Tiếng Anh và tìm kiếm thông tin

 

Thế giới phẳng: Làm thế nào để vươn ra
thành global citizen, nắm bắt các cơ hội?
Hoàng Khánh Hòa, NSC Tiến sĩ, Đại Học Missouri – Columbia, Mỹ

 

flat_world1Trong tất cả mọi thời đại, thông tin thường là yếu tố quyết định thành bại. Tôn tử nói: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Cả biết người và biết ta đều đòi hỏi yếu tố cốt lõi là thông tin: tình hình kinh tế chính trị quân sự của ta, tình hình kinh tế chính trị quân sự của địch. Thiếu thông tin là coi như mù, chẳng làm gì được.

Phần lớn thông tin ngày nay nằm trên Internet, và viết bằng tiếng Anh. Cho nên yếu tố quyết định phát triển sự nghiệp cá nhân của bạn cũng như phát triển đất nước là tìm thông tin bằng tiếng Anh trên Internet.

Toàn cầu hóa (globalization) có nghĩa là các cơ hội kinh tế từ nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam có cơ hội phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Và các cơ hội đó đi qua 2 xa lộ chính: Internet và tiếng Anh. Các nước nghèo và các nước giàu có cùng cơ hội như nhau, công dân của nước nghèo và công dân của nước giàu có cùng cơ hội như nhau, đó là lý do tại sao người ta nói “thế giới phẳng”—một sân bóng bằng phẳng cho các bên giao đấu.

Dù bạn là bác sĩ, luật sư, nhà chế biến cà phê, làm luận án tiến sĩ về kinh tế… thì nơi đầu tiên bạn đến để tìm thông tin cho công việc của bạn là Internet, và có lẽ kỹ năng tìm kiếm bạn sử dụng thường xuyên nhất là Google.

Đặt một câu hỏi cho Google thì dễ, ví dụ: “How to roast coffee?” Lướt qua cả trăm câu trả lời tóm tắt, tìm một số bài liên hệ để đọc, thì bắt đầu khó. Chọn ra một vài bài tốt nhất, thì bắt đầu khó hơn. Đọc mỗi bài, có thêm trong đầu một số câu hỏi, rồi theo đường kết nối có sẵn trong các bài, hoặc Google thêm, để tìm lời đáp cho câu hỏi mới của mình, là một nghệ thuật.

Điều quan trọng ở đây là “có thêm trong đầu một số câu hỏi”. Đó là khả năng điều tra (investigation) và phân tích (analytical) của bạn. Thường thì nó chỉ giản dị là chữ “why?”. Ví dụ: trong một bài bạn đọc, có nói “cà phê rang rồi thì để nguội khoảng 24 giờ trước khi dùng”, thì bạn nên có ngay câu hỏi “why?” trong đầu, và nếu trong bài đó không có câu trả lời, thì nên Google tiếp: “Why should we leave roasted coffee to cool for 24 hours before using?”

Tìm kiếm thông tin, mà người ta thường gọi là research, chỉ có vậy, nhưng nó là một nghệ thuật cao độ, đòi hỏi bạn (1) thấy câu hỏi—tức là bạn phải thông minh, có kỹ năng phân tích và điều tra cao và (2) kiên nhẫn tìm kiếm câu trả lời, đồng thời (3) đọc tiếng Anh giỏi.

Điều đáng quan tâm cho chúng ta là hiện nay trình độ research của người Việt nói chung rất thấp, vì rất ít người research bằng tiếng Anh. Muốn giỏi research, các bạn nên bắt đầu làm việc bằng tiếng Anh. Nếu bạn muốn biết người ta khởi nghiệp thế nào, thì Google “How to start a business?” Hoặc nếu muốn khởi nghiệp thì thường gặp những vấn đề gì thì Google “What are the difficulties in starting up a business?”

Chỉ cần sử dụng tiếng Anh thường xuyên như thế, thì bạn có thể đạt được hai mục tiêu quan trọng: (1) tìm ra thông tin từ thư viện lớn nhất của con người—mạng Internet, và (2) giỏi tiếng Anh.

