Ngưng phàn nàn, sống thành thật

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta bàn thêm một tí về thành thật mà ta đã nói trong bài Làm thế nào để thành thật.
behonest
Vấn đề lớn về tình trạng nhiều gian dối trong đất nước chúng ta hiện nay là đa số mọi người nghĩ rằng “ta phải gian tham thì mới thành công, và người thành thật là người sẽ chịu thiệt thòi”. Không cần biết điều này đúng hay sai, nếu ta nghĩ thế thì nó sẽ thành sự thật như thế, bởi vì nếu ta nghĩ thế ta sẽ hành động thế–ta gian tham để thành công—và vậy thì cả đất nước sẽ biến thành đất nước “Gian tham để thành công.” Đây là “Lời tiên tri tự hòan thành” (self-fulfilling prophecy) mà chị TD vừa nhắc đến trong bài Hiệu ứng Pygmalion.

Nếu chúng ta cứ suy tư (và hành động) như cũ—tức là phàn nàn về tình trạnh gian tham trong nước—thì ta chẳng giải quyết được gì cả. mà chỉ làm cho vấn đề thành trầm trọng thêm, vì càng phàn nàn ta càng tin điều ta phàn nàn, mà càng tin thì ta càng có khuynh hướng sống theo “sự thật” ta tin, tức là mọi người tiếp tục sống theo kiểu gian tham.

Cách giải quyết vấn đề DUY NHẤT là nghĩ và nói rằng “Thành thật sẽ đưa đến thành công” và sống thành thật như thế để thành công. Và điều này rất dễ làm, không có ly’‎ do gì người nào có thể nói là khó. Nếu trong nhà nước cần băng đảng, và bạn cho rằng bạn không thành thật được, thì ra ngoài làm tư. Trong nền kinh tế tư nhân, khách hàng chỉ muốn sống với các công ty đáng tin cậy, nếu bạn đáng tin cậy thì bạn sẽ thành công, nếu không thì phải đóng cửa. Khách hàng không muốn gian dối.

Tức là thay vì phàn nàn, hãy ngưng phàn nàn và sống thành thật, đồng thời dạy bảo khuyến khích người khác sống thành thật để thành công. Tức là chúng ta phải đổi môi trường tíêu cực (của phàn nàn về gian dối) thành môi trường tích cực của thành thật, bằng chính hành động thành thật của mình.

Chúng ta không thể lấy đi bóng tối bằng cách ngồi nguyền rủa chưởi bới bóng tối. Ta phải thắp lên một ngòn đèn bằng tấm gương tích cực thành thật của ta.
integrity
Các bạn hơi lớn tuổi một tí chắc chắn đã nghiệm ra điều này. Trong vòng mấy mươi năm nay, chúng ta phàn nàn hết việc này đến việc kia, và đa số những việc ta phàn nàn nhiều thì càng ngày càng tệ hại, từ thập niên này qua thập niên kia. Vì sao? Vì đó là nguyền rủa bóng tối, chẳng nên công cán gì. Vì đó là “lời tiên tri tự hòan thành”. Vì đó là “hiệu ứng Pygmalion.”

Cho nên chúng ta nên ngưng làm thức giả, ngưng làm kẻ sĩ than khóc, ngưng làm nhà đạo đức phán đoán, mà chỉ làm một việc thôi—thành thật—rồi để ngọn nến nhỏ đó rọi sáng một khoảng phòng, và từ từ đốt sáng các ngọn nến gần đó.

Hãy tự hỏi mình: Tôi có thành thật không? Tôi có hành động thành thật không? Nếu có, tôi có cố để ngày mai tôi thành thật hơn ngày hôm nay một tí không? Và tôi có kêu gọi mọi người chung quanh tôi thành thật không?

Nếu bạn tin rằng, xã hội chúng ta có quá nhiều gian dối, thì ít nhất tin thêm rằng, nếu bạn thành thật bạn sẽ nổi bật giữa đám người gian dối như viên kim cương giữa bãi cát. Nếu nổi bật thế thì cơ hội để bạn ảnh hưởng tốt đến người khác có thể rất cao.

Chỉ có một cách giải quyết vấn đề, không có cách thứ hai: Ngưng phàn nàn về gian dối , và sống thành thật. Vấn đề của chúng ta là chúng ta phàn nàn về gian dối, và ta sống thiếu thành thật. Hãy làm điều ngược lại: Ngưng phàn nàn về gian dối, và bắt đầu sống thành thật. Bạn có thể làm được điều đó không?

