Chào các bạn,
Lão tử viết bốn câu đầu của Đạo Đức Kinh:
Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh
Vô danh thiên địa chi thủy
Hữu danh vạn vật chi mẫu
Dịch nghĩa
Đạo có thể gọi là Đạo, thì không là Đạo vĩnh cửu
Tên có thể gọi là tên, thì không là tên vĩnh cửu
Không tên là khởi thủy của trời đất
Có tên là mẹ của vạn vật
Hai câu đầu mình đã viết ở đây, ở đây, và ở đây. Hôm nay mình nói câu 3 và 4.
Nhưng cần nói lại câu đầu.
“ Đạo” (tiếng Anh: Tao) của Lão tử là cái có trước tất cả, trước khi vũ trụ trời đất có mặt. Đạo đây không có nghĩa là “đường đi” (the way) hay “tôn giáo” (religion) , như đạo Phật, đạo Công giáo… dù rằng không loại trừ khả năng Lão tử lấy ý từ “đạo” (đường đi) để gọi “Đạo” (Tao).
Đạo có trước tất cả. Đạo đây cũng như là Logos trong triết lý Hy Lạp – nguyên lý đầu tiên vận hành vũ trụ. Hay như là Thượng đế (God, Thiên Chúa, Đức Chúa Trời, Ông Trời), là một chủ thể có trước vũ trụ và tạo ra vũ trụ muôn loài. Và có lẽ cũng như là Không của Phật triết – bản tánh thật của mọi loài, và mọi loài từ đó mà ra và về lại.
Trong sách Tin Mừng của John trong Thánh Kinh, John gọi Jesus là Logos, tiếng Anh dịch là “the Word” và tiếng Việt dịch là “Ngôi Lời”, và Logos là Thượng đế có trước muôn loài và tạo ra muôn loài. John như vậy gọi Jesus là Thượng đế. (John 1:1-2).
Cái có trước muôn loài thì không thể có tên, vì đặt cho tên gì cũng không đúng. Cho nên Lão tử dùng chữ Đạo, nhà Phật dùng chữ Không, các tôn giáo dòng Abraham thì gọi là God (Thượng đế). Đây là các danh từ chung (common noun), không phải tên (proper noun), nhưng cũng thành tên vì chỉ có một. Và các từ này không mô tả, diễn tả gì hết, vì nói điều gì về Đạo/Không/Thượng đế thì đều sai. Nói ra bằng ngôn ngữ là có giới hạn – ngôn ngữ luôn có giới hạn như dài ngắn, đẹp xấu… Nhưng Đạo/Không/Thượng đế thì không có giới hạn – đây là Tuyệt đối (the Absolute). Nói theo nhà Phật là “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn). Nói theo Đạo Đức Kinh thì “Đạo mà có thể gọi là Đạo thì không phải Đạo vĩnh cửu”. Nói theo Thiên chúa gia thì Thượng đế có tên là “Ta là Ta – I Am Who I Am” (Exodus 3:14, John 13:19), vì không có từ nào để đặt tên cho đúng. Người Việt cũng gọi là Ông Trời (Mr. Heaven) nhưng Ông Trời cũng không có tên riêng.
Nghĩa là Tuyệt đối (The Absolute) là chủ thể có trước muôn loài và sinh ra muôn loài (the Relative-Tương đối, the Creation-Tạo vật), và không thể có tên gọi chính xác.
Câu thứ 3 của Đạo Đức Kinh nói đến điều chúng ta vừa nói: “Vô danh thiên địa chi thủy” – “Không tên” là khởi đầu của trời đất. Đó là nói Đạo là khởi thủy của trời đất, và Đạo không có tên.
Câu thứ 4 của Đạo Đức Kinh: “Hữu danh vạn vật chi mẫu” – “Có tên” là mẹ của vạn vật. Khi Đạo sinh ra trời đất thì có tên và là mẹ vạn vật và con người. Có tên, dù là có mà không, như “Đạo/Không/Thượng đế”, là do con người đặt ra – tên do con người đặt cho Mẹ tạo nên vũ trụ vạn vật. (Rất interesting là Lão tử gọi Đạo là Mẹ, thay vì Cha).
Mấy triết lý lăng nhăng lằng nhằng này có liên hệ gì đến chúng ta?
Thưa, nó có giá trị rất lớn và quan trọng, nhưng đại đa số người của thế giới không biết.
