Nhớ tuổi thơ đi tìm hoa cúc xanh ở đầm lầy với Mỹ Hạnh*
Chắc không ít bạn có nỗi sợ “thua kém bạn bè” giống như tôi. Ngày bé, tôi có một nhỏ bạn thân, nhỏ có rất nhiều thứ mà tôi không khỏi ganh tị: một ông anh trai chiều chuộng (không như bà chị chằn lửa của tôi), một bà mẹ hài hước tâm lý, và đặc biệt là nhỏ có rất nhiều tài lẻ: khéo tay, vẽ đẹp, hát hay, nói chuyện có duyên, học cực giỏi văn (nhỏ cùng đi thi Quốc gia năm lớp 5 với tôi, nhỏ được giải Ba văn toàn quốc, tôi được giải Khuyến khích môn toán. Hôm đi nhận giải hai đứa được một nhà báo phỏng vấn, sau đó được lên báo, đăng hình hai đứa mặc hai cái váy kẻ ca-rô giống hệt nhau ^.^). Tôi thì không có bất cứ tài lẻ nào, nên rất hâm mộ nhỏ, mặc dù đôi lúc thấy bất công sao nó nhiều tài như vậy còn tôi thì tẻ nhạt vô vị, không làm được cái gì hay ho như thế cả.
Từ nhà tôi sang nhà nhỏ có một đường đi tắt qua 4-5 cái đầm sen, tôi rất hay trốn nhà sang đó chơi, vì nhà nhỏ lúc nào cũng mở cửa chứ không đóng im ỉm suốt ngày như nhà tôi, và có bạn chơi thì vui hơn chơi một mình nhiều. Hai đứa bày rất nhiều trò: trèo cổng, leo lên sân thượng, ăn chanh muối, đi hái lá sen trong đầm trước cửa nhà, đi tìm cỏ gà, xem tranh của anh hai nhỏ vẽ rất chuyên nghiệp, lục lọi tủ sách văn chương trong nhà, đôi khi chỉ ngồi không ước gì cây hoa quỳnh trong vườn nở vào ban ngày để xem… Tình bạn vẫn là những điều tuyệt vời nhất trong kí ức thời đi học, chứ không phải điểm số hay giấy khen.
Nhưng sự ích kỉ của tôi ngày càng tăng lên, tôi càng ở gần nhỏ chỉ càng thấy mình vô vị chán ngắt, lên cấp 3 có rất nhiều đứa con trai trong lớp thích nhỏ, tôi thấy… ghen tị. Kì lạ là sau này, nhỏ nói với tôi những điều y hệt như vậy, nhỏ cũng đã luôn ghen tị với tôi từ bé, vì tôi giỏi các môn tự nhiên, mà hồi đó người lớn rất kì thị văn thơ mà chỉ thích các môn học tự nhiên, kĩ thuật, và vì tôi đã luôn được thiên vị cưng chiều bởi các thầy cô giáo. Trong khi tôi luôn ước gì mình đừng được thiên vị nhiều như vậy, nhỏ và các bạn khác luôn tìm kiếm sự quan tâm và lời khen từ thầy cô một cách đầy khó khăn. Sự thiên vị của các thầy cô giáo dành cho tôi, có lẽ có hai nguyên nhân lớn, một là sự “gửi gắm” của mẹ tôi đối với thầy cô rất liên tục và đặc biệt, hai là tôi vốn là đứa rất ngoan, thầy cô ai cũng thích học trò ngoan cả. Nhưng sự thiên vị rõ ràng đó đã gây tổn thương không nhỏ đến sự trông đợi được đối xử bình đẳng của tất cả bọn trẻ con chúng tôi.
Cảm giác thua kém và thói ích kỉ khiến tôi không hứng thú nói chuyện nhiều với nhỏ nữa, và hai đứa dần xa nhau. Sau này nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi giận mình rất nhiều nhưng đã không bao giờ có thể làm lại được. Những tài năng về văn, nhạc, họa của nhỏ đã không được người lớn coi trọng giống như tôi, và nhỏ chuyển sang ban tự nhiên chứ không theo đuổi môn Văn sở trường của mình nữa, nhỏ giải thích là: văn học giỏi rồi thì phải thử sức ở những môn khác, để học giỏi đều. Lí do thực sự là ở bố mẹ nhỏ luôn chỉ thích ban tự nhiên, và họ hay so sánh nhỏ với tôi, một sự so sánh các ông bố bà mẹ rất thích làm. Sự chuyển ban này đã làm lệch hẳn con đường sự nghiệp sau này của nhỏ, tôi luôn tiếc nuối phải chi hồi đó chúng tôi luôn biết hỗ trợ nhau theo đuổi đam mê và sở trường của mình.
