Bắt ông Phật đá

Một thương gia mang 50 cuộn bông gòn trên vai, ngừng để tránh nắng dưới mái một căn chòi trong đó đứng một tượng Phật lớn bằng đá. Rồi anh ta ngủ thiếp đi, và khi anh tỉnh dậy hàng hóa của anh đã biến mất. Anh lập tức trình báo với cảnh sát.

Một quan tòa tên O-oka mở cuộc điều tra. “Chắc ông Phật đá này ăn trộm,” quan tòa kết luận. “Ông ta lẽ ra là phải lo lắng cho mọi người, nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ. Bắt hắn.”

Cảnh sát bắt tượng Phật đá và khiêng tượng về tòa. Một đám đông ồn ào chạy theo tượng, tò mò muốn biết quan tòa sẽ ra hình phạt thế nào.

Khi O-oka ra ngồi ghế xử, ông mắng đám đông ồn áo. “Quí vị có quyền gì mà ra trước tòa cười giỡn thế này? Quí vị khinh thường tòa án và đáng bị phạt vạ và phạt tù.”

Mọi người lật đật xin lỗi. “Tôi sẽ phải phạt tiền quí vị,” quan tòa nói, “nhưng tôi sẽ bỏ qua nếu mỗi người mang đến cho tòa một cuộn bông gòn trong vòng ba ngày. Người nào không làm sẽ bị bắt.”

Một trong những cuộn bông mọi người nộp được người thương gia nhận ra ngay là cuộn bông của anh ta, nhờ đó tìm ra người ăn trộm ngay. Người thương gia tìm lại được hàng hóa, và tòa trả các cuộn bông lại cho mọi người.
.

Bình:

• Tượng Phật đá chỉ là cục đá vô tri, chẳng có quyền năng gì hơn một cục đá. Quan tòa xử tượng đá như thần thánh, chỉ là một phương cách để giúp người.

Tượng Phật trong chùa hay trong nhà ta cũng chỉ là tượng vô tri. Chúng ta cung kính với tượng, thực ra là để chúng ta tự giúp chúng ta. Tượng chẳng làm gì cả.

• Người tốt thì dùng tượng để giúp người. Người xấu cũng có thể giả vào “quyền năng” của tượng để lừa lọc người.

• Chính vì con người thường quên mất Chúa Phật trong tâm mình, mà hay tôn thờ các tượng gỗ tượng đá, nên 1500 trước công nguyên, trong Mười Điều Răn của Cựu Ước, điều răn thứ 2 có câu: “Các ngươi không được làm cho mình một hình tượng nào, dù theo hình dáng của bất kỳ điều gì trên trời hay dưới đất hay dưới đại dương.” Exodus 20:4.

(Ngày nay các chi phái Tin Lành – Protestantism – vẫn còn tuân theo điều răn này, nhưng các chi phái khác của Thiên Chúa Giáo thì đã dẹp bỏ nó cả hơn nghìn năm).

• Một câu chuyện thiền rất phổ biến là truyện Đan Hà thiền sư (739-824) chẻ tượng Phật gỗ:

Một lần khác khi Đan Hà thiền sư ghé lại một thiền viện, vì trời lạnh nên ông lấy pho tượng Phật trên chánh điện xuống đốt để sưởi ấm. Sư trụ trì trách ông bất kính với một pho tượng thiêng liêng, thì ông trả lời rằng ông đốt để lấy xá lợi, vị sư tưởng ông ngờ nghệch, bèn cười mà hỏi vặn lại ông làm sao tìm được xá lợi trong pho tượng gỗ, Đan hà bèn cười to mà rằng: “Thế sao sư lại trách ta đốt gỗ?”

(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.

Arresting the Stone Buddha

A merchant bearing fifty rolls of cotton goods on his shoulders stopped to rest from the heat of the day beneath a shelter where a large stone Buddha was standing. There he fell asleep, and when he awoke his goods had disappeared. He immediately reported the matter to the police.

