Thuốc ngôn ngữ bọc đường

Chào các bạn,

Chúng ta thường dùng rất nhiều từ Hán Việt trong ngôn ngữ khoa bảng và trong các môn học về triết lý hoặc tâm linh. Đó hình như là điều bắt buộc, vì các từ Hán Việt thường gọn gàng hơn các từ thuần Việt (tiếng Nôm), ví dụ “một chiếc trực thăng” thì gọn gàng hơn “một chiếc máy bay lên thẳng.”

Tuy nhiên, các từ Hán Việt thường có ý nghĩa mơ hồ đối với người Việt và do đó thường không tạo ấn tượng mạnh mẽ rõ ràng cho người nghe. Chúng ta có thể dùng một số từ trong Phật học để làm ví dụ, vì các từ Phật thường bàng bạc trong văn hóa Việt và mọi người, từ bình dân đến khoa bảng, đều rành rẽ.

– Từ bi: Nếu nói hãy sống “từ bi” thì mọi người Việt đều biết chữ này, nhưng từ bi nghĩa là gì thì lại rất mù mờ. Nếu nói là “yêu thương” hay “yêu người” thì cụ thể và rõ ràng hơn rất nhiều. Từ bi là yêu người – nếu bạn không yêu người, bạn không có từ bi. Ghét người, trù ếm người, mà từ bi với chó mèo cảnh trong nhà, thì không phải là từ bi.

– Giác ngộ: Nói đến “giác ngộ” thì thực sự là chẳng ai biết được giác ngộ là gì, vì kinh sách Phật thường nói đó là điều “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn). Không thể nghĩ bàn thì nói với nhau sao được? Nhưng dù sao thì dùng từ “hiểu rõ”, “biết rõ”, “hiểu tường tận”, “hiểu thấu đáo”, “hiểu rốt ráo” hay “sáng hoàn toàn” thì có lẽ dễ hiểu hơn rất nhiều. (Rất nhiều người tin rằng khi bạn giác ngộ bạn sẽ có được nhiều phù phép như Tề Thiên Đại Thánh!)

– Vọng ngữ: Vọng ngữ thì đúng là từ được bọc đường, nghe rất lịch sự, nhẹ nhàng và trau chuốt như móng tay các nàng được mài dũa và tô son. Nếu nói thẳng là “nói dối” hay “nói láo” thì mọi người sẽ biết “giới vọng ngữ” là luật “cấm nói dối”. (Không thể cứ nói dối như vẹt cả ngày mà tuyên bố tôi chẳng vọng ngữ).

– Si mê: Si mê cũng là từ bọc đường, và chẳng ai thấm được từ đó. Cùng lắm thì có cảm tưởng như là chàng si tình, trồng cây si. Nhưng nếu nói “ngu dốt” như đấm thẳng vào mặt thì ai cũng hiểu rất rõ.

Có lẽ vì các từ Hán Việt vừa mù mờ cho người Việt lại vừa rất lịch sự và lãng mạn, nên chúng chẳng giúp ai được gì mấy, và các thầy lại thích dùng trong các bài giảng vì dùng các từ đó chẳng đụng đến tim đen của các tín hữu đang ngồi nghe giảng. Giảng mà sợ người ta nghe được thì giảng làm gì? Ta chẳng thể dạy mọi người “đừng vọng ngữ” – bà con nghe xong thì cũng như nước đổ lá môn, chân sáo hớn hở rời pháp tràng ra về. Nhưng nếu nói “đừng bốc láo” và “đừng dối trá” thì đa số người sẽ nhận ra thầy giảng về chính mình – mình nói dối từ đầu ngày đến cuối ngày. Phải nghe lời thầy bỏ bớt đi mới được.

Các bạn, các bạn chẳng thể dạy các em nhỏ bằng các viên thuốc bọc đường. Uống vô ngọt như đường, các em thích ngọt và chẳng công hiệu chút nào. Và chẳng chỉ trẻ em. Người lớn cũng thế. Nếu bạn bảo người lớn “đừng vọng ngữ” thì các vị chắc chẳng hiểu bạn nói gì, nghe cứ như là nghe nhạc Beethoven, chẳng nghĩa lý gì cả. Nói với người lớn cũng phải nói: “Đừng nói láo, đừng dối trá”, may ra nhiều người sẽ hiểu và thấm.