Ngay khi tôi nhận ra sự vô lý trong việc so sánh bản thân mình với người khác, rằng bản thân mỗi chúng ta sinh ra đời đã là một nguyên bản hoàn hảo không cần cố gắng để giống bất kì ai khác, tôi đã biết sống thật với mình. Tôi nhận ra tuy tôi thực sự không có tài lẻ nào, nhưng tôi có khả năng nhìn thấy nội tâm của người khác và thán phục những tài năng của họ thật lòng. Sau này, qua chuyện Bá Nha Tử Kỳ, tôi mới biết rằng người nghe đàn cũng quan trọng như người chơi đàn vậy, và tài năng thì trên đời này không thiếu, nhưng tình bạn tri kỷ tâm giao thì cả đời người đôi khi chẳng ai có được, chỉ bởi vì những nỗi sợ hãi hơn thua vô nghĩa lý.
Phạm Thu Hường
* Từ câu thơ trong bài “Hoa cúc xanh” của Xuân Quỳnh mà hai đứa tôi rất thích
Hoa cúc xanh có hay là không có
Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
Một dòng sông lặng chảy từ xa
Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ
Hoa cúc xanh có hay là không có
Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa
Mơ ước của người hay mơ ước của hoa
Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế
Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé
Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau
Trái tim ta như nắng thuở ban đầu
Chưa chút gợn một lần cay đắng
Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng
Đời yên bình chưa có những chia xa
Khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa
Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở
Những cô gái da mịn màng như lụa
Những chàng trai đang độ tuổi hai mươi
Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai
Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả…
Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em thường tới đó
Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ…
Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa.
Quả thực không có gì đổi được tình bạn tri kỷ, chị nhỉ :). Cảm ơn chị Hường đã chia sẻ.
ThíchThích
“Tình bạn vẫn là những điều tuyệt vời nhất trong kí ức thời đi học”, quả là như vậy. 🙂
Cám ơn chị đã chia sẻ.
ThíchThích
Và em thấy cảm giác thua kém này vẫn thường xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng khi mình xác định được giá trị của mình, như chị chia sẻ, thì đó thật là “những nỗi sợ hãi hơn thua vô nghĩa lý”.
ThíchThích
Em cảm thấy mình thật may mắn khi có được tình bạn tri kỷ. ^^ . Em cảm ơn chị đã chia sẻ.
ThíchThích
Hi Thu Hường
Trong cuộc sống mình cũng có cảm nhận chính sự so sánh giết chết không chỉ tình bạn mà cả đến tình yêu!
Một khi còn so sánh ganh tị là còn chưa biết trân quí những gì thuộc về mình những gì là của mình còn đứng núi này trông núi nọ cho nên không cảm nhận được hạnh phúc mình đang có.
Cảm ơn Thu Hường về bài viết.
Matta Xuân Lành
ThíchThích
Câu này “Sự chuyển ban này đã làm lệch hẳn con đường sự nghiệp sau này của nhỏ”. Bố mẹ thường thích ảnh hưởng sự lựa chọn của con cái như thế, nhưng đó thường là không tốt để con có thể phát triển hết tiềm năng của mình.
Và thiên kiến của bố mẹ (so sánh các trẻ với nhau) thường làm cho các trẻ xa nhau và ganh tị nhau như vậy đó. Tks Hường.
ThíchThích
Cảm ơn Hằng, Thu Hương và em Ngần, chị tin là các em luôn là người bạn tốt nhất của chính mình và bạn thật của những người bạn các em yêu quý. Chị nghĩ làm bạn với nhau cũng là có duyên giống như vợ chồng vậy, mà nói cho cùng thì bất kì liên hệ nào cũng là có duyên, như câu nói cổ xưa: “Không có bất kì một bông tuyết nào rơi sai chỗ” ^.^
Chị cũng hi vọng những trải nghiệm và những sai lầm của mình có thể giúp các lứa em sau biết trân trọng bản thân và tình bạn hơn.