A judge named O-oka opened court to investigate. “That stone Buddha must have stolen the goods,” concluded the judge. “He is supposed to care for the welfare of the people, but he has failed to perform his holy duty. Arrest him.”

The police arrested the stone Buddha and carried it into the court. A noisy crowd followed the statue, curious to learn what kind of sentence the judge was about to impose.

When O-oka appeared on the bench he rebuked the boisterous audience. “What right have you people to appear before the court laughing and joking in this manner? You are in contempt of court and subject to a fine and imprisonment.”

The people hastened to apologize. “I shall have to impose a fine on you,” said the judge, “but I will remit it provided each one of you brings one roll of cotton goods to the court within three days. Anyone failing to do this will be arrested.”

One of the rolls of cloth which the people brought was quickly recognized by the merchant as his own, and thus the thief was easily discovered. The merchant recovered his goods, and the cotton rolls were returned to the people.

# 58

4 thoughts on “Bắt ông Phật đá”

  1. Câu chuyện rất thú vị, cảm ơn anh Hoành. Em muốn ghi chú là anh trích dẫn thiếu đoạn: “You shall not make for yourself an idol, or any likeness of what is in heaven above or on the earth beneath or in the water under the earth. You shall not worship them or serve them; for I, the LORD your God, am a jealous God” (Exodus 20:4-5). Mục đích không phải thức tỉnh con chiên mà là vì muốn độc thần nên cấm con chiên thờ phụng ai khác, kể cả tổ tiên. Em nghe rất nhiều chuyện đau lòng về những người mới cải đạo sang các dòng Thiên Chúa ở Việt Nam hay đập bàn thờ tổ tiên thay bằng Chúa, vì Chúa là “jealous God”.

    Like

  2. Hi Việt,

    Đúng vậy. Nhưng đó là hiểu sai tinh thần Thánh Kinh.

    Bởi vì vậy cho nên những người không nắm vững yếu tính của một tư tưởng tôn giáo hay xúc phạm ngay tinh thần của tôn giáo của mình. Tôn giáo nào thì cũng có nhiều người ngớ ngẩn.

    Vào thời Cựu Ước, người ta thờ lăng nhăng đủ mọi thứ thần, (như thờ bò, thờ dê, thờ cục đá, v.v…) theo kiểu phiếm thần.

    Khi tâm thức con người phát triển đến tầng cao hơn, thì con người ý thức được độc thần. Đó là sự ra đời của Cựu Ước hay kinh Koran với God, và Allah. Cùng lúc đó thì ở Đông Phương cũng sinh ra ý niệm nhất nguyên với Thái Cực (của triêt lý âm dương), Đạo (của Lão tử), hay Không (của Phật gia). Tên thì khác nhau, nhưng ý niệm thì giống nhau: cái Nhất Nguyên, cái MỘT, từ đó mà sinh ra mọi thứ khác.

    Và ý niệm không được dùng bất cứ hình ảnh gì để tôn thờ, kể cả mọi hình ảnh ta gọi là God hay Allah, thì cũng như là Không của nhà Phật—cái nhất nguyên đó không thể tả được, cho nên đừng vẽ hình vẽ kiểu vô ích.

    Và từ “jealous God” hiểu đúng nghĩa trong hoàn cảnh đó là đừng thờ bậy bạ, giống như Phật gia nói, nếu không biết chư pháp là Không mà cứ thờ bậy bạ thì luôn luôn ở trong vòng tội lỗi luân hồi, không thoát ra được.

    Dĩ nhiên, đa số người theo đạo nào đó thường chẳng hiểu được triết lý sâu xa, đôi khi kể cả hàng giáo chủ, cho nên mới có những luật lệ rất là stupid. Và hiện tượng những người đi theo Thiên chúa giáo là về phá ngay bàn thờ tổ tiên là có thật. Và đó là chuyện mà anh nghĩ là God cũng không chấp nhận vì nó gây chia rẽ.

