Luật Hấp Dẫn

Chào các bạn,

Từ ngàn xưa con người đã khám phá ra “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa,” “nồi nào vung nấy,” “lòng tin bằng hạt cải dời được núi non,” và những câu “thần chú” ngắn gọn lập đi lập lại với lòng thành sẽ làm cho sự việc xảy ra theo ý mình muốn. Ngày nay cả thể giới phương tây đang nói đến các điều này, nhưng với một từ mới hơn—Luật Hấp Dẫn (law of attraction).

Một cách vắn tắt, luật hấp dẫn nói rằng bất cứ tư tưởng gì ta có cũng đều hấp dẫn các năng lực tương tự trong vũ trụ để tạo nên sự việc theo tư tưởng đó. Ví dụ: “Tôi sẽ có tiền,” nếu cứ nghĩ và tin như thế tự dưng ta sẽ có tiền. “Tôi sẽ đẹp,” cứ nghĩ như thế thì ta sẽ thành đẹp ra.

• Dĩ nhiên nói đến “lòng tin” hay “thần chú,” thì vấn đề có một nền tảng rất khoa học. Nếu ta cứ tin là ta có tiền thì ra sẽ rất hăng hái lao vào các việc làm tiền. Càng làm, càng nhiều kinh nghiệm, càng giỏi, càng thành lớn. Đây chỉ là chuyện hiển nhiên. Hoặc, chàng nào tin là mình đẹp trai thì thường hay để ý đến cách ăn mặc hơn và tự tin hơn với các cô. Mà các cô thì thích đàn ông ăn mặc tử tế và tự tin. Rốt cuộc số lượng các cô bạn chàng có là chứng minh hùng hồn nhất là chàng đẹp trai. Lòng tin làm cho mình có tự tin và tập trung tư tưởng, do đó đưa đến thành công. Vấn đề rất giản dị.

• Tuy nhiên luật hấp dẫn còn có khía cạnh “siêu nhiên” của nó. Đó là, sức mạnh của tư tưởng hấp dẫn các năng lực trong vũ trụ để thực hiện ý muốn của tư tưởng. Tương tự như nhà Phật nói, một tiếng khẩy móng tay có thể mang âm ba rung động đến vô lượng thế giới. Như vậy nghĩa là sao? Năng lực gì trong vũ trụ lại cộng hưởng với năng lực của tư tưởng của ta đến mức đó?

Chúng ta sẽ không đi vào lãnh vực tâm lý ngoại cảm mà ta không đủ sức chứng minh, tức là “vô lượng thế giới.” Thay vì vậy, ta sẽ chỉ khảo sát luật hấp dẫn trong thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta, để thấy được tính cách khoa học của nó, và để sử dụng nó một cách hiệu quả. Thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta là chính mình, gia đình, bạn bè, những người làm cùng sở, những người mình giao tiếp hằng ngày, những người mình không giao tiếp nhưng họ có tiếp xúc với tư tưởng của mình—như những người đọc điều gì mình viết trên Internet.

Hâp dẫn nhau cực độ
Hấp dẫn nhau cực độ

• Danh từ đầu tiên ta phải giải thích là “tư tưởng.” Từ “tư tưởng” (idea) trong luật hấp dẫn có thể làm cho rất nhiều người hiểu lầm rằng đó là một hoạt động của ý thức, như “suy nghĩ” hay “suy tư.” Nhưng trong luật hấp dẫn, “tư tưởng” có nghĩa là một hoạt động của tâm thức—gồm ý thức, tiềm thức và cả các cảm giác như vui buồn yêu ghét. Nói chung, tư tưởng là tất cả những gì xảy ra trong tâm ta. Mà nói đến tâm, là chúng ta đều biết tiềm thức lớn lao và mạnh mẽ hơn ý thức ngàn lần, cho nên khi hiểu từ “tư tưởng” trong luật hấp dẫn như là một hành động suy nghĩ của ý thức mà thôi, là ta đã làm mất sức mạnh của luật hấp dẫn đi cả trăm, cả nghìn lần. Ví dụ: Nếu miệng ta lẩm bẩm “tôi sẽ có tiền” (tức là ý thức), nhưng trong thâm tâm ta không tin là điều này sẽ thành sự thực (tức là tiềm thức). Mà tiềm thức thì mạnh hơn ý thức cả nghìn lần, cho nên đương nhiên là ta sẽ sống theo hướng “tôi sẽ không có tiền,” và vì vậy mất tự tin trong việc kiếm tiền. Thế thì luật hấp dẫn vẫn đúng, nhưng “thần chú” của ta thì sai.

• Vì tiềm thức rất khó cho ta “thấy,” ta cần phải tìm cách “thấy” tiềm thức qua những cái khác—lòng tin, và cảm giác. Lòng tin điều khiển một phần rất lớn sự “suy nghĩ” của tiềm thức, và cảm giác thường là hậu quả của tiềm thức, cho nên ta quản lý tiềm thức bằng quản lý lòng tin và cảm giác—lòng tin phải thật mạnh mẽ, cho đến nỗi ta luôn luôn cảm thấy rất là hăng hái, chắc ăn. Khi ta nói “tôi sẽ có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một cảm giác hăng hái, chắc ăn, thì lúc đó “tư tưởng” của ta mới tạm gọi là chân thật và mạnh mẽ. Vì vậy, thay vì nói “ý thức” và “tiềm thức,” rất mơ hồ và khó hiểu, chúng ta chỉ cần quan tâm đến 3 điều: (1) sự suy nghĩ, (2) lòng tin, và (3) cảm giác. Suy nghĩ đến điều gì, như “tôi sẽ xuống cân,” thì suy nghĩ với một lòng tin vững chải và một cảm giác hăng hái. Lúc đó tư tưởng mới thực sự có sức mạnh chuyển hóa đời sống ta và thế giới của ta.

