Chào các bạn,
Chúng ta thường nói về aura, tức là “vùng hào quang’, cái dáng vẻ của bạn, tỏ lộ con người của bạn, cái tâm của bạn, ra ngoài.
Nhưng đương nhiên là còn một thứ khác có thể tỏ lộ con người thật của bạn ra ngoài. Đó là tiếng nói của bạn.
Ai trong chúng ta cũng có khả năng nghe giọng nói của một người và biết được phần nào bên trong người đó—tức giận, buồn, stress, kiêu căng, khiêm tốn, nói thật, nói dối… nhưng đương nhiên là đối với người giỏi đóng kịch và bạn có khả năng nghe không cao, thì người kia qua mặt bạn là chuyện thường.
Lúc mình còn lo tranh tụng cho chính phủ liên bang Mỹ, gặp lúc chính phủ cắt giảm ngân sách, luật sư không có tiền bay đi khắp nơi, các luật sư phải interview nhân chứng bằng điện thoại. Đương nhiên đây là việc khó làm so với interview tận mặt, vì người interviewer chẳng thấy được body language của người kia, khó biết người đó đang nói thật hay nói dối, tâm trạng ra sao…
Nhưng mình phát triển rất nhanh cách nghe điện thoại rất chăm chú—nghe chữ, nghe cách phát âm từng từ, nghe âm sắc, nghe cường độ, nghe vận tốc khi nào nhanh khi nào chậm, nghe các khoảng lặng… để đoán biết tâm trạng chuyển biến của nhân chứng, khi nào họ nói thật hay nói dối, thật dối đến đâu… Và sau mỗi interview, mình ghi lại cuộc điện đàm cộng với các định giá của mình về nhân chứng tại mỗi lúc.
Cho nên, người ta có thể biểu lộ tâm mình qua nói—lời nói, giọng nói, cách nói…
Trong truyện Thiền Giọng nói của hạnh phúc sau đây, một người mù thẩm định giọng nói của mọi người và của thiền sư Bankei.
Sau khi thiền sư Bankei qua đời, một người mù sống gần chùa của thiền sư nói với một người bạn: “Bởi vì tôi mù, tôi không thể quan sát sắc mặt người ta, nên tôi phải xét tư cách của họ qua giọng nói. Thường thì khi tôi nghe một người chúc mừng người khác về chuyện vui hay thành công nào đó, tôi cũng nghe một âm bí mật của ganh tị. Khi chia buồn với người khác về mất mát của họ, tôi cũng nghe thích thú và thỏa mãn, cứ như là người chia buồn thật sự vui vì có cái gì đó để lại cho họ hưởng trong thế giới riêng của họ.
“Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì giọng nói của Bankei luôn luôn thành thật. Khi thiền sư bày tỏ hạnh phúc, tôi chẳng nghe gì khác ngoài hạnh phúc, và khi thiền sư bày tỏ buồn rầu, tôi chẳng nghe gì khác ngoài buồn rầu.”
Chúc các bạn luôn thành thật trong lời nói.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
cám ơn anh Hoành đã nhắc nhở,
Bên cạnh ngôn từ trong lời nói thì còn có yếu tố phi ngôn từ rất quan trọng. Bởi vậy có người nói lắp bắp mà thành thật, có người nói trôi chảy mà dối trá. Ngôn từ và phi ngôn từ phải luôn là 1.
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành.
Vậy nên, “giữ tâm ý trong sạch” là điều quan trọng nhất!
ThíchThích