Trí tuệ chữ nghĩa và trí tuệ Bát Nhã

Chào các bạn,

Vấn đề lớn nhất của loài người, chẳng chỉ là nước nào hay văn hóa nào, là sống với chữ nghĩa, ngôn từ. Tất cả mọi trường học của thế giới đều thế – dạy chữ nghĩa, dạy lý luận, dạy mọi thứ từ triết lý đến chính trị, kinh tế học, xã hội học, qua ngôn từ và chữ nghĩa. Và tạo nên một văn minh chữ nghĩa tràn ngập địa cầu.

Nếu bạn học lịch sử chẳng hạn, đương nhiên là bạn học với chữ nghĩa vì những bài học sử được viết bằng chữ. Và có thể bạn biết được ngày nào thì có trận chiến nào xảy ra, ở đâu, giữa các tướng nào của hai bên đối nghịch, và lý do gần cũng như lý do xa của trận chiến, ai thắng ai bại, và hậu qủa của trận chiến đó đến tình hình quân sự và chính trị tổng quát của mỗi bên…

Cách học này có một số giới hạn: Thứ nhất, bạn học bài của tác giả nào viết thì sẽ có ảnh hưởng bởi tác giả đó và “phe” mà tác giả đó ủng hộ. Thứ hai, bạn có thể học những những con số và một vài dữ kiện, nhưng rất có thể là bạn chẳng biết được trái tim ai cả – trái tim của đa số người dân hai phía, trái tim của những vị tướng trong trận, trái tim của đa số chiến binh hai bên – và như thế thì hiểu biết của bạn cực kì hời hợt, hầu như chẳng hiểu được gì, kiểu như biết hai ông hàng xóm chém nhau vì ông này chửi ông kia một câu, nhưng chẳng biết rằng lý do chính là một ông thì thích khoe của và một ông thì hay bị mặc cảm nghèo.

Hơn nữa, đây là vấn đề chính khi học với chữ nghĩa. Các bạn có thấy thế giới loạn lạc với chiến tranh tôn giáo, thường là giữa các phe anh em, không? Ki tô giáo đã từng ứng xử với Do thái giáo như “kẻ giết Chúa”, dù cả hai có cùng một cuốn Cựu Ước – đó là Thánh kinh Do thái giáo và là nửa đầu của thánh kinh Ki tô giáo. Công giáo đã từng đuổi giết mọi nhánh Tin Lành ở Âu Châu, dù là cả hai có một cùng một thánh kinh Kitô giáo. Hồi giáo và Công giáo đã từng có chiến tranh trong 300 năm liền tù tì, dù rằng Hồi giáo xác nhận họ cũng là “người của Thánh kinh” (people of the Book, nghĩa là cùng cuốn “Thánh kinh Chúa đã cho” mà cả người Do thái giáo, Kitô giáo và Hổi giáo đã ghi lại).

Sở dĩ như thế vì ngôn ngữ thì luôn mù mờ méo mó, không thể diễn tả cực đúng điều gì cả, và do đó mọi người dù cùng đọc một điều như nhau, nhưng mỗi người luôn hiểu một cách khác nhau. Mọi tôn giáo đọc cùng một thánh kinh, nhưng mỗi tôn giáo thich hiểu theo kiểu của mình, và ai cũng nói “tao đúng, mày sai” và giết nhau. Có gì là lạ?

Và đây là kinh nghiệm của mình: Cùng một bộ luật, một điều khoản luật, tại sao luật sư hai bên cãi hai đường khác nhau trong cùng một vụ kiện? Tại vì chữ nghĩa luôn mù mờ, và bạn luôn có thể dùng chữ nghĩa để lý luận bất kì đường nào bạn muốn.

Các bạn đều đã có kinh nghiệm về giới hạn của chữ nghĩa, vì ai trong chúng ta cũng đã tham dự hay chứng kiến những trận đấu khẩu với bạn bè trong quán cà phê sùi bọt mép hàng giờ, mà chẳng bên nào chịu thua và chẳng bên nào thắng được. Vì chữ nghĩa là như thế, rất thiếu sót và hời hợt. (So sánh với boxing. Để hai cậu tự do đấm nhau, chỉ một hai phút là sẽ có một cậu rớt nằm không nhúc nhích và một cậu còn đứng. Thắng thua rất rõ).

