Có một giấc mơ Voi

TP – Một sáng mùa xuân, chàng Gru Buôn Đôn có mặt ở Trung tâm bảo tồn Voi bên bờ Sêrêpôk để thuần dưỡng lũ voi con thông minh khỏe mạnh. Cạnh đó, đàn voi già được chăm sóc chu đáo trong bệnh viện.

Giữa đại ngàn Yok Đôn, các cô cậu voi trưởng thành thong thả dạo chơi, yêu đương, sinh nở… Đó là giấc mơ có khả năng trở thành hiện thực của dự án bảo tồn voi sắp trình lên chính phủ.


Đếm từng dấu chân voi...

Từ hơn bốn năm trước, tháng 5 – 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733, phê duyệt kế hoạch “Hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam”, giao nhiệm vụ cho ba tỉnh Nghệ An, Đồng Nai, Đăk Lăk triển khai xây dựng dự án bằng nguồn ngân sách.

Được gọi là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, nhưng dù rất cố gắng tìm kiếm, cho tới cuối năm 2008, dự án bảo tồn voi (BTV) do Vườn Quốc gia Phù Mát xây dựng cũng chỉ đếm được 15 con voi hoang qua ảnh chụp trong vùng rừng phía Tây Nghệ An.
Sau đó, phát hiện thêm hình như có 2 voi rừng con mới chào đời. Đầu năm 2009, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã thông qua và đồng ý với 5 phương án hành động BTV của dự án. Riêng tỉnh Đăk Lăk đã 2 lần triển khai lập dự án BTV.

Lần thứ nhất, đề án bảo tồn và phát triển đàn voi nhà do GS.TS Lê Huy Bá cùng nhóm cộng sự thuộc Trung tâm Sinh thái- Môi trường và Tài nguyên được Sở Thương mại – Du lịch tỉnh đặt hàng nghiên cứu trong thời hạn 1 năm, đã được lãnh đạo tỉnh nghiệm thu tháng 10-2007.
Đề án này còn nằm trên giấy thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh lại được cấp trên giao nhiệm vụ lập dự án bảo tồn cả voi nhà lẫn voi rừng. Trên cơ sở đề án có sẵn, dự án lần hai được nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bảo Huy trường Đại học Tây Nguyên đào sâu, mở rộng, mở hội thảo tham vấn cộng đồng vào giữa tháng 12-2009.

Bằng phương pháp điều tra theo tuyến, điểm habitat (nơi có sinh cảnh đặc biệt voi thường lui tới), đo đếm phân tích vết chân và phân voi để xác định số voi theo tuổi và giới dựa vào kinh nghiệm của đồng bào bản địa, lập sơ yếu lý lịch từng con… Nhóm nghiên cứu đã xác định trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk còn khoảng 83 đến 110 con voi hoang dã, và 61 voi nhà.

Ở tỉnh Đồng Nai, nhiệm vụ “hành động khẩn trương” còn trầy trật hơn. Suốt mùa khô 2009, trong lúc các sở ngành còn tranh cãi gay gắt xem khoản kinh phí 108 triệu đồng dành cho quy trình khảo sát thực hiện dự án BTV có thể lấy từ đâu, đã có tới 6 con voi rừng bị chết không rõ nguyên nhân và thủ phạm.
Kéo qua đầu năm 2010, cán bộ Chi cục vẫn còn miệt mài viết dự thảo, dự kiến sang tháng hai quá trình gọt giũa, bảo vệ dự án mới hoàn tất để trình lãnh đạo tỉnh.
Ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó chuyên trách mảng Bảo tồn của CCKL tỉnh Đồng Nai cho biết, tại thời điểm này, trong hơn 100 nghìn ha rừng ở Đồng Nai lẩn khuất chừng 11 đến 14 con voi. Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thịnh than xót: Tiếc quá, nếu chương trình BTV được triển khai sớm hơn, số voi hoang dã của Đồng Nai không tới nỗi giảm mạnh thế này.

Trông voi người, xót voi ta

Trong 8 nước có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng từ lâu đời ở khu vực châu Á là Ấn Độ, Sri Lanca, Bangladesh, Thái Lan, Myanma, Nepan, Việt Nam, hai quốc gia có công nghệ tiên tiến về chăm sóc nuôi dưỡng voi là Thái Lan và Sri Lanca.

Từ năm 1969, Thái Lan đã thành lập Trung tâm thuần dưỡng voi châu Á đầu tiên trên thế giới. Gần 10 năm qua, Viện Voi Quốc gia đặt ở tỉnh Lampang dưới sự bảo trợ thuận lợi của Hoàng gia Thái Lan, hoạt động mạnh với các dự án :
Bệnh viện voi, Đội cứu hộ voi, Đội khám chữa bệnh lưu động cho voi trên khắp đất nước, Đào tạo quản tượng, Dạy voi vẽ tranh và làm xiếc, Sản xuất biogar và giấy từ phân voi v.v…

Đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu của Viện liên kết với khoa thú y trường đại học Chiang Mai và Kasetsart đã nghiên cứu thành công quy trình thụ tinh nhân tạo cho voi, mở ra hướng phát triển mới cho voi châu Á. Trên diện tích 122 ha của Viện Voi, hiện nay 83 con voi ngày ngày được nuôi dưỡng dạy dỗ cẩn thận để bảo tồn giống nòi và… trở thành nghệ sĩ!

