Chào các bạn,
Tiếng Anh có từ “sense of belonging”, dịch ra tiếng Việt là “cảm giác thuộc về”, như là “Anh cảm thấy anh thuộc về quê hương này.” Cảm-giác-thuộc-về là một cảm giác chủ quan, nhìn từ góc độ của người chủ cảm giác. Như vậy nghĩa là, nếu nàng nói “Em thuộc về anh,” thì đó là cảm-giác-thuộc-về của người đang yêu. Nhưng nếu chàng nói, “Em thuộc về anh,” thì đó không phải là cảm-giác-thuộc-về, mà là tuyên bố quyền sở hữu ở thời đại khủng long :-).
Sense of belonging rất cần thiết cho hạnh phúc và tư duy tích cực của ta. Một khảo sát của Reg Williams, giáo sư y tá và tâm lý tại đại học Michigan (bang Michigan, Mỹ) cho thấy, các bệnh nhân bệnh trầm uất có sense of belonging cao mau lành bệnh hơn các bệnh nhân có sense of belonging thấp. Các khảo sát khác cũng cho thấy cô đơn là một trong những nguyên nhân chính của bệnh trầm uất. Và dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết là trẻ em không có, hoặc không gần gũi, ai trong gia đình thường dễ “chán đời,” “hận đời” và phạm pháp.
Các nhận xét này liên hệ trực tiếp đến việc thực hành tư duy tích cực. Tất cả các đạo gia và chuyên gia về tư duy tích cực đều lập đi lập lại, ngày này qua tháng nọ, là ta phải yêu người, yêu loài vật, yêu đời, yêu thế giới. Những cái “yêu” này chính là những cảm-giác-thuộc-về, các bạn ạ.
Tôi chỉ có thể yêu được trường này nếu tôi cảm thấy tôi thuộc về trường này—đây là trường của tôi, đây là các thầy cô bạn bè của tôi. Nếu tôi cảm thấy tôi “lạc chuồng” trong trường này, ở đây là những tháng ngày chán nản và tù tội, đây là trường của “chúng nó” và thầy cô của “chúng nó,” chẳng ăn nhập gì với tôi cả, thì tất nhiên là tôi không thể nào yêu trường, tích cực về trường, và tích cực với chính mình trong khuôn viên trường được.
Tương tự như vậy, ta sẽ không thể nào tích cực được với đời trong “khuôn viên”của đời, nếu ta không có cảm giác là ta thuộc về cuộc đời, nếu ta cho rằng ta bị ném vào cuộc đời này như một nhà tù lớn lạnh lùng, vô mục đích.
Nhưng làm thế nào để ta có được cảm giác thuộc về cuộc đời?
À, câu hỏi này trực tiếp liên hệ đến câu hỏi căn bản nhất của tất cả mọi triết thuyết, mọi tôn giáo, mọi truyền thống tâm linh: Ta từ đâu mà đến? Đến để làm gì? Và ta sẽ đi đâu?
Những câu hỏi tối hậu đó, bạn sẽ phải tự nghiên cứu tìm câu trả lời. Tại đây chúng ta chỉ nói đến phương diện thực hành để giúp chúng ta tăng được cảm-giác-thuộc-về, và do đó, tăng được tư duy tích cực. Dù là truyền thống tâm linh hay triết lý nào, giải thích như thế nào, thì trên phương diện thực hành, tất cả đều phải dùng một phương pháp giản dị–đó là “quan tâm”, hay còn gọi là “để ý.” Và ta thực tập “để ý” từng bước một, từ trong nhà đi ra ngoài, như sau.
• Nếu ta muốn có cảm giác ta thuộc về gia đình của ta, cách duy nhất là để ý đến gia đình, hay nói chính xác hơn là để ý đến mọi người trong gia đình—Ai đang làm gì? Ở đâu,? Vui buồn ra sao? Ta cần chào hỏi thường xuyên—nếu đi sớm về khuya, chẳng thấy ai ngoại trừ cái gường của mình, thì khó cho mình có cảm tưởng thuộc về gia đình.
• Bên ngoài gia đình, đối với bạn bè và người thân quen cũng vậy, để ý đến họ một tí, hỏi han họ về công việc, gia đình, vui buồn, khó khăn, thay vì gặp nhau hàng ngày làm việc với nhau mà trong 5 năm chỉ nói chuyện công việc.
