Nếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách

garbage

Bài của cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh trên Tuổi Trẻ.

Bức xúc trước vấn đề, tôi quyết định ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong một tuần lễ vào tháng 11-2008.

Từ nhà tôi ở Hóc Môn (TP.HCM) xuống Bình Thạnh tôi thường đi hai chuyến xe buýt hoặc xe lam.

– Trên xe lam có 5-6 em nữ sinh mặc áo dài trắng thật dễ thương. Khi tôi chuẩn bị bước lên xe, tất cả các em đều làm thinh, cúi đầu, làm như không thấy gì hết. Ý đồ thủ cái chỗ ngồi của mình khá rõ ràng. Cho tới khi bác tài hô lên: “Nhường chỗ cho bà già ngồi với chớ!” thì một người đàn ông trung niên đứng dậy. Hôm ấy, tôi thật buồn, không phải cho tôi mà cho chính các em.

– Sau đó, tôi đi trên một chiếc xe buýt chỉ có một cửa. Cửa hẹp chỉ đủ một người bước lên hay xuống. Tôi không cách nào bước xuống được vì một nữ sinh lớn (hay sinh viên!) bước lên, xộc thẳng vào người tôi khiến tôi không thể nhúc nhích. Tôi buộc phải nói với em “mất lịch sự quá”, khi đó em mới bước trở xuống đường nhường chỗ cho tôi.

– Trên một chiếc xe lam chờ khởi hành, một bà có vẻ khá giả mở chiếc bóp da khá đẹp ra “làm vệ sinh”. Bà quăng cả chục vé xe buýt cũ xuống đường.

– Từ sự kiện này, tôi quan sát tiếp xem người ta làm sao với vé xe. Buổi sáng sớm đa số khách là sinh viên học sinh, đa số các em cũng bỏ ngay vé xuống sàn xe. Một hôm một nữ thanh niên mua một chiếc nhíp nhổ lông mày từ một bà bán hàng rong ngồi đối diện. Em xé cái bao cactông và cũng bỏ ngay xuống sàn xe.

Từ bến xe tới chỗ đến trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi phải đi bộ trên một con hẻm nhỏ khá rộn rịp.

– Để tránh nắng tôi đi bên trái, mắt ngó cửa hàng bên phải. Suýt chút nữa tôi hứng một đống nước bọt do một người đàn ông trung niên từ trong nhà phun ra.

– Hối hận vì chính mình đã sai khi đi bên trái tôi sang bên phải, nếu đi nhanh hơn một chút chắc tôi đã lãnh một tàn thuốc đang cháy đỏ mà một ông khác đứng trong nhà quăng ra.

– Thêm vài bước tôi thấy một bà mẹ xi tè cho đứa con trai chừng 8-9 tháng tuổi. Tôi tự nói với mình: té ra nạn “đái đường” được “giáo dục” ngay từ nhỏ!

Quẹo ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là một con đường lớn, tôi thấy gì?

– Sáng sớm các bà đua nhau đẩy rác từ sân nhà mình ra đường. Một bà hất nguyên một đống mảnh chai mà quên rằng người đi đường có thể đạp lên.

– Ngó xuống miệng cống tôi thấy nào là hộp nhựa, lon thiếc, hộp giấy, chén bể, bao xốp…
garbagecan

Vậy mà trong một lớp kỹ năng làm cha mẹ, khi tôi yêu cầu học viên nêu một tính từ có thể diễn đạt chính xác nhất hành vi này, đa số chỉ cho là “thiếu ý thức”. Nói vậy là quá nhẹ. Theo tôi là “vô văn hóa, thiếu nhân cách” hay hơn thế nữa…

Nguyên nhân do đâu?

Cách hành xử của cá nhân được hình thành từ sự vận hành của xã hội. Phải nói rằng trong xã hội ta hiện nay sự sa sút về nhân cách là khá trầm trọng. Điều chúng ta quan tâm không phải là phép xã giao bên ngoài. Những sự kiện mà tôi vừa đưa lên không thể sửa đổi bằng luật pháp hay giáo dục công dân như nó được dạy ngày nay. Đây là vấn đề nhân cách và nhân cách không thể hình thành bằng lời kêu gọi suông. Những điều ta vừa thấy biểu hiện một sự ích kỷ cực đoan.

Người ta chỉ biết mình, lợi ích của mình. Rác rến hay những điều bất lợi cho mình thì đẩy qua cho người khác, đẩy ra ngoài đường. Những kiểu chạy xe lấn lướt ngoài đường không phải là do không biết luật mà là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cực đoan này.