Không được cũng phải được, vì chữ tín là thành trì cuối cùng của đạo làm người.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Một suy nghĩ 12 thoughts on “Ngưng phàn nàn, sống thành thật”

  1. Anh Hoành kính!
    Phải dựng xây bằng chính đời sống thành thật của mình, em cũng đồng ý thế.
    Nhưng có cần phải đấu tranh bằng ý kiến với cái gian dối hãy còn nhiều quanh ta không anh?
    Em lại phàn nàn rồi!
    Nếu trong nhà nước cần băng đảng, và bạn cho rằng bạn không thành thật được, thì bạn ra ngoài làm tư.
    Vậy thì đã phân cho cái dối một lãnh địa rồi, lại là lãnh địa có quyền lực, vậy thì có tích cực không anh?
    Em chờ giải tỏa của anh.

    Thích

  2. Hi Tấn Ái,

    Kinh nghiệm của mình từ hồi học đại học, sinh họat sinh viên, và nghe mấy ông thầy chưởi rủa hết mọi người và mọi sự trong thiên hạ, cho đến những năm về sau này làm management, rồi nghiên cứu leaderhip và tư duy tích cực với các hàng lãnh đạo trên thế giới, thì mình thấy phàn nàn chưởi bới phê phán trong đa số trường hợp không giúp ích được gì mà còn làm vấn đề tệ hại thêm, vì:

    1. Người phê phán không gây được xúc động và kính trọng nơi ai, vì cả nước ai cũng có thể chưởi bới phê phán cả, kể cả con nít, thành ra sự phê phán chưởi bới chỉ hạ giá người ta xuống thành tầm thường mà không kích động được ai cả.

    2. Càng nhiều phê phán chưởi bới, bầu không khí tiêu cực càng tăng chẳng ích lợi gì.

    3. Hầu như các người phê phán chưởi bới đều quên mất là phải có người làm gương cho sự thật (có lẽ vì họ quá bận rộn để phê phán).

    Trong quản l‎y’, nếu một nhóm nhân viên ngồi lại chưởi bới gian tham, thì nhóm đó sẽ yếu dần rồi chết, vì ai trong nhóm đó cũng nghĩ là những người khác trong nhóm toàn là gian tham. Người lãnh đạo chỉ có thể làm cho nhóm đó sống mạnh bằng cách làm gương sống rất thành thật, rồi tự nhiên là các thành viên trong nhóm sẽ sống thành thật theo.

    Ở đây ta thấy, một hành động tích cực tự nó có sức chuyển hóa môi trường và những người chung quanh rất mạnh. Khi ta có một môi trường rất tiêu cực, không ai cần nghe thêm tiêu cực, vì mọi người đều biết hết rồi. Có thêm 1 người, hay vài ngàn người, phàn nàn cũng thế thôi, chẳng thêm được một tí thông tin hay một tí hữu ích nào, ngoại trừ làm cho năng lượng tiêu cực thêm mạnh.

    Nhưng một người thong thả làm việc thành thật, tích cực, làm cho mọi người chung quanh hăng hái sống tích cực và thành thật như mình, thì tự nó có một sức mạnh chuyển hóa lây lan rất mạnh.

    Tóm lại, vấn đề là phải tạo ra một năng lượng tích cực, rồi năng lượng đó sẽ tự nhiên có sức mạnh chuyển hóa các năng lượng tiêu cực, và chuyển hóa cả các cơ chế tiêu cực, theo thời gian.

    Nếu ta không tạo năng lượng tích cực, và lại tốn thời gian tạo thêm năng lượng tiêu cực (bằng phàn nàn), thì đó là đi sai đường.

    Khi năng lượng tích cực đủ mạnh, tự nó làm việc phê phán của nó. Nghĩa là, lúc đó có thể chỉ một lời nói nhẹ nhàng của người có năng lượng tích cực, sẽ được amplified (làm lớn lên) bằng một khối năng lượng tích cực vĩ đại có sẵn.

    Tấn Ái khỏe nhé. 🙂

    Thích

  3. Hi anh Hoành,

    Anh Hoành nói: “Nếu trong nhà nước cần băng đảng, và bạn cho rằng bạn không thành thật được, thì ra ngoài làm tư. Trong nền kinh tế tư nhân, khách hàng chỉ muốn sống với các công ty đáng tin cậy, nếu bạn đáng tin cậy thì bạn sẽ thành công, nếu không thì phải đóng cửa”.
    Nhưng theo em, sự đời không đơn giản như thế đâu, anh Hoành ạ. Em ra ngoài kinh doanh, rất thành thật trong việc khai báo thuế. Thế là tuy công ty/cửa hàng của em buôn bán với doanh số chỉ bằng 1/5 các công ty/cửa hàng lớn, nhưng phải đóng thuế tương đương với các công ty/cửa hàng lớn (do người ta biết cách under table với cán bộ thuế). Vậy thì làm sao em cạnh tranh cho nỗi, nếu chỉ em thành thật mà xã hội không công bằng? Kết quả là em chết chắc rồi, trước khi khách hàng nhận ra em rất thành thật về chất lượng hàng hóa và dịch vụ để ủng hộ em dài lâu!

