Chào các bạn,
Các vị thầy thường dạy nhiều điều rất giống nhau của đời sống tâm linh căn bản cho thế giới. Người lớ ngớ thì mới nghe qua hay đọc qua thì liền kết luận là các đường tư duy của các thầy – như là tư duy của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu – khác nhau một trời một vực. Nhưng thực sự đó chỉ là khác nhau như tiếng Việt và tiếng Anh – hai người, một người chỉ biết tiếng Anh và người kia chỉ biết tiếng Việt, thì nói chuyện với nhau chẳng thể nào hiểu nhau được vì ngôn ngữ bất đồng. Khác nhau giữa lời Phật dạy và lời Chúa dạy, phần lớn cũng chỉ là ngôn ngữ bất đồng. Nếu hiểu thấu đáo thì hai trường phái giống nhau nhiều trong căn bản hơn là khác nhau.
Ngay cả Allah của Hồi giáo cũng được xem như xa lạ (và ngoại đạo) đối với God của Kitô giáo, dù cả hai đều có nghĩa là Thượng đế (Chúa Trời), và Thánh kinh Koran Hồi giáo xác định Allah cũng là God của Abraham và người Do Thái. Nhưng thiên hạ vẫn giết nhau ì đùng vì Allah và God “khác nhau”.
Sự ngu xuẩn và điên rồ của con người thực là kinh hoàng, và lạ lùng. Chỉ một thứ khác nhau đủ để người ta ứng xử với nhau như loài vật, như da đen và da trắng – chỉ màu da khác nhau đó đủ để người da trắng ứng xử với da đen như đồ vật mà họ là chủ sở hữu, có thể mang bán đi cho người khác như bán cái bàn cái ghế, và không được coi như con người thực sự. Và đó là số phận của dân Châu Phi bị bắt sang Châu Mỹ làm nô lệ. Chỉ màu da là khác nhau, hàng nghìn thứ khác tạo nên con người thì giống hệt nhau cũng chẳng ăn nhập gì: you không phải là người, you là đồ vật của chúng tôi. Cực kỳ dã man, bất công, áp bức, và tội lỗi trước mặt Chúa vì mọi người đều là con cái Chúa ngang nhau. Và các bạn cần nhớ là dân Châu Mỹ – dân châu Âu di cư sang Châu Mỹ – hầu như 100% là Kitô giáo, biết Thánh kinh và lời Chúa Giêsu dạy, và họ đã chạy từ Châu Âu sang Châu Mỹ là để tị nạn, chạy trốn bách hại tôn giáo. Nhưng họ vẫn bách hại và áp bức người yếu kém hơn họ, thế có phải là ngu xuẩn không? Lý do là: “Chúa Giêsu dạy loài người. Đám da đen không phải là người. Lời Chúa nói không áp dụng cho da đen!” Đó là lý lẽ thiên hạ vẫn đi nhà thờ tử tế mỗi tuần và vẫn là chủ của nô lệ cùng lúc.
(Ít nhất là trong toàn lịch sử Việt Nam, chúng ta không có chế độ nô lệ kiểu đó. Chúng ta có nô tì, người làm, tá điền và chủ nông, nhưng không có nô lệ kiểu như đồ vật trọn đời của người chủ – dù bạn nghèo cách mấy bạn cũng vẫn là người với những quyền hạn của người).
Các bạn, lịch sử con người cho thấy con người có thể sai quấy hàng loạt – không phải chỉ một người, một thôn, một tỉnh thành, hay một nước, mà có thể là cả một nền văn hóa hay tôn giáo gồm rất nhiều nước cùng một lúc. Hàng trăm triệu người, hàng tỉ người sai cùng một lúc, và hầu như chẳng có ai thấy đó là sai. Đừng cho rằng điều gì cả thế giới, cả mọi lãnh đạo chính trị và tôn giáo thế giới tin theo, là phải đúng. Cả thế giới có thể cùng sai.
Ý thức về điều này thật quan trọng, vì nó cho bạn tự do tư duy để nhìn mọi vấn đề của thế giới một cách khách quan, không bị lệ thuộc vào tư duy của ai, kể cả tư duy của cả thế giới, để bạn có thể bình tâm suy nghĩ về đúng sai, thiện ác, và giải pháp cho vấn đề. Mình dùng cụm từ “tự do tư duy” để nhấn mạnh chữ tự do. Thiên hạ si mê tưởng rằng họ có tự do tư duy trong thế giới si mê, nhưng thực sự họ chỉ học được tư duy của mọi người quanh họ. Tâm lý học gọi đó là cái đầu của họ đã bị “điều kiện hóa” (conditioned), chẳng tự do một chút nào, chỉ là suy nghĩ kiểu rô bô. Tư do tư duy là tự do thực sự để suy nghĩ, như một tờ giấy trắng, không bị thành kiến, chủ nghĩa, giáo huấn gì của bất kì ai ảnh hưởng, để cái đầu của mình được hoàn toàn tự do quan sát và suy nghĩ về mọi vấn đề.
