Chào các bạn,
Đây là lần thứ hai mình kể lại chuyện này trước đám đông. Lần thứ nhất cách đây 8 năm, khi mình kể tại Rotary Club của Washtingon DC, nhân dịp the Club nói về đóng góp thường trực của Rotary Club vào “dự án xóa bỏ sốt tê liệt khỏi mặt đất” của World Health Organization (WHO).
Sở dĩ mình chẳng bao giờ nói về chuyện này, vì mình hầu như quên bẵng đi chuyện này, xem như là một chuyện rất nhỏ, chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng những năm gần đây, nhớ lại, và mình từ từ nhận thấy nó là một sự kiện rất lớn trong đời mình. Và mình đã chiến thắng, dù mình chẳng thực sự biết tại sao mình chiến thắng. Và nếu mình đã không chiến thắng thì có lẽ là cuộc đời mình đã đi một đường hoàn toàn khác biệt.
Đó là mùa hè năm mình 15 tuổi, giữa lớp đệ tứ (lớp 8) và đệ tam (lớp 9). Đầu mùa nghỉ hè, mình bị cảm, uống aspirin, và nằm liền tù tì 3 ngày, khi tỉnh khi mê, khi thức dậy uống thuốc… Mình xem như là mình cảm cúm bình thường như mọi khi, dù là lúc đó mình có nhận thấy lần ngày mình có vẻ như bị “mê” nhiều hơn những lần cảm cúm khác. Ngày nay thì mình biết, cảm giác “mê” lúc đó là cảm giác khi bị sốt cao độ, mê sảng. Mình là con trưởng, mấy đứa em thì chẳng biết gì, mẹ mình lúc đó đang bận rộn mua bán hàng PX Mỹ hàng ngày để nuôi cả nhà, chẳng ai hơi đâu mà quan tâm đến mình bị bệnh.
Ba ngày sau mình tỉnh dậy, thấy người rất tỉnh táo, đứng dậy đi vào restroom. Restroom có một bậc cấp cao trước cửa. Mình bước lên và tự nhiên cảm thấy hụt chân chới với. Mình nghĩ rằng có lẽ do nằm mấy ngày nên tê chân, dù rằng mình cũng thấy hơi lạ là chân không cảm thấy tê.
Lúc đi ra bước xuống bậc cấp mình lại bị hụt chân lần nữa. Lạ quá, mình biết là chân mình không bị tê. Vì thế, mình quay lại, bước lên. Lại bị hụt chân. Mình thử lại, lên xuống mấy lần, lần nào cũng thế, chân phải hình như mất hết sức, không đủ sức để đứng vững dưới sức nặng của thân thể. Lúc đó, mình biết ngay là mình vừa bị bệnh sốt tê liệt. Mình vội vàng lên nhà trên, nói cho mẹ mình biết là mình đã bị sốt tê liệt và bây giờ chân phải đã bắt đầu mất sức.
Mẹ mình hối hả cho ba mình biết. Ba mình lúc đó là thiếu úy quân đội thì phải, nhưng trước kia có làm y tá quân y, nên ba mình chích cho mình thường xuyên nước mà ba gọi là B-douze, bây giờ thì mình nghĩ đó là vitamin B12, theo lời ba lúc đó là làm cho tốt xương.
Và mẹ mình dẫn mình đi bác sĩ lung tung. Đương nhiên là các bác sĩ này chỉ làm cái việc cho mình ngồi trên giường, rồi lấy cái búa tam giác bằng nhựa gõ vào đầu gối thử xem chân mình có phản ứng gì không, rồi đi về. Mình quên mất là chân mình có phản ứng gì không, nhưng hình như là chẳng có phản ứng gì. Mình cũng không nhớ là các quý vị bác sĩ có cho thuốc gì không, hình như là có vài loại bổ xương bổ gân gì đó.
Nhưng chỉ trong một hai tuần, là chân phải mình hoàn toàn mất sức, khi đi thì tay phải phải chống vào đầu gối chân phải để đi…
Về sau này nghe mẹ mình kể lại thì mẹ mình lúc đó rất chới với, lo sợ và hụt hẩng, vì ai lại không hiểu kết quả của sốt tê liệt. Và mình là con trai trưởng và là con cưng của ba mẹ… Mẹ mình cầu nguyện liên lỉ.