Từ đâu có chủ nghĩa cá nhân cực đoan ấy? Có người cho rằng đó là hậu quả của chủ nghĩa tập thể cực đoan một thời. Cũng như giờ đây người ta tham lam vật chất để “trả thù” cho giai đoạn thắt lưng buộc bụng đã qua. Và hành vi của giới trẻ là bắt chước người lớn thôi. Trong thanh niên có thể còn có sự mất niềm tin từ nhiều gương xấu nữa.

Các nhà nghiên cứu về phát triển còn cho rằng biểu hiện của sự chậm phát triển là người ta chỉ quan tâm đến bản thân, gia đình, lối xóm của mình và không với được tầm nhìn tới cộng đồng và xã hội rộng hơn. Một xã hội chậm phát triển khi ý thức cộng đồng hay ý thức về lợi ích chung còn yếu kém. Nó lớn lên dần với nỗ lực tổ chức và giáo dục cộng đồng. Trong một xã hội đô thị hóa nhanh chóng, sự “vô danh” còn khiến cá nhân hành động như không có ai xung quanh mình.

Vì sao ta hết sức quan tâm đến giáo dục mà chưa đạt được kết quả mong muốn?

– Trước tiên là gia đình. Trong quá trình chuyển đổi, gia đình đang bị khủng hoảng và đang vô cùng lúng túng trong giáo dục con cái.

– Nhà trường thì quên dạy người.

– Đoàn thể thì chú trọng vào giáo dục chính trị, luật pháp, ít (hay chưa) quan tâm đến giáo dục nhân cách.

– Giáo dục xã hội thì quá tốn kém với truyền thông đại chúng, cách làm phô trương, hình thức mà ít hiệu quả.

Phía nào cũng đầy quyết tâm và thiện chí, nhưng cái thiếu là nhận thức đúng thế nào là truyền thông thay đổi hành vi.

Đây cũng là một từ thời thượng nhưng còn là một khẩu hiệu mới chưa được nhận thức đúng. Truyền thông một chiều cho dù là bằng phương tiện tối tân nhất cũng chỉ cung cấp thông tin hay kiến thức, bởi từ thay đổi kiến thức đến thay đổi thái độ và hành vi còn là một quá trình dài.

garbagestreet

Cuộc thể nghiệm về lòng bò trong Thế chiến thứ 2 ở châu Âu đã tạo ra bước ngoặt lớn trong nhận thức khoa học về tâm lý xã hội. Được giao nhiệm vụ làm sao giúp các bà nội trợ châu Âu tập thói quen sử dụng lòng bò khi thực phẩm khan hiếm, các nhà tâm lý xã hội đã thử nghiệm hai phương pháp thuyết trình và thảo luận nhóm trên những bà nội trợ với những đặc điểm dân số học giống nhau. Kết quả: nhóm nghe thuyết trình chỉ có 3% sử dụng lòng bò (thay đổi hành vi ẩm thực), còn ở nhóm thảo luận thì kết quả là trên 30%… Từ đó có kết luận rằng thuyết trình (thông tin từ trên xuống) và thảo luận nhóm (với sự tham gia tích cực của người học) có kết quả về mặt thông tin như nhau nhưng kết quả về thay đổi hành vi thì cao hơn nhiều với thảo luận nhóm.

Nhưng tiếc thay dù thảo luận nhóm cũng đang “mốt” nhưng kết quả cũng không cao vì người ta đang sử dụng một công cụ khoa học mà không thèm học! Trong khi ở các nước, nhóm như một đối tượng khoa học được dạy ở các trường đại học và người học phải trả học phí cao để mong làm việc và quản lý hiệu quả.

Các phương pháp giáo dục chủ động chưa có hiệu quả vì người học được (bị) dạy bằng phương pháp áp đặt.

Cần quan tâm hơn nữa đến các phương pháp “giáo dục gây thức tỉnh” như sắm vai, tranh luận, những trò chơi giáo dục và đặc biệt là các phương pháp học bằng hành (learning by doing). Như Lão Tử đã nói:

Điều gì ta nghe ta quên
Điều gì ta thấy ta nhớ
Điều gì ta làm ta biết

Có nhiều cách học bằng hành trong các khóa tập huấn và vô số việc mà trẻ có thể cùng làm với người lớn trong gia đình, ở trường học hay ngoài đường. Một trường hợp học bằng hành tuyệt đẹp. Một hôm ngồi ở tòa soạn Tuổi Trẻ, tôi thấy một bà mẹ trẻ cùng con trai độ 8-9 tuổi khiêng một gói đồ vào phòng tiếp nhận hàng cứu trợ của báo. Gói đồ này bà mẹ dư sức cầm một mình. Nhưng chị muốn cho chính đứa nhỏ là người thực hiện cử chỉ đẹp này.

