Thứ bảy, 20 tháng 6 năm 2009

Bài hôm nay:

“The Rite of Spring” – Stravinsky , Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, chị Loan Subaru giới thiệu và nối links.

Thị trấn cổ Trấn Viễn, Văn Hóa, chị Kiều Tố Uyên.

Daily English Discussion, anh Trần Đình Hoành.

Bị ném gạch , Danh Ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

May mắn , Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Ai qua là bao chốn xa…, Trà Đàm,Văn, Phạm Lữ Ân.

Abraham Lincoln không bỏ cuộc, Trà Đàm, anh Nguyễn Minh Hiển.

Thân em như tờ giấy trắng ?, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Học bổng

175 suất học bổng phát triển Australia – Các lĩnh vực tập trung ưu tiên nộp học bổng gồm: hội nhập kinh tế, giảm đói nghèo ở những vùng dân tộc thiểu số, y tế, phương pháp giảng dạy và năng lực nghiên cứu tại các trường ĐH… Hạn cuối cùng nhận đơn dự tuyển vào ngày 17.7.2009. Thông tin thêm về chương trình có thể xem tại: www.ads.edu.vn
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Lãnh đạo Tối Cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cảnh cáo là các cuộc biểu tình phải chấm dứt ngay. Ông nói bầu cử phải được giải quyết tại thùng phiếu chứ không phải trên đường phố.

1 tỉ người thiếu ăn trên thế giới – Con số này lớn hơn số cũ 100 triệu, do khủng khoảng kinh tế thế giới, theo Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO).

Quốc hội Nhật thông qua đạo luật cho tăng quyền cho hai quân Nhật trong vấn đề hải tặc ở Somalia

Bắc Triều Tiên lọt vào vòng tứ kết World Cup bóng đá – Đây là lần thứ hai Bắc Triều Tiên vượt qua vòng loại. Lần đầu tiên năm 1966.

Bé gái được xem Disney-Pixar phim “Up” trước khi chết — Colby Curtin, 10 tuổi, bị ung thư nặng và rất muốn xem phim “Up” mới ra của Disney-Pixar (hợp tác của Walt Disney và Pixar), vì em đã xem quảng cáo nó hồi tháng 4. Nhưng bây giở khi phim ra thì em không đủ sức đến rạp. Một người bạn của gia đình em gọi hãng phim, và hãng phim cho nhân viên mang một đĩa DVD ngay đến nhà, cùng với các búp bê nhồi bông của các nhân vật trong phim và một số kỷ vật liên hệ đến phim.

Em Colby không đủ sức mở mắt để xem, nhưng mẹ em kể cho em nghe những gì đang xảy ra trong phim. Sau khi hết phim, người nhân viên của công ty lấy đĩa DVD lại đem về, vì phim này chưa được ra đĩa trên thị trường. Mắt người nhân viên đẫm lệ. Em Colby chết tối hôm đó.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM: Ý tưởng sát thực tế – Những sản phẩm, mẫu vật hình thành từ nhiều ý tưởng, với đủ chất liệu, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc. Sáng tạo khoa học một lần nữa cho thấy vẫn là sân chơi hấp dẫn với tuổi học trò TP.HCM.

Hỗ trợ phụ nữ khó khăn học nghề – Tập đoàn L’Oreal (Pháp) vừa công bố 100 sáng kiến được thiết kế để hỗ trợ các vấn đề cộng đồng khác nhau trên toàn cầu trong dịp kỷ niệm 100 thành lập. Tại Viêt Nam, dự án của L’oreal VN có tên gọi “Sống để làm đẹp – Làm đẹp để sống”.

Làm giàu nhờ trồng cây hiếm – Linh dược hoàng chi – Giới khoa học trong nước gọi Ngô Anh (khoa Sinh, trường Đại học Khoa học Huế) bằng cái tên thân mật “tiến sĩ nấm”, bởi ông đã phát hiện và nuôi cấy thành công nhiều loài nấm, trong đó có linh dược quý hiếm hoàng chi.