Mình thì thỉnh thoảng cũng nghĩ đến viễn ảnh là chân mình sẽ teo lại từ từ, và mình không muốn thấy viễn ãnh đó đến. Lúc đó chân đã mất hết sức, nhưng chưa teo. Nhưng lúc đó mình không cảm thấy sợ, mà bận rộn suy tính chuyện khác. Mình lý luận trong đầu: Chân của mình đã mất hết sức và mình không điều khiển nó được nữa, nhưng nếu mình bắt nó phải hoạt động thì nó không thể teo được, vì cơ bắp mà phải làm việc thì nó sẽ tiếp tục khỏe mạnh dù là hệ thần kinh của mình có điều khiển nó được hay không…
Thế là mình tối ngày tìm cách ra trước nhà chơi đủ mọi trò chơi liên hệ đến “chạy” với đám bạn hàng xóm, cũng đều đang nghĩ hè như mình. Đương nhiên là mình đi hay chạy gì thì cũng phải chống tay phải lên đầu gối, cà khẹo, và không nhanh như bình thường được… Đám bạn trong xóm có tên mới cho mình ngay tức thì: “Hoành què”…
Công việc bận rộn của mình hàng ngày là cứ rủ hàng xóm chơi các môn có chạy trong đó—tạt lon, bóng đá, trốn tìm, chơi u… Mấy đứa hàng xóm cũng tốt bụng, luôn tìm cách chậm lại một chút cho mình, mà khi mình chạy thì luôn cổ vũ mình…
Mình có lẽ chẳng có thời gian để lo sợ. Nhưng mình cũng nhận ra là chân mình vẫn nằm ở trạng thái hoàn toàn không có sức lực, và chẳng thấy có tiến bộ gì cả.
Dù vậy mình vẫn có ưu tiên rất rõ trong đầu lúc đó: Phục hồi sức lực là chuyện sau; chuyện cấp kỳ là phải hoạt động chân thường xuyên để các bắp thịt không bị chết và teo lại vì thiếu hoạt động.
Mình chẳng nhớ là mình có cầu nguyện lúc đó hay không. Có lẽ là không. Nếu có thì chắc chỉ thoáng qua một hai lần, vì mình chẳng nhớ gì về cầu nguyện cả. Cầu nguyện có lẽ là phương thuốc cuối cùng mà một cậu bé 15 có thể nghĩ đến, sau khi danh sách mọi y sĩ đông tây đã được tận dụng triệt để!
Các bác sĩ thì rất chán. Chẳng vị nào thời đó có được một chữ tư vấn là mình nên làm gì cả. Mọi suy nghĩ mình có lúc đó thuần túy tự mình nghĩ ra, chẳng biết có căn bản y khoa gì không, và cho đến ngày nay mình cũng không buồn kiểm tra lại.
Mẹ mình bắt đầu chán bác sĩ, và theo người ta chỉ đường, đưa mình lên Ông Tạ ở Chợ Ông Tạ (ngày nay là chợ Phạm Văn Hai, trên quãng đường mà Ngọc Vũ vừa tổ chức ĐCN Offline ở Sài Gòn, cuối tháng 7/2012). Ông Tạ này nổi tiếng đến nỗi Chợ Ông Tạ lấy tên của ông đặt tên chợ. Vậy là từ đó mình uống thuốc bắc (đương nhiên là rất đắng và khó nuốt – nhưng đó thực ra ngày nay mình hiểu là thuốc nam; thuốc bắc là thuốc cây cỏ theo người Tàu, thuốc nam là thuốc cây cỏ theo người [Việt] nam), được ba mình tiếp tục chích B12, và hoạt động chân hàng ngày qua các môn chơi…
Rồi một ngày nào đó, khoảng hai tháng sau khi mình bắt đầu bị bệnh, có lẽ khoảng 3 tuần nữa thì vào niên khóa mới, mình có cảm tưởng là chân bị liệt (chân phải) của mình đã có được một chút sức lực. Đó là chỉ cảm giác rất khẻ mà thôi, vì chân vẫn chưa làm được gì cả.
Mình báo cho mẹ mình: Con nghĩ là chân con bắt đầu có sức trở lại. Chỉ là một cảm giác thôi. Nhưng rất rõ. Có lẽ là con đang hồi phục.