Giáo dục bằng vi môi trường

Vi môi trường (micro milieu) – một khái niệm vừa là tên và nội dung của một quyển sách hay của nhà xã hội học Nga Sytchov. Vi môi trường là một đơn vị tập thể mà người ta cùng sống hay làm việc như gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp có ranh giới quản lý riêng. Nó có một tác động toàn diện trên cá nhân là thành viên qua những yếu tố như:

– Môi trường vật chất mà mọi người phải giữ gìn và tôn trọng

– Kỷ luật chung mà mọi người phải tuân thủ

– Những quy tắc bất thành văn mà mọi người chấp nhận hay gắn bó

– Và quan hệ tương tác giữa các thành viên từ góc độ cảm xúc hay công việc

garbagecan1
Theo các nhà khoa học khác, giáo dục bắt đầu từ tổ chức, nghĩa là khi một vi môi trường được tổ chức và vận hành tốt, cá nhân tất yếu sẽ tích cực theo nề nếp chung. Ví dụ như không dám xả rác ngoài sân, phá hoa trong vườn, đi về không đúng giờ, không dám vi phạm kỷ luật chung…

Khi đi vào nề nếp anh ta được hưởng tình thương yêu của cha mẹ, sự tôn trọng của đồng nghiệp hay khen thưởng của cấp trên. Nếu không sẽ bị chế tài về mặt kỷ luật hay tình cảm. Một nhân cách tốt có được là nhờ “sự tích cực” này mà bao nhiêu lời kêu gọi hay răn đe không tạo ra được. Ở đây, vai trò gương mẫu của cha mẹ hay nhà quản lý quan trọng bậc nhất không chỉ trong chấp hành kỷ luật mà trong khả năng tạo ra bầu không khí tập thể tích cực, mối tương tác hài hòa, nhờ đó các thành viên gắn bó và có những hành vi tích cực.

Một ví dụ lý thú về xe buýt. Ban đầu không ai quan tâm đến tôi như một người cao tuổi. Lần lần với sự kêu gọi khẩn trương của các anh chị phụ xế, các thanh niên đứng dậy nhường chỗ một cách miễn cưỡng. Từ đó họ đứng dậy nhanh hơn, và nay thanh niên cả nam lẫn nữ đều nhanh nhẹn đứng dậy nhường chỗ khi tôi bước lên xe. Vì sao? Chưa hẳn là một hành vi môi trường nhưng xe buýt không mang tính vô danh như ngoài đường, có sự chế tài của người xung quanh làm cá nhân biết xấu hổ. Những cử chỉ ấy sẽ thành thói quen và người ta trở nên hãnh diện với nó nữa. Giáo dục phải từ trong cuộc sống là vậy.

Một số đồng nghiệp trong ngành công tác xã hội quyết định nhắc nhở thẳng với các đối tượng làm sai ngoài đường, miễn là mình nhẹ nhàng và lễ phép. Trên xe buýt bạn tôi thấy một ông già đùa dai và đùa dơ với một vài thanh niên. Chị lễ phép đề nghị ông không nên làm như vậy. Ông phớt lờ, nhưng ba bốn chị em phụ nữ khác lên tiếng. Chừng đó ông ngưng luôn. Tôi cũng nhận xét khi thấy cử chỉ không đúng hoặc khen khi thấy các em nhỏ có những cử chỉ đẹp.

Sử dụng áp lực nhóm trong cộng đồng là một phương cách tốt. Một thành viên tổ tiết kiệm phụ nữ nọ không đi họp vì vừa bị chồng đánh bầm cả mình. Sau buổi họp, cả nhóm kéo vô nhà thăm chị. Không ngờ từ đó về sau ông chồng không còn đánh vợ nữa.

Để kết luận

Nếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ nếp nhà nơi mà nền tảng ban đầu của nhân cách được hình thành (ví dụ như sự nhường nhịn, quan tâm chia sẻ hay việc giữ gìn kỷ luật chung…). Cho nên các lớp dạy kỹ năng làm cha mẹ cần được tổ chức rộng rãi như trên thế giới.

