Vui nhộn “Vũ khúc Hungari số 5”

JohannesBrahmsChào các bạn,

Trong chuyên mục Nhạc Xanh ngày hôm nay, mình xin được giới thiệu với các bạn một giai điệu rất quen thuộc. Mình tin chắc rằng các bạn đã nghe nhạc phẩm này đâu đó rất nhiều lần nhưng không để ý. Ngoài ra, bản nhạc này cũng được sử dụng cho bộ phim hài “The Great dictator” với sự diễn xuất hết sức vui nhộn của danh hài Charlie Chaplin. Đó là nhạc phẩm “Vũ khúc Hungari số 5” của nhà soạn nhạc người Đức Johannes Brahms.

 * Tiểu sử (theo Wikipedia): Johannes Brahms (7/5/1833 – 3/4/1897) là một nhà soạn nhạc, chơi đàn piano và chỉ huy dàn nhạc người Đức. Các tác phẩm của ông được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn. Trên bầu trời nghệ thuật thế giới nửa sau thế kỷ 19, âm nhạc của Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung di sâu sắc của tâm hồn, như một chòm sao rực ráng. Ông là người tiếp nối các truyền thống hiện thực cổ điển và “làm giàu” chúng bằng những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy chất triết học trữ tình đặc trưng của Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số phận của con người hiện đại.

Hungarian dance No5Brahms sinh ngày 7/5/1833 tại thành phố cảng Hamburg, miền Bắc nước Đức, là con thứ trong gia đình một nhạc sĩ nghèo, dòng dõi thị dân, thổi flute, kèn cor, chơi contrebasse trong các nhà hàng hạng hai và hộp đêm của Hamburg. Năm 1862, đau lòng vì không tìm được một mái nhà nghệ thuật vững chắc cho riêng mình ở thành phố quê hương Hamburg, Brahms rời bỏ Tổ quốc sang sống ở Vienna (khi ấy được coi là thủ đô âm nhạc của thế giới).

10 năm ở Vienna là thời kỳ sáng tạo của Brahms đạt tới đỉnh cao huy hoàng. Trừ opera và âm nhạc theo chương trình, ông đã viết đến 380 tác phẩm thanh nhạc, 3 sonata, 5 biến tấu, 5 ballad, 3 rhapsody … cho piano, 3 sonata cho violin, 2 sonata cho cello và nhiều tác phẩm Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu … trong đó có nhiều tuyệt tác như Biến tấu theo chủ đề của Paganini (A-moll), Quintet cho piano (F-moll), Sonata số 3 cho violin, Concerto số 2 cho piano (B-dur) – một “giao hưởng” 4 chương độc đáo có phần solo của piano. Đặc biệt với các tác phẩm giao hưởng, Brahms trở thành một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của lịch sử âm nhạc thế giới thế kỷ 19. Vinh quang dồn dập đến với Brahms. Ông được tặng huân chương Leopold của hoàng đế nước Áo, viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Berlin, học vị tiến sĩ của Đại học Cambridge, Đại học Breslau, công dân danh dự của thành phố Hamburg … Ông cũng đã yêu vài người đàn bà, kể cả Clara Schumann, nhưng chưa bao giờ lấy vợ. Cuối đời Brahms sống cô độc, tránh xa đám đông. Chuyện rằng, chủ nhân một cuộc tiếp khách trọng thể muốn lấy lòng ông, đưa trước Brahms danh sách khách mời và đề nghị ông gạch tên bất cứ ai ông không thích, Brahms đã lấy bút gạch … tên mình ! Brahms mất ngày 3/4/1897 tại Vienna vì ung thư gan.

* Vũ khúc Hungari số 5:

Brahms viết tổng cộng đến 22 bản Vũ Khúc Hungari cho piano và violon. Đây là những biến tấu dựa trên các làn điệu dân gian Hungari. Trong 22 bản trên, bản vũ khúc số 5 nổi tiếng nhất và được xem như một kiệt tác. Vũ khúc số 5 được người nghe yêu thích nhất vì tiêt tấu của nó nổi trội hơn hẳn những bản còn lại, và nó thường được chơi trong những buổi hội hè, khi những người bạn, người thân trong gia đình tụ tập vui chơi với nhau.

Sau đây là 3 video clip: 1) Video clip do dàn nhạc giao hưởng Yorba Linda biểu diễn, 2) Video clip trong phim “The Great dictator” và 3) Video clip do ban nhạc nữ Bond biểu diễn. Mời các bạn thưởng thức và chúc các bạn một ngày thật vui!

Loan Subaru

Leave a comment