Nếu bạn Google tiếng Việt, tức là bạn tìm thông tin trong một thư viện làng nhỏ xíu, bạn sẽ không có được những thông tin tốt nhất, và sẽ dốt tiếng Anh mãi.

Rất nhiều sinh viên Việt hỏi các câu hỏi mà mình tìm ra câu trả lời dưới 2 phút chỉ bằng Google. Tức là mức độ research của các bạn gần như zero. Hầu như các bạn chẳng hề biết dùng đến Google để tìm thông tin.

Muốn giỏi research thì phải làm research hàng ngày.

Và muốn giỏi tiếng Anh, các bạn phải dùng tiếng Anh hàng ngày.

Mỗi ngày các bạn Google bằng tiếng Anh mấy lần?

Không nhất thiết phải là Google cho các việc quan trọng. Nghe loáng thoáng đâu đó có tin khủng bố nổ bom ở Ấn Độ, các bạn muốn biết tin tức chính xác thì Google “Terrorist bombing in India,” rồi đọc CNN, BBC, Reuters hay Associate Press.

Như thế các bạn có thể theo dõi các tin tức thế giới mà các bạn quan tâm mỗi ngày, bằng tiếng Anh.

Ngày trước, mình dạy tiếng Anh cho các sinh viên Việt Nam qua Mỹ muốn vào đại học ở Mỹ. Nhiều người cho rằng phải học tiếng Anh thật giỏi mới nên vào đại học. Mình khuyên các cô cậu đừng làm thế, cứ xin vào Đại học ngay và học vài môn ít tiếng Anh, như toán, vẽ, thể thao… và học một cua tiếng Anh rất thấp. Các môn như toán, vẽ hay thể thao thì ít tiếng Anh, chỉ cần đọc qua một chút là hiểu được, và vào lớp nghe thầy giảng lại cũng dễ, nhưng nhờ vậy mà mình có điểm đại học ngay và tiếng Anh sẽ giỏi nhờ dùng nó nhiều hàng ngày.

Muốn đọc giỏi tiếng Anh thì bạn dùng tiếng Anh mỗi ngày. Trong nội dung bài này, điều đó có nghĩa là Google tiếng Anh mỗi ngày.

Muốn viết giỏi tiếng Anh thì bạn viết tiếng Anh mỗi ngày. Nếu bạn không làm việc cho một công ty nước ngoài dùng tiếng Anh hàng ngày, bạn vẫn có thể thực tập viết tiếng Anh thường xuyên trong các diễn đàn dùng tiếng Anh.

Muốn nói giỏi tiếng Anh bạn tập nghe và nói mỗi ngày, trong các CLB tiếng Anh chú trọng vào nghe và nói.

Một cách tìm thông tin (research) bằng tiếng Anh khác là các thảo luận trong các diễn đàn dùng tiếng Anh. Bạn có thể bắt đầu research bằng cách dùng câu hỏi của bạn để mở đầu một cuộc thảo luận. Rồi các thảo luận đó có thể đưa bạn xa hơn đến các nguồn thông tin khác.

Tiếng Anh sẽ quyết định ít nhất là 70% sự nghiệp của bạn, nếu không là 90%. Bạn có thể rất giỏi về môn gì đó, nhưng tiếng Anh của bạn tồi, đường tiến của bạn sẽ chậm bằng 1/10 con đường của một người giỏi bằng bạn nhưng đồng thời khá tiếng Anh.

Tìm thông tin (research) cũng vậy. Hai người thông minh ngang nhau, một người giỏi tìm thông tin, một người không. Người giỏi tìm thông tin sẽ tiến nhanh bằng 10 lần người không giỏi tìm thông tin.

Nói tóm lại, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, hai khí cụ quan trọng nhất cho con đường sự nghiệp của bạn cũng như cho phát triển đất nước là tiếng Anh và tìm thông tin trên Internet. Hai kỹ năng này quan trọng hơn tất cả môn học nào của bạn, dù đó là toán học, luật học, y học hay bất kì môn học nào.