Đương nhiên là mẹ mình rất vui, nhưng đương nhiên là cả mình và mẹ đều không thể chắc chắn gì lúc đó cả.
Ngày hôm sau và những ngày sau đó, cảm giác có sức đó mỗi ngày mỗi mạnh. Hình như việc đầu tiên mình làm được là nhúc nhích các ngón chân. Rồi rất nhanh, mỗi ngày cơ chân của mình mạnh thêm một chút…
Trong vòng ba tuần sau, đến ngày nhập học niên khóa mới, là mình có thể đi thẳng mà không cần phải chống tay vào đầu gối, dù rằng chạy thì chưa được, và lên cầu thang thì vẫn phải vịn vào thành cầu thang.
Lúc vào lớp mới, mình kể cho các bạn nghe mình vừa thoát khỏi sốt tê liệt, chẳng đứa nào tin cả, ai cũng nói mình nói xạo (ngoại trừ một đứa cùng xóm). Vì thế mình cũng chán kể… cho đến bây giờ.
Đến mấy tháng sau đó, dù mình đã có thể chạy nhè nhẹ trở lại, nhưng chân phải yếu thấy rõ, không đá bóng tốt như bình thường. Hình như là phải hai năm sau đó chân phải mình mới hoàn toàn bình thường trở lại, tức là mạnh hơn chân trái, như trước kia.
Rốt cuộc, mình chẳng biết nhờ các bác sĩ, nhờ B12 của ba mình, nhờ Ông Tạ, nhờ mẹ mình cầu nguyện, nhờ đó là một loại sốt tê liệt chỉ thuộc hàng đai trắng, hay nhờ mình quyết tâm hoạt động, hay nhờ tất cả mọi thứ kể trên mà mình hồi phục…
Ngày nay, mình hiểu thêm là khi một hệ thần kinh của một loại hoạt động, như là chân, vừa bị chết, nếu ta tiếp tục thực hành loại hoạt động đó thì não bộ sẽ từ từ tạo ra những đường thần kinh mới, thay thế hệ thần kinh cũ vừa chết. Đó cũng là lý thuyết y khoa cho physical therapy (vật lý trị liệu) để phục hồi chức năng hoạt động cho những người bị đột quỵ rồi sau đó bị liệt tay, chân, miệng, hay cả nửa người, v.v… Có nghĩa là ý chí chiến đấu của mình hồi đó, bắt cái chân hoạt động liên tục vào lúc đó, với sự trợ lực của B12 từ ba mình và thuốc nam của ông Tạ, hóa ra đã bắt não bộ tạo ra hệ thần kinh mới điều khiển chân. Mình cũng có nghe nói là vật lý trị liệu chỉ có kết quả khi nó được thực hành ngay sau khi vừa bị bệnh, nếu để quá lâu thì nó không có hiệu quả.
Anyway, mình quên bẵng luôn chuyện này, chỉ nhớ lại để kể 8 năm trước tại Rotary Club, và bây giờ kể lại cho các bạn.
Và ngày nay thì mình nhìn lại chuyện này như là một ân huệ lớn từ Trời.
Chúc các bạn một ngày khỏe mạnh.
Mến,
Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dear Anh Hai
Em nghĩ tính lạc quan đã giúp anh Hai thắng được di chứng của bệnh sốt bại liệt vì theo kinh nghiệm điều trị em thấy những bệnh nhân có được sự lạc quan thì đáp ứng điều trị rất tốt và nếu là ung thư thì họ cũng có thể kéo dài thời gian sống lâu hơn.
Còn chạy nhảy của anh Hai coi như là điều trị theo liệu pháp vật lý trị liệu vậy nhưng nếu anh Hai không lạc quan thì đố thực hiện được điều thứ hai này đúng không anh Hai?
Chúc mừng anh Hai đã thành công và thành danh.
ThíchThích
Chúc mừng anh. Đúng là luôn có món quà tuyệt vời cho những cố gắng là nỗ lực vượt qua thử thách 🙂
ThíchThích
Cảm ơn anh đã chia sẻ câu chuyện này.
ThíchThích
Tuyệt vời quá anh ơi. Anh đã cổ vủ tinh thần cho em. Chuyện của anh làm em nhớ tới em đọc ở đâu đó, những người sống sót trong trại tập trung của Đức là những người có ham muốn sống mãnh liệt nhất.
