Tranh luận là gì?

tranh luận Chào các bạn,

Trong thời đại @ có lẽ sinh hoạt tri thức nổi bật nhất là tranh luận trên Internet. Ngày trước, muốn tranh luận thì ta phải gặp nhau trong quán cà phê, và tranh luận cũng có giới hạn, vì còn phải vui vẻ uống cà phê với nhau. Ngày nay ta có thể tranh luận bất kỳ giờ nào trên mạng, và nhiều khi cũng bạo miệng (à không, bạo ngón tay) hơn, vì không có nhu cầu phải tĩnh lặng uống cà phê với người đang tranh luận. Điều này có nhiều hậu quả sâu xa. Các trao đổi thường xuyên trên Internet giúp cho kiến thức của ta gia tăng với vận tốc kỷ lục, và kiến thức mới mở thêm những chân trời mới cho mỗi người chúng ta cũng như cho đất nước. Trong bài này chúng ta sẽ lược qua vài điểm chính trong nghệ thuật tranh luận.

• Tranh luận là gì? Không nhất thiết cứ cãi nhau là có tranh luận. Tranh luận (argument) là (1) một chuỗi những câu nói (statements) liên hệ chặt chẽ nhau, (2) câu sau liên hệ lý luận chặt chẽ với câu trước, và (3) cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng.

Cứ tung những câu nói bừa bãi qua lại, mà không cần đúng sai, đó không phải là tranh luận, mà là cãi nhau như con nít. Ví dụ: Reagan là tổng thống tồi. Không, ông ta là tổng thống hay nhất trong lịch sử Mỹ. Thôi đi, ông ấy chỉ là tài tử đóng phim hạng ba…

Điều quan trọng nhất cho người tranh luận là kết luận cuối cùng—tức là, quan điểm. Người đó phải có một quan điểm rõ ràng và tranh luận để bảo vệ quan điểm đó. Ví dụ: Cần phải tăng thuế VAT. Hay, cần đặt việc nâng cấp giáo chức như là ưu tiên một trong chính sách giáo dục. Người tranh luận đứng đắn luôn luôn có quan điểm và thường báo cho độc giả (hay khán giả) biết rõ lập trường của mình ngay từ lúc mình mới bắt đầu tranh luận. Ví dụ: “Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT vì những lý do sau đây.” Đây là “kết luận” hay “quan điểm”được đưa ra ngay từ đầu cuộc tranh luận, và các lý lẽ trình bày là những lý luận nhằm ủng hộ kết luận (quan điểm) đó.

Tại sao ta lại nói kết luận ngay từ đầu, mà lại không đợi đến kết cuộc mới kết luận. Thưa, vì lý do ta đã nói trong vài bài trước đây: Một tư tưởng hay một câu nói tự nó không có nghĩa lý gì cả; nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được dùng để phục vụ một mục đích, một kết luận, nào đó. Ví dụ: “Thống kê cho thấy các công ty của ta có mức lợi tức cao hơn các công ty tại các quốc gia lân cận.” Câu này tự nó chẳng có nghĩa lý gì hết (cho nên người nghe hay hỏi “Rồi sao?” hay “So what?”). Tuy nhiên, nếu người nghe đã biết trước là “anh này chủ trương tăng thuế lợi tức công ty,” thì người nghe hiểu ngay được sự quan trọng của câu nói này. Vì vậy, nếu ta không muốn bị “mất” khán/độc giả, và không muốn để họ “bị lạc” một giây đồng hồ nào, ta phải nêu rõ kết luận (quan điểm) ngay từ đầu, để họ hiểu rõ được từng lời mình nói. Đó gọi là “tập trung tư tưởng khán/độc giả.”

• Những người có tiếng nói trong một cuộc tranh luận nhưng không có lập trường rõ ràng, thường thuộc 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm khán giả. Đôi khi một vài người nghe cần mình giải thích thêm một tí, họ có thể hỏi mình giải thích rõ thêm. Nhóm thứ hai là nhóm phá đám. Họ chỉ muốn tấn công người nói bằng đủ loại câu hỏi, chỉ để làm cho người nói mệt mỏi và người nghe lạc đường, hoặc chỉ để lòe người khác là họ “thông thái”, chứ không có lập trường nào khác. Nếu bạn gặp một người cứ ném vào bạn thường xuyên các câu tấn công như “Anh định nghĩa chữ này dùm”, “anh làm ơn cho thống kê chứng minh câu anh vừa nói”, “tại sao?” … đó là dấu hiệu anh ta là người phá đám. Dĩ nhiên, đây có thể là các câu hỏi rất hay, nếu chúng không bị lạm dụng. Nhưng chúng rất dễ bị lạm dụng để phá đám.