Chúc các bạn một ngày thông thạo.

Mến,

Hoành

Một suy nghĩ 18 thoughts on “Tiếng Anh và tìm kiếm thông tin”

  1. Welcome anh trở lại. Có 2 ngày không được đọc bài của anh mà thấy lâu ghê ..
    Em cũng hay tìm kiếm thông tin bằng tiếng Việt lắm. Từ nay phải học cách research bằng tiếng Anh thôi, lợi cả đôi đường nhỉ

    Thích

  2. Thank you, Mr.Hoành.

    Em thực tập theo cách của anh ngay bây giờ. Em rất giỏi tìm thông tin, nhưng chỉ là trong ao làng nhỏ xíu, thật là hổ thẹn.

    Thích

  3. vẫn biết tiếng anh là rất quan trọng nhưng sao đôi lúc tự ti về khả năng học hiểu nó của chính mình quá anh à. vào facebook chát với người nước ngoài, mua sách tiểu thuyết ngoại ngữ về đọc và tập đọc tin tức trên web time.com nhưng sao rất nhiều từ mới và phong cách để đọc hiểu mỗi chủ để trong time.com lại rất khác nhau, trong tiểu thuyết cũng vậy. em dịch lủng cũng lắm, đôi khi dịch buồn cười đến chảy nước mắt tự hỏi sao mình không thể tìm hay bịa ra từ khác để thay thế nghĩa đó cho trôi nhỉ. có thể do thấy các anh chị Việt Kiều, anh, chị, các bạn đi du học về nói,hiểu thông như người bản xứ mà mình cũng niều tuổi rồi mới cảm nhận được rõ giá trị khi có thể biết thông về một ngôn ngữ. Đôi khi rất buồn nhưng Papluca luôn phải tập luyện lại từ ” Nhẫn ” của nho giáo thôi.

    cảm ơn anh Hoành đã chia sẽ bổ ích này!

    Thích

  4. thanks anh Hoanh.
    I will remember your advices. Using English everyday and improve research skill, Is there any one here can share some experience of researching skill or i should ask Google
    Thanks

    Thích

  5. Hi Papluca,

    Tiếng Anh rất nhiều, học không hết được. Nên ta chỉ cần học dòng chính thôi. Các báo lớn của thế giới là dòng chính: Time, Newsweek, Reuters, AP, CNN…

    Và tiếng Anh có rất nhiều idiom, tức là một cụm từ vói nghĩa đặc biệt. Nếu ta dịch idiom ra nghĩa từng chữ thì hoàn toàn sai. Cho nên thấy một cụm từ mà dịch ra từng chữ thì thấy chẳng nghĩa lý gì cả, thì nên Google cụm từ đó xem nó có nghĩa gì.

    Ví dụ: Because he always took her for granted, he became abusive and she were stressed constantly.

    “Take her for granted” nếu dịch từng chữ thì chẳng có nghĩa gì cả. Vậy thì Google: what does “Take her for granted” mean?

    Tiếng Anh thì như học đàn hay học Võ, đừng nhồi nhét , đừng cố thuộc lòng. Cứ thực tập mỗi ngày, lâu ngày tự nhiên mình giỏi.

    Thích

  6. Em muốn phản hồi một chút sau một thời gian (khoảng 2 tuần) áp dụng tip đơn giản mà anh Hoành chỉ. Kết quả là em chịu khó đọc tiếng Anh hơn, và đọc giỏi và thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây.

    Trước đây em rất ngại khi đọc sách báo bằng tiếng Anh. Vì tốc độ đọc của em không nhanh, và mức độ hiểu không cao. Nhưng hiện giờ sau 2 tuần cứ dùng google là dùng tiếng Anh, khi liên tục “phải” đọc tiếng Anh như vậy (với từ điển Lingoes mở sẵn), em thấy việc đọc dễ thở hơn. Tốc độc đọc và mức độ hiểu của em tăng lên đáng kể.