• Bước cao hơn của để ý là đối với người không quen biết. Thông thường, ta không bao giờ để ý đến người không quen biết, cho nên ta có thể đi ngang qua hàng nghìn người trong một ngày, nhưng chẳng bao giờ để ý đến ai. Vậy thì, nay ta thực tập nhìn những người ngoài đường kỹ hơn một tí (dĩ nhiên không phải chỉ các cô mặc mini, mà là mọi người :-)), nhất là những người lao động, những người buôn thúng bán bưng, và thương họ hơn một tí vì ta may mắn hơn. Nhìn mọi người chung quanh kỹ hơn một tí và thấy ta là anh chị em của họ và họ là anh chị em của ta. Dù là không quen biết nhau, ta có thể hiểu được những khó khăn, lo lắng, vui buồn của họ, vì đời sống của họ, trên căn bản, chẳng khác đời sống của ta bao nhiêu.
• Nhìn ánh nắng, nhìn hàng cây , nhìn hoa cỏ kỹ hơn một tí, tận hường cái đẹp thiên nhiên, và cám ơn cuộc đời đã cho ta bao nhiêu cái đẹp.
• Nhìn những con thú ta gặp, chó mèo chim chóc, và thán phục cái đẹp và bản tính tự nhiên trong trắng của chúng—ít ra là chúng không nói dối–và cám ơn cuộc đời đã cho thế giới này những người bạn như thế.
• Cuối tuần, đưa gia đình về vùng quê đi “dã ngoại”, vừa để thanh thản đầu óc, vừa tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, vừa thấy đất nước và cuộc đời đẹp đến thế nào.
Nói chung là ta chẳng cần phải làm gì thêm, ngoại trừ “thấy” cuộc đời trước mặt với bao thân thiện đẹp đẽ và gần gũi của nó. Từ đó ta sẽ gần gũi, yêu thương và tích cực hơn với cuộc đời. Bằng không, ta vẫn có thể nhìn cuộc đời hàng ngày, nhưng vẫn không thấy cuộc đời, hoặc chỉ thấy với hằn học và tuyệt vọng—Ôi, đời vô mục đích, vô nghĩa lý, vô tình yêu! Đời là dối trá xảo quyệt! Đời là sa mạc lửa bỏng mênh mông!
Thực sự, đời là một bức tranh huyền diệu—có thể là thiên đàng, có thể là hỏa ngục, có thể là đồng cỏ xanh tươi, có thể là biển cát rực lửa, có thể là những em bé cười khúc khích, có thể là đoàn quỹ dữ gầm gừ… Đời có thể hiện ra trước mắt ta với muôn nghìn hình thái khác nhau. Và người cầm cây đũa thần có thể hô thiên biến vạn hóa đó, chẳng ai khác hơn là tâm ta cả.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
Bài liên hệ: “Thuộc về” nhóm nào?, “Thuộc về” thế giới.
© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use
Em càng đọc càng thấy bài “Thuộc về” của anh thật hay và sâu sắc. Cám ơn anh Hoành!
Số lượt thíchSố lượt thích
cảm ơn một bài viết mang nhiều tư tưởng tích cực. tuy nhiên thực tế cuộc sống không hề đơn giản để thực hiên điều đó. đôi lúc ta thấy rằng nên có cái nhìn thiện cảm hơn về cuộc sống nhưng có rất nhiều sự việc dáng buồn làm cho ta cảm giác lạc lõng. tư duy tích cực về cuộc sống là cần thiết nhưng chỉ với những cách trên là chưa đủ làm thây đổi một người đang tuyệt vọng về cuộc sông. chú nghĩ sao ạ!
Số lượt thíchSố lượt thích
Bài này hay quá chú Hoành ơi !!!. Cháu thấy hoàn toàn đúng, ít nhất là đối với bản thân..vì cháu đã từng trải nghiệm cảm giác “không thuộc về” này …Thay đổi “khuôn viên đời” dường như là không thể, chỉ có thể thay đổi cách nhìn và tìm cách hòa mình vào nó thôi. Sẽ thật khó nhưng nếu ta ý thức muốn thay đổi thì chắc sẽ có cách phải ko chú.
Số lượt thíchSố lượt thích
Hi Trịnh Phú,
Càm giác của mình về cuộc đời phần lớn là tùy theo văn hóa và điều kiện mình lớn lên. Văn hóa phật giáo (loại phật giáo trật đường rầy) của Việt Nam rằng “đời là khổ” làm người ta rất tiêu cực về cuộc đời. Lúc chú mới lớn lên còn bị ảnh hưởng triết lý hiện sinh thời đó, là một triết lý rất tiêu cực về cuộc đời. Cho nên không thấy yêu đời. Mới lớn lại phải rời đất nước, và chẳng bao giờ cảm thấy mình “thuộc về” đất nước mới. Đó lại là một cú giáng khác trên đầu.