Ý tưởng marketing xuất sắc nhất khu vực – Giải thưởng marketing xuất sắc khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần đầu được trao cho một người Việt là Phạm Tấn Trung (Trưởng phòng marketing Công ty Sanofi – Aventis VN).

Đề tài từ hoa sen – Đề tài “Kế hoạch thành lập nhà hàng Hoa Sen với phương thức tiếp cận thực tế” của SV Lê Thị Mỹ Linh (lớp 07D2, khoa Du lịch) đã thu hút nhiều sự chú ý tại buổi hội thảo nghiên cứu khoa học do trường ĐH Văn Hiến tổ chức.

Sóc Trăng: Thủ khoa tốt nghiệp THPT là một nhà sư – Đó là tăng sinh Danh Chanh Đa Ra (người dân tộc Khmer), học viên trường bổ túc văn hoá Pali trung cấp Nam Bộ, đậu tốt nghiệp loại giỏi.

Hệ thống xử lý nước thải ion kim loại – Đó là công trình của thạc sĩ Lê Kiên Cường – giảng viên trường ĐH Lạc Hồng. Với hệ thống này, khi sinh viên (SV) làm xong thí nghiệm, các loại hóa chất sẽ được tích lũy lại, chứ không đổ thẳng ra môi trường như trước.

Trao giải thưởng Ngòi bút trẻ năm 2009 – Có 2 tập thể phóng viên, biên tập viên và 17 phóng viên, biên tập viên đã được nhận giải thưởng này.

Ngày hội giáo dục đầu tiên ở TP HCM – diễn ra từ ngày 26/6 đến 28/6, tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP HCM. Nhiều diễn đàn hội thảo về phát triển giáo dục cũng sẽ diễn ra tại đây.

Ca nhạc gây quỹ cho trẻ nghèo mổ tim – Với chủ đề Nối nhịp trái tim, chương trình năm nay (do Hội Chữ thập đỏ, Báo Nữ Doanh Nhân phối hợp tổ chức) sẽ diễn ra lúc 20 giờ 30 ngày 19.6 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM và được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 – Đài truyền hình TP.HCM.

Thêm một tỷ đồng cho chương trình Trái tim cho em – Ngày 17/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) ký cam kết tài trợ một tỷ đồng cho Quỹ Trái tim cho em với Đài Truyền hình Việt Nam.

Đạp “mòn lốp xe” vì một kế hoạch lớn – Tổ chức có 43 CLB thành viên tại các trường ĐH dọc theo chiều dài đất nước với khoảng 10.000 sinh viên tham gia. Vào mỗi dịp hè tổ chức tiến hành cho các thành viên đạp xe xuyên Việt đến giúp đỡ, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, khó khăn, các hoàn cảnh đặc biệt, éo le; bảo vệ môi trường; an toàn giao thông… Xem thêm Gom đồ cũ vượt dãy Trường Sơn

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tại nhiều tỉnh tăng ấn tượng
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

“The Rite of Spring” – Stravinsky

Rite of SpringChào các bạn,

Trong chuyên mục Nhạc Xanh lần trước, mình đã giới thiệu với các bạn những nhạc phẩm cổ điển khá nhẹ nhàng và tương đối dễ nghe. Tuy nhiên, hôm nay, để thay đổi không khí, mình xin được giới thiệu với các bạn phần âm nhạc trong vở ballet nổi tiếng “The Rite of Spring” qua phần biểu diễn hết sức ấn tượng và điêu luyện của của nghệ sĩ piano tài hoa người Thổ Nhĩ Kỳ – Fazil Say. 