• Nói đến đây có lẽ chúng ta đã mường tượng được luật hấp dẫn hoạt động như thế nào: Nếu ta cứ nói “tôi có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một thái độ hăng hái, thì tiềm thức “tôi sẽ có tiền” sẽ bắt đầy chỉ huy tác phong và cách sống của ta. Tự nhiên là ta sẽ bắt đầu hăng say nghiên cứu việc kiếm tiền, nói chuyện kiếm tiền với bạn bè, siêng năng đi tìm việc làm, hễ việc gì có thể kiếm ra tiền ta đều hăng hái làm. Những người như vậy, đi xin việc ở đâu, các ông chủ đều mê. Người nào muốn làm thương mại gì cũng muốn tìm partner như vậy. Không giàu sao được?

• Như vậy ta thấy tư tưởng của ta đã chuyển hóa được đời ta, và ít nhất là đời sống của những người làm việc chung. Và nếu có bạn bè thân nhân nào đó, nghe ta nói và tin vào cách sống của ta, họ làm theo và thành công, đó cũng là do tư tưởng của ta đã phần nào chuyển hóa cuộc đời họ. Và nếu một tờ báo nào đó nhờ ta viết một bài về kinh nghiệm của mình, những độc giả nào nhờ đó mà chuyển hóa đời sống của họ, một phần cũng là do tư tưởng của ta. Đó chính là tư tưởng của ta có năng lực chuyển hóa thế giới của ta. Và nếu uy tín của bạn càng cao trong xã hội, thì thế giới của bạn càng lớn, ảnh hưởng chuyển hóa của bạn trên hành tinh này càng nhiều. Rất thực tiễn và khoa học.

• Luật hấp dẫn là luật tự nhiên, như là trọng lực, rất trung tính. Luật hấp dẫn đúng với tất cả mọi người, không cần biết nam nữ, lớn bé, giàu nghèo, và quan trọng nhất là, không cần biết tốt xấu. Người lương thiện tin chắc chắn là mình sẽ giàu, sẽ giàu nhờ làm ăn lương thiện. Người có máu ăn cướp, tin một cách sắt đá là mình sẽ giàu, thì sẽ giàu nhờ ăn cướp. Vì vậy, chúng ta thấy trong xã hội, bất kỳ ai, tốt hay xấu, cũng có thể “thành công.”

Vẫn hấp dẫn nhau được
Vẫn hấp dẫn nhau được

Thế thì có gì khác biệt giữa người xấu và người tốt ở đây? Thưa, có luật nhân quả (law of causation). Chữ này nghe như xuất thân từ Phật giáo, nhưng thực ra cả thế giới đã dùng nó cả triệu năm nay, vì đánh người thì sẽ có hậu quả là bị người đánh lại, ai cũng phải thấy. Nếu làm ăn lương thiện thì có nhiều bạn và không có kẻ thù, cho nên có xác suất rất cao là thành công sẽ ở với mình rất lâu. May ra thì có thể hưởng được tuổi già hạnh phúc. Nếu đi ăn cướp, thì có nhiều kẻ thù quá, lại được các bác công an chiếu cố đặc biệt, nên xác suất hưởng được “thành công” lâu ngày chắc là chỉ hơn zero một nấc nhỏ, và xác suất được đứng dựa cột thì suýt soát 100%. Sự khác biệt giữa tốt và xấu là ở chỗ đó—một bên thì nhiều bạn nên sống lâu, một bên thì nhiều thù nên chết yểu.

• Luật hấp dẫn là luật của tư tưởng, mà ngôn ngữ là một phần rất lớn của tư tưởng, cho nên ngôn ngữ rất quan trọng trong luật hấp dẫn. Chúng ta đã nói qua điều này trong bài “Sức mạnh của tư tưởng.” Trong ngôn ngữ của con người, thể phủ định có ảnh hưởng rất yếu trong tâm thức. Ví dụ: “Tôi không yêu ai” thì nhạt như nước ốc. Nó chẳng có nghĩa lý gì hết, nó chỉ có nghĩa là tôi không yêu ai, và không chắc là tôi có ghét ai không. Nghe chán phèo. Hay “tôi không chống anh,” chẳng nghĩa lý gì cả, vậy anh có ủng hộ tôi không?

Vì vậy khi ta nói một câu phủ định “tôi không muốn béo,” tiềm thức của ta không “thấm” cái yếu ớt của chữ “không” phủ định, mà lại thấm cái mạnh mẽ của chữ “béo” xác định. Cho nên tiềm thức cứ hướng ta sống theo hướng “béo.” Vì vậy, các chuyên gia về tư duy tích cực (cũng như các luật sư chuyên về tranh tụng trước tòa) luôn luôn dạy người ta nói và viết ở thể xác định: “Tôi muốn gầy” (không phải là “tôi không muốn béo”), hay “tôi muốn giàu” (không phải là “tôi không muốn nghèo”).