Kế đó là thực hiện cuộc cách mạng rốt ráo về phương pháp giáo dục ở nhà trường, đoàn thể và cộng đồng. Trên thế giới, các lớp giáo dục tráng niên, giáo dục cộng đồng được tổ chức để dạy người lớn ý thức cộng đồng. Điều này không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Tất cả những điều này đòi hỏi những nhà giáo dục mới, mà việc đầu tiên cần làm là cập nhật hóa kiến thức về tâm lý xã hội cơ sở của giáo dục học.

NGUYỄN THỊ OANH (ThS phát triển cộng đồng)

11 thoughts on “Nếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách”

  1. Thật đau lòng khi biết tin Cô Oanh vừa mất!

    Từ nay con sẽ không còn cơ hội đọc những bài báo hay của Cô để tự nhìn lại mình và tự hoàn thiện mình. Nhưng những gì Cô gửi gắm qua những trang viết sẽ và mãi còn tác dụng với cộng đồng, ít nhất là với cá nhân con.

    Vẻ ngoài giản dị và nhân cách cao cả của Cô đã và sẽ mãi là mẫu mực để con soi rọi bản thân mình.

    Xin thành kính phân ưu cùng gia đình Cô và xin Cô nhận nén nhang tri ân của con!
    Kính chúc Cô an nghỉ trong miền cực lạc!

    Một người yêu quý Cô,
    pky

    Like

  2. Bai viết hay quá sao có it co ý kiến phản hồi đến vậy?
    Kính chúc tác giả an nghỉ nơi miền cực lạc!
    N.T.C

    Like

  3. Những lời tâm huyết của tác giả cần có thêm nhiều sự đồng cảm và quan trọng hơn là hành động! Chúng ta đừng bàn luận nhiều, ca thán thêm nữa! Hãy bắt đầu hành động thay đổi chính mình và gây ảnh hưởng tốt tới mọi người. Tôi đã và đang triển khai giáo dục lối sống văn minh cho con và thanh thiếu niên!
    Xin cảm ơn tác giả! Tiếc rằng Người ra đi quá sớm?

    Like

  4. Xin cảm ơn anh Hoành đã lưu giữ bài viết của chị Oanh. Xin phép được chia sẻ trong FB của cá nhân .
    Trong 2 ngày 23 và 24/12/2013 tôi được may mắn cùng tham gia chuyến tham quan Bangkok của các lãnh đạo HTX và Nghiệp Đoàn Rác Dân Lập của các quận 4,5,6, 10, 11 và Bình Thạnh; cúng 1 số đại diện của Phòng QL Chất thải rắn của Sở TNMT TP.HCM.

    Một điều thú vị và đáng ngạc nhiên nhất tôi đã học được từ các anh – những người TGR – sự cởi mở và ham học hỏi những điều tích cực, điểm hay của đất nước và người dân nước bạn. Điều này khác hẳn với nhiều đại biểu VN tham quan mà tôi đã từng cùng đi, họ thường cố tìm những điểm tiêu cực, chê bai, cái nọ cái kia không bằng/thua VN. Lần tham quan này các anh thực sự làm tôi ngạc nhiên ngay từ phút đầu tiên. Từ sân bay về khách sạn, các anh quan sát và khen ngay lập tức: đường phố rất sạch, không thấy cọng rác; cây xanh rất nhiều; kể cả các giỏ hoa phong lan treo đầy các gốc cây…Suốt 2 ngày tham quan kể cả những quan sát trên đường phố hay trong các khu cộng đồng của người làm nghề tái chế rác- một kết luận chung: Người dân Thái, họ có ý thức công cộng rất cao!

    Đây cũng là điều trăn trở của cả đoàn tham quan chúng tôi – những người thu gom rác dân lập : Làm thế nào để giúp các cá nhân và cộng đồng có được ý thức cao về RÁC ở TP.HCM?

    Chính các lãnh đạo những người thu gom rác dân lập đã khẳng định người dân thành phố HCM nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung sẽ mất khoảng 15 – 20 năm nữa mới tiến kịp về mặt ý thức công cộng như người dân Thái.

    Bài viết dưới đây của cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh sẽ là một bài học giáo dục có giá trị cho 15 – 20 năm ấy.