    Sự thay đổi trên không chỉ xuất hiện với chủ đề em hay tìm đọc, mà với tiếng Anh chung. Minh chứng cho điều này là hôm nay em có làm lại phần Reading trong bài test Toefl (một bài test về khả năng tiếng Anh). Nếu cách đây 1 năm em làm các bài này bị thiếu giờ, và số câu đúng không cao, thì đến giờ này em đã có thể làm thừa khoảng 3-5′ (trên khoảng 40′), và độ đúng (độ hiểu) tăng lên một chút.

    Trong 1 năm trở lại đây em không hề chủ động ôn luyện tiếng Anh, nên có sự thay đổi trên em nghĩ phần lớn là do việc lựa chọn đọc bằng tiếng Anh thay cho tiếng Việt hàng ngày.

    Khi em cần tra cứu bất kỳ thứ gì em cũng dùng tiếng Anh. Từ môn chuyên ngành, tin tức, làm đẹp, giải trí, đến những thứ vô thưởng vô phạt… (tất nhiên, một số tin tức đặc thù của Việt Nam thì chỉ có thể đọc bằng tiếng Việt ^^)

    Vì vậy, em nghĩ việc dùng tiếng Anh tra cứu trên Google hàng ngày là một thay đổi nhỏ nhưng đem lại ích lợi rất lớn. Mới đầu có thể không quen, nhưng do nhu cầu cần tìm hiểu thì mình phải cố đọc, cố hiểu. Khi đó mình dần dần sẽ tạo được thói quen đọc tiếng Anh.

    Em rất cảm ơn anh Hoành vì đã chỉ cho em tip nho nhỏ mà rất có ích này ạ. 🙂

    e. Nhung

    Thích

  7. Chào a,
    E là sinh viên và đang tiến hành nghiên cứu khoa học. Tình cờ e tìm thấy bài đăng của a về bài viết của tiến sĩ Hoàng Khánh Hòa. E muốn xin a cho e biết thời gian mà bài viết của tiến sĩ được đăng để tiện trích dẫn vào nghiên cứu của mình ạ.
    E cảm ơn a nhiều.

    Thích

  8. Hi Meoluoi1213,

    Chị Hoàng Khánh Hòa là Nghiên cứu sinh tiến sĩ, tức là đang làm luận án tiến sĩ, và chưa xong.

    Bài này (Tiếng Anh và tìm kiếm thông tin) là bài anh viết. Mỏ đầu có câu hỏi của chị HKH: “Thế giới phẳng: Làm thế nào để vươn ra thành global citizen, nắm bắt các cơ hội?”. Bài viết của anh là để trả lời câu hỏi đó của chị Hòa. Ở đây chẳng nói gì về bài viết nào của chị Hòa cả, dù chị Hòa có viết bài đây đó.

    Có lẽ em hiểu lầm?

    Thích

  9. yes chính xác là đa phần tài liệu được viết bằng tiếng anh và tài liệu gốc tiếng anh thì nội dung rất chuẩn và dễ hiểu. Có những cuốn sách chuyên ngành đặc biệt là CNTT, một số dịch giã cố gắng dịch sang tiếng việt nhưng đọc rất là khó hiểu thậm chí là khó hiểu hơn khi đọc tiếng anh nhiều lần 🙂

    Thích

  10. Cảm ơn anh Hoành về bài viết rất hữu ích. Em luôn có ý thức phải rèn luyện khả năng tiếng Anh và tìm kiếm thông tin trên Google, nhưng lại không biết cách kết hợp kì diệu như bài viết anh chia sẻ. Em sẽ thực tập cách như trên kể từ ngày mai 🙂 Cảm ơn anh lần nữa ạ !

    Thích

  11. Đọc lại bài viết này của anh (lần thứ 4 ,lần thứ 5 gì đó), hôm nay, em lại ngộ ra được một tí.

    Em sẽ chăm chỉ thực hành như anh chỉ bảo.
    Cảm ơn anh nhiều.
    Em Linh.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s