Trại voi Pinnawela của quốc đảo Sri Lanca được xây dựng năm 1975, với nhiệm vụ ban đầu là chăm sóc 5 bé voi con hoang dã lạc bầy. Nay trại đã phát triển thành một Trung tâm sinh sản bảo tồn voi, với 86 con voi đa số trẻ khỏe, thu hút đông đảo du khách trong ngoài nước đến ngắm voi, xem voi con được cho bú dặm bằng sữa bình tới 5 lần mỗi ngày, hoặc cưỡi voi đi dạo thong dong dưới bóng mát vườn dừa.
Voi ốm được chăm sóc kỹ lưỡng bằng các phương tiện y tế chuyên dùng cho voi như máy chụp X-quang, siêu âm chẩn đoán, theo dõi thân nhiệt, chích vac xin, tẩy giun, cho uống kháng sinh, bôi thuốc sát trùng, nhỏ mắt…

Tại Malaysia, từ năm 1974 tới nay Ban Quản lý voi thuộc Sở Động vật hoang dã đã chuyên tổ chức các cuộc di chuyển voi từ nơi dễ xung đột với người đến các vùng rừng quốc gia rộng lớn phía đông. Nhờ vậy, khoảng 500 con voi được di cư thành công. Tại Ấn Độ, chính phủ cho thực hiện Dự án voi từ năm 1992 với 25 trung tâm BTV Ấn được thành lập.

Vương quốc Nepal ngoài việc xây dựng nhiều khu bảo vệ và nuôi voi, còn đầu tư huấn luyện voi nhà vào mục đích giám sát bảo tồn voi hoang dã. Các Trung tâm BTV của Indonesia vài năm gần đây đã bắt đầu lúng túng với việc trở nên quá chật chội, không còn đủ chỗ chứa voi…

Tiến sĩ Cao Thị Lý, giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, trong dịp tập huấn 1 tuần về Sức khỏe và sinh sản voi châu Á tổ chức tại Sri Lanca đã thu thập được nhiều thông tin, kiến thức và các mối quan hệ quý giá cho dự án BTV Đăk Lăk.
Chị cho biết, bên cạnh cơ chế chính sách điều hành thông thoáng hiệu quả, Thái Lan và Sri Lanca còn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ thú y chuyên về cứu hộ động vật hoang dã, làm việc với tinh thần đầy tâm huyết và trách nhiệm.
Bộ môn thú y ở ta trước chỉ giảng dạy về gia súc gia cầm, gần đây mới bổ sung 30 tiết kiểu cưỡi ngựa xem… voi về mảng kiến thức này cho sinh viên .
Nhớ chuyện bé voi Khăm Bun với cái chân thương tật suýt bị cưa, tới bây giờ vẫn tù đày trong xích xiềng trường kỳ giữa thủ đô mà tội nghiệp. Nhưng dẫu sao Khăm Bun còn may mắn chán so với nhiều đồng loại khác đã được, hay bị thuần dưỡng ở xứ mình, đang ngày càng mòn mỏi suy kiệt do thiếu dinh dưỡng, bị khai thác quá mức cho trình diễn, du lịch và lễ hội; bị cưa ngà và nhổ lông đuôi đầy đau đớn, thậm chí xúc phạm tận thâm sâu bản chất kiêu hãnh của những Ông Tượng chúa tể rừng già.

Bởi Khăm Bun nổi tiếng hơn cả với lý lịch trích ngang đặc biệt, là một trong vài chú voi con xinh xắn đáng yêu cuối cùng bị săn trái phép giữa Vườn Quốc gia, đánh động dư luận tới mức văn phòng Thủ tướng phải ký lệnh giao về cho Liên đoàn Xiếc trông nom…
100 tỉ đồng cho tương lai voi Việt
Dự án BTV Nghệ An dự trù kinh phí hơn 11 tỉ đồng trong 5 năm 2009 – 2013 cho các giải pháp bảo tồn giám sát, truyên truyền quảng bá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phục hồi sinh cảnh voi rừng, chống xung đột giữa người và voi.

Dự án BTV Đồng Nai dự kiến cần có 30 tỉ đồng trong 10 năm triển khai, ngoài những chương trình hành động tương tự Nghệ An còn chú trọng xây dựng các đội phản ứng nhanh, lập hàng rào điện tử ở vùng dân cư hay bị voi phá.
Riêng phương án mua khoảng bốn voi nhà từ Buôn Đôn về đồng bằng để xua đuổi voi rừng còn đang tiếp tục cân nhắc, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến chắt lọc từ cuộc hội thảo BTV do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức ngày 26 – 11 – 2009 tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Giấc mơ voi hoàn hảo hơn trong dự án BTV Đăk Lăk, với khoản kinh phí dự trù hơn 58 tỉ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2010 – 2014 nếu được lãnh đạo tỉnh và Chính phủ thông qua, bắt đầu từ việc xây 2 trạm BTV ở nơi voi thường xung đột với người ở 2 huyện Ea Súp và Lăk; đồng thời nhanh chóng gửi cán bộ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanca .

