Hồ điệp Tình nhân – Chuyện tình Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài

Chào các bạn,

Dưới đây là bản hợp tấu dành cho vĩ cầm có tên là Hồ điệp Tình nhân (Butterfly lovers’ violin concerto) – một trong những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Trung Quốc hiện đại.

Hồ điệp Tình nhân (hồ điệp: bươm bướm; tình nhân: hai người yêu nhau) dựa theo truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Chuyện tình này thường được so sánh với chuyện tình yêu Romeo và Juliet của nước Anh.

Chuyện tình này bắt nguồn từ thời nhà Đông Tấn (317-420).

Một thiếu nữ tên là Chúc Anh Đài, người Thượng Ngu, Chiết Giang, vừa thông minh vừa xinh đẹp, rất thích đọc sách nên nối gót các huynh đệ học tập thơ văn. Chúc Anh Đài cải trang thành con trai để đến học tại một ngôi trường ở Hàng Châu tên là Nghi Sơn. Trên đường, cô tình cờ gặp gỡ một thư sinh thật thà là Lương Sơn Bá, một bạn cùng trường đến từ Cối Kê (nay là Thiệu Hưng cùng tỉnh).

Họ cùng học với nhau trong 3 năm, từ đó quan hệ của họ càng được củng cố thêm. Tuy ở cùng nhau ba năm, Sơn Bá chưa bao giờ nghĩ Anh Đài là con gái. Khi hai người chia tay nhau, Chúc Anh Đài có nói rằng sẽ thu xếp để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi (thật chất ý nói là cô) của mình. Khi Lương Sơn Bá đến nhà Chúc Anh Đài, anh mới phát hiện ra giới tính thật sự của cô. Anh Đài rất tốt bụng, tươi vui và lạc quan nên cũng dần dần chiếm được tình cảm của anh chàng Lương Sơn Bá.

Mặc dù họ dành hết tình cảm cho nhau và yêu nhau say đắm kể từ thời điểm đó, nhưng Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài. Vì phiền muộn, Lương Sơn Bá đã lâm bệnh và sau đó mất tại nơi làm việc khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện.

Vào ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài, khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi lên ngăn cản đoàn đi tiếp. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ Lương Sơn Bá để cúng tế. Phần mộ Lương Sơn Bá bỗng mở ra và Chúc Anh Đài đi vào trong đó. Sau đó, từ trong mộ, một đôi bướm rất đẹp quấn quýt bên nhau và cùng bay đi, lượn quanh khóm hoa tươi.

Bản nhạc Hồ điệp Tình nhân được Chen Gang sáng tác năm 1958 với sự cộng tác của He Zhanhao (Hà Chiêm Hào).

Chen Gang.
Chen Gang

Chen Gang sinh năm 1935 tại Thượng Hải, có năng khiếu về âm nhạc nên được cha (Chen Gexin) truyền thụ từ nhỏ. Sau khi cùng gia đình sang Hương Cảng rồi lại trở về Thượng Hải, năm 1955, Chen Gang được thu nhận vào Thượng Hải Nhạc Viện (Shanghai Conservatory of Music), trường nhạc nổi tiếng nhất của Trung Hoa thời bấy giờ.

Năm 1958, khi đang học năm thứ ba tại nhạc viện, Chen Gang nhận được chỉ thị viết một bản hòa tấu cổ điển để trình diễn ra mắt vào năm sau, nhân dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày thành tập “Tân Trung Hoa”, tức nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Kết quả là bản hợp tấu khúc “Hồ điệp Tình nhân” dành cho vĩ cầm (Butterfly Lovers’ Violin Concerto), còn được gọi là “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc”.

