, đồng thời cũng mang phong cách sống của người dân Nhật.

Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ 12, có nhà sư Eisai sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng và phổ biến tác dụng của trà cùng với cách thức uống trà. Thời kì sau đó, trà được sử dụng phổ biến trong giới quý tộc.

Đến thế kỉ 14, một nhà sư tên là Murata Juko đưa văn hóa uống trà thành nghệ thuật. Với tư cách là một nhà sư, ông rất coi trọng cuộc sống tinh thần. Ông tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà hòa cùng với tinh thần Thiền – Zen trong Phật Giáo. Từ đó Trà đạo ra đời.

Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.

Trà viên
Trà viên

Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, Kính, Thanh, Tịch”.

“Hòa” có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.

“Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.

Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ “Thanh”.

Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ “Tịch”.

Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo.

Để có thể tiến hành những nghi thức Trà đạo đúng nghĩa, cần phải có một không gian thanh tịnh và hoài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Đáp ứng những tiêu chuẩn đó mà dần hình thành hai không gian thưởng trà chính, đó là Trà Viên và Trà Thất.

Trà Viên: là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng thức trà. Trà viên đòi hỏi bố cục khu vườn phải tinh tế, làm cho khu vườn vẫn giữ được nét tự nhiên.

Trà thất
Trà thất

Trà thất: là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là “nhà không”. Đó là một căn nhà mỏng manh với một mái tranh đơn sơ ẩn sau một khu vườn. Cảnh sắc trong vườn không loè loẹt mà chỉ có màu nhạt, gợi lên sự tĩnh lặng. Trà thất làm ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự.

Trà thất không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với Thiền, sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay. Điều thiết yếu là ngôi Trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào Trà thất nhỏ và thấp đến nỗi người nào bước vào nhà cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Ngay trong Trà thất cũng ngự trị một bầu không khí lặng lẽ cô tịch, không có màu sắc rực rỡ, chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro nhạt của những bức vách bằng giấy.

Tokonoma: một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường. Tokonoma là một trong bốn nhân tố thiết yếu tạo nên phòng khách chính của một căn nhà. Có một vài dấu hiệu để biết đâu là tokonoma. Thông thường, có một khu vực để treo tranh hoặc một bức thư pháp. Hay có một cái giá nhỏ để đặt hoa, có thể là một chiếc bình, có thể nhìn thấy một hộp hương trầm. Khi bước vào một trà thất, người ta thường quỳ và ngắm tokonoma một lát. Thiền gây ảnh hưởng đến tokonoma lẫn chabana… chỉ khi chúng ta chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống thì mới thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị.

tradao4

Chabana: phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hóa Ikebana. Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất. Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên.

Kakejiku: có thể là một bức tranh treo tường, một bức thư pháp hoặc là sự kết hợp cả tranh và chữ (thư họa) ở tokonoma. Những bức thư pháp treo tại tokonoma thường mang nghĩa sâu xa, có thể là một công án Thiền tông. Chẳng hạn: “Bình thường tâm thị đạo” hoặc đơn giản chỉ là một chữ “Vô”

Đạo cụ dùng trong Trà Đạo: trà, nước pha trà, ấm nước, ấm nước, lò nhỏ, chén trà, hủ đựng trà, khăn nhỏ, muỗng múc trà, gáo múc trà, bình trà, tách trà và bánh ngọt.

Nước pha trà là nước suối, nước mưa hay nước đã qua khâu tinh lọc. Khi pha trà, người ta lấy nước ở tầng giữa của ấm vì tầng giữa tượng trưng cho Hiện Tại (Tầng dưới -sát đáy ấm- là Quá Khứ, tầng trên cùng là Tương Lai)

Bánh ngọt trong Trà Đạo: Dùng bánh trước khi uống trà sẽ làm cho khách cảm thấy hương vị đậm đà đặc sắc của trà. Trong những lễ hội 4 mùa, người Nhật làm những chiếc bánh hình dáng nhỏ nhắn để thể hiện phong vị thiên nhiên. Bánh truyền thống nổi tiếng được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa, từ thơ Waka, Haiku (là các thể thơ cổ của Nhật Bản) và cảm hứng từ quê hương.

Loan Subaru

Ông mù đi biển

Tên cúng cơm ba mẹ đặt cho ông là Chẩm, nghĩa là hay vấp váp, vì ông bị mù. 16 tuổi, ông buồn cho cảnh mù lòa nên tự cải tên mình là Hận – hận đời. Nhưng cuộc sống lạ lùng thay, ông trở thành ngư dân biển cả. Bây giờ nhà ông có hai tàu xa bờ trị giá cả tỉ đồng cho hai con trai đi biển. Hơn chục thanh niên trong vùng có việc làm ăn trên hai tàu này.

Xem tiếp tại đây.

Yêu nghề giáo viên chuyên biệt

nguyenthaohuong

Tốt nghiệp ĐH ngành Sư phạm hóa, chưa kịp đi dạy, Nguyễn Thảo Hương tiếp tục học 4 năm tại ĐH Sư phạm TP.HCM để nhận thêm tấm bằng cử nhân tật học, rồi về dạy tại trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, lo cho các học sinh khuyết tật. Cô là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, đoạt giải thưởng Võ Trường Toản khi tuổi đời chưa tròn 30.

