Chào các bạn,
Mọi thứ khổ của con người đều do ba độc “tham sân si” mà ra: Tham là tham lam, sân là sân hận (giận dữ), si là si mê (ngu dốt). Tham lam và giận dữ thì ai cũng hiểu rồi. Nhưng tham lam và giận dữ cũng chính là si mê, vì người có trí tuệ thì không tham lam, không giận dữ. Vậy ba chữ “tham sân si”rốt cuộc có thể thu vào một chữ “si”.
Phật gia biết chữ “si” là gốc rễ nên tập trung rất mạnh vào trí tuệ. Như câu đầu của Bát Nhã Tâm Kinh nói đến “Bát Nhã ba la mật đa” – Prajñāpāramitā, trí tuệ hoàn toàn, trí tuệ tuyệt đối. Trí tuệ này khác với trí tuệ bình thường (wisdom), tương đối và giới hạn của chúng ta, trong một thế giới phàm phu, với tư duy tương đối, đối đãi (hai chiều, có qua có lại).
Prajñāpāramitā là thấy được mọi sự “như nó là” (as it is), không bị sai lạc, méo mó, hời hợt và ảo tưởng. Ví dụ: Qua cái nhìn hời hợt ta thấy tên trộm là tên trộm, là người xấu. Nhưng với Prajñāpāramitā ta có thể thấy tận bên trong sâu thẳm tên trộm có Phật tính và hắn vẫn đang trên đường đến gần Phật tính của mình, dù là hiện thời thì vẫn si mê.
Khả năng thấy được chiều sâu của con người và của vũ trụ như thế đòi hỏi ta phải có trái tim sâu thẳm yêu thương thế giới và con người, để có thể nhìn con người và thế giới với tầm nhìn tinh khiết và không bị tham sân si làm vẫn đục.
Các bạn, kinh nghiệm cho thấy khi ta yêu ai ta hiểu người đó rất sâu. Thiên hạ có thể không hiểu người đó, hiểu lầm người đó, và phê phán người đó với chỉ một vài “bằng chứng” bên ngoài nào đó. Nhưng vì ta yêu người đó, ta có thể thấy được mọi sự trong trái tim người đó, và biết là một vài bằng chứng bên ngoài chẳng là gì cả – tận sâu thắm trong lòng, hành động của người đó đã xuất phát từ một trái tim từ ái.
Tình yêu cho ta ánh sáng trí tuệ. Và đó là Prajñāpāramitā.
Không thể có Prajñāpāramitā nếu không có trái tim sâu thẳm yêu người, yêu vật.
Trái tim Bồ tát là trái tim từ bi. Không thể là Bồ tát mà không có từ bi, cũng như không thể là Bồ tát mà không có trí tuệ. Chính từ bi mang đến trí tuệ, cũng như chính trí tuệ mở đường đến từ bi.
Từ bi và trí tuệ là hai mặt của một đồng xu – mặt này là từ bi, mặt kia là trí tuệ Prajñāpāramitā.
Các bạn, đừng tìm trí tuệ trong lý luận, chữ nghĩa hay kinh sách – mọi thứ này chỉ có “trí tuệ” tương đối, giới hạn và tư duy đối đãi. Kể cả khi kinh sách dạy “đừng tư duy đối đãi, hãy tư duy không phân biệt” thì chúng ta vẫn cứ tư duy đối đãi và phân biệt, vì bản chất của chữ nghĩa và luận lý là thế. Nếu chúng ta lệ thuộc vào lý luận và chữ nghĩa, chúng ta bắt buộc phải tư duy đối đãi và phân biệt. Chúng ta chỉ có thể vượt qua đối đãi và phân biệt bằng sống (thực hành) từ bi và không phân biệt.
Không có từ bi vô giới hạn (từ bi một chiều với mọi người mọi vật và không phân biệt người nào vật nào) thì không thể có trí tuệ Prajñāpāramitā.
Trái tim là cánh cửa của trí tuệ, cũng như trí tuệ là con đường đến trái tim.
Và trái tim không thể được huấn luyện bằng sách, mà bằng “yêu”.
Chúc các bạn luôn yêu thương và trí tuệ.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh Hoành hôm nay đã viết bài ạ.
ThíchThích