Điều lạ lùng là Chen Gang đã viết tác phẩm tuyệt vời này – với sự cộng tác của He Zhanhao (Hà Chiêm Hào) – trong khoảng thời gian tuyệt vọng nhất của gia đình mình. Cha thì đã bị bắt đi lao động cải tạo ở tỉnh An Huy từ năm 1957, người em trai kế Chen Keng, một sinh viên xuất sắc tại Phục Đán Đại Học (Fudan University, nổi tiếng nhất của Thượng Hải) thì mới bị cưỡng bách tới làm lao động trong một trại nuôi heo ở tận tỉnh Giang Tây, bà mẹ Jin Jiaoli xuất thân là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, liễu yếu đào tơ, nay phải bươn chải để kiếm sống, nuôi bản thân mình, cô con gái Chen Xiao Li, và Chen Dong, người con trai út sẽ không bao giờ được thấy mặt cha.

Cho nên chỉ có thể giải thích chính nỗi thống khổ, đau đớn, tuyệt vọng từ đáy lòng đã trở thành chất liệu cho Chen Gang viết hợp tấu khúc bất tử dài gần 30 phút này, để gửi gấm những gì không thể viết ra thành chữ, nói ra thành lời: đó là mưu cầu hạnh phúc và khát vọng tự do – tự do như như đôi bướm Lương Chúc trong huyền thoại.

Giá trị và vị trí của Butterfly Lovers’ Violin Concerto, tức Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc, trong nền âm nhạc hiện đại, ở Trung Quốc cũng như hải ngoại, đã được thể hiện, chứng minh qua những tác phẩm thuộc nhiều thể loại đặt nền tảng trên nhạc khúc này. Ngoài bốn cuốn phim điện ảnh, một vở opera của Hương Cảng, một vở ballet của Mỹ (Butterfly Lovers, do Nhạc viện North Carolina trình diễn lần đầu năm năm 1982), Butterfly Lovers’ Violin Concerto còn được giới yêu nhạc cổ điển xem là một sự phối hợp tài tình giữa hình thức “concerto” của tây phương với giai điệu của đông phương.

Có thể nói, sự tài tình ấy đã được thể hiện tới mức tuyệt vời qua tiếng vĩ cầm của Lu Si-qing, mà nhân đây chúng tôi xin giới thiệu video phần một của Butterfly Lovers’ Violin Concerto do danh cầm này trình tấu cùng Dàn nhạc giao hưởng Vienna tại Golden Hall của thủ đô âm nhạc thế giới.

Trở lại với năm 1959, “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc” đã nổi tiếng ngay sau khi được trình diễn lần đầu trong dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày quốc khánh của Trung Cộng. Giai điệu của nó được các đài phát thanh truyền đi khắp nước, tới tận trại “lao cải” ở tỉnh An Huy, nơi ông bố Chen Gexin đang lao động khổ sai.

[Lao cải (laogai) là viết tắt của “lao động cải tạo” (laodong gaizao), dịch sang tiếng Anh là “reform through labor”, thường được truyền thông tây phương gọi một cách ngắn gọn là “forced labor” (lao động cưỡng bách). Hình thức trại “lao cải” này khi được áp dụng tại Việt Nam đã được đổi tên thành trại “học tập cải tạo”, tiếng Anh gọi là “re-education camp”.]

(Ông bố) Chen Gexin xuất thân từ một danh gia vọng tộc đã khánh tận. Ra chào đời và lớn lên ở Thượng Hải, cùng với say mê âm nhạc, chàng phải dạy học để kiếm sống. Mang một phần máu Ấn-độ trong người, Chen Gexin được mô tả là một người rất điển trai, tính tình đáng mến, và có tâm hồn nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì phải có “nàng thơ” (muse); nàng thơ của Chen Gexin là cô nữ sinh viên Jin Jiaoli, một tiểu thư cành vàng lá ngọc, hoa khôi của Đại học Thượng Hải. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, Jin Jiaoli quyết định trao thân gửi phận cho chàng giáo viên 20 tuổi với hai bàn tay trắng. Một túp lều tranh hai trái tim vàng!

Chen Gexin (1914-1961).
Chen Gexin (1914-1961).

Năm 1941, thời gian quân Nhật chiếm đóng Trung Hoa, Chen Gexin bị bắt giam về tội sáng tác những bài ca ái quốc. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt (1945), Chen được thả, rồi đưa gia đình tới sống ở Hương Cảng.