Em cũng đang có vấn đề về chân trái của em. Năm ngoái em đi du lịch bụi vài nước Châu Âu 2 tuần, khi chuẩn bị lên máy bay ở Đức, đi trên đường, có ai mới xịt nước gì, đường trơn, em xìa cái, chưa té gì cả, trong chẳng có vẻ gì là một vụ tại nạn nhưng chân em sưng vù lên, em lê lết lên máy bay. Về Việt Nam đi khám thì bác sỹ cũng chỉ nghỉ là bong gân bình thường, cho uống thuốc, nhưng mãi mà chân em vẫn không bình thường, teo cơ, đi khám lại thì hóa ra em bị rách sụn chêm, phải mổ…
Bác sỹ cũng rất chán, mổ xong rồi bảo em tập luyện nhưng chả hướng dẫn gì cụ thể, thế là em mày mò trong mấy tháng, thấy không hiệu quả, phải đi vật lý trị liệu họ dạy cho cách tập luyện. Bây giờ sáng nào em cũng đạp xe 1 tiếng, đẩy tạ, nhảy dây…làm đủ trò, cơ chân trái em đang dần mạnh lên, nhưng em thấy vẫn chưa thấm vào đâu. Bây giờ em đi bộ lâu là đau, không nhảy múa nhiều được…con đường phía trước còn lắm chông gai.
Có lẽ đây là thử thách mà cuộc đời mang đến cho em để em biết quý trọng hơn từng bộ phận trong cơ thể mình? để cảm thấy khỏe mạnh đã là hạnh phúc lắm rồi? để ý chí của em phải mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn nữa, như anh Hoành ấy, để cơ chân trái khỏe như cơ chân phải?
Và em cũng muốn nhắc nhở mọi người…mọi người ơi, hãy cảnh giác với những vũng nước ở trên đường, hãy cảnh giác với đường trơn, sàn nhà trơn.
ThíchThích
Cám ơn anh đã kể lại câu chuyện này. Nó gợi cho em nhớ lại nhiều điều …Và em thấy thú vị với một điều: nếu mình không chấp nhận một cái gì đó “đã chết”, không để cho nó có thể chết, thì nó sẽ phải sống, anh nhỉ! 🙂
ThíchThích
@ Bảo Quyên: cố lên nha em. Không biết nhà em ở đâu nhỉ? hay buổi sáng 2 chị em mình … đi đánh cầu lông đi. Nếu nhà cách nhà chị khoảng 5-7 km thì buổi sáng đạp xe 30p sang chị, đánh cầu lông 30p, lại đạp xe về 30p, hihihi…
ThíchThích
Quan trọng nhất vẫn là tinh thầnh anh Hoành nhỉ ,kể thì nghe nhẹ nhẹ thế thôi chứ phải là mình mà bị xem,chắc khổ não lắm ,em mới bị tê mỏi người mà đã thấy ớn ,em kính phục anh Hoành và em Quyên thật đấy
ThíchThích
Hi Bảo Quyên,
Chị nhớ là yoga có bài tập cơ rất hay,hơn thế bài thư giãn tư thế xác chết có thể làm ấm cơ thể và năng lượng hài hoà các cơ lắm .Em có thể thử được không .Mong em chóng hồi phục 🙂
ThíchThích
Đọc bài của a Hoành, e tự hỏi điều gì khiến một cậu bé ở tuổi 15 có suy nghĩ tích cực và nghị lực như vậy ạ?
ThíchThích
Anh Hoành thật may mắn. Mình thì không có B12, không có Ông Tạ, cũng không cầu nguyện hay quyết tâm hoạt động, vì khi bị sốt mình chỉ mới 5 tháng tuổi. Khi ấy mình chỉ có bác sỹ gõ gõ chân, mà loại sốt tê liệt của mình lại thuộc hàng đai đen, cho nên mình đã không chiến thắng được nó như cách anh Hoành. Nhưng mình đã chung sống được với nó bằng cách chấp nhận, thích nghi và cải thiện những khả năng khác. Và mình thấy mình vẫn còn rất nhiều may mắn: còn cái đầu tỉnh táo, còn đôi mắt nhìn đời, đôi tay làm việc, còn có gia đình, bạn bè… bây giờ lại có cả họ nhà Chuối… 🙂
Trước đây mình từng tham gia hoạt động xã hội trong lĩnh vực khuyết tật, và bài học tư duy tích cực đầu tiên mà mình rất tâm đắc là “hãy nhìn vào những khả năng (ability) chứ đừng chỉ thấy khiếm khuyết (disability) của người khuyết tật”.