• Một số các chuyên gia còn có cách trình bày thế này: Luật hấp dẫn không biết văn phạm , chỉ biết các từ mà thôi. Nếu câu bạn nói mà có chữ “yêu,” không cần biết đó là phủ định hay xác định, thì luật hấp dẫn cứ dẫn ta đi theo hướng “yêu.” Các bạn có nghe các phụ nữ lớn tuổi kể chuyện đời của họ không: “Hồi đó tui ghét ổng gần chết, thấy mặt là wẹo đường khác. Nhất định là không thèm thương. Rốt cuộc cũng lấy ổng.” Tóm lại “tôi yêu anh Tín” hay “tôi không yêu anh Tín,” đối với luật hấp dẫn thì như nhau, và cả hai chỉ có nghĩa là “yêu” và “anh Tín.” Tương tự như vậy, “tôi không thích béo” và “tôi thich béo” đều chỉ có nghĩa là “tôi” và “béo.” Vì vậy, ta luôn luôn phải suy nghĩ (và nói chuyện cũng như viết lách) theo thể xác định. Và dĩ nhiên là chỉ nên dùng các từ tích cực. (Từ tích cực là từ nói đến cái ta muốn, ta thích. Nếu bạn thích gầy, thì “gầy” là từ tích cực và “béo” là từ tiêu cực. Ngược lại nếu bạn thích béo, thì “gầy” lại là tử tiêu cực và “béo” là từ tích cực).

Đỉnh cao hấp dẫn
Đỉnh cao hấp dẫn

• Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết ảnh hưởng của luật lập đi lập lại (law of repetition). Các giáo chức đều rất giỏi luật này. Dạy một điều nhưng cứ lập đi lập lại hằng trăm lần, bằng hằng trăm cách khác nhau (biết rồi, khổ lắm, nói mãi!), như vậy thì học trò mới nhập tâm được. Cho nên, theo luật hấp dẫn, nếu bạn muốn điều gì thì soạn một câu thần chú ngắn, như “tôi sẽ có tiền,” rồi cứ thầm lập đi lại câu đó trong đầu, thì luật hấp dẫn sẽ có tác dụng mạnh mẽ. (Nhắc thầm thôi, lảm nhảm ngoài miệng chắc là sẽ bị người nhà cho nhập viện :-)).

• Và một quy luật ngôn ngữ khác nữa là hiện tại thì luôn luôn luôn mạnh hơn tương lai. Hãy so sánh “anh yêu em” và “anh sẽ yêu em” xem câu nào mạnh hơn. Nhưng điều ta ước muốn đương nhiên là thuộc về tương lai, ví dụ “tôi muốn có tiền.” Thế thì ta giải quyết cái yếu của tương lai thế nào? Thưa, có 2 phương cách. Thứ nhất, nếu việc gì có thể biến nó thành hiện tại, thì phải suy nghĩ theo cách hiện tại. Ví dụ: Thay vì “tôi sẽ có tự tin” thì ta phải nói “Tôi có tự tin,” vì chẳng lý do gì ta không thể nói “tôi có tự tin ngay bây giờ” mà phải đợi đến sang năm.

Thứ hai, đôi khi ta cảm thấy nhất định không thể nói thì hiện tại một cách đầy tin tưởng được, ví dụ, nếu trong túi không có một đồng xu, thì nói “tôi sẽ có tiền” dễ tin hơn là “tôi có tiền.” Trong trường hợp đó cứ nói “tôi sẽ …” nhưng phải buộc tương lai vào hiện tại, ngay trong lúc này, ngay ở đây. Tức là, hiện thời tôi đang ngồi đây nói chuyện với bạn của tôi, tôi biết là tôi muốn có tiển và “tôi sẽ có tiền,” nhưng cái “sẽ” đó có thật được hay không cũng là do tôi sống trong hiện tại có thật hay không—tương lai chỉ là một chuỗi những ngày của hiện tại. Hiện tại tôi đang nói chuyện với bạn tôi, tôi sẽ nói chuyện rất thực, tôi sẽ lắng nghe rất kỹ, sẽ mở rộng đầu óc và con tim để nghe, tôi sẽ chia sẻ thật tình, tôi sẽ dùng mỗi giây đồng hồ một cách tận tình. Sống ngay phút này, ngay tại đây, một cách tận tình, dù là mình đang làm bất kỳ việc gì, thì đó là cách để nối hiện tại có thật vào một tương lai sẽ đến thật.

• Cuối cùng, có bạn hỏi luật hấp dẫn này từ đâu tới? Dĩ nhiên là nghe qua ta cũng thấy luật hấp dẫn là qui luật tâm lý tự nhiên. Con người hấp dẫn nhau vì sức mạnh bên trong của mình. Và các chuyên gia về tâm lý và truyền thông (communication) đã nói đến nhiều thập kỹ (nếu không nói là hàng nghìn năm nay). (Chỉ có phần tâm lý ngoại cảm–năng lượng của tâm thức làm chuyển động năng lượng của vũ trụ–thì mình xin được phép miễn bàn, vì chưa nắm chắc). Gần đây một vài cuốn sách bán chạy đã đẩy danh từ “luật hấp dẫn” thành rất phổ thông. Theo mình nghĩ, luật hấp dẫn được diễn giảng ngày nay chính là “tư duy tích cực” phát xuất từ các giảng sư thiên chúa giáo khi xưa—lòng tin bằng hạt cải dời được núi non–trình bày lại một cách khoa học hơn bằng các khái niệm Phật giáo đang rất thịnh hành trong giới trí thức Âu Mỹ ngày nay.

Chúc các bạn một ngày vui!