Tại đây, tài năng âm nhạc của Chen Gexin có điều kiện và môi trường để phát triển, nhờ đó cuộc sống tinh thần, vật chất của gia đình cũng ngày càng tốt đẹp hơn, cho tới một ngày nọ, khi Chen Gexin lại một lần nữa theo tiếng gọi của… lòng ái quốc, đưa vợ con trở về Thượng Hải để “góp phần xây dựng đất nước”!

Lúc đó là năm 1950, sau khi lực lượng dân quốc của Tưởng Giới Thạch thua chạy ra đảo Đài Loan, Mao Trạch Đông thâu tóm Hoa lục, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, mở ra một kỷ nguyên được gọi là “Tân Trung Hoa”, kêu gọi người Hoa ở khắp nơi trên thế giới trở về cùng nhau xây dựng một nước Trung Hoa mới.

Bảy năm sau (1957), khi nhiệt huyết, lạc quan, hy vọng đã hoàn toàn biến mất trong lòng Chen Gexin, thì cũng là lúc ông bị chế độ liệt vào thành phần hữu huynh, bị đưa tới một trại “lao cải” ở tỉnh An Huy, và bốn năm sau (1961), chết vì kiệt sức. Khi ấy Chen Gexin mới 47 tuổi.

Không cần phải viết ra, chúng ta cũng có thể tưởng tượng nỗi xúc động của Chen Gexin trước tài năng của người trưởng nam mà ông đã đặt nhiều kỳ vọng. Ông xin Ban giám đốc trại cho phép Chen Gang gửi cho mình một bản sao của “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc” để ông được đọc tận mắt những dòng nhạc bất hủ của con trai. Tiếc thay, cho tới khi Chen Gexin chết vì kiệt sức vào hai năm sau đó (1961), ông vẫn không được thỏa nguyện.

Về phần Chen Gang sau này trở thành Giáo sư tại Thượng Hải Nhạc Viện, nơi xuất thân của ông.

(Trích dẫn và sắp xếp lại từ Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Dân Ca Dân Nhạc – “Cánh Hồng Trung Quốc” (“玫瑰玫瑰我愛你”, “Meigui Megui Wo Ai Ni” – Chen Gexinwikipedia)

Dưới đây là 2 bản hợp tấu. Bản đầu là hợp tấu và solo với đàn nhị là chính. Bản sau là hợp tấu và solo với vĩ cầm (violon) là chính. Hai loại đàn này đều là đàn kéo, một từ phương Đông và một từ phương Tây.

Mình thích bản đàn nhị vì âm nhạc này nghe rất phương Đông và có nhiều cung bậc cảm xúc.

Mời các bạn cùng lắng nghe chuyện tình Hồ điệp Tình nhân nhé.

Chúc các bạn một ngày tình yêu.

***

1. Đàn nhị
Dàn nhạc Đài Loan
《梁祝》 Butterfly Lovers ErHu Concerto 指揮/閻惠昌 二胡/孫凰

2. Vĩ cầm (violon)

Butterfly Lovers’ Violin Concerto (Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc) – Vĩ cầm Akiko Suwanai.

Akiko Suwanai (người Nhật) là violin virtuoso, là người trẻ nhất từng thắng giải International Tchaikovsky Competition năm 1990.

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Hồ điệp Tình nhân – Chuyện tình Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài”

  1. Bản nhạc nghe hay quá anh ạ.

    Nhà nội em có một tấm hình Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài được treo trên tường. Trên tường, ngoài các ảnh gia đình thì có một hình này. Hình cỡ bàn tay. Ông nội có tấm hình có lẽ từ khi ông còn trẻ, đến bây giờ tấm hình có lẽ đã 50 năm hoặc hơn. Nghe nói hồi đó ông đi xem hát hay chiếu bóng phim Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, thích quá, rồi như thế nào đó có tấm hình cặp đôi này làm kỉ niệm treo tường.

    Em nghe bản nhạc, enjoy bản nhạc và xen lẫn đâu đó là nhớ về ông nội.

    Em Hương

    Đã thích bởi 2 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s