@ Bảo Quyên ơi, ráng kiên nhẫn tập cái chân đi nhé. Khi nào nhảy điệu “slow mùi” được thì đến tập cho chị với 😀
ThíchThích
Woa, nhờ anh Hoành kể câu chuyện này mà em mới biết DCN có nhiều người bị sốt tê liệt đến vậy!
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành.
Lúc 3 tuổi em bị sốt, hồi đó năm 85 đói nghèo. Mẹ đưa em lên viện thì em bị co giật. BS nói em bị liệt nửa người bên trái. Giờ em 30 tuổi. Chân tay trái vẫn nhỏ và teo đi. Nhưng nhờ tình cảm của Bố Mẹ, em đã vượt qua đc cuộc sống đầy khó khăn. Giờ cuộc sống có điều kiện hơn, không rõ là có nơi nào hoặc cách nào chữa được, chỉnh hình lại được không các anh chị nhỉ? Vì em rất thể thao, đá bóng. Nhưng mỗi lần ra sân là mọi ng đều nhìn với ít nhiều ánh mắt kỳ lạ, đùa cợt, chế giễu làm cho em cảm giác như mình không còn tự tin nữa.
ThíchThích
@ Tuấn: ở VN bây giờ cũng có những hoạt động thể thao dành cho người khuyết tật. Em lên google gõ “thể thao người khuyết tật” thế nào cũng thấy thông tin để liên hệ. Việc chữa trị, chỉnh hình thì em có thể đến khám tại các Trung tâm phục hồi chức năng. Ở SG Trung tâm PHCN ở số 70 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3.
ThíchThích
@Chị Quỳnh Linh: nhà em ở chung cư Miếu Nổi, không biết gần chỗ chị không nữa. Nhưng em không có đánh cầu lông được, em chỉ làm cái gì mà khiến cơ hoạt động mà đầu gối không chịu lực í, như đi xe đạp, đẩy tạ…
@Chị Phong Lan: cám ơn chị đã gợi ý, em thử tìm hiểu xem sao, em cũng rất thích yoga, mà thấy nó có vẻ nhẹ nhàng, không biết có làm cho cơ to lên không. Để em tìm hiểu thêm.
@Chị Thiện Châu: nhờ anh Hoành đăng bài này mà em hiểu thêm về chị, nghe được câu chuyện của chị, em thiệt là ngưỡng mộ chị đó.
@anh Hoành: em thích chi tiết khi anh nói về biệt danh Hoành què của mình, hồi còn nhỏ xí mà anh đã có cái tính không chấp rồi, thường mấy đứa trẻ bình thường mà ngay cả người lớn khi bị chọc như thế là không dám ra đường rồi…
ThíchThích
@ Thu Thủy: Từ hồi nhỏ, vì ba anh là lính, nên gia đình di chuyển thường xuyên–Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Pleiku, Nha Trang, Sài Gòn… Trừ Sài Gòn là trạm chót, các trạm kia lắt nhắt 2, 3 năm.
Thường là mỗi trạm, mình là ma mới thì hay bị ma cũ bắt nạt.
Các trạm trước thì anh quá nhỏ nên không nhớ. Trạm Pleiku, 6 tuổi, thì ít bị bắt nại, ít phải đánh nhau, vì dân Pleiku cũng là dân tứ xứ như nhà mình–đủ loại giọng nói khác nhau.
Trạm Nha Trang – 8 tuổi – là bị bắt nạt dữ dội, vì ở đó chỉ có dân bản xứ nói giọng Nha Trang rặc ri. Mình thì, bố mẹ nói tiếng Quảng Bình; mình và các em ở nhà thì nói giọng Quảng Bình, ra đường thì nói giọng không phải Quảng Bình nhưng không phải là giọng Nha Trang chuẩn. Mà mình là anh cả, phải bảo vệ các em, nên mình đánh nhau liền tù tì–thường là một đánh nhau với 2, 3 hay 10 đứa nhóc khác. Vừa đánh vừa chạy. Và cứ phải đánh nhau cho đến lúc chúng nó không buồn bắt nạt nữa (cũng từ vài tháng đển một năm).