“The Rite of Spring” là một vở ballet nổi tiếng, công diễn lần đầu tiên vào ngày 29/5/1913 ở Pháp. Phần âm nhạc của vở ballet này được soạn bởi nhà soạn nhạc người Nga Igor Fyodorovich Stravinsky (người được coi là một trong những nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20). Âm nhạc trong vở ballet này có tiết tấu phức tạp, không hài hòa và rất nghịch tai. Vì thế, nó có thể gây cảm giác khó chịu cho những ai không quen nghe hoặc lần đầu tiên nghe nhạc kiểu này (Xin bật mí với các bạn là lần đầu tiên nghe “The Rite of Spring”, suốt đêm mình đã không ngủ được!) 

Sau đây là 2 video clip: 1) Video clip Fazil Say biểu diễn piano 4 tay rất ngoạn mục và 2) Video Clip trích đoạn của vở Ballet “The Rite of Spring”. Mời các bạn thưởng thuc và cho ý kiến sau khi nghe! 😀

Loan Subaru

 

 

Thị trấn cổ Trấn Viễn

Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc
Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc

Đã rất lâu rồi trong một lần đọc sách tại thư viện trường 广西医科大学 tôi có tìm được một cuốn sách liên quan đến Quý Châu, liên quan đến thị trấn cổ Trấn Viễn. Trong cuốn sách đó có lưu một vài bức ảnh về phong cảnh nơi đây và tôi đã bắt đầu thích thú tìm hiểu về Trấn Viễn từ hồi đó. Nhưng lúc đó còn phải đi học, phải bận bịu với thi cử và cũng chưa thật sự quyết tâm lắm nên tôi cũng chỉ biết đến Trấn Viễn qua sách báo mà thôi .

Thời gian gần đây vì tâm tư không được thoải mái tôi đã quyết định đi đâu đó để thay đổi không khí, không biết vì vô tình hay vì có duyên với Trấn Viễn mà tôi lại tìm được quyển sổ ghi chép về Trấn Viễn từ hồi còn học đại học. Tôi đã thuyết phục được một vài đồng nghiệp cùng mình đến đó trong mấy ngày cuối tuần vừa qua.

Sắc tộc Miêu Sừng Dài ở Quý Châu
Sắc tộc Miêu Sừng Dài ở Quý Châu

Quý Châu là một tỉnh có nhiều núi và cao nguyên. Phía Bắc giáp Tứ Xuyên, Tây giáp Vân Nam, Nam giáp Quảng Tây và Đông giáp Hồ Nam. Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung quốc và có nhiều dân tộc thiểu số nhất Trung quốc. Hơn 37% dân số Qúy Châu là các sắc tộc thiểu số, và 55% diện tích của tỉnh dành riêng cho các khu tự trị của các sắc dân thiểu số. Huyện Trấn Viễn nằm trong khu tự trị của dân tộc Miêu và dân tộc Đồng (Kiềm Đông Nam).

Một chuyến đi thật vất vả, chúng tôi phải ngồi ô tô một tiếng đồng hồ đến ga Tương Đàm, rồi lại nằm trên tàu mất 8h đồng hồ mới đến nơi. Khi đặt chân đến nhà ga Trấn Viễn ấn tượng của tôi không được tốt cho lắm. Đó là một nhà ga chật hẹp và cũ kĩ, lại chen chúc không biết bao nhiêu là người. Tôi hết bị đẩy về phía trước rồi lại bị xô sang trái, sang phải và thật vất vả mới có thể thoát khỏi khu nhà ga đầy khách du lịch ấy. Tôi lấy quyển sổ ghi chép của mình ra và bắt đầu cuộc hành trình của mình .