Em cảm ơn chị Xuân Lành và anh Hoành đã hiểu những vấn đề của trẻ con, nhiều khi chỉ cảm thấy ghen tị một cách rất tự nhiên, như hôm qua em gửi link bài viết này cho nhỏ bạn ở trong bài, nhỏ nói: “Ui chị lại bắt đầu khiến em ghen tị rồi đấy!” (bạn bè vẫn hay gọi em bằng chị), em nói: “Chị hối hận lắm mới viết đc bài này mà em lại ghen tị ah :D”, em viết bài này như một món quà và một lời xin lỗi cho nhỏ vậy, mặc dù em biết nhỏ chẳng giận em bao giờ.
ThíchThích
Tôi cũng thấy ganh tị va bn thân của mik nhưng cảm giác thua kém thực sự rất khó chịu
ThíchThích
Chào Thu Trang,
Mình nhớ có câu Phật nói ba điều khổ của con người là: thấy mình kém người khác, thấy mình hơn người khác, và ngay cả thấy mình bằng người khác. Hóa ra nguyên nhân gốc của nỗi khổ chính là ở sự so sánh, bởi so sánh bản thân với người khác là một điều vô nghĩa mà 😀
Mình tặng Trang bài này của anh Hoành nè:
“Tại đây ta có thể nghe một thắc mắc quen thuộc: “Mấy đứa người mẫu, trời sinh chúng nó đẹp, cho nên dù dốt hay giỏi thì vẫn thành công, còn em thì cái gì cũng trung bình hay dưới trung bình, làm sao mà bì được?” Dĩ nhiên rồi, làm sao mà bì được? Ở đời không nên so bì với người khác, vì mỗi người chúng ta là một chủ thể đặc biệt, với một con đường sống đặc biệt. So bì với người khác thì chẳng khác nào so sánh quả cam với quả táo. Thành công của người khác không phải là thành công của mình. Hơn nữa, ngay cả từ “thành công” cũng rất là tương đối về ý nghĩa. Thông thường người ta nghĩ rằng tiền bạc, địa vị, tên tuổi là thành công. Nhưng nếu hỏi các vị tài tử nổi tiếng đã tự tử chết, và nếu có thể mấp máy được vài câu bây giờ, có lẽ là chẳng vị nào đồng ý với định nghĩa thành công đó.” (https://dotchuoinon.com/2009/02/13/s%E1%BB%A9c-m%E1%BA%A1nh-c%E1%BB%A7a-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng/)
Chúc Trang luôn vui và tự tin 🙂 ,
TH
ThíchThích
Bài viết vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, thấm thía. Hay quá chị Hường ah. Em cảm ơn chị! 🙂
ThíchThích
Cảm ơn Châu đã chia sẻ với chị 🙂 Nhớ lại ngày nhỏ thấy ngốc quá nên chị viết ra vậy thôi, mà thực ra mầm ganh tị không thể hiện ngay từ đầu, khi nhỏ xíu thì trẻ con nhận thức rất rõ và không bị ganh ghét: “Tôi thì không có bất cứ tài lẻ nào, nên rất hâm mộ nhỏ”. Chỉ sau này khi lớn lên chút nữa (khoảng trên 10 tuổi) cái mầm ganh tị mới dần mọc lên và làm khổ nhiều người.
Có một bài trên ĐCN nói rất hay về tâm Hỉ :
“Hỉ (Mudita) là chia vui, như là chia vui với bạn làm đám cưới hay vừa được đi du học… Và đây có lẽ là đức hạnh khó thực hiện nhất đối với nhiều chúng ta, vì thường khi ta chia vui với bạn ngoài miệng mà trong lòng thì khác…
Thấy người khổ mình thương cảm (bi) và tìm cách mang niềm vui đến người (từ) thì còn dễ, nhưng chia vui thực sự với bạn về những thành công của bạn là một điều có thể là khó.
Ganh tị là mầm khổ của hầu hết mọi người.”
Đúng là về sau chị mới thấy ai cũng cần một người bạn như vậy, thành thực vui với thành công của bạn như của chính mình, đó là một người bạn mà ai cũng mơ ước có được. Và khi còn nhỏ thì chúng ta ai cũng đã từng là người bạn như thế 🙂
Chúc em vui,
c. H
ThíchThích