Nhà Phật biết vậy nên dạy vô chấp, đừng bám vào đâu, nhất là đừng bám vào “danh sắc” – danh là tên, là chữ; sắc là hình thù. Nghĩa là, nói với nhau thì nói bằng lời, nhưng đừng bám vào lời, mà hãy tìm cái mà lời nói muốn chuyển tải. Kiểu như nàng nói: “Em rât quý anh” thì đừng nghĩ là nàng quý bạn như cái bình cổ trị giá một triệu đô, mà rất có thể nàng đang nói dịu dàng: “Em rất yêu anh, đồ ngu.”

Lão tử , trong Đạo Đức Kinh, cũng dạy:

Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh

Nghĩa là:

Đạo mà có thể nói là Đạo thì không là Đạo vĩnh viễn
Tên mà có thể nói là tên thì không là tên vĩnh viễn

Nhưng giáo dục toàn thế giới là giáo dục chữ nghĩa. Chính vì thế mà kiến thức của thế giới thường là méo mó và hời hợt. Và chính vì thế mà thế giới, qua bao niên đại với bao nhiêu thánh nhân chỉ dạy, vẫn cứ mù mù mịt mịt và đầy tham sân si và chiến tranh, bạo loạn, áp bức.

Các bạn, chính vì thế mà chúng ta cần học mọi thứ một cách sâu sắc. Cách duy nhất để có thể hiểu mọi sự sâu sắc là trái tim bạn nhạy cảm  với tất cả mọi người và mọi điều, để bạn có thể hiểu được mọi người và mọi sự ở mức sâu thẳm nhất.

Và bạn chỉ có thể nhạy cảm và hiểu được trái tim mọi người nếu bạn yêu tất cả mọi người – yêu tha thiết mọi người của thế giới, chẳng chừa ai, như Chúa yêu loài người, như Phật yêu loài người, như mẹ yêu tất cả các con.

Mẹ yêu tất cả các con, kể cả các đứa côn đồ, cướp của giết người, và ngay cả đánh đập mẹ. Thật sự là chính những đứa côn đồ như thế thì mẹ lại càng thương hơn mấy đứa tử tế, vì mẹ biết đứa côn đồ đang bị lạc đường quá đỗi mà mẹ không giúp con quay đầu lại được. Mẹ rất đau lòng.

Chúng ta cần yêu thương tất cả mọi người với trái tim của mẹ như thế. Và đương nhiên là chúng ta làm được, nếu ta muốn làm, vì chúng ta ai cũng là mẹ là bố, và là Phật đang thành, và là con Thương đế với thánh linh trong ta.

Khi chúng ta thật sự yêu mọi người, chúng ta biết được rất sâu sắc trái tim mình và trái tim mọi người, và chúng ta sẽ hiểu kinh tế, chính trị, triết lý, thần học, Phật học… ít nhất là 100 lần sâu hơn người trung bình, và ta thấy rất nhiều điều mà người khác không thấy, ở một mức rất sâu mà người khác không hề với tới. Và đó là trí tuệ thật, trí tuệ Bát Nhã mà Phật gia thường nói đến.

Khi chúng ta đến được đó, thế giới này vẫn như thế trước mắt ta, nhưng nó mang những ý nghĩa và tư duy sâu sắc hơn trước đó nghìn lần. Và đó là trí tuệ nhà Phật nói “Bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn), và đó là vốn liếng thật của ta để hỗ trợ chính mình và mọi người chung quanh và thế giới này.

Chúc các bạn tràn đầy trí tuệ Bát Nhã.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Trí tuệ chữ nghĩa và trí tuệ Bát Nhã”

  1. Em cảm ơn anh đã viết bài cho chúng em đọc/học.

    Em xin cầu nguyện để anh, gia đình anh và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s