Nguời Đồng trong lễ phục.  Người dân tộc Đồng sống ở Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây (Trung quốc) và Bắc Việt Nam
Nguời Đồng trong lễ phục. Người dân tộc Đồng sống ở Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây (Trung quốc) và Bắc Việt Nam

Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là khu phố cổ Miêu Cương. Miêu Cương được chia làm 6 khu nằm dọc hai bên bờ sông Vũ Dương. Khu 1 là khu phố đi bộ và cũng được coi là khu phố phát triển nhất tại đây, đa phần tầng một là những gian bán hàng lưu niệm hay quà đặc sản cho khách du lịch. Những trái kiwuy được cắt thành khoanh tròn, hay những trái cà chua nhỏ bằng đầu ngón tay được tẩm một lớp mật ong bên ngoài và sấy khô… được đựng trong những hộp kính trông rất hấp dẫn, bên cạnh đó là một sạp gỗ được xếp rất nhiều những ống tre bên trong có đựng rượu, còn sạp đối diện thì đặt rất nhiều những hộp đậu phụ thối, măng chua…
Toàn cảnh trị trấn Trấn Viễn bên dòng Vũ Dương
Toàn cảnh trị trấn Trấn Viễn bên dòng Vũ Dương
Đồ lưu niệm thì chủ yếu là những khung thêu phong cảnh Vũ Dương hay Động Thanh Long… và có một gian hàng mà tôi rất thích vì ở đó bán rất nhiều những đôi hài bằng lụa, bên trên được thêu bằng những sợi chỉ ngũ sắc trông rất lạ mắt .

Khoảng 12h trưa chúng tôi rời khỏi khu 1 và sang khu 2. Đây là khu nhà trọ dành cho khách du lịch, sau khi kiếm được phòng nghỉ với giá vừa phải, chúng tôi đã vứt đồ ở đó rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình đến khu 3. Khu này bán toàn đồ ăn uống, đồ ăn ở đây cay lắm lại nhiều dầu nữa, vì họ cho rằng nhiều dầu là thể hiện tấm lòng quý mến khách.

Trước Động Thanh Long
Trước Động Thanh Long

Ăn xong, chúng tôi đi bộ lang thang đến khu 4 và lên thuyền chạy dọc trên sông Vũ Dương。 Sông Vũ Dương được phân thành 394 địa điểm du lịch như: Thành cổ Trấn Viễn, Suối Thiết, Thượng /Hạ Vũ Dương, núi Vân Đài…

Thành cổ Trấn Viễn nằm ở đoạn cuối của sông Vũ Dương, đã có 2000 năm lịch sử và được liệt kê là một trong những thành cổ nổi tiếng của Trung Quốc. Trong thành có 5 cảnh quan nổi tiếng là: Động Thanh Long, Động Trung Nguyên, Động Ngô Vương, Thôn Hòa Bình, Điện Tứ Cung. Trong đó Động Thanh Long được cho là kiến trúc cổ có quy mô lớn nhất, kết cấu tinh xảo nhất và là đại diện cho quần trúc cổ của Qúy Châu .

Nhà cổ ở thôn Hòa Bình
Nhà cổ ở thôn Hòa Bình

Động Thanh Long nằm trên vách núi cheo leo , trong động có sử dụng hạ điếu, nham thạch, trúc đài …các loại kiến trúc cổ, vì vậy Động Thanh Long luôn giữ được bản sắc “trong Động có Lầu” và “trong Lầu có Động”. Động Thanh Long bao gồm 6 cảnh quan chính là: Cầu Chúc Thánh, Thiền Viện Truy Nguyên, Cung Vạn Thọ, Nham Hương Lô… Đây cũng là nơi hội tụ của phật giáo kinh điện, đạo giáo miếu đường, viện nho giáo.
Phố cổ Miêu Cương
Phố cổ Miêu Cương

Sau khi thăm hết Động Thanh Long chúng tôi đã vào một quán lẩu cá nằm ngay cạnh sông Vũ Dương , vừa giải quyết cái bụng đói meo vừa ngắm cảnh thành cổ vào buổi tối thật là sảng khoái. Ăn xong chúng tôi đi dọc phố và gặp rất nhiều những nhóm hát kinh kịch. Người già ở đây rất yêu thích môn nghệ thuật này vì vậy trên bất kì dãy phố nào bạn cũng có thể bắt gặp những nhóm như thế này. Lang thang về phía gần bến có rất nhiều sạp hàng bán đồ ăn đêm, chủ yếu bầy bán cá nướng, tôm nướng, đậu phụ thối rán… Người dân ở đây đàn ông thì thích ngồi quây quần thành từng bàn nhỏ để đánh cờ, phụ nữ thì tập chung thành một tốp để học nhảy…

Một ngày mệt mỏi cần phải được nghỉ ngơi ,chúng tôi đã quyết định quay trở về khách sạn và chuẩn bị cho chuyến đi của ngày hôm sau .

