Chào các bạn,
Mình kế tiếp chuyện khi mình được tuyển dụng vào một chức danh cao cấp trong một tập đoàn lớn năm 2009. Mọi người nhìn vào cái ghế mình đang ngồi, và xì xầm vài câu “dưới một người, trên vạn người”.
Mình làm ở bộ phận nhân sự, nên mình tiếp xúc hầu hết với mọi cấp quản lý trong công ty, và trong câu chuyện chia sẻ giữa những người đồng nghiệp, thì nỗi sợ lớn nhất của mọi người là “mất ghế”, nghĩa là không còn giữ được vị trí hiện tại, để được hưởng các chế độ lương thưởng, phúc lợi theo chính sách của công ty. Vì nỗi sợ này, nhiều người sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để giữ được cái ghế của mình: chạy đua bằng cấp, nịnh nọt quà cáp cấp trên, tổ chức tiệc tùng lấy lòng cấp dưới, ra hành lang nói xấu cấp quản lý khác… Đó là chưa kể đến kỳ quy hoạch cán bộ quản lý, là đánh giá xem ai sẽ xứng đáng được đưa vào danh sách kế thừa để được bổ nhiệm, thì còn nhiều chuyện hơn.
Và mình nhận ra một điều, chính mình cũng sợ mất ghế. Làm sao để vượt qua nỗi sợ này?
Mình nhìn ra xa hơn, thấy trong xã hội, cũng vậy. Người ta dùng nhiều cách để có được vị trí tốt hơn trong xã hội và công việc, và trong nhiều cách đó thì cách hay sử dụng nhất là đạp người khác xuống để mình ngoi lên cao hơn. Cảnh mua quan bán chức, tranh quyền đoạt lợi, tham quyền cố vị… diễn ra trước mặt mình làm mình cố đi tìm một lý giải, và thoát ra khỏi cái nỗi sợ ấy.
Và mình phát hiện ra điều này: vì lòng tham và hiểu chưa đầy đủ về “cái ghế” nên mình sợ mất ghế. Và điều gì mình càng sợ, thì mình càng nghĩ nhiều về nó, và nó sẽ diễn ra nhanh hơn. Ở đây, mình không bàn về lòng tham, mà chỉ chia sẻ cách hiểu đầy đủ “cái ghế mình đang ngồi”.
“Cái ghế mình đang ngồi” đã được một người thầy chia sẻ: “cụm từ này bao hàm nhiều điều có lẽ nhiều bạn không nghĩ tới, không chỉ là nói đến cái ghế bạn đang ngồi mà nói đến cả đời bạn – công danh, sự nghiệp, vợ chồng con cái, bạn bè, những người quen biết… Con người ta và tất cả mọi sự ta có ngay lúc này là một tổng hợp của một hành trình kỳ diệu. Ví dụ: Bạn bè không phải trên trời rơi xuống, mà là hậu quả của những bước đi diệu kì để gặp nhau.” Đó là điều huyền diệu của cuộc sống. Nhưng mình và đa số lại cứ hiểu và bám víu vào cái ghế mình đang ngồi, quên đi các mối quan hệ, quên đi sự nghiệp cả đời, quên đi những giá trị cao hơn cái ghế…, đặc biệt là với những người có vị trí xã hội và địa vị quản lý.
