Chào các bạn,
Bánh vẽ là bánh vẽ ra trên giấy, không phải bánh thật. Không ăn được. Chỉ có thể nói và tán hưu tán vượn về nó.
Theo đinh nghĩa như thế thì tất cả mọi dự định, mọi toan tính, mọi đích điểm tương lai của chúng ta đều là bánh vẽ, nói thì được, nhưng ăn không được.
Vậy nghĩa là sao?
Nghĩa là ta có, và nên có, những giấc mơ tương lai, dự định tương lai, đích điểm tương lai, để làm động lực cho ta tiến tới. Nhưng dù sao tương lai vẫn là bánh vẽ, cho nên đừng lấy bánh vẽ của ta mà làm hại người khác hay làm hại chuyện thật của ta lúc này.
Như là:
• Tối ngày cố đuổi theo tương lai mà chẳng để tâm đến vợ con một chút nào.
• Chỉ vì sự nghiệp tương lai của mình mà đâm sau lưng bạn bè.
• Nhà nước vì các viễn ảnh tương lai của đất nước mà hành hạ dân lúc này.
• Người làm cách mạng vì các hình ảnh tương lai mà gây đổ máu ngập trời lúc này.
• Người làm tôn giáo vì viễn ảnh của nước Trời trị vì thế gian mà gây chiến tranh lúc này.
…
Tương lai luôn luôn là một cái bánh vẽ. Có giá trị rất ít. Nếu mơ ước tương lai rất quan trọng để thúc đẩy ta tiến tới, thì đó cũng chỉ là quan trọng với ta, chẳng quan trọng gì với người khác. Không thể lấy cái bánh vẽ để làm hại nhau được.
Sống thật là “sống ở đây lúc này”. Nếu ngày nào ta cũng sống thật tròn đầy cho ngày đó, thì đương nhiên là những ngày của tương lai khi đến thì cũng sẽ được tròn đầy. Và sống tròn đầy là lo lắng và làm việc cho chính mình cũng như cho mọi người quanh mình. Thế giới chẳng chỉ mình ta.
Chúc các bạn một ngày sống thật.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Điều này tôi chưa hề nói với ai, bởi nếu nói ra sẽ mắc cở với lòng mình. Bây giờ tôi nói với bạn, vì bởi, bạn với tôi chưa từng biết nhau, nói ra, nếu bạn cười, coi như huề.Chuyện thế này. Thời còn trẻ, tôi từng vẽ một cái bánh thiệt to là sẽ trở thành NHà Văn, tôi đã từ bỏ cả sự nghiệp của mình, một công việc làm ổn định để theo đuổi cái bánh vẽ đó. Cái bánh vẽ đó bây giờ đã xa, rất xa .Mà trước mắt là một cuộc sống rất tồi tệ, tuổi trẻ của mình đã đi xa rồi,rất xa
ThíchThích
Chào anh Thanh Sơn,
Mình nghĩ rằng việc gì chứ việc viết văn thì không bao giờ quá trễ để bắt đầu, vì càng lớn tuổi chúng ta càng sâu sắc. Mà viết văn thì cần sâu sắc, mọi thứ khác là chuyện phụ.
Anh đã từng qua Campuchia hồi 1979. Đó là thời điểm lớn của lịch sử Campuchia, và cũng lớn với lich sử VN, vì đó là thời khá hỗn loạn ở VN, mới xong 1975, đủ thứ thay đổi kinh tế cực kỳ hỗn loạn ở miền Nam, rồi đưa quân sang Campuchia giải cứu Campuchia nhưng sau đó lại bị Mỹ kêu gọi cả thế giới cấm vận chỉ vì đưa quân sang Campuchia (Mỹ lúc đó mới thất trận, còn cáu sườn, nên cũng chẳng trách được)… Bây giờ anh chỉ cần viết lại nhưng gì anh thấy được trong thời qua Campuchia đó, với cái nhìn sâu lắng hơn sau 31 năm, thì có lẽ là các bài viết sẽ rất sâu sắc.
ĐCN luôn luôn sẵn sàng post bài của bạn bè mà.
ThíchThích
Em thấy cảm động quá khi đọc 2 phản hồi trên.Khi nãy em định viết phản hồi cho anh thanh son nhưng em nghĩ thế nào anh Hòanh cũng trả lời anh ấy và chắc chắn là giải pháp rất hay, anh Hòanh luôn chu đáo như vậy. Em cảm ơn các anh ,nhưng người đi trước luôn là tấm gương cho chúng em .
@: Anh Thanh sơn: Em nghĩ không có gì hối tiếc khi mình làm việc mình thích , anh hãy làm nó thật tròn đầy ạ. Anh thật dũng cảm.
ThíchThích
Em chào cả nhà,
Em cảm ơn anh Hoành nhiều:)
Em thường nghĩ thế này, cái thời gian hạnh phúc nhất là quãng thời gian mình làm cái bánh đó chứ không phải lúc vẽ cái bánh đó và lúc ngắm nhìn cái bánh đó hoàn thành. Vì thực ra vẽ ra một cái bánh thì rất dễ, và ngắm nhìn nó thì có lẽ cũng nhanh chán:D vì khi xong rồi thường lại có hình ảnh của cái bánh khác xuất hiện.