    Nhưng đó chỉ là một thực tế xương máu trong thương trường thôi. Em đồng ý hoàn toàn với anh trên quan điểm, hãy sống thành thực với chính mình và với mọi người. Mọi quan hệ bền vững đều chỉ có thể xây dựng trên nền tảng thành thật, trung thực với nhau mà thôi!

    Chúc anh ngày mới thật đẹp!

    Thích

  4. Hi chị Yến, anh Hoành và CACC,

    Em nghĩ nếu mình sống trong một hệ thống không thành thật và có phần thưởng cho hoạt động không thành thật thì không thể thành thật được.

    Ví dụ hồi trước em làm cho một công ty có một số cách kinh doanh không thành thật, mình chỉ là một bộ phận trong bộ máy để thực hiện chương trình kinh doanh thôi. Không thể làm khác được.

    Khi chuyển ra làm tư và chơi với khách hàng đòi hỏi chương trình kinh doanh không thành thật, mình cũng khó mà không làm theo được, đặc biệt những khách hàng là các tổ chức nhà nước.

    Vì vậy, thay đổi cần đến từ việc các tổ chức tự động họp nhau lại và xác định luật chơi thành thật với nhau để tiết kiệm chi phí ma sát.

    Hay có một số tổ chức trung gian, ví dụ như trên ebay là mua bán giữa các người mua bán khác nhau, không tin được nhau; nên có tổ chức SquareTrade đứng ra để chứng nhận là người bán hàng A thành thật chẳng hạn.

    Tóm lại vẫn cần cơ chế để cho thị trường và khách hành “thưởng” cho những công ty thành thật nữa, vì nếu không có cái kích thích đó, cũng như cái kích thích bằng tiền truyền thống cho các công ty không thành thật, khó có thể thực hiện được.

    Hiển.

    Thích

  5. Hi Yến,

    Gian lận thuế, hay gian lận chỗ này chỗ kia, ở xứ nào cũng có. Theo quan sát của anh, các công ty gian lận không thể nào kích động employees thành employees thượng đẳng được. Cùng lắm là từ xoàng trở xuống, vì employees không kính trọng lãnh đạo (dù có thể là không khinh) và không thấy lãnh đạo có gì đặc biệt để làm cho mình lên tinh thần.

    Companies anh run, anh có motto cho employees “We pay taxes to the pennies” (Chúng ta trả thuế đủ đến tiền xu). Dĩ nhiên là về tài chính thuế mình trả cao hơn các công ty gian lận rất nhiều (và nhân viên của mình cũng trả thuế cao hơn nhân viên các nơi khác). Nhưng nhân viên của mình lại rất hãnh diện và hay nói với nhau và với khách hàng và bạn bè “We pay tax to the pennies”. Và khỏi phải nói, trung bình, một employee của mình năng suất TỐI THIỂU là bằng hai một employee khác của một company khác cùng kỹ nghệ (và dĩ nhiên là lương cũng tối thiểu gấp 2). Mấy tiền gian lận lắt nhắt không nghĩa lý gì với sức mạnh thật sự của một company.

    Mình luôn luôn phải trả giá. Gian lận thường là lời ít, lỗ nhiều đó Yến. Không cách nào chúng ta có thể kích động nguời theo ta trở thành phi phàm khi ta hành động kiểu tầm thường được. 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  6. Hi anh,

    Qua bạn bè và người thân, em biết ở Mỹ rất xem trọng danh dự. Nếu bạn gian dối, không khai thuế đúng, bạn là một công dân tồi và dư luận sẽ lên án bạn, chưa kể pháp luật sẽ “sờ” đến bạn vào một ngày xấu trời nào đó! Nhưng Việt Nam không phải là Mỹ! Thật ra, em cũng chẳng muốn đi sâu hơn về đề tài này. Những nhức nhối ở Việt Nam quá nhiều, nếu em liệt kê ra đây, chắc hẳn em lại là một người ưa phàn nàn rồi!