    Like

  5. Cám ơn bạn nguoithugomrac. Những anh thu gom rác của xã hội đương nhiên là tích cực rồi. Thu gom rác của thiên hạ, làm sạch xã hội mà không tích cực sao được. (Luật sư, nghề của mình, chỉ là nghề làm sạch rác của thiên hạ, thiên hạ bày ra những đống rác và luật sư phải dọn sạch, mình thường định nghĩa nghề luật là thế).

    Nói về rác trên đường phố, mình nghĩ là không cần phải đến cả chục năm. Người dân sẽ có ý thức nếu nhà nước cùng các công ty thu gom rác có các giải pháp thích hợp.

    Nếu các bạn có thể chia sẻ chuyện rác, chính sách, chiến lược trên ĐCN, thì mình rất hoan nghênh. Đây là nơi tốt để bàn các chuyên tích cực, như là thu gom rác.

    Các bạn có thể gởi bài đến mình tdhoanh@gmail.com

    Like

  6. Hi anh nguoithugomrac,

    Em cám ơn anh đã chia sẻ trăn trở của các anh. Công việc của các anh thật ý nghĩa.

    Em rất mong được đọc những câu chuyện của các anh về quá trình thu gom rác, các sáng kiến, ý tưởng phát triển làm sạch thành phố, xã hội.. 🙂

    Like

  7. Hương thân mến,
    Trước hết cảm ơn Hương và cũng gửi lời cảm ơn anh Hoành đã phản hồi, khích lệ NTGR. Thật ra TGR là một nghề bị xem là thấp kém nhất của XH, nhưng đem lại lợi ích thiết thực nhất. Cứ thử tưởng tượng các cô các anh TGR nếu họ tập hợp chỉ cần ‘bãi công’ toàn thành phố 1 hay 2 ngày thôi, TP.HCM sẽ như thế nào. Không chỉ là sự phân biệt đối xử của xã hội mà còn rất nhiều các chính sách của nhà nước đang bóp chết dần lực lượng TGR phi chính quy – để “thương mại hóa, hiện đại hóa’ việc quản lý rác. Họ không hề quan tâm đến miếng cơm manh áo, nghề cha truyền con nối của lực lượng TGR dân lập – vì vậy chỉ khi nào NTGR được tập hợp, tạo thành sức mạnh đoàn kết, \/ Chính Mạng lưới/hay tổ chức của họ sẽ có những sáng kiến giải pháp thích hợp và có đủ quyền lực thương lượng với các cấp chính quyền với lực lượng bên ngoài (cty tư nhân)….có phải chăng đây là hướng tư duy tích cực ? :-))

    Like

  8. Cảm ơn anh nguoithugomrac đã tới ĐCN chia sẻ. ĐCN như anh Hoành nói là một nơi dọn rác tiêu cực của xã hội.

    Bản thân em rất thông cảm và hiểu phần nào những gì anh chia sẻ về công việc vì ngành học của em liên quan đến rác thải, chất thải rất nhiều. Trước đây tụi em cũng đi nhặt rác, và làm việc với rác và đến các bãi rác lớn nhất của thành phố khá nhiều.

    Chúc anh khỏe và ĐCN mong nhận được nhiều tin vui và sáng kiến của hội TGR 🙂

    Like

  9. Hi nguoithugomrac,

    Anh có thể thấy chính sách nhà nước về thu gom rác có nhiều vấn đề, và đúng là không thực sự hỗ trợ các lực lượng TGR dân lập. Và nếu các lực lượng này kêt nối thành mạh lưới để hỗ trợ nhau và có tiêng nói mạnh hơn, thì đó là chuyện hợp lý và là quyền công dân của các bạn.

    Mình nghĩ là tạo sức mạnh thì nên khôn ngoan một chút. Tạo sức mạnh để có thêm nhiều người ủng hộ mình–kể cả nhà nước và dân chúng trong Tp. Tức là dùng sức mạnh đó để điều đình hợp lý, tham dự vào đề nghị và thảo luận chính sách, giải thích mội điều để dân chúng hỗ trợ… thay vì dùng sức mạnh chỉ để đấu đá. Đó là sự khéo léo của một tổ chức có sức mạnh.

    Điều chính là khả năng của các bạn đưa thông tin đến dân chúng thường xuyên. Nói thẳng ra là giáo dục dân chúng, kể cả những nơi có nhiều trí tuệ như ĐCN, về các vấn đề liên hệ đến rác trong thành phố, chính sách có bất cập chỗ nào, nên thay đổi chỗ nào, tại sao… Nói chung các bạn là người phục vụ dân thành phố. Hãy lấy dân làm chính. Nếu có dân hỗ trợ thì các bạn đã đứng trên một cái nền rất vững.

