Chào các bạn,
Chúng ta thường tự hào mình là người muôn mặt – khi thì hiền dịu như nữ tu, khi thì chằng chụa như côn đồ; khi thì chậm như rùa, khi thì nhanh như hỏa tiển; khi thì thành thật như kiến bò, khi thì giảo hoạt như lươn trượt… Đó là dấu hiệu của người nhiều năng khiếu làm việc, và mọi chúng ta đều tự hào về chính mình nếu mình có được nhiều mặt như thế.
Điều này có lẽ cũng đúng và tốt phần nào. Nhưng phần lớn thì chúng chỉ là chuyện tự nhiên – mọi người trên thế giới đều ứng xử và có thái độ rất khác nhau trong những tình huống khác nhau. Nói chung là “con người muôn mặt” là cách chúng ta phản ứng lại với những tình huống khác nhau, phần lớn đó chỉ là “phản ứng” tự nhiên của phàm phu, chẳng có gì đáng nói, ngoại trừ một điều: đó là tính cách bình thường của phàm phu tục tử, không phải là tính cách của thầy, của thánh nhân, của Thiền.
“Phản ứng” thì thường có nghĩa bị động – chuyện gì xảy ra, và ta phản ứng lại; không phải là do ta chủ động.
Thiền thường có nghĩa là chủ động và một chiều – trong tình huống nào tôi cũng thành thật, trong tình huống nào tôi cũng hiền, trong tình huống nào tôi cũng chậm rãi từ tốn, trong tình huống nào tôi cũng tĩnh lặng…
Con người muôn mặt là lối sống tự nhiên của phàm phu, chẳng có gì để bạn tự hào.
Người đã đạt Thiền chỉ có một tâm, đó là tâm Phật, và chỉ có một lối sống – tĩnh lặng, mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tình huống.
Cho nên, nếu bạn có nhiều mặt khác nhau thường xuyên quá, bạn nên tự hỏi mình đã Thiền được đến đâu?
Nếu bạn cứ muốn giữ muôn mặt như thế thì… cứ giữ. Đó (muôn mặt hay tĩnh lặng luôn luôn) chỉ là dấu hiệu để bạn tự đo lường nội lực tâm linh mình đã đến đâu, trong trường hợp bạn muốn đo lường chính mình.
Chúc các bạn luôn biết đo lường chính mình.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh Hoành đã viết bài mỗi ngày.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Vậy mà tục ngữ còn có câu: Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma thì mặc áo giấy (Ý nói đối xử thích ứng với từng trường hợp khác nhau) đấy Thầy.
Cám ơn Thầy đã chỉ dạy ạ!
ThíchThích