    Nhưng dù sao em cũng muốn nói thêm một chút, cho vui thôi. Gian lận ở Việt Nam làm các công ty lời nhiều, lỗ ít đó anh. Do giảm chi phí, lợi nhuận thực sẽ tăng (chưa kể các công ty đó còn kê khai doanh số thấp nữa). Lợi nhuận tăng nên benefit cho nhân viên tăng (ít ra cũng nhiều hơn so với các công ty trung thực). Việc ban giám đốc công ty gian dối, nhân viên đâu có biết! Nhân viên chỉ biết có benefit cao, nên nhân viên lại càng ra sức làm việc để giữ công ăn việc làm tốt này.

    Dĩ nhiên đây chỉ là một phần trong bối cảnh chung. Em chỉ muốn nói, thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng cho mình toàn quyền quyết định. Để làm một người trung thực, đôi khi phải trả bằng một giá đắt đó anh!

    Chúc anh ngày vui nha!

    Thích

  7. Hi Yến, ở đâu cũng vậy, trung thực là thỉnh thoảng có thể mình bị thiệt thòi. Đó có gì lạ đâu! Để anh kể chyên này. Tên các nhân vật tạm gác qua một bên.

    Trước khi Mỹ chính thức đánh Iraq chừng 3 tháng, báo chí bàn tán xôn xao về đánh hay không đánh. Và trong nhóm chính trị gia ở Washington cũng bàn tán, nhưng lúc đó phần đông chính trị gia đã quyết định là “đánh,” kể cả mấy anh chàng bạn anh. (Có lẽ vì sau 911, các quí vị ở Mỹ thiên về đánh hơn là hòa). Trong số bạn anh, có một cựu thứ trưởng ngọai giao lúc đó đang được xét đóan cho hai chức vụ lớn hơn (em có thể đóan là lớn cở nào). Lúc đó anhh rất chống việc đưa quân vào Iraq, vì anh biết là sẽ sa lầy như Mỹ bị ở Việt Nam, nhưng nói thì không ai chịu nghe. Anh bạn này của anh, cưu chíến binh Việt Nam, đồng ý với phân tích của anhh, nhưng lại hơi ngại phải nói khác với mọi người đang chỉ muốn “đánh.”

    ANh nói với anh ấy, “Trong thành phố (Wash) này, you là người được cả Cộng Hoà lẫn Dân Chủ mến. Tôi nói thì ít có người nghe nghiêm chỉnh. Nhưng you thì khác. You sống cả đời phục vụ cho đất nước you, mà đây là một lầm lỗi chiến lược quá lớn, you knông nói sao được? Nhiệm vụ của you là nói sự thật, còn nghe hay không là chuyên của nguời khác.”

    Một tháng sau, anh ấy đi ăn trưa với mình và cho biết mấy chức vụ anh đang được xét đoán đã mất hết, vì “bọn nó nói tôi không phải là team player.” Mình nói với anh ăy, “Không sao. Trong đời you phải có lúc you sẵn sàng mất mát để nói lên sự thật. Nếu you không làm thế, you sẽ ân hận cả đời là you đã thấy vấn đề mà không chịu nói. Còn mất việc này, mình có việc khác. Ở đời mà, đâu có phải chỉ có một công việc mình làm được thôi. Tôi cũng trả giá thường xuyên cho những cái gì tôi tin là đúng. Nếu không thì mình không thể phục vụ đời sống này một cách chân thật. Một lúc nào đó mọi sự sẽ cho thấy đánh Iraq là sai, lúc đó you sẽ vui là you đã làm bổn phận ngăn ngừa.”

    Hồi kết: Anh này bị thất nghiệp một thời gian ngắn nhưng sau đó làm (đến nay) làm vice-chairman của một công ty tài chánh hàng đầu thế giới, lương chắc cũng cở gần 10 lần lương chính phủ có thể trả. 🙂

    Hoàn cảnh càng khó khăn mình càng phải phấn đấu, đâu thể buông xuôi theo hòan cảnh được. 🙂

    Thích

  8. Hi anh,

    Em đồng ý với anh hoàn toàn rồi. Nói cho vui thôi, chứ kiểu gì thì tự trọng của mình cũng không cho phép mình gian dối! Ý em chỉ muốn nói, không đơn giản là “tui không muốn làm cho nhà nước thì tui nhảy ra ngoài làm tư”. Phải biết chấp nhận thiệt thòi. Nhưng chấp nhận thiệt thòi để giữ tự trọng cũng đáng mà! Chưa kể, có khi thiệt thòi hôm nay nhưng được đền bù ngày mai, còn mấy ông hưởng lợi hôm nay có khi ngày mai phải đếm lịch. Tái ông mất ngựa, chưa nói trước được cái nào tốt hơn cái nào, phải không anh?