Cho nên, việc quan trọng đầu tiên là thay đổi cái nhìn của mình về cuộc đời và mọi người quanh mình. Sự thực là nếu mình biết nhìn thì cuộc đời rất đẹp–nắng thủy tinh, mưa qua khung cửa, hoa sữa bên bờ hồ, chim câu trên mái ngói… Nếu ta biết nhìn thì cuộc đời có rất nhiều cái đẹp. Nhìn vào các post cards bán cho du khách thì ta thấy khối cái đẹp quanh ta mà ta chẳng để ý đến bao giờ, chỉ có các bác nhiếp ảnh là có con mắt thần để thấy.
Và con người quanh ta nếu ta biết cách nhìn thì ta ngưỡng mộ được bao nhiêu cái hay cái đẹp trong mỗi người. Ví dụ, mỗi ngày đọc các comments trên ĐCN, mình luôn luôn ngạc nhiên và ngưỡng mộ cái nhìn tích cực của các bạn về cuộc đời, trong mỗi câu nhận xét, trong mỗi câu hỏi.
Sư thật là mỗi chúng ta đều có cái đẹp, vì thế mà thánh nhân kim cổ đều nói là ta có tính Phật trong ta, ta là con Thượng đế…
Thiên hạ xưa nay đã tuyên truyền tiêu cực về con người cho đến nỗi vài người trong chúng ta đôi khi tin rằng con người chỉ lấy dối trá để xử với nhau là chính. Nếu thật thế thì con người đã tuyệt chủng lâu rồi, làm gì còn đến ngày nay.
Hãy nhìn lại công việc hy sinh gói mì của em bé Nhật 9 tuổi để biết con người thực sự thanh cao đến thế nào. Và mỗi chúng ta đều có thể thanh cao như thế. Và thực sự là có nhiều người như thế, đọc báo thì thấy, các hiệp sĩ đường phố, các cô chú nuôi trẻ em vô gia cư, v.v….
Điều quan trọng là ta đổi cái nhìn về cuộc đời. Luôn luôn xem nửa ly nước là đầy nửa ly. Đó là một kỹ năng tư duy cần học.
Số lượt thíchSố lượt thích
Theo mình, tư duy tích cực là nhìn và suy nghĩ dưới khía cạnh đẹp của một sự vật hiện tượng. Ví dụ :
CHÚ BÉ ĐÁNH GIÀY
Phạm Ngọc Phương
Ông nhà giàu dạo bước
Trên phố quen hoàng hôn
Gặp chú đánh giày buồn
Lam lũ gầy khổ sở
Chú nhóc mời năn nỉ
Ông cho con đánh giày
Để kiếm vài đồng gầy
Mua cơm nuôi em nhỏ
Chạnh lòng thương trẻ khó
Ông lơ đãng gật đầu
Có đáng là bao nhiêu
Vài ba đồng tiền lẻ
Giày xong ông móc ví
Đưa tờ 20 đô
Chú bé cầm ngần ngừ
Ông chờ con đi đổi
2 đồng thôi ông hỡi
Đủ bữa tối hôm nay
Anh em con gặp may
Xin ông chờ một chút …
Đã qua 30 phút
Cậu bé không trở về
Ông lắc đầu : chán ghê
Trẻ nghèo hay gian lắm …
Cơm tối xong đứng ngắm
Trăng mới mọc gió hiu
Trong vườn hoa thơm nhiều
Quên bực mình trẻ gạt …
Chuông cửa reo, tiếng quát
Đi chỗ khác mà xin
Nghèo khổ biết phận mình
Lộn xộn tao bắt nhốt …
Ông thong thả cất bước
Thấy một nhóc gầy gò
Đang mếu máo co ro
Giống tên đánh giày nãy …
Có việc gì đấy cháu
Từ từ nói ta nghe
Anh bảo vệ yên nha
Đừng làm trẻ con sợ …
Thằng bé con ấp úng
Hồi chiều nay anh tôi
Cầm tiền của ông rồi
Băng qua đường đi đổi
Chẳng may bị xe cán
Gãy mất chân rồi ông
Đưa tôi 18 đồng
Bảo tìm ông trả lại
Anh tôi giờ nằm liệt
Chỉ muốn xin gặp ông …
Một lần nữa chạnh lòng
Rảo bước theo thằng bé
Đến ổ chuột xập xệ
Gặp thằng anh đang nằm
Mặt xanh tái như chàm
Thở ra tuồng hấp hối
Nói gấp hơi như vội
Xin ông thương em con …
Cha mẹ đã không còn
Con đánh giày nuôi nó …
Nay không may con khổ
Chỉ xin ông việc này ! …