    Like

  10. Hi anh NTGR (em viết theo cách viết của anh).

    Theo ý em thì các anh nên chọn một tổ dân phố nào đó để làm mẫu. Tổ dân phố ấy phải có đại đa số dân cư sinh sống ổn định.

    Để được TGR tại tổ dân phố này các anh có thể phải đấu thầu hoặc phải làm nhiều thủ tục hoặc thậm chí kể cả phải đối ngoại sao đó …

    Sau khi có được một đơn vị nhỏ nhất để làm mẫu rồi, các anh sẽ triển khai các ý tưởng tiếp theo để chứng minh cho phường, cho quận, cho thành phố và cho toàn xã hội thấy rằng mọi việc về rác đều được giải quyết thoả đáng.

    Trở lại câu hỏi của anh: Làm thế nào để giúp các cá nhân và cộng đồng có được ý thức cao về RÁC ở TP.HCM?

    Câu trả lời của em là: các anh hãy cố gắng dành lấy một đơn vị nhỏ nhất (một khu dân cư hoặc một dãy nhà,…) để triển khai ý tưởng cho thật tốt. Từ đó mới nhân rộng ra cộng đồng được.

    Em chúc anh NTGR sớm thành công.

    Em Thắng.

    Like

  11. Chào NTGR và các bạn,

    Vấn đề thu gon rác trong Tp HCM là điều mình bận tâm cũng khoảng 5, 6 năm nay, và hình như đây là thời điểm mình đã nghĩ là sẽ phải đến.

    Một bên là hệ thống gom rác thủ công đông đúc có sẵn bao nhiêu năm nay, một bên là áp lực công nghệ hóa để xử lý chất thải hiệu quả và khoa học hơn. Hai khuynh hướng này sẽ có lúc đối đầu, và nhiệm vụ của các quản lý xã hội (nhà nước, các tổ chức tư vấn quốc tế về phát triển bền vững, các tổ chức quốc tế về môi trường và xử lý chất thải) là làm thế nào để có mọt biện pháp tối ưu, để sử dụng được các hệ thống có sẵn trong tiến trình chuyển hóa hệ thống, thay vì đối đầu trực diện.

    Bạn NTGR có nói đến 2 khuynh hướng của nhà nước: Hiện đại hóa và thương mại hóa. Hiện đại hóa mình hiểu là công nghệ hóa. Từ “thương mại hóa” rất interesting, vì nó nói lên một thực chất của thị trường thu gom rác. Đó là một thị trưởng có monopoly (độc quyền) trong từng đơn vị địa lý nhỏ. Mình chưa hiều nó có phải là natural monopoly (tức là do các yếu tố tự nhiên của công nghệ tạo ra như natural monopoly trong lãnh vực điện, nước, phone cáp đồng, chất thải lỏng…), hay là sự chia sẻ thị thường địa lý để mỗi công ty TGR có độc quyền trong một vùng. Đây là vấn đề chính sách cần được nghiên cứu và giải quyết.

    Dù sao thì cái nhìn của chúng ta nên là: Đất nước đang chuyển mình, cần phát triển nhiều, và đặc biệt cấp bách là vấn đề xử lý rác và chất thải đủ loại. Khi đã nói tiến triển là ta nói đến thay đổi, và đã nói đến thay đổi là ta nói đến đối lập: có người muốn thay đổi có người không.

    Mình tin rằng các lực lượng thu gom rác dân lập thông minh sẽ chấp nhận đổi mới là một tiến trình không thể cản được.

    Câu hỏi là đổi mới thế nào? Làm thế nào các lực lượng dân lập có thể đóng vai chính trong tiến trình đổi mới đó? Làm thế nào để nhà nước có đủ kiến thức để có chính sách giúp các hệ thống TGR dân lập phát huy được sức mạnh, đồng thời bảo đảm thị trường TGR không là thị trường độc quyền, có hại cho quyền lợi của người dân.

    Đây là vấn đề phức tạp vừa về công nghệ vừa về chính sách quản lý kinh tế. Mình mong rằng tất cả mọi người cùng chúng trí tuệ để giải quyết.

    Và đừng lo dân chúng không có ý thức. Dân VN có đủ ý thức, nếu chính sách có ý thức và các tổ chức liên hệ làm việc có ý thức.

    Liked by 1 person

Leave a comment