tranh luận Khi có cảm tưởng bị phá đám, ta có 3 cách để đối phó. Cách thứ nhất, ta chỉ cần hỏi lại: “Tôi thấy anh hỏi đã nhiều rồi. Trước khi tôi trả lời tiếp, anh làm ơn cho biết lập trường của anh là gì để chúng ta có thể bàn luận dễ dàng hơn? Anh ủng hộ tăng thuế hay giảm thuế?” Nếu người kia trả lời rõ lập trường, ví dụ “tôi chủ trương giảm thuế,” ta có thể tiếp theo ngay, “Vậy anh làm ơn cho biết những lý lẽ anh có để ủng hộ lập trường của anh.” Như vậy anh ta sẽ bận rộn bảo vệ lập trường của anh ta và không còn thời giờ để phá đám.

Thứ hai, đôi khi có người có lập trường và thích tranh luận, nhưng lập trường của họ hoàn toàn khác với lập trường của mình, và họ chỉ tranh luận để mình không yên ổn làm việc được. Ví dụ, một nhóm bạn thơ chỉ muốn uống cà phê thưởng thức thơ văn êm đềm, nhưng có một bạn nhất định phải đưa các vấn đề chính trị vào thơ và biến thơ thành tranh cãi chính trị. Ta nên nhắc nhẹ bạn ấy vài câu, nêu bạn ấy còn tiếp tục thì mời bạn ấy ra khỏi nhóm.

Thứ ba, đối với người chuyên môn phá mà không bao giờ muốn tranh luận với một lập trường rõ rệt, (thông thường là vì muốn chứng tỏ cái “thông thái” của mình), ta cứ lờ họ đi. Và nếu họ cứ nhất định lải nhải, ta đành mời họ ra ngoài.

• Một trong những quy luật căn bản nhất để tranh luận có hiệu quả tốt, là tranh luận phải nằm trong khung cảnh tương kính lẫn nhau. Cũng như lớp học phải có trật tự và yên lặng, nếu khung cảnh tương kính không có trong tranh luận, tranh luận sẽ trở thành những lạm dụng rẽ tiền, chẳng lợi gì cho ai cả, nếu không nói là có hại.

• Về phương diện kỹ thuật, dĩ nhiên là mỗi câu chúng ta nói ra phải hợp luận lý và tuân thủ các công thức lý luận cổ điển. Ta sẽ đi vào các công thức luận lý trong một dịp khác. Hôm nay ta chỉ nói đến công thức thông dụng nhất mà ai trong chúng ta cũng sữ dụng hằng ngày. Đó là tam đoạn luận, gồm 3 mệnh đề, như thí dụ sau. (1) Mọi người đều chết; (2) ông X là người; (3) vì vậy ông X sẽ chết. Đây là một tam đoạn luận suy diễn, tức là suy từ chuyện chung (“mọi người”) đến chuyện riêng (“ông X”). Hai câu đầu là 2 tiền đề , câu thứ ba là kết luận.

Mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng dùng tam đoạn luận suy diễn rất nhiều, dù là ta nói gọn hơn và ta cũng không để ý đến. Ví dụ: “Dĩ nhiên là bà mít ướt rồi.” Câu này thực ra là cả một tam đoạn luận rút gọn lại chỉ còn một câu. Nếu bị hỏi ngược lại, “Tại sao anh nói tui mít ướt?” thì đương nhiên là ta phải trình bày rõ ràng thành ba câu, “(1) Đàn bà ai cũng mít ướt; (2) chị là đàn bà, (3) đương nhiên chị cũng mít ướt.” Dĩ nhiên, ai cũng thấy lý luận này sai vì tiền đề đầu tiên (“đàn bà ai cũng mít ướt”) không đúng. Vì vậy, thường là ta sẽ bị hỏi lại, “Ai nói với anh đàn bà ai cũng mít ướt?” Tới lúc này, nếu bạn là người thông thái, thì nên “Xin lỗi chị. Tui đùa hơi lỡ lời. Mai mốt sẽ không làm vậy nữa,” và không nên giải thích gì thêm nữa, vì càng giải thích thì bạn càng tự đào sâu cái hố cho chính mình. (Ở Mỹ, lầm lỗi về kỳ thị giới tính kiểu này là lầm lỗi cực lớn. Bạn sẽ bị đánh giá là rất thiếu giáo dục. Chỉ có xin lỗi thành khẩn ngay lập tức mới chứng tỏ được là mình người đứng đắn và trí tuệ).