Vào Sài Gòn, nhà đổi chỗ vài ba lần, mà dân Sài Gòn còn du côn hơn các tỉnh khác, nên mình cũng phải đánh nhau kiểu đó liền tù tì. Vào thời điểm 15 tuổi, nhà cũng vừa vào nơi mới, nên vẫn còn đánh nhau liền tù tì…
Một yếu tố khác nữa là từ nhỏ đến lớn mình học bài chẳng có bài toán nào là mình không giải cho xong. Dù khó cỡ nào mình cũng phải ngồi, đôi khi mấy tuần liền, giải cho ra.
Cho nên, bây giờ mình nghĩ lại thì thấy, chiến đấu với sốt tê liệt bất ngờ tới, đối với cậu bé 15 tuổi, cũng chỉ là một bài toán hay một cuộc đánh nhau khác. Chẳng có gì là lớn lao cả.
@ Tuấn & Châu: Trung Tâm Chỉnh Hình mà Châu nói đã có mặt tại Đường Bà Huyện Thanh Quan, SG, từ trước 1975 rất lâu. Hổi trước có tên gì đó anh quên rồi, đến khoảng 1972, hay 1973 thì phải, thì đổi tên thành Trung Tâm Chỉnh Hình.
Mình không biết là bị bệnh từ nhỏ thì bây giờ có thể làm gì được để thay đổi cơ thể mình không (ngoài việc dùng các prothesis nhân tạo). Mình tập võ (từ năm 16 tuổi, cũng vì phải đánh nhau tự vệ, vừa đánh vừa chạy mãi) cho nên hiểu rất rõ là nếu nơi nào có một cơ nào đó ở đó, thì ta luôn có thể huấn luyện cho cơ đó làm việc “phi thường” mà người không tập võ thì không làm được. Nhưng nếu các cơ tay cơ chân nơi nào đó đã chết từ lâu rồi, không còn ở đó nữa, thì có lẽ là chẳng có gì để luyện tập.
Một điều nữa bây giờ mình hiểu ra, nhất là lúc mình tập luyện cho mẹ mình sau khi mẹ mình bi đột quỵ, là hệ thần kinh của con người, nhất là trong não bộ, là một hệ rất sinh động, và có thể lập đường mới nếu đường cũ bị hỏng. Khi não bị hỏng phần điều khiển chân tay chẳng hạn, nếu ta cứ tập sử dụng chân tay thì hệ thần kinh sẽ mọc ra những đường dây mới để lo việc điều khiển chân tay. (Có lẽ đây là điều xảy ra cho mình năm mình 15 tuổi, một cách nhanh chóng, vì mình phản ứng lại với bệnh tức thì, phản ứng lại đữ dội).
Tuy nhiên, có một chuyện quan trọng hơn cả mà Thiện Châu đã nói rồi là mỗi người chúng ta có một vốn liếng–mọi cơ phận khác, và cả cơ phận bị khiếm khuyết là vốn liếng. Nếu ta biết sử dụng vốn liếng của mình để “kinh doanh” thì vốn liếng đó có thể thành gia sản rất lớn. Nếu ta không biết sử dụng vốn liếng, thì nghèo cả đời.
Vấn đề “sống” giản dị có vậy. Sử dụng vốn liếng hiệu quả.
Khuyết tật cũng là một vốn liếng. Ví dụ, người khuyết tật thì có những khó khăn và chiến đấu mà những người không khuyết tật không có. Đó chính là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chiến đấu, và kinh nghiệm chiến thắng ở đời. Đó chính là “công phu nội tại” ít người có, và đó là vốn liếng RẤT LỚN cho thành công.
Không có gì của mình mà mình không thể dùng như sức mạnh cả. Tất cả mọi thứ mình có đều là sức mạnh của mình.
