Chào các bạn,
Hôm 5/2/2014, chúng ta vừa nghe bài “Power of the dream” do Celine Dion trình bày trên DCN. Bài hát thật tuyệt, và đại ý của nó là mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực. Mình nhắc lại: MỌI ƯỚC MƠ.
Trong bộ phim “The Secret” nói về Luật hấp dẫn, chúng ta cũng được chia sẻ: không có ước mơ nào là lớn nhất. Vũ trụ bao la có thể đáp ứng bất cứ ước mơ nào của bạn, không phân biệt kích thước quy mô, miễn là bạn phải thật sự mơ ước, có niềm tin đạt ước mơ đó và can đảm kiên trì thực hiện ước mơ (đây là đoạn cuối trong bài “Power of the dream”).
Hàng loạt những điều kỳ diệu xảy đến cũng xuất phát bởi những ước mơ mà mọi người cho là không tưởng. Chúa Giêsu cứu người chết sống lại, Phật muốn cả thế gian vượt qua bể khổ. Các vị ấy có cả tỉ người đi theo ngày nay. Hầu hết những phát minh có giá trị của nhân loại đều được liệt vào hàng giấc mơ “điên khùng”: điện, xe hơi, máy bay, bóng đèn, tàu vũ trụ, máy tính, điện thoại… mà nhiều thứ chúng ta khó có thể sống mà thiếu chúng.
Nhưng tại sao phần lớn chúng ta vẫn chưa thành công? Sau bao nhiêu năm phấn đấu, làm lụng vất vả, luyện tập đủ thứ, học nhiều bằng cấp… mà cuộc sống vẫn làng nhàng, tâm linh nông cạn, vẫn gặp đủ chuyện stress, và hầu như chẳng đạt được điều kỳ diệu nào. Mình đang trải qua chuyện này, và mình đã tìm ra câu trả lời, vốn có sẵn từ rất lâu. Đó là thiếu ước mơ.
Chỉ cần vài câu hỏi, mình sẽ nhận ra điều này:
1. Bạn viết ước mơ của mình ra giấy đi?
2. Bạn có tin mình đạt được ước mơ đó không?
3. Bạn có cam kết thực hiện ước mơ đó không?
4. Bạn bỏ ra bao nhiêu thời gian hàng ngày để thực hiện ước mơ đó?
Câu 1, nếu bạn trả lời “Mình chẳng có ước mơ nào cả”, hoặc “Mình có ước mơ nhưng không thể viết ra giấy được”, hoặc “Ước mơ của mình bình thường lắm, sợ bạn chê cười”, hoặc “Ước mơ của mình quá lớn, sợ bạn bảo mình bị điên khùng”, coi như bạn chẳng có ước mơ nào cả. Vậy cuộc đời sẽ trôi dạt, gần như sống không có mục đích. Và không cần trả lời câu hỏi 2, 3, 4.
Câu 2, nếu bạn trả lời không. Vậy thì bạn ước mơ làm gì? Nhiều bạn có ước mơ là mình sẽ đi du lịch khắp thế giới, nhưng không tin điều đó xảy ra, vậy thì làm sao điều đó xảy ra được?
Câu 3, nếu bạn trả lời không. Vậy thì bạn chẳng bao giờ đạt được ước mơ. Vì nếu đạt được cũng chẳng sao, mà không đạt được cũng chẳng sao.
Và câu 4, bạn dành quá ít thời gian cho ước mơ của mình, thì theo luật hấp dẫn, sẽ chẳng có gì liên quan đến ước mơ hoặc có rất ít được hấp dẫn đến cuộc đời bạn.
Bây giờ là vấn đề: Ước mơ của bạn lớn đến đâu? Câu trả lời dựa trên luật hấp dẫn là vô giới hạn. Vì vậy, ước mơ không bao giờ là lớn, vì bạn đang nằm trong quy luật của vũ trụ, vũ trụ thì bao la đến nỗi không có giới hạn. Nhưng rất nhiều trong số chúng ta vẫn có những ước mơ quá nhỏ bé, và chúng ta dùng phương tiện nhỏ bé để đạt được ước mơ ấy, và vì quá nhỏ bé nên ngay cả khi đạt được ước mơ, các bạn vẫn thấy chẳng có gì xảy ra khá hơn trong cuộc sống cả. Chúng ta chưa đủ tự tin để mơ đến những ước mơ lớn, ước mơ vĩ đại, ước mơ mà nhiều người khác cho là không tưởng.
Nhưng làm sao đạt được tự tin? Phải tư duy tích cực, nhìn mọi thứ bằng thái độ tốt đẹp, mọi thứ đều có thể, luôn có cơ hội trong mọi hoàn cảnh. Người khác đạt được thì mình cũng có thể đạt được, và đạt hơn như vậy.
Anh Hoành có ước mơ là chia sẻ tư duy tích cực đến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các bạn người Việt, để mỗi chúng ta thay đổi, để môi trường xung quanh chúng ta thay đổi, để quốc gia thay đổi, và thế giới thay đổi tốt đẹp hơn. Ước mơ ấy có người bảo là không tưởng, nhưng nó đang diễn ra, và đạt những thành quả bước đầu “không tưởng”. Ý kiến là thứ rẻ tiền nhất mà người khác luôn có, và sẵn sàng đưa cho bạn, ngay cả khi bạn không yêu cầu. Vì vậy, nếu bạn nói ước mơ của mình cho người khác nghe, mà nhận được rất nhiều ý kiến phản đối, thì bạn đang có một ước mơ vĩ đại.
Chúc các bạn luôn có ước mơ vĩ đại.
Phạm Anh Tuấn
Bài viết rất truyền cảm hứng. Em cám ơn anh Tuấn.
ThíchThích
Tks Tuấn. Thường thì ai cũng có ước mơ–muốn được nhiều tiền, muốn đẹp như tiên nữ, muốn làm tổng thống–nhưng có vài vấn đề là mơ kiểu mơ màng, nghĩ đến thế cho vui nhưng không mạnh mẽ gì cà.
Nếu một giấc mơ trở thành một thôi thức mạnh mẽ trong lòng đến mức mình phải đi theo thôi thúc đó — đây là điều anh gọi là “Tiếng gọi” (The call; caliing)–thì thường là mình sẽ có đủ sức mạnh và kiên nhẫn để đi.
Nếu mình không có được một calling như thế thì phải tìm một giấc mơ mình thích nhất, và cụ thể hóa nó–viết ra giấy, “quán” nó chi tiết trong đầu, khởi sự làm việc để hiện thực hóa nó. Năng lượng tích cực này sẽ khuyến khích mình đi tiếp.
Tuấn nói đúng là không có giấc mơ nào là quá lớn. Nhưng cũng không có giấc mơ nào là quá nhỏ. Nhiều khi cái nhỏ lại lớn hơn cái lớn. Anh thương nghĩ giấc mơ trở thành cô giáo vườn trẻ và tiểu học thì lớn hơn mọi giấc mơ anh đã có và sẽ có, vì anh chẳng thấy việc gì anh làm mà quan trọng hơn việc của cô giáo vườn trẻ và tiểu học.
Tuy nhiên anh cũng hay nhắc người ta nên mơ lớn vì mình mơ 10 mà chỉ đạt được 5 cũng là lớn rồi, nếu giấc mơ của mình rất lớn. Kiều như xin tiền, muốn được 10 nghìn thì xin 20 nghìn, cho chắc ăn.
ThíchThích
Reblogged this on Vitbeo's blog and commented:
Dành cho bạn nào cũng như mình, cần thêm động lực!
ThíchThích