Xem tiếp tại đây.

Về bản Nhạp xem già làng đi học

gialangdihoc

Bản Nhạp nằm giữa đại ngàn Pu Canh, cánh rừng lớn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, giữa bao la bát ngát của cây rừng, cỏ dại, bản Nhạp lọt thỏm như một thung lũng bị lãng quên. Nơi đó, có già Thế nức tiếng khắp mường, khắp chiềng bởi cái công, cái sức góp đưa cái chữ tới giúp dân thoát nghèo.

Xem tiếp tại đây.

Giữ mình làm lãnh đạo

Gandhi -- The leader leads
Gandhi -- The leader leads

Chào các anh chị,

Chúng ta thường nghe “trưởng thành thành lãnh đạo” như là tiến trình của một người tăng kinh nghiệm và tăng chức vụ dần dần, và đến một lúc nào đó thì thành lãnh đạo. Như vậy, người ta nói đến một tiến trình “trưởng thành” như là “trưởng thành thành người lớn.” Nhưng mà, để mình nói cho các bạn nghe. Không có điều gì xa sự thật hơn thế. Ta không “trưởng thành” thành lãnh đạo. Ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của ta, như lúc này, để làm lãnh đạo.

Khi còn trẻ, ta năng động, lạc quan, thành thật và can đảm. Những điều này chính là các đặc tính lãnh đạo.

Và khi ta “trưởng thành”, ta được những người khác dạy những điều như “Phải khôn ngoan để sống”, (nghĩa là, phải biết tham ô như những kẻ tham ô quanh ta), hay “Một con én không làm được mùa xuân”, (nghĩa là, bạn chẳng có kilogram nào hết), hay “Đừng ngây thơ. Trưởng thành lên”, (nghĩa là, hãy học nói dối và gian lận), hay “Tốn thời giờ làm gì? Chẳng ai quan tâm cả !” (nghĩa là, hãy ích kỷ và lạnh lùng như nhiều người khác), và hàng triệu câu nói tiêu cực khác liên tục rót những quả bom công phá vào tai và vào tim óc chúng ta hằng ngày, cho đến lúc chúng ta “trưởng thành” thành một đám người tầm thường, tiêu cực, lờ đờ, hay, tệ hại hơn, thành một đám lãnh đạo ích kỷ, tham ô.

Nelson Mandela
Nelson Mandela

Vì vậy , khi được dạy ta sẽ “trưởng thành” thành lãnh đạo, chúng ta đã được dạy điều rất sai. Chúng ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của chúng ta—năng động, lạc quan, thành thật, can đảm—để trở thành lãnh đạo.

Thử thách là, làm thế nào để chúng ta đi trong đời mà không bại trận trước những giảng dạy tiêu cực thường xuyên của đời sống và của những người quanh ta, để giữ gìn con tim và khối óc nguyên vẹn như lúc ta còn học trung học hay đại học. Điều này nói dễ hơn làm. Rất nhiều sinh viên đại học nhiều tài năng và lý tưởng đã trở thành tiêu cực và lờ đờ những năm sau đó. Giữ gìn quả tim trẻ thơ để đi suốt cuộc đời là một nghệ thuật siêu việt, không mấy người đạt được.

Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học nhiều năm trước, có lẽ là bạn không cần “học thêm” điều gì mới, nhưng cần “học bỏ” tất cả những tư tưởng tiêu cực đã thấm nhập lâu ngày, hầu trở thành một lãnh đạo tốt.

Thanh niên xung phong
Thanh niên xung phong

Nói đến đây tự nhiên mình nhớ đến câu trong Thánh kinh, “Phải như trẻ em mới vào được thiên đàng.” Thiên đàng, hoặc là niềm vui trong tâm mình, hoặc là cái đẹp trong mình làm cho người khác muốn theo, thì cũng chỉ đến từ trái tim trẻ thơ—năng động, tích cực, lạc quan, can đảm. Vì vậy, muốn thắng được phần thưởng cuối cùng, hãy gột bỏ các thấm nhuần “người lớn” và trở về với quả tim thơ trẻ.

Mình không có ý nói các bạn nên sống trong đời một cách ngớ ngẩn. Ta nên hiểu mọi trò xấu người ta làm, mọi siêu thủ đoạn người ta dùng để gạt nhau, mọi lời nói dối người ta có thể chế tạo, mọi phương thức trơn tru người ta dùng để đẩy một áp phe tham ô. Ta muốn hiểu tất cả các điều này, để khi bước trên mặt đất, ta biết được nơi nào có thể có bẫy, nơi nào có thể có gai. Nhưng ta muốn đối xử với tất cả những quỉ quái đó bằng quả tim dịu dàng, thành thật, can đảm và đầy tình yêu của một trẻ thơ.

Chỉ có các vị thầy siêu phàm mới làm được như vậy—Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, v.v… Và họ là những thiên tài lãnh đạo.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

PS: Bài này viết từ bài “Staying to be a leader,” bằng tiếng Anh, trên VNBIZ forum ngày 12 tháng 3 năm 2007.

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use