Suối Thiết
Suối Thiết

Buổi sáng của ngày thứ 2 chúng tôi đã quyết định đi Suối Thiết , mất hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi xe đến đó , rồi lại phải đi bộ men theo sườn núi mất 1 tiếng rưỡi mới đến đích cuối cùng。 Tổng chiều dài của Suối Thiết là 21km, vì chảy qua nhiều đoạn đất khác nhau nên có nhiều tên gọi khác nhau , từ đầu nguồn đến đoạn thôn Mã Lộ Hà được gọi là Suối Cam , đoạn từ thôn Mã Lộ Hà chảy đến Long Trì được gọi là Suối Mã Lộ Hà , từ Long Trì chảy đến kênh Hắc Đường gọi là Suối Long Đường, từ kênh Hắc Đường đến Động Tân Kiều gọi là Suối Ông Tử, và từ Động Tân Kiều đến đầu Suối Thiết gọi là Suối Thiết Sơn.

Vừa đi vừa tán chuyện nên chúng tôi đến đích rất nhanh ,đó là một hồ nước phẳng lặng như gương, người ta nói rằng hồ nước này sâu không xác định được đáy, bởi vậy mà nước hồ mang màu xanh ngọc trông rất đẹp. Chúng tôi dừng chân tại đây để chụp ảnh, nghịch suối, ăn uống, đánh bài, hát hò… và đến 3h chiều lại men theo con đường cũ quay trở lại bến xe và đi thẳng đến ga tàu để trở về Trường Sa.

Kiều Tố Uyên
Hồ Nam,Trung Quốc

Daily English Discussion–Saturday, June 20, 2009

Hi everyone,

Do you have a good sense of humor?  If yes, write a funny caption for this picture.

Under the picture is my attempt at a funny caption (and I am not known for being humorous, so if you don’t feel it funny, too bad!)

“Hmm… it’s coming a little too fast for a sharp picture”

Now your turn. Shoot!

TODAY’S CHALLENGE

A short quote to challenge your translation skill.  Could you translate this into Vietnamese?
“Death is more universal than life; everyone dies but not everyone lives.”
– A. Sachs

All right.  Have a nice weekend everyone.

Hoành

Ai qua là bao chốn xa…

nha

Có một hôm, tình cờ lạc vào forum của trường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thuở ấu thơ: “Bình yên – là khi được ra khỏi nhà”

Tôi hiểu vì sao bạn viết vậy, và tôi đọc được phía sau dòng chữ ấy một nỗi buồn vô hạn.

Nhà chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.

Nhà trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.

Nhà trong ký ức của tôi là một căn nhà nhỏ xíu khi tôi chưa đầy ba tuổi, nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua.

Nhà trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường, chính là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác.
comgiadinh

Nhà cũng có thể một gia đình ba người hay thậm chí hai mươi người, một thị trấn nhỏ hay một thành phố lớn.

Nhà đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông trên bản đồ thế giới, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.

Nhà cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình.

Để tìm lại bình yên.

Nhà chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với bình yên. Và khi nào nhà trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của bất hạnh.
giađình
Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, bình yên của nhà không được mặc định là có sẵn. Nhà là phần cứng, còn bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và thấu hiểu là phần mềm.

Bởi thế cho nên, bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của nhà, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được nó, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó.

Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim ấm sẵn sàng sẻ chia, một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi.

Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để setup nhà thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, lúc chúng ta cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu hát này:

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…”

Tôi vẫn nhớ, cho đến bây giờ, bài hát ấy. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu đã không nơi đâu có thể bằng được mái nhà mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình, là đừng để nhà trái nghĩa với bình yên. Và rằng đừng đợi đến khi ta “qua bao chốn xa” rồi mới thấy mình yêu thương nó, vì biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được.

Phạm Lữ Ân

Abraham Lincoln Không Bỏ Cuộc

abrahamlincoln
Chào các bạn,

Có lẽ tấm gương lớn nhất về lòng kiên trì là Abraham Lincoln(1809 –1865), một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Vị tổng thống đã can đảm chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ và do đó, chế độ nô lệ tại những nơi khác trên thế giới.

Abraham sinh ra trong nghèo khổ. Ông không có điều kiện đi học chính thức. Kiến thức của ông chủ yếu đến từ tự đọc Kinh Thánh, sách tiếu sử, và sách văn chương.

Ông đối diện với thất bại suốt cuộc đời ông. Ông thua tám cuộc bầu cử, hai lần thất bại trong kinh doanh và từng chịu đau đớn suy sụp thần kinh nhiều tháng ròng.

Ông đã có thể bỏ cuộc rất nhiều lần – nhưng ông không làm như vậy bởi vì ông không phải người bỏ cuộc. Ông là nhà vô địch. Ông đã vượt lên tất cả để sau 30 năm, trở thành một trong những tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử nước Mỹ.

Chúc các bạn một hành trình kiên trì,

Hiển.
.

Sơ lược con đường đến Nhà Trắng của tổng thống Lincoln

• 1816: Gia đình ông bị đuổi khỏi căn nhà của họ vì nghèo. Ông phải đi làm để hỗ trợ gia đình.

• 1818: Mẹ ông qua đời.

• 1831: Kinh doanh thất bại.

• 1832: Tranh cử vào cơ quan lập pháp của tiểu bang – thua.

• 1832: Bị mất việc – muốn vào học trường Luật nhưng không đủ sức vào.

• 1833: Mượn chút tiền của bạn để tạo dựng một doanh nghiệp và cho tới cuối năm ông bị phá sản. Ông dành cả 17 năm sau đó để trả món nợ này.

• 1834: Chạy đua lần nữa vào cơ quan lập pháp tiểu bang – thắng.

• 1835: Đính hôn để tiến tới hôn nhân – người yêu của ông chết và con tim ông vỡ vụn.

• 1836: Suy sụp thần kinh hoàn toàn và nằm bệnh trong sáu tháng.
whitehouse
• 1838: Tranh vị trí phát ngôn viên cho lập pháp của tiểu bang – bị đánh bại.

• 1840: Cố gắng vào danh sách ứng vử viên quốc hội liên bang – bị đánh bại

• 1843: Chạy đua vào quốc hội liên bang – thua.

• 1846: Chạy đua cho Quốc hội lần nữa – lần này ông thắng – đi tới Washington và làm việc tốt.

• 1848: Chạy đua cho vào Quốc hội nhiêm kỳ nữa – thua.

• 1849: Xin làm cán bộ sở đất ở tiểu bang Illinois quê nhà của ông – bị chối bỏ.

• 1854: Chạy đua vào Thượng viện liên bang – thua.

• 1856: Cố để được đề cử vào vị trí ứng cử viên cho Phó tổng thống trong kỳ hội nghị quốc gia của đảng của ông – được vỏn vẹn dưới 100 phiếu bầu.

• 1858: Chạy đua vào Thượng viện liên bang tiếp – lại bị thua.

• 1860: Được bầu làm Thổng thống Mỹ

Cuộc đời của Lincoln chính là cuốn sách mở về lòng kiên trì.