Do vậy khi ta vẽ ra một cái bánh chẳng giống ai, và cũng chẳng ai thích (miễn là không độc hại:D) thì cũng không quan trọng bằng việc ta đã thử làm nó bằng niềm vui hạnh phúc và đam mê của một người thợ làm bánh chuyên nghiệp. Vì suy cho cùng thường những cái gì “Lạ” là “Quý” :).
Chúc anh Sơn sẽ sớm thực hiện được ước mơ của mình,
Chúc các bà, các mẹ, các chị và các em gái một ngày 20-10 tràn ngập niềm vui:X.
Chúc cả nhà chuối một ngày làm được nhiều cái bánh đặc biệt.
Em Thuận.
ThíchThích
Rất hay!
Những bánh vẽ lớn: bánh vẽ tôn giáo, bánh vẽ chủ nghĩa.
Đã gây nên những cuộc “thánh chiến”, “cách mạng văn hóa”, “Khờ Me đỏ”…v.v và v.v.
Những bánh vẽ nhỏ hơn của lợi danh
Đã làm khổ, làm hại, làm hỏng, làm mất
bao cuộc đời!
Có phải là:
Luôn cầu tiến, cầu thiện
Nhưng hãy sống trong hiện tại
Với bình tâm, với tình yêu, với niềm vui!
ThíchThích
HÃO HUYỀN
Hão huyền gió, hão huyền mây
xoay tròn bốn phía đó, đây hão huyền
canh suông bánh vẽ triền miên
làm ta thành sợ cõi tiên cõi trần.
ThíchThích
Em nghĩ là cuộc đời ai cũng phải có 1 cái bánh, nếu không thì sống thật vô nghĩa. Nhỏ to thế nào là tùy trí tưởng tượng của mỗi người. Và mọi thứ chỉ kết thúc khi mình không còn trên cõi đời này thôi. Ý kiến em ạ.
ThíchThích
Hi Nam,
Đương nhiên là thế. Anh có viết trong bài, các cái bánh vẽ này thường là động lực cho “mình”. Nhưng chẳng nghĩa lý gì với “người khác”. Cho nên mình yêu chúng thì yêu, nhưng đừng vì chúng mà làm thiệt hại người khác,. Đó là tinh yếu của vấn đề.
ThíchThích
rất hay, thanks anh
ThíchThích
Em đang tận hưởng cuộc sống của mình đúng như anh Hoành advice, nhưng em nghĩ nên chọn cách tận hưởng như thế nào để luôn hướng về cái bánh vẽ của mình thì mới là tốt nhất anh nhỉ 😛
ThíchThích
Mình rất đồng cảm với anh Thanh Sơn, vì mình cũng từng có cái “Bánh Vẽ Nhà Văn” như anh Sơn vậy 🙂 Và tuổi trẻ của mình cũng … hơi xa xa một tí rồi! Nhưng mình vẫn vui vì tuy chưa bao giờ làm được cái “bánh” to hoành tráng bằng cái bánh cưới 5 tầng như đã vẽ, nhưng thực tế mình đã làm được vài cái “bánh” be bé, gần gũi hơn như bánh chuối chiên, bánh khoai mì… cho người thân, bạn bè và chính mình thưởng thức. Bây giờ mình lại đang vẽ một cái bánh khác 🙂 Mình không nghĩ đến chuyện có trễ hay không vì đối với mình cái gì cũng bắt đầu rất trễ so với mọi người. Điều quan trọng là chính mình thấy thích thú trong khi vẽ bánh, trong khi làm bánh và cả khi … bánh hỏng! Có khi có ngạc nhiên thú vị là vẽ bánh này nhưng lại làm ra bánh khác (như mình nói ở trên) 🙂
Mình nhớ có lần xem một bộ phim, nhân vật chính trong phim gặp đủ thứ đổ vỡ, thất bại khi còn trẻ, sau đó đến 40 tuổi cô ta mới bắt đầu gây dựng lại được cuộc sống và cô ta nói: “Cuộc đời đôi khi mới bắt đầu ở tuổi 40” (mình không nhớ chính xác nhưng đại loại là vậy). Bây giờ mình có thể sửa câu đó là: Cuộc đời đôi khi bắt đầu ở tuổi 50 🙂 Mình nghĩ, với tư duy tích cực, câu đó nên để dấu ba chấm như vầy: “Cuộc đời đôi khi bắt đầu ở tuổi …”, và ai cũng có thể sửa con số đó theo tuổi của mình. Chúc anh Sơn vui khỏe nhé!
ThíchThích
Từ các câu của chị Thiện Châu, mình thích viết nó thành “Cuộc đời bắt đầu từ ngày hôm nay”. 🙂
ThíchThích