Giản dị hóa tư duy của bạn

Chào các bạn,

Nếu các bạn đọc mình thường xuyên, các bạn đã biết cuộc đời chúng ta rối rắm hay bình lặng đều là do tư duy của ta rối rắm hay giản dị.

Cuộc đời thì luôn vậy – hỉ nộ, ái ố, ai lạc, dục; tham sân si; rối rắm. Nhưng đây là mấu chốt. Chúng ta nói: Cuộc đời thì vậy, c’est la vie, it’s life. Câu đó đúng mà không đúng, và thường là chúng ta suy nghĩ không đúng.

Chúng ta nghĩ rằng đời là đủ thứ rối rắm nên ta đương nhiên phải điên cuồng trong những rối rắm đó. Nhưng sự thật là: Đời có đủ thứ, nhưng ta có thể thong dong giữa mọi thứ đó, như người rành đi rừng có thể xuyên rừng dễ như đi dạo trong thành phố.

Mấu chốt nằm trong chữ “rối rắm”. Đời tự nó có đủ thứ lung tung, nhưng “rối rắm” thì không phải tự đời mà tự trong đầu ta. Đầu ta rối rắm không phải đời rối rắm.

Và đầu ta rối rắm vì ta không biết: (1) Mỗi thứ ở đời đều tạo ra ảo giác trong đầu ta – điều mà nhà Phật gọi là “vọng tưởng”, “mộng ảo”, “ảo ảnh” hay những từ tương đương, và (2) Ta có thể giản dị hóa tư duy để nhìn đời “như nó là” (as it is).

Nếu người ta nói xấu bạn chẳng hạn, thì bạn có cảm giác nóng giận, bực bội, và cảm giác đó rất thật, muốn đấm vào mặt hắn cho bỏ tức. Nhưng cảm giác đó thật mà không thật.

Những người đã luyện tâm thuần thục sẽ nói với bạn là cảm giác đó là ảo, bởi vì khi tâm bạn đã thuần thục thì người ta có chửi bạn và tổ tiên 15 đời của bạn, bạn vẫn nghe như nghe nhạc rock and roll. La la là lá la là…

Những vị này sẽ giải thích cho bạn biết, đời nó vậy, có mưa có nắng, có khen có chửi, nhưng mọi thứ tự chính nó chẳng ảnh hưởng gì đến tâm trí của bạn. Mưa nắng như nhau, chẳng làm bạn vui hay buồn, khen chửi như nhau, chẳng làm bạn vui hay buồn. Đó là nhìn đời “như nó là”. Nhìn mưa thấy mưa, nhìn nắng thấy nắng, nghe khen thấy khen, nghe chửi thấy chửi, nhưng nghe gì thấy gì thì cũng chỉ nghe hay thấy điều đó, chẳng thêm mắm muối, buồn giận yêu ghét. Buồn giận yêu ghét là do cái đầu của mình tô son điểm phấn vào điều mình nghe và thấy, và tạo ra ảo giác trong đầu mình.

Đó là giản dị hóa tư duy, nhìn đời như nó là, và chẳng có gì là rối rắm.

Rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, phải không các bạn?

Đương nhiên là tập thì khó. Cũng như hai câu thơ đầu trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” Chữ nào thì các em học lớp ba cũng đều biết. Nhưng người lớn có cháu 3 đời vẫn khó mà viết được. (Mình biết là khó vì đã một lần mình muốn dịch sang tiếng Anh bài này, chỉ vì mê hai câu đầu này, nhưng dịch không được. Không mang được hình ảnh, nhịp điệu, từ ngữ cô đọng, và tình cảm dữ dội sang tiếng Anh, trừ khi dịch kiểu phá thơ của tác giả. Chỉ hai câu đầu tiên chận mình không dịch bài thơ được). Giản dị, nhưng làm được là cả một công trình.

Mình muốn nói với các bạn, giản dị hóa tư duy để nhìn đời “như nó là” rất dễ hiểu và dễ làm, nhưng đòi hỏi luyện tập trường kỳ, như người học hát cứ 7 nốt nhạc mà ó o ó ò mãi (người nhà phải nghe là điên lên được!), hay người tập võ cứ vài kiểu đấm vài kiểu đá mà tập cả đời.

Các bạn không cần phải thành thầy trong vòng 3 tuần. Hãy cứ cố gắng giữ trái tim mình hằng ngày, giản dị và không rơi vào rối rắm, nhìn đời như nó là. Ba năm thì cũng phải đi được một khúc dài.

Các bạn, luyện tâm thực sự là dễ, nếu mình quan tâm đến canh giữ trái tim mỗi ngày, lâu ngày.

Chúc các bạn có trái tim của Phật.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s