Chào các bạn,
Chúng ta đang làm gì ở thế giới ta bà này? Không phải chỉ là “Tôi làm gì?” mà là “Chúng ta đang làm gì?”
Các bài học tâm linh của các thầy lớn luôn tập trung vào mỗi cá nhân – các thầy ít nói chuyện xã hội, vì các thầy biết giải pháp cho cả xã hội loài người phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Đương nhiên giáo dục thì phải thế – tập trung vào giải pháp căn bản và nền tảng nhất.
Nhưng,
Vấn đề các thầy quan tâm thực sự không phải là chuyện cá nhân mà là chuyện tất cả mọi người. Thế cho nên Bồ tát mới có thề nguyện: Độ chính mình để độ MỌI chúng sinh. Chúa Giêsu đến thế gian là để cứu rỗi CẢ loài người, chẳng chỉ là ông A, bà B.
Cho nên chúng ta cần phải thỉnh thoảng nhìn lại chúng ta, không chỉ như là cá nhân chính mình, mà là một tập thể “loài người.”
Đây là vấn đề: Các thầy lo lắng cho cả loài người, nhưng “loài người” thì đương nhiên là chẳng hề bao giờ nghĩ đến cả “loài người” – chỉ tìm vài người quan tâm đến chính linh hồn của họ là đã khó quá rồi, tìm vài người quan tâm đến cả loài người thì khó như mò kim đáy biển, tìm cả loài người quan tâm đến cả loài người thì đó là chuyện không tưởng, điên rồ.
Nhưng đó là sự thật. Trên nguyên tắc, cả loài người cần phải quan tâm đến vận mạng của cả loài người.
Nếu thiên hạ không có ai suy nghĩ kiểu đó, thì có lẽ các bạn cần suy nghĩ kiểu đó để chúng ta bắt đầu cùng nhau nói cho mọi người hiểu là “loài người” cần phải quan tâm đến “loài người” (vì các loài kia – chó, mèo, khỉ, gấu… – đều cóc quan tâm đến loài người: “Người? Chúng nó ngu lắm, chẳng ai dạy bảo gì được.” 🙂 )
Không thể sống ù ù cạc các, lớ ngớ lẩn ngẩn, si mê lạc lối mãi được.
Con người cần phải có ý thức về đời sống và vận mạng của con người. Đó không phải là việc riêng của các vị thầy hiếm hoi, vài ngàn năm mới có một người đến.
Chúc các bạn luôn sâu sắc.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com