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

47 thoughts on “Luật Hấp Dẫn”

  1. Tui bổ sung một téo thôi nhé. Một téo thôi, vì bài của bạn đầy đủ và dễ hiểu lắm rùi. Chỉ là một téo kinh nghiệm ý mà.

    Theo tui nếu muốn có lòng tin mạnh mẽ, thì điều quan trọng là bạn phải biết rõ về cái đó/ việc đó. Ví dụ như bạn đang trong quá trình phỏng vấn xin việc, bạn phải hiểu rõ ràng công việc sau đó sẽ phải làm gì, làm như nào, làm với ai, ở đâu…Khi có cái nhìn rõ ràng về công việc đó thì bạn sẽ dùng trí tưởng tượng của mình, đặt mình vào trong cái văn phòng đó. Tưởng tượng mình sẽ làm gì hàng ngày. Thậm chí là chỗ làm xa nhà mình bao nhiêu và tưởng tượng giờ nào mình sẽ phải dậy đi làm…Càng cụ thể càng tốt. Khi đó lòng tin sẽ rất mạnh mẽ và đến tự nhiên hơn 🙂

    Chúc bạn ngày tốt lành (và chúc tôi một ngày may mắn, sáng nay tôi đi xin việc nè :))

    Like

  2. Phải rồi, chị Nhung. Phải nghiên cứu chiến trường trước khi xông trận thì mới có lòng tin mạnh được chớ. Chúc chị Nhung may mắn sáng nay.

    Like

  3. Bai nay hay qua nhung co may ai hieu het duoc va neu chung ta hieu duoc lieu co thuc hanh duoc khong???

    Like

  4. Sao Mai Mai hỏi là có thực hành được không? Đi từ dễ tới khó. Cách dễ nhất là mỉm cười. Nếu mình đi trên hè phố và gặp ai đi ngược chiều nhìn mình, mình cũng khẻ gật đầu chào và mỉm cười. Trong sở làm cũng thế. Nếu cứ làm như thế trong vòng một tháng, bảo đảm là phải có việc gì thay đổi rõ ràng trong đời mình–hoặc là có thăng chức, hay một assignment rất hay trong công việc, hay là có người theo đuổi, hay là một điều khó khăn nào đó không còn khó khăn nữa. Sau khi thấy như vậy, tự khắc mình sẽ tự nhiên đi xa hơn.

    Cứ làm đi. Sau một tháng không thấy gì thì cứ trở lại đây nói là mình nói không đúng.

    Mai Mai khỏe nhé.

    Like

  5. Lực hấp dẫn = Tư tưởng—>Niềm tin + cảm xúc (trong tiềm thức) —> Hành động —>Thành công. Mình có thể thấy công dụng của nó ngay qua bài viết “Đầu Ngày” của A.Hoành. Cảm ơn a.Hoành nhiều lắm !

    Like

  6. Cám ơn Tất Đạt đã đến thăm ĐCN và chia sẻ. Chúc Đạt một ngày vui. Và có chuyện gì chia sẻ được với mọi anh chị em thì làm vậy nhé 🙂

    Like

  7. Thời gian trước Hiển có nói với em về sức mạnh của cầu nguyện (em ko theo tôn giáo nào). Sau đó anh Hoành có viết ở đâu đó là đôi khi mình phải đi với một sức mạnh siêu nhiên mới đủ. Em cứ thắc mắc mãi vì không hoàn toàn hiểu. Đến bài này , khi em liên kết mọi thứ lại thì đã rõ ràng. Cám ơn anh vì bài viết rất bổ ích.Em sẽ thực hành theo.
    Phần tương tác ngoại cảm em có nghe nhiều, nhưng chỉ dành cho một số người có khả năng đặc biệt nên em không chú tâm.

    Like

  8. Hi Chung, nói như vậy thì em hiểu các điều trong bài này sâu lắm rồi. Thực hành “mind over matter.”

    Lúc bắt đầu thì phải cố gắng tạo lập lòng tin mạnh mẽ để tập trung tư tưởng vào vấn đề ta muốn.

    Đến lúc thượng thừa thì chẳng cần cố gắng mạnh mẽ nữa, nhưng lại đến mức tĩnh lặng gần như không có gì. Đó là mức của những bài viết anh đang viết vào thời điểm này (tháng 10, 2009) (Luật Hấp Dẫn viết tháng 4, 2009).

    Nghệ thuật nào cũng vậy, đến mức thượng thừa thì thường rất nhẹ nhàng giản dị. Ví dụ: Nhạc sĩ, thay vì đánh ì đùng lung tung, có thể chỉ khẩy vài nốt nhè nhẹ mà lại thấm rất sâu vào lòng người nghe. Họa sĩ, thay vì multicolor, có thể chỉ vài đường nguệch ngoạc mà lại thành master piece.

    Và cái tâm, thay vì diễn thuyết tràng giang đại hải, có thể chỉ một câu nói nhỏ, hay một nụ cười, mà chuyển hóa đời mình và môi trường chung quanh mình.