    Thực ra trên phượng diện thần học, không ai “thờ” tổ tiên đúng nghĩa. “Thờ” đây có nghĩa là tưởng niệm thì đúng hơn. Còn “thờ” God là một ý niệm hoàn toàn khác. Cho nên đòi phá bỏ bàn thờ tổ tiên là sai về phương diện thần học, và xúc phạm văn hóa dân tộc về phương diện tâm lý và xã hội học.

    (Ngày xưa công giáo cũng chia rẽ thế, từ thời Công Đồng Vatican II (1963 ?) công giáo đã chấp nhận bàn thờ tổ tiên và các hình thức lễ bái dân tộc. Một vị linh mục công giáo rất thân với anh, đã vào chùa quy y với pháp danh tử tế, nhưng vẫn là linh mục. Trong phòng có tượng Phật Adiđà chình ình. Vài con chiên cực đoan nói, “Cha mà không dẹp tượng Phật đó đi là con không vào thăm cha nữa.” Linh muc trả lời, “Không thăm thì thôi chứ ông Phật chẳng đi đâu cả.” Khi vị linh mục đó phải di chuyển xa không đưa tượng Phật đi đâu được, tượng về nhà anh).

    Rất tiếc là đa số các nhà truyền giáo tin lành ngày nay vẫn luôn luôn đòi dẹp tổ tiên. Đã một lần một người bạn của anh ở Hà Nội phàn nàn là người bạn Mỹ chị ấy rất quý, bảo chị dẹp bàn thờ tổ tiên… Chị ta hoảng hồn, gọi anh ở Washington hỏi tại sao. Anh nói tại vì ông ta là tin lành, quá hăng hái với đạo của ông ta đến nỗi xúc phạm người khác.

    Nhưng đây là vấn đề lớn của thế giới, vì nhiều nhánh Thiên Chúa Giáo đi đến đâu là gây đổ vỡ văn hóa đến đó–và từ đó gây ra căng thẳng và đôi khi là chiến tranh với dân bản xứ, với sự ủng hộ của các nhà thờ bảo trợ của họ, với các liên hệ chính trị vào các chính phủ. Rất phiền toái.

    Mỗi lần nói chuyện với các bạn là các nhà truyền giảng tin lành anh hay nói cho họ nghe vấn đề này. Và anh cũng rất bực mình về các chuyện này. Nhưng rất ít người hiểu. (Cũng có rất nhiều người tin lành hiểu kinh thánh rất chính xác, và chẳng hề xúc phạm ai bao giờ. Nhưng họ vẫn là thiểu số trong giới tin lành).

    Thế giới luôn luôn có nhiều người dốt hơn người hiểu biết. 😦

    Like

  3. Cảm ơn anh Hoành đã giảng giải cho em tận tình. Giờ em đã hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của điều răn đó và mối liên giữa sự phát triển và nhất nguyên trong các tư tưởng và tôn giáo lớn 🙂

    Like

  4. Em thấy nếu bám trên câu chữ thì mọi “sách” của mọi tôn giáo đều có nhiều điều “khó hiểu” và “khó chấp nhận” như thế. Đó cũng là lý do em không học “đạo pháp” được, vì gặp vài câu như thế mà không “giải” được thì em sẽ không đọc nữa.

    Nhưng điều sâu xa nhất của mỗi tôn giáo em tin là vẫn cùng một mục đích: đưa con người và cộng đồng người đến hạnh phúc, bằng cách này hay cách khác. Thiên chúa giáo thì bằng tình yêu (lòng yêu thương hay nhân ái), Hồi giáo thì bằng kỷ luật với bản thân, Phật giáo thì bằng “giải thoát” nội tâm. Mọi kinh sách, nhà thờ, chùa chiền… cũng chỉ là những công cụ để từng bước truyền tải các tư tưởng và dẫn dắt con người hướng đến mục đích cuối cùng mà thôi.

    Like

Leave a comment