Một Trung tâm BTV Đăk Lăk được phác thảo trên diện tích 200 ha thuộc phân khu hành chính dịch vụ của Vườn Quốc gia Yok Đôn, giáp sông Sêrêpôk.
Trong đó, 100 ha rừng khộp được dành cho việc chăn thả và tạo môi trường tự nhiên kín đáo để voi tự do giao phối, phần diện tích còn lại sẽ xây dựng một bệnh viện voi, nhà cung cấp thức ăn và chăm sóc voi, ươm trồng bảo vệ khoảng bảy chục loại cây voi thích ăn để thực đơn voi thêm phần phong phú và tạo cảnh quan.

Tỉ lệ sinh sản quá thấp trong số voi nhà hiện có trong suốt ba thập kỷ trở lại đây, bình quân chỉ 0,6%/năm, ngoài lý do voi bị tận dụng phục vụ du lịch quanh năm, còn có phần do cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ voi chưa hợp lý.
Tập quán của đồng bào M’Nông: Voi con sinh ra thuộc về chủ voi cái, thế nhưng nếu voi cái bị thương trong quá trình giao phối thì chủ voi đực phải chịu phạt, cúng đền cả con trâu. Muốn khỏi rước vạ vào thân, chủ voi đực chỉ việc… cấm chúng nó gần nhau, thế là xong! Nghề săn voi bị cấm, voi nhà không đẻ, lại còn chết dần và bị bán ra ngoài tỉnh.

Ông Voong Nhi, Phó Bí thư huyện Ea Súp, đồng thời cũng là một trong những chủ voi sắp hết voi, từng đề đạt lên nhiều cấp nguyện vọng tha thiết của giới Gru (thợ săn voi giỏi):

Xin Chính phủ mở cơ chế cho đồng bào mỗi năm được mở vài cuộc săn voi với chỉ tiêu nhất định, để nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng không bị thất truyền, và để bản sắc văn hóa vùng miền, để biểu tượng voi Đăk Lăk còn sống mãi…
Ngay trong cuộc Hội thảo tham vấn cộng đồng do Chi cục kiểm lâm tỉnh tổ chức nhằm góp ý cho dự án BTV, Gru Ama Bích cũng đọc một “lá sớ” nắn nót viết sẵn : Nhân dân Bản Đôn chúng tôi đề nghị Nhà nước mỗi năm cho phép bắt 3 con voi rừng, giao cho nhà nước 1 con dân lấy 2 con để làm nhiệm vụ bảo tồn đàn voi nhà cho tỉnh…

PGS-TS Bảo Huy phân tích: Số voi rừng con hiện quá ít, chỉ khoảng 7-10 con trong tự nhiên, chưa phải là lúc có thể cho phép săn bắt. Tỉnh nên xem xét chuyển trả lại một số diện tích rừng đang kinh doanh khai thác thành rừng bảo tồn, tạo điều kiện cho đàn voi rừng phát triển ổn định.
Khi Trung tâm BTV ra đời, các chủ voi và nài voi cần được hưởng chính sách chi trả hợp lý để có thu nhập xứng đáng từ việc đưa voi về theo định kỳ để chăm sóc và thúc đẩy quá trình sinh sản tự nhiên.

Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong về giấc mơ voi Việt Nam liệu tới bao giờ mới trở thành hiện thực? ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm trầm ngâm:
Thẩm quyền duyệt dự án thuộc về UBND các tỉnh, sau đó mới đến phần trung ương quyết mức hỗ trợ thông qua ngân sách của từng địa phương. Tiến độ triển khai các dự án BTV hiện đã quá chậm, Cục rất nóng ruột đôn đốc nhưng tinh thần hành động khẩn trương theo lệnh Thủ tướng hơn 4 năm rồi vẫn chưa thấy!

Phải! Cứ lần chần mãi thế này, liệu tới lúc trăm tỉ rót về, chắc gì còn nổi trăm voi để nuôi lớn giấc mơ…
Từ năm 2004, nhóm chuyên gia voi châu Á thuộc tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN/SSC đã công bố bảng thống kê số voi rừng và voi nhà ở 13 nước trong khu vực.
Theo đó, voi hoang dã dao động từ 38 nghìn đến 52 nghìn con, tập trung nhiều nhất ở Ấn Độ, ít nhất ở Việt Nam. Voi nhà ước có khoảng từ 14,5 nghìn đến 15,3 nghìn con. Nhiều nhất ở Myanma , Việt Nam kế chót với 165 cá thể, chỉ hơn Bangladesh còn tròn 100.

Dẫu số liệu thống kê voi mang tính tương đối, nhưng rõ ràng sự cảnh báo tồn vong đã gióng lên dưới tán rừng nhiệt đới của nước ta.

Hoàng Thiên Nga

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s