    Em khỏe nhé. 🙂

    Like

  9. Chào chú !
    Bài này cháu đoc lâu rồi, nhưng vừa rồi có đọc thêm 1 số trang web khác thấy có 1 số thắc mắc nhỏ.
    Thứ nhất, hình như luật hấp dẫn cũng chính là việc tự kỷ ám thị ( tưởng tượng hình ảnh mình muốn trở thành và lặp đi lặp lại nhiều lần rồi nó cũng sẽ trở thành hiện thực) phải không chú? Nhưng cháu có đọc bài báo tự kỷ ám thị tốt cho ai trên dantri..com.vn nói về việc tự kỷ ám thị tốt hay không, có tác dụng hay không còn tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người nữa. Cháu cũng thấy đúng, không biết chú nghĩ sao ạ? Đây là link bài viết ạ
    http://dantri.com.vn/c7/s7-335321/tu-ky-am-thi-tot-cho-ai.htm
    Thứ hai, trong bài chú có nói nều việc lập đi lâp lại ” tôi có tiền” nhưng trong tiềm thức không tin vào điều đó thì không có tác dụng. Vậy thì nều 1 người nhỡ như trong tiềm thức đã nhỡ tin rằng “tôi không có tiền rồi” thì làm sao để thay đổi niềm tin ấy, và áp dụng luật hấp dẫn chú?
    Cảm ơn bài viết của chú ạ.

    Like

  10. Hi Thế Hòa. cám ơn Thế Hòa đã đặt câu hỏi.

    Luật hấp dẫn có hai đoạn. Đoạn đầu là tự kỷ ám thị, tức là nếu mình cứ nói với chính mình là “tôi tử tế” thì mình sẽ từ từ biến thành người tử tế. Đoạn thứ hai là đoạn “hấp dẫn” người khác, tức là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”–khi mình tử tế tự nhiên mình sẽ thu hút người tử tế đến với mình.

    Về vấn đề tiềm thức mình đã tin một điều nào đó rồi, như là “tôi không có tiền”, thì cách giải quyết có hai chuyện song hành:

    1. Nếu ý thức cứ nói “tôi có tiền,” thì lâu ngày nó cũng thấm vào tiềm thức, vì vả ý thức lẫn tiềm thức đều nằm trong một bộ óc chứ chẳng phải là biệt lập nhau.

    2. “Tĩnh tặng” để “nhìn” các cảm xúc đang đi trong người mình và trong suy tư của mình, sẽ làm cho mình rất nhậy cảm với các hoạt động của tiềm thức; và khi mình nhận ra tiềm thức đang tạo ra một cảm xúc gì, “sự nhận biết” sẽ làm yếu đi hoặc làm triệt tiêu luôn hoạt động của tiềm thức mà mình không đồng ý. Đây là căn bản của khoa trị liệu bệnh tâm thầm bằng phân tâm học, và cũng là căn bản của các thực hành Thiền quán” (thiền và nhìn) của các thiền sư.

    Vì vậy những phút giây tĩnh lặng trong ngày dành riêng cho mình, rất quan trọng.

    Thê Hòa khỏe nhé 🙂

    Liked by 1 person

  11. Vâng anh Hoành. Đây cũng là một liệu pháp tâm lý. Con người ta khi đã tin và bám lấy niềm tin ấy, ắt sẽ có những tác động cụ thể trong đời sống. Và em cũng tin rằng, một niềm tin tốt có cơ sở vững chải sẽ giúp ích cho ta rất nhiều trên con đường dẫn đến thành công. Cảm ơn anh đã một lần nữa cho em thêm tin vào những gì mình đã chọn, dù mặc nhiên hay cố ý. Chúc anh chị một ngày mới bình an nhé.

    Like

  12. @Nguyễn Thị Mai Mai: Theo mình bạn hãy dừng lại những suy nghĩ đó. Đó là những suy nghĩ và câu hỏi nếu mình không lầm và được xếp vào dạng Lãng Phí tuy nhiên đối với mình Lãng Phí cũng là Tiêu Cực. Bạn thử chuyển hóa những suy nghĩ và câu hỏi theo lối tích cực xem sao nhé. Mình xin mạn phép chuyển thử như thế này: Bài này hay quá mình sẽ chia sẻ với bạn bè mình. Và mình sẽ cùng mọi người thực hành nó. Yeah thật là tuyệt vời!
    Mình mới học được rằng ví dụ về ánh sáng và bóng đêm là một ví dụ tuyệt vời mà mình được học. Chúng ta không nên ở trong bóng đêm chiến đấu với nó để đẩy lùi nó. Hãy mang ánh sáng tới. Ánh sáng tới đâu thì bóng đêm sẽ tan tới đó.
    Nói về niềm tin ý thức và tiềm thức mình thực sự là chưa rõ ràng cho lắm và siêu thức thì càng không rõ. Nhưng mình mới hiểu ra được một chút. Và mình thấy có 2 câu này của Phật Giáo là hết sức hết sức diệu tuyệt: Tâm Sinh Tâm Diệt và Ta Chính Là Những Gì Ta Nghĩ. Nếu như mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu 2 điều này mình tin rằng cuộc sống sẽ không còn khổ đau nữa sẽ chỉ có hạnh phúc và thành công. Và mình cũng xin chia sẻ một cách tạo niềm tin đó là bạn hãy ghi những điều mình muốn ra giấy hàng ngày. Bạn hãy nói ra tất cả tất cả những gì mình muốn bằng nhiều cách nhất với khả năng ngôn ngữ của bạn và sau đó đọc nó. Bạn hãy làm nó hàng ngày cho tới khi nó trở thành con người bạn. À, nếu như các bạn có điều kiện có thể tham dự các khóa học của các diễn giả nổi tiếng mình đặc biệt thích Anthony Robin. Ông ấy thực sự là một huyền thoại. Con người với một trái tim yêu! Chưa từng một lần được tham gia các khóa học của ông nhưng chỉ nhìn ông nói nghe ông nói qua các clip của ông thôi mình đã cảm nhận được cái Tâm và năng lượng của ông.