Cho em con đánh giày
Mỗi ngày cho ông nhé …
Kiếm lấy vài đồng lẻ
Mua cơm sống mà thôi …
Chợt thằng anh duỗi tay
Hơi thở lịm như tắt …
Ông già trào nước mắt
Ta sẽ lo em con
Cho ăn học bình thường
Như bao đứa trẻ khác
Cứ bình tâm an lạc
Bệnh viện tiền ta cho …
Thằng anh đã xuội lơ
Hồn bay về thiên giới
Nhân cách nghèo cao vợi
Môi nhợt thoáng nụ cười
Nó sống trọn kiếp người
Dù nghèo nhưng tự trọng
Bao người giàu-danh vọng
Đã chắc gì bằng đâu ! …
PNP 15/10/2009
Số lượt thíchSố lượt thích
Đọc lại những bài viết của anh Hoành năm 2009, em có cảm giác anh Hoành đang tràn ngập trong một sự rung động mới mẻ nào đó , điều mà thầy em thường nói: vô sư trí đến !!! Có những bài viết sau này có lúc em thấy anh Hoành như vậy,nhưng có lúc không, những bài viết mà có sự rung động đó đem lại sự truyền cảm rất lớn ,em rất ấn tượng với những bài viết như vậy của anh Hoành, em cảm nhận thấy có điều rất mộc mạc, nhưng đẹp vô cùng.
Anh Hoành kính ! không biết năm 2009 có phải là một năm ấn tượng với anh không .
Số lượt thíchSố lượt thích
“Nhân cách nghèo cao vợi. Môi nhợt thoáng nụ cười”.
Rất hay và cảm động quá, bạn Phương!
Số lượt thíchSố lượt thích
Hi Thuận,
Thực sự thì comment đó của anh chỉ nói về thời anh còn thiếu kinh nghiệm thôi. Bây giờ comment của anh là: Nếu văn hóa ta thiếu poositie thinking và critical thinking thì ta mang chúng vào văn hóa ta.
Thực sự thì anh nghĩ là positive thinking mới là điều quan trọng. Nếu có positive thinking thì ta tự nhiên có critical thinking. Nếu chưa có positive thinking mà lại cố critical thinking thì chỉ sinh ra gây lộn.
Điểm chính là đừng nghĩ đến môi trường như là điều gì cản sự phát triển của ta. Nghĩ đến môi trường như là cái mà ta sẽ thay đổi cho tích cực hơn. Chính ta thay đổi thế giới của ta. Đó mới là positive thinking.
Mỗi người chúng ta phải suy nghĩ như thế về vai trò của mình trong việc chuyển đổi môi trường của mình cho tích cực hơn.
Số lượt thíchSố lượt thích
Hi Phong Lan,
Năm 2009 anh viêt cho học trò đai trắng, viết dài dòng. Bây giờ anh viết cho đai đen. 🙂
Số lượt thíchSố lượt thích
Anh Hòanh kính!
Thảo nào mà anh viết rất truyền cảm ,em có cảm giác một người giàu có đang bắt đầu chia sẻ …..hihi.
Số lượt thíchSố lượt thích
Cháu rất thích những điều chú viết, cháu cũng đã trải nghiệm dần những điều chú viết. Rất mong được học hỏi nhiều điều từ chú hơn nữa. Mà sao cháu không thấy Face Book của chú để theo dõi nhỉ. Hì!
Cảm ơn chú rất nhiều!
Số lượt thíchSố lượt thích
Em cảm ơn anh Hoành và các anh chị trên ĐCN. Đọc bài viết của anh Hoành em cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn mỗi ngày trong cuộc sống.
Cảm ơn anh Hoành nhiều!
Số lượt thíchSố lượt thích
Toi cung cam thay that la am ap va hanh phuc yeu doi hon,khi duoc doc nhung bai viet cua anh Hoanh va cac ban tren DCN .
Cam on nhieu 😀
Số lượt thíchSố lượt thích
Chào mứng Thanh Hoàng đến với Vườn Chuối. Cảm ơn Hoàng đã chia sẻ đồng cảm. Chúc Hoàng luôn vui
Số lượt thíchSố lượt thích