Có lẽ từ sâu sắc nhất để nói về con người và thế giới là từ “si mê” của nhà Phật. Rõ ràng là con người cực kì si mê, si mê hàng loạt, si mê cả một nước, một vùng nhiều nước, hay cả thế giới. Chúng ta có thể thấy thế giới ngày nay với những vấn đề khắp nơi – chiến tranh đủ kiểu, từ tôn giáo đến địa chính trị; bất bình đẳng giàu nghèo khắp nơi – người thì đốt tiền kẻ thì chẳng đủ miếng ăn hôm nay, đừng nói là ngày mai; trẻ em thiếu dinh dưỡng và chết đói khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Châu Phi; bên ngoài những tòa nhà cao ngất tại các thành phố lớn là những người vô gia cư co ro ngủ mỗi đêm lạnh lẽo trong một góc hiên của tòa nhà nào đó; tại mỗi quốc gia, các đại gia kinh tế – đồng lõa với chính quyền tham nhũng – cướp tiền của dân, hủy hoại môi trường và tàn phá nền kinh tế trên đau khổ của người nghèo; thế giới bất bình đẳng đến mức một vài đại gia số một của thế giới có thể tự quyết định ảnh hưởng đến khuôn mặt kinh tế chính trị của cả thế giới – đó là một điều cực kì nguy hiểm cho thế giới, khi vận mạng thế giới nằm trong tay chỉ một vài người.
Thế giới có quá nhiều vấn đề như thế thì đó chẳng là si mê thì là gì?
Nếu bạn cảm thấy bạn si mê và biếng nhác, chẳng muốn quan tâm đến điều gì và làm gì nghiêm chỉnh, thì đương nhiên bạn là một phần tử si mê trung kiên của thế giới si mê. Đừng bao giờ cho rằng mình quá nhỏ để có thể ảnh hưởng gì. 9 tỉ người quá nhỏ của thế giới nghĩ rằng mình quá nhỏ để có ảnh hưởng gì sẽ tạo ra một thế giới hoàn toàn bất lực trước mọi vấn đề. Cái “quá nhỏ” của bạn có thể cộng vào với cái quá nhỏ của cả thiên hạ để biến toàn thế giới vĩ đại thành si mê và bất lực 100%.
Chúng ta cần quan tâm đến cộng đồng lớn – đất nước và thế giới. Chỉ quan tâm thực sự là đủ. Nếu bạn chẳng biết phải làm gì thì cầu nguyện cho đất nước và thế giới mỗi ngày. Các bạn chưa cầu nguyện bao giờ, hoặc chưa cầu nguyện với yêu thương (thay vì xin xỏ kiểu cúng con gà và xin được nhà lầu), thì các bạn chẳng hề biết sức mạnh của cầu nguyện. Cầu nguyện trước hết là tạo ra năng lượng tích cực cho bạn, giúp chuyển hóa con người bạn, từ lười biếng, si mê và tiêu cực thành siêng năng, thông thái và tích cực. Và năng lượng tích cực đó của bạn sẽ ảnh hưởng đến những người quanh bạn để họ siêng năng, thông thái và tích cực hơn. Và năng lượng tích cực của họ sẽ ảnh hưởng đến những người quanh họ, với hiệu ứng dây chuyền.
Dù bạn chẳng làm gì, bạn chỉ làm cho bạn có tư duy tích cực, thì bạn đã ảnh hưởng tích cực lớn đến thế giới. Đó là hiệu ứng dây chuyền của năng lượng.
Cho nên đừng bao giờ nói tôi quá nhỏ để có thể làm gì cho đất nước và thế giới. Đất nước và thế giới cần nhiều năng lượng tích cực, và năng lượng tích cực đó tới từ cái đầu tư duy tích cực của mỗi người như bạn, chẳng từ đâu khác. Cho nên, bạn chỉ cần tư duy tích cực là bạn đã đóng góp lớn vào nguồn năng lượng tích cực cho thế giới. Bạn chẳng có quyền nói: “Tôi quá nhỏ, chẳng làm gì được.” Nói thế là sai, vô trách nhiệm, và chẳng biết, chẳng hiểu gì cả.
Bạn có thể tạo năng lượng tích cực lớn cho đất nước và thế giới, từ cái đầu của bạn đi ra.
Chúc các bạn luôn tích cực.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh đã viết bài. Bài hay quá ạ.
Em mong anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục dìu dắt tụi em.
May God bless you always,
Em Linh
ThíchĐã thích bởi 2 người
Thank you Thiều Linh. May God bless you.
A. Hoành
ThíchThích