    Like

  13. Rất tuyệt vời, cám ơn anh Hoành đã làm rõ ràng hơn về Luật Hấp Dẫn cho mọi người hiểu. Em cũng mới biết được trang web này và rất thích đọc những bài viết với tư tưởng tích cực của anh.
    “The me I see is the me I will be” là câu nói mà em rất thích của Robert H. Schuller – cái mình suy nghĩ sẽ phản ánh con người của mình. Cái em thấy rất thú vị đó là nghiên cứu sâu hơn về suy nghĩ con người, đặc biệt là vấn đề Suy nghĩ có thể thay đổi được môi trường sống xung quanh. Rất mong sẽ được chia sẻ thêm với anh hơn!

    Like

  14. Bài viết hấp dẫn từ tâm 🙂 . Chú viết rất đúng và thấm chú Hoành ơi. Cháu không khen chú viết hay vì với cháu viết lách theo văn phong trần thuật và chia sẻ thì chỉ cần đúng và thấm vào tâm người đọc là cả một nghê thuật rồi.

    Cháu chúc chú và gia đình luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình công quả ở Đọt Chuối Non nhé :).

    Cháu cảm ơn chú 🙂

    Like

  15. Ai cũng có thể tham gia vào “cuộc hành trình công quả ở Đọt Chuối Non” như Linh Linh nói, dù chỉ là một phản hồi.

    Chỉ một phản hồi với thiện chí cũng góp thêm một chút vào hoà bình thế giới…

    Liked by 1 person

  16. tôi đã thử áp dụng luật hấp đẫn và thấy thành hiện thực rất nhiều.Không phải nhảm nhí đâu.Các bạn hãy thử mà xem

    Like

  17. Hi anh Hoành.
    Tình hình là em muốn thực hiện việc ám thị trong giai đoạn nửa thức nửa ngủ, câu mà em muốn tác động vào tiềm thức là “Mọi vấn đề của tôi đang được giải quyết” đi kèm với hình ảnh các vấn đề được đặt vào trong một chiếc hộp thần kỳ có khả năng giải quyết mọi chuyện.

    Như vậy thì từ “vấn đề” có mang ý nghĩa tiêu cực không ạ, em cảm thấy có gì đó không ổn lắm. Có thể thay đổi câu đó như thế nào ạ?

    Có nên nhẩm câu “Vấn đề X của tôi đang được giải quyết” không ạ, em vẫn băn khoăn ở từ “Vấn đề X” bởi vì nó có vẻ làm cho tiềm thức chú ý tới chuyện mà bản thân đang gặp phải.

    Em chúc anh và mọi người cuối tuần vui vẻ.

    Like

  18. Hi anh Hoành.

    Em có chút băn khoăn thế này.
    Ví dụ như có người tự nhủ rằng “Vấn đề X, bệnh X của tôi đang được giải quyết”

    Vậy thì từ “vấn đề, bệnh” có thể coi là tiêu cực không ạ?. Mặc dù về ý nghĩa của câu thì em thấy nó mang ý nghĩa tích cực, nhưng như anh nói thì tiềm thức nó lại hiểu theo từ.

    Nếu mình có thể sửa câu đó thì sửa thế nào ạ?

    Chúc anh và mọi người trong vườn chuối cuối tuần vui vẻ.

    Like

  19. Hi Bạch Dương,

    Chú tâm vào “vấn đề” như thế là không tốt, vì mính chỉ làm mạnh “vấn đề” bằng chú tâm vào “vấn đề”.

    “Quán” thân thể và tinh thần của mình lành mạnh và rỗng lặng–trong sáng, trong sạch, tinh khiết, tinh tuyền, lành mạnh.

    Like

  20. Vâng ạ, em cảm ơn anh.
    Hai tên Conquer yourself và bachduong179 là một đấy ạ, không hiểu tại sao thi thoảng thấy bị lỗi post bài nên em phải đổi tên. :d Hóa ra là bài tưởng là bị lỗi mà vẫn gửi được.

    Like

  21. mình thấy bài viết của bạn rất tuyệt vời. một người có thể viết được như thế chắc sự cảm thụ của bạn cũng khá sâu sắc. cố gắng phát huy năng lực mình nha?? thank

    Like

  22. Hi chị Hương,

    Trong bài có ví dụ về tình yêu, nghĩa là áp dụng được trong tình yêu.

    Chúc chị luôn hạnh phúc nhé.

    Like

  23. Hi chị Hương,

    Có những comment trong bài viết này liên quan đến câu hỏi của chị, em gửi chị đường link, hy vọng giúp chị một phần nào đó.

    Auld Lang Syne – Happy New Year

    Em mong được gặp lại chị.
    Chúc chị luôn hạnh phúc.

    Like

  24. Cháu chào chú!
    Cháu rất cám ơn bài viết và những chia sẻ rất thú vị của chú ạ. Cháu được biết luật hấp dẫn sẽ mạnh hơn khi thực hành cầu nguyện. Nhưng cháu không biết là khi câu nguyên mình nên xưng hô thế nào? xưng tôi được không? và nên gửi lời cầu nguyện tới ai ạ?( tới vũ trụ hay tớ 1 đấng tối cao nào đó?
    Cháu rất mong nhận được lời giải đáp của chú. Cháu cám ơn chú.