Anh học võ ở Mỹ, đụng mấy anh chàng Mỹ bạn học chung, chúng hắn lớn và mạnh hơn mình rất nhiều, và toàn là dân dạy võ, chuyên võ nhiều năm. Anh học hồi nhỏ để tự vệ. Sau này chẳng buồn tập nữa. Và chỉ tập lại những năm sau này cho sức khỏe là chính. Đương nhiên là để chúng hắn đánh trúng một cái là mình đi đong. Nhưng từ từ anh phải chú tâm vào khám phá ra những cách chuyển động như chớp, mà chúng bạn nói là “like the wind”, để đối phó với mấy chàng khổng lồ, và vì thế mà mình vẫn có thể đứng vững trên sàn đấu.
Vào tòa cũng thế, mình ăn nói không chuẩn giọng địa phương, không dùng tiếng lóng hay như dân địa phương, thì mình tạo ra cách nói chậm rãi, từ tốn, lý luận rất chắc và rất dễ hiểu, và tạo cho ông tòa ý tưởng là “anh chàng này người nước ngoài mà vào tòa đánh nhau với dân bản xứ, thì anh ta phải rất siêu”. Mà ông tòa nghĩ thế trong đầu, thì rất dễ để cho ông đồng ý với các lập luận của mình.
Tất cả mọi thứ ta có–kể cả khuyết tật–đều là vốn liếng của ta, để ta sử dụng có lợi cho mình. Chẳng có gì ta có mà không là vốn liếng trời cho.
Cả nhà vui nhé.
ThíchĐã thích bởi 2 người
Anh Hoành ơi, ngay từ nhỏ mà anh đã phải tự vệ và chiến đấu rồi, thế anh tự học như thế nào ạ? Có khi nào bị rơi vào tình huống là mình bị “dính đòn” ghê gớm không?
ThíchThích
Hi Hồng Thuận,
Đánh nhau mà có gì để học. Chúng nó đánh mình, thì mình đánh lại. Đánh không lại thì vừa đánh vừa chạy. Thường là anh phải vừa đánh vừa chạy, vì ít khi một ma cũ bắt nạt một ma mới, thường thì ma cũ đi một bầy.
Cũng nhờ vừa đánh vừa chạy mà ít khi anh bị đòn quá nặng. Nhưng đương nhiên mặt mày bầm tím là chuyện thường xuyên rồi. (Thường thì anh bảo thằng em của anh, hay đi học chung với anh, chạy trước, rồi anh mới chạy)
Và anh không bao giờ khiêu khích và làm cho tình hình nghiêm trọng hơn–như là dùng vũ khí, cây gậy, v.v.–để tự vệ. vì ngay từ nhỏ anh cũng đã cảm thấy đánh nhau bằng tay thì mình có thể đối phó với cả 10 bằng cách chạy, chứ nếu 10 tên kia mà cầm vũ khí thì mình hết đường chạy. (Nếu mình chỉ có tay không, chúng hắn sẽ dùng tay không với mình, vì chẳng lý do gì 10 người phải dùng vũ khí với một người. Vậy thì rất hèn. Hơn nữa chúng hắn chỉ bắt nạt chứ chẳng thù oán gì mình).
Nhung nếu một ma cũ tình cờ đụng anh trên đường mà bắt nạt, anh đánh tới tấp cho nó sợ (Mình bị đánh hoài cho nên một chọi một thì mình thường giỏi hơn chúng hắn vì kinh nghiệm hơn) 🙂
ThíchThích
Anh Hoành ơi,
Theo lời anh kể em thấy anh là một người có nghị lực lớn. Anh có nghĩ rằng mình may mắn không?
ThíchThích
Hi Bình An,
Đương nhiên là mỗi chúng ta đều rất may mắn. Mỗi thứ mình có đều do trời cho. Mỗi cơ hội, mỗi thành công, là do trời cho. Ngay cả các thất bại cũng là các bài học trời dạy.
Mình có thể plan mọi thứ đến từng chi tiết nhỏ, nhung, chỉ cần một chàng say rượu lái xe đụng mình, là mọi kế hoạch đều hỏng.
Không bị xe đụng cũng là một ân huệ từ trời, vì mình chẳng biết người say ở đâu mà tính.
Mình nghĩ là Trời cho chúng ta rất nhiều, ta có nhận thấy điều đó hay không mà thôi.
ThíchĐã thích bởi 3 người
Woa, thì ra anh Hoành có tuổi thơ dữ dội đến vậy!!! Em cứ nghĩ là anh sống êm đêm ở Sài Gòn đến cỡ năm 1975 thì vượt biên chứ. Đâu ngờ anh di chuyển dữ thế!