Nếu chúng ta nắm vào Đạo/Không (Phật là Không) /Thượng đế mà sống, thì chúng ta đang nắm tay Tuyệt Đối, điều không thể mô tả, không thể nghĩ bàn… Nghĩa là mọi mô tả hay đặc tính của Đạo/Không (Phật)/Thượng Đế/Mẫu (Mẹ) đều không thể đúng. Cho nên đừng nói Đạo/Không (Phật)/Thượng đế (Ông Trời, Mẹ) thì thế này, thế nọ, blah blah blah. Mọi gán ép của chúng ta đều sai. Nếu có đặc tính, thì các đặc tính vô giới hạn may ra thì đúng một chút, như Thượng đế/Phật “yêu vô điều kiện, vô giới hạn”. Đó là tình yêu tiến đến tuyệt đối. Nhưng khi nói Thượng đế nổi giận và đánh ta, thì đó có khả năng lớn là không đúng, vì nổi giận và đánh là tương đối, là giới hạn của con người. Chúng ta không thể gán ép những giới hạn của phàm phu cho Thượng đế (Ông Trời)/Phật là các chủ thể tuyệt đối.
Có nghĩa là khi ta nắm tay Phật/Thượng đế mà sống thì đừng lệ thuộc vào giới hạn, công thức, và đặc biệt là lễ bái. Thượng đế không có giới hạn và công thức. Tim óc ta không nên có giới hạn và công thức. Thánh linh như gió, không biết ở đâu đến khi nào và sẽ đi về đâu khi nào (John 3:8). Đừng gán ép điều gì cho Thượng đế/Phật. Hãy nhạy cảm và nhẹ nhàng để đi theo luồng gió Thánh linh đang thổi rất nhẹ qua trái tim linh thiêng của bạn.
Chỉ có hai điều chúng ta có thể nói về Thượng đế/Phật: Thứ nhất Thượng đế/Phật là Tuyệt đối (không thể nghĩ bàn), thứ hai Thượng đế/Phật dạy ta tình yêu tuyệt đối – tức là yêu tất cả mọi người, mọi sinh linh, một chiều, vô điều kiện.
Chúc trái tim linh thiêng các bạn tự do với Thánh linh của Thượng đế/Phật.
Mến,
Hoành
© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Mình thường không muốn viết triết lý phức tạp. Nhưng thỉnh thoảng cũng muốn viết một chút để:
1. Các bạn làm quen với các cổ thư số 1 của thế giới – trong trường hợp này là Đạo Đức Kinh và Kinh Thánh.
2. Giúp các bạn hiểu các cổ thư trên phương diện thực hành trong đời sống, thay vì chỉ là lý thuyết. Phần thực hành trong bài này, có lẽ các bạn sẽ chẳng tìm thấy ở đâu, ngoại trừ bài này, vì mình chẳng thấy ở đâu có. Xưa nay các phần mở đầu của the Gospel of John và Đạo Đức Kinh chỉ được biết đến như lý thuyết triết lý hay thần học. Chẳng ai nói đến áp dụng vào thực hành như thế nào.
ThíchĐã thích bởi 3 người
Đạo đã không gọi được tên vậy thì sao lại gọi là “Đạo” được ạ? Rất mong anh chỉ điểm !
ThíchThích
Hi Trần Nghĩa,
Nếu Nghĩa có 10 người bạn ngồi quanh bạn để mỗi người viết một danh sách các từ mô tả “Nghĩa” cho chính xác. Kết quả là Nghĩa có 10 danh sách trong tay về chính con người của mình, và Nghĩa cảm thấy chẳng có danh sách nào là đúng hoàn toàn về mình cả, dù là danh sách nào cũng có một vài điểm đúng. Và dù có mang cả 10 danh sách cộng lại, thì danh sách dài thòng đó cũng như những danh sách kia, chỉ có một vài điều đúng.
Thế thì khi mỗi người trên thế giới gọi “Nghĩa”, người đó chỉ có một khái niệm mơ hồ, không chính xác, trong đầu về Nghĩa. Chẳng ai biết được 100% không sai chạy rằng Nghĩa là thế nào cho chính xác 100%. Nhưng thiên hạ vẫn gọi “Nghĩa” và Nghĩa vẫn biết họ gọi mình, dù rằng mình cũng biết họ chỉ gọi một phiên bản méo mó thiếu sót của mình, có trong đầu họ.
Đạo cũng vậy. Ai mà nói đây là “đạo đúng 100%, không sai chạy,” thì người đó nói láo, vì người đó chỉ có thể biết được một phiên bản méo mó thiếu sót của Đạo. Chẳng ai có thể nói với nhau về một phiên bản Đạo đúng hoàn toàn 100%.
Đạo mà không nói đúng 100% Đạo là gì, đó mới là đạo thật. Đạo mà thầy nói thầy biết 100% thì đó là đạo xạo của thầy.
Nhưng chúng ta vẫn nói “đạo” với nhau, và hiểu với nhau đó chỉ là từ gọi tạm để nói chuyện, về một điều chẳng ai có thể nói được chính xác 100%.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người