    Like

  25. Hi.em chao anh Hoanh!e la 1 nguoi moi biet ve luat hap dan. Anh cho em hoi la co the ap dung luat hap dan de tao ra cac co hoi hoac tinh huong khong a? Va neu co thi ap dung nhu the nao ah?mong anh chi gip.cam on anh rat nhieu.thankyou very munch.

    Like

  26. Hi Đạt, Luật hấp dẫn chỉ hấp dẫn con người đến với nhau, hay sự vật đến với con người, không đạo diễn tình huống cụ thể theo ý mình muốn.

    Like

  27. Hi all, minh doc bai nay cung lau lam roi, nhung hom nay vo tinh xem duoc thi nghiem cua tien si Emoto da chung minh luat hap dan co the “hap dan” duoc cả cơm nua 🙂
    cac ban co the xem thi nghiem tai day nha:

    Like

  28. Chào technic8x và cả nhà,

    Các thí nghiệm xem ra hấp dẫn như của Dr. Emoto thê này chưa có giá trị khoa học cho nên không nên phát tán và ca ngợi lung tung trên Internet.

    Một thí nghiệm chỉ có giá trị khi người ta làm khoảng 1000 lần trong những điều kiện khách quan được điều chỉnh càng ngày càng tinh vi, và có nhiều người làm thí nghiệm khác nhau.

    Một thí nghiệm thì có nhiều khả năng là không đúng, như:

    1. Đó là chuyện phịa.

    2. Các điều kiện thì nghiệm khoa học không hoàn hảo tạo ra sự khác biệt.

    Các quy luật tâm linh thường nằm sâu trong tâm khảm con người chứ không phải trong các quy luật vật lý hoa học. Các thí nghiệm “khoa học” không được làm nhiều lần, bởi nhiều người, và ghi chép cẩn thận mọi điều kiên thì nên xem là trò bịp cho chắc ăn (ít nhất là cho đến khi nghiều người cùng có một kết quả như nhau).

    Có rất nhiều thầy giả ngoài kia, với các chức danh nghe rất kêu. Các bạn nên cẩn thận và nên tự trãi nghiệm mọi sự, trước khi tạm đưa ra kết luận nào.

    Và không nên phát tán thông tin còn nhiều dấu hỏi.

    Like

  29. Hi anh Hoành,
    Cám ơn anh đã chỉ phương pháp và phân tích sâu sắc, em thực hành để tăng thêm công lực của mình ạ 🙂

    Like

  30. Cảm ơn anh Hoành vì bài viết hay. Em rất muốn ứng dụng những điều tốt đẹp này vào cuộc sống, vào suy nghĩ của mình nhưng em lại hay do dự, thiếu tự tin và mất đi hứng thú trong cuộc sống cũng như trong công việc. Vậy em phải bắt đầu từ đâu đây ạ? Suy nghĩ tiêu cực thì dễ chứ suy nghĩ tích cực đối với em lại rất khó.

    Like

  31. Hi Hột Tiêu,

    Anh nghĩ em nên đến cột bên trái ĐCN, đọc “Chuỗi bài tư duy tích cực” từ đầu, mỗi ngày một bài, rồi chiêm nghiệm và thực hành.

    Chúc em may mắn và tinh tấn.

    Like

  32. Cảm ơn anh Hoành!
    Chúc anh luôn khỏe và có thêm nhiều bài viết hay.

    Like

  33. Cái này thực sự rất hay, nhưng chỉ khi bỏ nó vào trong cùng một hệ quy chiếu với tác giả (chú Hoành), và tất nhiên, thông thường ai cũng cùng hệ quy chiếu đó, nhưng nếu thoát ra khỏi hệ quy chiếu đó thì sao? Và còn nữa, nếu còn ngoại lệ của nó và định lượng của nó thì sao? Liệu như thế nào là đủ? Cháu thực sự có chút bế tắc ở đây (với mục tiêu của bản thân mình).
    Khi mà mình hướng vào một mục tiêu chưa rõ định hình (giống kiểu tự dò đường) thì làm sao tập trung sức mạnh được? Chú và mọi người có thể cho cháu chút lời khuyên ạ. Cám ơn chú và mọi người nhiều. Nhân tiện, cháu học mechatronics, có ai cùng ngành cho cháu làm quen luôn :D.

    Like

  34. cháu chào chú Hoành. cháu là người theo đạo công giáo. cho cháu hỏi luật hấp dẫn này có đối nghịch với đức tin không

    Like

  35. Hi Đính,

    Nếu Đính ngày nào cũng nhắc nhở: “Tôi phải có nhiều tiền”, và điều đó thúc đầy Đính làm việc siêng năng trong kinh doanh đủ kiểu, rồi một ngày nào đó Đính thành đại gia, thì điều đó có đối nghịch với đức tin không?

    Luật Hấp Dẫn là một định luật hoa học tâm lý, hoạt động như thế đó.

    Like

  36. cháu có 1 thắc mắc là: luật hấp dẫn mạnh như vậy , việt nam hay các nước khác không khuyến khích mọi người thực hành nó ạ.cháu chưa thấy thời sự nói về luật này ạ. mong chú giải ạ.

    Like

  37. Hi Đính,

    Có nhiều người khuyến khích chứ, có cả sách về luật hấp dẫn (law of attraction). Từ này (law of attraction) mới có khoảng chục năm nay, nhưng luật này thì nhiều người biết lâu rồi.

