Chào các bạn,
Truyện đầu tiên trong 101 Truyện Thiền là truyện Tách Trà:
Nan-in, một thiền sư thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến để hỏi về Thiền.
Nan-in rót trà. Thiền sư rót đầy tách của giáo sư, và cứ tiếp tục rót.
Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Tràn ra ngoài rồi, không thêm được nữa!”
“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”
Thiền sư Nan-in nói đúng quá phải không các bạn? – “Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”
Thường thì, khi các bạn đọc ĐCN một thời gian đủ dài, bạn sẽ ngấm văn phong của tác giả bạn yêu quý. Khi bạn thuộc những câu văn ưa thích, bạn dễ ngấm tư tưởng trong đó. Khi bạn thuộc tư tưởng, bạn dễ cảm thấy mình “có” tư tưởng đó. Và đây là bẫy tư duy – Bạn dễ ảo tưởng là mình “có” tư tưởng đó, trong khi thực tế bạn chỉ sờ vào làn da chữ nghĩa, không phải là xương tủy chữ nghĩa.
Những ảo tưởng cứ một ngày một đầy trong tim bạn. Đến khi tách trà của bạn đã đầy, bạn không thể học Thiền từ ai và chẳng ai có thể chỉ Thiền cho bạn, dù bạn nghĩ bạn là một Thiền sinh chăm chỉ và ham học hỏi.
Vậy thì, làm sao để biết tách trà của mình đang ở mức nào và đã đầy hay chưa?
Câu hỏi này giống câu: “Mình có đang si mê hay không?” “Mình si mê in ít, hay si mê vừa vừa, hay quá si mê?”
Nếu bạn không si mê chút nào, bạn là tách trà rỗng, bạn giác ngộ.
Tách trà còn nước thì bạn còn si mê.
Vì sao tách trà rỗng là giác ngộ? Vì không có ý kiến, phỏng đoán, giả định, lý thuyết, thành kiến… trong đầu, có nghĩa là tâm bạn không bám vào đâu, không dính vào đâu. Đó là vô chấp hoàn toàn, tâm rỗng lặng, tâm Thiền, tâm Phật.
Nếu bạn có học võ, bạn sẽ thấy đai đen luôn tập những bài tập đầu tiên của đai trắng. Tất nhiên đai đen sẽ có những bài tập dành riêng cho đai đen, nhưng những bài tập quyết định thắng bại trong thi đấu vẫn là những bài tập đầu tiên và căn bản của đai trắng, đai đen không thể không tập mỗi ngày.
Tập Thiền cũng vậy, đổ sạch tách trà là bài tập đầu tiên của đai trắng. Đây là bài tập căn bản của Thiền. Căn bản tới mức nếu bạn nhuần nhuyễn một bài này, bạn giác ngộ.
Nhuần nhuyễn một bài tập – Nhuần nhuyễn Đổ sạch tách trà.
Chúc tách trà của các bạn luôn rỗng.
Phạm Thu Hương