Người ta thường nói: Hãy gọi Chúa Quỷ bằng chính tên của hắn (Call the Devil by the name). Khi gọi như thế thì Quỷ sẽ mất hết quyền lực, chẳng còn làm hại bạn được gì. Đó là biện pháp trừ tà: Gọi Chúa Quỷ bằng chính tên của hắn.

Ngu Dốt là Quỷ Việt, gọi chính tên Việt của hắn là Ngu Dốt, thì trừ tà tốt hơn là gọi tên thuốc bọc đường “Si Mê”.

Dối Trá là tên Quỷ Việt, vậy thì hãy gọi đúng tên Việt của hắn là “Dối Trá” hay “Nói Láo”, hơn là bọc đường “Vọng Ngữ”.

“Giận Dữ” hay “Nổi Điên” là Quỷ Việt thì hãy gọi hắn là “Giận Dữ” hay “Nổi Điên”, đừng bọc đường là Sân Hận.

“Tham Nhũng” cũng đã được bọc được rồi, đừng bọc thêm lớp đường nữa và gọi là “quản lý thiếu trách nhiệm” nghe dịu dàng như “I love you, honey”. Hãy gọi chính tên là “tham nhũng” hay tốt hơn nữa là “ăn cướp của dân”.

Tôi tham nhũng mà được cho về hưu vì “quản lý thiếu trách nhiệm” thì đó là một cuộc về hưu đầy danh dự và vinh quang để người đời sau ca tụng, thay vì cho tôi đi tù, dù chỉ ở tù rất ngắn hạn, với tội “ăn cướp của dân” hay “thụt két”, thì xứng việc xứng tội hơn, và người đời sau có được bài học chính xác hơn để học.

Các bạn, mình và nhiều vị thầy khác, khi dạy viết/nói thường dạy học trò đừng dùng từ Hán Việt vì các từ đó có impact (sức chạm, sức lay động) rất yếu cho người Việt. Nhưng giờ, ở đây, mình nói thêm một điều mà lúc nói về kỹ năng viết/nói mình không nói: Đó là dùng các từ Hán Việt trong đạo học, thì thường là chúng ta tô điểm Chúa Quỷ thành Thiên Thần mất tiêu rồi!

Hãy gọi Chúa Quỷ Việt bằng tên Việt của hắn, không phải vỏ bọc đường của người Hán.

Chúc các bạn luôn thông thái.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Thuốc ngôn ngữ bọc đường”

  1. Thưa anh,
    Có một lý lẽ khi dùng từ ngữ bọc đường là để Luật Hấp Dẫn bớt phát huy tác dụng. Nếu báo chí ngày nào cũng nhắc đến ăn cướp, tham nhũng….thì có khi lại hấp dẫn tham nhũng, ăn cướp…tới nhiều hơn.
    Anh có nghĩ vậy không ạ?

    Thích

  2. Hi Long,

    Luật Hấp Dẫn là một chuyện khác. Khi muốn người ta thành thật thì hãy nói nhiều về thành thật.

    Khi muốn nói yêu người, thì nói yêu người để hấp dẫn yêu người.

    Nhưng khi muốn nói đừng giết người thì hãy nói đừng giết người. Người nói là giới cấm sát sinh, thì nhiều người chẳng hiểu cấm sát sinh là gì, và có hiểu thì nghe cũng chẳng thấm gì cả. Nói mà thiên hạ không hiểu hoặc hiểu sai thì cũng chỉ hấp dẫn cái mờ ảo lạc đường hoặc cái sai vào. Khi đã nói thì nói cho chính xác và giúp người ta hiểu mình muốn nói gì. Nếu không thì chẳng ai hiểu mình nói gì cả.

    Nếu nói về giết người mà biết cách nói thì chưa chắc đã là tiêu cực. Cũng như nói con đừng nói dối và hãy nói thật, thì chưa chắc là sẽ hấp dẫn nói dối vào. Nếu có hấp dẫn cả hai, tiêu cực và tích cực, thì thường là điều tích cực có năng lượng mạnh hơn điều tiêu cực cả trăm lần.

    Đã thích bởi 2 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s