Đời là một cuộc hành trình

Chào các bạn,

Mình nói “Đời là một cuộc hành trình”, có nghĩa là đời không có đích điểm mà chỉ là một cuộc hành trình.

Đương nhiên đây là một điều hơi lạ tai với nhiều người, vì hầu như chúng ta đã được dạy đời ta phải có đích điểm nào đó – làm bác sĩ, lập gia đình, tạo sự nghiệp; chiến đấu cho độc lập của đất nước; phục vụ Chúa; tu tập thành Bồ tát…

Nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại, chúng ta sẽ thấy những điều này không phải là đích điểm.

– Lập gia đình và sự nghiệp không là đích điểm, vì lập gia đình và sự nghiệp để làm gì? Những điều này chỉ là hành trang của cuộc hành trình của ta, không phải là đích điểm.

– Chiến đấu cho độc lập của đất nước là một mục đích tốt để sống, nhưng độc lập xong thì phe ta thành tham nhũng, độc tài, áp bức, thế là lại có việc để chiến đấu tiếp, đến chết cũng chưa xong.

– Phục vụ Chúa thì đúng là điểm tập trung, nhưng đó là con thuyền, bạn ngồi trên đó và theo ý Chúa để … lang thang vô định, làm đủ thứ việc.

– Tu tập thành Bồ tát, thì cũng như phục vụ Chúa… Đó cũng là một cuộc hành trình không có đoạn kết.

Đương nhiên là chúng ta có thể tâm niệm như Phật A Di Đà: “Khi nào mọi chúng sinh thành Phật hết thì tôi mới mang quả vị Phật”. Nhưng, đến vô lượng kiếp nào thì mọi chúng sinh sẽ thành Phật hết?

Đương nhiên là người ta thường nói: Chết là về với tổ tiên, về với Chúa, về một kiếp mới… Và sự chết, do đó, thường được xem là đích điểm của cuộc hành trình. Các bạn, nói vậy cũng được, nhưng mình thì rất ngại nói gì về sự chết, vì mình chưa chết nên chẳng nói được gì về sự chết.

Cho nên, mình chỉ nói “Đời là một cuộc hành trình”.

Nhưng tại sao mình muốn nói như thế?

Vì mình muốn nhấn mạnh với các bạn tính phiêu lưu và tính vô định của cuộc hành trình “Đời sống”. Đó là một chuyến đò trên một dòng sông dài. Mọi trạm ngừng đều là các bến tạm, một vài bến bạn cố tình đến, nhiều bến khác bạn không có chủ đích, chỉ ngừng lại vì nhu cầu như là ăn uống, hay hoàn cảnh gì đó, hay vì người lái đò dừng lại và bạn gặp những điều hay…

Đời là một cuộc hành trình đầy phiêu lưu, vô định và, vì vậy, dù đôi khi có nước mắt và gian khổ, thật sự là một hành trình thú vị. Nói như Forrest Gump: “Life is like a box of chocolates…you never know what you’re gonna get.” (Đời như là một hộp kẹo sôcôla… bạn không bao giờ biết bạn sẽ có gì).

Chúc các bạn luôn tìm thấy thú vị trong đời sống.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 14 thoughts on “Đời là một cuộc hành trình”

  1. Hi Hòa,

    Anh chưa bao giờ ghét Thiên Chúa nên không trả lời chính xác cho em được.

    Anh đã phàn nàn, đã than thở, đã bức xúc – “Chúa muốn gì với con? Tại sao bắt con phải chịu những điều này? Điều này có công bình không? blah blah blah…” Nhưng anh chưa hề ghét Chúa và chưa hề mất lòng tin vào Chúa bao giờ.

    Em muốn phàn nàn với Chúa thì phàn nàn, nhưng đừng mất lòng tin.

    Em bé 5 tuổi đôi khi phàn nàn và giận mẹ, nhưng em không hề mất lòng tin vào mẹ, vì mẹ là niềm tin của em.

    Chúa không bao giờ trao cho em một thánh giá mà em không gánh được.

    A.. Hoành

    Đã thích bởi 1 người

  2. Hi anh Hòa!
    Em không theo đạo nên cũng không biết cảm giác đó. Thế nhưng em nghĩ là người đó nên xem xét lại mục đích sống của mình. Chúa thương anh thì anh mới vui ạ? Ai cũng có những lúc gục ngã và người ta mất đi niềm tin. Vậy điều gì khiến chúng ta lấy lại niềm tin? Cái này phải xem lại mục đích sống. Cũng may mắn em thường bám víu lấy Phật và sợ hãi nhân quả để cố. Còn giờ đây em lấy cớ rằng mình sống để rèn luyện và phát triển bản thân. Thế nên dù thế nào đi chăng nữa em cũng sẽ tự nhắc mình không được gục gã không được buông xuôi. Mình cần cố gắng vì nhiều thế hệ phía sau. Em chúc người đó sẽ nhìn rõ mục đích sống của mình để mỗi khi gục gã lại tìm thấy động lực để phấn đấu.

    Thích

  3. Hi Thành và Hòa,

    Xin phép Thành và Hòa cho mình được comment.

    Thành nói với Hòa: Chúa thương anh thì anh mới vui ạ?

    Đúng vậy đó Thành. Được Chúa thương là niềm vui của mình, là niềm tin của mình. Vì biết Chúa luôn thương mình nên mình mới có thể sống, yêu đời và yêu người khác được.

    Mà Chúa thì luôn luôn yêu mình.

    * Ở ĐCN, khi nói về Chúa về Phật là nói đến trái tim thiêng liêng của mình, không liên quan đến tôn giáo.

    Và chính vì cùng nói về trái tim thiêng liêng của mình nên việc nói về Chúa về Phật chỉ là 2 cách nói cho 1 vấn đề.

    TH,

    Thích

  4. Hi Hòa,

    Từ khi biết Chúa, mình chưa mất lòng tin vào Chúa. Nhưng khi đứng giữa cơn bão, mình thường cầu nguyện thế này:

    “Lạy Chúa, xin hãy cho con vững tin nơi Ngài. Xin Chúa nắm tay con, cho con đứng giữa cơn bão, và bình thản đi trên mặt nước, vì Ngài luôn luôn nắm tay con. Xin Chúa tăng lòng tin của con.”

    Mình nghĩ Chúa hiểu lòng chúng ta nhưng con người bé nhỏ của chúng ta khó mà hiểu lòng Chúa được, khó mà hiểu những gì Chúa làm cho ta. Nhưng thật ra cũng không cần hiểu. Chỉ cần vững tin là Chúa luôn yêu ta và luôn làm điều tốt nhất cho ta.

    TH.

    Đã thích bởi 1 người

  5. Hi Hương!
    Mình đồng ý quan điểm với Hương. Chúng ta nhắc đến Chúa và Phật là nhắc tới 2 con người có thành tựu to lớn trong tu dưỡng và rèn luyện( theo ý hiểu của mình)
    Tuy nhiên câu hỏi của mình giành cho “anh Hòa” khác với câu nói của Hương
    + Chúa thương anh thì anh mới vui ạ? Tức là phải được Chúa thương anh ấy mới vui còn không thì mọi thứ với anh ấy đều chỉ là thứ yếu.
    + Được Chúa thương là niềm vui của mình, niềm tin của mình. Điều này có thể hiểu là được Chúa thương là một niềm vui lớn của Hương. Và cho dù Chúa có không thương Hương chăng nữa – giả sử, thì Hương vẫn vui vẻ sống vì thực tế Hương luôn tin điều đó.
    Vậy đâu là nguồn cội niềm tin của Hương? Nếu Hương có thể nói về quá trình hình thành niềm tin đó và là đâu là điều quan trọng mình tin là nó sẽ rất có ích cho anh Hòa.
    @ anh Hòa: Con người có ai mà không có lúc yếu đuối bí bách chán chường. Như em trước đây thường kệ. Vì nghỉ chẳng ra cũng chẳng biết làm sao. Cũng may mắn là em tính trẻ con ham vui nên chóng quên lắm. Còn giờ đây mỗi khi căng thẳng mệt mỏi hay có nhưng tư tưởng chống phá buông thả em lại tự nhắc mình phải cố gắng để bình tĩnh để cân bằng. Vì sao ạ? Vì chỉ có như vậy em mới tỉnh táo mới không tiếp tục phạm sai lầm. Và vì em muốn hoàn thiện mình vì một tương lai tốt đẹp hơn vì một xã hội tốt đẹp hơn em cần làm tốt mình trước. Và vì sao ạ? Vì em tin người ta làm được em cũng được. Đức Phật Thích Ca ngày xưa trước ngài ấy sẽ có ít hơn rất nhiều nhưng người có thành tựu lớn về tu dưỡng rèn luyện tinh thần so với chúng ta bây giờ mà ngài ấy còn làm được. Giờ đây chúng ta còn có cả kinh nghiệm 2 ngàn năm của ngài ấy, chúng ta sẽ làm được gì?
    Đó là cách nghĩ của em hiện giờ. Và em tin mình sẽ còn nhiều thất bại nữa đề hoàn thiện mình hơn. Chúc anh luôn vững tin để hoàn thiện mình!

    Thích

  6. Cám ơn Thành đã giải thích thêm cho mình hiểu.

    Về câu hỏi của Thành -“Vậy đâu là nguồn cội niềm tin của Hương?”, mình không có câu trả lời vì mình mắc bệnh đau đầu khi suy nghĩ những điều như vậy.

    Thông cảm cho mình nhé.

    Thân mến,

    Thích

  7. Hi Hương!
    Tớ hiểu mà mỗi người có con đường riêng của mình mà. Tớ thì thường chìm trong những suy nghĩ kiểu như vậy. Thường đặt ra những câu hỏi và tự trả lời. Cho dù phần lớn là miên man đến tận đâu không biết 😀

    Thích

  8. Hi Thành,

    Cám ơn câu hỏi của cậu (Vậy đâu là nguồn cội niềm tin của Hương? Nếu Hương có thể nói về quá trình hình thành niềm tin đó và là đâu là điều quan trọng mình tin là nó sẽ rất có ích cho anh Hòa.).

    Và cám ơn cậu đã khuyến khích tớ chia sẻ. Tớ sẽ trả lời cậu trong vài ngày nữa nhé.

    TH

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s