tranh luận • Thí dụ trên cho thấy lầm lỗi thông thường nhất trong sữ dụng ngôn ngữ và lý luận là tổng quát hóa quá đáng—tức là dùng các từ có tính cách tuyệt đối. Người Việt ta gọi là “vơ đũa cả nắm.” Những từ nói đến “tất cả”, “mọi”, “toàn thể” thường là sai, không đáng tin. Các từ này làm cho người ta nghĩ rằng người nói rất ngớ ngẩn và không thể tin cẩn. Ví dụ: Hãy tưởng tượng một vị tổng thống nói trước 10 ngàn dân, “Tất cả công dân đều ủng hộ chính sách của tôi.” Chỉ cần một người la lớn lên, “Tôi không ủng hộ,” thì câu nói của ngài tổng thống trở thành ngớ ngẩn ngay. Vì vậy, ta nên đổi các từ này thành các từ có số lượng nhỏ hơn một tí như “đa số”, “phần đông”, “phần nhiều.” Như vậy vừa an toàn hơn, vừa đáng tin hơn.

Các từ liên hệ đến chữ “nhất” cũng thế. Ví dụ: Đây là người nổi tiếng nhất, quyển sách hay nhất, người đẹp nhất, hành động anh hùng nhất, v.v… Đây cũng là các từ tuyệt đối. Ngoại trừ quảng cáo thương mại thì không ai thèm bắt bẻ, người dùng từ các này thường được xem là ngớ ngẩn và không đáng tin. Hãy đổi lại thành “một trong những quyển sách được xem là hay nhất”, “một trong những người nổi tiếng nhất” v.v…

• Trong môn luận lý học, các giáo sư sẽ nói với bạn rằng những câu nói nhằm khích động cảm tính con người là những câu “sai luận lý” (fallacy), vì thường chúng chẳng liên hệ đến chuỗi luận lý tí nào cả (irrelevancy). Ví dụ: “Chúng ta không thể có những loại người gian ác ức hiếp người nghèo như thế. Phải kết tội hắn tối đa.” “À … à… ông công tố viên à. Câu hỏi ở đây là thân chủ tôi có vi phạm luật giao thông hay lái xe bất cẩn gây tai nạn không, chứ ăn nhập gì đến chuyện giàu nghèo?”

• Trên bình diện xã hội, khác với luận lý học thuần túy, ai trong chúng ta cũng biết là cảm tính của con người thường có tính cách quyết định. Nếu bạn nói mà nhiều người thương, thì nhiều người sẽ đồng ý với bạn. Nếu bạn nói, dù là hợp luận lý cách mấy, mà đa số không ưa bạn thì mọi người sẽ bất đồng ý.

Vì vậy, yêu người và người yêu mình rất quan trọng trong công tác biện luận. Nói đúng luận lý chỉ là bước sơ đẳng. Trình bày luận lý đó trong ngôn ngữ gần gũi với người nghe, với một cung cách gần gũi với người nghe, và có thể làm người nghe cùng cảm xúc với mình, đó mới thực sự là công việc thuyết phục.

• Tóm lại, hôm nay ta nói đến 4 điểm quan trọng nhất trong tranh luận. Thứ nhất, người tranh luận phải có một quan điểm rõ ràng, và nên cho mọi người (người tranh biện với mình và khán/độc giả) hiểu rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Thứ hai, tranh luận cần một khung cảnh tương kính lẫn nhau. Thứ ba, tránh các từ có tính cách tuyệt đối. Thứ tư, cần mọi người cùng xúc cảm với mình.

Một điều quan trọng nữa là, ta không chỉ tranh luận với người bất đồng ý kiến, mà thực ra ta tranh luận với người cùng ý kiến với mình thường xuyên hơn. Đó là chính là phản biện (counter-arguing). Muốn thực sự hiểu rõ một vấn đề, ta cần phải lý luận từ mọi hướng—hướng của ta và hướng đối nghịch. Trong một vụ kiện, hai luật sư của một bên thường tranh luận nhau, một người phe ta, một người đóng vai phe địch, chẳng khác gì võ sĩ tập trận. Nếu không tập đấu tranh như thế thì không thể nào thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu. Hiện nay chúng ta thường nghe than vãn là vấn đề phản biện chính sách ở nước ta còn rất yếu. Đó cũng chính là lý do mà chính sách thường có khuyết điểm. Vậy thì, bạn có giúp được gì không? Dĩ nhiên là được. Hãy bắt đầu tích cực hơn trong các thảo luận về các vấn đề xã hội. Bắt đầu rất dễ dàng–chỉ cần lâu lâu ta nói một câu “cám ơn” và một chữ “tại sao.” Dễ quá, phải không các bạn?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

5 thoughts on “Tranh luận là gì?”