Thế rồi, mình đã bỏ hẳn được nỗi sợ mất ghế trong đời, bằng cách chủ động chia tay cái ghế mà nhiều người nói là “dưới một người, trên vạn người” ấy. Mình ra đi và tìm được cái ghế tốt hơn, với những mối quan hệ rộng hơn, gặp những vị thầy lớn hơn, có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Và bây giờ, mình bỏ luôn cả khái niệm “cái ghế” trong đầu. Không cái ghế nào có thể giữ mình lại nữa. Mình chẳng ngồi ở đâu cả. Nơi sống của mình là khắp nơi, mình có thể ngồi ở bất cứ cái ghế nào mình muốn, mình đã là chủ cái ghế của cuộc đời mình. Với cái ghế mà mình đã làm chủ, mình cảm nhận tình yêu thương nơi con người, cám ơn bề trên đã ban cho gia đình hạnh phúc, mình có thể kết giao với bất cứ ai mình muốn, cho dù họ có cái ghế cao thế nào. Mình có thể giúp đỡ người khác đạt được ước muốn của họ mà không ảnh hưởng đến cái ghế của mình, thay vì đạp người ta xuống để củng cố cái ghế ấy. Mình có thể chia sẻ thoải mái những suy nghĩ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cuộc sống gia đình, công việc… với mọi người.
Chúc các bạn luôn cảm nhận cái ghế to lớn của cuộc đời, và làm chủ nó.
Phạm Anh Tuấn
Cam on a cho e biet them ve chiec ghe cuoc doi.
ThíchThích
Cám ơn Tuấn. Rất interesting.
ThíchThích
Bài này thật là hay ạ, cảm ơn anh Tuấn 🙂
Em cũng nhìn thấy sự tranh giành “ghế” ở nhiều nơi, vì điều nhiều người hướng đến là địa vị và sự bảo đảm cuộc sống yên ấm đầy đủ cho vợ con. Em nghĩ cũng một phần là theo thói quen vì ai cũng nghĩ theo hướng đó, cách cư xử “giành ghế”, bè phái và “giữ ghế” được coi là bình thường và chuyện “lãnh đạo phục vụ” là một khái niệm vẫn còn xa lạ. Thật may là thế hệ anh em mình đã được tiếp cận với sự tự do trong tư tưởng và sử dụng mọi cơ hội trong cuộc đời mình không bị “dính” với “cái ghế” nào.
Bài này thật là hợp cho chương “Sợ trong sở làm” ^^
Cảm ơn anh
Em Hường
ThíchThích
Cảm ơn anh Tuấn, bài viết của anh cho em củng cố thêm niềm tin rằng không cần phải lấy lòng người khác mới thành công trong công việc được 🙂
ThíchThích
Em cám ơn anh Tuấn. Bài này của anh làm em liên tưởng đến câu này của Phật Thích Ca:
“Ta xem địa vị của vua chúa như bụi đất. Ta thấy vàng ngọc như gạch sỏi. Ta nhìn xiêm y lụa là như giẻ rách. Ta coi vô lượng thế giới của vũ trụ như hạt trái cây, và hồ vĩ đại nhất của Ấn Độ như giọt dầu trên bàn chân. Ta nhận xét mọi giáo huấn của thế giới như ảo ảnh của ảo thuật gia. Ta chiêm nghiệm ý niệm tối thượng về giải thoát như chiếc áo thêu vàng trong mộng, và xem thánh đạo của các đấng giác ngộ như hoa trong mắt. Ta thấy thiền định là cột trụ của quả núi, Niết bàn là ác mộng của ban ngày. Ta nhìn phán đoán về đúng và sai như vũ khúc uốn lượn của con rồng, và sự lên xuống của các niềm tim như vết tích còn lại của bốn mùa.”
(trích Hãy tin vào tâm lực của mình, anh Hoành)
ThíchThích
Nếu chúng ta đồng ý với lời khuyên của Albert Einstein: “Đừng phấn đấu để thành công mà hãy phấn đấu để mình có ích”, chúng ta sẽ “không sợ mất ghế”.
ThíchThích
Hi Tuấn
Cảm ơn Tuấn đã chia sẻ một bài cụ thể bằng chính cuộc sống của mình.
Đọc bài chia sẻ của Tuấn mình thấy Tuấn đã sống chính bài học của Anh Hai chía sẻ hôm nay: “Không chẳng thể bị thương” trong cuộc sống đời thường rồi đó! Chúc mừng nhé.
Matta Xuân Lành
ThíchThích
Reblogged this on NeO Đoàn's Blog.
ThíchThích