    Tuy nhiên thực hành thì rất ít người thành thục, vì luật hấp dẫn làm việc ở cả tầng ý thức và vô thức của ta. Ai cũng có đủ thứ tiêu cực và tích cực trong lòng, tiêu cực và tích cực triệt tiêu nhau, cho nên hâp dẫn cả 2 thứ vào thì chẳng thấy gì hết.

    Người chỉ có tich cực (và cực kỳ ít tiêu cực hay không tiêu cực) thì sẽ hấp dẫn rất nhiều tích cực, dù người đó cố tình hấp dẫn hay không.

    A. Hoành

    Like

  38. Em đặt tên dự án của mình là “Người nông dân chân thật” dựa trên cốt lõi cho hành động là “bán/trao đi sự chân thật của người nông dân, mua/nhận về sự tử tế của cộng đồng”. Em nghĩ về nó thường xuyên và bắt đầu lải nhải về nó ở khắp nơi, với nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ. Ắt luật hấp dẫn sẽ giúp em định hình và đưa dự án đến thành công. 😀

    Like

  39. Chào thầy! Con năm nay 26 tuổi, con là con là con trai thứ 2 trong gia đình có 2 chị em, không phải giàu, cũng không phải nghèo, thuộc tầng lớp bình dân, sinh sống ở một vùng quê ở Việt Nam. Con từ khi sinh ra đến năm 24 tuổi là hầu như hoàn toàn là được gia đình chu cấp từ tiền ăn mặc cho đến tiền học! Chỉ sau khi ra trường ( con học ở 1 trường đại học ở việt nam cũng không giỏi lắm) con bắt đầu đi làm thì không phải nhận chu cấp từ gia đình nữa, con đi làm thì cũng khá chật vật, làm qua nhiều công việc, nhưng đa phần là công việc tay chân lao động phổ thông thôi ạ, khá là bấp bênh! Sưc khoẻ con thì không được khoẻ, con cũng không biết một cái gì cả! Con lại mắc tật nghiện thủ dâm xem phim sex nhiều, nghiện internet, ít thể thao nên sức khoẻ con kém lắm ạ, nhiều khi muốn thoát ra nhưng không thoát nổi, cảm thấy không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao, nghĩ đến trách nhiệm với bố mẹ già sau này, cuộc sống khi về già của mình mà con thấy hoang mang, sợ hãi. Con sống thu mình, ít mối quan hệ bè, lắm lúc thấy tự ti về mình, cũng không dám nghĩ đến việc lập gia đình vì sợ không lo nổi!
    Con có mong muốn có được cuộc sống giàu có và thành công, hạnh phúc ! Xin thầy cho con 1 lời khuyên được không ạ!

    Like

  40. Hi Phương,

    Em xong đại học, nhưng giờ làm việc lao động. Thể trạng yếu. Nghiện phim sex và Internet. Và muốn thành công.

    Muốn thành công thì cần có hai việc (1) kiên trì và (2) làm việc trí óc.

    Kiên trì thì dễ hiểu rồi. Siêng năng, cần cù, làm việc gì đó cho tốt. Làm việc trí óc tức là nếu em làm việc lao động em chẳng thể thành công lớn, vì tay chân người có giới hạn – chỉ có thể khuân vác được bao nhiều đó ký, chẳng thể làm gì nặng hơn, và cả đời mình sẽ kẹt ở giới hạn dó. Việc làm đầu óc thì trời cao là giới hạn, cái đầu của chúng ta đi được rất xa.

    Nhưng đầu tiên là em cần phải có một chương trình để huấn luyện cho thể trạng mạnh mẽ và đầu óc có kỷ luật cao. Thể trạng mạnh mẽ cũng giúp được đầu óc mình mạnh mẽ, kỷ luật, sáng suốt.

    Có lẽ cách tốt nhất là em nên đi học võ. Võ thường cho ta hai thứ: thể trạng mạnh, và kỷ luật/kiên trì. Cứ ngày nào vào lớp cũng phải làm một vài động tác cả trăm lần, mình sẽ mạnh, nhưng sẽ chán vì cứ làm mãi một thứ. Nhưng mình cứ cố gắng kiên nhẫn tập, không bỏ cuộc, lên tới đai đen thì đầu óc mình sẽ có kỷ luật rất cao.

    Đồng thời nên tìm việc cần dùng cái đầu và giao tiếp. Có lẽ việc dễ tìm nhất là bán hàng. Bán hàng đòi hỏi mình phải biết cách ứng xử và giao tiếp rất cao, và phải kiên trì nhiều, vì nhiều khách không mua hơn là khách mua. Nhưng bán hàng là cách số một để học giao tiếp và phục vụ người. Đồng thời những người giàu nhất thế giới luôn là người bán hàng.

    Em không cần phải nghỉ công việc đang làm. Xin bán hàng ngoài giờ làm việc thường ngày của em. Rất nhiều công ty cần người bán hàng, nên tìm việc bán hàng thường rất dễ. Lương căn bản bán hàng rất thấp, hoa hồng (phần trăm) mới là chính. Nhưng em đừng quan tâm đến lương, cứ giữ công việc lao động kia. Em bán hàng để biết cách phục vụ khách hàng, cách ăn nói lễ độ, thông minh và đáng tin với khách hàng, và cách làm cho khách hàng, dù có mua hàng của em hay không, đều bước ra khỏi tiệm với một tinh thần khoan khoái.

    Nếu em làm tốt hai điều này – học võ và bán hàng – em đã bắt đầu đứng trên đoạn đầu của con đường thành công.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment