Chào các bạn,
Mình nghe đến sóc Bombo từ lâu qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bombo”, nhưng mình không biết không mường tượng sóc Bombo ở tỉnh nào. Cho mãi đến ngày mình chuyển về Bù Đăng mới biết nó nằm trên địa bàn huyện Bù Đăng, ở ngã ba Minh Hưng đi vào Đăknhau sẽ đi qua sóc Bombo.
Rất nhiều lần mình chạy xe máy ngang qua sóc Bombo để vào Đăknhau, nhưng chưa tiện dịp để ghé vào. Mãi đến sáng thứ Bảy tuần vừa qua, mình được mời đến tham dự nghi thức làm phép ngôi nhà mới của Dòng Xitô, mình đi sớm nên trước khi vào Dòng Xitô trong Đăknhau, mình đã ghé vào thăm hai gia đình của hai em học sinh Lưu trú của mình là em Mứa học sinh lớp Mười Hai, và em Nguyệt học sinh lớp Sáu, hai em có gia đình ở sóc Bombo. Mình tìm đến nhà em Mứa và rất may nhà em Nguyệt cũng ở sát nhà em Mứa, nhờ vậy mình không mất nhiều công di chuyển nên còn thăm thêm được vài gia đình ở gần đó.
Qua nói chuyện với gia đình em Mứa cũng như những gia đình gần bên, mình cảm nhận đời sống kinh tế của anh em đồng bào sóc Bombo cũng rất khó khăn chật vật, là địa danh sóc Bombo nhưng dân số trong sóc Bombo một nửa là người đồng bào Stiêng một nửa là người Kinh. Người Kinh vào ở trong sóc Bombo do anh em đồng bào bán đất, gần như đất ngoài mặt đường và gần chợ đều đã được anh em đồng bào bán hết cho người Kinh.
Bán đất xong có tiền ăn tiêu không tiết kiệm, hết tiền bán đất quay lại bán điều bông, một thời gian người Kinh dụ dỗ lại bán tiếp đất rãy điều, xài hết tiền gia đình không còn đất không có gì như thời mới khởi nghiệp. Bố Nga mình đến thăm còn chia sẻ:
– “Gia đình mình có ba mẫu rưỡi điều nhưng bây giờ chỉ còn năm sào, mình nghĩ bán rãy rồi mình đi vào rừng tìm đất phát hoang để có lại đất mới như trước kia, nhưng bây giờ tìm không được, chỗ nào cũng có người làm không như trước đây, nên mấy năm nay nhà mình không còn đất. Con trai mình lấy vợ không có gì để trả cho nhà con gái nên năm năm rồi con trai mình chưa được về, mình muốn nó được về để đi tìm đất mới làm với mình sau này nó có đất nuôi con, nhưng không biết khi nào mình mới có của trả cho nó về!”
– “Con trai bố Nga lấy vợ ở sóc nào?”
Bố Nga đưa mắt hướng về mẹ ngồi gần bên mình nói:
– “Vợ của con trai mình là con gái của bố mẹ Điểu Nhi đang ngồi đây.”
Mình nhìn mẹ Điểu Nhi và mẹ Điểu Nhi cười, mình nói:
– “Bố mẹ Nga chưa trả hết của nên mẹ Điểu Nhi chưa cho con trai và con dâu bố mẹ Nga về, đúng không?”
Mẹ Điểu Nhi cũng chỉ cười, bố Nga nói:
– “Chắc mình không trả hết được đâu! Mình còn nợ ba cái Slung làm sao mình trả được!”
– “Sao mẹ Điểu Nhi đòi nhiều quá vậy?”
– “Ngày xưa người ta đòi ông bà mình nhiều, bây giờ mình cũng đòi nhiều để có của để lại cho con cháu như ông bà mình đã để lại cho mình. Công bằng thôi mà!”
Matta Xuân Lành
Đọc bài của Lành anh tìm lời nhạc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, nói đến đồng bào một lòng hăng say đánh Mỹ cứu nước.
Nay đánh xong rồi thì bị người Kinh khôn ngoan lừa lọc.
Vậy có phải là công dã tràng không?
ThíchThích
Hôm qua em vào các sóc có nghe kể sơ sơ (em chưa tìm hiểu kỹ) là nhà nước mới ra chỉ thị nghiêm cấm người Kinh mua đất mua rãy của người đồng bào. Em cũng rất mong như vậy cho đỡ tội bởi người đồng bào quá thật thà.
Em M Lành
ThíchThích