  1. Thực tập “phản biện” nhé: trong tam đoạn luận, nếu mệnh đề đầu tiên không phải là tuyệt đối thì không thể là cơ sở cho mệnh đề thứ ba. Ví dụ: Hầu hết con chó có tuổi thọ dưới 20 năm (ví dụ thế, chứ mình không phải nhà sinh vật học) và con Ki nhà tớ là chó. Vậy thì đâu đủ để kết luận con Ki không sống được 25 năm? 😀

    Like

  2. Anh Hoành cho em hỏi, như trong bài anh có nói “Điều quan trọng nhất cho người tranh luận là kết luận cuối cùng—tức là, quan điểm”. Tức mục tiêu của tranh luận là để đưa ra được 1 quan điểm phù hợp nhất.
    Nhưng anh lại nói “Thứ tư, cần mọi người cùng xúc cảm với mình.”.
    Em thấy 2 câu này mâu thuẫn.
    Nếu quan điểm của ta đưa ra là sai, mà mọi người lại “yêu mến ta” và cùng đồng ý với quan điểm của ta thì đã làm hỏng mục tiêu của tranh luận.
    Nếu quan điểm của ta đưa ra là đúng, mà mọi người “không thích” thì cũng bị bác bỏ. 😀
    Em nghĩ vấn đề ở đây là phải tạo ra 1 môi trường tranh luận công bằng, ai cũng dám nói lên suy nghĩ thật, tất nhiên phải biết tôn trọng lẫn nhau.

    Liked by 1 person

  3. Hi Danh,

    Mục tiêu đầu tiên của tranh luận là thắng, tức là được nhiều người nghe theo. Đó là thực tế của đời, đó là dân chủ.

    Đúng hay sai thường chẳng ăn nhập gì tới tranh luận cả.

    Ta có tranh luận cả đời, ai thắng ai thua, ai được nhiều phiếu, ai có ít phiếu, cũng chẳng ăn nhập gì đến việc có thương đế hay không, có linh hồn hay không, v.v…

    Mọi vấn đề chính sách, phương cách, giải quyết v.v.. ở đời được giải quyết chỉ bằng một cách duy nhất: Ý kiến của ai thắng cuộc–hoặc bằng số phiếu dân chủ, hoặc bằng sức mạnh của một ông vua. Giản dị thế thôi,

    Cho nên tranh luân là phải có lập trường để có mục tiêu thắng. Và phải cảm xúc với mọi người để có thể thuyết phục người ta đồng ý với mình.

    Trong tiến trình tranh luận, vì hai bên phải đưa ra tất cả mọi lý lẽ để “chiến đấu”, vấn đề được sáng tỏ ra rất nhiều, và người nghe hiểu rõ vấn đề hơn, do đó khi “bỏ phiếu chọn” họ sẽ lựa chọn lập trường họ cho là hay nhất, có lý nhất, “đúng” nhất (Chữ “đúng” này ở đây chỉ là cách nói bình dân, không phải là “đúng” thật, theo nghĩa triết lý).

    Em khỏe nhé 🙂

    Liked by 1 person

  4. Có lẽ hơi có sự lẫn lộn ở đây về “tranh luận” (argue) và “thảo luận” (discuss).

    Đúng như anh Hoành nói, tranh luận thì phải rõ điều mình muốn chứng minh và thuyết phục người nghe. Tức là khi đó mình TIN điều mình nói là đúng (ngoại trừ một số trường hợp, dù biết là không đúng, nhưng muốn … thử khả năng chứng minh và bảo vệ 1 quan điểm trước 1 người khác?) Do vậy, việc còn lại là tìm cách thuyết phục người nghe đồng tình và ủng hộ mình, kể cả tận dụng lợi thế tình cảm.

    Còn khi mình vẫn còn trong quá trình suy nghĩ, còn phân vân, còn khả năng thay đổi quan điểm, khi đó trao đổi với một người khác nhằm tìm kiếm kết luận và quyết định cuối cùng tốt nhất thì đó là thảo luận. Có lẽ ý Danh muốn nói về thảo luận không? Khi đó vấn đề cần được bàn một cách khách quan nhất và các ý kiến cần được nghe và cân nhắc bằng những cái “đầu lạnh”, thế nên đúng là không nên “huy động tình cảm”.

    Tuy nhiên mặt khác, mình nghĩ là ngay cả trong thảo luận, cũng vẫn nên giữ tình cảm của người nghe ở một mức nhất định để ý kiến của mình được lắng nghe và mong muốn hiểu đúng, vì dù sao đi nữa, suy nghĩ bản chất vẫn là một công việc hoàn toàn chủ quan của con người. Khi người nghe có định kiến, không muốn nghe, không muốn hiểu thì khó mà một lý lẽ nào có thể đi được vào đầu họ cho dù lý lẽ đó có sắc bén đến đâu.

    Like

Leave a comment