Chia sẻ của anh và các bạn về chủ đề này giúp em học thêm được nhiều quá.
ThíchĐã thích bởi 1 người
@ Bảo Quyên: chị có quen vài người được trời cho “số vốn khuyết tật” (nói như anh Hoành) nặng nề, nghiệt ngã hơn chị rất nhiều, mà họ vẫn “sống” tốt với số vốn đó. Những người đó mới thật đáng ngưỡng mộ em à! Chị thì còn được Trời cho nhiều ân huệ lắm (chỉ không đi được thôi chứ “món” gì cũng “chơi” được hết 😀 )
Chị có quen một người bị liệt tứ chi mà lại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng cô bé đó đã học tới đại học. Nhìn nét chữ ngay ngắn, rắn rỏi của nó không ai có thể nghĩ rằng nét chữ đó được viết bằng một cây bút kẹp giữa 2 cái cổ tay (vì 2 bàn tay nó liệt rũ như 2 cái lá nhưng 2 cẳng tay còn nhúc nhích được một tí). Anh Hoành nói rất đúng: Trời cho chúng ta rất nhiều, ta có nhận thấy điều đó hay không mà thôi.
Chúc em sớm hồi phục cái chân nhé!
ThíchThích
Nghe anh Hoành kể chuyện phải tự vệ em hết giận ông xã 🙂 đúng là em chả hiểu gì về những chuyện mà mình chưa gặp 🙂 Cảm ơn anh .
ThíchThích
THẬT may mắn, em mừng cho Anh. VÀ mong THẬT nhiều TRẺ em KHÁC cũng may MẮN như VậY khi ĐÃ lỡ sốt bại LIỆT …
ThíchThích
Anh Hoành ơi, khi em học lớp 5, một bạn trai trong lớp nói xấu về bố em, em tức không chịu nổi, thế là khi tan học, em và bạn này đã hẹn đánh nhau. Em hồi nhỏ bị bắt nạt thường xuyên nên cũng có không ít vụ đánh nhau (với cả nam lẫn nữ) :D, nên ước mơ hồi nhỏ là giá mà con gái được học võ, để tự bảo vệ mình.
ThíchThích
Hi Thuận,
Bây giờ em học Aikido cũng được vậy, ai cấm. Aikido rất Thiền, rất đẹp, rất mềm dẽo uyển chuyển (cho phụ nữ một cơ thể rất là hấp dẫn), và là võ thuật tự vệ.
Thay vì tập các môn thể thao khác thì tập Aikido.
Anh tin rằng mọi cô gái đều nên viết võ, để có thể tự vệ tốt hơn.
ThíchThích
Mình cũng khuyên các bạn gái, nếu có điều kiện, nên tập Aikido.
Đòn thế Aikido rất đẹp. Và triết lý của Aikido rất hay, rất hợp với những người yêu hòa bình, những người có ý thức luyện tâm.
Aikido là môn võ không tấn công, chỉ hóa giải các đòn tấn công theo các mạch hóa giải bằng dường xoắn và bán xoắn và nguyên tắc vòng cầu.
Từ AI trong tiếng Nhật có nghĩa là “hòa hợp”, là gia nhập và hòa tan vào kẻ tấn công. Với triết lý “hòa hợp”, Aikido không chỉ là một môn võ tự vệ mà còn là một cách sống rất Thiền.
Mình chỉ là một đai trắng Aikido, nhưng mình tìm hiểu về Aikido nhiều và mình rất tâm đắc.
Nếu lớn tuổi, bạn vẫn có thể tập Aikido, chỉ cần té lăn, đừng té nổ (té bổng gây tiếng nổ), hoặc bạn chỉ tập kỹ thuật hóa giải và không hoặc giảm té để bảo đảm an toàn.
ThíchThích
Anh Hoành ơi,
Thiếu lâm có thể dành cho con gái không ạ 🙂
ThíchThích
Tối qua, mình bị lê liệt toàn thân vì sốt,không thể cử động được và la hét vì đau quá. Sau khi uống thuốc ngoài tiệm thì đỡ dần đỡ dần và hết cho tới sáng nay.
Không biết mình có bị sao không nữa
ThíchThích