    Chúc anh ngày mới thật đẹp! 🙂

    Thích

  9. Hi chị Yến, anh Hoành và CACC,

    Người không thành thật thì sẽ không thể sáng tạo ra được sản phẩm có giá trị cao. Chỉ có thành thật mới sáng tạo được thứ original. Đơn giản vậy thôi 🙂

    Người không thành thật thì sản phẩm sẽ có chất lượng thấp bởi chính lối suy nghĩ của người đó, không tự do được. Dẫn đễn chỗ “compete for cheap”.

    Thành thật tức là dám cạnh tranh 100% về chất lượng sản phẩm, không dành % nào trong năng lực của tập thể để không thành thực.

    Người thành thực có tự do về suy nghĩ để nghĩ tới những cái những người không thành thật không thể nghĩ được tới.

    Đó là lý do phương Tây sản phẩm chất lượng rất cao. Các hãng của nước ngoài vào Việt Nam thành thật vẫn kiếm được tiền tốt. 🙂

    Hiển.

    Thích

  10. Đúng đấy cách tư duy này gấn với kiểu răn dạy mà các cụ xưa đã truyền: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” trước tiên mình cứ tốt đi đã rồi hãy lo xung quanh có tốt hay không, nếu ai cũng như vậy thì chẳng phải quá nhọc lòng vì nỗi lo sẽ phải dạy con cái thế nào trong một xã hội còn nhiều khiếm khuyết.

    Thích

  11. Chào anh Hoành và chào tất cả các anh chị,
    Tôi không phải là người “có duyên ” trong lĩnh vực kinh doanh nhưng tôi thấy bài viết của anh Hoành không chỉ áp dụng trong lĩnh vực thương trường mà áp dụng trên tất cả mọi lĩnh vực.
    Đây là những câu mà tôi tâm đắc nhất :
    “Tức là thay vì phàn nàn, hãy ngưng phàn nàn và sống thành thật, đồng thời dạy bảo khuyến khích người khác sống thành thật để thành công. Tức là chúng ta phải đổi môi trường tíêu cực (của phàn nàn về gian dối) thành môi trường tích cực của thành thật, bằng chính hành động thành thật của mình.”
    Đúng , sự thành thật là tiêu chuẩn đầu tiên đẻ thiết lập các mối quan hệ. Chẳng hạn,để chọn một người giúp việc nhà thì thông thường chủ nhà sẽ có nhứng “phép thử” ban đầu để xem họ có đáng tin cậy không?
    Xin thưa với anh Hoành và các anh chị, cách đây hơn 10 năm tôi từng làm gia sư cho một Hs con một gia đình khá giả tại Quận Nhất ,tp Hồ chí Minh .Chủ nhà đã thư nhiều điều cả về chuyên môn và cả về tính cách… để rồi sau đó họ tin tưởng gần như tuyệt đối .Họ để cho tôi thay mặt gia đình kí vào sổ liên lạc của con họ để thôngt in hai chiều với Nhà trường. ( và ngoài mức lương thỏa thuận ban đầu ,gia đình họ đã trr thêm cho tôi .lại còn quà cáp mỗi khi tôi về quê nữa) .Đó chỉ là chuyện đơn giản mà tôi muốn minh chứng cho những điều anh Hoành gửi đến ĐCN.
    Rất và rất cảm ơn anh Hoành về những bài viết tích cực và mong sao ai cũng có thể sồng thành thật , chẳng phàn nàn…
    thinh_hoa thương chúc anh và cả nhà một ngày vui vẻ nhé!
    Mến chào!

    Thích

  12. Cháu cảm ơn Chú Hoành vì bài viết này ạ, “chữ tín là thành trì cuối cùng của đạo làm người” – cháu rất tin câu này.

    Cháu vẫn thường xuyên lên dọt chuối non đọc các bài viết, đặc biệt những tư duy tích cực được các bác các chú các anh các chị chia sẻ là điều rất có ích cho thế hệ trẻ như chúng cháu.
    Tât cả những điều cao đẹp ai cũng muốn hướng tới, nhưng thực tế khắc nghiệt khiến người ta không đủ can đảm để đeo đuổi. Cháu mong được đọc nhiều hơn nữa những chia sẻ của các bác các chú các anh các chị để tự động viên và khích lệ bản thân mình.

    Một lần nữa cháu xin trân trọng cảm ơn!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s