Lincoln nói:

Cái cảm giác “phải đi tiếp” có trong tất cả chúng ta. Nhiệm vụ “cố gắng” là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Tôi cảm được tiếng gọi đến với nhiệm vụ đó.

    The sense of obligation to continue is present in all of us. A duty to strive is the duty of us all. I felt a call to that duty.


Con đường trầy trụa và trơn.
Chân tôi trượt,
Đá chân kia bay ra khỏi đường,
Nhưng tôi hồi phục và tự nhủ,
Đấy là cú trượt chứ không phải cú ngã.

    The path was worn and slippery.
    My foot slipped from under me,
    knocking the other out of the way,
    but I recovered and said to myself,
    It’s a slip and not a fall.

Đừng bao giờ bỏ cuộc!

Nguyễn Minh Hiển

Thân em như tờ giấy trắng ?

inkblot
Chào các bạn,

Tờ giấy trắng là hình ảnh rất quen thuộc để ví đời sống tinh khiết của một người. Và khi một lầm lỗi xảy ra, đó là một vết mực bôi vào tờ giấy trắng. Thế thì làm sao ta xóa vết mực đó đi?

Dĩ nhiên là ta dùng cục tẩy hay thuốc tẩy hay màu sơn trắng. Nhưng dù dùng thứ gì đi nữa, thì tờ giấy trắng tinh khiết vẫn không còn tinh khiết nữa. Nó bắt đầu xù xì bẩn thỉu hao mòn. Và nếu thỉnh thoảng ta lại bị một vệt mực và phải tẩy như thế, thì chỉ sau năm mười lần, tờ giấy của ta bắt đầu rách nát. Thêm năm mười lần nữa, tờ giấy thành những mảnh vụn.

Nếu cuộc đời chúng ta là tờ giấy như chúng ta vẫn quen nghĩ, thì cuộc đời quá tuyệt vọng, phải không các bạn? Bắt đầu 13, 14 tuổi là đã phải bắt đầu tẩy xóa. Đến khoảng 30 thì đã thành những mảnh vụn rơi lả tả rồi, lấy đâu mà đến 40, 50? Dưới lối suy tư này thì sau 30 chúng ta chỉ còn là những xác ướp đi lang thang thôi chứ đâu còn cuộc đời nào nữa để sống!

Vậy thì điều gì không ổn trong luận l‎y’? Thưa, đó là vì ví dụ tờ giấy không đúng. Sống là thay đổi, là sinh trưởng không ngừng. Tờ giấy đâu có sinh trưởng thay đổi (trong ngữ cảnh này), làm sao ta có thể ví nó như đời sống được?
cherry-tree-jefferson-memorial
Cuộc đời của ta thật ra là một thân cây không ngừng lớn. Mỗi mùa xuân cây đâm chồi mới, lá mới, cành mới. Mỗi mùa thu lại rơi hết lá. Rồi mùa xuân năm sau lại tái sinh. Và cứ thế năm này sang năm khác, mỗi năm lớn hơn một tí, cao hơn một tí, mạnh mẽ hơn một tí.

Những cành lá mới mỗi mùa xuân là sức sống mới của ta—kiến thức mới, đức hạnh mới, cũng như những sai lầm mới. Mỗi mùa thu chúng rụng hết, để sang năm một lớp khác lại trỗ. Mỗi lần lập lại là một nhịp trưởng thành.

Cho nên những lỗi lầm ta đã làm những tháng năm về trước đã biến mất theo những mùa thu cũ. Đừng ngồi đó ủ rũ tưởng mình là tờ giấy nát nhàu.

Nhiều mùa thu đã đi qua. Những tàn lá cũ đã rụng lâu lắm rồi. Đừng nhặt bao nhiêu lá chết lên và nhất định phải gắn lại trên cành.

Ngày hôm nay ta có những cành lá mới, những kiến thức mới, những rung động mới, những tư duy mới, những đức hạnh mới. Hãy sống với những cành lá mới này của mùa xuân đang nở.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use